BỘ MẶT THẬT CỦA Y TẾ THẾ GIỚI (Brian Vũ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

No photo description available.

TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI ĐÃ BỊ TRUNG CỘNG THAO TÚNG NHƯ THẾ NÀO ?

Không đơn giản chỉ “thiên vị Trung Quốc” như Hoa Kỳ đã tuyên bố hôm thứ Ba, 4/4/2020, Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO còn bị coi là đã bị hư hại, bị mua chuộc và bị thao túng nghiêm trọng bởi Trung Quốc. WHO đã thất bại với phản ứng thiếu quyết đoán của mình trước cơn đại dịch Ebola ở Tây Phi vào năm 2014, khiến hơn 11.000 người phải thiệt mạng.

Giờ đây, thêm một lần nữa, phản ứng chậm chạp đáng nghi ngờ của WHO đối với cơn đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán (hay còn gọi là China virus/ Covid-19) cho thấy WHO chỉ biết nghe lệnh Trung Quốc, sẵn sàng coi chính trị quan trọng hơn sức khỏe của cộng đồng thế giới. Những hành động đáng ngờ vực lâu nay của WHO để tâng bốc và bảo vệ Trung Quốc cho thấy tổ chức này cần có những thay đổi và cải cách.

Lâu nay, Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO với khoản đóng góp hơn 400 triệu đô la Mỹ vào năm 2019; trong khi đó, Trung Quốc chỉ đóng góp có 44 triệu đô la Mỹ. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã lên tiếng rằng Hoa Kỳ có thể sẽ treo khoản đóng góp của mình trong thời gian chính phủ Hoa Kỳ xem xét lại những hoạt động của WHO có minh bạch hay không.

Trong khi Hoa Kỳ là nguồn tài trợ tài chánh lớn nhất cho WHO, Bắc Kinh lại lén lút có những hoạt động không minh bạch đằng sau hậu trường để gây ảnh hưởng lên các nhà lãnh đạo của WHO. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám Đốc hiện tại của WHO, bằng cách nào đó, đã được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử. Tedros là một lựa chọn gây tranh cãi, bởi tay này đã từng bị cáo buộc đã cố tình dấu giếm và che đậy sự bùng phát dịch tả ở quê hương Ethiopia của ông ta, nơi ông ta từng giữ chức Bộ Trưởng Y Tế từ năm 2005 đến 2012 và Bộ Trưởng Ngoại Giao từ năm 2012 đến 2016.

Thời gian đó, với mưu đồ chính trị, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Ethiopia và hào phóng cho nước này vay hàng tỷ đô la Mỹ. Liền theo đó, ngay sau khi đã giành được chiếc ghế Tổng Giám Đốc tại WHO, Tedros đã khăn gói lên đường tới chầu Bắc Kinh và đã không ngớt lời ca ngợi hệ thống y tế của Trung Quốc. Y ta thậm chí còn mở miệng phát ngôn rằng “Chúng ta có thể học được nhiều điều từ Trung Quốc”.

Sau khi đã giành được chiếc ghế Tổng Giám Đốc WHO, dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc, Tedros/ WHO đã ngoan ngoãn chấp nhận những tuyến bố dối trá của Trung Quốc về virus viêm phổi Vũ Hán và đã hết sức giúp che chắn cho Trung Quốc thông qua các đánh giá sức khỏe cộng đồng hết sức mơ hồ và thiếu cơ sở.

Ngày 14 tháng 1, 2020, trong khi chưa hề đến Trung Quốc để kiểm tra thực tế tình hình dịch bệnh virus viêm phổi Vũ Hán, tổ chức này đã tỏ ra vô trách nhiệm trong việc lặp lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng “không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy virus lây từ người sang người”.

Hai tuần sau đó, sau khi Trung Quốc đã báo cáo là có hơn 4.500 trường hợp bị lây nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán và cùng lúc, có hơn 70 người ở các quốc gia khác cũng bị lây nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán, Tedros đã đến Trung Quốc và vẫn trơ trẽn dành nhiều lời khen ngợi cho Trung Quốc về “sự minh bạch” của họ.

Hãy nhớ lại rằng Trung Quốc đã đợi sáu tuần sau khi bệnh nhân lần đầu tiên có các triệu chứng ở Vũ Hán mới tiến hành phong tỏa thành phố đó. Trong thời gian này, chính quyền Trung Quốc đã kiểm duyệt chặt chẽ thông tin và trừng phạt các bác sĩ cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo mọi người, liên tục phủ nhận việc virus Vũ Hán có thể lây truyền từ người sang người, và tổ chức một bữa tiệc cộng đồng ở Vũ Hán cho hàng chục ngàn gia đình. Trong khi đó, đã có đến hơn năm triệu người đã di tản hoặc bỏ chạy khỏi Vũ Hán, theo lời thị trưởng thành phố Vũ Hán. Trong số này, có cả những bệnh nhân là những trường hợp lây nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên được xác nhận ở Ý và Mỹ.

Cuối cùng thì WHO cũng đã phải lên tiếng tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp vào ngày 30 tháng 1, 2020, sau khi đã có gần 10.000 trường hợp lây nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán đã được xác nhận. Con số báo cáo của Trung Quốc lúc này đã tăng lên vào đầu tháng 2 lên đến hơn 17.000 ca lây nhiễm và đã có 361 trường hợp tử vong, nhưng Tedros đã phê phán ông Trump vì hạn chế đi lại từ Trung Quốc và kêu gọi các nước khác không làm theo. Ông ta còn nói rằng tình hình virus lây lan bên ngoài Trung Quốc là “rất ít và chậm”.

Mãi cho đến khi bị áp lực quá lớn bởi dư luận thế giới, phải đến ngày 11 tháng 3, 2020, WHO mới chịu mở miệng tuyên bố là thế giới đang gặp phải một cơn đại dịch. Khi lời tuyên bố này được WHO đưa ra, thì tại thời điểm đó, số trường hợp được ghi nhận chính thức trên toàn thế giới đã là 118.000 ca tại 114 quốc gia.

Ảnh hưởng của Trung Quốc cũng rõ ràng trong việc WHO loại trừ Đài Loan. WHO thậm chí còn không thèm trả lời các câu hỏi của Đài Loan vào tháng 12 về việc liệu coronavirus, trái với tuyên bố của Bắc Kinh, có thể lây từ người sang người hay không.

Tháng trước, trong một buổi họp báo online qua video, một phóng viên của truyền hình Hồng Kông đã hỏi Bruce Aylward, người dẫn đầu một phái đoàn của WHO và Trung Quốc về virus viêm phổi Vũ Hán, rằng liệu tổ chức này có xem xét lại việc họ đã từ chối cho phép Đài Loan gia nhập WHO hay không. Tiến sĩ Aylward, qua video, vẫn ngồi bất động và im lặng trong gần 10 giây trước khi phóng viên phải nhắc lại một lần nữa.

“Tôi xin lỗi”, cuối cùng anh ta cũng phải miễn cưỡng trả lời, “Tôi không nghe rõ câu hỏi của chị, Yvonne”.
Người phóng viên nhắc lại câu hỏi, và Aylward lên tiếng trả lời.
“Không, không cần. Hãy chuyển sang một câu hỏi khác vậy”.

Khi phóng viên xoáy tiếp vào câu hỏi Đài Loan để bắt buộc anh ta phải trả lời thì anh ta ngắt kết nối. Không bỏ qua, phóng viên gọi lại và thử một chiến thuật khác: “Tôi chỉ muốn hỏi xem liệu ông có thể bình luận một chút về cách Đài Loan đã làm cho đến nay để ngăn chặn virus hay không?”.

Cực chẳng đã, anh ta đã phải miễn cưỡng trả lời: “À, chúng ta đã nói về Trung Quốc, và, chị biết đấy, nếu chúng ta nhìn qua tất cả các khu vực khác nhau của Trung Quốc, họ đều thực sự đã làm rất tốt rồi.”.

Cuộc trao đổi cho thấy WHO đã ưu tiên chính trị như thế nào so với sức khỏe cộng đồng. Họ chỉ biết cúi đầu ngoan ngoãn vâng lệnh của Bắc Kinh về Đài Loan và tìm cách ca ngợi các nhà lãnh đạo Trung Quốc bất cứ lúc nào có thể được. Trong suốt cuộc khủng hoảng virus viêm phổi Vũ Hán, WHO chưa bao giờ điều tra một cách cụ thể và minh bạch về các tuyên bố của chế độ cộng sản Trung Quốc về virus Vũ Hán. WHO cũng tỏ ra mập mờ và không minh bạch về những suy nghĩ của họ đằng sau các quyết định của mình.

Là người đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO, Hoa Kỳ hoàn toàn có tư thế và có đủ lý do để thúc đẩy các cải cách triệt để tại WHO. Quốc Hội Hoa Kỳ cũng nên đưa ra điều kiện cho tất cả các khoản đóng góp trong tương lai là WHO phải giải thích chi tiết về cách thức đạt được các quyết định về y tế cộng đồng, đồng thời nên điều tra chặt chẽ và độc lập về mức độ bùng phát dịch bệnh virus Vũ Hán.

Hoa Kỳ cần phải làm việc tích cực nhiều hơn để thay đổi ban lãnh đạo của WHO cũng như cải cách phương thức làm việc của họ. Chính phủ Hoa Kỳ đã có những khởi đầu tốt vào tháng 1, 2020 bằng cách tạo một đặc phái viên tại Bộ Ngoại Giao chuyên ngăn chận và chống lại những cố gắng của Trung Quốc nhằm kiểm soát các tổ chức hoặc định chế quốc tế. Chắc chắn qua cơn đại dịch này, Tổng Giám Đốc tiếp theo của WHO sẽ không thể là một con rối tay sai ăn tiền của Bắc Kinh.

Nếu những nỗ lực để thay đổi WHO không hiệu quả, Hoa Kỳ có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cần phải rút khỏi tổ chức này và bắt đầu lại từ đầu. Điều đó có thể có nghĩa là thành lập một tổ chức y tế khác thay thế và sẵn sàng mở cửa cho bất kỳ quốc gia nào tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn về minh bạch, quản trị tốt và chia sẻ các thông lệ tốt nhất. Thế giới cần một tổ chức y tế đáng tin cậy hơn để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng vượt ra khỏi biên giới các quốc gia. Nếu WHO không làm được việc đó, thì chúng ta cần phải lập ra một tổ chức khác tốt đẹp và minh bạch hơn WHO.

Tác giả: Lanhee J. Chen là thành viên Viện Hoover và là Giám Đốc Nghiên Cứu Chính Sách Trong Nước tại chương trình chính sách công của Đại Học Stanford.

(Sài Gòn trong tôi/ Brian Vu/ theo Lanhee J. Chen/ The Wall Street Journal, 08/04/2020)