DÂN CẦN MINH BẠCH QUA KINH NGHIỆM MÔNG CỔ (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Cách mạng dân chủ từ Âu sang Á đều phát xuất từ sức mạnh của các tầng lớp nhân dân chọn dứt khoát với quá khứ, đồng hành về phía tương lai tự do dân chủ của dân tộc và thời đại. Trong lịch sử hiện đại chưa có sự thay đổi căn bản của một xã hội từ độc tài CS sang dân chủ tự do bằng những lời van xin, những thư thỉnh nguyện.

Người viết đã trình bày khá nhiều về các cuộc cách mạng Liên Xô, Đông Âu, các nước Bắc Phi và gần đây là Miến Điện, nơi đó các lãnh tụ cách mạng là những nhân vật được thế giới quan tâm theo dõi và độc tài lo ngại khi phải nặng tay với họ. Lần này, xin giới thiệu với bạn đọc một lãnh tụ dân chủ còn khá xa lạ với chúng ta.

Tsakhiagiin Elbegdorj và cách mạng dân chủ Mông Cổ

Anh tên là Tsakhiagiin Elbegdorj, sinh năm 1963, lãnh tụ của phong trào dân chủ Mông Cổ. Năm 1989, Elbegdorj, người được ca ngợi như là Thomas Jefferson của Mông Cổ còn là một thanh niên 26 tuổi mới từ Liên Xô trở lại quê hương sau khi hoàn tất chương trình đại học báo chí và triết học Mác Lê.

Trên đường từ Moscow về lại Ulaanbaatar, hành trang của Elbegdorj không phải là sách vở về chủ nghĩa CS mà anh học ở trường đảng nhưng là những đổi thay từ chính sách Glasnost (Cởi mở) của Mikhail Gorbachev. Anh đã suy nghĩ rất nhiều khi nhìn những hạt mưa dân chủ đang bắt đầu nhỏ giọt xuống vùng đất bảy mươi bốn năm hạn hán trong độc tài CS và mơ ước những đổi thay sẽ đến cho dân tộc anh.

Mông Cổ có một vị trí địa lý chính trị rất khó khăn. Quốc gia vùng trái độn này nằm giữa hai siêu cường CS Liên Xô và Trung Quốc, phía tây là một nhóm các quốc gia Trung Á độc tài và xa hơn phía Đông là một Bắc Hàn cô lập. Trung Cộng có thể sẽ áp lực chính trị và ngay cả có khả năng can thiệp bằng quân sự để ngăn chận phong trào dân chủ như vết dầu loang.

Trong các giáo trình kinh tế chính trị của các trường đảng CS trung ương, Mông Cổ thường được dùng làm ví dụ để chứng minh cho quan điểm “đột biến cách mạng” của Lenin khi ông ta cho rằng một nước lạc hậu, phong kiến có thể nhảy vọt lên xã hội chủ nghĩa không phải qua giai đoạn tư bản. Điều đó cho thấy, ngay cả các nước CS cũng thừa nhận Mông Cổ còn trong vòng lạc hậu.

Tuy nhiên, nỗi lo lắng lớn nhất của Elbegdorj là hơn suốt 71 năm, quê hương của Đại Đế Thành Cát Tư Hãn chưa hề nghe đến hai chữ “tự do”, “dân chủ”. Ngoại trừ nền độc lập ngắn ngủi năm 1911, chiều dài lịch sử của Mông Cổ hiện đại bị che phủ trong bóng đen của tư tưởng độc tài CS. Nhưng anh cũng tin rằng nếu nhân dân Mông Cổ đoàn kết vì tương lai dân chủ, Mông Cổ sẽ vượt qua được những khiếm khuyết bên trong cũng như đe dọa từ bên ngoài.

Những “đổi mới” tại Liên Xô hay một số nước CS Đông Âu chỉ là những biện pháp vá víu tạm thời. Theo Elbegdorj chỉ có dân chủ mới cứu được Mông Cổ. Dân chủ là đôi cánh đưa Mông Cổ ra khỏi vòng nghèo đói, độc tài, bế tắc của một quốc gia vùng độn. Trong diễn văn ngày 28 tháng 11, 1989 , Elbegdorj phát biểu “Mông Cổ cần dân chủ và minh bạch” và kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ mụch đích này.

Từ quan điểm đó, thay vì viết thư thỉnh nguyện lãnh đạo CS Mông Cổ thực hiện các chính sách tương tự như Glasnost của Mikhail Gorbachev, Elbegdorj và các bạn chủ trương Mông Cổ phải dứt khoát thay đổi từ CS sang dân chủ bằng một cuộc cách mạng bất bạo động. Tờ báo Elbegdorj phát hành đầu tiên năm 1989 được anh đặt tên là Dân Chủ.

Nhóm bạn của Elbegdorj tổ chức các cuộc biểu tình, các buổi tuyệt thực đòi dân chủ và minh bạch. Cuộc biểu tình tuyệt thực đầu tiên ngày 10 tháng 12 năm 1989 chỉ vỏn vẹn 13 người. Ngày nay lịch sử Mông Cổ gọi họ một cách kính trọng là “13 nhà dân chủ Mông Cổ đầu tiên” nhưng dĩ nhiên trong năm 1989, bộ máy tuyên truyền CS Mông Cổ gọi họ là “mười ba tên phản động”.

Nhưng những nhà dân chủ Mông Cổ đầu tiên đó không phải là những người làm nên lịch sử. Cuộc cách mạng dân chủ không làm rơi một giọt máu nào ở Mông Cổ là do đại đa số trong số 2.1 triệu dân Mông Cổ chọn đứng về phía tương lai, chọn dứt khoát với quá khứ, chọn đi trên con đường thời đại, trong số đó có cả Tổng Bí Thư CS thức thời Jambyn Batmönkh.

Sau cách mạng dân chủ thành công, năm 1998, Elbegdorj được bầu vào chức vụ Thủ Tướng Cộng Hòa Mông Cổ và lần nữa nhiệm kỳ 2004-2006, và năm 2009, ông được bầu làm Tổng thống Cộng Hòa Mông Cổ.

Có một Elbegdorj Việt Nam?

Image result for Hinh Tran Huynh Duy Thuc

Việt Nam chẳng những có một mà rất nhiều Elbegdorj đang sống khắp nơi, một số đang ở trong tù, một số vừa ra khỏi tù, một số đang đấu tranh tích cực dù chưa bị tù.

Hành trang nhận thức cũng thế. Không giống như Elbegdorj sau cách mạng dân chủ thành công mới sang Mỹ học về lãnh đạo, Việt Nam có rất nhiều nhà dân chủ trẻ đã được trang bị những kiến thức sâu rộng về kinh tế, tài chánh, khoa học, luật pháp và lãnh đạo chính phủ. Đó là chưa tính khối chuyên viên khổng lồ về mọi lãnh vực đang chờ cơ hội để cùng phục hưng và phát triển Việt Nam.

Chỉ riêng Trần Huỳnh Duy Thức, trẻ hơn Elbegdorj và Lưu Hiểu Ba nhưng về kiến thức khoa học, nhận thức chính trị, lý luận dân chủ, đức tính can đảm và lòng yêu nước đều không thua kém Lưu Hiểu Ba hay Elbegdorj nếu không muốn nói vượt qua.

Trần Huỳnh Duy Thức đã gác qua nhiều cơ hội để thành một người giàu có và gác qua cơ hội để có tự do cho bản thân mình, bởi vì không có gì quan trọng hơn là đất nước. Một con người, một cuộc sống không thể đặt trên sự lầm than khốn khó của chín chục triệu đồng bào. Nếu có cơ hội Trần Huỳnh Duy Thức và các bạn chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng và tích cực trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Việt Nam đang thiếu ai?

Không được như Mông Cổ, Việt Nam đang thiếu thành phần những người dứt khoát với quá khứ để cùng đi với dân tộc và thời đại. Họ chiếm một số khá đông và đa số đều có học. Đặc điểm của thành phần chưa dứt khoát này là chỉ tập trung phê bình hiện tượng nhưng tránh nhắc đến bản chất, chỉ trích hậu quả nhưng cố tình bỏ qua nguyên nhân.

Nhan nhản trong các bài viết, họ tập trung vào các mặt xấu trong xã hội để chứng tỏ họ cũng biết đau cái đau của ngư dân, đồng bào, đồng loại nhưng chỉ dừng lại ở chỗ nỗi đau mà thôi. Đừng quên, nỗi đau không bao giờ dứt nếu không biết tại sao đau.
Một người có hiểu biết căn bản nào cũng phải hiểu chính cơ chế độc tài đảng trị CS đã biến con người Việt Nam vốn hiền hòa, chơn chất, yêu thương trong tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng” thành những kẻ tham lam, hẹp hòi, kiếm tiền bằng cách đầu độc đồng bào cùng máu mủ với mình.

Không ít trong số những người không dứt khoát này là sản phẩm của nền giáo dục CS. Họ sẽ không thừa nhận nhưng chính những cây đinh tuyên truyền đóng vào nhận thức sâu đến mức làm họ hoài nghi tất cả những đổi thay không đến từ chủ trương của đảng.

Họ đồng ý rằng đảng CS đang có nhiều khiếm khuyết nhưng trong đường dài đảng có thể thay đổi. Sau bao nhiêu năm bị trui rèn, lòng tin đó đã nở to thành một thói quen lệ thuộc vào đảng CS, trông chờ nơi đảng. Thành phần đó đang là vật cản đường cho cách mạng dân chủ tại Việt Nam.

Niềm hy vọng Elbegdorj

Học bài học đấu tranh dân chủ của Elbegdorj và nhân dân Mông Cổ để củng cố niềm tin và hy vọng cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Anh Elbegdorj đã không cô đơn khi ngồi tuyệt thực đòi minh bạch giữa mùa đông Mông Cổ và rồi người Việt cũng sẽ không cô đơn khi xuống đường đòi minh bạch trên khắp nẻo đường Việt Nam.

Elbegdorj không phải là con của khai quốc công thần như Aung San Suu Kyi, không phải là luật sư nổi tiếng như Nelson Mandela, không phải là lãnh tụ của phong trào Solidarity Ba Lan được cả Đức Giáo Hoàng và TT Reagan ủng hộ như Lech Wałęsa, không phải là người được trao giải Nobel Hòa Bình như cả ba người được nhắc trên đây. Trước 1989 không ai biết gì về Elbegdorj vì anh ta chỉ là một người thợ mõ, con trai của một người dân du mục chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ.

Nhưng Elbegdorj có tình yêu sâu đậm dành cho đất nước và khát vọng tự do cho quê hương. Tình yêu nước và lương tri thời đại đã là ngọn đuốc thắp sáng quê hương anh và sáng cả tâm hồn người Việt cùng khát vọng như anh.

Trong buổi phỏng vấn dành cho báo New York Times năm 2004, Thủ tướng Elbegdorj nhắc lại kỷ niệm buổi tuyệt thực đầu tiên “Chúng tôi muốn cho thế giới thấy rằng các giá trị thường được gọi là giá trị Tây phương không phải thuộc về Mỹ, châu Âu, Nam Hàn và Nhật Bản thôi nhưng còn thuộc về Mông Cổ”. Và hôm nay, các thế hệ trẻ Việt Nam đang tiếp lời Elbegdorj, “Giá trị tự do dân chủ không phải không phải thuộc về Mỹ, châu Âu, Nam Hàn và Nhật Bản hay Mông Cổ mà còn là của Việt Nam nữa.”

 Trần Trung Đạo