Lời Giới Thiệu: Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường trung học Trưng Vương, ngoài những loạt bài viết về bản nhạc gắn liền với tên trường “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu”, Thế Giới Nghệ Sĩ đã tổng hợp, sưu tầm một số tài liệu về các trường trung học nữ sinh tại miền Nam trước 1975. Những tà áo dài thướt tha của Gia Long, Lê Văn Duyệt, Đồng Khánh (Huế), Trưng Vương… như những cánh bướm lượn mãi trong ký ức về Saigon một thời thanh bình, tươi đẹp. Phần tổng hợp từ nhiều nguồn sau đây có thể còn thiếu sót, kính mong quý độc giả đóng góp để hoàn chỉnh hơn.
Trường nữ sinh Trưng Vương tiền thân là trường nữ trung học Trưng Vương từ Hà Nội di cư vào Nam sau năm 1954 thế nên đội ngũ giáo sư học sinh ban đầu chủ yếu là gốc Bắc. Trường Trưng Vương ban đầu phải học nhờ tại Gia Long nhưng sau đó trường đã có cơ sở và khuôn viên riêng. Cụ thể năm 1957, trường dời về số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần sở thú Sài Gòn và cũng gần trường nam sinh Võ Trường Toản nữa. Do vậy, có rất nhiều mối tình thuở thiếu thời Trưng Vương – Võ Trường Toản; chúng vẫn đẹp mãi trong lòng những người cựu sinh viên hai trường. Lại còn bao nhiêu anh chàng nam sinh Võ Trường Toản đã tinh nghịch trèo tường sang Trưng Vương chơi mà làm nên kỷ niệm! Những hình ảnh một thời có lẽ chăng thể nào phôi pha. Những nàng nữ sinh Trưng Vương thướt tha không thoát khỏi ngòi bút đa tình của nhạc sĩ Phạm Duy. Hình ảnh “người con gái Văn Khoa” cho tới nay vẫn là một trong những hình tượng đẹp nhất về người con gái trong mắt mình. Những nàng văn khoa Trưng Vương trong tà áo trắng lả lướt một thời luôn làm người yêu cái đẹp xưa một chút gì đó xao xuyến, bồi hồi và đôi chút tiếc nuối. Sau năm 1975, trường vẫn giữ tên là Trưng Vương nhưng đào tạo cả nam lẫn nữ.
Trường trung học nữ sinh Gia Long
Trường Gia Long là một trong những ngôi trường nữ sinh nổi tiếng một thời có lịch sử tới hơn 100 năm. Trường được mở từ thời Pháp thuộc dưới kiến nghị của nghị viên hội đồng Quản Hạt Nam Kỳ Lê Văn Trung và vợ tổng đốc Phương cùng với một số nhân sĩ khác. Đằng sau một ngôi trường thơ mộng từng được mệnh danh là trường “nữ sinh áo tím” (vì trước đó nữ sinh Gia Long nổi tiếng với màu áo tím) là khát vọng về một xã hội tự do, nơi có nam nữ bình quyền – đều có quyền được sống, được hưởng một nền giáo dục và học tập ngang nhau. Ngôi trường tiếp tục tồn tại đến thời Đệ Nhị VNCH. Sau năm 1975, trường đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai và đào tạo cả nam lẫn nữ.
Trường nữ sinh Lê Văn Duyệt
Nếu Gia Long và Trưng Vương là đàn chị thì Lê Văn Duyệt xin được làm em út. Trường hiện ra với dáng dấp năng động của một ngôi trường nữ sinh trẻ. Hồi trước, mình có đọc một status rất ngộ nghĩnh trên Fanpage Sài Gòn Xưa và Nay như thế này: “Tiếc thương cho người em Lê Văn Duyệt không phải vì thua kém đàn chị nhưng tại cái tên… khó đưa vào văn thơ quá nên chẳng thể nào khớp được vào thơ ca của Phạm Duy”. Cũng như Gia Long, trường Lê Văn Duyệt “made in Saigon” chính hiệu nhưng có tiền thân là Trương Tấn Bửu đào tạo cả nam và nữ. Sau khi tách cả nam nữ ra thì trường nữ sinh Lê Văn Duyệt được thành lập tại số 95 đại lộ Lê Văn Duyệt – vốn là một lô đất mới (nay là đường Đinh Tiên Hoàng). Nhiều người thắc mắc tại sao một trường nữ sinh lại mang tên một nam nhân vậy? Có lẽ ngày xưa trường Trương Tấn Bửu tọa lạc gần nơi thờ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt nên người ta lấy tên ông đặt tên cho trường. Vào năm 1963 thì trường chưa có lớp đệ nhất nên nữ sinh phải chia tay trường sang Trưng Vương học lớp đệ nhất. Nhưng sau đó thì các lớp đệ nhất đã được mở thêm. Sau năm 1975, trường mang tên Võ Thị Sáu đào tạo cả nam lẫn nữ. (nguồn: chutuananh.com)
Trường nữ sinh Đồng Khánh
Trường nữ sinh Đồng Khánh là trường dành cho nữ sinh duy nhất ở miền Trung. Trường đặt tại Huế, miền đất của nét chữ tình và sự lãng mạn. Đến nay, mình thỉnh thoảng vẫn ngâm nga vài câu thơ về nữ sinh Đồng Khánh một thời: Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi. Cô đi về đâu tan buổi học rồi. Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao. Cô về Bến Ngự hay về Đông Ba…
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi trường này diễn ra vào ngày 15 tháng 7 năm 1917, với sự hiện diện của Vua Khải Định, Toàn Quyền Đông Dương Albert Sarraaut, Khâm Sứ Trung Kỳ J.E. Charles, quyền Khâm Sứ Bắc Kỳ J.Le Galler, các hoàng thân, các vị Thượng Thư và một số quan chức cao cấp người Pháp tại Đông Dương. Trong buổi lễ này, vua Khải Định đã cho đặt xuống móng ngôi trường một số hiện vật để làm kỷ niệm, gồm một cái hộp kim loại chứa 10 đồng Khải Định thông bảo và hai tờ giấy ghi biên bản của buổi lễ bằng tiếng Pháp. Dưới sự điều khiển của nhà thầu Leroy, gần hai năm sau, ngôi trường khánh thành. Đây là ngôi trường nữ đầu tiên và duy nhất dành cho nữ sinh cả 13 tỉnh Trung Kỳ bấy giờ đến học. Theo thời gian, trường được mang nhiều tên gọi khác nhau: – Từ 1919-1954, trường mang tên Cao Đẳng Tiểu Học Đồng Khánh. – Từ 1955-1975, trường mang tên Trường Nữ Trung Học Đồng Khánh gồm hai cấp: Đệ Nhất cấp và Đệ Nhị cấp. – Sau 1975, trường mang tên Trường Cấp III Trưng Trắc. – Từ năm 1981 đến nay, trường được đổi tên thành Trường THPT Hai Bà Trưng. (nguồn: chutuananh.com)
Trường nữ sinh Bùi Thị Xuân – Đà Lạt
Dù được thành lập năm 1952 trường chính thức mang tên Bùi Thị Xuân, chỉ đào tạo nữ năm 1957 theo yêu cầu của Bộ Giáo Dục VNCH. Nam sinh được chuyển sang trường Trần Hưng Đạo. Trái với Trưng Vương, Gia Long hay Lê Văn Duyệt nằm ở chốn đô thành náo nhiệt, Bùi Thị Xuân mang vẻ đẹp êm ả của xứ Đà Lạt mộng mơ. Do vậy mỗi khi nhắc đến Bùi Thị Xuân là nhắc đến Đà Lạt, một vùng đất quanh năm sương phủ đẹp đến nên thơ, nơi mà nhạc sĩ Lam Phương đã viết lên khúc Bolero huyền thoại Thành Phố Buồn. Tuy vậy, trường có vị trí khá gần với những vùng chiến sự ác liệt của một thời nên cũng trải qua biết bao thăng trầm, trôi nổi cùng lịch sử. Với những người nghiên cứu về các trường nữ sinh xưa, không ai có thể quên hình ảnh cô hiệu trưởng Lệ Minh – đóa hồng một thời. Cô là một người phụ nữ đẹp, có đủ tài lẫn sắc. Hiện cô đang định cư tại Paris. (nguồn: chutuananh.com)
Trường trung học Marie Curie
Trường trung học Marie Curie là trường duy nhất tại Sài Gòn không thay đổi tên ban đầu có từ thời thuộc Pháp. Trường mở cửa năm 1918 với tên gọi Lycée Marie Curie, chỉ tiếp nhận nữ sinh… Trước năm 1975, nữ sinh mặc đồng phục cả váy và áo dài. Trước 1975, trường dành cho con em người Pháp và một ít nữ sinh con nhà giàu có thế lực ở Sài Gòn, giảng dạy bằng tiếng Pháp. Sau 1975, trường chuyển thành trường trung học phổ thông bán công, cho cả học sinh nam lẫn nữ. Có thời kỳ đây là trường THPT lớn nhất Việt Nam với hơn 5.000 học sinh mỗi năm. Năm 2007, trường được đổi lại thành trường trung học phổ thông công lập, giảm dần sĩ số nhằm tăng phẩm chất giáo dục. Kiến trúc đậm chất Pháp lưu lại trên cổng chào, từng góc cầu thang gỗ, khu vườn với đài phun nước… vẫn còn đến ngày nay. (nguồn: Khánh Ly/VN Express)
Trường trung học Nguyễn Bá Tòng
Năm 1956, trường được thành lập mang tên vị Giám Mục tiên khởi của Công Giáo Việt Nam có sự trợ giúp đặc biệt của cơ quan Caritas Germanica Đức Quốc, cơ quan NCWC, Công Giáo Hoa Kỳ. Trường tọa lạc tại số 73-75 đường Bùi Thị Xuân, quận 1 Sài Gòn. Trường có nhiều cấp lớp từ đệ thất đến đệ nhất đủ các môn A, B, C đặt dưới quyền đìều khiển của 8 vị linh mục cùng với sự giáo dục của 160 vị giáo sư, 30 nhân viên văn phòng (ghi nhận vào năm 1963). Là một trường trung học tư thục nhưng trường được đánh giá cao trong việc giáo dục, uy tín nhất thủ đô. Từ năm 1971: trường chỉ dành riêng cho học sinh nữ. Từ năm 1975, trường trở thành trường trung học phổ thông công lập và trường được đổi tên thành trường THPT Bùi Thị Xuân, dành cho cả học sinh nam và nữ. (nguồn: Hòn Ngọc Viễn Đông tổng hợp)
Trường trung học Saint Paul
Khi đi ngang ngôi nhà trắng tại số 4 Cường Để, quận 1 (nay là Tôn Đức Thắng) mọi người chỉ biết đây là một nữ tu viện. Tòa nhà này trước kia còn được gọi là “Nhà Trắng”, không phải vì sơn toàn màu trắng như Tòa Bạch Ốc (White House) mà vì ngôi nhà này được xây dựng và làm chủ bởi những nữ tu dòng Saint Paul de Chartres (Thánh Phaolô thành Chartres) “trinh bạch từ linh hồn đến những chiếc áo dòng trắng toát”. Trước năm 1975, trong nhà dòng này có một trường tư thục với các lớp từ mẫu giáo tới tú tài với số lượng 1.600 học sinh (có ký túc xá cho học sinh nội trú). Sau năm 1975, có một thời gian là Trường Sư Phạm Mầm Non. Nếu ai có dịp vào đây sẽ choáng ngợp với không gian rộng rãi, khoáng đãng với kiến trúc ba khối nhà: cô nhi viện, nhà nữ tu ở và khu nhà nguyện. Khu nhà nguyện có thiết kế đặc biệt, nhìn từ trên cao xuống rất giống cây thánh giá, bên trong có thêm nhiều cột đỡ vững chãi, phía trước là một sân cỏ rộng với tượng thánh bổn mạng của dòng Phaolô. Một thiết kế theo nhận định của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ: “Một giáo đường huy hoàng với đường nét thẩm mỹ lối Gothique. Các khu vòm hình liềm cung, đua nhau vượt lên tới 20 thước, không một chút chạm trổ hoa hòe… Làm cho khách tưởng nhớ đến giáo đường Sainte Chapelle… Cảm tưởng nhẹ nhàng vì sự thành công của vị kiến trúc sư làm cho ai vào đó cũng cảm thấy thoát tục”… Theo các tài liệu lịch sử truyền giáo, vào ngày 20/5/1860, các nữ tu dòng Thánh Phaolô gốc ở thành Chartres (Soeurs de Saint Paul de Chartres) từ Hong Kong đặt chân đến Sài Gòn. Họ cùng tạm định cư tại một căn nhà nhỏ vùng chợ cũ cùng các nữ tu dòng kín (đến Sài Gòn năm 1861). Vào tháng 9/1862, mẹ bề trên dòng thánh Phaolô Benjamin khởi công xây cất nhà giám tỉnh tại khu đất Đường Thành (Rue de la Citadelle). Toàn bộ công trình này hoàn thành vào ngày 10/8/1864. Và trong bản thảo viết tay của mẹ Benjamin chỉ ghi lại tên kiến trúc sư là Thầy Học. Lúc ấy các bà phước chẳng biết kiến trúc sư “Thầy Học” là ai. Không biết trước đây đã có tài liệu nào xác định Thầy Học là ai chưa. Riêng cụ Vương Hồng Sển trong quyển Sài Gòn năm xưa in năm 1958 cho biết: “Tương truyền nhà lầu cao lớn nơi đây là do ông Nguyễn Trường Tộ năm xưa đứng coi xây cất”. Vậy Thầy Học hay ông Nguyễn Trường Tộ là người thiết kế, xây cất tòa nhà này? Trong tạp chí Văn Đàn (số 4 năm 1961, Sài Gòn) ông Phạm Đình Khiêm đã công bố nhiều tài liệu trong thư khố tu viện đã chứng minh Thầy Học chính là ông Nguyễn Trường Tộ. (nguồn: Lê Văn Nghĩa/Pháp Luật)
Trường Couvent Des Oiseaux
Trường Thiên Phước
Vào năm 1877, để đáp lại lời mời của Đức Cha Colombert, Giám Mục Địa Phận Đàng Trong, Mẹ Benjamin cho lập một nhà dục anh tại Tân Định và cơ sở này được gọi là “Sainte Enfance de Tân-Định”. Soeur Ignace lúc bấy giờ phụ trách Công Đoàn tiên khởi tại Viễn Đông. Hằng năm bà và các nữ tu đón nhận cả trăm em sơ sinh bị bỏ rơi để săn sóc và nuôi dưỡng chúng. Nhưng có một số trẻ vì quá yếu, bệnh tật không cứu sống được. Vào năm 1881, Cha Sở Eveillard mời các chị em Dòng Thánh Phao-Lồ đến dạy giáo lý cho các em trai và gái của giáo xứ. Ba mươi năm sau, dưới sự huớng dẫn của Soeur Suzanne, nguời phụ trách Công Đoàn, các chị em đảm nhiệm luôn việc giáo dục các thiếu nhi nam nữ tại cơ sở cạnh Công Đoàn. Gia đình trong họ đạo gởi con em đến cơ sở của các nữ tu để vừa học giáo lý vừa học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo Dục. Các con em của họ học đạo chung với các cô nhi, cũng có một số em của họ đạo xin vào nội trú hoặc bán trú tại trường. Trong khoảng năm 1918-1938, song song với sự phát triển của họ đạo, Công Đoàn có những bước tiến đáng ghi nhớ trong thời kỳ Soeur Andréa Amé phụ trách. Lần lượt các lớp Sơ Cấp được mở ra, học sinh đến mỗi ngày một đông… Vào năm 1941, Soeur Marie Rose lúc bấy giờ đang dạy ở Truờng Jeanne d’Arc, Ngã Sáu Chợ Lớn, được mời đến phụ trách Công Đoàn Tân Định thế cho Soeur Amé. Vào khoảng 1946-1948, lúc tình hình Đệ Nhị Thế Chiến lắng dịu, các lớp Nhì và Nhất đuợc mở thêm để bổ túc chương trình tiểu học. Soeur Marie Rose cũng dần dần cho mở thêm các lớp day theo chương trình Pháp. Được một năm thì Soeur phải về Pháp chữa mắt và không trở lại. Soeur Alice de Jésus phụ trách tiếp Công Đoàn. Năm 1950, Soeur Alice de Jésus đã xây cất thêm các lớp học bên cánh phải của cơ sở, lên lầu viện cô nhi, mở ký túc xá cho các nữ sinh ở tỉnh lên học. Lúc bấy giờ nhà trường Sainte Enfance đã có đủ các lớp mẫu giáo, các lớp tiểu học Việt-Pháp dọn thi Certificat d’Études Primaries Franco-Indigènes (CEPFI) và mở năm đầu để dọn thi bằng trung-học Pháp BEPC. … Khoảng giữa thập niên 1950, trường Sainte Enfance có hai chương trình trung học Việt và Pháp. Vào tháng 8 năm 1957, Công Đoàn Tân Định đón tiếp Soeur Pétronille de Marie, nữ tu sĩ Việt Nam đầu tiên đến phụ trách. Ngày 6 tháng Giêng năm 1958, trường Sainte Enfance de Tân-Định được giấy của chính quyền qua Sở Giáo Dục cho phép đi tên là “Trường Thiên Phước” và màu hồng nhạt được chọn cho đồng phục của trường. Trước 1975, ở đây có khoảng 43 nữ tu nhưng vào khoảng thời gian 2001, chỉ còn lại 12 nữ tu. Đứng đầu nhóm nữ tu lúc bấy giờ là Soeur Marie-Patrice Trương Thị Nhung.