Chiều Chủ Nhật October 06th, trong ánh nắng vàng nhạt ấm áp của mùa Thu lần nữa trở lại với miền Nam Cali, tại nhà hàng Moonlight, thành phố Westminster, nam California, Ban Tổ Chức (BTC) đã thành công trong chương trình lần thứ 7 giỗ nhà thơ ngục sĩ bất khuất Nguyễn Chí Thiện (NCT). Chương trình vào cửa tự do, và đồng hương vùng Little Saigon, “Thủ Đô của Người Việt Tỵ Nạn”, đã đến tham dự đông đảo.
Năm ngoái tưởng niệm lần thứ 6, nhiều khán giả muốn mua thơ và sách của Nguyễn Chí Thiện nhưng không in kịp. Năm nay, BTC đã in lại được hai cuốn sách giá trị của nhà thơ NCT là Tập Thơ Hoa Địa Ngục và cuốn hồi ký Hỏa Lò qua nhà xuất bản Tiếng Quê Hương & Người Việt, Virginia – 2019. Tôi may mắn đến sớm và mua được hai cuốn sách này để lưu giữ trong tủ sách gia đình.
Nguyễn Chí Thiện là nhà thơ sinh trưởng ở miền Bắc. Sau năm 1954 khi Hiệp Định Geneve chia hai đất nước, cộng sản vào tiếp thu Hà Nội và thi hành những chính sách tàn bạo để cai trị theo chuyên chính vô sản, ông đã bị cộng sản bỏ tù tổng cộng 27 năm vì ông đã thẳng thắn chỉ trích chế độ man rợ giết người cướp của của đảng CSVN. Ông đã viết lên những vần thơ đanh thép để cho thế giới loài người thấy được sự dã man vô nhân đạo của hệ thống nhà tù cộng sản và tội ác của họ. Thơ của ông đã nêu đích danh từ chủ tịch nhà nước xuống đến các đảng viên cộng sản đã từng giết chết hàng trăm ngàn người dân vô tội qua chính sách Cải Cách Ruộng Đất của Nhà Nước mà họ bắt chước Nga sô và Trung Cộng, và sau đó đã giả dối và đạo đức giả khi chủ tịch lên tiếng xin lỗi và sửa sai.
Ông viết – thơ của ông làm không phải là thơ mà là tiếng nức nở của người dân lành bị hãm hại. Ông viết với tất cả nỗi lòng của một người dân phải sống dưới một chế độ hà khắc không thoát ra được, và tâm trạng của một người tù đang bị đọa đầy từ trong ngục tối, vọng lên từ đáy vực sâu mong tiếng than khóc lên được đến Trời Xanh. Chính vì thế mà ông đã bị bọn chúng trù dập, tra tấn, hành hình, biệt giam hàng chục năm, nhưng ông vẫn ngẩng cao đầu không khuất phục. Những ai đã từng bị giam giữ nhiều năm trong các trại giam của cộng sản tại VN mới hiểu được sự kinh hoàng của hệ thống này như thế nào, và càng kính phục nhà thơ ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện nói riêng, và những tù nhân lương tâm nói chung. Cũng chính vì thế mà những vần thơ của ông đã được phổ nhạc và được truyền tụng trên khắp thế giới. Nhất là bài “Sẽ Có Một Ngày” nói lên niềm tin sắt đá của ông sẽ có một ngày cộng sản phải tàn lụi, sẽ trở về với miếu đường mồ mả gia tiên, và khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng …
“Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Đảng
Đội lại khăn tang, đêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên
Về với miếu đường, mồ mả gia tiên
………………………… ……………………..
Đặt vòng hoa tái ngô lên mồ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng.”
(trích trong tập thơ “Hoa Địa Ngục”)
Ban Tù Ca Xuân Điềm, Ban Du Ca của Bs Thiên Hương, các ca sĩ tài tử đã trình bầy hay ngâm thơ của NCT thành công một phần nhờ họ đã đặt cả tâm hồn vào từng lời thơ và ý nhạc. Bên cạnh đó, MC Bích Trâm đã điều hợp chương trình một cách tài năng, giúp cho yếu tố thành công lên cao hơn nữa. Ngoài ra, khán giả còn có cơ hội thấu hiểu hơn về con người Nguyễn Chí Thiện, về lòng yêu nước, thương người dân lành vô tội -trong đó có chính bản thân ông, đã và đang bị hủy diệt bởi loài quỷ đỏ. Các diễn giả như Gs. Trần Huy Bích, Hồ Văn Sinh, BS Trần Việt Cường, nhà văn Trần Phong Vũ, T/BTC Nguyễn Thanh Liêm. ông Nguyễn Ký (ký giả Minh Thi) bạn đồng tù với thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã đưa khán giả đi sâu hơn vào hoàn cảnh đất nước VN vào thời điểm mà ông Nguyễn Chí Thiện đã sống và tranh đấu trong đơn độc như thế nào, và đã bị trả thù như thế nào, nhưng ông đã hoàn thành được tâm nguyện là đưa được tập thơ Hoa Địa Ngục này đi khắp thế giới. Cơ duyên giúp ông viết được cuốn hồi ký Hỏa Lò là thời gian ông được mời qua Pháp sinh sống trong một năm ở nơi yên tịnh, nhưng ông vẫn không hoàn tất được cuốn hồi ký vì đầu óc không còn khả năng tập trung. Nhưng sau đó, ông được mời ở thêm một năm nữa ở một vùng yên tĩnh khác của nước Pháp và tùy ông muốn viết gì thì viết, nhờ vậy mà ban đầu ông không định viết, nhưng sau hai năm sống tĩnh lặng, ông đã hoàn thành được cuốn hồi ký Hỏa Lò trên 300 trang giấy – để lại cho hậu thế một giai đoạn oan khiên của lịch sử.
Chương trình còn có sự đóng góp của ca nhạc sĩ Việt Khang với hai tác phẩm mới của anh, và ca sĩ Thu Sương từ Pháp qua, và kết thúc vào lúc 4:30pm cùng ngày. Chương trình giỗ lần thứ 7 nhà thơ ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện đã thành công không những ở ý nghĩa của Buổi Chiều Tưởng Niệm nhà thơ tại nhà hàng Moonlight, mà còn ở sự ủng hộ nồng nhiệt của khán giả mua sách và thơ của NCT và nhiều mạnh thường quân về tài chánh giúp cho BTC trang trải những phí tổn cho ngày tưởng niệm. Xin tặng cho BTC một Bông Hồng để đánh dấu sự thành công này./.