Đã đến lúc phải nói thẳng ra rằng: Covid-19 virus sẽ không biến mất. Nó không thể bị diệt trừ, vì nó đã bám trụ ở hơn một chục loài động vật khác nhau (1). Đối với con người, khả năng miễn dịch cộng đồng toàn cầu, từng được quảng bá như một giải pháp duy nhất cho đại dịch, là không thể làm được.
Hầu hết các quốc gia chỉ đơn giản là không có đủ vắc-xin cho mọi người, và ngay cả trong một số ít nước may mắn với nguồn cung dồi dào, quá nhiều người từ chối tiêm chủng. Do đó, thế giới sẽ không đạt đến mức có đủ số người miễn dịch để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút trước khi xuất hiện các biến thể nguy hiểm – những biến thể dễ lây truyền hơn và thoát ly khỏi sự bảo vệ của vắc-xin. Những siêu biến thể như vậy có thể đưa thế giới trở lại nguyên bảng đầu đại dịch. Chúng ta có thể quay lại đầu năm 2020 một lần nữa.
Thay vì lụi tàn với thời gian, vi-rút này có thể sẽ tái phát qua lại trên nhiều nơi toàn cầu trong nhiều năm tới. Một số câu chuyện thành công trong chống dịch của ngày hôm qua giờ đây là chủ đề về thất bại trong sự bùng phát nghiêm trọng. Nhiều trong số này là những nơi đã ngăn chặn đại dịch thông qua các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ở biên giới và thử nghiệm, truy tìm và cách ly nhưng lại không chú trọng đến thương thảo để có được vắc xin tốt.
Sài Gòn sắp sửa bắt đầu đóng cửa nhằm mục đích giảm thiểu khả năng lây truyền vi-rút trong cộng đồng (2). Tất cả giao thông ra vào thành phố sẽ bị giảm bớt, ngoại trừ những giao thông thiết yếu, chẳng hạn như đi bệnh viện, hiệu thuốc và cửa hàng tạp hóa. Những hạn chế này gây ra sự lo lắng đáng kể trong cư dân.
Mặc dù chiến lược ngăn chặn này có thể cần thiết nếu không được tiếp cận rộng rãi với các vắc xin tốt, nhưng nó không phải là một chiến lược dài hạn khả thi (3). Điều này là do vi-rút ngày càng có khả năng trở thành “thông thường”, có nghĩa là nó sẽ định cư trong dân số của con người, thường xuyên được tìm thấy giữa những người cụ thể hoặc trong những khu vực nhất định.
Tiêm phòng giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do vi-rút. Tiêm phòng cũng làm giảm một phần sự lây truyền. Khi tỷ lệ tiêm chủng bắt đầu tăng, chúng ta cần bắt đầu chuyển sang một chiến lược bình tĩnh hơn, có kế hoạch và cân bằng hơn để giúp tất cả chúng ta học cách sống chung với vi-rút.
Điều đó cần tập trung đồng thời vào việc đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao càng nhanh càng tốt, đồng thời tiếp tục với một chiến lược nhất quán về xét nghiệm, theo dõi và cách ly khi thực sự cần thiết. Thay vì thông báo hàng ngày về các ca nhiễm mới, chúng ta nên bắt đầu báo cáo về tỷ lệ tiêm chủng và các kết quả nghiêm trọng như nhập viện và tử vong.
Vào tháng 6, Singapore đã công bố chiến lược dài hạn để chuẩn bị cho đất nước sống chung với Covid như một căn bệnh tái phát, có thể kiểm soát được (4). Vào đầu tháng 7, Úc đã công bố một kế hoạch bốn giai đoạn tương tự để sống với Covid (5).
Covid có thể trở thành một phần thường xuyên của cuộc sống (3)
Có một giả thuyết cho rằng virus thường dễ lây lan hơn theo thời gian. Vi-rút Covid-19 có thể đang đi theo hướng đó.
Một trong những biến thể mới hơn của vi-rút Delta (được báo cáo lần đầu ở Ấn Độ), được ước tính là có khả năng lây truyền cao hơn đáng kể so với biến thể Alpha (lần đầu tiên được báo cáo ở Anh), có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng vi-rút ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán. Tổ chức Y tế Thế giới đã thêm một chủng Covid khác vào danh sách các biến thể phải theo dõi: biến thể Lambda. Biến thể đặc biệt này hiện đã lan rộng đến hơn hai chục quốc gia, tập trung nhiều ở Nam Mỹ.
Mặc dù không bảo đảm, Covid cũng có thể trở nên ít gây hại cho dân số hơn theo thời gian, vì ngày càng có nhiều người tăng cường khả năng miễn dịch.
Đa số các nhà khoa học được tạp chí Nature khảo sát tin rằng virus này sẽ trở thành thông thường, nghĩa là nó sẽ sống trong quần thể, trở thành một phần của môi trường của chúng ta như bệnh cúm.
Chúng ta không thể tiếp tục chiến lược loại bỏ Covid-19 mãi mãi (3)
Khi đại dịch mới bắt đầu bùng phát, các cơ quan y tế ở nhiều quốc gia đã nhằm giảm các ca bệnh mới xuống mức có thể kiểm soát được bằng cách sử dụng các biện pháp khóa cửa, các biện pháp ngăn cách xã hội và hạn chế nghiêm trọng đối với giao thông. Tuy nhiên, chiến lược về các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ nhằm loại bỏ vi-rút đang dần trở thành “hy vọng hão huyền”.
Các chi phí cao của các nỗ lực loại bỏ lặp đi lặp lại theo thời gian là điều hiển nhiên trong nền kinh tế, trong sinh kế của người dân và doanh nghiệp, cũng như sức khỏe và hạnh phúc trong diện rộng của mọi người.
Trong khi chúng ta tiếp tục tranh luận về việc liệu những chi phí khổng lồ của việc ngừng hoạt động kinh tế và xã hội để chống dịch có xứng đáng hay không, chi phí của việc không chống dịch khi đại đa số dân chưa được tiêm chủng vắc xin sẽ cao hơn nhiều. Chúng ta không muốn rơi vào tình trạng khủng ở Ấn Độ một vài tháng trước. Tuy nhiên, lợi ích của việc chống dịch cứng rắn sẽ giảm đi rất nhiều khi chúng ta có tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng và các phương pháp điều trị Covid tiếp tục trở nên hữu hiệu hơn.
Việc chuyển từ cách tiếp cận loại trừ sang chiến lược quản lý lâu dài đòi hỏi chúng ta phải tiêm chủng nhanh chóng cho hầu hết, nếu không phải toàn dân, vì tiêm chủng làm giảm đáng kể các kết quả nghiêm trọng do Covid.
Chúng ta cần phát triển vắc-xin để bắt kịp với sự xuất hiện của các biến thể nguy hại của vi-rút, vì những biến thể này làm giảm một phần hiệu quả của vắc-xin. Điều này sẽ yêu cầu tiêm chủng tăng cường và tiếp tục nghiên cứu và phát triển các loại vắc xin mới.
Việc phát triển các phương pháp điều trị Covid hiệu quả cũng rất quan trọng. Khi chúng ta tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả và không quá tốn kém, những điều này sẽ làm cho bệnh Covid trở nên “nhẹ nhàng hơn”, giảm nguy cơ nhập bệnh viện và giảm đi việc các đơn vị chăm sóc đặc biệt trở nên quá tải.
Chúng ta cần phải học cách sống chung với Covid-19 vi-rút (3)
Do Covid có khả năng trở thành bệnh dịch thông thường và phổ biến, Úc và Singapore đang hướng tới việc điều trị COVID-19 “giống như bệnh cúm” trong một cách tiếp cận lâu dài.
Việc chuyển đổi sang cách tiếp cận mới này không nên dựa trên các báo cáo gây lo lắng về các ca nhiễm mới hàng ngày. Chúng ta có thực sự cần được nhắc nhở hàng ngày về nơi gần chúng ta mà vi-rút đã có mặt không? Tôi thì không muốn bị nhắc như vậy.
Thay vào đó, cần tập trung nhiều hơn vào việc có bao nhiêu người được chủng ngừa, cũng như bao nhiêu người bị bệnh nặng do vi-rút và các đo lường khác (ví dụ như công xuất bệnh viện và các phòng điều trị đặc biệt).
Các thông tin này sẽ đưa ra một loạt thông điệp nhất quán nhằm khuyến khích các chính phủ mua sắm vắc xin nhiều hơn và khuyến khích người dân tiêm chủng mạnh mẽ hơn nhiều.
Các biện pháp y tế công cộng bền vững vẫn cần thiết để thông tin cho mọi người về những cách sống và làm việc có rủi ro tiếp cận với vi-rút và nhiễm trùng. Các biện pháp y tế công cộng cần tập trung vào nhận thức, kiến thức và sự tham gia của dân trong giảm lây lan và khôi phục sự bình tĩnh của cộng đồng, sinh kế kinh tế, sức khỏe và hạnh phúc trong đời sống thường nhật.
Khẩu trang, kiểm tra COVID nhanh chóng và định kỳ, cũng như lần theo dấu vết và cách ly những người tiếp xúc với các ca bệnh sẽ vẫn rất quan trọng khi xảy ra nhiễm trùng tại từng vùng nhất định.
Hơn nữa, cần có sự tham gia và các biện pháp bảo vệ cụ thể cho những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người già, những người có hoàn cảnh khó khăn, các nhóm dân tộc thiểu số và những người sống với sức khỏe tâm thần và khuyết tật.
Chúng ta cần phải học cách sống chung với covid-19 như một căn bệnh do vi-rút khác trong chúng ta. Các hệ thống y tế cần chuyển động nhanh chóng để giảm thiểu nỗi sợ hãi, cải thiện tỷ lệ tiêm chủng, cải thiện phương pháp điều trị và giảm các biến chứng như đối với các bệnh khác mà chúng ta không thể loại bỏ hoặc không được bảo vệ đầy đủ từ biến chứng của các loại bệnh nầy.
Tiến Sĩ Phạm Đình Bá (Đại học Toronto, Canada)
Nguồn:
Số 1. https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2021-06-08/coronavirus-strategy-forever-virus
Số 2. TP HCM giãn cách xã hội ‘quyết liệt’ theo Chỉ thị 16 từ 0h 9/7. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57750819
Số 3. We probably can’t eliminate COVID in Australia forever. As we vaccinate, we should move to a more sustainable strategy. https://medicalxpress.com/news/2021-07-Covid-australia-vaccinate-sustainable-strategy.html
Số 4. https://www.business-standard.com/article/current-affairs/singapore-plans-out-transition-to-new-normal-life-with-Covid-19-pendemic-121062400135_1.html
Số 5. https://theconversation.com/we-probably-cant-eliminate-Covid-in-australia-forever-as-we-vaccinate-we-should-move-to-a-more-sustainable-strategy-163570