Ca khúc nhạc vàng :Sự tích chuyện tình Hồ Than Thở và ca khúc “Đồi Thông Hai Mộ” của nhạc sĩ Hồng Vân 06/06/2020
Hồ Than Thở và “dấu ấn” của Trường VBQGVN Ở Đà Lạt trước 1974:
TRƯỜNG VBQGVN NƠI QUY TỤ NHỮNG CHÀNG TRAI VIỆT CÓ LÝ TUỎNG QUỐC GIA….
TRƯỜNG VBQGVN NƠI QUY TỤ NHỮNG CHÀNG TRAI VIỆT CÓ LÝ TUỎNG QUỐC GIA….
Cho đến nay, thông tin về nhạc sĩ Hồng Vân rất ít, cho dù ông là tác giả của nhiều ca khúc nhạc vàng rất nổi tiếng là Gió Lạnh Đêm Hè, Tàu Về Quê Hương, đặc biệt là Đồi Thông Hai Mộ. Ông tên thật là Trần Công Quý, nên cũng dùng bút danh Trần Quý trong các bài hát mang thương hiệu “nghèo” là Tôi Mất Người Yêu, Nghèo…
Nhạc sĩ Hồng Vân sinh ra ở miền Bắc là di cư vào sống ở Đà Lạt từ năm 1954 đến 1960. Tại đây, ông bị hấp dẫn bởi câu chuyện tình bi thảm bên đồi thông Hồ Than Thở nên sau khi vào Sài Gòn đã sáng tác ca khúc Đồi Thông Hai Mộ, và chính ca khúc này đã làm sống động thêm cho câu chuyện tình ở xứ lạnh mà ai sống ở Đà Lạt cũng đều biết đến.
Một chiều rừng gió lộng
Một chiều rừng nhớ chuyện bên đồi thông
Nàng năm ấy khi tuổi vừa đôi chín
tâm hồn đang trắng trong
Như chim non khi ăn còn chưa no
khi co còn chưa ấm
Tuổi thơ ngây bao nhiêu chuyện mưa nắng,
nắng mưa lo một mình.
Rồi nàng buồn thơ thẩn chẳng còn ngồi trang điểm qua màu phấn
Để phai úa đến tàn cả hương sắc
tháng ngày luôn héo hon
Hoa không tươi khi hay nàng ít nói,
Chim muông ngừng tiếng hót
Trời không thương nên đêm đổ giông tố cướp đi cuộc đời nàng
Sao người về đây để tìm nhưng thôi đã mất còn đâu. Ôi buồn làm sao, đồi thông xưa nay vắng bóng người yêu.
Ôi đời hợp tan, hợp rồi tan như mây kia gặp gió Chàng tương tư bao đêm về bên ấy
Vắng đi từ đấy!
Rồi mộ chàng đã được ở cạnh nàng như lời xưa thề ước
Nằm hiu hắt đến ngàn thu an giấc dưới mộ sâu đất khô
Qua bao năm rêu xanh phủ che kín Âm u chẳng nhang khói
Trời xui chi trên cây còn lá úa lá xanh kia rụng rồi.
Trước và sau năm 1975, có đến vài chục ca sĩ nổi tiếng hát bài này, nhưng tôi vẫn ấn tượng nhất với tiếng hát Hương Lan.
Mời các bạn xem lại sau đây:
Click để nghe Hương Lan hát
Có đến 2 câu chuyện khác nhau để về đồi thông 2 mộ bên Hồ Than Thở, và cũng có một số chuyện tam sao thất bản, nhưng được công nhận chính thức (và được khẳng định có thật) là chuyện tình giữa cô giáo tên Lê Thị Thảo và chàng sĩ quan học trường Võ Bị Quốc Gia VN Đà Lạt tên Vũ Minh Tâm.
Năm 1997, công ty Thùy Dương được chính quyền tỉnh Lâm Đồng cấp phép xây dựng, cải tạo lại khu danh thằng Hồ Than Thở để khai thác du lịch, trong đó phần mộ nằm bên hồ cũng được sửa sang lại, và công ty này cũng ghi lại câu chuyện tình Tâm – Thảo trong tấm bảng như bạn thấy ở bên dưới.
Câu chuyện được khằng định là có thật (!)
Theo câu chuyện này thì chuyện tình Tâm – Thảo có thật, xảy ra vào năm 1956. Vũ Minh Tâm quê ở Vĩnh Long, theo học trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, còn Lê Thị Thảo là giáo viên trường nữ Bùi Thị Xuân.
Họ gặp nhau bên Hồ Than Thở và đem lòng yêu thương nhau.
Nàng năm ấy khi tuổi vừa đôi chín
(Tâm hồn đang trắng trong Như chim non khi ăn còn chưa no khi co còn chưa ấm Tuổi thơ ngây bao nhiêu chuyện mưa nắng, nắng mưa lo một mình.)
Thời gian trôi qua, tình cảm của cả hai trở nên thắm thiết và họ thề nguyền sẽ kết duyên vợ chồng. Tuy nhiên vì sự phong kiến của gia đình Tâm mà tình yêu gặp trắc trở. Hoàn cảnh cô Thảo khó khăn, cô là trẻ mồ côi được các nữ tu nuôi dạy từ nhỏ ở nhà thờ, còn Tâm là con trai độc nhất trong gia đình giàu có ở Vĩnh Long. Vì không môn đăng hộ đối nên gia đình Tâm ra sức ngăn cấm.
Ngày anh Tâm tốt nghiệp, gia đình bắt anh phải về quê cưới một người con gái môn đăng hộ đối. Dù không yêu, nhưng vì chữ hiếu, vì nghĩa vụ với gia đình, Tâm đành phải nghe theo và rời xa Thảo, rời xứ lạnh Đà Lạt để về lấy vợ, nhưng trong lòng vẫn luôn nghĩ về Thảo.
(Click để nghe Dạ Hương hát Đồi Thông Hai Mộ trước
1975.)
https://www.youtube.com/watch?v=gRrr_bU19QI
(Rồi nàng buồn thơ thẩn chẳng còn ngồi trang điểm qua màu phấn Để phai úa đến tàn cả hương sắc tháng ngày luôn héo hon Hoa không tươi khi hay nàng ít nói Chim muông ngừng tiếng hót… )
Khi biết tin anh Tâm đã có gia đình, cô Thảo như rơi vào tuyệt vọng, thế giới như sụp đổ trước mắt. Trong một buổi chiều buồn, cô nghĩ quẩn và gieo mình xuống hồ Than Thở để kết thúc cuộc đời. Trước đó, cô đã xé tà áo dài trắng viết lên 2 câu thơ để lại trên bờ hồ:
“Tà áo trắng nay tình ta đã hết
Chút tình này xin trả lại cho nhau”
Trong bài hát, nhạc sĩ Hồng Vân đã viết:
Trời không thương nên đêm đổ giông tố Cướp đi cuộc đời nàng…
Người dân phát hiện ra cô Thảo và chôn ở cạnh Hồ Than Thở, nơi cô đã gặp gỡ mối tình của cuộc đời, cũng là nơi cô kết thúc cuộc sống ngắn ngủi của mình.
Vài tháng sau đó, Tâm quay trở lại Đà Lạt thì hay tin người mình yêu đã không còn. Chàng ra mộ nàng ở hồ Than Thở mà trong lòng bão nổi từng cơn:
(Sao người về đây để tìm nhưng thôi đã mất còn đâu… Ôi buồn làm sao, đồi thông xưa nay vắng bóng người yêu.)
Sau đó chàng sĩ quan tên Tâm xung phong ra tiền tuyến để chiến đấu (?). Trong một lần lâm trận, anh bị thương rất nặng. Biết mình không qua khỏi, trút hơi tàn, Tâm nhờ bạn bè đưa thi thể về Đà Lạt chôn cạnh người yêu và làm cho hai người một tấm bia chung, viết lên đó những dòng thơ trong cuốn nhật ký của anh, để trọn tình nghĩa với người anh yêu.
Đoạn thơ như sau:
“Nước biếc non xanh dù biến đổi
Mối tình chung thủy Thảo trong Tâm
Chiều chưa xuống mà nắng vàng vội tắt
Đêm chưa về mà cỏ đã đầm sương
Cả núi rừng ngấn lệ tiếc thương.
Cho mối tình ngang trái của đôi uyên ương không thành…”
Cuộc tình đẹp với những lời thề nguyền son sắt đã kết thúc bi thương chỉ vì khác biệt về hoàn cảnh.
Trong bài hát, nhạc sĩ Hồng Vân viết:
Ôi đời hợp tan, hợp rồi tan như mây kia gặp gió Chàng tương tư bao đêm về bên ấy, vắng đi từ đấy! Rồi mộ chàng đã được ở cạnh nàng như lời xưa thề ước
Nằm hiu hắt đến ngàn thu an giấc dưới mộ sâu đất khô.
Nhưng mộ chàng chỉ được ở cạnh nàng trong thời gian ngắn mà thôi, vì sau đó gia đình Tâm đã đến bốc mộ anh về quê an táng. Lời xưa thề ước cuối cùng cũng không tròn vẹn.
Sau này người ta để một ngôi một gió kế bên đề tên Vũ Minh Tâm để hoàn thành di nguyện của người xưa.
Qua bao năm rêu xanh phủ che kín Âm u chẳng nhang khói Trời xui chi trên cây còn lá úa lá xanh kia rụng rồi…
Có một câu chuyện khác về đồi thông hai mộ, với hai người tên là Hoàng Tùng và Mai Nương từ thế kỷ 18, và Hoàng Tùng là chiến binh dưới trướng vua Quang Trung.
Tuy nhiên nếu xem xét lại thì câu chuyện này khá huyễn hoặc, vì xứ Đà Lạt trước khi được bác sĩ Yersin khám phá ra vào thế kỷ 19 thì vẫn là một vùng đất của người Thượng sinh sống và gần như không có bóng dáng của dân Việt.
Thời Pháp thuộc, Hồ Than Thở mang tên Pháp là Lac Des Soupirs, có nghĩa là hồ “thở dài”.
Sau khi nền đệ nhất cộng hòa được thành lập năm 1955 thì thị trưởng của Đà Lạt đã đề nghị đổi lại tên Việt. Cái tên Hồ Than Thở có từ đó.
Sau năm 1975, chính quyền đổi lại tên là Hồ Sương Mai, nhưng người dân không quen với tên mới mà vẫn gọi là Hồ Than Thở, nên cái tên này chính thức được dùng lại từ năm 1990 đến nay.
Đông Kha Nguồn: nhacvangbolero.com (*)
(Khi còn học ở VBĐL 1969-1974, tôi có biết nhiều vè địa danh Hồ Than thở, đã từng đến đó để thực tập quân sự và cắm trại…Hồ Than Thở là một khu hồ không sâu lắm, cảnh trí rất thơ mộng, dù rằng lúc đó đang thời SVSQ, rất bận rộn…nhưng vẫn còn đủ tâm hồn để nhìn được cái đẹp của hồ Than thở lúc bấy giờ!!
Lúc đó chính ngay tại hồ Than thở, mình cũng có nghe nhắc đến “Mồ Cô Thảo”, nhưng chưa nghe thực sự về huyền thoại của mối tình đầy nước mắt này, và cũng chưa có dịp viếng mộ Cô Thảo (chắc lúc đó chỉ là một ngôi mộ điêu tàn, không nhang khói!)
Ghi lại huyền sử (!) này trong “Tình Ca Alpha Đỏ” nhằm mục đích giải trí mà thôi!, vì danh tánh và sự thật câu chuyện chưa được kiểm chứng!
(•) Cám ơn anh Phan Văn Lộc #Khoá30VBĐL Đã góp
ý về bài viết này
Hình ảnh từ nguồn NHACVANGBOLERO .COM