Nguyên Sa 2020-06-03
“Cuộc chiến công hàm” tiếp diễn
Ngày 1/6/2020, Đại sứ Kelly Craft – Trưởng phái đoàn thường trực của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm ngoại giao để phản đối các luận điệu sai trái của Trung Quốc khi ban hành công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019.
Chúng ta còn nhớ, ngày 12/12/2019, Malaysia đã gửi một Báo cáo về thềm lục địa mở rộng lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (Viết tắt là CLCS) để yêu sách một phần thềm lục địa mở rộng của họ tại phía Bắc biển Đông, theo quy định tại Điều 76 (8) của Công ước Luật biển 1982 (Viết tắt là UNCLOS).
Cũng trong ngày này, Trung Quốc đã gửi ngay công hàm CML/14/2019 để phản đối Báo cáo của Malaysia, đồng thời lặp lại các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông.
Công hàm của Hoa Kỳ có nội dung gì?
Phần mở đầu, công hàm của Hoa Kỳ khẳng định, văn bản này không nhằm đáp lại Báo cáo lên CLCS của Malaysia. Trong khi đó, văn bản này tập trung vào các “yêu sách biển quá đáng” của Trung Quốc, các yêu sách này không phù hợp với luật biển quốc tế, vốn được quy định trong UNCLOS.
Chính các “yêu sách biển quá đáng” của Trung Quốc đã “can thiệp một cách phi lý” tới các quyền và sự tự do trên biển của Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Do đó, Hoa Kỳ thấy cần phải thể hiện sự phản đối thông qua công hàm này.
Tiếp theo, công hàm của Hoa Kỳ cũng liệt kê các khẳng định về yêu sách của Trung Quốc, bao gồm:
- Trung Quốc có chủ quyền tại Nam Hải Chư Đảo, bao gồm Pratas, Hoàng Sa, Bãi Macclefield và Trường Sa.
- Trung Quốc có nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải đối với Nam Hải Chư Đảo.
- Trung Quốc có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) đối với Nam Hải Chư Đảo.
- Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông.
Trung Quốc cũng đã đưa ra quan điểm này, ngay sau Phán quyết ngày 12/7/2016 của Toà Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đã phản đối quan điểm này của Trung Quốc trong công hàm ngày 28/12/2016 của mình, (mà Hoa Kỳ gửi kèm cùng với văn bản ngày 1/6/2020 này).
Hình minh hoạ. Bản đồ Biển Đông có đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vẽ ra AFP
Phần tiếp theo, công hàm của Hoa Kỳ phân tích rõ từng vấn đề mà Hoa Kỳ phản đối các yêu sách của Trung Quốc.
Thứ nhất, Hoa kỳ phản đối yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại biển Đông mà Trung Quốc mở rộng yêu sách này đối với các quyền lợi biển mà Trung Quốc khẳng định là phù hợp với luật quốc tế, cụ thể là UNCLOS. Hoa Kỳ nhắc lại rằng trong Phán quyết năm 2016 – Phán quyết này là chung thẩm và ràng buộc pháp lý với Trung Quốc. Theo đó, yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở biển Đông không thể vượt quá các vùng biển của mỗi quốc gia, được quy định trong UNCLOS.
Thứ hai, Hoa Kỳ phản đối việc Trung Quốc áp dụng một cách phi lý trong việc tự ý tuyên bố đường cơ sở thẳng bao quanh các cấu trúc nằm rải rác tại biển Đông như trong trường hợp một quốc gia quần đảo. Theo đó, đường cơ sở này biến các vùng nước bên trong đường cơ sở (được thiết lập một cách phi lý) này trở thành vùng nội thuỷ của Trung Quốc.
Chúng ta còn nhớ, năm 1996, Trung Quốc đã tự ý tuyên bố một đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa, và Việt Nam đã phản đối điều này. Trong công hàm ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cũng đã phản đối nội dung này.
Thứ ba, Hoa Kỳ cũng phản đối các yêu sách về các quyền lợi biển mà Trung Quốc tuyên bố dựa trên các cấu trúc tại biển Đông. Trong khi các cấu trúc này không đáp ứng được yêu cầu là “đảo” như quy định tại Điều 121 (1) của UNCLOS. Theo đó, các cấu trúc này vì không đáp ứng được yêu cầu là “đảo” cho nên sẽ không thể có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) kèm theo. Trung Quốc cũng không thể yêu sách chủ quyền hay các vùng biển kèm theo đối với các bãi ngầm luôn chìm dưới mặt nước biển như Bãi Macclefield hay là Bãi James Shoal. Tương tự, Trung Quốc cũng không thể yêu sách chủ quyền và các vùng biển kèm theo đối với các cấu trúc lúc chìm lúc nổi như Bãi Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây. Các cấu trúc này không thể tạo thành một phần của lãnh thổ đất liền của một quốc gia. Do đó, các cấu trúc này không thể là đối tượng yêu sách chủ quyền và có các vùng biển kèm theo như Trung Quốc đã tuyên bố được. Tất cả các vấn đề này đã được Toà Trọng tài giải thích rõ ràng trong Phán quyết năm 2016.
Thứ tư, khi khẳng định các “yêu sách biển quá đáng” của mình, Trung Quốc đã hàm ý hạn chế các quyền và sự tự do, bao gồm quyền hải hành và tự do hải hành cho tất cả các quốc gia khác. Hoa Kỳ phản đối các yêu sách biển dẫn đến sự mở rộng các quyền lợi biển này của Trung Quốc, mà Trung Quốc luôn khẳng định là tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Tương đồng quan điểm
Hoa Kỳ cũng lưu ý thêm là các chính phủ, bao gồm: Philippines, Việt Nam và Indonesia đã có các công hàm riêng rẽ cũng để phản đối các yêu sách biển của Trung Quốc được thể hiện trong công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019. Hoa Kỳ cũng yêu cầu Trung Quốc thực hiện các yêu sách phù hợp với luật quốc tế, trong đó có UNCLOS và Trung Quốc cần tuân thủ Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài, cũng như dừng lại các hoạt động khiêu khích trên biển Đông.
Philippines đã gửi công hàm ngày 6/3/2020; Việt Nam gửi công hàm ngày 30/3/2020.
Mới đây, ngày 26/5/2020, Indonesia cũng đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách biển của Trung Quốc.
Cho đến nay, cả 4 quốc gia Philippines, Việt Nam, Indonesia, Hoa Kỳ đã chính thức thể hiện quan điểm về vấn đế này. Theo đó, cả 4 quốc gia trên đều tập trung phản đối cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” của Trung Quốc được thể hiện dưới dạng “quyền lịch sử” và quyền đối các vùng biển dựa trên các nhóm cấu trúc trên biển Đông.
Công hàm của Việt Nam gửi LHQ về Biển Đông tháng 4 năm 2020 Photo: RFA
Ngoài ra, cả 4 quốc gia này đều tỏ ý thừa nhận và viện dẫn các giải thích từ Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Malaysia dù chưa đưa ra quan điểm chính thức, nhưng với Báo cáo thềm lục địa mở rộng ngày 12/12/2019 cũng mang hàm ý tuân thủ Phán quyết năm 2016.
Với việc đưa ra quan điểm vào thời điểm này, Hoa Kỳ dường như gửi đi một thông điệp quan trọng đó là Hoa Kỳ ủng hộ và sát cánh cùng các quốc gia ASEAN để chống lại các yêu sách quá đáng của Trung Quốc, các yêu sách này đi ngược lại luật biển quốc tế, bao gồm cả UNCLOS và Phán quyết năm 2016.
Việt Nam cần làm gì?
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ lên tiếng chính thức thông qua việc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để ủng hộ lập trường của các quốc gia ASEAN trong việc chống lại các yêu sách biển phi lý cũng như các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trên biển Đông.
Đây cũng có thể hiểu là một tín hiệu từ Hoa Kỳ thể hiện, đặc biệt đối với Việt Nam – quốc gia đã gặp rất nhiều sự khiêu khích, quấy rối từ Trung Quốc trên biển Đông, rằng Hoa Kỳ sẽ và muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam lên một tầm cao mới. Chúng ta còn nhớ, gần đây, Mỹ đã mời Việt Nam tham dự vào cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương”. Ngoài ra, báo chí cũng cho biết Việt Nam đã được đánh tiếng mời vào nhóm “The Quad Plus” (Bộ Tứ mở rộng). Một chuyên gia cũng cho biết, Mỹ muốn cho máy bay P8 được xuất hiện trên bầu trời Việt Nam như một chỉ dấu cho việc tăng cường quan hệ “ngoại giao quốc phòng” đối với Việt Nam. Tuy nhiên, thái độ của Việt Nam vẫn còn chần chừ vì “sợ oai hùm” từ Bắc Kinh.
Nếu Việt Nam thực sự muốn thoát khỏi “sự đe doạ” từ Trung Quốc, thì đây chính là một thời điểm thật sự thích hợp để Việt Nam có thể chuyển mình, tạo những bước đi và thế đứng mới trước một Trung Quốc “hung hăng và xấu xí”.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do