Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh năm 1936 tại tỉnh Quảng Trị. Thích hát từ nhỏ, đến năm 1955, anh trúng tuyển kỳ tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á. Khi ấy, anh còn lấy tên là Tăng Hồng và trình bày bài “Trăng thanh bình”. Sau đó, sinh hoạt ca hát nhiều thì anh đổi tên thành Duy Khánh, lấy theo tên một người bạn thân thuở học trò ở quê nhà. Bản “Trăng thanh bình” đượm tình quê hương, và cho thấy chiều hướng cùng sở trường của Duy Khánh sau này. Duy Khánh có giọng ca đặc biệt thích hợp với âm điệu dân tộc nên anh chọn thể loại này để trình bày cũng như để sáng tác. Những nhạc bản dính liền với tên tuổi Duy Khánh đều chứa chất tình tự dân tộc, nhất là hướng về miền Trung, vùng “đất cày lên sỏi đá”, nơi anh sinh trưởng. Ta có thể kể các bài như “Qua cơn mê”, “Đưa em vào hạ”, “Mấy nhịp cầu tre”, “Tiếng hát hành quân xa”, “Lính trận miền xa”, “Ai ra xứ Huế”, “Thương về miền Trung”, “Huế đẹp, Huế thơ”, “Sầu cố đô”, “Lối về đất mẹ”, “Xin anh giữ trọn tình quê”, …
Duy Khánh cũng viết một số nhạc phẩm nói lên tình gia đình, tình đồng đội trong bối cảnh đất nước chiến tranh, như bản “Xuân này con không về”. Bản nhạc này là bài hát được ưa thích nhất, khi nói đến Duy Khánh. Nữ thính giả Hồng Mai cho biết vì sao chị thích bản ấy…
Biến cố tháng Tư 1975 đem tới nhiều đau thương, như chị Hồng Mai vừa tâm sự. Duy Khánh thì kẹt lại dưới chế độ cộng sản. Bị cấm hát, anh buồn chán vô cùng, chỉ còn biết uống rượu giải sầu.
Mãi sau, khi các đoàn ca nhạc được phép hoạt động lại, Duy Khánh mới mượn danh Thông Tin Văn Hóa địa phương để qui tụ một số ca nhạc sĩ thời trước, và lập ra đoàn Quê Hương khá thành công.
Tới tháng 8 năm 1988 thì anh đặt chân đến Hoa Kỳ. Thời gian đầu, Duy Khánh đi trình diễn các nơi, thu băng, thu dĩa. Và sau khi mãn hai hợp đồng hát độc quyền cho trung tâm Làng Văn, Duy Khánh thành lập trung tâm băng nhạc Trường Sơn, hoạt động được một thời gian thì anh bị bệnh.
70 năm Tình Ca Việt Nam-Nhạc sĩ Duy Khánh
Hoài Nam SBS
Sơn Ca và các nghệ sĩ: Duy Khánh
*
* *