DÒNG SÔNG NHẬN THỨC (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 1 person, standing and text

Hôm qua vác máy đi chụp hình chim trong xóm tôi chợt nhớ lại cách đây hơn nửa thế kỷ cũng từng đi lang thang trong xóm tìm chim như thế này. Khác chăng ngày đó tìm chim không phải để chụp hình mà để giết chúng, nhổ lông chúng, nướng chúng và xé thịt chúng ra ăn.

Hình ảnh những cậu bé sáu, bảy, tám tuổi với niếc ná gọng ổi và hai dây cao su cắt từ ruột xe đạp màu đỏ còn rõ như in trong đầu. Đám trẻ đi lang thang suốt buổi. Chim trong xóm không nhiều.Thỉnh thoảng bọn tôi mới hạ được một chú se sẻ màu xám tro hay một chú đội mũ màu xanh, đem về nhổ lông và nướng. Chim quá nhỏ, thân hình chưa bằng chiếc đủa, nướng chưa chín đã bốc mùi cháy khét. Thế mà mỗi đứa vẫn được chia phần để thưởng thức món ăn sang trọng.

Tuổi thơ ngày đó thật dại khờ và đầy tội lỗi. Sau này các anh chị huynh trưởng trong Gia Đình Phật Tử biết được và bắt quỳ hương, từ đó mới chừa.

Nhắc chuyện hối tiếc thời trẻ dại tôi chợt nghĩ đến một đoạn trong phim The Shawshank Redemption.

Đa số người xem đều đồng ý phim The Shawshank Redemption là một phim hay nhưng nếu có một thăm dò đoạn phim nào hay nhất, người xem có thể có chọn lựa khác nhau.

Khi đang viết đoản văn này mà nếu được hỏi, tôi sẽ chọn đoạn Red được ra khỏi nhà tù Shawshank sau khi đã ở 40 năm là đoạn hay nhất.

Tại sao? Vì đó là lúc Red lắng lòng nhìn lại thời tuổi trẻ nông nổi của mình với đầy hối tiếc nhưng biết sẽ không bao giờ làm lại được.

Phim diễn rằng, hôm đó như hàng năm, đơn xin trả tự do của Red được hội đồng đặc xá cứu xét. Anh được mời lên phòng phỏng vấn. Khi được hỏi sau khi ở tù 40 năm vì tội giết người Red có nghĩ mình đã hồi phục các chức năng và tư cách để trở lại với đời sống xã hội.

Dưới đây là câu trả lời của Red trong đoạn phim:

“Hồi phục? Để tôi coi. Anh biết. Thật tôi không biết điều đó có nghĩa gì [một thành viên của hội đồng đặc xá vội giải thích nhưng chưa hết câu Red đã nói tiếp]. Tôi biết anh hiểu theo nghĩa gì. Với tôi đó chỉ là chữ được bịa ra, chữ của các nhà chính trị để những người trẻ như anh, ăn mặc sang, cổ thắt cà-vạt, có công ăn việc làm. Anh thật sự muốn biết điều gì. Tôi có hối hận những việc tôi đã làm chăng? [Nhân viên cứu xét hỏi Red có hay không]

Không một ngày nào tôi không cảm thấy hối tiếc. Không phải vì tôi đang ở trong tù, hay vì anh nghĩ tôi nên hối tiếc. Tôi nhìn lại lúc đó, một người trẻ, một thiếu niên ngu xuẩn phạm phải một tội ác tày trời. Tôi muốn nói với cậu ta. Tôi muốn ráng tìm cách phân giải với người trẻ đó, nói với cậu ta những điều phải trái. Nhưng tôi không thể. Cậu thanh niên đó đã đi biệt và chỉ còn lại hôm nay một ông già. Tôi phải sống với thực tế đó. Phục hồi? Chỉ là một từ nhảm nhí. Thôi, anh cứ đóng dấu [ từ chối] vào đơn, đừng làm phí thời gian của tôi. Bởi vì nói thật cho anh biết, tôi không thèm để ý đến chuyện đó nữa.”

Nhưng trái với suy nghĩ của Red, anh được phóng thích và sau đó vượt biên giới qua Mexico sống với Andy, người bạn tù đã vượt ngục trước đó.

Tôi không làm hại ai nhưng bắn mấy con chim cũng là một lỗi lầm. Cũng may, nhận thức như một dòng sông chảy từ thượng nguồn ra biển, mỗi khúc sông mỗi khác. Nền giáo dục nhân bản ở miền Nam đã giúp thay đổi nhận thức tôi rất sớm.

Điều đó cho thấy, một con người hay một đất nước cũng vậy nếu được giáo dục tốt và cố tâm học hỏi sớm hay muộn cũng sẽ trưởng thành.

Trần Trung Đạo