Sau hai tuần phối hợp và điều động tôi chủ trì một phiên họp quy tụ khoảng 15 người. Chỉ là một phiên họp chuyên môn bình thường hàng năm. Nhưng lần này đặc biệt vì phải họp trong điều kiện Covid-19. Hôm qua số người chết lên đến 3000 người trong một ngày. Tổng số người chết tính đến nay là khoảng 290 ngàn người.
Suốt 8 tháng qua tất cả các phiên họp phải thực hiện qua điện thoại hoặc internet. Từ 80 đến 90% nhân viên được phép làm việc ở nhà để tránh dịch coronavirus. Chỉ có tôi và một vài người khác tình nguyện đến sở mỗi ngày. Lý do rất đơn giản là sợ làm việc ở nhà khi cảm thấy khát nước mở tủ lạnh ra lấy bia để giải khát rồi lăn đùng ra ngủ. Có mấy đồng nghiệp làm việc ở nhà nhưng khi mình gọi điện thoại hay email thì mấy tiếng đồng hồ sau, thậm chí đến ngày hôm sau mới trả lời. Khả nghi quá…
Nghị trình họp không có gì đặc biệt. Nhưng thủ tục họp được tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Tất cả phải mang khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn 2 mét. Vào thang máy lên tầng trên không quá bốn người cho mỗi chuyến, mỗi người đứng mỗi góc. Rất may là không phải bị bắt buộc quay mặt vào góc thang máy như học trò bị phạt.
Nhưng đó là lý thuyết. Đến khi thực hành quy luật phòng dịch thì hơi khó. Họp qua điện thoại hay internet tuy khó trình bày tài liệu và nhận diện phản ứng của mỗi người, nhưng lại nghe rõ lời nói. Còn họp đối mặt với mọi người đang đeo khẩu trang thì chỉ nghe người ta ú ớ hay thì thào. Có người bực quá gở mặt nạ ra để nói cho nghe rõ. Có ông bước tới dí mặt ổng vào mặt mình chỉ 20 cm rồi hét lớn, thấy rõ cái khẩu trang của ổng phồng lên xẹp xuống qua từng lời nói. Nếu ổng là Covid-19 dương tính thì hôm qua mình đã bị dính rồi. Trong tòa nhà này cũng đã có gần một chục người bị nhiễm rồi.
Thời đại Covid này đã làm thay đổi cuộc sống rất nhiều. Hổng được phép đứng gần hay đụng vào người nhau. Người ta hổng được phép ho nữa. Chỉ húng hắng ho thôi là làm người khác lên ruột rồi.
Có lần đang chạy bộ thì một thằng Mỹ trẻ choai choai không đeo khẩu trang chạy từ phía sau vượt lên qua mặt xém đụng vai mình. Móa, đường rộng sao hổng tránh ra xa hả mậy. Bộ đui hổng thấy tấm bảng hiệu có hình giữ khoảng cách 6 feet à. Sùng quá nên thu hết hơi vào phổi rồi giả ho một tràng quằn quại như bịnh nhân ho lao ở giai đoạn cuối. Thằng Mỹ con chạy phía trước mấy chục thước nghe tiếng ho khủng khiếp của mình nên quay lại nhìn hốt hoảng.
Có những cặp nhân tình đi bộ ngược chiều trên con đường mòn. Họ không đeo khẩu trang và đi phía bên kia đường, nhưng khi thấy mình chạy từ xa tới thì họ kéo khẩu trang lên che mặt để bảo vệ người khác. Tôi gật đầu chào cám ơn khi chạy ngang họ. Không có luật bắt buộc phải đeo khẩu trang ở đây mà tùy thuộc vào ý thức và kỷ luật tự giác của mỗi người.
Mặc dù tình trạng lây nhiểm Covid-19 đang bùng nổ có 200 ngàn người bị dính Covid mỗi ngày, nhưng người Mỹ không trốn ở nhà nữa mà đi ra ngoài. Giờ tan sở xe chạy đầy đường. Các cửa hàng và siêu thị đông nghẹt người ở mức độ gần như bình thường. Chỉ khác là mọi người đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Gần cửa luôn luôn có các bình thuốc sát trùng để khách hàng xịt vào tay khi vào và khi ra.
Có lẽ sự sợ hãi coronavirus đã qua rồi. Người nào còn khỏe mạnh thì cứ sống vui vẻ và bình thản. Mỗi sáng tôi đi làm có thói quen là đảo mắt nhìn qua mấy nhà hàng xóm để coi mấy chiếc xe đậu trước nhà. Nhà nào cũng có mấy chiếc xế. Xế đi chơi thì để trong nhà xe. Xế đi làm thì đậu trước nhà hay đậu trên đường vào nhà xe. Cả tháng nay thấy các xe của hàng xóm hổng đậu trước nhà nữa vì họ đã đi làm lại bình thường, bỗng thấy vui vui trong lòng.
Nhớ hồi tháng 4 tháng 5 khi đi làm buổi sáng nhìn qua hàng xóm thấy xe cộ đậu đầy và im lìm trước nhà họ sao mà thê lương ảm đạm. Thời gian ấy trên xa lộ vắng hoe không một chiếc xe. Đi bộ từ nhà chứa xe đến sở thấy trơ trọi có mỗi mình. Vào sở hành lang lạnh toát không một bóng người. Khi đi phòng vệ sinh tối thui và đèn tự động bật sáng lên khi có người vào. Mấy bóng đèn đồng loạt hắt ánh sáng lạnh lẽo từ trần nhà xuống như có người bật công tắc làm mình cảm thấy rờn rợn. Tui vốn là người vô thần hổng sợ ma mà hổng khỏi lấm lét liếc nhìn vào mấy cái buồng cầu tiêu có cửa khép hững hờ. Tưởng tượng có con ma lai nó đang ngồi trong nhà cầu chờ, chắc mình rớt má nó tim ra khỏi lồng ngực. Ước gì lúc ấy mang theo một khẩu tiểu liên Uzi vào cầu tiêu cho đở sợ.
Nhớ lại khoảng thời gian răn đe dọa dẫm đủ kiểu của tháng 4 tháng 5 mà hổng khỏi mỉm cười trào phúng. Chúng ta đã sống sót qua một giai đoạn bi kịch của nhân loại. Nhưng trong nguy biến chết chóc luôn luôn có những điều đẹp đẽ để ôm ấp sống qua ngày. Người miền Nam trong chiến tranh tàn khốc vẫn lãng mạn hóa những trái sáng do máy bay thả ban đêm để phát hiện quân thù là.
“Dưới ánh châu hồng, anh ngồi gọi thầm tên em.
Mơ một ngày mai pháo nổ vang trên lối về.
Những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới”
Người Anh còn phớt tỉnh và lãng mạn ghê nữa. Trong 9 tháng từ năm 1940 đến 1941 Không Quân Đức Quốc Xã đã dội 58 ngàn tấn bom lên đầu dân Anh làm chết 41 ngàn thường dân. Các cuộc không kích tàn bạo ấy còn gọi là “Aerial Blitz” không làm dân Anh sợ hãi cụp đuôi. Trái lại, người Anh nhớ lại 9 tháng tử thần ấy là những giây phút thi vị đầy ý nghĩa của cuộc sống.
Có những người từ chối xuống hầm trú ẩn mà ngồi trên nhà uống rượu và đọc sách mặc cho bom rơi. Thời gian ấy cũng là mốc điểm của cuộc cách mạng tình dục. Khi bom của máy bay Luftwaffe, Đức Quốc Xã dội xuống nổ rung chuyển thì trai gái Anh Quốc hổng chịu xuống hầm mà nằm ỳ trên giường làm tình (make love) theo nhịp của bom nổ.
Rồi những gì đến sẽ phải đến. Mình có tên trong danh sách được chích ngừa Covid-19 trong vòng hai tuần tới. Bỗng có một thoáng bùi ngùi trong lòng vì có nhiều người đã bỏ cuộc về bên kia thế giới. Không có một sự háo hức nôn nóng nào vì sắp sửa được chích ngừa, có lẽ đã quen với cuộc sống đe dọa như vầy rồi. Có đợi thêm xíu cũng hổng sao.
Muốn nhường cho mấy đứa đồng nghiệp lớn tuổi sức khỏe kém và đông con đi trước. Cám ơn TT Donald Trump và những viên chức trong “Chiến Dịch Siêu Tốc” (Operation Warp Speed) đã tranh thủ để sớm có thuốc chủng ngừa. Thuốc gồm có hai liều chích cách khoảng 21 ngày. Liều thứ hai sẽ sau Giáng Sinh. Khi ấy xin hứa sẽ uống vài chai corona để kỷ niệm ánh sáng cuối đường hầm.