“CẬP THỜI VŨ” NGUYỄN NGỌC BÍCH (Lm Nguyễn Hựu Lễ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Tin Anh Nguyễn Ngọc Bích từ trần một cách đột ngột làm tôi bị “shock” đến độ choáng váng. Sáng sớm ngày 4 tháng 3, 2016 (ngày, giờ New Zealand), anh Trần Quốc Bảo từ Cali gọi tôi hỏi có đọc email của anh chưa. Tôi nói chưa. “Trời ơi! Anh Nguyễn Ngọc Bích chết rồi cha Lễ ơi!” Giọng anh đầy xúc động. Nghe như bị sét đánh ngang tai, tôi la to, anh nói cái gì? Anh nói cái gì anh Bảo? Anh trả lời “Anh Bích chết rồi cha Lễ ơi!” Tôi nói nhanh: Chết lúc nào? Bị gì mà chết? Và nhiều câu hỏi nữa … Anh Bảo nói có viết trong email và chuyển bản tin của báo Người Việt. Anh nói nhanh, anh Bích chết sáng nay, chết trên máy bay đi Manila…. Sau đó là hai tiếng: “Trời ơi!” chen lẫn nhiều tiếng thở dài.

Sau khi đọc email tôi xúc động đến lặng người. Việc đầu tiên là làm dấu Thánh giá và đọc một kinh cho anh Bích, sau đó ngồi bất động như người mất hồn. Hình ảnh của người mà tôi rất quý mến và gọi một cách thân thương là “ANH BÍCH” đang nhảy múa trong tâm trí của tôi. Tôi không tin đó là sự thật. Mới tuần trước còn nghe anh trả lời phỏng vấn trên Radio Đáp Lời Sông Núi. Nhưng email của anh Bảo và bản tin của báo Người Việt có kèm hình Anh Bích đang nằm trước mắt, làm sao mà chối bỏ cho được.

Thật ra, sự ra đi của những người sau cái tuổi “cổ lai hy” không phải là chuyện quá ngạc nhiên vì người đời có câu nói: “Năm mươi năm, sáu mươi tháng, bảy mươi ngày.” Ở vào cái tuổi bảy mươi thì chỉ tính được từng ngày. Nhưng sự ra đi của anh Nguyễn Ngọc Bích đã làm tôi chới với. Bởi lẽ, nếu có phải lập một danh sách các “ứng viên” có khả năng quy tiên của năm 2016 trong số anh em, bạn bè của câu lạc bộ“cổ lai hy” thì tên của anh Nguyễn Ngọc Bích tôi sẽ ghi cuối cùng, vì nhiều lý do. Anh khoẻ mạnh. Anh xông xáo. Anh lạc quan. Anh tươi cười. Anh giúp người. Anh làm nhiều việc. Anh còn nhiều chương trình… Tôi không bao giờ nghĩ là sẽ có lúc nghe cái tin Anh Bích chết. Thế mà anh đã chết! Anh nằm xuống bất thần như người lính trúng đạn ngả gục trên chiến trường. Thử hỏi, gia đình anh, những người thân yêu và bạn bè của anh, ai mà không bị “shock”, ai mà không kêu Trời! Sau khi đọc anh Đoàn Viết Hoạt, tôi mới biết chi tiết. Xin trích một đoạn: “Chỉ vài tiếng trước còn thấy anh Bích vất vã mới mấy cái xách tay chờ chị Bích chậm chạp từng bước từ máy bay đi xuống. Và sau đó khi vào lại máy bay, thấy tôi ngồi cách một dãy ghế, anh Bích còn dơ tay chào tôi, cười rất tươi. Rồi khi chị Bích hoảng hốt gọi tôi đến, khi tôi cùng chị Bích cố gắng giúp anh tỉnh lại nhưng anh chỉ gượng nói yếu ớt được vài câu, để sau đó chừng 20 phút, trở thành tấm thân vô tri giác.”

* * *

Mỗi dịp đầu năm tôi thường gọi thăm các anh em bạn bè. Với anh em lớn tuổi, tôi hay nói đùa, trước là chúc mừng năm mới, sau cũng là “điểm danh” coi ai còn ai mất. Tết vừa rồi tôi gọi qua thăm và “điểm danh” Anh Bích. Hôm đó anh bận đi giúp người khác một việc quan trọng. Tôi nói chuyện với chị Bích khá lâu, (có lúc tôi gọi chị là chị Hợi). Tôi nói với chị rằng chỉ đọc cái chương trình di chuyển làm việc của Anh Bích, tôi đã thấy mệt. Chị cho số cầm tay của anh. Tôi gọi 2 lần không thấy anh bắt máy. Chắc là anh đang bận họp nên thôi, không nhắn tin. Tôi nghĩ bụng, đàng nào thì khi về nhà, chị cũng sẽ nói lại.

Mấy ngày qua, trên Internet tràn ngập tin tức, phân ưu, và bài viết về anh Nguyễn Ngọc Bích. Các bài viết càng lúc càng nhiều và đa dạng, được thêm vào trang thông tin đã rất dầy đặc của anh trong Google. Cũng có vài người viết chửi anh nữa. Tôi không lạ gì với loại này vì khi còn sống anh đã từng bị chửi te tua. Nhưng anh chỉ cười xòa. Cái cười xoà của bậc đại trí. Thật tình, tôi ít thấy người nào khi nằm xuống đã gây ra những đợt âm ba lan rộng như thế.

Hôm Chúa nhật 6 tháng 3, tôi tổ chức Lễ Cầu Hồn cho anh tại Cộng Đồng Công Giáo ở Auckland, New Zealand. Mặc dù tôi biết anh là một Phật tử và có pháp danh là TÂM THIỆN. Những ngày này tôi không gọi cho chị Hợi, vì chưa phải lúc; tính là sau khi an táng anh Bích mới gọi. Tôi chỉ gọi qua một vài người bạn vùng DC để hỏi thăm tin tức về hậu sự và nhờ người bạn tù Cổng Trời là anh Trần Nhật Kim chuyển lời phân ưu tới chị Hợi. Khi biết anh Nguyễn Mậu Trinh được mời lo chương trình tang lễ vào cuối tuần 11 và 12 tháng 3, tôi có email nhờ anh ghi giùm tôi một hàng trong sổ Thăm Viếng.

Ngay khi nghe tin Anh Bích nằm xuống, tôi muốn viết một bài về anh. Ý định đó càng lúc càng thúc bách tôi. Một phần vì những kỷ niệm, tâm tư, tình cảm và hình ảnh của Anh Bích hiện về nằm ngổn ngang trong tâm trí và có lúc trồi lên nhảy múa trong đầu tôi. Phần khác, nếu không viết, tôi thấy mình có lỗi với anh, một người mà tôi thương mến và coi như là người anh, là bậc thầy, và nhất là một ân nhân. Nhưng khổ nỗi! Khi ngồi trước bàn phiếm, tôi không biết phải viết cái gì! Với một người như Anh Bích, dù tôi có viết dài bao nhiêu cũng vẫn còn thiếu, mà viết ngắn cỡ nào cũng bằng thừa. Cuối cùng tôi quyết định chỉ nhắc lại một vài nét về Anh Bích trong lòng tôi.

* * *

Ngược dòng thời gian, tôi không nhớ đã quen biết Anh Bích từ lúc nào, có lẽ từ những chuyến đi qua Mỹ đầu tiên vào những năm 1992, 1993… sau khi tôi định cư tại New Zealand vào năm 1990. Từ những dịp sơ giao ban đầu, đến những lần tiếp xúc và có dịp làm việc chung về sau này, càng ngày tôi càng thấy gần gũi và qúy mến anh. Khi anh mất đi tôi mới chợt thấy là tôi thương anh nhiều hơn là tôi tưởng. Con người của anh Nguyễn Ngọc Bích có nhiều điểm gây ấn tượng mạnh trong tôi.

Trước tiên là cái tướng của anh. Anh Bích có tướng người hơi lạ. Tôi vẫn gọi những người như anh là có tướng “ngũ đoản”. Xem lại những tấm ảnh chụp chung nhóm, thấy anh thấp hơn một chút so với những người chung quanh. Nhưng cái “hào quang” của anh thì không kém ai trong nhóm. Tôi nhớ vài nhân vật mà tôi được thấy hình có tướng ngũ đoản như Winston Churchill, Ngô Đình Diệm, Giáo Hoàng Gioan 23, Đặng Tiểu Bình…

Anh Bích rất bình dị trong cách sống, đơn giản trong cách ăn mặc. Quần áo không bao giờ thẳng nếp, áo vest không cài nút, nhiều lúc cà-vạt xốc xếch. Anh có mái tóc bạc phơ phủ xuống trán, hoặc lù xù tung bay trong gió. Lúc nói chuyện, anh có thói quen đưa tay phải vuốt tóc, đó là cái “trade mark” của anh. Mỗi lần thấy hình ông Boris Johnson, Thị trưởng thành phố London, với mái tóc trắng lúc nào cũng lù xù, tôi liên tưởng tới Anh Bích.

Ngoại hình của Anh Bích biểu lộ tâm tính của anh. Tánh tình anh rất “xuề xòa”, vui vẻ, lúc nào cũng tươi cười. Khi anh cười nheo cả mắt lại nên có lúc tôi trêu “Anh Bích khi cười không còn thấy Tổ Quốc đâu”!Một điều tôi ngạc nhiên đến thích thú là có lúc anh tỏ ra rất hồn nhiên như một em huynh trưởng Hướng Đạo. Nhớ lại kỷ niệm trong dịp dự Họp Mặt Dân Chủ tại Warsaw, thủ đô Ba-lan năm 2007. Buổi tối trước ngày bế mạc, chúng tôi có văn nghệ bỏ túi. Trong khi nhiều người có vẻ rụt rè khi “bị mời” thì Anh Bích nhào ra giữa đám, vừa hát vừa múa tay đánh nhịp, đi lên đi xuống giữa phòng một cách hồn nhiên thoải mái. Mọi người vỗ tay rôm rốp! Có lẽ tôi phải dùng chữ dễ thương đối với anh. Vâng, Gíáo sư Nguyễn Ngọc Bích là một học giả có nhân cách lớn nhưng rất dễ thương.

Ngôi nhà của anh cũng gây ấn tượng cho tôi. Có đôi ba lần tôi tới chơi nhà Anh Chị Bích tại Springfield, Virginia. Lúc đó tôi có hai cảm giác trái ngược nhau: vừa thấy chật chội, vừa thấy thoải mái. Tôi nói chật chội vì trong nhà chỉ có một lối đi nhỏ, còn chung quanh thì đầy những sách là sách! Sách về nhiều thể loại và nhiều ngôn ngữ khác nhau. Sách trong tủ, sách trên kệ, sách trên mặt bàn, sách ở ngăn dưới bàn, sách bên cạnh bàn, sách ở tầng trên, sách dưới basement… Tôi chưa bao giờ vào một nhà nào mà có nhiều sách như thế. Ngồi nhìn số sách, tôi chỉ biết lắc đầu nghĩ thầm: nhà Anh Bích sách quá nhiều. Nhưng tôi biết còn một kho sách lớn hơn nằm chỗ khác, kho sách đó nằm gọn trong bộ óc của hai anh chị!

Nhưng đồng thời tôi cảm thấy rất thoải mái. Lần nào tôi tới chơi thì cả hai anh chị đều ngồi tiếp tôi một cách thân mật ở phòng khách, bên chén nước trà. Đó là những lúc tôi cảm thấy tự nhiên và gần gũi anh nhất. Lúc đó tôi quên đi Anh Bích là một học giả uyên thâm, mà chỉ coi như một người anh dễ mến. Có lần tôi nói: “Anh Bích à, tôi ngạc nhiên, sao mà vấn đề gì anh cũng biết. Nếu nói như Cao Bá Quát, trong thiên hạ có 4 bồ chữ, thì một mình anh đã chiếm một bồ! Vấn đề gì anh cũng biết, việc gì anh cũng giúp người khác được, tôi phục anh sát đất.” Tôi chưa dứt lời thì anh đã cười nheo mắt và trả lời là tôi nói quá, không có gì đâu, chỉ làm mấy việc lăng quăng thôi mà! Vừa nói anh vừa với tay châm thêm nước cho tôi. Lúc đó tôi nghĩ thầm, Anh Bích thật quá khiêm tốn. Nếu tôi làm được một phần trăm cái “lăng quăng”của anh thì tôi đã mãn nguyện rồi.

Như tôi đã nói, sau khi anh Bích qua đời có rất nhiều người viết về anh. Tôi mò mẫm tìm đọc hết. Hầu hết là viết về thân thế và sự nghiệp văn học lớn lao của anh. Có một điểm mà gần như ai cũng nhắc tới đó là Anh Bích rất khiêm tốn và sẳn sàng giúp đỡ tất cả mọi người, từ chuyện lớn tới việc nhỏ. Anh không từ chối bất cứ ai khi họ cần đến anh. Anh không bao giờ biết nói “NO”. Đúng vậy, chữ “NO” không có trong tự điển cuộc đời Anh Bích. Anh Từ Thức ở Paris thì gọi anh Nguyễn Ngọc Bích là “Mister Yes!”. Cũng vì vậy mà nhiều người nói anh là con người “ôm đồm” nhiều việc. Về điểm này thì nhiều anh em đã có kinh nghiệm. Riêng tôi thì kỷ niệm này quá đậm nét vì tôi đã quấy rầy anh rất nhiều. Tôi muốn nhắc lại ở đây một vài trường hợp trong số rất nhiều việc anh đã giúp tôi trong những năm qua.

Năm 2007 khi anh Trần Quốc Bảo và tôi cố lặn lội đi tìm tài liệu cho phim tài liệu “SỰ THẬT VỀ HỒ CHÍ MINH”. Chúng tôi muốn phỏng vấn nhà sử học Sophia Quinn-Judge ở Philadelphia vì bà chuyên nghiên cứu về Hồ Chí Minh và có viết cuốn sách nổi tiếng “Ho Chi Minh, The Missing Years”. Khổ nỗi, chúng tôi lại không quen biết bà và khả năng tiếng Anh cũng không lưu loát, nên chạy đến Anh Bích. Anh nói được rồi! Anh gọi bà Quinn-Judge lấy hẹn và dành ra một ngày trời lái xe đi về Philadelphia để giúp làm cuộc phỏng vấn qúy báu này. Chưa hết. Sau khi bản DVD tiếng Việt ra đời, có nhu cầu thực hiện ấn bản tiếng Anh. Chúng tôi lại tới gõ cửa Anh Bích. Anh nói được rồí! Mấy ngày sau anh gởi chúng tôi bản Script bằng tiếng Anh, với tựa đề do chính anh đề nghị “HO CHI MINH, THE MAN AND THE MYTH”. Anh bảo chúng tôi xem lại nếu cần thì sửa. Trời! Anh Bích đã viết tiếng Anh thì tôi còn chen cây bút cùn của mình vào sửa chỗ nào? Chưa hết. Sau khi hoàn tất ấn bản tiếng Anh, chúng tôi muốn tặng DVD cho Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Tôi lại đến nhỏ to với anh Bích. Anh nói được rồi! Một buổi sáng, Anh Bích hướng dẫn tôi và một nhóm người vào Thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ tặng DVD. Xong việc anh vội đi ngay vì còn một phái đoàn khác đang chờ anh!
Viết lại các chi tiết này tôi thương Anh Bích quá sức. Tôi thấy mình rất may mắn được sống cùng thời và được quen biết anh. Tôi không dám nhận là bạn của anh, nhưng coi anh là người anh và là bậc thầy. Mặc dù chưa bao giờ Anh Bích gọi tôi cầm phấn lên bảng, nhưng tôi kính anh là bậc thầy vì tôi học được rất nhiều ở anh. Tôi học ở anh sự đơn sơ, xuề xoà trong cuộc sống. Tôi học ở anh thái độ vui vẻ, nụ cười thân ái, lối sống hoà mình với mọi người. Tôi học ở anh đức tính khiêm tốn. Tôi học ở anh sự hăng say làm việc. Tôi học ở anh tinh thần yêu quê hương và dân tộc. Nhưng trên hết, tôi cố gắng học nơi anh cái tánh “ôm đồm”, lo lắng giúp đỡ cho mọi người trong phạm vi khả năng và không bao giờ “Say NO” với những ai cần đến mình.

* * *

Đến đây, có lẽ tôi cần quay lại nói qua về tựa đề của bài viết này. Có thể vài người thấy hơi lạ. Trong truyện Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am viết về 108 Anh Hùng Lương Sơn Bạc đời nhà Tống, có một nhân vật mà tôi rất thích và ngưỡng mộ là Tống Giang, tự là Tống Công Minh. Tống Giang là người tài đức, nhân hậu và lúc nào cũng sẵn sàng ra tay giúp đỡ mọi người khi cần đến ông, không từ chối ai bao giờ. Để tỏ lòng thương mến và biết ơn, người đương thời tặng cho ông danh hiệu “Cập Thời Vũ” (nghĩa là mưa đúng lúc). Từ đó ông được mọi người nhắc đến với tên “Cập Thời Vũ Tống Công Minh”. Nhưng đó là một nhân vật trong truyện. Sau khi đọc Thủy Hử, tôi vẫn mơ ước được gặp một “Cập Thời Vũ” bằng xương bằng thịt, bước đi trên mặt đất. Thật may mắn, điều tôi mơ ước đã được toại nguyện.

Khi tôi viết những dòng này thì Anh Bích đã nằm yên trong lòng đất. Không biết trên mộ bia của anh ở nghĩa trang được ghi như thế nào. Riêng mộ bia tinh thần của anh trong lòng tôi có hàng chữ mạ vàng sau đây:

CẬP THỜI VŨ NGUYỄN NGỌC BÍCH
1937 – 2016
R . I . P

Lm Nguyễn Hữu Lễ, New Zealand
Ngày 15 tháng 3 năm 2016