Cảnh nhà ga xe lửa vắng tanh vì đại dịch Virus Vũ Hán
(Bản dịch bài “The Real Pandemic Danger Is Social Collapse” của Branko Milanovic, đăng trên tạp chí Foreign Affairs, ngày 19/03/2020. Branko Milanovic hiện đang dạy tại Graduate Center of the City University of New York (CUNY), ông từng là kinh tế gia trưởng trong Ban Nghiên Cứu của World Bank.)
Cho đến tháng 3, 2020, toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi một con ác quỷ mà họ chưa tìm thấy cách đối phó hiệu quả, kéo dài bao lâu thì chưa ai có thế tiên đoán chính xác. Những tác hại về mặt kinh tế từ trận đại dịch do con vi trùng mới này gây ra, không nên được hiểu như một vấn đề thông thường mà kinh tế vĩ mô có thể giải quyết hay làm giảm bớt được. Thay vào đó, thế giới có thể chứng kiến một thay đổi cơ bản về tính chất của nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng trước mắt là về chuỗi Cung và Cầu. Chuỗi Cung đi xuống vì các công ty đóng cửa hay giảm giờ làm để bảo vệ công nhân không bị lây nhiễm “virus Vũ Hán” căn bệnh gây ra bởi con vi trùng mới này. Tiền lời hạ xuống không thế bù đắp việc công nhân không đi làm được, cũng y như nếu một xí nghiệp bị dội bom, tiền lời hạ xuống không làm sản phẩm làm ra lúc trước xuất hiện ngày hôm sau, hay tuần sau hay tháng sau.
Dao động chuỗi Cung này còn bị bồi thêm với sự suy giảm của chuỗi Cầu, do ở việc người ta bị nhốt ở nhà và nhiều vật phẩm dịch vụ thông thường họ quen dùng thì không còn nữa. Nếu bạn đóng cửa biên giới và không phận, không có cách khuyến mãi hay đáp ứng về cầu nào có thể làm người ta bay. Khi người ta sợ hay bị cấm đi ăn nhà hàng hay tham gia các sự kiện công cộng, đáp ứng về cầu chỉ có thể có ảnh hưởng chút xíu, mà cũng không nhất thiết là ảnh hưởng tốt, nếu ta coi sức khỏe cộng đồng là trọng.
Thế giới sẽ đối phó với viễn ảnh một sự thay đổi sâu xa: sự trở về với kinh tế tự nhiên, nghĩa là kinh tế tự túc. Sự thay đổi này là đi ngược lại toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa kéo theo sự phân bố lao động giữa những nền kinh tế khác nhau, sự trở về với kinh tế tự nhiên có nghĩa là các quốc gia sẽ hướng về đường lối tự túc. Sự chuyển đổi này không nhất thiết là phải xảy ra: nếu chính phủ các quốc gia có thể kiểm soát hay vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại trong 6 tháng hay 1 năm thì thế giới có thể lại trở lại con đường toàn cầu hóa, ngay cả khi người ta phải xét lại một vài điều nền tảng của toàn cầu hóa, thí dụ chuỗi Cung, không kho hàng mà lắp ráp theo dây chuyền “đúng thời điểm”.
Nhưng nếu cuộc khủng hoảng kéo dài, toàn cầu hóa có thể thối lui. Khủng hoảng kéo dài càng lâu thì chướng ngại cho dòng chảy tự nhiên của nhân lực, hàng hóa, tư bản càng nhiều và càng thường xuyên hơn. Những nhóm lợi ích đặc biệt sẽ được tạo thành để giải quyết, và nếu người ta luôn sợ một trận đại dịch khác, người ta có thể đòi hỏi một nền kinh tế quốc gia tự túc. Theo nghĩa này, lợi ích kinh tế và lo âu chánh đáng về sức khỏe con người có thể đan vào nhau. Ngay cả một đòi hỏi có vẻ nhỏ nhặt, khi nhập cảnh một quốc gia nào, người ta phải xuất trình, ngoài thông hành (hộ chiếu) và chiếu khán, một giấy chứng nhận sức khỏe không có bệnh truyền nhiễm, cũng là một trở ngại lớn cho toàn cầu hóa lối trước đây, khi cả bao nhiêu triệu người nhập cảnh không cần nó.
Sự chuyển đổi ngược lại, từ toàn cầu hóa đến kinh tế tự nhiên tự túc, cũng giống như trong thời tan vỡ của đế quốc Tây La Mã từ thế kỷ 4 đến 6, sự chuyển đổi ngược lại của toàn vùng đất đế quốc chia ra thành những vùng đất tự túc. Trong nền kinh tế đi kèm với những vùng đất tự túc nay, sự trao đổi chỉ đơn giản là trao đổi những sản phẩm thặng dư của mình lấy những sản phẩm thặng dư từ những vùng đất tự túc khác, hơn là sản xuất vật phẩm để bán cho một người mua mà mình không quen biết. Như F.W. Walbank viết trong cuốn Sự Suy Tàn Của Đế Quốc Tây La Mã, “Trong toàn thể quá trình suy tàn, đế quốc Tây La Mã chuyển đổi dần dần thành những cộng đồng nghề nghiệp nhỏ, tay làm hàm nhai, sản xuất để bán ngoài chợ tại địa phương và theo sự đặt hàng của những người sống chung quanh.
Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, những người không hoàn toàn chuyên môn hóa sẽ có lợi thế hơn. Nếu anh có thể tự sản xuất lương thực anh dùng, không tùy thuộc vào điện hay nước của “cộng đồng” thì không những anh không sợ bị gián đoạn chuỗi Cung lương thực người khác mang lại hay gián đoạn sự cung cấp điện nước của “cộng đồng”, mà anh còn được an toàn hơn, không sợ lây nhiễm bệnh, vì anh không tùy thuộc vào lương thực mà người làm ra nó có thể bị nhiễm bệnh. Anh cũng không cần ai tới sửa gì ở nhà anh, biết đâu người tới sửa có thể bị nhiễm bệnh. Anh càng ít tùy thuộc vào người khác, anh càng sống khỏe hơn, an toàn hơn. Mọi thứ chuyên môn hóa thời trước khủng hoảng nay thành bất lợi và ngược lại.
Sự trở về kinh tế tự nhiên tự túc không phải là do những áp lực kinh tế thông thường mà từ những âu lo căn bản hơn của con người, lo âu về bệnh tật chết chóc. Vì thế những biện pháp kinh tế thông thường chỉ có thể xoa dịu nhưng không trị tận gốc, có thể nên có những biện pháp bảo vệ những người mất việc, không có gì dự trữ và cũng thường xuyên thiếu bảo hiểm sức khỏe. Khi những người như vậy không thể trả các hóa đơn nợ, họ sẽ tạo ra một chuỗi sụp đổ dây chuyền: bị đuổi khỏi nhà, túi rỗng.
Ngay cả được như thế, tác hại của cơn dịch lên con người là tác hại lớn nhất và có thể làm xã hội tan vỡ. Những người hết còn hy vọng gì, thất nghiệp, không còn tài sản gì thì dễ dàng quay sang xem những người may mắn hơn như kẻ thù. Ngay trước cơn đại dịch này, đã có 30% người Mỹ có tài sản số không hay âm. Nếu khi ra khỏi cơn cuộc khủng hoảng này, nhiều người hơn nữa không có tiền, không có việc, không có bảo hiểm sức khỏe và thất vọng lẫn giận dữ, thì những cảnh như cảnh tù nhân thoát tù mới đây ở Ý hay cảnh cướp bóc sau cơn bão Katrina ở New Orleans năm 2005 sẽ thành phổ thông hơn. Nếu chính quyền quay ra dùng những lực lượng quân sự hay bán quân sự để trấn áp những cuộc bạo loạn hay cướp bóc tài sản, xã hội sẽ bắt đầu tan rã.
Như vậy mục tiêu chính và có lẽ duy nhất của chính sách kinh tế lúc này là phòng ngừa xã hội tan rã. Những xã hội tiên tiến không thể nào để kinh tế, đặc biệt là tài sản của thị trường tài chánh bịt mắt họ, không thấy được một điều: vai trò quan trọng nhất mà chính sách kinh tế ngày nay là giữ được những tương quan ràng buộc xã hội dưới áp lực ngặt nghèo này.
Mặc Lý (dịch)
(20/03/2020)
Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/articles/2020-03-19/real-pandemic-danger-social-collapse