BÀI VIẾT RẤT HAY VỀ NHẠC SĨ TỪ CÔNG PHỤNG (giáo sư, nhà văn BÙI BÍCH HÀ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhiu người vn thc mc v s tan v ca cđôi Ca Nhc sĩ T Dung & T Công Phng… và đây , mt chút s tht qua ngòi bút ca nhà văn BBH – bà va ra đi, th 83 tui

CHÚT TÌNH XƯA.

* Bùi Bích Hà

Trong không khí hoang mang, buồn bã của những ngày đầu sau biến cố 30 Tháng Tư 1975, chúng tôi tình cờ quen biết nhau.

Từ ngã năm Bình Hòa, Gia Ðịnh, gia đình đôi song ca Từ Từ – như cái cách họ được gọi bởi bạn bè thân quí và các thính giả ái mộ – gồm Từ Công Phụng, Từ Dung và cháu Ý Uyên, thường đến nhà tôi ở khu cư xá Phú Nhuận vào buổi chiều, khi trời đã sẫm tối. Cả ba cùng nôm trên chiếc Honda 50 phân khối, chồng lái, vợ ôm lưng, cô con gái nhỏ ngồi trên cái bình xăng. Có hôm xe hết xăng, Phụng nhìn tôi, cười thay cho câu hỏi: “May ra chị còn?” Chúng tôi thân nhau đến nỗi Phụng biết tôi có mẹ già, nhà lúc nào cũng phải dự trữ một chai xăng phòng khi đêm hôm cơ lỡ cần di chuyển. Có hôm đúng bữa, mẹ con tôi đang chuẩn bị ăn cơm, kéo luôn 3 nhân khẩu nhà anh vào, vét nồi niêu sạch bóng.

Dù ăn hay không ăn, cứ mỗi khi tới nhà, dựng xong cái xe và vào bên trong là Phụng co chân ngồi lên ghế, vớ cây đàn ghi ta dựng ở một góc và nẩy vài nốt nhạc mở đầu rồi hát theo. Có khi Từ Dung phụ họa, tôi và các con tôi lắng nghe. Giọng của Phụng trầm ấm, đôn hậu, phảng phất buồn, mang trong nó tình yêu, ước mơ hiền hòa và chút ray rứt nhẹ nhàng về một điều gì mãi trôi chảy ngoài tầm tay. Giọng của Dung trong trẻo, tôi nghĩ chỉ để làm nền cho Phụng, như đường phèn làm nền cho những hạt đậu phọng rang chín tới, đậm đà, nhiều hương vị.

Chúng tôi ngồi với nhau đến khuya, dưới ánh đèn dầu lù mù của những đêm cúp điện, chia nhau nỗi lòng của những người thấy mình lơ lửng ở một quãng đường không biết sẽ đưa họ về đâu? Những khi không có câu hỏi và câu trả lời, trong không gian im ắng của căn nhà đóng cửa, mỗi người yên lặng theo đuổi ý nghĩ riêng mình.

Tính Phụng ít nói nhưng khi nói, anh hay bắt đầu với một nụ cười đọng ở khóe môi và ánh nhìn lấp lánh của đốm lửa nhỏ trong lò sưởi.

Thời gian chúng tôi quen biết nhau không bao lâu, giữa khoảng 1977 cho đến khi gia đình Phụng vượt biển cuối năm 1979, chia cắt bởi nhiều biến cố đau thương cho cả hai gia đình.

Ðó cũng là quãng đời ghi dấu nhiều kỷ niệm của một tình bạn dệt bằng quá nhiều mất mát và khổ đau mà bây giờ, mỗi khi có dịp nhìn lại, tiếc nhớ dâng lên tràn ngập lòng tôi như biển mặn.

Bề ngoài xem ra Phụng là người dễ thích nghi với hoàn cảnh nhưng tôi đoán không do bản tính mà do kinh nghiệm Phụng biết phải đối phó với những điều bất như ý cách nào để bảo vệ mình cho những điều anh chọn lựa, yêu quý và muốn gìn giữ.

Nói cách khác, Phụng chấp nhận trả giá cao cho những gì anh nhận được từ con người và cuộc đời. Tôi không biết những năm tháng tuổi trẻ của anh ở Ðà Lạt với rừng cao, suối sâu, quanh năm mưa phùn và sương mù, có để lại ảnh hưởng nào trên nhân sinh quan của anh hay không song ở anh có sự ẩn mật nhưng không khó hiểu, sự giản dị không có dấu hỏi nào đi kèm cho người quen biết anh.

Tôi còn nhớ buổi trưa mùa Hè nắng nung nấu cả một Sài Gòn sau 75, khô khốc, nghèo nàn, trần trụi, tôi ghé thăm gia đình anh ở ngã năm Bình Hòa. Tôi đến bất ngờ, Phụng khoe nhà có gạo và có miếng thịt bò ai mới cho. Phụng bảo Dung thổi cơm, bảo tôi thái thịt hộ (cho đúng sứa kẻo dai) và Phụng xách cái cà mèn ra đầu ngõ mua cà chua với bát canh gì đấy để bữa ăn có tý nước.

Sau bữa ăn, chúng tôi nói năm ba câu chuyện trên trời, dưới đất xong, Phụng lại cầm đàn và hát. Dường như nỗi vui được hát, được đàn cho mình và cho nhau nghe, đã bắt đầu ngay từ lúc Phụng ung dung cầm cà mèn đi ra nắng để mua mấy thứ lặt vặt.

Tôi nghiệm ra, thay vì ngồi đấy mà than trách cuộc đời ngắn ngủi và nhiều thử thách cam go, Phụng biết làm cho mỗi khoảnh khắc sống là một giá trị, ít nữa cũng là một điều tốt lành.

Ở bên cạnh anh, không ai cảm thấy có điều gì phải phàn nàn.

Có một lúc chúng tôi mở chung một quán cà phê nhỏ trên đường Trương Tấn Bửu. Mỗi tối, quán mở cửa lúc 6 giờ. Tôi pha chế thức uống, Dung phụ tiếp khách và Phụng làm công việc hầu bàn. Vì bận các con còn bé, tôi chỉ giúp anh chị vài tháng để anh chị quen công việc. Ðêm Noel năm cuối cùng, sau khi tiệm đóng cửa, anh chị tạt qua nhà tôi, rủ nhau xuống phố xem thiên hạ đón Giáng Sinh thế nào?

Chúng tôi chạy xe lang thang qua nhiều ngả đường tối om, vẫn thưa thớt có nhà còn treo đèn ngôi sao ngoài cửa, thấy nơi nào có tiệm cà phê là gọi nhau dừng lại xem giá cả của họ rồi cả bọn phá ra cười ngặt nghẽo vì không biết làm gì khác.

Tôi nói Noel cuối cùng vì sau đó, nhiều bất trắc đã xảy ra, đẩy chúng tôi về những hướng đi cách biệt.

Lúc ấy, trong hoàn cảnh ảm đạm của Sài Gòn những năm cuối thập niên 1970, không ai nhìn thấy dù chỉ le lói chút ánh sáng ở cuối con đường tuyệt vọng nên cả thành phố nhao lên chuyện vượt biên. Gia đình Phụng đi một chuyến bất thành, trở về.

Phụng nói: “Thủy triều lên quá nhanh, nước dâng ngập quá ngực, tôi đôn cháu Uyên trên vai nhưng mọi người chen chúc hỗn loạn mà thuyền lớn thì đậu xa bờ vì sợ người đi hôi tràn ngập nên đành phải quay lại thôi!”

Phụng kể bằng một giọng bình thản, vẫn nụ cười trên môi và ánh mắt lấp lánh. Ðối với Phụng, dường như thất bại trong một ước muốn hay toan tính là chuyện đời bình thường.

Sau lần thử thách này, chúng tôi ít gặp nhau vì Phụng thường xa thành phố để tự lo kế hoạch vượt biển cho gia đình. Quán cà phê đóng cửa. Kế hoạch của Phụng không thành công và gia đình anh chị tan vỡ trong lặng lẽ. Như chiếc bong bóng nước vỡ rất khẽ trong cơn mưa giông bất ngờ.

Thời gian trôi qua không biết bao lâu, một hôm tôi lại nhìn thấy Phụng trên chiếc xe Honda quen thuộc nhưng thiếu cháu Ý Uyên trên cái bình xăng và sau lưng anh không còn Dung mà là một phụ nữ khác với khuôn mặt sáng và nụ cười đầy đặn. Chúng tôi chào nhau, mừng gặp gỡ rồi chia tay.

Ít lâu sau, một buổi tối đã khá muộn, Phụng đột ngột đến nhà tôi. Anh bước thẳng đến chỗ cái sofa quen thuộc tôi đang nằm dưỡng bệnh vì cháu Thái Hà vừa mất, ngồi thụp xuống, cầm tay tôi và nói nhỏ đủ cho hai chị em nghe: “Chị H, ngày mai tôi và cháu Uyên đi rồi, tôi đến thăm và chào chị. Chị cố giữ gìn sức khỏe kẻo tội bà cụ và mấy đứa bé.”

Phụng dúi vào tay tôi số tiền tôi nhớ là nhiều lần hơn số tiền tôi san sẻ cho Phụng cầm đỡ khi cháu Ý Uyên phải vào nhà thương vì sốt viêm màng não. Tôi từ chối thì Phụng úp bàn tay tôi lại, điềm đạm và cương quyết: “Không là bao nhiêu nhưng chị sẽ cần.” Rồi Phụng vội vã ra về.

Nước mắt ướt đầm tay áo, tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho Phụng, cháu Uyên và gia đình mới của anh lên đường được bình an. Qua bữa sau, Dung đến tìm tôi lúc xế trưa, thì thầm: “Em nhờ chị đến cái địa chỉ này, xem Phụng và cháu Uyên đã đi chưa?”

Tôi gượng dậy, thuê xe đi ngay. Giờ đây, nhắc lại chuyện cũ, tôi nhớ mang máng là tôi đã đi bộ qua một khu chợ nghèo sình lầy, chỉ còn mấy dãy lều trống hoác trong ánh chiều tà hiu hắt.

Căn nhà mang số Dung ghi cũng trống trơn, không có người. Tôi đứng bơ vơ trên cái sàn gỗ ghép bằng những mảnh ván thưa, nhìn xuống thấy mặt nước đen ngòm bên dưới.

Một người đàn bà đi qua, nhìn vào và nói bâng quơ: “Kiếm mấy người vượt biên úm ở đây hả? Ði hết rồi.” Lộn trở ra con đường lầy lội cũ trong buổi chiều đã tắt nắng, tôi vừa mừng cho bạn, vừa nghe lòng nhẹ hẫng, trống trải, như vừa mất mát một điều gì từng khăng khít với tôi vô cùng nhưng từ nay không còn nữa.

Thời gian sau, tuy vẫn còn lây lất sống trong thành phố nhưng tôi không có lần nào gặp lại Dung. Qua bạn bè chung, tôi biết tin gia đình Phụng tới đảo bình an và Dung sinh thêm một con gái.

Tuy kỷ niệm buồn vui giữa chúng tôi không nhiều nhưng tình thân của chúng tôi đẫm nước mắt của những cuộc chia ly xé lòng không hẹn trước, khiến phần tôi, dù không biết cách nào để diễn tả, mỗi khi ký ức ôn lại quãng đời này, tôi không thể ngăn được nỗi đớn đau cồn lên trong ngực, làm nước đầy lên hai mắt.

Phụng là một người bạn trung hậu, trọng thâm tình và chữ tín. Anh nói ít, nghĩ nhiều, làm đầy đủ. Anh giao du với ai, cũng để lại mỹ cảm khi rời xa, không quá đậm đà nhưng bền bỉ.

Phụng là một nghệ sĩ mực thước, theo tôi, khá hiếm hoi. Anh yêu vẻ đẹp của đời sống nên biết tạo ra sự hài hòa để vẻ đẹp ấy tồn tại và rực rỡ. Anh nhường nhịn, sẵn sàng quên mình. Một mai xa nhau, người cho tôi tạ lỗi… thấy trong sự quên mình ấy, hình ảnh con phượng hoàng bay lên từ lửa đỏ.

Phụng là một nhạc sĩ tinh tế. Cứ đọc nguyên tác những bài thơ do Phụng phổ nhạc để thấy khả năng chọn lọc chữ nghĩa và thi tứ của Phụng, hoàn hảo đến ngạc nhiên, từ “Hạnh Phúc Tôi” đến “Tạ Ơn Em.” Cảm giác như Phụng là một người làm vườn mạnh tay khi cần. Anh tỉa cắt đến tận cùng để chỉ giữ lại tinh hoa tuyệt mỹ của một dáng cây bonsai nghệ thuật.

Phụng là một ông bố kham con và thương yêu con hết mực. Tất cả niềm vui sống của anh, ngoài cung đàn, tiếng hát, khuôn nhạc, dành hết cho con, kể cả tự do của một ông bố nghệ sĩ, sống tràn đầy và ít bộc lộ.

Sau cùng, Phụng là một người đàn ông thủy chung. Anh viết nhạc, anh hát cho tình yêu đời đời, kiếp kiếp. Tình yêu như suối nguồn, róc rách, trong trẻo, dịu dàng len qua những ghềnh đá, nuôi dưỡng tâm hồn anh và không bao giờ cạn.

Dù sau này ra hải ngoại, nhiều lần tôi được nghe và nhìn Phụng hát trên sân khấu, trong thính phòng đầy ắp người hâm mộ nhưng với tôi, tiếng hát của anh luôn là tiếng hát rất cô đơn, thật thà, không son phấn, của riêng bạn bè với một cây ghi-ta gỗ.

Tiếng hát của anh xa vắng, như gió lùa qua vòm cây, đánh thức những khóm lá cho chúng đùa vui dưới ánh trăng. Tiếng hát của anh làm lay động những khóm hoa, cho chúng thả hương bát ngát giữa trời khuya.

Tiếng hát của anh gọi dậy vùng ký ức ru êm những mơ ước không đạt của đời người. Mà anh không chỉ hát, anh diễn tả bằng thanh âm một nội dung đầy tình tự, khắc khoải, cố vươn tới người nghe như một đền tạ mọi ân tình đã đến cùng anh.

Ðứng trên sàn diễn, trong những bộ complet may cắt khéo, dường như Phụng luôn có nỗi ngượng ngùng của một người không đứng ở đúng cái chỗ của mình.

Khoảng giữa năm 2010, bạn bè được tin anh lâm bệnh sau chuyến về trình diễn ở Cali.

Vợ con lo lắng.

Bạn bè quan tâm.

Anh nghĩ gì, không ai biết. Qua điện thoại, vẫn được nghe cái giọng điềm đạm cố hữu, thấp thoáng nụ cười hiền hậu đã gắn liền với nhân dáng anh như từ khi mọi người biết anh.

Riêng tôi mừng cho anh vì chị Ái là một người vợ tận tụy trong tình yêu. Tôi biết anh được chăm sóc kỹ lưỡng, được bảo bọc trong tình gia đình là tổ ấm đúng nghĩa của danh từ này. Anh là người cẩn trọng, chắt chiu dành dụm, nào biết để khi cần, được nhận lại.

Bởi vì, anh sẵn sàng làm chiếc que diêm, một lần lóe lên, thắp đời em sáng lung linh… Phần anh, buồn một cõi riêng…

Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ được yêu thích từ thập niên 1960, 1970. Nhạc của ông lãng đãng, bàng bạc như hơi thở của người yêu, với giai điệu sâu lắng cùng lời hát trữ tình làm say mê giới trẻ trên làn sóng điện, tại các quán cà phê, phòng trà ca nhạc miền Nam sau năm 1963.

Từ Công Phụng với nhạc bản đầu tay “Bây giờ tháng mấy” sáng tác năm 1960, khi ông mới 18 tuổi và được phổ biến lần đầu tiên trên đài phát thanh Đà Lạt ba năm sau đó đã đưa người nghe vào một thế giới tuyệt vời, huyền diệu của tình yêu. Nhưng ông cho biết không có bóng dáng một thiếu nữ nào đằng sau tình khúc này, mà đó là kết tinh của những bản nhạc ông thường nghe hàng đêm của các nhạc sĩ nước ngoài lẫn trong nước như những tình khúc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Phạm Duy ..

“Hồi đó mình mới lớn mình đâu có dám yêu ai đâu. Nhát thấy mồ,” ông tâm sự với VOA.

Sau “Bây giờ tháng mấy” bản tình ca “Mùa Thu mây ngàn” ra đời kế tiếp cũng được giới yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng bị kẹt lại miền Nam Việt Nam sau ngày 30/4/1975 và mãi đến năm 1980 ông và gia đình một vợ 8 con mới vượt biên thành công, sang Mỹ định cư. Trong thời gian 5 năm sống dưới chế độ cộng sản, ông vẫn tiếp tục sáng tác tình ca.

“Vẫn là những bài tình ca nhưng nó đượm một cái vẻ cuộc đời nhiều hơn là thuần túy tình ca. Sau này khi đời sống mình tạm thời ổn định rồi thì tôi viết lại tình ca nhưng nó cũng phảng phất những đời sống ở trong đó với cái nhìn sâu sắc hơn ví dụ như bài ‘Đời bỗng phù du’ với những câu như ‘Tôi như người du mộng trong cuộc đời bềnh bồng, ngó theo đời quạnh hiu, buồn vây theo năm tháng,’ nhạc sĩ Từ Công Phụng chia sẻ.

Với tâm hồn nghệ sĩ nhìn đâu cũng thấy nhạc, nghe nhạc, nên trong những ngày lênh đênh trên biển trong hành trình vượt biên, ngắm nhìn những cánh chim bay, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã dệt nên những ca từ của nhạc bản ‘Qua vùng biển nhớ’

“Như cánh chim bay giữa vùng biển nhớ mênh mông,
Dạt về đây nghe sóng vỗ hồn sầu…”

Đặt chân lên đất Mỹ, ông đã cho ra đời bài hát ‘Khi tôi đến nơi này’ để mô tả sự khác biệt lớn lao giữa lối sống tại Mỹ và cuộc sống ở Việt Nam.

“Khi mình sống ở dưới thời Cộng sản nó khác, nhưng qua bên này nó khác, khác lắm. ‘Khi tôi đến nơi đây, nắng rực rỡ ngoài khoan trời xa, mà lòng tôi thấy rộng mở những thiên đường’.”

Thời gian đầu tới Mỹ, ông cư ngụ tại tiểu bang Iowa, đi học nghề in trước khi chuyển sang bang Oregon. Tại đây, ông đã mở nhà in kiếm sống, lo cho gia đình.

“Lúc đi qua đây, tôi phải đi kiếm một cái nghề tôi học, tôi làm để kiếm tiền. Đời sống của tôi không phải là một đời sống nghệ sĩ. Tôi không thích phải làm nghệ sĩ để kiếm tiền tại vì mình là sinh viên ngày trước và mình có khả năng mình học mà, tại sao mình không đi học. Tôi kiếm một nghề thực tế lúc bấy giờ là nghề in. Tôi có mấy cuốn sách muốn in và thích tự mình ấn loát mấy cuốn sách của mình. Tôi học in ở Iowa, tôi sửa soạn xong hết mới qua Portland. Lúc bấy giờ tiền bạc không có, nghèo lắm, hai vợ chồng một đàn con, phải kiếm sống hàng ngày, làm bất cứ việc gì cũng được miễn sao đúng nghề của mình để kiếm tiền nuôi gia đình. Cũng có một thời gian tôi đi dạy học ở mấy trường trung học,” ông hồi tưởng trong cuộc trò chuyện với VOA.

Từ Công Phụng trong một buổi sinh hoạt văn nghệ
Từ Công Phụng trong một buổi sinh hoạt văn nghệ

Cuộc sống vất vả, nhưng ông vẫn sáng tác.

“Mình vẫn viết đều lắm, khi nào cảm thấy hứng là viết, tại vì không ai bắt buộc mình viết cả.”

Được hỏi là trong giai đoạn ấy, giữa khung cảnh phải vất vả vì cơm áo gạo tiền, những cảm tác của ông có gì thay đổi không, nhạc sĩ Từ Công Phụng cho biết: “Dĩ nhiên là mình càng sống mình càng cảm thấy có sự thay đổi trong đời sống mình. Mình nhìn đời sống sâu sắc hơn. Cơm áo là một chuyện, âm nhạc là một chuyện khác. Khi nào mình viết nhạc, mình không bị những cái đó nó ảnh hưởng đến mình. Có nhiều người nhờ tôi làm thế này, làm thế kia tôi không làm, trả tôi một số tiền tôi không lấy, đại khái như vậy. Tôi không lệ thuộc vào cái đó.”

Nhạc sĩ Từ Công Phụng sử dụng thành thạo cả đàn guitar lẫn đàn piano, nhưng khi sáng tác, ông thường dùng đàn guitar và đôi khi tự xướng âm và sau đó dùng đàn để trau chuốt lại.

“Thường thường cảm giác từ âm nhạc tới và một câu nhạc đầu tiên nào đó. Xong mình ghi lại, mình phát triển ra. Thỉnh thoảng hay có những dòng âm thanh nó bay ngang trong đầu mình, mình thấy hay mình viết lại nhưng thỉnh thoảng nó lướt qua trong đầu rồi nó biến mất không biết ở đâu nữa. Cảm hứng suy nghĩ ra âm nhạc của mình là những kỷ niệm.”

Về cung bậc của những nốt nhạc được sử dụng trong các bản nhạc của Từ Công Phụng, nhạc sĩ cho biết ông thích sử dụng âm giai trưởng (major) hơn là thứ (minor).

“Thường thường những bài hát của tôi, tôi viết bằng major nhiều hơn là minor. Major mỗi gam mỗi khác, nhưng nhạc cũng có thể buồn được bằng major hay minor, nhưng minor buồn da diết, nó thảm lắm, tôi không thích. Mình buồn nhưng là buồn man mác là được rồi, không có bi lụy.”

Hiện nay, nhạc sĩ Từ Công Phụng đang phải chống chọi với 2 căn bệnh ung thư kéo dài đã 12 năm và bệnh tật đã ảnh hưởng nhiều đến nội lực sáng tác của ông.

“Nó cũng ảnh hưởng vì sức khỏe. Bây giờ tôi ngồi lâu không được, ngồi lâu mệt lắm. Người ngó mạnh khỏe vậy nhưng ngồi lâu mệt trong người. Muốn viết nhạc phải ngồi lâu, phải suy nghĩ nhiều, phải chọn lựa những âm thanh nào tốt, dễ nghe. Mình không ngồi lâu được nên sức sáng tác cũng kém đi. Tuy nhiên lâu lâu cũng được một vài bài, kiếp tầm nhả tơ mà. Có một số bài mới tôi tính in thêm một tập nữa nhưng chưa thực hiện được. Một trong những bài mới đó có tên gọi là ‘Bên dòng đời tịch liêu’ nói về cái cô đơn của mình trong cuộc đời, có câu kết luận như thế này ‘Ngồi đây một mình bên dòng đời tịch liêu và tôi bỗng thấy hồn mình sẽ tan vào vời vợi thinh không’.”

Từ Công Phụng và phu nhân
Từ Công Phụng và phu nhân

Ông cho biết nhạc khúc ‘Tình tự mùa Xuân’ là kết quả của mối tình của ông với bà Kim Ái, người vợ ông gặp sau biến cố 1975 và cùng đồng cam cộng khổ cho đến ngày nay, nên ca từ của bài hát rất tha thiết, mô tả sự gắn bó của đôi tình nhân.

“Em, lại đây với anh
ngồi đây với anh
trong cuộc đời này
nghe thời gian lướt qua
mùa xuân khẽ sang
chừng như không gian đang sưởi ấm những giọt tình nồng…”

Triết lý sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng gói gọn trong hai chữ ‘tình yêu.’

“Tôi quan niệm tôi ca ngợi tình yêu hơn là tôi chối bỏ tình yêu. Tôi ca ngợi tình yêu vì tôi nghĩ là rốt cuộc chỉ có tình yêu mới làm nên giá trị con người thôi. Không có tình yêu làm sao có được sự tiếp nối dòng đời, nhân loại. Tình yêu là cái tốt nhất trong cuộc đời người ta mà không ca ngợi thì ca ngợi cái gì nữa. Chính trị rồi cũng qua đi, chiến tranh rồi cũng qua đi, khác biệt về chính kiến làm nổ bùng chiến tranh rồi cũng hết, chỉ là giai đoạn thôi. Nhưng cái vĩnh cửu từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời kia cũng vẫn là tình yêu thôi.”

Chính vì tâm niệm đó, tác giả của ‘Mắt lệ cho người,’ ‘Giọt lệ cho ngàn sau,’ ‘Trên ngọn tình sầu,’ ‘Mùa xuân trên đỉnh bình yên’ cùng nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng khác nữa xứng đáng được mệnh danh là một trong những ‘nhạc sĩ của tình yêu’ của miền Nam trước 1975 và có lẽ là của nhiều thế hệ sau này nữa.

=======