CUỘC RÚT QUÂN CỦA PHÁO ĐỘI CHỈ HUY & CÔNG VỤ CỦA TIỂU ĐOÀN 23 PHÁO BINH

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: one or more people and outdoor

Tiểu Đoàn 23 Pháo Binh yểm trợ trực tiếp cho Trung Đoàn 6 Bộ Binh. Năm 1970, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn và Pháo Đội Chỉ Huy & Công Vụ, từ sân bay Quảng ngãi di chuyển ra Chu lai, đóng trong doanh trại của Trung Đoàn 6 BB trên một đồi thấp, sát Quốc lộ 1 về phía Tây – Đối diện với Căn Cứ Chu lai bên phía Đông QL 1. Năm 1974 BCH/TĐ và PĐCH&CV lại di chuyển sang căn cứ Chu lai đóng cạnh BCH/PB Sư Đoàn 2 Bộ Binh – Các Pháo Đội Tác Xạ đóng rải rác trên QL 1 từ quận Lý Tín thuộc tỉnh Quảng Tín đến sân bay Quảng Ngãi và quận Nghĩa Hành. Sau khi Hiệp Định Ba Lê được ký kết ngày 27-01-1973; Quân đội Hoa kỳ đã rút hết khỏi Việt Nam – Kể từ đó Không lực Hoa kỳ không còn yểm trợ các cuộc hành quân của Quân đội VNCH nữa mà giờ đây, yểm trợ cho các trận đánh là Pháo binh và Không lực VNCH – Nhưng tiếp liệu Pháo binh bị cắt giảm đến mức tối đa, xăng dầu chỉ còn 1/6 so với năm 1970 và trước đây đạn PB bắn không giới hạn nay mỗi khẩu chỉ được bắn 3 quả trong một ngày.Vào đầu tháng 3/1975 – Tình hình chiến sự tại Quân Khu 1 trở nên khẩn trương và căng thẳng – Cộng sản Bắc Việt mở các trận tấn công hầu hết vào các tỉnh của Vùng 1 chiến thuật – Tại Quảng Ngãi quân Cộng sản Bắc Việt, từ dãy núi phía Tây tấn công xuống quận Nghĩa Hành và Mộ Đức. Trung Đoàn 6/BB/SĐ2 và Biệt Động Quân đã đẩy lui quân CSBV về phía núi. Trận chiến vẫn giằng dai ở đó… Sáng ngày 10 tháng 3/1975 nghe tin quân Cộng Sản Bắc Việt, có chiến xa yểm trợ, đã tràn ngập quận Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Tín, một quận nằm phía Tây Thị xã Tam Kỳ 30 km – Chuẩn Tướng Trần Văn Nhật điều Trung Đoàn 5/SĐ2 và Liên Đoàn 12 Biệt Động Quân lên chặn địch, đồng thời đưa Trung Đoàn 4/SĐ2 lên quận Hậu Đức, một quận nằm phía Tây quận Lý Tín lập tuyến ngăn chặn địch kéo dài từ Tiên Phước xuống quận Hậu Đức. Tiểu đoàn 21 Pháo binh cũng được di chuyển để yểm trợ cho Trung Đoàn 4 BB. Khi nghe tin tại tuyến phòng thủ Quảng Trị, TQLC đã rút về phía sau, thay vào đó là một Liên đoàn BĐQ, một lực lượng yếu kém hơn, khó mà giữ nổi Quảng Trị – Vì thế một số quân nhân trong PĐCH&CV của tôi mà gia đình họ ở Thừa Thiên và Quảng Trị tỏ ra rất lo lắng. Hơn nữa khi nghe tin Ban Mê Thuột thất thủ, thì Quảng Trị cũng khó lòng đứng vững – Nỗi lo của họ có phần đúng.
Chiều ngày 15 tháng 3/1975, bạn tôi là Đại úy Hà Viên từ Pleiku gọi điện thoại cho biết Quân Đoàn 2 sẽ rút quân về miền Duyên hải và hỏi tôi tình hình Quân Đoàn 1 ra sao ? Có di tản không ? Tôi cho Viên biết quận Tiên Phước đã lọt vào tay quân Cộng sản Bắc việt và nghe đâu Quân Đoàn 1 đang phối trí lại lực lượng ( Hà Viên trước đây cùng ở TĐ23PB với tôi, sau xin thuyên chuyển về Vùng 2 để gần gia đình ). Viên nói rằng :”- Lực lượng QĐ 2 tại Pleiku còn đầy đủ và rất mạnh , tại sao phải rút !”. Ngày 16 tháng 3/1975 , một Chuẩn úy trong Pháo đội, đến xin tôi cho phép về để đưa gia đình cha mẹ già từ Thừa Thiên vào Đà Nẵng -Anh cho biết : “ Lữ đoàn 369/TQLC sẽ thay thế cho LĐ/Nhảy Dù tại Thượng Đức để quân Dù rút về Sài Gòn – Quảng Trị và Huế sẽ không thể đứng vững “. Sau đó tôi có liên lạc bằng điện thoại với một người bạn làm việc tại BTL/QĐ1, được biết LĐ 3 ND, TĐ 7 ND và BTL/SĐND đã lên tàu về Saigon ngày 17/3/1975. Bạn tôi cho biết thêm : “- Dân chúng Quảng Trị và Thừa Thiên, Huế đã ồ ạt vô Đà Nẵng rất đông, họ di chuyển chật cả đường phố làm giao thông bị tắc nghẽn “. Người dân khi họ thấy Quân Đội di chuyển thì họ cũng chạy theo – Vì không muốn sống với Cộng sản.

Buổi sáng ngày 19/3/1975 – Tin tức từ BTL/SĐ 2 phổ biến nói rằng : – Các đơn vị của SĐ2BB sẽ di chuyển ra Đà Nẵng – Súng pháo binh và quân xa được mang theo bằng Dương vận hạm ( LST ), các thương bệnh binh tại TĐ 2 QY cũng được di chuyển an toàn ra Đà Nẵng và tập trung ở đó. Gia đình quân nhân sẽ di chuyển trước – Nghe tin này tôi rất hoang mang và nghĩ rằng Quân Đoàn 1 cũng sẽ rút quân như Quân Đoàn 2 mà thôi ! Trong bao năm qua làm tiếp liệu, tôi thấy mọi thứ đều bị cắt giảm – Quân Đội VNCH chiến đấu trong thiếu thốn mà Cộng Sản càng ngày càng lớn mạnh với vũ khí tối tân do khối CS giúp đỡ. Chiều ngày 19/3/75, Ban tài chánh Tiểu đoàn phát lương cho PĐCH & CV. Ngày 20 tháng 3 phát lương cho các Trung đội và các Pháo đội tác xạ tại Thị xã Quảng Ngãi và quận Nghĩa Hành. Trong ngày này tôi cũng vào trong Quảng Ngãi gặp các Pháo Đội Trưởng PĐ/Tác xạ xem họ cần những gì cho nhu cầu hành quân không ? Tôi có mang theo một số mìn Claymore cho các Pháo đội phòng thủ. Được biết Trung Đoàn 6/BB tiêu diệt nhiều Cộng quân và thu nhiều chiến lợi phẩm – Tôi thật vui mừng khi nghe tin này và cảm thấy an tâm đôi chút. Sau đó tôi ghé TT/HQ gặp Thiếu tá TĐT/23PB báo cáo cho ông rõ những việc xẩy ra tại BCH/TĐ và những tin tức mà BTL/SĐ phổ biến.

Ngày 22/3/1975 – Đoạn đường từ Chu lai vào Quảng Ngãi, một số Cộng quân tiến ra cắt QL 1 – Sư Đoàn 2 điều lực lượng đến giải tỏa, vài giờ sau lưu thông trên QL 1 trở lại bình thường . Tiểu đoàn 23PB tiếp tế đạn cho các PĐ đi về trong ngày. Tin tức nghe được từ Quảng Trị và Thừa Thiên biến chuyển nhanh chóng – Toàn là những tin xấu… Chưa bao giờ lòng tôi buồn bằng lúc này – Dòng người di tản từ Huế vào Đà Nẵng càng lúc càng đông, bồng bế, gồng gánh chạy trốn Cộng sản trên đoạn QL1 từ Huế đến đèo Hải vân – Nỗi sợ hãi về sự tàn ác của Cộng sản Bắc Việt hồi Tết Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 vẫn còn ám ảnh nơi họ. Quận lỵ Trà Bồng giáp ranh với Quận Bình Sơn về phía Tây thuộc Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã được di tản trước áp lực của địch quân vượt trội hơn về quân số và hỏa lực – SĐ2BB cũng không còn quân trừ bị để gửi tới các điểm nóng. Tôi trở về nhà ngoài phố Chu lai để ăn cơm, vợ tôi nói có nhiều gia đình họ tính xuống bến Kỳ Hà thuê ghe đi vào trong miền Nam. Thấy vợ tôi có vẻ lo âu – Tôi trấn an nàng :” Sư Đoàn đã có chương trình đưa gia đình quân nhân ra Đà Nẵng trước, Sư Đoàn sẽ ra sau, rồi sẽ di chuyển vào Nam “.

Ngày 24/3/1975 – 9 giờ sáng phu nhân Đại tá CHT/PB/SĐ 2 gọi điện thoại cho tôi nói rằng :” Ngày mai có trực thăng về Đà Nẵng , Anh hỏi Bà Thiếu Tá TĐT/23/PB , nếu có về Đà Nẵng thì đúng 10 giờ sáng có mặt tại Pháo Binh Sư Đoàn để cùng đi với Bà Đại tá về Đà Nẵng”. Tôi nói với Bà ĐT là buổi chiều tôi sẽ gọi cho Bà ĐT để xác nhận Bà Thiếu Tá có về Đà Nẵng hay không ? Sau đó tôi tới đài truyền tin của đơn vị, gọi vô tuyến cho Thiếu Tá/TĐT đang ở TT/HQ tại Quảng Ngãi – Ông đồng ý để vợ con ông về ĐN với Bà Đại tá CHT/PB/SĐ. Về phòng làm việc, được BTL/SĐ cho biết – Ngày mai (25/3/1975) sẽ có nhiều chuyến LCM chở gia đình Quân nhân đi ĐN tại Cảng Chu lai. Sau đó tôi ra phố Chu lai, tới trường Tiểu học mà bà Thiếu tá dạy học, nhưng trường học đã đóng cửa và tôi cũng được biết trường Trung Học quận Lý Tín cách Chu lai hơn cây số về phía Bắc cũng đã đóng cửa. Về nhà Bà Thiếu Tá, tôi thông báo đầy đủ tin tức cho bà biết và hẹn ngày mai sẽ đón bà vào căn cứ Chu lai lúc 9 giờ sáng. Trở ra ngoài phố Chu lai Dân chúng qua lại vội vàng có nhiều gia đình đang xếp đồ lên xe để di chuyển – Có nhiều nhóm chừng năm mười người tụ lại hỏi chuyện nhau với sắc mặt lo âu – Tôi về nhà ăn cơm, nói cho vợ tôi biết chuẩn bị những thứ cần thiết để trưa mai tôi về chở vào căn cứ Chu lai, rồi ra xe lấy vài lon sữa Guigoz mà tôi mua tại thị xã Quảng Ngãi mấy hôm trước, ít bịch gạo sấy và vài ba hộp thịt đưa cho vợ tôi để sửa soạn – Vợ tôi có vẻ buồn mà không nói ra.

Ngày 25/3/1975 – Vợ tôi và 2 đứa con, một đứa chưa đầy 2 tuổi và đứa kia chỉ mới 3 tháng tuổi cùng bà Dì xuống LCM đi ĐN lúc 4 giờ chiều. Đưa vợ con đi rồi, về đơn vị, tôi gặp một người Bạn là SQ Liên Lạc Hành Quân với Trung Đoàn 4BB vừa được bốc về Căn Cứ Chu Lai – Bạn tôi cho biết các Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 4 rút quân qua QL 1, đi thẳng ra biển rồi trở về Căn Cứ Chu Lai – Anh ta có vẻ lo lắng vì năm 1972 khi Pháo đội của anh đóng tại Quế Sơn bị quân CSBV tràn ngập – Bị bắt làm tù binh. Đầu năm 1973 được trao trả tù binh nên bây giờ sợ CS bắt trở lại… Lúc 5 giờ chiều lại nghe tin chiến xa CS đã chiếm Thị Xã Tam Kỳ – Tình hình trở nên nguy ngập. Gần nửa đêm biết tin TĐ 23 PB, Trung Đ 6BB, BĐQ và Tiểu khu Quảng Ngãi của Đại Tá Ngọc đang rút quân về Chu Lai. Tôi theo dõi đến khuya vẫn không thấy tin tức… Sáng 26/3/1975 được biết Thiếu Tá TĐT/TĐ 23PB và Trung Tá Tôn Thất Hồ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 6 cùng một số SQ và Binh sĩ trên mấy chiếc TVX đã về được BCH/Trung Đoàn 6 BB lúc 2 giờ sáng. Từ sáng đến chiều ngày 26/3/1975 đủ mọi sắc lính lẻ tẻ về Căn Cứ Chu Lai hàng trăm người – Trong số đó Pháo Binh cũng có mấy chục người. Trung đội PB đóng tại Quận Bình Sơn cách Chu Lai 8 Km về đông nhất.

Trong ngày 26/3/1975 – Quân nhân các cấp thuộc Sư Đoàn 2 BB tại Căn Cứ Chu lai có khoảng 6500 người, có nghĩa là SĐ 2 chỉ còn trên 50% quân số. Trong đó quân nhân tác chiến chừng 3.000 người, số còn lại là quân nhân của các Tiểu Đoàn Tiếp Vận, TĐ Truyền Tin, TĐ Công Binh, TĐ Quân Y, Kho Đạn, Đại Đội Tổng Hành Dinh, BTL/SĐ, PB/SĐ, BCH/TĐ 20PB, BCH/TĐ/ 23PB v.v… Buổi sáng BTL/SĐ quyết định Tử Thủ tại căn cứ Chu Lai : – Yêu cầu các đơn vị cho người tới Kho đạn lãnh thêm về để phòng thủ. Tôi xuống kho đạn nhận được một hỏa tiễn M-72 – Xin lãnh một số lựu đạn nhưng không được thỏa mãn. Về kho đạn đơn vị lấy đạn M-16 phát cho binh sĩ – Tập họp PĐCH, tôi phổ biến lệnh tử thủ của Sư Đoàn. Đến quá trưa, lệnh tử thủ được thay đổi, thay vào đó là Sư Đoàn sẽ rút quân về Đà Nẵng và cho biết các đơn vị di chuyển về bãi biển phía Nam căn cứ Chu lai lúc 7 giờ tối – Có tàu Hải quân vào đón. Tôi hiểu ý Sư Đoàn không muốn bốc tại cảng Chu Lai ở phía Bắc căn cứ vì nơi đó có rất nhiều dân chúng.

Cuộc Rút Quân Bắt Đầu :

Tất cả những gì tôi viết dưới đây đều là những sự kiện có thực – Mắt thấy, tai nghe và được chứng kiến : Ra khỏi đơn vị, ba lô trên vai, Pháo đội rẽ phải đi về hướng Nam theo đúng lệnh mà Sư Đoàn đã phổ biến. Tôi rất ngạc nhiên thấy bên kia đường một dòng Quân nhân đang đi ngược chiều tiến lên cảng Chu lai về hướng Bắc. Pháo đội tôi vẫn tiếp tục đi hướng Nam như Sư Đoàn đã chỉ dẫn, 40 phút sau tới nơi, nhìn ra khơi tôi thấy chiếc Dương Vận Hạm mang số 505 ( LST ) đang đậu ngoài đó cách xa tôi trên 200m. Đây là chỗ bờ biển lõm vào toàn là những mỏm đá nhô lên khỏi mặt nước ra tới chỗ tầu đậu. Có năm ba Quân nhân đang lội ra, nhưng bị sóng biển đánh té lên té xuống, không thể biết độ sâu giữa các mỏm đá và nhiều chỗ khoảng nước rộng với sóng biển nhấp nhô rất nguy hiểm. Tôi quay ngược trở lại , mới hiểu rằng tại sao có dòng người đi ngược chiều với chúng tôi về cảng phía bắc của căn cứ – Vì bãi này không thể lên tầu được. Khi đi ngang đơn vị, tôi tạt vào lấy xe Jeep để tới cảng Chu Lai cho nhanh. Tới cảng, tôi đã thấy chiếc LST 505 về đây và đang hạ bửng tàu. Tại sân bến, rất đông người, ước chừng đến bảy tám ngàn người gồm Quân nhân và dân chúng và còn đang tiếp tục đổ về Cảng nhiều hơn nữa. Ở đây không có Ban tổ chức, không có máy phóng thanh, không có ai điều động việc lên tàu. Tôi chọn hướng thẳng về cửa tàu mà tiến tới, nhưng còn cách xa bửng tàu khoảng 25m.

Tôi nhìn đồng hồ, lúc này là 8 giờ 30 tối, việc tiến tới cửa tàu, lâu lâu mới nhích được một bước – Những người lính đã bỏ súng, chỉ mang theo ba lô, không có tiếng la hét, không ồn ào và không náo động… Bên tay phải tôi, cách 2m là một hàng Conex xếp dài từ ngoài vào gần tới cửa tàu. Một giờ sau tôi mới tới chỗ cách chéo với bửng tàu khoảng 7m – Lúc đó lực ép của khối người đằng sau đẩy tới rất mạnh, một số người đằng trước tôi đã ngã xuống chồng lên nhau, lớp này trên lớp kia – Tiếng la thất thanh. Tôi bị đè ở lớp trên cùng, hai chân không còn cục cựa, bờ nước cách tôi có 3m. Phía bên kia bửng tàu cũng có tiếng la – Tôi nghĩ rằng bên đó cũng bị đè do sức đẩy dồn ép từ ngoài vào. Người bên trái tôi bị đè chính là Trung Tá Hà Tiểu Đoàn Trưởng /TĐ21PB. Phía sau tôi, chỗ cuối dẫy Conex có nhiều tiếng la lối, tôi ngoảnh mặt nhìn lên hàng Conex thấy 2 cô gái đang chạy trên đó mà trên người chỉ còn chiếc áo ngực và quần lót ( Tôi rõ mặt hai cô này, phải nói sao đây cho nhẹ nhàng – Vâng chính là hai cô gái “ làng chơi “ ngoài phố Chu Lai mà hàng ngày khi về nhà ăn cơm tôi thường nhìn thấy các cô mời chào khách trước một căn nhà, mà nhiều người cũng biết ) – Một cô nhẩy xuống ba lô trên lưng tôi và nhẩy thêm mấy bước nữa trên đầu những người khác rồi nhẩy xuống bửng tàu và vào được trong tàu. Khi thấy 2 cô gái xuất hiện tại bửng tàu chỉ với quần áo lót thì lựu đạn ném vào, có trái nổ dưới nước, một trái nổ trên bửng tàu, tôi thấy họ chạy được hết vào trong tàu, nhưng có một thanh niên quần áo dân sự nằm lại, tôi thấy vệt máu ở cổ chân anh ta chẩy ra, rồi chỉ 30 giây sau anh ta ngồi dậy được và đi vào được trong tàu. Rồi bửng tầu được kéo lên, đóng kín cửa lại và lui ra – Theo sự quan sát và nhận định của tôi thì không có ai chết và chỉ bị thương. Khối người phía sau tôi từ từ dãn ra, tôi không còn bị đè nữa; Không khí ngột ngạt quá, tôi tìm đường ra ngoài xa để thở chút không khí thoáng mát. Nhìn đồng hồ – đúng 10 giờ tối, tôi ra ngoài chỗ xe đậu ngồi nghỉ. Con tầu bây giờ quay ngang, họ ném những giây thừng xuống để cột vào những ụ sắt ở dưới bến – Ai muốn lên tầu thì đu giây, nhiều người ra đến nửa đoạn giây, sút tay rơi xuống nước – Chỉ những người trẻ mới lên tàu được bằng cách này. Một lát sau tôi gặp anh Đổng là Trưởng Chi Cảnh Sát Quận Lý Tín, anh rủ tôi qua Hải Thuyền kiếm phương tiện khác để đi.

Image may contain: one or more people, mountain and outdoor

Đơn vị Hải Thuyền, điện vẫn sáng nhưng họ đã đi hết. Tôi trở lại cảng Chu lai kiếm chỗ vắng đậu xe, Lấy bịch gạo sấy tôi đã đổ nước lúc chiều ra ăn – Tôi nghe nói có vài người chết vì ngạt thở, chính tôi khi bị đè phần chân, mũi miệng vẫn thở được mà còn cảm thấy như bị ngộp. Chiếc LST 505 đón thêm được một ít người bằng leo giây lên tàu, như vậy tàu còn rộng chỗ và rời bến lúc 12 giờ đêm. Với chiếc LST này, chở 3 ngàn người là bình thường, là 1/3 số người tại bến cảng Chu lai. Vài lính Pháo binh mỏi mệt lên xe tôi ngồi đợi tàu. Một chiếc Trực thăng bay trên khu vực bến cảng – Đó là Chuẩn Tướng TL/SĐ Trần văn Nhật, Ông bay liên tục liên lạc với các tàu Hải quân còn đang trên đường tới Chu lai để vào bốc Sư Đoàn 2. Tôi dựa lưng vào ghế, nhắm mắt cho đỡ mệt. Trời tối đen, không thể nhìn xa được. Căn Cứ Chu lai vẫn bình yên – Thị xã Tam Kỳ cách Chu lai về hướng Bắc 25 Km đã rơi vào tay quân Cộng Sản 5 giờ chiều ngày hôm qua – Chu lai vẫn chưa bị pháo kích. Một lúc sau một người lính PB trở về xe báo cho tôi biết : “ – Có một tầu đậu cách đây trên 3 trăm mét, đã mở bửng, một số người đang lội ra, mau lên ông Thầy “ Tôi vội vàng nổ máy xe chạy tới – Chúng tôi tháo giầy cột vào ba lô rồi lội ra tàu cách bờ độ 60 mét – Mực nước sâu dần, mặt nước phẳng lặng, còn cách tàu khoảng vài chục mét mực nước đã ngập đầu, nhưng không sao, mình biết bơi mà… Lên tàu, tôi thấy chừng 100 người đã ngồi xếp thành hàng ngang theo thứ tự – Chưa có nhiều người biết có con tàu, nhưng rồi họ sẽ biết, và như vậy sẽ tốt hơn – Không ai bị chết đuối. Tôi nhìn đồng hồ – Đã 1 giờ sáng, quần áo tôi ướt sũng… Chẳng bao lâu, con tàu đã đầy người – Hầu hết là Quân nhân, trên thành tàu cũng có người. Lúc 2 giờ sáng, có tiếng nói từ loa phóng thanh :”- Tầu bắt đầu rời bến đi Đà Nẵng – Cầu chúc con tàu thượng lộ bình an “ Nghe cũng ấm lòng như thời thanh bình. Tôi mệt quá, ngủ thiếp đi cho đến khi thức dậy lúc 8 giờ sáng. Tôi lên thành tàu quan sát, thấy đây là đảo Lý Sơn. Tôi đã lên đảo này một lần do Sư Đoàn tổ chức ra thăm đảo. Ba chiếc tàu đang neo tại đây là : HQ 505 (LST), HQ 802 (LST) và HQ 401.

Cù Lao Ré, Đảo Lý Sơn :

Theo chương trình, SĐ 2 sẽ ra Đà Nẵng, nhưng bây giờ được lệnh xuống đảo Lý Sơn do các ghe đánh cá của người dân tại đảo đưa vào bờ. Chiếc tàu tôi đi có hàng trăm người gồm Quân đội và một số ít dân sự, Họ muốn đi Đà Nẵng, không muốn xuống đảo và ở lại trên tàu. Hai HQ 505 và HQ 802 cũng có nhiều người ở lại để đi ĐN – Vì trước đây SĐ 2 đóng tại Đà Nẵng, trại gia binh các đơn vị cũng ở ĐN – Sau SĐ 2 di chuyển vào Quảng Ngãi, gia đình họ không đi theo nên giờ đây họ tìm về gia đình. Sự việc ba chiếc tầu đổ quân xuống đảo để lấy tầu ra ĐN làm cho tôi suy nghĩ :” Có thể ĐN đang bị lâm nguy ! “ và tôi cũng rất lo cho vợ con tôi đã ra ngoài Đà Nẵng cách đây hai hôm trong chương trình di chuyển của Sư Đoàn là : Đưa các gia đình Quân nhân ra ĐN trước rồi Sư Đoàn sẽ ra sau… Tôi là Pháo Đội Trưởng Pháo Đội Chỉ Huy Công Vụ, có trách nhiệm với Pháo Đội, thi hành lệnh là trên hết – Tôi và các Quân nhân lên đảo Lý Sơn buổi sáng ngày 27/3/1975.

Tôi đưa Pháo Đội đến ở tại một Trường Tiểu Học; Sau đó tập họp, sơ khởi : Tổng số Quân nhân các cấp là 123 người. BTL/ Sư Đoàn báo cho biết – Có thể mượn gạo của Đảo Lý Sơn. Tôi đi liên lạc và ký mượn một bao gạo 100 ký – Đong cho mỗi người một ca (700 gram). Vì tôi rời cảng Chu Lai lúc 2 giờ sáng, không biết những gì xẩy ra tại Chu Lai sau đó. Tôi có hỏi mấy người lính rời Chu Lai sau tôi, họ cho biết – Khoảng 3 giờ sáng Chu Lai bị pháo kích. Sau đó có tàu vào đón – Đó là LST 802. Số người còn lại lên xà lan nhưng không có tàu kéo… Việt Cộng tới kêu gọi Họ vào bờ. Số người trên xà lan cũng khá đông, trong số đó cũng có lính pháo binh – Một số người trên Xà lan cũng vượt thoát được là nhờ những ghe đánh cá từ xã Kỳ Hà ra đi, chạy qua ghé vào xà lan đón, nhưng phải có tiền. Sau khi ra ngoài cửa biển, kẻ ít người nhiều đưa tiền cho Chủ ghe.

Sáng 28/3/1975. Tôi ra quán uống cà phê (cà phê kho), tiện thể mua bao thuốc lá – Không có Captan, đành lấy Ruby Quân tiếp vụ. Trong khi ngồi uống cà phê – Tin tức từ Radio đang mở đài phát thanh Đà Nẵng nói rằng : “ Đà Nẵng sẽ trở thành vùng Trái Độn “ tôi cũng chẳng suy nghĩ gì thêm về tin này và cũng chẳng tin như vậy. Một rổ bánh được mang ra bán, còn nóng – Tôi lấy thử một cái bóc ra ăn – Nếp gói với nhân chuối, không đến nỗi tệ. Tôi mua cả chục cái mang về phòng xa khi cần . Một số lính Pháo Binh gặp tôi nói : ”- Tụi em muốn về lại đất liền, Ông Thầy nghĩ sao ?” Tôi nói cho họ biết là các anh em về hoặc ở lại, hoàn toàn tùy thuộc vào anh em. Hai giờ chiều ngày 28/3/1975 Sư Đoàn kêu Pháo Binh tập họp về BTL/SĐ. Nhưng nửa giờ sau cho giải tán về lại trường học, tôi nán lại nghe ngóng tin tức được biết tại Đà Nẵng đang hỗn loạn -“ Tối hôm qua, phi trường ĐN bị pháo kích, các máy bay đồng loạt cất cánh sang phi trường Non Nước tránh pháo kích. Tình hình trở nên rối loạn không thể kiểm soát nổi “.

Ngày 29/3/1975 cũng 2 giờ chiều, Sư Đoàn kêu Pháo Binh tập họp tại BTL/SĐ. Lên đến nơi đã thấy các quân nhân xếp thành hàng hai, từ từ đi xuống bãi biển. Tôi nhìn ra khơi, thấy chiếc Dương vận Hạm đang đậu ngoài đó – Vậy là đã có tàu cho SĐ 2 di tản. Việc lên tàu được thực hiện rất chu đáo và kỷ luật – Đầu tiên Quân nhân xuống ghe đánh cá, chở ra ngoài chừng 200m, đưa người sang mấy chiếc tàu nhỏ bằng sắt nổi lềnh bềnh của Hải Quân; Sau đó chuyển tiếp ra tàu lớn – Công việc tuần tự cứ như thế, nhanh và gọn. Khi lên tàu – Đàn bà, trẻ em và những người già yếu ngồi vào cái sọt bằng sắt, các anh em HQ kéo lên tàu. Còn các Quân nhân lên tàu bằng cách xỏ chân vào mắt lưới và hai tay bám vào lưới từng bước lên tàu. Đến 6 giờ 30 là hoàn tất – Thành công tốt đẹp. Trên boong tàu đã có hai trực thăng đậu sẵn của Chuẩn Tướng Trần Văn Nhật và BTL/SĐ 2/BB. Tàu bắt đầu khởi hành đi về Nam vào khoảng 8 giờ tối. Số người trên tàu bây giờ ước chừng hơn hai ngàn gồm Sư Đoàn 2 Bộ Binh và dân sự – Như vậy đã giảm đi non một nửa bao gồm số người tiếp tục đi ĐN – với số ở lại Đảo Lý Sơn.

Cam Ranh :

Ngày 30/3/1975 – Lúc 5 giờ chiều, tầu ghé Cam Ranh. Chuẩn Tướng Trần Văn Nhật lấy Trực thăng bay vào đất liền xem xét tình hình. Đứng trên boong tầu nhìn xuống tôi thấy hàng trăm người gồm Quân nhân và dân sự tiếp tục rời tàu xuống Cam Ranh. Chừng 10 phút sau chiếc HQ 401 từ ĐN vào, cũng cập bến phía tay phải của tôi – Đây là chiếc tàu đã chở tôi vượt thoát từ Chu lai ra đảo Lý Sơn; Rồi sau đó ra ĐN tiếp tục bốc người di tản. Nhìn xuống tầu HQ 401 tôi thấy nhiều Quân nhân bị thương – Đầu hoặc chân tay của họ còn băng bó. Cũng có một số Quân nhân trên tầu này xuống Cam Ranh. Hơn một giờ sau, máy bay Trực thăng của CT Nhật trở lại đậu trên tàu. Sau đó con tàu khởi hành xuôi Nam với vận tốc chậm hơn. Suốt ngày 31/3/1975 tàu chạy cặp theo bờ biển, cách bờ một đoạn không xa – Đến 2 giờ sáng ngày 1/4/1975 tàu ngừng lại. Trời tối đen, không thể biết tầu đang ở tỉnh nào. Buổi sáng thức dậy, biết đây là Tỉnh Bình Tuy.

Tại Bình Tuy :

Sư Đoàn 2 /BB lên bờ trong buổi sáng ngày 1/4/75. Pháo Binh được chỉ định đóng tại Ty Thông Tin Tỉnh Bình Tuy – Ty này lúc đó hoàn toàn bỏ trống. Việc đầu tiên tôi tập họp điểm danh – Tôi chọn một TS1 làm Thường Vụ Pháo Đội Chỉ Huy và Công Vụ. Tổng số Quân nhân về được Bình Tuy là : 104 Quân nhân, trong đó có 4 Sĩ quan. Ngoài ra còn có 3 gia đình vợ con của các Hạ Sĩ quan đi theo – Trong đó có một người vừa mới sinh con đầu lòng được 2 tháng. Tôi cho họ lập bảng danh sách để báo cáo lên SĐ 2 nếu cần. Nửa giờ sau có mấy Nữ quân nhân Phòng Xã Hội tới thăm viếng – Họ cho biết nếu có ai muốn nhắn tin về gia đình trên đài phát thanh thì ghi tên ra tờ giấy – Lời nhắn duy nhất là : Được Bình An. Tiếp theo là một xe Lam chở mì gói tới phát cho mỗi Quân nhân 6 gói – Tôi cũng xin thêm 6 phần cho 3 gia đình đi theo. Nửa đêm ngày 1/4/75 có một đoàn xe gồm Cargo và Jeep chạy vào tỉnh, trên xe có Quân đội và thường dân chạy về bãi biển chỗ mà buổi sáng chúng tôi lên bờ. Sáng hôm sau chúng tôi được biết : Đó là đoàn quân di tản từ Pleiku về – Phần lớn là Biệt Động Quân và có cả dân sự.

Sáng ngày 2/4/75 – Lệnh Sư Đoàn nói : – Pháo Binh ra Bãi biển xin xe các loại để có phương tiện hành quân sau này. Tôi đến gặp các Trung Tá, Thiếu Tá BĐQ trình bày sự việc, được các vị đồng ý ngay. Chúng tôi nhận được 5 Cargo và 4 Jeep, đưa về Ty Thông Tin ngay buổi sáng hôm đó. Vài ngày sau các đơn vị BĐQ được tầu chở về Vũng Tàu. Chuẩn Tướng Nhật can thiệp cho mỗi Quân nhân được lãnh 1.000$. Chiều 2/4/75 tôi sang ĐĐ/HCTV/BT lãnh 104 ngàn đồng về phát cho đơn vị; Đồng thời lãnh cho mỗi Quân nhân 2 bộ đồ trận. Tôi có xin lãnh một số nón sắt – Được trả lời rất khan hiếm. Sáng hôm sau được lệnh lãnh 50 bao gạo, mỗi bao 45 kg. Buổi chiều lãnh 400 lít xăng và 800 lít dầu.

Nhìn kho tàng tiếp vận, tiếp liệu của tỉnh Bình Tuy trống rỗng… Thật ra đó là tình trạng chung của Đất Nước – Vài năm qua Quân Đội VNCH chiến đấu trong thiếu thốn, chiến đấu trong đơn độc. Máy bay không đủ nhiên liệu để yểm trợ hành quân. Viện trợ bị cắt giảm đến cùng cực. Số xăng dầu lãnh về tôi cho đổ đầy vào các xe, thùng phi trống đem trả ngay cho Đại đội HCTV. Tại Bình Tuy, ngày nào tôi cũng có công việc phải làm nên không nghĩ về gia đình, những Quân nhân trong pháo đội không có việc làm khiến họ ngồi dưới gốc cây buồn rầu nghĩ về gia đình. Tôi phải thường xuyên động viên họ – Có gạo, có tiền, không có điều kiện tổ chức ăn tập thể – Như vậy cũng tốt. Tôi cho từng nhóm ăn chung với nhau : Người thì đi chợ, người nấu cơm, người lặt rau, người nấu đồ ăn, người kiếm củi – Với hai bữa cơm hết cả ngày. Sau đó dọn vệ sinh nên khu vực Ty Thông Tin lúc nào cũng sạch sẽ và thoáng mát và người lính cũng bớt u sầu.

Chiều ngày 4/4/75 – Sư Đoàn báo cho biết : – Saigon đã chuyển lên Bình Tuy 2 khẩu 105 ly – Tôi lấy xe chạy ra Phi Trường – Súng còn mới nguyên từ trong kho lấy ra còn đầy dầu mỡ. Công việc làm sạch súng sẽ tiến hành vào sáng mai. Sau đó tôi xuống La Di mua vài thứ cần thiết, nhìn thấy một số Quân nhân SĐ 2 tại bến và vài người đang xuống ghe. Tại đây có hàng trăm ghe lớn nhỏ, ngày nào cũng có nhiều chuyến về Vũng Tàu – Không ai kiểm soát, số Quân nhân bỏ ngũ càng đông. Buổi tối, tôi và Thiếu Tá TĐT vừa ăn cơm xong thì có Trung Tá Hà TĐT/TĐ 21PB tới thăm. Ông cho biết đã đưa gia đình về Sài Gòn mấy ngày trước khi di tản tại Chu Lai bằng máy bay Boing 727. Tiểu Đoàn 21 PB ở đây không còn ai nên ông nói ông sẽ về Sài Gòn. Tôi thầm nghĩ :” Sư Đoàn 2 đang chờ trang bị vũ khí và bổ xung thiết bị ra Phan Rang chiến đấu, đến lúc đó chắc sẽ không còn bao nhiêu người ! ” Pháo đội của tôi Quân nhân là người Quảng Ngãi, Quảng Tín và Đà Nẵng nên Họ vẫn theo đơn vị và hiện diện đầy đủ. Ngày 5/4/75 hoàn tất việc lau chùi và rửa sạch súng, kể như sự chuẩn bị đã xong; Nghe nói sẽ mượn thêm 2 khẩu 105 ly của Tiểu khu Bình Tuy kéo ra Phan Rang. Cũng trong ngày này Đoàn SVSQ Võ Bị Đà Lạt hành quân bộ về tới Bình Tuy trong trật tự. Chuẩn Tướng Nhật đã xin máy bay C – 130 đưa SVSQ/ĐL về Long Thành. Quốc Lộ 1 từ Bình Tuy về Long Khánh đã bị cắt, mọi trang bị cho SĐ 2 đều nhờ vào Không quân – Được biết sẽ di chuyển ra Phan Rang vào ngày 12 tháng 4/1975.

Phan Rang :

Sư Đoàn 2 nhận lệnh di chuyển ra Phan Rang bằng đường bộ – Vẫn duy trì 3 Trung Đoàn : Trung Đoàn 4 Trung Đoàn 5 , Trung Đoàn 6 mà mỗi Trung Đoàn giờ đây chỉ còn khoảng 450 người – Trung Đoàn 4 và Trung Đoàn 5 tới Phan Rang ngày 14/4/75 với quân số dưới 1 ngàn. Trung Đoàn 6 của Trung Tá Tôn Thất Hồ giữ Phan Thiết. Được biết Chuẩn Tướng Nhật được lệnh đề cử Đại Tá Trương Đăng Liêm, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 4 làm Tỉnh Trưởng Phan Rang thay thế Đại Tá Tự. Trung Tá Chế Quang Thảo, Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 4 lên nắm Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 4. Đại Tá Hoàng Tích Thông, Tư lệnh Phó SĐ 2, đi với Trung Đoàn 5. Tôi chỉ là một Sĩ quan cấp thấp, không dám có ý kiến – Nhưng tôi nghĩ rằng binh sĩ SĐ 2 đã bị giao động từ những cuộc rút quân tại Quảng Trị và Thừa Thiên – Khi dân chúng chạy vào Đà Nẵng rất đông – Thì người lính SĐ 2 đã bỏ ngũ đi tìm kiếm gia đình. Từ mấy ngàn quân khi rút khỏi Chu lai nay chỉ còn khoảng trên 1400 quân ( Kể cả 104 Quân sĩ của Pháo Binh ). Tại bến cảng Chu lai tôi đã thấy Binh sĩ họ :” Giã từ vũ khí, vĩnh biệt quân binh “ – Nay về Bình Tuy, trang bị thiếu thốn – Mất hết tinh thần chiến đấu. Riêng Pháo Binh chỉ có mấy khẩu đại bác, súng cá nhân M16 thì không có.

Lệnh từ Sài Gòn rút Lữ Đoàn 2 Dù về Saigon, thay vào đó là một Liên Đoàn BĐQ của Đại Tá Nguyễn Văn Biết vừa rút quân từ Chơn Thành về, chưa được nghỉ ngơi và bổ xung quân số đã phải lên đường ra Phan Rang với với 3 Tiểu Đoàn mà quân số thiếu hụt, tổng cộng 3 Tiểu Đoàn khoảng 1 ngàn người – Các đơn vị BĐQ điền trám vào các vị trí phòng thủ của Nhảy Dù. Về quân số thì SĐ 2 + LĐ BĐQ lúc này cũng chỉ bằng một LĐ Nhẩy Dù, nhưng về trang thiết bị cũng như tinh thần chiến đấu thì LĐ Dù hơn hẳn. Tóm lại Nhẩy Dù là đội quân mạnh, SĐ 2 và LĐ BĐQ là đội quân yếu – Lấy quân yếu mà thay cho quân mạnh là không hợp lý. Chính vì vậy, chỉ một ngày sau đó, quân CS Bắc Việt bắt đầu rời vị trí ém quân – Pháo kích vào Phi trường lúc 8 giờ tối, đồng thời chúng cho nhiều đoàn xe chở bộ binh cùng Pháo binh, Thiết giáp vượt qua đèo Du Long, vượt thoát khỏi tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn 31 BĐQ với mục đích tiến về phía Nam ( Du Long cách Phi trường về phía Tây bắc trên 20 km ).

Tại tuyến Ba Râu có TĐ 36 BĐQ và TĐ 11 Dù trừ – Tại tuyến Ba Tháp có TĐ 3 Dù – ( Khi LĐ/BĐQ tới Phan Rang – Chỉ có TĐ 7 Dù và các bộ phận nặng của Lữ Đoàn 2 Dù về được Sài Gòn – TĐ 11 Dù trừ và TĐ 3 Dù ở lại chờ phương tiện về sau nên ta thấy hai TĐ này trên tuyến phòng thủ ). Khi đoàn xe của quân CS tới Ba Râu, Ba Tháp, đã đụng mạnh với lực lượng phòng thủ của VNCH – A-37 cất cánh oanh kích vào đoàn xe làm cho chúng tổn thất rất nặng. Đoàn xe tắt đèn và vẫn quyết tiến tới. Mấy chiếc A – 37 bị phòng không của địch quân bắn thủng bình xăng nên phải quay về đáp xuống phi trường. Chúng chiếm Thị xã buổi sáng sớm, xâm nhập Phi trường và gia tăng pháo kích vào căn cứ. Trực thăng lên nghênh chiến bị hỏa tiễn SA7 bắn cháy. Tình hình trong căn cứ thêm rối loạn. Tướng Nghi và mấy trăm binh sĩ rút khỏi Phi trường vào buổi trưa ngày 16/4/1975 đi về hướng Nam. Sau này chúng ta được biết Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang và Đại Tá Nguyễn Thu Lương đã bị bắt vào buổi tối trong ngày. Căn cứ Không quân Phan Rang và Thị xã hoàn toàn lọt vào tay quân Công sản.

Trong trận chiến này – Địch quân ở thế thượng phong về Quân số cũng như vũ khí – Hơn nữa SĐ 2 và LĐ 31 BĐQ là những đơn vị vừa rút quân, cần phải được trang bị lại vũ khí, bổ xung quân số và nghỉ ngơi. Việc rút quân của QĐ 2 và QĐ 1 – Đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần chiến đấu của binh sĩ – Nhất là Tỉnh Phước Long bị mất vào đầu năm 1975 mà không được Hoa kỳ yểm trợ như đã hứa. Pháo Đội chúng tôi ở phía sau rút về Phan Thiết và sau đó về Bình Tuy.

Trở Lại Bình Tuy :

Pháo Đội về đến Phi trường Bình Tuy lúc 4 giờ chiều ngày 18/4/1975 – Tại Phi trường lúc đó có 2 chiếc máy bay loại nhỏ đang đậu sẵn – ( Những ngày tôi ở Bình Tuy, ngày nào cũng có những chuyến máy bay nhỏ liên lạc giữa BT và Sài Gòn ). Tôi cho Pháo đội xuống xe nghỉ ngơi và ăn cơm. Một lát sau không thấy Thiếu Tá TĐT và hai SQ khác, tôi tới phía sau máy bay mở cửa, đã thấy Thiếu Tá cùng 2 SQ và một số Hạ SQ đang ngồi trong máy bay; Chiếc máy bay kế cũng có một số HSQ, đóng cửa máy bay lại, tới chỗ Pháo đội tôi nói cho họ biết là tôi sẽ tìm phương tiện cho toàn thể Pháo đội về Sài Gòn. Tôi kêu tài xế lái chiếc Cargo trên đó còn 25 bao gạo loại 45kg chạy theo xe tôi xuống bến La Gi Rất nhanh chóng tôi đã bán cho một bà lái buôn số gạo có trên xe với giá : 5.000đ x 25 = 125.000 đồng ( Bán rẻ ). Sau đó tôi và tài xế của tôi cùng xuống ghe chuyền từ ghe này sang ghe khác, ra mãi tới ngoài xa có một chiếc ghe khá lớn, trên ghe có một chiếc xe vận tải, chỉ có đầu máy và dàn bánh – Ghe này sẽ về Vũng Tàu tối nay. Tôi gặp Chủ ghe xin cho Pháo đội di chuyển về Vũng Tàu, có trả tiền cho ghe phần nào. Chủ ghe đồng ý; Tôi cho tài xế lên báo cho tài xế chiếc Cargo còn đang đợi trên bến về Phi trường đưa toàn bộ PĐ xuống bến. Tôi vào mui ghe ngả lưng cho đỡ mệt. Toàn thể Pháo Đội xuống ghe xong lúc 6 giờ 15 chiều. Có 3 người vợ của HSQ với con nhỏ vẫn còn theo PĐ đến giờ phút này – Trong đó có người mới sanh con so được 2 tháng tuổi. Trên 3 tuần lễ Họ theo Pháo đội và cùng chịu cực với đơn vị. Sau khi ghe rời bến, Chủ ghe tới chỗ tôi lấy số tiền là : 88 ngàn ( Đã trừ cho 2 ngàn ) – (PĐ có 90 người trên ghe).

Vũng Tàu về Sài Gòn :

Mờ sáng ngày 19/4/1975 ghe cập bến tại Vũng Tàu – Có Quân Cảnh tại bến thu lại vũ khí – Khẩu Colt 45 lúc nào cũng ở bên tôi, nay phải đưa cho Quân cảnh. Toàn thể PĐ lên bến – Tôi cho họ 1 giờ 30 phút : – Cafe và ăn sáng… Có 2 xe đò về Saigon – Trên mỗi xe đã có một nửa số người ngồi. Tôi tìm người thu tiền đưa cho Ông ta số tiền 10 ngàn đồng để trả tiền vé cho các Quân nhân trong Pháo đội và nói với ông – Dọc đường có đón khách, Quân nhân sẽ nhường ghế. Ông ta cầm tiền và không nói chi hết – Xe bên kia cũng tương tự như vậy. Về đến Xa cảng Quân cảnh yêu cầu các Quân nhân xuống xe đò và lên 2 chiếc Cargo đã đậu sẵn ở đó – Xe về tới Quân Cảnh Biệt Khu Thủ Đô lúc 13 giờ. Sau một tiếng làm thủ tục giấy tờ xong. Họ mời chúng tôi đi ăn cơm ở sân sau có dẫy nhà tôn mới làm – Có năm sáu người phục vụ – Sẵn cơm và đồ ăn. Đến 4 giờ chiều QC chở chúng tôi qua Bộ Xã Hội đường Trần Quốc Toản chỉ cách xa khoảng vài trăm mét. Đây là nơi dành cho Sư Đoàn 2 BB khi di tản về. Chúng tôi đã gặp lại Thiếu Tá/TĐT, vài SQ cùng HSQ và Binh sĩ đã về đây bằng hai máy bay nhỏ tại Phi trường Bình Tuy chiều hôm qua (18/4/1975) – Tất cả đều vui mừng là tôi đã đưa được Pháo Đội về Sài Gòn an toàn.

Buổi chiều tôi về thăm Mẹ tôi tại khu Ông Tạ – Trong nhà rất đông các cháu lớn nhỏ – Con chị tôi từ Tây Ninh về, con anh tôi từ Biên Hòa về; Có thêm 4 đứa cháu con chị tôi di tản từ Pleiku về – Tất cả chạy tới ôm lấy tôi mừng rỡ… Mẹ tôi vẫn đứng cách xa đó; Tôi tiến tới ôm Mẹ – Mẹ tôi vui mừng khôn xiết và có những giọt nước mắt trên má mẹ rơi xuống. Bà đã 75 tuổi rồi, nhưng còn khỏe mạnh lắm – Khi hay tin Vùng 1 rút quân Bà lo lắng cho tôi mỗi đêm ngày. Chị tôi kể lại cuộc di tản từ Pleiku về rất gian nan khổ cực. Gia đình anh chị tôi về đến Saigon trước tôi chừng hơn 10 ngày. Mỗi buổi sáng tôi có mặt tại đơn vị ở đường Trần Quốc Toản xem có tin tức gì mới không ? Vài hôm sau có khoảng 50 Sinh viên SQ/Đà Lạt ra trường sớm – Gắn cấp bậc Thiếu Úy tại BTL / SĐ 2 – Nét mặt các Tân sĩ quan lộ vẻ ưu tư, không thấy sự vui mừng. Tối 21/4/1975 – Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức. Đây là buổi tối mà trong lòng tôi rất buồn :” Kể từ khi Phước Long rơi vào tay CSBV cho đến Ban Mê Thuột thất thủ, Vùng 2 và Vùng 1 rút quân – Hoa kỳ không hề can thiệp – VNCH chưa bao giờ rơi vào tình trạng đen tối như lúc này “.

Ra Vũng Tàu Dưỡng Quân :

Sáng ngày 23/4/1975 – Sư Đoàn 2 BB và Pháo đội Chỉ Huy TĐ/23 PB được lệnh ra Vũng Tàu dưỡng quân. Pháo đội đóng quân tại Đặc Khu Vũng Tàu, tôi cho điểm danh quân số, và lập danh sách của PĐ – Khi về tới Sài Gòn có một số QN rời khỏi đơn vị; Nhưng cũng có một số từ ĐN vào tìm đến đơn vị – Hiện diện của PĐ là : 105 QN. SĐ 2 BB chỉ còn : 100 QN- Có Đại Tá Nguyễn Khoa Bảo, Tham Mưu Trưởng; Tr.Tá Tôn Thất Hồ, Trung Đoàn Trưởng Trung đoàn 6 BB ; Trung Tá Chế Quang Thảo, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 4 BB.

Ngày 24/4/1975 – Tại khu rừng Chí Linh, nơi mà đồng bào di tản từ Đà Nẵng vào ở đó – Có xe đưa Quân nhân đi tìm thân nhân. Tôi và Đại úy Xếp cùng đi tới đó và Đại úy Xếp đã tìm thấy vợ con Ông tại rừng Chí Linh. Còn vợ tôi với em bé mới sanh chưa được 3 tháng tuổi, khó có thể di tản được. Tôi tới đây để cho biết chứ không hy vọng tìm được vợ con.

Ngày 25/4/1975 – Tôi mang danh sách Quân nhân PĐCH/TĐ 23PB lên Bà Rịa để lãnh cho mỗi Quân nhân 30 ngàn đồng, không phân biệt cấp bậc – Đó là lương tháng 4/1975. Tôi lãnh số bạc tổng cộng là : 3.150.000 đồng. Sau đó lãnh 20 bao gạo loại 45 kg. Về Đặc khu tôi phát cho mỗi người 30 ngàn xong trong ngày. Ngày hôm sau, Đại Tá Nguyễn Khoa Bảo, Tham Mưu Trưởng SĐ 2 kêu Pháo binh chúng tôi tới – Đại Tá muốn trang bị súng cá nhân cho chúng tôi; Theo ĐT vào nhà kho , có rất nhiều súng M 16 , cầm lên xem , tôi thấy nòng súng đều bị rỉ sét bởi nước biển khi di tản . Tôi trình bày với ĐT – Muốn xử dụng những súng này , phải có cây thông nòng , dầu các loại và giẻ lau nòng súng . Đại Tá không nói gì và ra khỏi nhà kho. Lúc này nghe tin Sư Đoàn 18 triệt thoái khỏi Xuân Lộc về Long Bình. Lữ Đoàn 1 Dù xuất phát khỏi SĐ 18, về Bà Rịa rồi ra bảo vệ Thị Xã Vũng Tàu. Ngoài ra Thị Xã cũng có một đơn vị TQLC trấn giữ. Trong khi đó TĐ 9 ND thuộc LĐ 1 Dù đang đụng mạnh với một đơn vị CSBV hùng hậu có xe tăng yểm trợ. TĐ 9 Dù rút về Vũng Tầu, qua cầu Cỏ May xong – Công binh Dù đặt chất nổ phá sập một nhịp cầu để ngăn chặn chiến xa địch. Sự giao thông từ Vũng Tàu về Saigon hoàn toàn bị gián đoạn kể từ ngày 28/4/1975.

Trong thời gian SĐ 2 và PB ở Đặc Khu VT – Chuẩn Tướng Trần Văn Nhật TL/SĐ2/BB có đến thăm 2 lần – Nói chuyện với QN các cấp trong SĐ – Lần thăm chót của Chuẩn Tướng Tư Lệnh vào ngày 29/4/1975; Lần viếng thăm này có Bác sĩ Thiếu Tá Lang TĐT/TĐ 2 Quân Y tháp tùng. Thiếu Tá Lang nói với tôi : “- Chuẩn Tướng sẽ bay về Quân Đoàn 4 xem xét tình hình “. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh QĐ 1, QK 1 cũng đến thăm SĐ 2 – Có một Đại Úy đi theo. Trung Tướng không nói chuyện với Quân sĩ – Chỉ nhìn và quan sát một hồi… Rồi ra đi – Nét mặt Trung Tướng rầu rầu. Tôi luôn trân trọng vị Tướng này – Thông cảm với những khó khăn quá đỗi mà Ông phải thi hành lệnh rút quân mà ông không hề mong muốn – Cả một Quân Đoàn hùng mạnh với trên 100 ngàn quân bỗng chốc đã tan biến ! Đêm 29/4/1975 – Một cơn mưa lớn đổ xuống thành phố Vũng Tàu, sấm sét chớp liên hồi – Buồn thương cho thân phận VNCH – Các Tỉnh Thành rút đi còn nhanh hơn địch quân tới tiếp thu. Không thể tưởng tượng nổi – Chỉ hơn một tháng mà một nửa Đất Nước đã rơi vào tay giặc.

Ngày 30/4/1975 – Pháo đội quây quần bên chiếc Radio, nghe ngóng tin tức – Không một tin nào vui mừng, cho đến khi Tổng Thống Dương Văn Minh nói trên Đài Phát Thanh là Các anh em Quân nhân hãy bỏ súng xuống, chờ quân giải phóng đến bàn giao ! Ôi tất cả đã xụp đổ. Tôi vội nói lời chia tay ngắn ngủi với các Quân nhân trong Pháo Đội đứng quanh đó – Mọi người đi lấy đồ cá nhân, rời khỏi Đặc Khu Vũng Tàu. Pháo Đội Chỉ Huy và Công Vụ Tiểu Đoàn 23 Pháo Binh Sư Đoàn 2 BB tan hàng tại Vũng Tàu kể từ khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát Thanh Sài Gòn lúc 10 giờ 30 sáng ngày 30/4/1975. Sau đó Việt Cộng bắt đầu pháo kích vào Đài Radar Vũng Tàu – Tiếng nổ khủng khiếp, đinh tai, nhức óc, hơn một giờ sau mới chấm dứt pháo kích.

Lời Cuối :

Phần trình bày trên đây, người viết ghi lại những sự kiện có thực đã mục kích hoặc nghe nói trong phạm vi hiểu biết của một Sĩ quan Pháo Binh Pháo Đội Trưởng – Đã 39 năm trôi qua – Tìm hiểu thêm, cũng muốn đóng góp những suy nghĩ của mình về việc rút quân của Sư Đoàn 2 BB và trận chiến cuối cùng của Sư Đoàn 2/BB và PĐCH&CV/TĐ 23PB tại Phan Rang. Trong việc rút quân của Sư Đoàn 2/BB. Tướng Trần Văn Nhật đã có những quyết định nhanh chóng và kịp thời – Khi quân CS tràn ngập quận Tiên Phước, Chuẩn Tướng Nhật đưa Trung đoàn 5 và BĐQ lập tuyến ngăn chặn, nhưng vì ảnh hưởng việc rút quân của Quảng Trị và Huế nên một số Quân nhân đã bỏ hàng ngũ đi tìm gia đình – Hơn nữa quân CS với vũ khí tối tân và chiến xa yểm trợ nên Tướng Nhật đã cho rút quân về Căn Cứ Chu Lai – Lúc 5 giờ chiều ngày 25/3/1975 Chiến xa quân CSBV đã chiếm được Thị xã Tam Kỳ cách Căn Cứ Chu Lai 25 Km về phía Bắc.

Tình hình thật nghiêm trọng, nhưng quân CSBV chưa thể tấn công Căn Cứ Chu Lai được nên ngay đêm đó Tướng Nhật cho Trung Đoàn 6, BĐQ, TĐ 23PB và Tiểu khu Quảng Ngãi rút quân về Chu Lai để sáng hôm sau phát lệnh Tử Thủ. Đồng thời Tướng Nhật liên lạc với Hải Quân cho tàu đến bốc Sư Đoàn 2BB – Chiếc LST 505 đến đúng hẹn 7 giờ tối (26/3/1975) – Những chiếc khác còn cách xa Chu Lai về phía Nam. Đêm đó Tướng Nhật dùng Trực Thăng bay ra biển liên lạc và hối thúc các tàu mau tới – HQ 401 tới lúc 1 giờ đêm, LST 802 lúc hơn 3 giờ sáng – Đó là những quyết định kịp thời và nhanh chóng cùng mọi cố gắng của Tướng Trần Văn Nhật trong vài ngày cuối cùng trước khi rút quân an toàn tại Căn Cứ Chu Lai.

Sư Đoàn 2 BB về Bình Tuy chờ bổ xung quân số và các trang thiết bị. Tình hình an ninh ổn định và Tỉnh lỵ vẫn yên bình. Sau 10 ngày Sư Đoàn 2 BB nhận lệnh ra tham chiến tại Phan Rang với quân số ít ỏi và trang bị thiếu thốn – Nhưng vẫn còn đầy đủ các SQ của Bộ Tư Lệnh như : Chuẩn Tướng TL Trần Văn Nhật, Đại Tá TL Phó Hoàng Tích Thông, Đại Tá TMT Nguyễn Khoa Bảo, HQ/TV – Đại Tá Nguyễn Thới Lai, Pháo Binh SĐ Đại Tá Lê Thương và các Trung Đoàn Trưởng. Về tương quan lực lượng – CSBV gồm có : SĐ F 10, SĐ 3 CSBV, SĐ 325 và Đoàn 968, Phòng không dầy đặc, Thiết giáp : 200 chiếc, Pháo binh, Hỏa tiễn SA-7. Tổng cộng quân CSBV trên 20 ngàn người.

VNCH gồm có : LĐ 31 BĐQ, SĐ 2 BB, TĐ 3 Dù, TĐ 11 Dù, 2 Tiểu đoàn ĐPQ, SĐ 6 KQ yểm trợ – Tất cả trên 4 ngàn người. Ngoài ra Nha Kỹ Thuật gửi ra 3 toán Thám sát, mỗi toán 10 người để giúp BTL Tiền Phương Quân Đoàn 3 biết được những đơn vị CS đang có mặt tai khu vực. Xét về khả năng tham chiến thì địch vượt trội hơn ta cả về quân số lẫn vũ khí và có ưu thế đủ mọi mặt. Căn cứ Phan Rang rộng lớn, có đầy đủ cơ sở, kho tàng, ụ chứa, kho bom, bồn xăng v.v… Mọi quả pháo của địch quân đều rơi trọn vào Phi trường. Sáng 16/4/1975 quân CSBV pháo kích liên tục gây rối loạn trong căn cứ – Trực thăng bị SA-7 bắn cháy – Cộng quân đã có mặt vòng ngoài của Phi trường. Tướng Nghi ra lệnh rút lui qua cổng số 1.

Đoàn quân rút đi trong vòng vây trùng điệp của địch quân – Cuối cùng Tướng Nghi và Tướng Sang đều bị bắt tối ngày 16/4/1975. Đại Tá Nguyễn Thu Lương quay lại tìm Trung Tướng Nghi để rồi cũng bị rơi vào tay địch – Pháo Binh ở phía sau được lệnh rút về Bình Tuy an toàn – Cuối cùng ở Vũng Tàu với Quân số 105 người và Sư Đoàn 2 BB 100 người. Tôi viết những lời cuối này mọi sự chỉ quy về lòng Dũng cảm của các Tướng lãnh, SQ và các Chiến sĩ của những đơn vị VNCH tham chiến cho dù với số quân ít ỏi và hỏa lực không tương xứng, nhưng tất cả đều mang sự hy sinh thân mình trong trận chiến cuối cùng dù sống hay chết cũng để trả nợ Non Sông Đất Nước.

NGUYỄN BÁ KHƯƠNG