BIẾT ĐẾN BAO GIỜ- Thơ NGUYỄN CHÍ THIỆN- Nhạc & trình bày PHAN VĂN HƯNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Từ kỷ niệm thân thương của những ngày tháng cũ thắp thoáng “chiếc áo hoa hiên bạc màu” quen thuộc mà Mẹ ông thường mặc trong những ngày giỗ tết, nhất là trong những giờ phút lắng đọng tâm hồn nghĩ tới người con xa cách trong lời nguyện cầu tha thiết… người thơ cảm thông được tấm lòng bao la như trời biển của song thân ông. Bài thơ “Biết đến bao giờ” sau đây đã được viết ra trong tình huống ấy. Nó khơi gợi trong ông những giấc mơ thật tầm thường. Đó là được trở về với căn gác nhó, với bữa cơm rau miễn sao gần Thày, gần Mẹ để thấy lại trong hốc mắt các ngài một niềm vui. Tầm thường, nhỏ bé như thế nhưng không dễ gì có thể thực hiện khi tác giả nhìn xuống thân phận mình, một tù nhân không án, đang bị“lũ tàn hung nắm cuộc đời! Dù vậy ông vẫn chưa nguôi niềm hy vọng được trở về mái nhà xưa để cùng Cha Mẹ rau cháo qua ngày. Giấc mơ của tác giả cũng là giấc mơ của hàng ngàn hàng vạn tù nhân lương tâm giữa lòng đất nước ta, hôm qua và hôm nay.

Biết đến bao giờ con trở lại

Gia đình xum họp bữa cơm rau

Được thấy, được nhìn trong hốc mắt

Thày gầy, Mẹ yếu một niềm vui!

Con biết đời Thày, đời Mẹ khổ

Thân già cam vất vả ngày đêm

Nhưng làm sao, biết làm sao được!

Khi chính lòng con cũng dập vùi

Trong những đêm dài thao thức tỉnh

Con nằm cho tất cả buồn đau

Vò xé lòng con chừng đứt đoạn

Con sợ rồi đây nhỡ tuổi già…?!?!

Ôi, trán mồ hôi con vã lạnh!

Sau phút tàn canh chợp mắt nằm

Con trót mơ về căn gác nhỏ

Bên Thày, bên Mẹ sống thương yêu

Nhưng làm sao, biết làm sao được!

Khi lũ tàn hung nắm cuộc đời!

Con vẫn nằm mơ căn gác nhỏ

Bên Thày, bên Mẹ, bữa cơm rau!

(“Biết đến bao giờ” trang 135/136 HĐN – năm 66)