CUỘC ĐỜI SÓNG GIÓ CỦA THU TRANG- HOA HẬU ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM SAU 1954

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Cuộc đời sóng gió của Thu Trang – Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam sau 1954

Từ cổ chí kim, thường là hồng nhan sẽ bạc phận, hoặc ít thì đường đời của những hồng nhan tuyệt sắc cũng sẽ gập ghềnh và trắc trở hơn bình thường. Điều này đúng với hoa hậu Thu Trang, một người đồng thời là nhà báo ở Sài Gòn thập niên 1950, sau này trở thành một tiến sĩ sử học ở Pháp. Nhiều người nhầm lẫn khi nói rằng Thu Trang là hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, nhưng thực ra cô chỉ là hoa hậu của cuộc thi nhan sắc đầu tiên được chính quyền VNCH tổ chức ở Nam Việt Nam vào năm 1955. Còn trước đó, từ thời Pháp thuộc thì đã có nhiều cuộc thi hoa hậu ở khắp Đông Dương.

Thu Trang năm 23 tuổi, đăng quang hoa hậu năm 1955. Phía sau là tấm hình quảng cáo xe Lambretta

Sau khi trở thành hoa hậu của VNCH năm 1955, như lẽ thường, Thu Trang nhận được nhiều lời mời tham gia nghệ thuật, cụ thể là đóng phim. Nhưng sự nghiệp tài tử điện ảnh cũng như bước đường tham gia nghệ thuật của hoa hậu Thu Trang thật ngắn ngủi, trước khi sa chân vào những lầm lỗi làm xoay đổi hoàn toàn số phận.

Đầu tiên, Thu Trang được mời tham gia bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống trong cùng năm 1956. Tuy nhiên đó chỉ là một vai phụ rất nhỏ. Cuốn phim thứ 2, cũng là vai diễn định mệnh, Thu Trang vào vai Kiều Nguyệt Nga trong phim chuyển thể từ áng thơ bất hủ của cụ Đồ Chiểu, đó là phim Lục Vân Tiên do Tống Ngọc Hạp làm đạo diễn. Ông đồng thời cũng là một nhà báo, một tác giả nổi tiếng đã có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật miền Nam trong những bước đầu chập chững vào thập niên 1950.

Trong một phần giới thiệu ngắn trên tờ Kịch Ảnh năm 1957, phim Lục Vân Tiên được giới thiệu như sau:

“Một thành công của nền điện ảnh Việt Nam. Một cuốn phim với những nét nhạc dịu dàng đầy mầu sắc dân tộc, đã được mời tham dự Đại hội điện ảnh Á Châu lần thứ tư. Một cuốn phim mầu đầu tiên hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện ở đất nước với nữ diễn viên Thu Trang, hoa hậu Việt Nam 1955.”

Năm 1957, khi phim Lục Vân Tiên vẫn chưa hoàn thành, chưa công chiếu ở Việt Nam, đạo diễn Tống Ngọc Hạp mang sang Nhật làm hậu kỳ, cũng như gửi tham gia đại hội điện ảnh Á Châu lần thứ 4.

Thời gian ở nước ngoài khá lâu nên kinh phí không đủ, đoàn từ bốn người đã rút lại còn mỗi đạo diễn và nữ chính Thu Trang.

Chỉ có 2 người ở với nhau một thời gian dài như vậy nên việc nảy sinh tình riêng là không tránh khỏi. Thu Trang trở thành tình nhân và mang trong mình đứa con của vị đạo diễn (đã có gia đình) ngay trong tháng đầu tiên ở Tokyo.

Dư luận xã hội lúc bấy giờ không dễ gì tha thứ cho một sự việc như thế. Thu Trang kiên quyết giữ lại đứa con của mình và sẵn sàng chấp nhận tất cả búa rìu dư luận.

Thu Trang với tạo hình nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong phim Lục Vân Tiên

Trong hồi ký của mình, Thu Trang kể lại đầy chua xót:

“Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị đưa vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu? Ngang trái thay, tôi đã không biết ABC gì trên phương diện tình duᴄ. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo. Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy”.

Chuyện tình oan nghiệt của Thu Trang và Tống Ngọc Hạp xuất hiện đầy rẫy trên báo chí Sài Gòn từ đó, vùi dập cuộc đời người mẹ trẻ quyết định giữ lại đứa con đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên. Ngay cả cái tên mà Thu Trang chọn đặt để ý niệm cho cuốn phim Lục Vân Tiên, có lẽ cũng mang hàm ý rằng bà không oán trách gì nhân tình. Tuy nhiên, vết thương cuộc đời này đã nhấn chìm sự nghiệp của một hoa hậu chỉ vừa mới nổi không lâu, đồng thời sự nghiệp của Tống Ngọc Hạp cũng gần như chấm dứt từ đó.

Sau đây, xin trích một đoạn trong bài báo đăng trên báo Kịch Ảnh ngay sau khi Thu Trang và Tống Ngọc Hạp trở về từ Nhật vào cuối năm 1957:

“Gần đây, nhân cuốn phim Lục Vân Tiên đem chiếu, dư luận trong giới nghệ sĩ đã bàn tán khá nhiều đến mối tình giữa nhà đạo diễn với nữ tài tử, cô Thu Trang và ông Tống Ngọc Hạp. Trên mặt báo Lẽ Sống, bà vợ cũ của ông Hạp lên tiếng nói về chồng và người vợ mới là cô Thu Trang. Đây chỉ là một vấn đề thuộc về đời tư cá nhân, song không khỏi có ảnh hưởng đến tiếng tăm của giới nghệ sĩ, mà ở xã hội Việt Nam, theo luân lý và đạo đức cổ truyền, đời tư của một nghệ sĩ rất hệ trọng đối với sự nghiệp của họ.

Sau đây là bài phỏng vấn nêu rõ tánh chất cuộc tình duyên giữa đôi nghệ sĩ Thu Trang và Tống Ngọc Hạp, để đưa tới kết luận đặt thành vấn đề: người nghệ sĩ, nhất là các bạn gái bước chân vào nghệ thuật, cần phải có một sự thận trọng và giữ gìn đạo đức cá nhân như thế nào, để tránh các sự đáng tiếc không hay cho cá nhân nghệ sĩ mà lại còn ảnh hưởng đến cả giới văn nghệ nói chung nữa”.

Trong đoạn phỏng vấn, Thu Trang nói rằng bà đến với ông Tống Ngọc Hạp sau thời gian thân thiết trong nghề nghiệp, và lúc đó ông đạo diễn nói rằng đang ly thân với vợ, sắp làm thủ tục ly dị.

Vì “lý do ngoài ý muốn” nên phim Lục Vân Tiên được mang về Việt Nam nhưng chưa thể chiếu ngay được. Theo một mẩu tin đăng trên báo Kịch Ảnh năm 1957.

Ông Tống Ngọc Hạp mang phim Lục Vân Tiên trở lại Sài Gòn để công chiếu trong tình trạng lùm xùm như vậy nên lẽ dĩ nhiên cuốn phim này đã thất bại về mọi mặt, không chỉ về mặt doanh thu khi bị tẩy chay, và về vấn đề nghệ thuật cũng bị giới chuyên môn chỉ trích một cách thậm tệ. Xin trích một bài báo năm 1957 nói về phim này với tựa đề: Ngăn ngừa những kẻ đầu cơ điện ảnh, phản bội văn hóa dân tộc:

Phim Lục Vân Tiên vừa chiếu trên màn ảnh Saigon đã ghi thêm một vết bẩn vào văn chương cổ điển Việt Nam.

Trước đây, một số con buôn đầu cơ điện ảnh đã không ngại ngùng đem các truyện cổ nước nhà ra thực hiện bừa bãi, nhắm vào mục đích trục lợi. Họ lợi dụng tình cảm của khán giả đối với các đề tài văn hóa của đất nước, đua nhau khai thác, mặc tình kết quả thảm hại về nghệ thuật. Chẳng những vô ý thức về câu chuyện đem lên màn ảnh, họ còn bất chấp cả kỹ thuật sơ đẳng cần thiết, không quan tâm gì đến tinh thần nghệ thuật.
(…)

Cuốn phim của Tống Ngọc Hạp phỏng theo án thơ trứ danh của thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu xuất hiện vào lúc mong đợi của chúng tôi. Người thực hiện Lục Vân Tiên lại là một nhạc sĩ quen thuộc trong giới văn nghệ, khiến chúng tôi càng hy vọng rằng cuốn phim đầu tay của Tống Ngọc Hạp sẽ là một tác phẩm chứng minh xác đáng về sự khai thác đề tài cổ trong điện ảnh.

Thực tế đã trả lời trái ngược hẳn. Phim Lục Vân Tiên, về kỹ thuật và nghệ thuật, xét ra còn kém xa cả mấy phim đã bị dư luận lên án là phản bội đề tài cổ của dân tộc.

Tác phẩm danh tiếng của nhà thơ bình dân cổ điển Việt Nam đã bị nhà làm phim phản lại vô cùng tàn nhẫn. Tống Ngọc Hạp đã vô ý thức gιêt cụ Đồ Chiểu trong cảm tình văn chương của khán giả, nếu người xem phim chưa từng đọc qua thơ Lục Vân Tiên. Ông Hạp còn dại dột đem phô bày sự u mê được điện ảnh hóa của mình ra cho Đại hội Điện ảnh Á Châu, để làm nhục lây cho văn nghệ Việt Nam nói chung, và tác giả thi phẩm cổ điển Lục Vân Tiên nói riêng.

Những ai có lòng với văn chương cổ điển nước nhà không khỏi bất bình trước sự xúc phạm đến tiền nhân, thống mạ một giá trị tinh thần của một dân tộc (…)

Sau đây, mời các bạn xem lại một số hình ảnh hoa hậu Thu Trang thập niên 1950.

Về sơ lược tiểu sử, hoa hậu Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa, vốn dòng dõi họ Ông, nhưng đổi lại thành Công từ thời vua Tự Đức. Tổ tiên là Ông Nghĩa Đạt, làm quan dưới triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497) hiện còn bia trong Văn miếu Quốc Tử Giám.

Công Thị Nghĩa sinh năm 1932 tại làng Ngọc Hà, Hà Nội trong một gia đình tiểu tư sản. Năm 1942, cha của bà vốn là một công chức chính quyền thuộc địa được điều động vào Sài Gòn làm việc, cả gia đình theo ông vào miền Nam và định cư ở Sài Gòn.

Đầu thập niên 1950, Thu Trang tham gia phong trào Trần Văn Ơn, đến năm 1952 bị Pháp bắt giam vào bót Catinat. Trong phiên tòa năm 1953, nhờ luật sư Nguyễn Hữu Thọ biện hộ nên chính quyền Pháp trả tự do cho bà.

Sau đó bà tham gia một khóa học ngắn về báo chí và bắt đầu theo nghề ký giả, chuyên viết về văn hóa – nghệ thuật với bút danh Thu Trang. Đây là bút danh chính cho các các trang viết, nghiên cứu lịch sử của bà, cũng là nghệ danh hoạt động nghệ thuật sau này. Các bút hiệu khác của bà là Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu… xuất hiện trên các báo Tân Văn, Cần học, Sài Gòn mới, Phụ nữ diễn đàn, Lẽ sống… với đủ thể loại từ thơ đến truyện ngắn, truyện dài…

Đầu năm 1955, Tổng trưởng Thông tin Trần Chánh Thành và Tổng trưởng Xã hội Nguyễn Mạnh Bảo của chính quyền miền Nam đã họp bàn với nhau tổ chức lễ hội kỷ niệm Hai Bà Trưng (6 tháng 2 âm lịch), trong lễ hội đó sẽ có cuộc thi hoa hậu đầu tiên.

Cuộc thi hoa hậu này nhằm tôn vinh hai nữ anh hùng dân tộc, đồng thời lấy tiền bán vé để ủng hộ cho Tổng uỷ di cư tị nạn – một cơ quan để hỗ trợ những người di cư vào Nam trong thập niên 1950.

Nhà báo Thu Trang lúc đó mới 23 tuổi đến gặp ban tổ chức cuộc thi để lấy thông tin viết bài về cuộc thi hoa hậu, những người tổ chức cuộc thi thấy cô phóng viên xinh đẹp sắc sảo nên đã thuyết phục Thu Trang đăng ký thi hoa hậu.

Cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của VNCH được tổ chức vào ngày 20-2-1955 tại rạp Lido, là rạp lớn nhất Sài Gòn thời đó với sức chứa cả ngàn người. Cô ký giả Thu Trang đã giành ngôi vị cao nhất, với chiều cao 1,61m, nặng 53 kg, số đo là 86 – 62 – 88.

Phần thưởng cho danh hiệu Hoa hậu mà Hoa hậu Thu Trang nhận được là một chiếc xe 2 bánh hiệu Lambretta, kiềng vàng, nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm danh tiếng khác. Lambretta thời điểm đó rất có giá trị, nó thuộc loại xe hai bánh cao cấp bậc nhất. Vì chiếc xe này mà Thu Trang được nhiều người gọi đùa là “Hoa hậu Lambretta”.

Sau sự cố nghiêm trọng với đạo diễn Tống Ngọc Hạp, hoa hậu Thu Trang một mình nuôi con một cách thầm lặng. Đến năm 1961, nhận được một lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh, Thu Trang đã nhận lời và mang theo con trai mới hơn 2 tuổi.

Thu Trang tuổi U70

Ở Pháp, Thu Trang không làm điện ảnh mà tiếp tục đi học rồi sau đó trở thành một tiến sĩ ngành sử học. Tại đây, bà Thu Trang kết hôn với một người Pháp gốc Việt là bác sĩ nha khoa tại Paris. Có một thời gian Thu Trang về Việt Nam viết sách, dạy sử ở các trường đại học, sau đó quay lại Pháp về hưu cho đến nay.

Thu Trang tuổi 87

nhacxua.vn biên soạn: https://nhacxua.vn/cuoc-doi-song-gio-cua-thu-trang-hoa-hau-dau-tien-cua-viet-nam-sau-1954/