CHÂU ÂU “XOAY TRỤC”: ĐỨC NỐI GÓT ANH & PHÁP CHO CHIẾN HẠM TIẾN VÀO BIỂN ĐÔNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Một chiến hạm của Đức tại Virginia, Mỹ, năm 2018. Ảnh: Reuters

Lần đầu tiên trong gần 20 năm, đến tháng 8/2021, một chiến hạm Đức sẽ đi ngang qua Biển Đông trên đường về nước sau khi tham gia tập trận cùng với Hải Quân Nhật Bản. Đức là cường quốc châu Âu thứ ba sau Pháp và Anh thúc đẩy  “chiến lược xoay trục” qua châu Á, với tầm nhắm là thế lực đang bành trướng của Trung Cộng.

 

Đối với Reuters, đây là một sự kiện rất đáng chú ý vì đó sẽ là lần đầu tiên trong gần 20 năm gần đây – cụ thể là từ năm 2002 – mà một chiến hạm Đức đi ngang qua Biển Đông.

Cho dù các giới chức được Reuters trích dẫn đã thận trọng xác định rằng trong hành trình của mình, chiến hạm Đức sẽ không di chuyển qua khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Cộng đang chiếm đóng tại Biển Đông, chỉ riêng việc tàu Đức đi qua Biển Đông đã được giới quan sát xem là một hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải trong một vùng biển mà Trung Cộng tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ diện tích.

Nguyên tắc của Đức: Thượng tôn luật pháp và tự do hàng hải

Theo các nhà quan sát, mục tiêu cổ vũ cho quyền tự do hàng hải đã được Berlin nêu bật trong một bản hướng dẫn về chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương được nội các Đức thông qua vào tháng 9 năm 2020. Văn kiện này nhấn mạnh đến các nguyên tắc tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp và quyền tự do hàng hải, đồng thời kêu gọi hợp tác với các quốc gia có “giá trị chung” như Úc, Nhật và Hàn Quốc.

Theo trang website của tờ báo Nhật Bản Nikkei ngày 26/01 vừa qua, việc Đức gởi chiến hạm qua châu Á-Thái Bình Dương tham gia các hoạt động cùng với Hải Quân của các đồng minh như Úc, Nhật, Pháp, ghé thăm nhiều cảng trong khu vực, là bước đầu tiên nhằm khẳng định chiến lược mới của Berlin.

Thomas Silberhorn, quốc vụ khanh tại bộ Quốc Phòng Đức, đã xác nhận với báo Nikkei rằng Berlin muốn “làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác của Đức trong phe dân chủ”. Dù giới chức này nhấn mạnh rằng kế hoạch khai triển “không nhắm vào bất kỳ ai”, nhưng theo Nikkei, Berlin rõ ràng muốn đối phó với sự bành trướng của Trung Cộng.

Phát biểu với với tờ báo Nhật, ông Silberhorn không ngần ngại xác định là không thể chấp nhận việc “áp đặt trật tự thông qua sức mạnh”.

Theo Nikkei, việc Đức tăng cường chú ý đến vấn đề thượng tôn luật pháp và thị trường rộng mở ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương là dấu hiệu cho thấy là Berlin đang trong chiều hướng từ bỏ lập trường lâu dài trong quan hệ với Bắc Kinh, vốn đặt trọng tâm trên vế hợp tác kinh tế, thương mại và né tránh các vấn đề chính trị.

Pháp và Anh mạnh dạn “xoay trục” qua châu Á

Tàu đổ bộ tấn công Tonnerre của Pháp cùng tập trận RIMNPACT với Mỹ năm 2014

Hướng đi của Đức, theo giới quan sát, nằm trong chiều hướng chung của châu Âu trong những năm gần đây là “xoay trục” qua châu Á, mà một trong những biểu hiện thu hút sự chú ý nhiều nhất là cử chiến hạm đến hoạt động trong các vùng biển ở khu vực, trong đó có Biển Đông.

Một trong những cường quốc châu Âu năng động nhất là Pháp, hiện đang có một chiến hạm hoạt động trong khu vực, và hai chiến hạm khác trên đường đến nơi.

Báo mạng Nhật Bản Nikkei, trong số ra ngày 04/03, đã trích dẫn một thông báo của đại sứ quán Pháp tại Tokyo nhấn mạnh đến hoạt động của một hộ tống hạm Pháp trong vùng biển châu Á trong những ngày gần đây.

Nội dung thông báo nói rõ: “Hộ tống hạm Prairial hiện đang được khai triển ở vùng châu Á – Thái Bình Dương để tham gia vào chiến dịch chung nhằm chống lại việc Bắc Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc… vì lợi ích an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong một bài đăng trước đó, đại sứ quán Pháp cho biết là chiếc Prairial đã có một chuyến ghé quân cảng Sasebo, thuộc tỉnh Nagasaki, trong thời gian 4 ngày.

Ngoài chiếc Prairial đang hoạt động, vào thượng tuần tháng Hai, bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly đã xác nhận sự kiện tàu ngầm hạt nhân Emeraude cùng tàu hỗ trợ Seine của Pháp đã tuần tra tại Biển Đông trước khi hoàn tất chiến dịch khai triển ở châu Á khởi sự từ tháng 9 năm 2020.

Ngoài ra, ngày 18/2 vừa qua, tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và hộ tống hạm Surcouf của Pháp cũng đã rời cảng lên đường qua hoạt động ở vùng Thái Bình Dương, ghé cảng nhiều nước và tham gia một số cuộc tập trận với các đồng minh và đối tác. Trên đường đi và về, hai chiến hạm Pháp đều sẽ đi qua Biển Đông.

Ngoài Pháp, Anh Quốc cũng là nước có dấu hiệu rất quan tâm đến vùng châu Á. Hôm 23/02 vừa qua, Luân Đôn cho biết là hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth đã rời cảng lên đường đến châu Á và Biển Đông. Tháp tùng theo chiếc tàu sân bay Anh là cả một đội chiến hạm bao gồm hai khu trục hạm, hai hộ tống hạm, một tàu ngầm hạt nhân, và hai tàu tiếp liệu.

Hàng không Mẫu Hạm của Anh Queen Elizabeth đã đến Biển Đông

Đức vẫn thận trọng

So với Pháp và Anh, quyết định cử hộ tống hạm đến hoạt động trong vùng biển châu Á của Đức có phần khiêm tốn hơn. Mặt khác đây là một hành động rất thận trọng khi Berlin tránh không cho tàu của mình tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Cộng ở Biển Đông. Cho dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng hành động của Đức rất có ý nghĩa.

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 03/03 đã trích lời bà Helena Legarda, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Viện Nghiên Cứu Trung Cộng Mercator ở Berlin, cho rằng hành động đi qua  Biển Đông của chiến hạm Đức sắp tới đây chủ yếu “mang tính biểu tượng”, vì sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh, cho thấy là Berlin sẽ dứt khoát hơn và sẵn sàng đối đầu với các yêu sách lãnh thổ của Trung Cộng trong khu vực.

Theo bà Legarda, cách tiếp cận của Berlin bắt đầu thay đổi, phản ánh một cách nhìn nhận mới về tầm quan trọng của vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đối với sự ổn định toàn cầu và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.

Đối với chuyên gia này, Đức đã cảm thấy cần phải cấp tốc phản ứng trước sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Cộng trong khu vực”.

Lợi ích kinh tế có thể là động lực thúc đẩy Anh, cùng với Pháp và Đức nói riêng, và Liên Hiệp Châu Âu nói chung, quan tâm đến quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Nhật báo Nikkei ngày 09/02 nêu bật một vài số liệu: Thương mại hai chiều giữa Trung Cộng và EU đạt 480 tỷ euro vào năm ngoái, trong lúc đầu tư trực tiếp của Liên Âu vào 10 quốc gia ASEAN đã lên đến 337 tỷ euro vào năm 2017 – nhiều hơn bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào khác.

Trong bối cảnh đó, từ 8 đến 12% giao dịch thương mại giữa Anh, Pháp và Đức với khu vực đều đi qua Biển Đông.

Theo tin Reuter, Trang mạng Nhật Bản Nikkei và RFI (Trọng Nghĩa)