Chuẩn Tướng Phạm-Duy-Tất Và Trận Kampong Trach (Đỗ-Sơn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

biệt động quân việt nam cộng hòasư đoàn biệt động quân

Kính thưa quý vị đã đọc bài “Kampong Trach 1972” do Đỗ-Sơn viết.

Khoảng một tuần sau khi bài được đăng trên một số báo và diễn đàn Việt ngữ Internet, tôi nhận được email của Chuẩn tướng Phạm Duy Tất, vị chỉ huy trận chiến Kampong Trach. Email của Chuẩn tướng Tất có vài điều tôi đã không viết trong bài “Kampong Trach 1972”, và vì ông có ghi chú bên ngoài là “tùy nghi xử dụng” nên tôi quyết định gởi đăng lá thơ của ông lên những nơi đã từng đăng bài “Kampong Trach 1972” hầu quý vị từng đọc bài có thêm dữ kiện, cũng như hiểu được tâm tư của người chỉ huy trận chiến này.

Ghi chú: Bút hiệu Linh Cơ ký dưới bài chính là danh hiệu truyền tin của Chuẩn tướng Phạm Duy Tất trong thời kỳ ông đang chỉ huy lực lượng Biệt Động Quân ở Quân đoàn IV & Quân khu IV.

Anh Đỗ-Sơn,

Tôi đã đọc được bài Kampong Trach 1972 anh viết, bồi hồi nhớ lại một đoạn khó quên trong quảng đời chiến binh của mình. Gởi anh thêm một vài chi tiết có thể anh không rõ, không nhớ, hoặc anh chưa từng nghĩ đến về trận Kampong Trach. Chắc anh còn nhớ tôi đã trả lời với các Phóng viên ở Nam California nhân dịp về tham dự Đại Hội Biệt Động Quân: Là bại tướng thì nói gì cũng là bại tướng. Nhưng được gợi hồi tưởng lại trận Kampong Trach thì tôi lại muốn nói, nói những lời chưa có cơ hội nói.

Cho đến giờ này hẳn chưa ai quên Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, mỗi khi nhắc đến không ai khỏi chạnh lòng, ngậm ngùi về sự khốc liệt của chiến tranh. Năm 1972 là năm cuộc chiến Nam – Bắc đã lên đến cực điểm. Tổng bí thư Lê Duẫn và đảng Cộng Sản Việt Nam thật vô cùng tàn ác đẩy hàng vạn vạn người dân Việt Nam của cả hai miền vào cảnh chết chóc chưa từng thấy. Họ mơ ước, nôn nóng nhuộm đỏ cả nước Việt Nam càng sớm càng tốt để dâng công lên quan thầy. Giữa hai lực đối trọng to lớn là Liên Xô và Trung Cộng, đảng Cộng Sản Việt Nam chơi trò đu dây và khiến nhân dân miền Bắc lầm tưởng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là “Độc Lập” qua khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”.

Quá bất ngờ đến bàng hoàng cho toàn đảng Cộng sản Việt Nam khi hệ thống Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Xô sụp đổ, biến dạng trên địa cầu. Nhưng thật không may, một nước cộng sản to lớn, Trung Cộng, vẫn còn tồn tại. Dần dần đảng Cộng sản Việt Nam muốn thoát hiểm thì phải bám víu vào họ, vô hình chung lọt vào cái lưới thiên la địa võng của Trung Cộng mà cả nước Việt Nam ngày nay đang dãy dụa.

Trở lại với Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, nói đến trận chiến khốc liệt này mọi người liên tưởng ngay đến 3 mặt trận lớn là An Lộc, Kontum, và Quảng Trị. Chưa đủ, còn một mặt trận nữa là chiến trường Kampong Trạch – Hà Tiên do BĐQ và KB của QĐ IV/QK IV chiến đấu. Tôi không nghiên cứu để hiểu 4 mặt trận đâu là chính đâu là diện. Kampong Trach là một địa danh xa lạ, một thị trấn quá nhỏ bé nằm trên đất Kampuchia cách Hà Tiên về phía Đông Bắc khoảng 14 cây số.

Trận chiến Kampong Trach cũng khá khốc liệt về cường độ. Lực lượng tham chiến có Liên đoàn 42 BĐQ/ Chiến Thuật được tăng phái một chi đoàn thiết quân vận M113 đối đầu với một sư đoàn chính quy Cộng Sản Bắc Việt được tăng cường. Có thể nói bên ta 1 chọi 5. Khởi đầu mặt trận này do Đại Tá Vũ Quốc Gia Tư Lệnh Lữ Đoàn IV Kỵ Binh chỉ huy, Bộ Chỉ Huy Hành Quân đóng tại Tô Châu, Hà Tiên. Biệt Động Quân QK/ IV có Bộ Chỉ Huy Hành Quân đóng tại trại Chi Lăng (vùng Thất Sơn, Châu Đốc), có Bộ Chỉ Huy Hành Quân nhẹ đóng tại bến phà Neak Luong trên đất Kampuchia chịu  trách nhiệm vùng biên giới từ tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa) đến tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh).

Hai lực lượng BĐQ và KB đều dưới quyền chỉ huy của Tướng Trần Văn Hai, Tư lệnh Biệt khu 44. Tôi được Tướng Hai đưa vào Kampong Trach khi chiến trận đã lên đến cao điểm và nắm quyền chỉ huy.

Đề cập đến tương quan lực lượng thì tôi xin nói rõ về lực lượng và khả năng của BĐQ Biên Phòng một chút để thấy sức chiến đấu, tinh thần  chiến đấu của anh em chiến sĩ BĐQ Biên Phòng rất kiên cường trong trận Kampong Trach. Nói đến Biệt Động Quân hầu như ai ai cũng có ý nghĩ đây là những đơn vị thiện chiến, mũi nhọn, đầu sóng ngọn gió. BĐQ luôn luôn là tuyến đầu xung trận. Quả đúng như vậy! Đó là BĐQ ở các Liên đoàn 1, 2, 3, 4, 5 đã dày dạn chiến trận mấy chục năm qua.

BĐQ Biên Phòng thì khác. Là những đơn vị vừa được cải tuyển thành BĐQ từ năm 1970. Họ là những Biệt Kích Quân Dân Sự Chiến Đấu ở các trại Biên Phòng / Lực Lượng Đặc Biệt. Họ chưa từng được tổ chức thành tiểu đoàn, chỉ hành quân nhỏ, phục kích, thám sát, chận đứng và tiêu diệt những cuộc xâm nhập nhỏ xuyên biên giới, từng đoàn ít người trong phạm vi vùng trách nhiệm của trại. Họ chưa có kinh nghiệm đánh cấp đại đội, tiểu đoàn, nói chi là liên đoàn, tùng thiết phối hợp với thiết quân vận thì rõ ràng là xa lạ, trang bị của họ cũng rất nhẹ nhàng.

Từ cuối năm 1970, ý thức được tình hình đã biến đổi, Cộng Sản Bắc Việt không còn xâm nhập từng đoàn nhỏ vài chục người hoặc đông hơn khoảng 100 người. Bắc Việt nay xâm nhập cấp trung đoàn, sư đoàn cho nên tôi đã cơ động hóa các tiểu đoàn biên phòng để vừa hành quân vừa học hỏi kinh nghiệm đánh cấp đại đội, tiểu đoàn và nếu cần có thể đánh cấp liên đoàn. Các tiểu đoàn này chưa được gởi đi huấn luyện bổ túc tại Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ/Dục Mỹ để chính quy hóa. Vì vậy mà có LĐ 42 BĐQ/ CT để tham chiến mặt trận Kampong Trach, tăng phái cho LĐ IV KB.

Nói về quân số cũng là một vấn đề. Tiểu đoàn thuộc các Liên Đoàn 1, 2, 3, 4, 5 đều có cấp số 800 thì khả năng tham chiến mới được 500. Ngược lại cấp số tiểu đoàn BP chỉ là 500 thì khả năng hành quân không hơn không kém 300 và chỉ trang bị nhẹ.

Với tương quan lực lượng như vậy mà LĐ 42 BĐQ/CT đã tạo được thành tích có thể nói “thần kỳ”. LĐ đã không bị đánh tan và không bị tiêu diệt. Ngược lại đã gây tổn thất nặng nề cho SĐ 1 CSBV, chận đứng họ tại Kampong Trach, bẻ gãy kế hoạch của họ làm tiêu tan mục tiêu của BV đã đề ra, đánh chiếm Hà Tiên Kiên Lương để xây một bến cảng cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Do tình hình các mặt trận trên toàn cõi Việt Nam Cộng Hòa tương đối lắng dịu, quân ta đã làm chủ được trận địa, SĐ 1 CSBV tại Kampong Trach cũng đã yếu thế, không còn khả năng tấn công mạnh nên QĐ IV đã cho lệnh rút lui lực lượng khỏi Kampuchia.

Thấy quân ta rút lui, SĐ 1 CSBV tuy đã yếu thế nhưng cố vớt vát tiến chiếm Kiên Lương, cơ sở Xi Măng Hà Tiên. LĐ 42 BĐQ/CT vừa trở về chưa được dưỡng quân thì lập tức nhận lệnh tăng phái cho Sư đoàn 9 Bộ Binh dưới quyền Tướng Trần Bá Di, rồi được điều động đến Kiên Lương để giải tỏa khu vực này. Trung tá Trần Kim Đại cùng với LĐ nhanh chóng đến Kiên Lương để lâm trận. Bản thân tôi và Bộ Chỉ huy nhẹ không còn trách nhiệm gì trên mặt trận này, trở về Bộ Chỉ huy Hành quân ở Thất Sơn với trách nhiệm, nhiệm vụ cũ trước đây.

Có lẽ Tướng Di hiểu quá rõ khả năng và sở trường của Biệt Động Quân Biên phòng nên đã ra một lệnh cho Trung tá Đại vô cùng khắc nghiệt tưởng chừng như khó thực hiện được, hay ít nhất cũng phải chấp nhận một tổn thất cao. Ấy thế mà Trung tá Đại thì bình tĩnh lắm, tự tin là khác. Lệnh ban ra là: BĐQ phải tái chiếm hãng Xi Măng Hà Tiên nguyên vẹn không được làm hư hại bất cứ thứ gì, có nghĩa là Trung tá Đại không được xử dụng Pháo binh, không được gọi Không quân yểm trợ, không được xử dụng vũ khí nặng. Ấy vậy mà Trung tá Đại và LĐ 42 BĐQ/CT tạo được một chiến công “thần kỳ” thứ hai. Chỉ vỏn vẹn trong vài ngày ngắn ngủi, LĐ 42 BĐQ/CT đã chiếm lại hoàn toàn cơ sở Xi Măng Hà Tiên, đánh tan lực lượng CS khiến họ phải tháo chạy về biên giới.

Thật ra các Tiểu đoàn BĐQ/BP còn thiếu kinh nghiệm về lối đánh trận địa chiến nhưng có quá nhiều kinh nghiệm về đánh đêm, đánh biệt kích. Chính đó là sở trường của họ mà Tướng Di đã phát huy. Trung tá Đại đã hoàn thành mệnh lệnh của Tướng Di thật hoàn hảo, xuất sắc.

Tuy tôi không có trách nhiệm trong trận chiến này nhưng vùng biên giới vốn là trách nhiệm thường xuyên của tôi trong nhiều năm qua nên địa hình, địa vật trong khu vực này tôi quen thuộc lắm.

Sau khi Trung tá Đại nhận lệnh từ Tướng Di, liền cấp tốc báo cáo cho tôi. Trung tá Đại thì có vẻ tự tin nhưng tôi không thể không lo cho quân của mình dù đã tăng phái. Phản ứng thật nhanh, tôi yêu cầu SĐ 9 BB chấp thuận cho tôi điều động Tiểu đoàn 86 BĐQ/BP thuộc trại Bình Thạnh Thôn do Thiếu tá Tạ Thành Lộc chỉ huy thuộc LĐ 41 BĐQ/CT đóng tại Mộc Hóa trực thăng vận chớp nhoáng vào chiếm lĩnh núi Hòn Cọp. Gọi là núi nhưng thật sự là một ngọn đồi thấp nằm chận giữa con đường Kiên Lương đến Hà Tiên. Nơi đây là cơ sở chỉ huy trạm xá tiền phương, tiếp vận, giao liên, con đường tiến thối của đối phương. Cuộc đổ quân thật bất ngờ và táo bạo của TĐ 86 BĐQ/BP, Thiếu tá “Paul Húc” Tạ Thành Lộc và quân của ông ta chỉ xoãi có chục bước đã chiếm lĩnh ngay rặng đồi này, đánh tan tành quân CS.

Cũng phải nói thêm, Trung tá Đại, nhờ sự hỗ trợ rất tích cực của “Paul Húc” Tạ Thành Lộc và TĐ 86 BĐQ/BP, đã kết thúc hoàn toàn trận chiến Kampong Trach một cách nhanh chóng vẻ vang.

Có thể nói rằng dân chúng miền Tây vẫn được vui hưởng thái bình vào lúc đó là nhờ vào trận Kampong Trach trong khi các mặt trận khác tuy bề ngoài có vẻ lắng dịu nhưng thực tế thì vẫn rất căng thẳng.

Thật là một điều không vui cho quân dân miền Tây nói chung, BĐQ nói riêng, vì sự thay đổi bất ngờ của hệ thống chỉ huy QĐ IV/QK IV. Tướng Trưởng được điều động ra làm Tư lệnh QĐ I/QKI, Tướng Trần Văn Hai rời BK44, Trung tá Trần Kim Đại đi nhận chức Liên đoàn trưởng LĐ 1 BĐQ ở QK I. Riêng tôi đi nhận chức vụ Chỉ huy trưởng BĐQ/QK II, tại đây lập tức tham chiến vào mặt trận Kontum, BĐQ/QK2 chịu trách nhiệm mở đường Quốc lộ 14, giải tỏa cụm chốt tại núi Chu Pao. Cùng LĐ 21 BĐQ/BP do Trung tá Nguyễn Văn Lang chỉ huy và TĐ 90 BĐQ/BP của Đại úy Phan Bát Giác đã khai thông Quốc lộ 14 mở đường cho chuyến tiếp vận đầu tiên từ Pleiku vào Kontum bằng đường bộ.

Vào thời điểm này năm xưa, BĐQ QK IV, đặc biệt là LĐ 42 BĐQ/CT – TĐ 58 BĐQ – và TĐ 86 BĐQ/BP, tôi không biết các anh em này nghĩ gì nhưng chắc rằng họ bị hụt hẫng đôi chút. Chẳng còn ai nhắc nhở đến trận chiến khốc liệt tại Kampong Trach, không ai đề cập đến những chiến sĩ đã hy sinh còn nằm lại trên vùng đất lạnh của xứ Chùa Tháp, những anh em chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu tại chiến trường này may mắn còn sống sót.

Chiến trường Kampong Trach đã bị lãng quên không phải bây giờ mà ngay từ dạo ấy.

Hình như Biệt Động Quân muôn thuở là vậy đó. Họ chưa có tiếng nói mặc dù BĐQ là một đại đơn vị, một binh chủng lớn. Họ chiến đấu và tiếp tục chiến đấu cho đến khi lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh ban ra. Thôi thì hãy gióng lên tiếng than “Ôi” … Không biết anh em BĐQ có đồng tình như vậy không?

Gần 40 năm qua không ai nhắc đến danh từ Kampong Trach nhưng tôi chắc những người lính Kỵ Binh – Không Quân – Pháo Binh – Công Binh – Biệt Động Quân … đã từng tham chiến ở đó không thể quên, thân nhân bao chiến sĩ đã hy sinh, thân xác còn nằm lại nơi xứ người không bao giờ quên. Chúng ta thì chưa làm được gì cho họ trong lúc này. Ngậm ngùi thay.

Đúng là không thể quên cho nên thật bất ngờ, ông bạn KB Điền Đông Phương đã gợi lại Kampong Trach. Tôi không hiểu ông bạn KB Điền Đông Phương suy nghĩ gì, ý tưởng của ông ta ra sao khi viết về trận chiến. Tuy vậy tôi rất chân thành và vô cùng cám ơn ông bạn KB Điền Đông Phương đã nhắc lại khiến BĐQ Đỗ Như Quyên, BĐQ Trần Duy Hòe, và BĐQ Đỗ Sơn chạnh lòng, có động cơ để nhớ lại, nghiên cứu, tham khảo thêm mà viết lại cho tương đối hoàn chỉnh hầu giúp cho Quân Sử QLVNCH không bị bỏ sót.

May lắm thay. Đáng lý Đỗ Sơn đã phải viết đến từ lâu lắm khi Tướng Trưởng còn sinh thời. Tôi biết Tướng Trưởng rất muốn viết về Kampong Trach. Sau thời gian tôi đến được Hoa Kỳ (1993) tôi đã có gặp Tướng Trưởng nhiều lần. Lần nào gặp tôi Ông cũng nhắc nhở trận Kampong Trach và nói cám ơn tôi về sự có mặt của tôi ở đó. Không phải một lần mà lần nào cũng vậy, Tướng Trưởng nói và tôi ngồi suy tư. Tôi thật tình không muốn tìm hiểu Ông đang suy nghĩ gì, nhưng phải chăng Tướng Trưởng đang ân hận rằng mình đã rời chức vụ Tư lệnh QĐ/QK4 quá đột ngột nên có điều chưa làm được của một vị Tư lệnh đối với anh em chiến hữu?

Linh-Cơ