Tôi chưa gặp Phướng, chưa hình dung được Phướng dễ thương như thế nào. Chỉ nghe Bồng nói, Bồng nói về nàng một cách say sưa. Nói riết, trong tâm hồn tôi bỗng nổi lên hình ảnh một người con gái đẹp. Đúng hơn, một người tình thủy chung, nghĩa ân trọn vẹn. Bồng quen Phướng trong quân y viện Cà Mau. Lúc Bồng bị thương, sau trận thư hùng với địch ở Năm Căn. Đó là ngày cuối năm, thành phố chuẩn bị đón xuân. Các cô thầy đang tổ chức một buổi ủy lạo thương binh, hướng về tiền tuyến. Định mệnh đã dung rủi – cô học trò tên Phướng – đến ngay giường bệnh Bồng. Và dường như, trong giây phút nào đó, tiếng sét ái tình giáng xuống, trúng cả hai người. Thế là, họ yêu nhau. Lặn lội tìm nhau.
Họ yêu nhau, chưa kịp đính hôn, thì…binh biến vội đến. 30 tháng tư năm 1975 như cơn đại nạn ập vào miền nam. Nó bẻ gãy bao ước vọng con người. Trong đó có : tự do, tình yêu, đời sống, sự nghiệp… Đôi uyên ương Bồng-Phướng cũng nằm trong hoàn cảnh này. Họ chia tay vội vã. Phướng bỏ học, về quê, sống với những khoảnh vườn. Bồng khăn gói vào tù. Hành trang chỉ có vài bộ quần áo cũ mèm, và một số thư tình của Phướng. Chiếc xe nhà binh lao vun vút trong bóng đen. Tấm bạt phủ bít bùng, bị gió thổi lách phách suốt đêm, làm 100 tù nhân ngồi bó gối dưới sàn xe – khó lòng dỗ giấc ngủ. Chiếc xe đến bến phà, buổi sáng, chạy qua những cái quán còn đóng cửa im ỉm. Phà Bình Minh. Rồi phà Hậu Giang. Con phà quen thuộc ngày nào, vẫn lạch bạch đẩy sóng, chầm chậm lướt trên sông. Nó quen thuộc, nhưng trên sân thượng đã treo lá cờ khác. Lá cờ đỏ rực máu. Máu oan khiên. Máu của đám dân vô tội. Tên “vệ binh” vén tấm bạt cho tù nhân thở. Xe qua phà, máy tắt. Không khí bắt đầu ngột ngạt. Tù nhân tức ngực, ho dữ dội. Phải vén tấm bạt bít bùng lên, cho gió lùa vào thông thống. Gió mang tinh sương, mang hơi hướm của phố phường, mang tự do của thiên nhiên…về đây, tạm xóa tan đi dấu vết tù đày. Tấm bạt vừa vén lên. Dân trên chuyến phà đổ dồn lại, bu quanh chiếc xe nhà binh. Họ xôn xao một lát, rồi cầm đồ vật ném túi bụi về phía tù nhân. Đậu phọng, xôi vò, khoai lang, bắp luộc, thuốc điếu, bánh kẹo…bay vèo vèo. Nó rơi lịch bịch xuống sàn xe. Nó rớt trên đầu, trên lưng, trên ngực tù nhân. Nó để lại thương tích. Những thương tích vô hình, quá to lớn, quá đau lòng. Nhìn cảnh tượng bất ngờ đó, tên “vệ binh “nổi cáu, hét lên. Nhưng, hắn không có cách nào ngăn được trận đòn hội chợ mãnh liệt như vậy. Một trận đòn yêu, chỉ có dân và quân trong chế độ cũ hiểu nhau.
Phi trường Sóc Trăng hiện ra, giữa ánh nắng chang chang. Cổng vào xiêu vẹo. Cỏ mọc từng lùm. Dãy nhà tiền chế hư hỏng nhiều chỗ. Có nơi, sập mái. Có nơi, tường vỡ ra thành mảng. Có nơi, gạch bị đào lên, tôle bị gỡ mất. Hàng trăm ba lô, quân phục…vất bừa bãi. Ba lô chồng lên ba lô, quân phục chất lên quân phục, ngổn ngang cùng với rác rến tạp nhạp. Chiếc xe chạy thẳng ra phi đạo. Cuối cùng, dừng lại phía trước đài kiểm lưu. Tấm bạt lại được vén lên, cho tù nhân lần lượt nhảy xuống. Tôi và Bồng nhảy xuống, ngồi bệt luôn xuống phi đạo. Suốt hành trình, 100 tù nhân chen chúc nhau trên một sàn xe nhà binh chật hẹp, nên bàn chân tôi tê cứng, không thể đứng thẳng lên được. Mặc kệ, tôi cứ ngồi bệt ở đây, hứng những ngọn gió hiu hiu thổi tới. Bồng chợt ngó lên đài kiểm lưu. – Mày xem kìa! Đài kiểm lưu đang nghiêng một bên. Sắp đổ đấy nhé! Đài kiểm lưu cao nghệu. Cầu thang bằng gỗ đã mục nát. Mặt ván đầy rêu xanh. Toàn thân nghiêng về một phía. Chắc chắn, nay hoặc mai, nó sẽ gục ngã. Tiếng còi hoét hoét. Tiếng quản giáo hét bên tai. – Tập họp. Ba hàng dọc. Đội trưởng điểm danh, báo cáo. Hắn tiếp tục hét, trong khi tù nhân nhóp nhép nhai những tặng phẩm của dân, thu lượm được ở bến phà. – Đây là phi trường Mỹ ngụy. Sau khi tiếp thu, chúng tôi không cần sử dụng đến nó nữa. Chúng tôi muốn biến nơi đây thành trường quân chính cho cán bộ miền nam học tập. Trong thời gian này, các anh là lực lượng lao động chính, dưới sự điều động của chúng tôi. Rõ chưa? Sau khi phân chia “tổ lao động”, tù nhân được dẫn về tạm trú trong bốn dãy nhà tiền chế hoang phế, gần cuối phi trường. Tên “quản giáo” theo chúng tôi bén gót. Hắn ở một căn nhà khang trang phía trước. Nằm trên đỉnh cao con dốc. Từ đó, hắn có thể quan sát tất cả sinh hoạt của tù nhân, một cách lặng lẽ.
Năm ấy, Bồng vừa tròn hai mươi. Tôi lớn hơn Bồng năm tuổi. Và một trăm tù nhân trong khu phi trường này, đều xuýt xoát ở lứa tuổi như thế. Lứa tuổi thanh niên, lứa tuổi của nhiệt huyết, xông xáo trong mọi lãnh vực. Thế mà, thế hệ chúng tôi lại bị lưu đày, tù rạc. Có thể, mãi mãi…chưa biết lúc nào, trở về. Trong một trăm đứa, có đứa, chưa hề biết đến mùi vị đàn bà. Có đứa, gặp gái cứ lắp ba lắp bắp, má rịm đỏ như trái dâu Đà Lạt. Có đứa, mặt búng ra sữa, vừa nhìn trộm đôi nhũ hoa của mấy em, đã són đái ra quần. Một lần, tôi và Bồng cuốc cỏ ở khu nhà bếp. Trưa nắng, hai đứa “ lặn ” vào lùm để nghỉ tay. Trong lúc lim dim, chợt có cô y tá việt cộng đi tới. Lúc tới chỗ hai đứa, thấy xung quanh không có ai, cô lẹ làng tụt quần xuống, “ tè ” ngay trước mặt chúng tôi. Báo hại, hai đứa nín thở, nằm im thin thít, cho đến khi…cô cất bước đi xa. Vậy mà, khi thấy cái của tênh hênh phơi tròn trước mắt, Bồng đã hoa mắt, són đầy một quần. Trong một trăm tù nhân, Bồng là người hạnh phúc nhất. Mặc dù, lao động triền miên, bất kể giờ giấc. “Cán bộ quản giáo”, ngay từ lúc đầu, tự ý kê ra cái phương châm ác ôn : “ Ở đâu cần, có tù nhân ”. Do đó, chúng tôi lao động cả ban đêm, lao động luôn Chủ Nhật. Hàng ngày, lao động là chuyện bình thường. Ban đêm và Chủ Nhật, tù nhân lao động – gọi theo cách khác – lao động xã hội chủ nghĩa. Bồng hạnh phúc, không phải vì kiệt xuất trong lao động, lúc nào cũng được quản giáo ban khen, thưởng thêm phần ăn. Anh hạnh phúc, vì Phướng. Phướng đến thăm mỗi kỳ. Phướng viết thư mỗi tháng. Mỗi lần đến thăm, Phướng mang theo thức ăn ê hề, dư dật cho Bồng xoay xở. Mỗi lần đọc thư, Bồng thấy mình như đang đứng trước cửa một thiên đường – một thiên đường chỉ có tình yêu, chỉ có bình yên trọn vẹn. Phi trường Sóc Trăng dần dần thành “trường quân chính”, theo như ước muốn của bọn cộng sản. Một trăm tù nhân chỉ biết cúi đầu, thi hành ước muốn đó một cách chăm chỉ. Họ không cần ý kiến đóng góp, cũng cóc cần bàn bạc thêm bớt. Một ngày, “ban giám đốc trường quân chính” tập họp tù nhân lại. – Chúng tôi muốn phá bỏ cầu tiêu trong các dãy nhà. Xong, các anh kéo nhau ra phía cuối đường băng, đào hầm, dựng cho trường một cầu tiêu tập thể. Chặt, cho tới bây giờ, chúng tôi vẫn không hiểu, tại sao Mỹ ngụy lại xây cầu tiêu trong nhà? Nó vừa mất vệ sinh, vừa tù túng, vừa bẩn thỉu thế nào ấy!!! Ngay hôm nay, các anh bắt đầu “khởi công “đi! Thế là, những cầu tiêu Mỹ tráng men bóng loáng, những phòng tắm bông sen thoải mái êm ái, những bồn rửa mặt mát rượi trong vắt…bị chúng tôi dùng búa đập tan tành, dùng xà beng nạy tanh banh thành mảnh vụn. Nhìn những tiện nghi sẵn có, mà bọn việt cộng không biết xài đến – chúng tôi tiếc quá, tiếc mà ấm ức trong lòng. Chẳng bao lâu, dãy cầu tiêu tập thể thành hình. Nhìn những cái hầm đào thật sâu, trên nền đất cao ráo – ban giám đốc ngợi khen không tiếc lời. – Có thế chứ! Cầu tiêu công cộng phải như thế chứ! Nó vừa sạch sẽ, vừa mát mẻ vô chừng! Vài tháng sau, mùi xú uế theo gió bay tứ phương. Nó nồng nặc bay đến lớp học, đến nhà ăn, đến tận các giường ngủ “học viên”. Ruồi nhặng theo phân, đua nhau sinh nở. Nó sinh nỡ dập dồn, thành trăm đàn, nghìn lũ. Nó tấn công các “học viên”, nhào chí tử vào các thức ăn, thậm chí chui cả lên mồm, lên mũi…”cán bộ” đang giảng bài. Chịu hết thấu, ban giám đốc lại chỉ thị chúng tôi “ phá cầu ”, về xây lại những căn cầu tiện nghi, giống như kiểu “ mỹ ngụy ” ngày xưa.
Phi trường Sóc Trăng là nơi chứa nhiều vật liệu quý hiếm, để tù nhân dùng đôi tay khéo léo, tạo nên những món quà trang nhã, gửi tặng gia đình. Cánh máy bay phế thải được bọc bằng loại nhôm đặc biệt, dùng làm: lược, thước, khung hình…rất xinh đẹp. Cà mèng, ca…là các vật dụng cá nhân của người lính, vậy mà, qua sự chế biến của tù nhân – nó đã trở thành những vòng đeo tay mượt mà, những chiếc kẹp tóc mỹ miều, duyên dáng. Còn nữa, chúng tôi còn lấy miếng thép thô sơ ( lót đằng sau ba lô ), để tạo ra những con dao xắt rau cải, tiện lợi cho đời sống tù nhân. Sẵn vật liệu vất lung tung đó, một trăm tù nhân đua nhau làm quà tặng. Bất kể thời gian nào, chúng tôi tận tâm : cưa, cắt, đục, đẽo, mài, giũa… hết cà mèng tới ca, hết ba lô tới cánh máy bay. Từ đó, những tấm lắc dễ thương, những chiếc kẹp tóc mảnh mai…lấp lánh ra lò. Rồi, nhờ các bàn tay điêu khắc tận tụy – vài bông hoa, dăm câu thơ, một ít lời đề tặng…bay bướm, xuất hiện trên mặt món quà. Cứ thế, các tù nhân thi nhau…bỏ ăn bỏ ngủ, miệt mài trong sáng tạo. Chẳng bao lâu, nghề dạy nghề, tù nhân trở thành những tay thợ thủ công tinh xảo. Các món quà gói trọn thương yêu, gửi gấm hẹn hò, mỹ miều đến mức điêu luyện kia, đã làm động lòng “cán bộ quản giáo”. Cán bộ cũng có dòng họ, có bạn bè, có người yêu ở ngoài Bắc. Cán bộ cũng muốn có quà, do chính bàn tay họ tạo ra, để gửi về đó. Nhưng, họ vừa bất nhân, vừa bất tài. Suốt đời chỉ biết nghe, và làm theo Đảng. Vậy, đành cướp công lao tù nhân. Lấy chất xám của nó làm chất sáng tạo của mình. Thế là, họ ra lệnh tập họp một nhóm thủ công cừ khôi nhất, suốt ngày ở trại lo chế tạo các món quà, theo đơn đặt hàng của họ. Từ đó, những cái rương, thùng tưới, vòng, lắc, kẹp, lược…nhộn nhịp ra đời. “Cán bộ” khoái chí, gói ghém từng sản phẩm, ưu ái gửi về gia đình làm kỷ niệm. Trong một trăm thợ thủ công bất đắc dĩ, Bồng là người thợ tệ nhất. Anh không có hoa tay, cũng như không có tính kiên nhẫn lâu dài. Sản phẩm của anh, còn quá vụng về. Đường giũa chưa bén. Độ mài thiếu sắc sảo. Lối đánh bóng cũng thô sơ. Mặt sáng sản phẩm, vẫn hằn lên vết gân li ti của giấy nhám. Tội nghiệp Phướng, lần thăm nuôi nào, nàng cũng vui lòng nhận những món quà kém chất lượng đó, bằng nụ cười cảm thông, độ lượng. Một hôm, Bồng tâm sự với tôi : – Này, anh giúp giùm tôi làm cái kẹp tóc tặng Phướng. Tôi sẽ dồn hết tâm trí, hết thời gian cho món quà độc đáo này. Anh làm cho tôi hai câu thơ, thơ tình. Tôi sẽ khắc nó lên mặt kẹp. Tại sao Việt Nam mình có chiếc nón bài thơ, mà lại không có chiếc kẹp bài thơ? – Thơ với thẩn là nghề của tôi, dễ thôi! Nhưng, cái kẹp tóc…là cái quan trọng. Anh phải làm sao cho nó mỹ miều, duyên dáng…như…người mang chiếc kẹp đó. Nghĩa là, anh phải học hỏi, tập luyện tay nghề. Món quà có xinh xắn, mới đánh động tình cảm của Phướng được! Bồng nghe theo tôi. Anh tập luyện và học hỏi mỗi ngày. Anh thức khuya, dậy sớm để bắt tay vào công việc. Anh bỏ cả ăn, quên luôn giấc ngủ. Cuối cùng, anh bị đau dạ dày. Bệnh tình càng lúc càng nặng. Y tá cho uống thuốc nghệ, chẳng nhằm nhò gì. Mỗi ngày, nhìn thấy anh rên xiết, quằn quại trong cơn đau – tôi tưởng chừng, như chính mình, đang đứt từng khúc ruột. Bệnh quá, Bồng đành nghỉ “lao động”, cứ nằm thiêm thiếp trong trại. Tuy vậy, khi cơn đau dịu lại, Bồng cố gắng đứng lên, đi tìm chiếc kẹp, tiếp tục mài giũa cho Phướng. Bồng càng lúc càng ốm đi. Da vàng võ, xanh xao. Lúc này, anh chỉ ăn cháo cầm hơi, cố gắng chống chọi lại với những cơn đau lu bù. Ba thứ thuốc dân tộc chẳng áp phê chi, còn làm Bồng thêm buồn nôn và bợn dạ. Sự săn sóc của chúng tôi cũng vô ích, không đem lại chút ít khả quan nào. Chúng tôi đề nghị với quản giáo, cho Bồng viết thư về Phướng xin vài loại thuốc tây, may ra đẩy lui được cơn bệnh. Nhận được tin, Phướng tức tốc mang thuốc đến Bồng. Vì không phải là ngày thăm nuôi, quản giáo chỉ cho Bồng nhận thuốc, rồi trở vô trại. Có thuốc, bệnh thuyên giảm ngay. Khoảng tháng sau, anh hồi phục. Bồng lại tiếp tục với chiếc kẹp dở dang. Và chẳng bao lâu, món quà được hoàn thành một cách trọn vẹn. Chiếc kẹp tóc quá dễ thương với những nét hoa văn kỹ xảo. Và tuyệt vời hơn nữa, là bài thơ của tôi, được Bồng khắc gọn gàng trên mặt kẹp, bằng dòng chữ thư pháp rất bay bướm : “ Xin nhau một chút môi cười. Để chia vui giữa cuộc đời lao đao ”. Nhưng cũng kể từ đó, Phướng không trở lại thăm Bồng nữa. Nàng biệt tăm. Nàng ra đi, chẳng nhắn gửi câu nào, dù chỉ là lời giã từ ngắn ngủi. Từ đó, chiếc kẹp tóc mỹ miều đành xếp lại một xó. Xếp lại, cùng nỗi buồn triền miên, đau khổ của Bồng.
Hơn hai mươi năm trôi qua, tôi chưa có dịp tìm Bồng. Đến nay, diện HO đã lần lượt qua Mỹ. Một hôm, khi về Santa Ana dự một buổi họp mặt văn nghệ, tình cờ gặp lại anh, trong quán cà phê. Bồng mừng rỡ, ôm lấy tôi, nói chuyện huyên thiên. Anh nói hết chuyện Việt Nam, sang chuyện Mỹ. Tào lao thiên địa một lát, cuối cùng, anh dắt tôi về nhà, giới thiệu với vợ con. Căn nhà của Bồng rất đẹp. Nó nằm trên triền đồi cao, ngó xuống một thung lũng đầy hoa vàng. Tôi đi êm ái dưới giàn thanh long lủng lẳng trái chín, chạy dài từ gờ tường bên này sang gờ tường bên kia. Dọc theo lối đi, là những khoảnh vườn nho nhỏ. Từng bẹ cải xanh mướt xòe rộng như cánh quạt. Từng chùm bạc hà vươn cao. Từng nụ hoa lúng liến, đong đưa theo chiều gió. – Dạ, chào chú. Mời chú vào nhà. Tiếng nói phát ra từ chiếc xe lăn. Tội nghiệp, người thanh niên trẻ tuổi nào đó, với đôi chân lủng lẳng, teo tóp lại, một cách kỳ dị. – Thằng Hiến đấy! Nó bị sốt tê liệt từ nhỏ. Vợ chồng tôi chỉ có nó, duy nhất. Tôi bắt tay cháu, mừng rỡ. Nhưng thoáng chốc, tôi lại đau buồn, xót thương cho nỗi bất hạnh của cháu, của gia đình Bồng. – Năm nay, cháu bao nhiêu tuổi, hở Bồng? – Cháu vừa tròn hai mươi lăm. – Ô, cái tuổi này, ngày xưa, mình ở trong tù… Nhắc đến tù, Bồng bỗng sa sầm nét mặt. Đôi mắt anh đỏ lên, dường như muốn xúc động, tức tưởi một điều gì. – Thôi, chuyện cũ, cho qua đi. Nói đến làm chi? – Ô, tôi và ông ra tù, cách đây khoảng hai mươi năm. Làm sao ông có đứa con hai mươi lăm tuổi được. Có lộn không, cha nội? Bồng kéo tôi vội vã vào trong nhà. Qua những căn phòng khang trang. Qua các bức tranh đồ sộ, các đồ vật tiện nghi, được sắp xếp ngăn nắp, lịch sự. – Chuyện đó, tôi sẽ viết thư giãi bày cho ông biết. Bây giờ, đến gặp vợ tôi, đến gặp Phướng. Phướng? Tôi trợn mắt, nhìn Bồng, ngạc nhiên. Quá khứ chợt trồi lên, hiện về. Hình ảnh phi trường Sóc Trăng ập đến. Ở đó, ngày nào, Bồng cũng nói say sưa về một người con gái. Đúng hơn, một người tình thủy chung, nghĩa ân trọn vẹn. Rồi, cơn đau bao tử quằn quại của Bồng. Bồng sẽ đứt hơi, chết đi – nếu không có những lọ thuốc ngoại quốc do Phướng chắt chiu đem tới. Rồi, tự dưng Phướng bặt tăm, không đến nữa. Cũng chẳng có một lá thư giã từ… – Phướng nào? Phướng Cà Mau ư? Có lộn không, cha nội? Phướng đó bỏ ông lâu rồi, từ lúc còn trong tù. – Suỵt. Phướng đó chớ còn Phướng nào? Bỏ sao được? Tụi tau có nợ với nhau. Nợ tình.
Bồng dẫn tôi đến phòng ăn. Mùi thức ăn bốc lên ngan ngát. Nói đúng hơn, mùi đoàn viên. Mùi hạnh phúc gia đình. Phướng lộng lẫy trong tà áo lụa vàng. Màu vàng, màu hoàng kim, màu tiểu thư…đã làm làn da trắng của nàng nổi bật. Và nổi bật hơn, là mái tóc dài óng ả, có chiếc kẹp bài thơ của Bồng nằm kiêu sa, trên bờ vai mỹ miều hiền thục. Đêm ấy, tôi vui trọn vẹn với gia đình Bồng. Những chai rượu chếnh choáng, làm ngất ngư đến kỷ niệm. Những điếu thuốc nối đuôi, cháy đỏ không ngừng. Phướng tiếp mồi lia chia cho tới sáng. Nàng muốn sà xuống, say quằn quại với chúng tôi, để bắt đầu lại khởi điểm, quên hết đi quá khứ buồn đau.
Vài tuần sau, tôi nhận thư Bồng. Trong đó, có những đoạn như sau : “…Mày đoán đúng, thằng Hiến không phải con tau. Nó là giọt máu đau thương của Phướng với thằng quản giáo việt cộng. Đó là lý do, Phướng bỏ đi biền biệt, trốn chạy tau. Trốn chạy một tình yêu rất tuyệt vời, đang đến lúc trọn vẹn nhất. Mày nhớ, năm xưa, trong tù, có thời gian tau đau bao tử gần chết. Tụi bây đã tận tình giúp đỡ, nhưng bệnh không mảy may thuyên giảm, lại càng lúc càng nặng dần. Thấy hoàn cảnh khổ đau của tau như thế, tụi bây năn nỉ thằng quản giáo cho Phướng mang thuốc ngoại quốc vào trại, may ra có thể cứu tau được. Nhận được tin, Phướng tức tốc vay tiền, nhờ người mua thuốc, rồi dãi nắng dầm mưa đem thuốc xuống Sóc Trăng. Chiều đó, đứng trước nhan sắc của Phướng, thằng quản giáo bỗng động tà tâm. Nó viện cớ, không phải ngày thăm nuôi, nên thân nhân chưa thể gặp cải tạo viên được. Nó cũng từ chối nhận thuốc gửi vào trại. Phướng van xin đến tuôn rơi nước mắt. Vậy mà thằng quản giáo vẫn khăng khăng chối từ. Nó cố kéo dài thời gian để màn đêm buông xuống, buộc Phướng phải ở lại, không còn chuyến xe nào để trở về Cà Mau. Buổi tối đó, nó kể Phướng nghe về căn bệnh của tau. Nó thêm thắt cho có vẻ nặng nề, cho có vẻ đau khổ. Nó bảo nó rất cảm thông và tội nghiệp, nhưng không thể vượt hệ thống, làm trái với chỉ thị của cấp lãnh đạo. Cuối cùng, nó hứa ngày mai sẽ tìm mọi cách mang thuốc vào trại. Ngược lại, Phướng phải biết điều, dễ dãi trao đổi tình cảm với nó. Thế là, Phướng sa vào bẩy. Nàng bị nó cưỡng bức một cách thương tâm. Sau đêm đó, Phướng có thai với nó. Nàng xấu hổ bỏ về quê ngoại, vùi đầu vào ruộng nương, cố quên đi những nhuốc nhơ quá khứ. Và thằng Hiến ra đời. Tội nghiệp, thằng Hiến bị sốt tê liệt ngay từ đó. Nhà nghèo, lại cách xa thành thị, thằng Hiến đành tàn tật suốt đời. Ra tù, tau nhất quyết tìm kiếm Phướng, dù có đến tận chân trời góc bể. Tau biết, không dễ gì nàng bỏ tau. Phải có lý do chi đây? Phải có chuyện ấm ức nào đó? Và một năm trời sục sạo khắp nơi, Thượng Đế đã cho tau gặp nàng. Sau khi nghe Phướng kể hết sự tình, chúng tau bàng hoàng ôm nhau, khóc đến sưng vù đôi mắt. Ân, mày là người đầu tiên, và cũng là người cuối cùng, biết toàn bộ câu chuyện thương tâm của chúng tau. Xin hãy mãi mãi giữ kín, đừng bao giờ tiết lộ cho người khác biết. Thành thật cám ơn mày…”
Đọc xong những dòng chữ oan khiên này, tôi ngậm ngùi xót thương cho đôi bạn. Quả thật, tình yêu có lý lẽ, và sự mầu nhiệm của nó. Tự nhiên, tôi cầm lon bia, uống cạn một hơi. Rồi, chợt nhớ đến câu nói thật thà của thằng Bồng. Bỏ sao được? Tụi tau đã có nợ với nhau. Nợ tình.
PHẠM HỒNG ÂN