“CÁI HỌC NGÀY NAY” (Vương Trùng Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Pic TS01.jpg

Pic TS02.jpg

Pic TS03.jpg

Nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương (1870-1907) thông minh, hay chữ nên năm 16 tuổi đã “lều chõng” (năm Bính Tuất (1886) đời Vua Đồng Khánh) nhưng đến khoa thi năm Giáp Ngọ (1894), lấy theo tỉ lệ nhất cử tam tú, ông không đỗ Cử Nhân, chỉ đỗ Tú Tài. Ông tiếp tục ghi danh thi cử, cả 5 lần đến khoa thi năm 1906 vẫn không đậu, ông bỏ luôn. “Rõ thực nôm hay mà chữ tốt. Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”. Vì vậy ông lấy bút hiệu Tú Xương, làm thơ bằng chữ Nôm.

Trong bài thơ Hỏi Đùa Mình, ông đã ví von:

“Ông có đi thi ký lục không?

Nghe ông quốc ngữ học chưa thông

Ví dù nhà nước cho ông đỗ

Mỗi tháng lương ông được mấy đồng”.

Trong các bài thơ trào phúng của ông được lưu truyền nhiều nhất là bài thất ngôn bát cú Than Đạo Học:

“Đạo học (cái học) ngày nay đã chán rồi

Mười người đi học, chín người thôi

Cô hàng bán sách lim dim ngủ

Thầy khoá tư lương nhấp nhổm ngồi

Sĩ khí rụt rè gà phải cáo

Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi

Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ

Trình có ông tiên, thứ chỉ tôi”

Mô tả sự chán chường, nhàm chán trong việc học hành, thi cử. Sách vở ế ẩm, con người không còn sĩ khí, văn chương thì cố đấm ăn xôi (trong bài thơ của bà Hồ Xuân Hương có 2 câu: “Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm. Cầm bằng làm mướn, mướn không công”. Và, tiên, chỉ là người có chức vị cao nhất về mặt tế lễ, hương ẩm ở trong dân làng.

Ngày nay ở trong nước nói về cái học ngày nay, rất nhiều bài viết, trong đó có các bài thơ trào phúng, điển hình như:

“Cái học ngày nay đã hỏng rồi

Chín thằng đi học, tám thằng chơi

Một thằng chẳng học làm quan lớn

Sai thằng có học chạy tơi bời

Cái học ngày nay vậy hỏng rồi

Tám thằng đi học, bảy thằng lười

Hai thằng không học thì vinh hiển

Quyền cao chức trọng đã lên đời

… Cái học thì ai cũng biết rồi

Không danh không thế, thì ôi thôi

Chẳng quyền, chẳng lực, ngồi trơ mỏ

Nằm nhà chỏng cẳng để vợ nuôi”

*

Trong bài viết của Ngô Nhân Dụng (Đỗ Quý Toàn) về “Cái học ngày nay đã hỏng rồi”, ông cũng là nhà giáo, nhà thơ, nhà bình luận nên quan tâm đến vấn đề giáo dục. Trong bài viết của ông với câu kết: “Thế kỷ trước, nhà thơ Trần Tế Xương viết: ‘Cái học ngày nay đã hỏng rồi!’ Bây giờ cũng vậy, nhưng hỏng theo cách khác, theo định hướng xã hội chủ nghĩa!”

Và, nhà báo Uyên Vũ cũng dùng tựa đề “Cái học ngày nay đã hỏng rồi” trên tuna62 báo Saigon Nhỏ khi nêu ra:

“Có lẽ chưa bao giờ dưới mắt người dân Việt, nghề giáo trở thành thảm hại như hiện nay. Vài ngày trước, chỉ cần quan sát và theo dõi truyền thông “lề phải”, ai cũng thấy chân dung bệ rạc, lời nói vô trách nhiệm, mất liêm sỉ và (thật xấu hổ) giọng phát âm quê mùa, ngọng líu lo của ông bộ trưởng bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ, người điều hành cả một nền giáo dục một quốc gia với 1.24 triệu thầy cô giáo và cái gọi là “Ngày Nhà giáo Việt Nam” 20 tháng Mười Một năm nay mang đậm màu dục tính. Tôi mà là ông bộ trưởng, có lẽ tôi xin từ chức và trốn ngay về một nơi xa xôi để không ai biết mình.

… Thử xem: nền giáo dục kiểu “xã hội chủ nghĩa Việt Nam” không hề có một nền tảng triết lý giáo dục. Những người cộng sản đã tiếp nhận nó từ tay người Pháp ngày xưa và từ nền giáo dục của chính thể Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1975. Họ tiếp nhận cơ sở, tiếp nhận hệ thống học đường nhưng phủ nhận những tinh túy của nền giáo dục cũ. Thay vào đó, họ rập khuôn từ các nước đàn anh Nga và Tàu, họ cổ súy tư tưởng duy vật biện chứng và biến học đường thành nơi nhồi nhét các luận đề chính trị cho học sinh.

Nhìn lại nền giáo dục trước kia, đó là nền giáo dục VNCH với triết lý giáo dục “nhân bản, dân tộc và khai phóng” dù chỉ tồn tại hai thập niên từ năm 1955 đến 1975, nhưng với nền tảng triết lý giáo dục tiến bộ đó đã mở cánh cửa cho một quốc gia – vừa thoát nền thuộc địa, vừa chiến tranh triền miên – có cơ hội ngang bằng với thế giới. Nền giáo dục ấy đã đào tạo nhiều tài năng, vẫn còn phát huy và ảnh hưởng đến nhiều trí thức Việt Nam hiện nay…

… Nền giáo dục bệ rạc như vậy, chẳng trách gì thân phận một cô giáo cũng không khá hơn thân phận một cô tiếp viên, chuyên mua vui cho khách thập phương. Tôi chợt nhớ lời than của cụ Tú Xương “cái học ngày nay đã hỏng rồi”… mà cảm khái.

Tôi không muốn chỉ đưa ra một góc nhìn bi quan về chuyện giáo dục đất nước, nhưng thật sự lo ngại và chán ngán khi nghĩ đến các thế hệ tương lai của Việt Nam, nơi có con cháu chúng ta đang theo học hàng ngày. Trong tâm trạng chán ngán về sự học ở quê hương, may thay tôi đọc được một bài thơ, được xác định tác giả là một cô học trò lớp 8, mới 14 tuổi tên là Nguyễn Bích Ngân ở Hà Nội. Bài thơ có tựa đề “Xin đổi kiếp này” với ý tứ già dặn, sâu sắc, bài thơ như một lời than trầm thống về xã hội, về con người. Tôi không muốn so sánh giữa cô học trò và ông bộ trưởng, nhưng tôi ước gì ông bộ trưởng ấy thôi nhơn nhơn bộ mặt quan chức, ông cần suy tư về thực trạng đất nước như cô học trò nhỏ kia… và nhất là ông bộ trưởng nên chịu khó rèn luyện cách phát âm, đừng nói ngọng nữa”

(Uyên Vũ)

*

Bài viết trên website Danlambao “Nguyễn Thị Kim Ngân ngợi ca nền giáo dục thời VNCH”

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (Chủ Tịch Quốc Hội CSVN) đã phải thừa nhận tính ưu việt của nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa khi mang ra so sánh với nền giáo dục CSVN hiện nay.

Phát biểu trong phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội sáng ngày 12/9/2018, bà Ngân đã kêu than rằng học sinh hiện nay học hành quá khổ sở, nhưng kiến thức thu về lại không được bao nhiêu.

Kể lại kinh nghiệm học hành của mình, bà chia sẻ:

“Thế hệ chúng tôi học cách đây đã 50, 60 năm nhưng kiến thức không quên điều gì…

Chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được, lịch sử các trận đánh, các triều đại từ Lý, Trần, Tiền Lê đến giờ cũng vẫn nhớ nguyên…

Còn giờ hỏi bọn trẻ những thứ đó hầu hết đều không biết”.

Qua phát biểu trên, bà Ngân đã vô tình ngợi ca nền giáo dục miền Nam trước năm 1975 mà bản thân bà này từng được thụ hưởng khi còn là học sinh.

Theo lý lịch, Nguyễn Thị Kim Ngân sinh năm 1954 tại Bến Tre. Mặc dù có cha “vô bưng”, mẹ “nằm vùng” cho Việt Cộng, nhưng bà Ngân vẫn được ăn học tử tế dưới chế độ VNCH. Đến năm 1973, Nguyễn Thị Kim Ngân bước sang tuổi 19 và theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau đó bỏ học theo cộng sản.

Dù không nhắc gì đến VNCH, nhưng những lời buột miệng có vẻ thành thực như trên của bà Ngân là cái tát chí mạng giáng xuống nền giáo dục cộng sản, đang bị cầm đầu bởi những kẻ mà đến 43 năm (vào năm 2018) vẫn loay hoay không làm nổi bộ sách giáo khoa cho học sinh lớp 1.

Còn nếu lấy nền giáo dục VNCH dựa trên triết lý tự do, nhân bản và khai phóng mang ra so sánh với nền giáo dục nhồi sọ của CSVN thì quả là khập khiễng, không muốn nói thêm vì ai cũng đã biết”.

(Danlambao 13.9.2018).

(Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nổi tiếng trước phóng viên quốc tế, sáng 23/5/2016, Chủ Tịch Quốc Hội rủ Tổng Thống Obama thăm ao cá, thay vì bốc từng nắm thức ăn dạng khô trong sô – như TT Obama – bà sợ dơ tay nên “tranh thủ” tạt cả sô thức ăn xuống hồ, dân Bến Tre mất gốc).

Ở trong nước, người dân thường mỉa mai: “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. Trong bài viết của Mưa Nguồn trên website Bất Khuất: Dốt như chuyên tu, Ngu như tại chức”

“Hẳn trong chúng ta phàm những ai đã từng sống ít ra vài ba năm hay một thời gian ngắn sau khi nón cối dép râu chiếm cứ VNCH. Đều biết hoặc nghe đến câu nói trên. Ngẫm nghĩ câu ví đó quả là chí lý. Không sai một ly

Số là sau khi chiếm xong VNCH bọn cán cuốc tự thấy kiến thức và hiểu biết của họ so với trình độ dân trí của VNCH nhất là người ta lại có một nền học thuật căn bản, bằng cấp đâu đó đàng hoàng. Khả năng làm việc, trình độ học thức lẫn bằng cấp xứng đáng với chức vụ lẫn công việc họ đang đảm trách.

Bọn cán cuốc chỉ giỏi đâm chém, bịp bợm, giả dối, cày sâu cuốc bẫm chứ đụng đâu hư đó, làm đâu phá đó.

Vả lại khi tiếp xúc (cực chẳng đã ) với trí thức và giới học thuật VNCH bọn chúng mang tự tôn mặc cảm của kẻ chiến thắng mà cũng kèm theo mặc cảm tự ti của kẻ vô học không bằng cấp không trình độ. Nhưng bao giờ cũng vác mặt lên nói giọng cha thiên hạ. Làm như mình là cái rốn của vũ trụ không bằng. Mà kỳ thực là thùng rỗng kêu to.

Thế là bọn chúng đó họp lại hè nhau ra lệnh cho các viện, đại học, các trường trung học chuyên nghiệp mở các lớp đào tạo cán bộ chuyên tu hay tại chức cho các công nhân viên chức, đảng viên đang làm việc tại các cơ quan (công sở, công ty, xí nghiệp…) những khóa học gấp rút (thời gian chỉ bằng nửa hay ít hơn niên học bình thường). Khi tốt nghiệp được cấp bằng tương đương với một chuyên viên học toàn thời gian. Trên bằng tốt ngiệp có ai đào ra được chữ chuyên tu hay tại chức bao giờ? Tưởng rằng sau khi tốt nghiệp thì trình độ chúng có khá hơn lên một tí chăng. Nhưng mèo lại hoàn mèo. Chẳng khá hơn tí nào. Đôi khi còn tệ hơn khi chưa đi học. Vì rằng cơ quan cấp chi phí (tiền bạc) đặc quyền đặc lợi cho đi học nhưng đứa thì thuê người học dùm, đứa thì lấy tiền học đi ăn nhậu rồi thuê người đi thi. Có giáo sư hay viện trưởng nào dám đánh rớt các “quan, cán bộ, đảng viên” đi học không? Bởi lẽ có vào lớp cũng chẳng hiểu người ta dạy gì, giảng cái đí gì. Đầu óc chúng nó toàn là bã đậu. Biết nhét cái gì vào cho nó tiêu hóa đây?

Những trò ma bùn này mà kể ra không biết bao nhiêu cuốn sánh viết lại cho đủ?

Xin kể ra đây vài chuyện điển hình với tôi, nhân chứng.

Một cặp vợ chồng bác sĩ khoe với tôi là tốt nghiệp Y Khoa Hà Nội (vợ là con gái một anh giám đốc ngân hàng quận. Chồng là con trai một tên huyện ủy viên). Hai đứa mở phòng mạch tại nhà (mặt tiền). Sau nhà chúng nuôi heo, con heo bị bệnh. Chúng mời tôi tới trị bệnh cho con heo của chúng. Nói rằng chúng em chỉ học chữa bệnh người chứ không học chữa bệnh thú. Tôi nắn gân chúng bằng cách lôi thuốc Tây ra xài. Tò mò, 2 đứa cầm chai thuốc lên coi. Đọc tiếng tây theo kiểu phiên âm: (Đồng chí Phi-Đen-Cát-Xì-Cho). Tôi cười thầm trong bụng, xổ tên bệnh, tên thuốc… bằng tiếng Tây cho chúng điếc chơi. Sau đó mở máy chém để gỡ cho những lúc điều trị (heo, bò, gà) bệnh cho phe ta thường là huề cho tới lỗ vốn.

Sau khi ra khỏi rọ, nhà Dòng Don Bosco gần nhà tôi ở Thủ Đức bị chúng vu cho tội phản động. Chúng lấy nhà nguyện làm trường bổ túc Công Nông. Thực chất là dạy cho mấy anh cán bộ đảng viên mù chữ biết đọc biết viết ở trình độ lớp ba trường làng.

Trên sân thượng nhà nguyện, mấy tên cán bộ nhà trường ở ngoài Bắc vào. Lấy gỗ quây lại nuôi heo. Giành nhau từng khu vực. Cãi nhau đánh nhau chí chóe. Nước tắm heo chùa, nấu cám heo bằng điện chùa luôn

Chứng kiến chúng dạy nhau vừa đọc vừa đánh vần chữ Quốc Ngữ: “Sách Quốc Ngữ, chữ nước ta con cái nhà đều phải học”… Rán bấm bụng không dám cười. Sách toàn là từ ban tuyên huấn trung ương soạn cho đảng viên học tập…”.

*

Tiến Sĩ & “Lò Ấp Tiến Sĩ”

Nếu dẫn chứng bài viết ở hải ngoại thì cho “đỗ thừa” xuyên tạc nên trích 4 bài viết của Nghiêm Huê trên báo Tiền Phong vào năm 2022: Học hay làm Tiến Sĩ.

“Luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” vừa qua đã đặt ra nhiều băn khoăn về vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam hiện nay. GS.TS Phạm Tất Dong thẳng thắn cho rằng, đây là một đề tài ấm ớ…

Theo GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện Trưởng Viện Toán Học Việt Nam, ban đầu, khi đọc tên luận án tiến sĩ về cầu lông, ai cũng tưởng đó là chuyện đùa nhưng thực tế là có thật. Không những thế còn có ít nhất 6 “luận án cầu lông” khác. Sau đó, lại phát hiện ra hàng loạt luận án kiểu “Đảng bộ tỉnh X lãnh đạo”, tiếp theo là đủ các loại luận án kiểu “Quá trình chuyển biến kinh tế xã hội tỉnh Y”.

Dư luận cho rằng các luận án này chỉ là những báo cáo chuyên đề về địa phương nào đấy, cán bộ hành chính nào cũng soạn được. Hơn thế nữa, các luận án đều có lời lẽ và nội dung na ná nhau kiểu “chép và dán”. GS Ngô Việt Trung cho hay nếu không xác định được nguyên nhân của hiện tượng này và các cơ quan quản lý không đưa ra được những biện pháp đúng đắn, những câu chuyện tương tự sẽ tiếp tục xảy ra, thậm chí còn tinh vi hơn…

Hầu hết các đề tài chỉ khảo sát một địa phương, một khía cạnh rất nhỏ trong các bộ môn thể thao như: “Nghiên cứu hiệu quả của bài tập Hatha Yoga đối với sức khỏe người cao tuổi nữ tại thành phố Hà Nội”, “Nghiên cứu phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi tỉnh Đồng Tháp”, “Nghiên cứu ảnh hưởng của tập luyện cờ vua tới sự phát triển các thành phần của năng lực trí tuệ ở học sinh năng khiếu cờ vua lứa tuổi 8-9 thành phố Hà Nội”…

Các đề tài trên nói đến việc phát triển một góc độ, bài tập, động tác trong các môn thể thao là quá nhỏ, không có tính đóng góp mới cho xã hội hay cộng đồng khoa học vì rất nhiều người trước đó từng nghiên cứu. Xét cả về tính học thuật hay thực tiễn, nhiều đề tài trong giai đoạn từ 2020 đến nay chưa đạt yêu cầu. Không biết lý do vì sao mà người hướng dẫn nghiên cứu lại đồng ý và hội đồng thẩm định lại thông qua những đề tài này…

Theo thống kê của Bộ Khoa Học & Công Nghệ, năm 2017 cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm. Như vậy đến nay, cả nước đã có gần 30.000 tiến sĩ. Trong số này, báo cáo của Bộ GD & ĐT cho thấy, trên 21.000 tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục ĐH…

Nhìn nhận vấn để sử dụng tiến sĩ ở Việt Nam, ông Lê Trường Tùng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Trường Đại Học FPT cho rằng, hệ thống đào tạo cấp bằng tiến sĩ hiện đang bị suy thoái từ các trường, viện, giảng viên hướng dẫn, hội đồng phản biện, bảo vệ… dẫn tới sẽ có thêm nhiều tiến sĩ kém chất lượng.

Theo ông Tùng, câu chuyện tiến sĩ kém chất lượng không phải là mới, nhưng quan ngại nhất là tình trạng tiến sĩ kém chất lượng lại hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho thế hệ tiếp theo, và dẫn tới có cả hệ thống – mà nguyên nhân chính là quy chế đào tạo sau đại học chưa đủ mạnh để siết chất lượng.

Ông Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu Trưởng Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật cho rằng, chung quy cũng chỉ vì tiền. Quy trình hiện nay ở Việt Nam là mang học vị – lên chức – có tiền.

Ông Nguyễn Việt Dũng thẳng thắn: “Tôi không biết công chức Việt Nam cần bằng tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học. Chúng ta đào tạo quá nhiều tiến sĩ. Ví dụ, công chức phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống mình cần chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học”…

Một giáo sư của ngành Toán cho biết, ông đã từng được mời ngồi hội đồng bảo vệ của nghiên cứu sinh tại một trường ĐH nổi tiếng. Sau khi nghe nghiên cứu sinh trình bày, ông và một giáo sư khác cùng ngành bỏ phiếu không đạt. Vì hai lá phiếu này mà nghiên cứu sinh đã trượt bảo vệ năm đó và phải bảo vệ lại vào thời gian sau. Tuy nhiên, từ sau vụ việc đó, trường ĐH kia không còn mời vị giáo sư này là thành viên của Hội đồng chấm luận án tiến sĩ ngành Toán…

GS Ngô Việt Trung cho biết năm 2021, với quy chế mới, giáo dục ĐH của Việt Nam sẽ còn tụt hậu hơn nữa so với các nước Đông Nam Á. Ông nhìn nhận “quả bom” đã bắt đầu phát nổ…

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào Tạo, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho rằng: “Nếu không thắt chặt công bố quốc tế thì sẽ tồn tại những lớp tiến sĩ kém chất lượng. Hệ quả trong tương lai, tiến sĩ không chất lượng sẽ không có đội ngũ phó giáo sư, giáo sư chất lượng. Nền khoa học – giáo dục của Việt Nam khi ấy sẽ xuống dốc nghiêm trọng bởi những lớp người yếu kém không biết đến công bố quốc tế là gì”…

Bài viết của Hoàng Thùy  trên VNexpress: Hàng loạt sai phạm ở ‘lò sản xuất tiến sĩ’: “Một số biên bản chấm luận văn tiến sĩ cấp cơ sở không ghi đầy đủ thông tin của buổi bảo vệ. Có hiện tượng tẩy xóa, sửa chữa trên sổ cấp phát văn bằng. Học viện chưa lưu giữ đầy đủ hồ sơ của những nhà khoa học ở ngoài cơ sở đào tạo tham gia hướng dẫn, tham gia hội đồng đánh giá luận văn, luận án…

Năm 2016, thông tin Học Viện Khoa Học Xã Hội “sản xuất” tiến sĩ được nhiều người quan tâm. Một tiến sĩ Toán tính toán “năng suất” năm 2015 cứ 1 ngày 3 giờ 55 phút Học Viện cho ra đời một tiến sĩ. Từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công, năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ…”.

Theo thống kê ở trên, năm 2017 cả nước có 24.300 tiến sĩ. Và, từ đó cho đến nay, chỉ tiêu mỗi năm “sản xuất lò ấp” tiến sĩ  tăng dần.

Nếu so với tỉ số người dân trong nước thì tỉ lệ tiến sĩ thấp hơn Nhật, Hàn Quốc nhưng bằng dỏm, bằng giả… thì cao hơn nhiều. Ở Hàn Quốc, khi có bằng tiến sĩ, muốn phục vụ trong chính quyền phải theo học từ 3 tháng đến 6 tháng (tùy theo ngành) để hiểu biết và được xác nhận khả năng mới được tuyển dụng.

Nhìn lại thực trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam những năm gần đây.

Bài viết của Thành Lâm trên BBC, tháng 5 2022: Nhìn lại thực trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam:

“Những năm gần đây, vấn nạn “lò sản xuất tiến sĩ” và “tiến sĩ giấy” khiến dư luận Việt Nam quan tâm và đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước.

Từ năm 2016, thông tin về “lò sản xuất tiến sĩ” tại Học Viện Khoa Học Xã Hội, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam đã gây xôn xao dư luận khi “sản xuất được 350 tiến sĩ” mỗi năm…

Thanh tra Bộ Giáo Dục và Thanh Tra Chính Phủ đã tiến hành thanh tra Viện Hàn Lâm KHXH.

Kết luận cũng chỉ ra một số sai phạm còn tồn tại trong đào tạo TS như: một số hồ sơ xét tuyển trình độ tiến sĩ không cho điểm phần đánh giá hồ sơ; hồ sơ học viên không có lý lịch khoa học của người hướng dẫn; có nghiên cứu sinh đề xuất đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu…

Về vụ Bộ Trưởng Nhạ bị tố cáo ‘đạo văn’

Lấy dẫn chứng từ đề tài luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” gây xôn xao dư luận, bà Hồng nhận xét: “Với tên đề tài như vậy, từ góc độ học thuật có thể nhận thấy đây không phải là một đề tài nghiên cứu khoa học. Tên đề tài thể hiện đây là một báo cáo tổng kết, báo cáo mang tính phát động một phong trào, và tên đề tài chưa cho người đọc thấy được câu hỏi nghiên cứu là gì…”.

Trước thực trạng này, TS Đào Minh Hồng nêu trăn trở: “Bằng tiến sĩ hiện nay thật sự là một cuộc ‘mua bán’ vì vị trí, lợi nhuận, danh, ghế… trong xã hội nói chung và trong nền giáo dục nói riêng”. Theo bà “Bỏ chức danh tiến sĩ trong vị trí của các công việc không liên quan đến giáo dục. Thay thế hết những quy định về chức danh tiến sĩ đã lỗi thời, không vì nghiên cứu và giảng dạy. Không cần phải có chức danh tiến sĩ tràn lan trong mọi ngành, mọi nghề…”.

Ở Mỹ cũng có nhiều trường hợp “tiến sĩ giấy” mua bằng tiền để treo, lòe thiên hạ… Đây cũng là cơ hội cho những kẻ có tiền trong nước dù bập bẹ tiếng Anh kiểu “no star where” cũng tậu được mảnh bằng tiến sĩ!

Bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn về Học Vị Tiến Sĩ có đoạn đề cập:

“Ngoài ra, ở Mỹ còn có tệ nạn “nhà máy văn bằng” (diploma mills) hoạt động hoặc dưới hình thức dạy học hàm thụ, hoặc qua hệ thống dạy học từ xa với sự trợ giúp của máy vi tính và mạng internet. Phần lớn những trường này thực chất chỉ là những văn phòng nhỏ tại nhà, thậm chí chỉ là nhà để xe hay nhà bếp, nhưng họ lại tự gắn cho họ những cái tên “lập lờ đánh lận con đen” (mà nếu công chúng không để ý kỹ có thể lẫn lộn với những trường danh tiếng của Mỹ) như “Harbard University”, “Universitas Harvardiana”, “Atlanta Southern University”, v.v.  Mục đích duy nhất của các sơ sở thương mại này là bán bằng cấp với giá từ 3000 tới 5000 đô-la Mỹ.  Có “trường” còn bán tới 500 bằng tiến sĩ hàng tháng! Do đó, một học vị, nếu không “đi kèm” với một trường đại học nghiêm chỉnh được công nhận, cũng có thể không có giá trị khoa bảng gì…”.

Bài viết của Hải Minh trên báo Tuổi Trẻ “Chợ Bằng Tiến Sĩ ở Mỹ”:

“Chỉ cần khoản tiền không tới 600 USD và 10 ngày chờ giao hàng, bạn có thể ‘sở hữu’ một tấm bằng tiến sĩ “ngành nghề theo mong muốn” từ các trang rao bán bằng cấp và những trường đại học “ma” ở Mỹ, vốn hằng hà sa số trên mạng và được mô tả là “những nhà máy sản xuất bằng”.

“Trọn bộ” các mẫu bằng cấp mẫu của Đại Học Corllins: giấy chứng nhận hoàn tất khóa học loại xuất sắc, giấy chứng nhận tham gia hội sinh viên, giấy chứng nhận hoàn tất chứng chỉ, bằng và bảng điểm.

Truy cập một địa chỉ như universaldegrees.com và tham gia trò chuyện trực tuyến được một người trực tổng đài của trang mạng này xưng danh là Dan Hauss tiếp chuyện. Hauss tự nhận là một đại diện của Đại Học Corllins và khẳng định có thể cung cấp mọi thứ bằng cấp với “giá cả phải chăng”.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua một bằng tiến sĩ về kinh tế học, Hauss ra giá luôn là 599 USD, đồng thời sốt sắng chào mời: “Nếu anh trả tiền ngay bây giờ, chúng tôi sẽ giảm giá 10%!”.

Khi chúng tôi bày tỏ về giá bằng tiến sĩ quá rẻ như thế thì không biết chất lượng ra sao, Hauss lập tức bảo đảm như đinh đóng cột: “Chúng tôi cam kết bằng này là thật (!), có thể dùng để xin việc ở mọi nơi dù là tại Đức, Ireland, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản hay VN”. Điều kiện duy nhất để nhận tấm bằng tiến sĩ Đại Học Corllins, ngoài số tiền gần 600 USD, là có hai năm kinh nghiệm làm việc, và ngay cả điều kiện này cũng chỉ được Hauss kiểm tra… miệng qua trò chuyện trực tuyến!

Sau đó để làm tin, Hauss còn cung cấp một tài khoản đăng nhập trên trang Universal Degree để chúng tôi có thể kiểm tra các bằng mẫu, bao gồm một bằng tiến sĩ, một bằng thạc sĩ, một bảng điểm, một giấy chứng nhận hoàn tất khóa học và thậm chí cả một giấy chứng nhận tham gia hội sinh viên Đại Học Corllins. Tất cả việc còn lại chỉ là điền tên, năm sinh và ngày nhận bằng còn để trống. Còn trang web của Đại Học Corllins: corllinsuniversity.com dù được xây dựng khá công phu nhưng không hề có địa chỉ liên lạc hay địa chỉ học hiệu, học xá, mà chỉ có vỏn vẹn một số điện thoại liên hệ, giống hệt số điện thoại trên trang bán bằng Universal Degree…

Hệ quả là “những nhà máy in bằng” mọc lên như nấm, đặc biệt là trong thời đại Internet. Truy cập một trang mạng tương tự Universal Degree như cooldegrees.com chẳng hạn, việc ngã giá còn trắng trợn hơn. Mỗi loại bằng đều có giá tương ứng được niêm yết công khai: asscociate degree (phó giáo sư?): 120 USD, bachelor degree (cử nhân): 130 USD, masters degree (thạc sĩ): 155 USD, doctorate degree (tiến sĩ): 180 USD, professorship degree (giáo sư): 210 USD và fellowship (nghiên cứu sinh): 210 USD. Bên cạnh các mức giá nêu trên là mức giá cũ cao hơn bị gạch bỏ với lời chú thích “mùa khuyến mãi (thời gian có hạn)!”.

Cooldegrees.com còn liệt kê sáu tiện ích khi xài bằng tiến sĩ của họ, bao gồm: được người lạ và cả bạn bè ngưỡng mộ hơn, có ưu thế khi xin việc, khi làm việc có thể đòi mức lương cao hơn, dễ thăng tiến, ít tốn kém và đặc biệt thu hút người khác giới khi cần hẹn hò…

Tuy nhiên, trong khi việc mua bán bằng cấp ở Mỹ diễn ra tưởng chừng như vô tội vạ thì cũng có những giới hạn. Khi chúng tôi hỏi Hauss liệu có thể mua một bằng từ trường trong nhóm Ivy League, nhóm tám trường đại học hàng đầu nước Mỹ hay không thì anh này từ chối. Ngoài ra, luật pháp Mỹ cũng cấm ngặt việc sử dụng các bằng cấp giả liên quan đến y tế hay dược”.

Ở Mỹ là xứ sở tự do cho nên việc bán/mua bằng coi như “vô tội vạ”, nay thì với photoshop, lấy mẫu các trường ở trên, sử dụng font chữ giống như họ là xong. Coi như “vẽ đường cho hươu chạy” nhưng họ thành tinh, thành cáo rồi…! Đường dây nầy họ rành “sáu câu vọng cổ” đã “giao duyên” từ lâu.

Nhìn lại “Cái Học Ngày Nay”! Nói tới nói lui như cụ Cố Hồng trong tác phẩm Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng “Biết rổi khổ lắm nói mãi” nhưng cái học càng ngày càng tụt dốc mà “Lò Ấp Trứng” tiến sĩ càng ngày “ăn nên làm ra”!

Ở các quốc gia văn minh, tân tiến thì việc học hành hay bằng cấp (như tiến sĩ’ mà ông bà ta thường nói “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” nhưng ở trong nước thì cóc cần “Quý hồ đa, bất quý hồ tinh” vì họ đâu cần “hồ tinh” bởi đầu óc “hồ ly tinh” nhan nhản!

Little Saigon, March 2024

Vương Trùng Dương