Tùy bút
1.
Seattle chớm thu, nắng vàng rực rỡ. Khu trung tâm Phước Lộc Thọ thứ bảy ngày 3-10-2003 bổng nhộn nhịp xe cộ và khách đến dự buổi ra mắt bút ký Tôi Phải Sống của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ.
Chương trình thành công không ngờ! Sách bán gần 300 cuốn, hiếm thấy ở đây! Ðông đảo các đoàn thể, quý thân hào nhân sĩ, và giới báo chí hiện diện gần 400 người. Phòng họp đứng ngồi chật hết chỗ, nhiều cô bác phải ở ngoài sân. Lâu lắm, Seattle mới có một sinh hoạt đông đảo, vui vẻ, hào hứng như vậy. Ngoài phần phát biểu của anh Cần trưởng ban tổ chức, MC Hữu Chí, nhà văn Ngọc Thủy và nhà báo Trần Văn Ngà từ Sacramento, Lm Nguyễn Hữu Lễ là diễn giả chính yếu chiếm hầu hết thì giờ từ 2:00–4:00 chiều.
Linh mục Lễ tâm tình thân mật, điều hợp chương trình, và trả lời thoả đáng các câu hỏi của người Việt ở vùng vịnh Puget Sound, tiểu bang Washington. Cám ơn Ban Tổ Chức, quý vị cựu tù nhân trại Thanh Cẩm và các đoàn thể bảo trợ cho Lm Nguyễn Hữu Lễ người Cha tinh thần của chúng tôi được ra mắt sách ở thành phố ngọc bích Seattle (Washington State), và thành phố hoa hồng Portland (Oregon).
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ phụ trách giáo xứ Việt Nam ở New Zealand, một đảo quốc du lịch thần tiên ở biển Ðông Thái Bình Dương. Không thể ngồi yên trước hiện tình đất nước, Linh mục nhiều lần bôn ba ra hải ngoại, vận động Nhân Quyền cho Việt Nam. 13 năm tù đày khắc nghiệt để lại thương tích đau nhức, sức khoẻ cha kém nhiều, nhưng ở tuổi 60 Cha trông trẻ trung cường tráng… “Coi vậy chớ hổng phải vậy đâu tụi con ơi, trong người Cha rệu hết trơn rồi!”.
Cha Lễ bị hư cột xương sống, ngồi thẳng không được, đứng không lâu, đã trải qua 4 lần giải phẫu. Nhưng rõ ràng là “Cậu Bảy” khoẻ và … bụi đời lắm ! Cha thức khuya, dậy sớm, tỉnh táo không mệt, đầy sinh lực như thanh niên. Tiếng nói Cha sang sảng, phát biểu khúc chiết linh động, vui tươi hài hước. Cha thông minh giao tiếp, lanh trí đối đáp những câu hỏi hóc búa hoặc trêu chọc. Dù ở giữa đám đông náo động, Cha bình an tự tại, phong thái phiêu nhiên xuất trần, thoải mái thân ái hỏi han từng người.
Có khi Cha Lễ phải theo các chuyến xe lái suốt đêm, nối liền các thành phố xa xôi, ngủ gà ngủ gật. Vị cha già ở tuổi lục tuần không sờn lòng: “Cha sẽ không bao giờ ngưng hoạt động cho Ðất Nước và Giáo Hội đâu tụi con ơi. Cha mà ngừng thì sẽ buồn và chết sớm !”.
Linh mục Lễ không ngờ đồng bào đón nhận sách Tôi Phải Sống nồng nhiệt, quá dự tri. Dự đoán trật, sách in không kịp, in cuống cuồng như chạy giặc, mới đủ sách cung ứng cho các thành phố kế tiếp. Chỉ trong 1 tuần, bay vèo 3000 cuốn. Có nơi, Cha năn nỉ bà con mỗi người 1 cuốn thôi. Cha phải in sách liên tục, gởi in cả bên Ðài Loan, tổng số in nay đã lên 12,000 cuốn.
Sách “Tôi Phải Sống” được ra mắt đúng vào thời điểm toà án Sở Di Trú Hoa Kỳ mời Linh mục Nguyễn Hữu Lễ làm nhân chứng trong vụ xét xử và trục xuất Bùi Ðình Thi. Sự kiện này chưa xảy ra bao giờ trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản. Ðây là tiếng chuông cảnh báo, khẳng định: Hoa Kỳ là quốc gia tự do, nhưng không phải thùng rác chứa chấp tội phạm quốc tế, hay cán bộ Việt cộng!
Lm Nguyễn Hữu Lễ đã ghé nhiều thành phố Hoa Kỳ, để ra mắt bút ký Tôi Phải Sống: Sacramento, Santa Ana, San Diego, San Jose, Oakland, Seattle, Portland. Kế tiếp là Houston, Dallas, Boston, New Orleans… Những cuộc hành trình xa vạn dặm, tiếp xúc hàng chục ngàn đồng bào, ngồi đau lưng, đứng mỏi chân, nói khản cổ. Tuy cực mà Cha rất sung sướng trình làng Tôi Phải Sống, đứa con tinh thần được cưu mang và viết từ năm 1995, sửa tới sửa lui cho hạ bớt giọng…. hằn học. Tác giả Tôi Phải Sống nêu lập trường:
– “Tôi muốn chia xẻ kinh nghiệm của tôi với nhiều người. Tôi cũng muốn viết để bày tỏ lòng biết ơn những tâm hồn cao thượng trong số những anh em đồng cảnh, và cả một vài cán bộ mà tôi đã gặp được trong tù. Tôi cũng viết để tưởng nhớ những người đã cùng sống với tôi và đã chết trong tù. Nhưng quan trọng hơn cả, là tôi muốn ghi lại như một bài học lịch sử, gởi tới đồng bào Việt Nam mà tôi yêu mến” (trang 604)
– “Sau hơn chục năm giao tiếp, tôi thấy các cán bộ là những người đáng thương hơn đáng trách. Có đáng trách chăng là một thể chế chính trị chỉ biết phục vụ cho quyền lợi của đảng, mà đã trói buộc cả một dân tộc vào trong guồng máy đó. Cơ chế đảng cộng sản như một con quái vật do con người sanh đẻ ra nó, nhưng khi sanh nó ra rồi thì không cách gì có thể kềm chế được sự hung hãn của nó. Nó quay ra ăn thịt bất cứ ai, ngay cả người sanh đẻ ra nó. (trang 572)
2.
Khuya thứ sáu, gần 3 giờ sáng, “ban dịch thuật” còn thức làm việc với Cha Lễ. Dịch sách khó chứ ! Chúng tôi phải tham khảo tài liệu, để đối chiếu ngôn ngữ, qua các tác phẩm nổi tiếng như: Inferno của Dante Alighieri, The Gulag Archipelago của Aleksandr Solzhenitsyn, Laogai the Chinese Gulag của Harry Wu, Origins of the Gulag: The Soviet Prison Camp System 1917-1934 của Michael Jakobson, Labor Camp Socialism: the Gulag in The Soviet Totalitarian System của Galina Ivanova, Cogs in The Wheel của Mikhail Heller, Communist Manisfesto của Karl Marx & Friedrich Engels, 1984 của George Orwell…. Cả tài liệu nhà tù Việt cộng của Ginetta Sagan & Stephen Denney, Viet Nam Under Communism 1975-1982 của Giáo sư Nguyễn Văn Canh, Restoring The Historic Truth của Luật sư Nguyễn Hữu Thống…..
Cha con chúng tôi thảo luận về những phần nào cần dịch trước: trở lại trần gian, cái giá của tự do, chuyện thương tâm, tôi phải sống, tầng đầu địa ngục. Sách sẽ là vũ khí tấn công chủ nghĩa cộng sản, tố cáo Việt Cộng cai trị dân bằng một chế độ toàn kiểm, hiểm ác, sắt máu, có chủ trương tiêu diệt giới trí thức và trù dập mọi thành phần đối kháng.
Chị Kiều Mỹ Duyên đề nghị chuyển bản Anh ngữ lên P.E.N, Văn Bút Quốc Tế, biết đâu sẽ đoạt giải Nobel văn chương non-fiction! Ðọc Tôi Phải Sống, sẽ hiểu rõ về một hệ thống nhà tù kinh khủng, có thể nói là tồi tệ nhất thế giới! Các trại tù cải tạo Gulag Liên Sô và Trung Quốc có chủ trương giữ cho tù nhân khoẻ mạnh, để lao động và sản xuất ! Trại tù Việt Cộng thì bách hại con người giữa 4 bức tường lạnh, đói khát với cái cùm sắt cột chân người tù dính cứng dưới sàn. Dã man khó tưởng tượng! Cán bộ Việt cộng kiểm soát mọi đồ dùng cá nhân, ăn cướp cả đồ ăn tiếp tế người tù. Tù Việt Cộng là một cỗ máy lạnh băng nghiến thịt người, có tính toán, nhanh hay chậm.
Chúng tôi chọc “Cậu Bảy” có thể trở thành triệu phú, vì sách Tôi Phải Sống dễ trở nên “best seller”. Cha cười nói rằng đã có giải pháp: thành lập một quỹ vô vụ lợi, để giúp xây dựng trường học cho trẻ em Việt Nam ở thôn quê, – như cậu bé “Ðực Mẫm” từng được hưởng nền giáo dục quý hiếm thời thơ ấu. Quỹ thiện nguyện này sẽ kéo dài suốt cuộc đời Cha, cho đến khi Cha khuất núi đi về nước Chúa.
Sách Tôi Phải Sống (I Must Live) sẽ lôi cuốn và làm bàng hoàng dư luận ngoại quốc. Vì ngoài việc mô tả tâm tình người Việt, đời sống hậu chiến Việt Nam, sách Tôi Phải Sống phơi bày và nghiêm khắc phê phán chính sách cai trị dân và hà khắc đày đọa tù nhân. Phơi bày Sự Thật kinh hãi về hệ thống “trại tập trung cải tạo” Việt cộng sau 1975. Chi chít những dữ kiện sống động, thiện ác lẫn lộn:
... Xe lô, buồng giam, ánh đèn leo lét, móng cùm, ống bẩu, bầy rận, buồng 6, kẻng báo thức, cán bộ, tù hình sự, tù chính trị, tù Phục Quốc, tù Quân Ðội, tù Biệt Kích, tù Trung Quốc, Ăng-ten, đói, khát, lạnh, đánh đập, ói mửa, giấc mơ ủ rủ, vọng cổ, câu cá, chiến tranh, sông Mã, bắc Mỹ Thuận, thú nhà quê, bè dừa, Thầy Quý, Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, Saigon, Hà Nội, Sa Ðéc, Vĩnh Long, Bến Tre, họ đạo La Mã, bài thánh ca Giáng Sinh, Tầu Sông Hương, Khu O, khu kiên giam, buồng kỷ luật, trại Thanh Cẩm, trại Cổng Trời, trại Nam Hà, say sắn, bikini, cán bộ mắt xước, chiếc khăn trắng, mắm lỏng, chiếc áo vàng, Bùi Ðình Thi, tướng cướp Bình Thanh, cô KT, Long đầu trọc, đại tá Trịnh Tiếu, thiếu tá Ðặng Văn Tiếp, Bố Chương, đồi Bà Then, đội rau xanh, bể nước, đào tường, vượt ngục, thang dây, thuốc lào, dạy Anh văn, tiếng Quan Thoại, Cộng đoàn tình thương, ý Chúa….
Biết đâu Holliwood sẽ chuyển cốt truyện Tôi Phải Sống này thành phim? Một cuốn phim sống thực, với nhiều tình tiết ly kỳ, ớn lạnh, khác thường. Có vẻ như tiểu thuyết hư cấu, khó tin. Ðộc giả có thể cảm thấy khổ sở như bị tra tấn, bị lôi vào từng đoạn đời một linh mục bất hạnh bị trù dập suốt 13 năm tù khắc nghiệt. Khởi đầu bằng tuổi thơ ấu đơn sơ của cậu học trò nhà nghèo, tinh nghịch, lạc quan sống quanh ruộng vườn làng Hiếu Phụng, tỉnh Vĩnh Long.
Rồi cậu được đi học trường làng, lên trung học, 7 năm đào tạo ở Ðại Chủng Viện Sàigòn, rồi thụ phong linh mục năm 1970. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ có khoảng 6 năm phục vụ ở các họ đạo Sa Ðéc, Vĩnh Long, Bến Tre, cho đến năm 1976 thì bị tống giam vào nhà tù Việt Cộng.
Này đây cuộc đời phiêu bạt từ chuyến xe lô định mệnh, giã từ mẹ già, vào tù, lên tầu Sông Hương, ra bắc. Cướp tàu thất bại, vào Tù Thanh Cẩm, vượt ngục, bị bắt lại, bị đánh đập gần chết, bị đày đi Tù Cổng Trời. 11 năm tù khổ sai ngoài Bắc, cuộc đời anh hùng phong trần vào sinh ra tử. Năm 1988 thì Lm Nguyễn Hữu Lễ được phóng thích, vượt biên, qua trại tị nạn Thái Lan, rồi được mời sang Tân Tây Lan phục vụ từ 1990, đặc trách việc hướng dẫn Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam tại thành phố Auckland xanh mát.
3.
Sách Tôi Phải Sống có bố cục chặc chẽ. Ngữ pháp trong sáng, bình dị. Ðược phân ra nhiều tiểu đoạn, dễ đọc. Có nhiều đối thoại ngắn, sống động và lôi cuốn. Văn phong có khi khoan khoái, dí dỏm, có lúc hồi hộp căng thẳng thần kinh. Có khi táo tợn trong ngôn ngữ giang hồ, bụi đời, trần tục. Khi cao nhã thánh thiện, khi suy tư thâm trầm như nhà hiền triết. Có khi dõng dạc cứng rắn và có tính phân tích như chính trị gia. Từng trang, từng trang, ngôn ngữ trung thực phơi ra từng góc cạnh đời sống nhiều người, những hoàn cảnh sầu khổ bi thảm hay bạo động kinh hoàng.
– “Trong tuần đầu sau khi bị đánh, anh Thuyên và tôi bị cùm chân cả ngày lẫn đêm trong nhà kỷ luật mới. Cả hai chưa ai trở người được, nên phải đại tiểu tiện và ói mửa ngay trên bệ nằm. Xong dùng tay gạt phân xuống sàn và xé quần áo ra lau chùi. Tuy trong buồng có các ống bẩu dùng cho việc đại tiểu tiện, nhưng làm sao chúng tôi sử dụng được khi trở người còn chưa nổi ? Càng ngày đống phân trong buồng càng cao, và bộ quần áo duy nhất của chúng tôi càng nhỏ lại”
(trang 430)
– “Ðói và Rét như cặp bài trùng của yếu tố tiêu diệt. Khi cả hai gặp nhau và hỗ trợ cho nhau, thì sức tàn phá được nhân lên gấp bội. Thân thể con người càng đói thì càng rét, và hễ càng rét lại càng đói. Hai thứ hung thần đó cứ mải mê tranh tài “ai thắng ai”, ngay trên da thịt xanh xao như tàu lá chuối và trong dạ dày xẹp lép của đám tù khốn khổ chúng tôi!” (Trang 308, khu kiên giam Trại “Cổng Trời”)
Tôi Phải Sống trình bày một hệ thống nhà tù cộng sản duy vật, vô thần. Nó tàn nhẫn, kinh hoàng, vô lương tâm. Nó vận hành có chính sách hẳn hoi. Nó là một guồng máy phi nhân, kiên giam đày ải con người như súc vật. Tôi Phải Sống bộc lộ ra những sự thật khủng khiếp, sẽ làm thế giới sửng sốt. Nó rỉ rả tàn phá trí não và thân xác con người.
Chịu chung số phận với dân tộc Việt, Cha tôi cũng đã bị khổ nhục 13 năm tù đày, trong sự ngóng đợi và nguyện cầu của Mẹ tôi và đàn con tha hương. Lời thương Cha già nói không được, lời dạy con im lìm trong đáy ngục, Mẹ con bám theo đời Cha cùng khổ. Hệ thống nhà tù Việt Nam là địa ngục kinh hoàng, tuyệt vọng, đau đớn thể xác và sầu khổ tinh thần.
Tác giả bình thản kể lại những tình tiết sống thực, không gay gắt, nhiều khi hài hước. Lm Nguyễn Hữu Lễ không viết cường điệu. Tác giả viết một cách tự nhiên, thanh thản. Một ngòi bút cao thượng, bác ái, có tình nghĩa, có đạo lý của một người dân Việt bình thường và một linh mục Thiên Chúa Giáo.
Toàn bộ cuốn sách nói lên nghị lực phấn đấu. Phấn đấu để khỏi trao linh hồn cho quỷ. Phấn đấu để giữ Ðạo. Người người lớp lớp bị xua lên rừng núi hoang sơ buồn tênh, đời sống tan vỡ, nhưng rộng thinh ý chí và nguyện cầu. Họ như bầy chim rối cánh bay tan tác trong gió bão, chiến đấu để giữ hơi thở và tự do tư tưởng. Phấn đấu trước móng cùm, bệnh tật, đói khát, và sự cô đơn tuyệt vọng. Phấn đấu trước bạo lực cải tạo và sự thù hận. Phấn đấu chống lại tư tưởng Mác Lê gian xảo. Cái giá mà Lm Nguyễn Hữu Lễ phải trả, cho thái độ kiên cường bất khuất, là những trận đòn khốc liệt.
– ”Khi bị đánh đập quá nhiều, cơ thể trở nên tê dại và tôi không còn cảm giác đau đớn. Tôi gồng sức chịu đòn và không kêu la. Nhưng lần này lại khác, cơ thể tôi đã bị tổn thương trầm trọng, đến nỗi một cơn ho hoặc cái hắt hơi cũng tưởng như xương cốt long ra từng mảnh. Như thế, có thể hiểu được cú đấm hôm đó của tên cán bộ mắt xước làm tôi đau đớn chừng nào ! Tiếng kêu “Trời ơi!” lúc đó là một phản ứng tự nhiên, tôi không thể nào kềm chế được. Nhưng đó là tiếng kêu la duy nhất trong những lần tôi bị đánh đập trong nhà tù. Ngay cả trong lần thập tử nhất sinh sau này, tôi cũng không kêu la như thế” – (trang 434-435)
Trong cơn sốt thời cuộc sau 1975, trong bối cảnh mê loạn đời tù, người linh mục kém may mắn Nguyễn Hữu Lễ đã dũng cảm phấn đấu dù kiệt sức. Như những con người yếu đuối nhưng không sợ hãi, họ vươn lên cao như sen trong bùn, như mây trời bạt ngàn san dã. Họ là những thân tùng đứng thẳng, những bậc trượng phu có khí tiết.
Ðọc Tôi Phải Sống, thấy được tinh thần vô uý, bất khuất, cá tính quyết liệt, cốt cách anh hùng của Lm Lễ cũng như nhiều tù nhân Việt Nam Cộng Hoà, trong đó có Cha tôi và các Chú Bác Anh thân thương trong gia đình tôi. Họ chung thủy với lý tưởng. Ðối với họ, thiện/ác phân minh, sự thật là sự thật, không thể nói khác. Họ là những dũng sĩ can đảm, không quỵ lụy dưới mọi áp suất. Họ là những bậc anh hùng hào kiệt của núi sông phương Nam, cho dù có ngã xuống vẫn cứng cỏi kiên cường, muôn đời còn lưu danh.
4.
– Tôi thấy anh là người thông minh và bạo dạn, nên tôi muốn giúp anh. Anh là một cha đạo. Tôi nghĩ là tình thế này, anh không làm gì được cả, tôn giáo đã lỗi thời rồi. Chi bằng anh hứa với tôi từ bỏ con đường tôn giáo, cưới vợ, lập gia đình như những người khác. Tôi hứa nâng đỡ và cất nhắc anh.
Ông ta chưa nói hết câu, tôi đã lên tiếng:
– Tôi xin cám ơn lòng tốt của cán bộ. Nhưng cán bộ không có thể hiểu được việc tôn giáo đâu. Nếu cán bộ có vấn đề gì khác, tôi sẽ trả lời. Còn vấn đề tôn giáo là con đường tôi đã chọn, tôi xin miễn bàn ở đây (trang 312)
– Với tư cách là người Việt Nam, thân xác tôi thuộc quyền chính phủ Việt Nam. Nhưng với tư cách là một người linh mục, linh hồn tôi thuộc về Toà Thánh. Bất cứ điều gì Toà Thánh quyết định, tôi vâng theo. (trang 581)
Nào có dễ uốn nắn khống chế được những anh hùng hào kiệt trong nhà tù! Lm Nguyễn Hữu Lễ là một trong vô số tù nhân có cốt cách vô uý, lì lợm, liều lĩnh, không sợ hãi, kiên cường, đầy nghĩa khí! Người tù kiệt xuất đầy ý chí đó phải chiến đấu với định mệnh – nhất là trong những giây phút sinh tử, kiệt lực và buông xuôi nhất: tôi phải sống, tôi phải sống!
Trong cõi địa ngục đó, sự sống mong manh hai bờ tử sinh. Nhịp tim quý như hơi thở, giọt nước, hột cơm, hột muối, khoai sắn hay tình người. Người tù nhẫn nhịn, chờ đợi, cầu nguyện, phấn đấu và hy vọng. Chuá nhật của người tù, sao Chúa chưa đến thăm ?
Từng giây phút lặng lẽ im lìm, cô độc, tăm tối nhất, những người tù kiệt lực chiến đấu với sự yếu đuối của mình. Họ níu lấy hơi thở, vồ vập khí trời, mỗi khi cửa tù hé mở. Họ nâng niu những ý tưởng hay hình ảnh hạnh phúc, bình yên, chân thiện mỹ. Họ cố vượt qua, vươn lên trên tội ác và thù hận. Họ chiến đấu với cái ác và tha thứ. Họ ôm ấp sự lương thiện và tình nghĩa giữa con người. Người tù phải sống để cổ võ Tự Do và Nhân Quyền. Từ đó, từ nhà tù ra hải ngoại, Lm Nguyễn Hữu Lễ luôn là chiến sĩ tranh đấu cho Tự Do.
– Báo cáo cán bộ, tôi xin cán bộ một trong hai điều này: hoặc là cho tôi áo quần để mặc, nếu không thì cho tôi một viên đạn. Tôi là con người, chứ không phải là thú vật mà sống trần truồng !
Vì có dự tính trước nên tôi nói luôn:
– Nếu tôi chết trong nhà tù này thì thôi. Nhưng nếu tôi còn sống, tôi phải tìm dịp nói cho thế giới biết cách đối xử vô nhân đạo đối với tù chính trị của chế độ cộng sản Việt Nam! Tôi nghĩ rằng, trên thế giới này không một nước nào lại đối xử với tù chính trị cách dã man như vậy ! (trang 436, nhà kỷ luật Trại Thanh Cẩm)
Cũng như Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận và các Linh mục Công Giáo trong tù, Cha Lễ cảm hoá kẻ dữ bằng Ðức Tin, lòng nhân ái và Sự Thật – bí mật và công khai thực hiện các nghi thức thánh lễ phụng vụ lời Chúa, làm phép rửa tội, giải tội, dâng lễ, giảng đức công bình bác ái trong tù. Nhờ mầu nhiệm Ðức Tin, nhờ danh Thiên Chúa cả sáng, trong cơn gian nan thiếu thốn, các vị ấy đã sống cao cả, hiến thân, quên mình, tha thứ, theo tinh thần Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô:
Lạy Chúa
Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chuá
Để con đem yêu thương vào nơi oán thù
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục
Đem an hoà vào nơi tranh chấp
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm
Để con đem tin kính vào nơi nguy nan
Đem trông cậy vào nơi thất vọng
Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm
Đem niềm vui đến chốn u sầu.”...
Bấm nghe nhạc Kinh Hòa Bình
Download Kinh Hòa Bình
“Tự nhiên một nỗi vui vô cùng lớn lao xâm chiếm tâm hồn tôi. Một nỗi vui mà suốt cả cuộc đời tôi chưa bao giờ có được. Niềm vui người được chọn và trao cho một sứ mệnh mang tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người, nhất là những người tù cùng khổ. Tôi coi đây là sự mặc khải riêng tư của Chúa đối với tôi. Bổng chốc tôi thấy con người tôi khác hẳn. Tôi không còn mong được ra về, cho dù một chút cũng không. Từ nay, nhà tù là nơi tôi sống, những tù nhân khốn khổ là anh em tôi, để tôi yêu thương và an ủi họ. Các cán bộ là những người tôi phải cảm hoá, và chỉ cho họ con đường đức tin và hy vọng.” (trang 552)
– “Chính tình yêu và niềm hy vọng của chân lý Phúc Âm đã cho tôi điểm tựa, và tôi chia xẻ hồng ân này với các bạn tù mà tôi có dịp sống chung. Tôi nghĩ rằng, trong môi trường tù ngục đọa đày đó, tôi đã sống sứ mệnh linh mục có nhiều kết quả hơn 6 năm trước ngày tôi vào tù, và có lẽ hơn cả những năm về sau này trong cuộc đời còn lại”. (trang 595)
5.
Chiều Thứ Bảy Seattle, tụ tập ở nhà anh Cần ấm cúng, vui nhộn, đậm đà tình thân. Vắng vợ, ông chủ nhà lôi ra mấy khúc cá sturgeon đông lạnh cứng ngắc: “các chị làm dùm món cá này nghen, món gì cũng được”. Trời, khách muốn ăn phải lăn vô bếp ! Thế là chúng tôi lăng xăng làm món gỏi cá “bí truyền” dưới gầm cầu Nha Trang, dù không phải cá sea bass. Anh Minh Vương, người cho mượn miễn phí phòng họp sinh hoạt ra mắt sách Tôi Phải Sống, vui vẻ làm hoạt náo viên cho nhà bếp.
Cá được xắt lúc còn đông lạnh, miếng cá vuông thẳng. Tôi và chị Lan lu bu nhất: rang và giã mè, xắt củ hành, rửa rau, luộc bún, pha nước mắm tỏi ớt trộn mè. Khách mài râu phải đi chợ mua thêm chanh, nước mắm, dưa gừng, hành ngò, rau thơm. Nhà văn Ngọc Thủy yểu điệu thục nữ vô bếp với chiếc áo dài….. thoòng, thoải mái vắt chanh, tham gia tán dóc. Anh chị em chúng tôi chơi đố chuyện … bình thủy, ngọc thủy, rồi …. xổ nho luôn một mạch….
– cận thủy tri ngư tánh (gần nước, biết tánh cá)
– cận lâm thức điểu âm (gần rừng, hiểu tiếng chim)
– hàn khí tri tùng tiết (khí lạnh, biết sự tiết tháo của cây tùng)
– lâm phong thức trúc can (gió rừng, hiểu sự can đảm của cây trúc)
Anh Minh chủ nhà hàng, làm không khí nhà bếp vui như Tết. Nghe động dao động thớt, Cha Lễ cũng ghé thăm nhà bếp, cười cười tham gia vào những câu chuyện nắng mưa giang hồ, chẳng có đầu đuôi gì cả, mà… nhớ đời.
– Dạ thưa Cha có duyên được ăn cá sturgeon của dòng sông Columbia !
– Chỉ cần nói cha “có duyên” là được rồi !
Ngồi quanh bàn tiệc, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và các cựu tù nhân Trại Thanh Cẩm nhắc nhiều kỷ niệm, hành trình đổi đời và những kỳ tích đời tù. Bàn tiệc có khi lặng thinh trầm ngâm suy tư, có khi cười vui hào sảng. Hình như có vài “dũng sĩ” trên chuyến tầu định mệnh Sông Hương ly kỳ ấy. Trong số này có anh Hữu Chí, là một học sinh 16 tuổi bị đưa ra Bắc, bị tống giam vào trại Tù Thanh Cẩm vì tội dám “Xử án Hồ Chí Minh”.
Bàn tiệc họp mặt hôm ấy thật đáng nhớ, nồng ấm, thân thiết. Chúng tôi gặp lại anh bạn Mai Long giang hồ, tác giả Nam Quan Hận Cáo, người bạn sinh viên thời khuấy động University of Washington (UW) thập niên 80. Hai anh Long Dương nói cười rổn rảng đắc ý “Ta với Nhà Ngươi”. Chúng tôi nhắc những bài tráng sĩ ca bi hùng: Trưng Nữ Vương, Chính Khí Việt, Hành Phương Nam.... Anh Mai Long đọc Bình Ngô Ðại Cáo sang sảng giữa bàn tiệc:
Múa đầu gậy ngọn cờ phất phới
Ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ
Mở tiệc quân chén rựợu ngọt ngào
Khắp tướng sĩ một lòng phụ tử
6.
Thành phố Ngọc Bích vào Thu, vương chút vàng u sầu lãng đãng trên nghìn lá cây tiểu bang Evergreen. Buổi chiều gió thổi thê thê lạnh. Sao tôi có cảm giác băng giá như tuyết rơi. Ðông tới rồi ư ? ”Ðông thê thê như gió thổi u hồn, sầu buốt tận lòng người trong cốt tủy”….(Lý Đông A)
Thần trí còn vang vang những lời thơ ái quốc vừa được nhắc trong bàn tiệc. Ngôi nhà dạt dào tiếng nói cười tri kỷ, của những tráng sĩ đồng tâm mài gươm, hẹn ngày trở về non sông mình vạn dặm. Ta tha hương, xa rời cố quận, lòng thường bồi hồi vọng cố hương.
“Nước Mê Linh trăng thu còn vằng vặc”, những lời thề tâm huyết còn nguyên, “sóng lớp lớp, rượu ba tuần thuở ấy” ! Một trăm năm trước, Cụ Phan Chu Trinh nhà cách mạng chống Pháp đã cất tiếng than “giang sơn hoà lệ khấp anh hùng”, giang sơn chan hoà nước mắt khóc anh hùng, vắng mặt anh hùng tủi núi sông….
Washington thiên sơn vạn thủy. Hoàng hôn bảng lãng cổ tích. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Có gì buồn buồn trong lòng ta vậy ? Gió se lạnh, đã đến giờ chia tay. Cha Lễ thương mến đi ra tận xe tiễn chúng tôi ra về. Tương kiến thời nan biệt diệc nan, gặp nhau đã khó, chia tay càng khó hơn. Trên đường lái xe về, ngó lui, còn thấy ngàn thông xanh ngắt một màu. Hành trang tôi là những kỷ niệm đẹp vô cùng.
Khuya thứ bảy, trăng nửa mảnh treo trên bầu trời tối đen. Thi sĩ nào đã ví trăng như chiếc bình ngọc, bán trầm thủy để bán phù không. Trăng long lanh trên mặt nước hồ Washington nhiều kỷ niệm. Mấy cha con mình đã tâm tình thật nhiều. Qua những lúc trò chuyện, phỏng vấn, hay những khi trình bày trước đồng bào hải ngoại, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã lập đi lập lại các thông điệp rõ ràng, như trong bút ký Tôi Phải Sống:
– Mặc dù đã im tiếng súng, nhưng cuộc chiến đó không có kẻ thắng, mà chỉ có những người thua. Những người thua cuộc đó chính là toàn thể dân tộc Việt Nam.
– Mọi thể chế chính trị đều trôi qua, chỉ có dân tộc Việt Nam là trường tồn.
– Hãy dùng lịch sử như một bài học, để có thể tránh sự tái diễn thảm cảnh cho Dân Tộc.
– Chúng ta tha thứ tội ác, nhưng chúng ta không quên tội ác. Nó như vết xâm hằn trên thân thể vậy. Tội ác cần được nhắc nhở, đừng cho nó tái diễn.
– Chế độ nhà tù Việt Cộng rất tàn bạo. Nó có hệ thống, có chính sách hẳn hoi. Rất độc ác.
– Tôi viết cuốn sách này không vì hận thù cá nhân nào cả.
Tôi viết để trình bày thảm cảnh của cả dân tộcViệt Nam.
– Vào ngày cuối cùng làm nhân chứng trước toà án Hoa Kỳ, tôi có xin vị chánh án khoan hồng cho Bùi Ðình Thi, vì anh cũng chỉ là nạn nhân của một chế độ cộng sản tàn bạo, diễn ra trên đất nước tôi.
– Hãy để cho bóng tối đi qua, và cùng nhau hướng về nguồn ánh sáng của Bình Minh Dân Tộc
Ngọc Yến
Seattle tháng 10, 2003
“I Must Live” – Lm Nguyễn Hữu Lễ (collections)
https://freevietnews.com/
$8.79(15 used & new offers)