(Mục chân dung nhà văn: Đỗ Trường)
(Nếu đọc Đinh Thị Thu Vân chỉ cảm được nỗi buồn đau chơi vơi của tình yêu lệch phía, thì quả thực ta mới thấy cái vỏ. Sự bao dung trong cái mất mát tàn phai mới là lõi trong hồn thơ chị. Vâng! Còn có con người đáng để cho chị yêu, chị sống đến tận cùng, đó mới là hạnh phúc trong cuộc sống, thơ văn của chị.)
Khi Đinh Hùng rời cõi tạm vào chớm thu 1967, thì tưởng chừng vòm trời thi ca đã để lại một khoảng trống không thể bù đắp. Nhưng may mắn thay, đúng mười năm sau (1977) thì tình yêu, khát khao, sự cuồng say đến tận cùng ấy được sống lại bởi Đinh Thị Thu Vân. Có lẽ, con đường thơ độc đạo còn dang dở ấy của Đinh Hùng, được tiếp nối, và mở ra bằng hồn thơ Đinh Thị Thu Vân chăng? Dù thơ ca của hai thi sĩ này có ngôn ngữ, hình thức, thể loại rất khác nhau. Và cũng chẳng hiểu, hai thi sĩ họ Đinh này có quan hệ (huyết thống) gì hay không? Mà làm cho tôi, khi đọc Đinh Hùng nhớ đến Đinh Thị Thu Vân, và đọc Đinh Thị Thu Vân lại nhớ đến Đinh Hùng. Và có thể nói, hình tượng cái tôi trữ tình, và phương pháp tu từ, mang tính tự sự là nghệ thuật đặc trưng đã làm nên hồn vía thơ ca Đinh Thị Thu Vân.
Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân sinh năm 1955 tại Long An. Năm 1977 chị tốt nghiệp Đại học sư phạm Saigon, và khởi nghiệp thơ văn tại quê nhà từ đó cho đến nay. Đinh Thị Thu Vân viết không nhiều. Dường như, hơn bốn mươi năm cầm bút, chị mới cho in ấn, phát hành 5 thi tập: Thay cho lời hát ru, Rồi sẽ có một ngày ta ngoái lại, Trần trụi tình yêu, Bóng, và Đừng trôi nữa tình yêu mang phận cỏ.
Tình yêu, nỗi cô đơn đợi chờ và sự khắc khoải của linh hồn là đề tài xuyên suốt những trang thơ Đinh Thị Thu Vân: “nếu có kiếp sau, em xin làm bậc cửa/ làm thềm rêu, lặng lẽ đợi chân người“. Tuy nhiên, thông qua một số tác phẩm viết về đề tài xã hội, ta chợt nhận ra, sự mâu thuẫn trong tư tưởng của chị.
*Những câu thơ em viết mất linh hồn.
Nhìn vào văn học sử Việt Nam, sau Lưu Quang Vũ, tôi đánh giá cao cái Tôi trong thơ của Đinh Thị Thu Vân. Và cùng cái chất trữ tình ấy, những câu thơ của chị ám ảnh, làm cho người đọc “vãi“ cả linh hồn: “Dẫu mai này lòng không còn nguyên vẹn/ những câu thơ em viết mất linh hồn“. Có thể nói: Ru là một trong những bài thơ như vậy của chị. Đọc nó, dường như tôi không thể phân biệt được rạch ròi, hồn vía thi nhân đã mất, hay hồn thơ đã rụng, khi: “Câu thơ nào em viết cho anh/ Xin vĩnh viễn đi vào kỷ niệm“. Và rồi nhà thơ cũng chợt nhận ra, những câu thơ kia đã lạc mất linh hồn. Phũ phàng, buồn đau là thế, nhưng đọc lên, ta thấy hồn thơ vẫn có sự ấm áp và bao dung:
“…những câu thơ rồi sẽ mất linh hồn
mùa phai nhạt lòng em, chừng sẽ đến
khi em khóc đời em không bờ bến
những câu thơ trôi nổi lạc nhau rồi
anh có buồn trong những lúc đơn côi
đầu hãy tựa lên những câu thơ, yên ấm ngủ
những câu thơ một thời anh bạc bẽo
xin hãy cứ tựa đầu, khi thiếu một lời ru…(Ru)
Uớc mơ trở về cái thuở ban đầu, cái thuở chưa có thơ, và chưa hề biết bạc bẽo dường như là một điều không tưởng (hay không còn trọn vẹn) trong tâm hồn Đinh Thị Thu Vân. Đọc Ngày anh trở lại, tôi cứ ngỡ, đó là một bài thơ nối lại hồn vía, nối lại thi phẩm (lời) Ru của chị. Và làm tôi chợt nhớ lại mấy câu thơ mang tính triết lý nhân sinh của Khánh Nguyên: “Trước không em bình thản sống vô tư/ giờ không em, lòng tràn đầy bão tố/ Cứ tưởng rằng sẽ về nguyên như cũ/ Có đâu ngờ không lại chẳng bằng không“. Và cái không lại chẳng bằng không đó, như một phép so sánh trong sự mất mát khôn cùng, âu cũng là kết quả mà Đinh Thị Thu Vân phải đón nhận vậy. Đoạn trích có lời thơ dân dã, trần trụi, trong bài “Ngày anh trở lại“ dưới đây, không chỉ cho ta cảm giác chờn chờn rờn rợn, mà còn thấy được ước mơ, cùng những bi lụy đắng cay chìm vào cái hồn thơ nồng nàn thuở ấy:
“em quỳ xuống xin em đừng thương tiếc
đớn đau kia không đủ sức nhận hai lần!
Em quỳ xuống. Ôi ước gì tất cả
chỉ là mơ, chưa trần trụi bao giờ
em chưa khóc. Anh chưa hề bạc bẽo
ôi ước gì chưa có những bài thơ “
Sở trường Đinh Thị Thu Vân là thơ tự do, với những câu thơ dài ngắn vắt ra từ cảm xúc, trải lên trang viết của mình. Nhưng đến với “Có ai buồn với tôi không“ chị đã viết theo thể lục bát. Một thể thơ dễ viết, song rất khó hay, nếu nhà thơ không thực tài. Tuy nhiên, ta có thể thấy, Đinh Thị Thu Vân là thi sĩ giàu trí tưởng tượng, và tài năng làm mới từ ngữ, cũng như sử dụng hình tượng so sánh ẩn dụ: “dường như nhung nhớ thoáng rêu phong rồi“. Do vậy, đọc “Có ai buồn với tôi không“ cho ta một cảm giác, như chia đôi hồn người vào cơn gió chiều mông lung ấy. Thật vậy, cả bài thơ là một câu hỏi tu từ, cùng những lời độc thoại níu kéo, gạn chia nỗi buồn. Nhưng nỗi buồn bi đát ấy, dường như đã hóa thành rêu phong, làm sao có thể sớt chia. Vâng, một nỗi buồn cô đơn tuyệt vọng. Và những câu hỏi thay cho lời phủ định đó là tiếng kêu vọng lên trong đêm, hay điểm bấu víu cuối cùng của linh hồn người thi sĩ:
“có ai buồn với tôi không
hắt hiu ngàn gió thổi mông lung chiều
rạc rời hương sắc thương yêu
dường như nhung nhớ thoáng rêu phong rồi
dường như người chớm quên người
dường như đêm bớt đầy vơi đẫm lòng
có ai buồn với tôi không
tàn tro lạc mất, còn mong mỏi gì!
này ai, buồn với tôi đi
lẻ loi đã đợi ôm ghì rỗng không
hắt hiu ngàn gió mông lung
có ai buồn với tôi trong kiếp này?”
Nếu “Có ai buồn với tôi không“ là một câu hỏi tu từ, níu kéo sẻ chia nỗi buồn, thì đến “Ru oan” như một lời ru, xoa dịu nỗi đau trong lòng người vậy. Có một điều đặc biệt, thơ của Đinh Thị Thu Vân luôn luôn có nhân vật. Và những nhân vật trữ tình này xuyên suốt trang thơ của chị. Với đặc tính này, thơ của chị khó có thể lẫn với bất cứ nhà thơ nào khác. Do vậy, trộn lộn thơ cả trăm tác giả vào, khi đọc ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra thơ Đinh Thị Thu Vân. Và Ru oan là bài thơ điển hình như vậy của chị. Có thể nói, đây là một trong những bài thơ hay nhất của Đinh Thị Thu Vân. Vẫn thể lục bát, lời thơ tự sự đẹp, và nhẹ nhàng, chẳng biết lời ru cho anh, hay thi sĩ đang tự ru lòng mình: “là dăm ba phút lỡ làng/ em ru anh, để ru oan đời mình!“. Và đoạn trích dưới không chỉ cho ta thấy rõ những điều đó, mà một lần nữa chứng minh thêm tài năng sử dụng từ ngữ, hình ảnh, cũng như trí tưởng tượng phong phú của nữ thi sĩ họ Đinh này:
“gối đầu lên chân em đi
khép ngoan anh nhé rèm mi lặng buồn
em lần khuy áo mà thương
sâu trong lồng ngực anh dường như đau…”
Nếu đọc Đinh Thị Thu Vân chỉ cảm được nỗi buồn đau chơi vơi của tình yêu lệch phía, thì quả thực ta mới thấy cái vỏ. Sự bao dung trong cái mất mát tàn phai mới là lõi trong hồn thơ chị. Vâng! Còn có con người đáng để cho chị yêu, chị sống đến tận cùng, đó mới là hạnh phúc trong cuộc sống, thơ văn của chị.
*Em biết trốn vào đâu cho bớt nhớ.
Khi đọc những câu thơ chân thực đến xót xa của Đinh Thị Thu Vân: “hôn em nhé, mai ta về với đất/ góc bể chân trời có lẽ bớt xa xôi…” làm cho tôi nhớ đến cái thiết tha đến tận cùng của Xuân Quỳnh: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em/ Là máu thịt, đời thường ai chẳng có/ Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Vâng, có lẽ, trái tim đa cảm như hai nữ thi sĩ này, trong thơ và trong cuộc sống hiện nay, dường như không còn có nhiều. Chẳng vậy, mà một kỷ niệm nhỏ cũng làm cho lòng người day dứt. Buộc Đinh Thị Thu Vân phải trốn chạy nỗi nhớ thương, cuộn hồn vào trang giấy mong manh ấy. Để rồi: Nhớ, một bài thơ bát ngôn được ra đời trong hoàn cảnh, tâm trạng như vậy của Đinh Thị Thu Vân. Cái tính chân thực, khẩu ngữ dân dã (thoảng qua như một câu hỏi tu từ), làm cho câu thơ hồn hiên hay đến bất ngờ: ”em biết trốn vào đâu cho bớt nhớ”. Có thể nói, Nhớ là một trong những bài thơ hay nhất, tôi đã được đọc trong thời gian gần đây:
“em nhớ lắm những lời anh chẳng nói
em nhớ lắm bàn chân anh bối rối
những ngón buồn không nỡ bước xa thêm
anh đừng đi, em không cách chi tìm
em biết trốn vào đâu cho bớt nhớ …”
Được toát ra từ nội tâm, do vậy thơ Đinh Thị Thu Vân mang tính nhất quán thật rõ ràng: “hương vẫn hương, gió vẫn gió vô cùng” (Sau những giấc mơ buồn). Tưởng rằng, anh đừng đi, em không cách chi tìm, nhưng rồi, anh yêu dấu không còn thuộc về ta nữa. Một nỗi đau, từ “Nhớ” cho đến “Ngày anh trở lại” như mạch nối dài tâm trạng và hồn thơ Đinh Thị Thu Vân vậy. Ngày anh trở lại gồm sáu khổ thơ, tác giả đã sử dụng điệp ngữ (cụm từ): Em quỳ xuống, đến 5 lần. Cứ tưởng rằng, đơn điệu lắm, nhưng không phải vậy, bởi mỗi lần nhà thơ bộc lộ diễn biến tâm lý khác nhau. Và động từ quỳ xuống trong câu thơ đã hoán đổi thành tính từ, như biểu hiện lời thỉnh cầu trong tâm trạng chia ly, và nỗi buồn đắng chát. Với tôi, “Ngày anh trở lại” là một bài thơ hay, và toàn bích nhất của Đinh Thị Thu Vân:
“Em quỳ xuống lòng em mặn đắng
Xin đừng về đôi mắt ấm ngày xưa…
anh yêu dấu không thuộc về ta nữa
Trái tim em ngày ấy lạc đâu rồi
Tình yêu lạc cuối trời như chẳng có
Đời chúng mình con nước lỡ trôi xuôi”
Tình yêu đã lạc nơi cuối trời, nhưng khát khao thèm muốn vẫn cháy bỏng trong lòng thi nhân. Những câu thơ đầy hình tượng lãng mạn như gieo vào người một chút gì yếu mềm, và mong manh: “vai anh rộng để em thèm bé nhỏ/ mơ một ngày yên ngủ giữa vòng tay/ một ngày thôi lơi lỏng áo quên cài…” (Nhớ). Và giấc mơ, sự thèm muốn đó đã bị dập tắt bởi: “những phũ phàng anh đã tặng cho em”. Buồn đau là vậy, song người thi sĩ vẫn: ”nếu có kiếp sau, em xin làm bậc cửa/ làm thềm rêu, lặng lẽ đợi chân người” (Gió bụi chông chênh). Vâng! Nếu buộc phải chọn, tôi nghĩ, đây là câu thơ hay nhất, hình tượng nhất của Đinh Thị Thu Vân. Và nó đã ôm trọn hồn cốt con người cũng như thơ ca của chị. Tuy đây là câu thơ hay và hình tượng, song nhìn tổng thể “Gió bụi chông chênh” không thuộc nhóm những bài thơ hay nhất của Đinh Thị Thu Vân:
“nếu có kiếp sau, em xin làm bậc cửa
làm thềm rêu, lặng lẽ đợi chân người
làm trang sách giấu một tờ thư cũ
anh bỏ quên trong góc vắng lâu rồi !
nếu có kiếp sau, em xin đừng nước mắt
một ngày thôi, đừng quạnh quẽ lúc yêu người
xin một ngày ràng buộc với em thôi
thôi đơn chiếc giữa đêm dài khuya khoắt !…”
Trong cái nghiệt ngã, và cô đơn, Đinh Thị Thu Vân vẫn khát khao, dám đi đến tận cùng tình yêu, và cuộc sống. Đọc những câu thơ cuồng say ấy của chị:“em yêu anh, cuồng nhiệt đáy tâm hồn/ May mắn quá, lòng anh quen nguội lửa/. Không đốt được đời mình nơi chốn đó, /em trở về thương lấy trái tim đau” (May mắn) tôi chợt nhớ đến sự rung động, si mê tình ái làm người đọc phải sởn cả gai ốc của Đinh Hùng:
“Trời cuối thu rồi – Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu
(Gửi người dưới mộ)
Cùng bộc bạch cái độ cuồng mê ấy, nếu lời thơ Đinh Hùng mộng mị, sắc lạnh, thì ta có thế thấy, lời thơ Đinh Thị Thu Vân đằm thắm và nhẹ nhàng hơn nhiều lắm. Sự khác nhau này, mang đến tính đặc trưng riêng của từng thi sĩ, cũng như làm phong phú thêm sắc thái cho thi ca nước nhà vậy. Và đằng sau cái khát khao, ngọn lửa Đinh Thị Thu Vân dường như vẫn thường trực ở đâu đó, có lẽ chỉ còn thiếu ngòi dẫn nữa thôi. Đoạn trích trong bài ”Một nửa đường đang khuất” dưới đây, không chỉ cho ta thấy ngọn lửa khát vọng đó, mà còn thấy được sự mông lung trong tâm tưởng, súc tích trong lời thơ Đinh Thị Thu Vân:
“không ai đợi tôi về sau cánh cửa
không nồng nàn không ấm áp bao dung
tôi như sống nửa đời đêm giấu lửa
một nửa dường đang khuất phía mông lung…”
Cũng như cái gu rượu bia, (khẩu vị) mỗi người có khác nhau. Trong thơ văn cũng vậy. Với tôi, Văn học việt, kể từ khi có thơ mới đến nay, về mảng tình yêu đôi lứa, sau Đinh Hùng, có lẽ Đinh Thị Thu Vân là người gây cho tôi khoái cảm đặc biệt khi đọc. Và tôi có nói điều này với một gã bạn trên bàn nhậu. Gã bạn này tỏ vẻ không đồng ý, hỏi: Còn ông hoàng Xuân Diệu thì sao? Tất nhiên, ở khía cạnh nào đó, tôi cũng khoái đọc Xuân Diệu. Nhưng thơ ông có lẽ hợp với nơi đông người, đọc nơi hội trường, khác hẳn với Đinh Hùng, hay Đinh Thị Thu Vân. Nếu ví thơ Xuân Diệu là cái vỏ, thơ Đinh Hùng, Đinh Thị Thu như cái lõi vậy. Tôi nói thật suy nghĩ của mình. Dĩ nhiên, gã bạn không đồng ý như vậy, bởi gã có cái gu đọc khác. Âu cũng là điều cần tôn trọng.
*Từ mâu thuẫn tư tưởng đến trong thơ.
Mâu thuẫn tư tưởng dẫn đến sự không nhất quán trong cuộc sống, cũng như trên những trang viết là yếu điểm của khá nhiều các văn nghệ sĩ ở miền Bắc sau 1954, và trên toàn đất Việt sau 1975 mắc phải. Cái mâu thuẫn, và hạn chế ấy phần nhiều do xã hội, hoàn cảnh cuộc sống tác động đến họ, kể các các nhà văn, nhà thơ lớn, tên tuổi: Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, hay Hữu Loan… Từ lẽ đó, cho nên không gây cho tôi một tí ti bất ngờ nào, khi đi sâu vào đọc Đinh Thị Thu Vân. Thật vậy, ngay từ những ngày đầu cầm bút Đinh Thị Thu Vân đã hồ hởi, reo vui: “Tháng Tư ơi xin đẹp mãi tâm hồn.”. Và Ba mươi tháng Tư đến, nhà thơ như cởi bỏ dĩ vãng, gột rửa được tâm hồn. Lời tự thú ấy đã được Đinh Thị Thu Vân viết thành thi phẩm: Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư, rất đồng điệu với khí thế hừng hực của những ngày sau 30-4-1975. Qủa thực, nó chẳng khác gì một bản kiểm thảo trước chi bộ đảng đoàn vậy. Đọc nó, làm tôi nhớ đến lời tụng ca (với hình ảnh so sánh) cùng sự dày vò, sám hối của Chế Lan Viên trước Tố Hữu trong những ngày đầu đến với đảng:
“Anh thấy trước ngày mai
Cờ hồng treo trước ngõ…
Giữa nhà lao bóng phủ
Tìm đường cho lịch sử
Qua hai hàng cùm xai
Tôi nhìn ra tha ma
Hay quay vào trang sách
Ôi! dân Chàm nước mắt…
Khi đã buồn hiện tại
Thì quay về tháp xưa“
(Ngoảnh Lại Mười Lăm Năm)
Xét riêng về mặt nghệ thuật: Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư, là bài thơ tự sự hay. Thay cho lời lên gân, sáo rỗng của những bài thơ về thế sự, xã hội thường gặp, ta có thể thấy lời thơ của Đinh Thị Thu Vân nhẹ nhàng, cùng những hình ảnh so sánh dân dã, mộc mạc. Tưởng như một lời thủ thỉ, tâm tình vo tròn trong cái bé nhỏ ấy, nhưng (với thủ pháp, lời thơ tự sự), nó thấm dần cái tư tưởng của tác giả vào người đọc, một cách tự nhiên vậy:
“…Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư
Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất
Sẽ không biết tự khuyên mình những lời nghiêm khắc nhất
Không một lần dám sống hy sinh
Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen
Em đâu biết tin ai một điều gì tuyệt đối
Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa tim kia đành giữ lại… để nghi ngờ
—-
Sẽ… rất nhiều, anh hiểu phải không anh
Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ
Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ
Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh…”
Nếu “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư” là lời tự thú, để rũ bỏ quá khứ, gột rửa tâm hồn, thì đến với Saigon Đau lại là sự tìm về dĩ vãng, trong cái tiếc nuối và nỗi đau mất mát của Đinh Thị Thu Vân. Có thể nói, Saigon Đau là bài thơ tiêu biểu, và rõ nét nhất cái mâu thuẫn tư tưởng trên những trang viết của Đinh Thị Thu Vân. Và nó cũng là một trong những bài thơ viết về thế sự xã hội hay nhất, mà tôi được đọc. Thật vậy, nỗi đau và sự luyến tiếc đó, dường như không phải của riêng nhà thơ, mà nó đưa đến, và nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người. Vẫn những lời thơ tự sự, Saigon Đau như một mũi khoan xoáy vào lòng người đọc. Nhất là những kẻ buộc phải rời xa quê. Ta hãy đọc lại những trích đoạn có lời thơ dân dã, song rất đẹp dưới đây để thấy rõ, (và so sánh) cái mâu thuẫn tư tưởng, cũng như cái tôi, và chất trữ tình trong thơ thế sự xã hội của Đinh Thị Thu Vân:
“em yêu Sài Gòn, vì nơi đó có một người đau
một người mất những vàng son quá khứ…
Sài Gòn của anh
một thời Công Lý
một thời Tự Do
Sài Gòn của một thời Thương xá
em bước qua, ngơ ngẩn mắt quê mùa…
không có tình yêu, Sài Gòn như đất trống
như câu thơ lạc vận chẳng neo hồn!
không giữ lại dáng hình xưa được nữa
Sài Gòn đau ngơ ngác buổi em về
anh ở đâu những ngày cây lá đổ
có đợi chờ bàn tay nắm sẻ chia?…”
Có một điều đặc biệt, khi đi sâu vào đọc Đinh Thị Thu Vân cho ta thấy: Nếu thơ tình của chị mang tính nhất quán, thì mảng thơ thế sự có sự mâu thuẫn thật rõ rệt. Tuy nhiên, với tôi, khi nhận định hay đánh giá chân dung nữ thi sĩ này, thì cái cốt lõi nhất tạo dựng nên chân dung nhà thơ tài năng Đinh Thị Thu Vân là những trang thơ tình yêu của chị. Có được cái giá trị chân thực, tính đặc trưng, lời thơ đẹp, lãng mạn ru hồn người như vậy trong thơ Đinh Thị Thu Vân, ta có thể thấy, ngoài biện pháp tu từ, chất tự sự, với cái tôi trữ tình, thì phải nói đến sự can đảm, dám đi đến tận cùng yêu, tận cùng nỗi đau, và dám hy sinh, tôn thờ nó của chị.
Khi viết bài này, quả thực tôi không có tài liệu, hay một tập thơ nào của Đinh Thị Thu Vân, ngoài mấy chục bài thơ trên thivien.net, và đọc rải rác đâu đó, hay trên Facebook của chị. Do vậy, chắc chắn bài viết này chỉ nói được một phần nào đó về chân dung người thi sĩ tài hoa này, và cũng không thể tránh khỏi những sai sót.
Leipzig ngày 10-9-2020
Đỗ Trường