Nhà văn Ngô Quốc Sĩ là bút hiệu của thầy Ngô Đức Diễm là giáo sư triết dạy các Trường trung học tại Nha Trang trước năm 1975 mà trong đó có Trường Trung Học Võ Tánh là nơi tôi theo học những năm cuối trước khi nhập ngũ vào quân đội VNCH.
Cơ duyên đưa đẩy thầy trò gặp nhau tại hải ngoại qua chiếc cầu thơ văn, qua tình thầy trò và qua cùng chung chí hướng chống chủ nghĩa cộng sản mà tập đoàn lãnh đạo VN đang xử dụng nó để nhân danh
Tháng tư lại về . Để tưởng niệm 45 năm ngày nước VNCH mất vào tay cộng sản mời quí anh chị đọc bài viết của thầy Diễm về bài thơ “ Thế giới này nào của riêng ai “ của Quan Dương . Cám ơn thầy Ngô Đức Diễm đã cùng cảm nhận và chia xẻ bài thơ của trò.
NỖI LÒNG LY KHÁCH
Ngô QuốcSĩ
Rời bỏ quê cha đất tổ đi tìm cuộc sống mới nơi đất khách quê người là một lựa chọn đắng cay, vừa thể hiện tính cách bi đát của lịch sử, vừa nói lên số phận hẩm hiu của dân tộc Việt Nam, phải xa rời bọc mẹ yêu thương mà lòng luôn quặn thắt mong ngày trở về. Hẳn nhiên cuộc sống tạm dung có nhiều thuận lợi vất chất cũng như tinh thần, nhưng không thể bù lấp niềm đau mất quê hương như vết thương lòng không thể băng bó hay khâu vá..Niềm đau xa quê và nỗi nhục đất khách đã thật sự đậm nét trong các dòng thơ của Cao Tiêu, Tô Thùy Yên, Thanh Nam, Trần Trung Đạo, Nguyễn Tấn Ích..Riêng Quan Dương, những năm tháng tạm dung tại quê hương thứ hai vẫn làm cho tác giả cảm thấy thiếu thốn và mất mát, với nỗi cô đơn hầu như tuyệt đối, không biết chia sẻ với ai.
Qua bài thơ “Nỗi Niềm”, Quan Dương đã cảm thấy lòng héo hắt vì lạc lõng giữa rừng người vô cảm, như túi cơm giá áo, chẳng biết gì đến nhân tình thế thái, làm cho tác giả cảm thấy lẻ loi như vầng trăng cô đơn giữa không gian mênh mông:
Trăng xứ người lẻ loi càng héo hắt
Giữa tình người áo vô cảm che thân
Nhớ củ khoai mì thất bát thuở trên rừng
Đồng đội chia nhau từng nhục vinh đất nước.
Nỗi cô đơn bi thảm đó càng đậm nét qua bài thơ “Thế Giới này Nào Của Riêng Ai?”. Nếu hình ảnh người tị nạn buồn “Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau. Rồi đêm khuya về trong đôi mắt sâu” của Nam Lộc đã làm nhiều người thổn thức, thì ở đây, Quan Dương lại thể hiện hình ảnh đó một cách bi đát hơn, xót xa hơn qua người khách trọ tr0ng phòng vắng, một mình chia sẻ nỗi cô đơn với con gián như bạn tâm giao. Người khách trọ là ai? Đó là một người Việt Nam, rời bỏ quê hương đến đây tìm đất sống. Đó có thể là một thuyền nhân, một người mang danh tị nạn cộng sản nào đó, một cựu tù nhân chính trị, và rất có thể là chính tác giả. Nói chung, đây là hình ảnh của một người mất quê hương, mất qúa khứ, mất tổ quốc! …Hình như có một khoảng cách thật xa giữa người khách trọ với xã hội chung quanh, với đồng loại, tạo nên khung cảnh cô đơn hầu như tuyệt đối. Thế giới tạm dung đã thu nhỏ lại, chẳng còn ai để cảm thông và chia sẻ, chỉ còn một mình người khách trọ với con gián, một sinh vật nhỏ bé và tầm thường, chẳng liên hệ gì đến cuộc sống con người, và thường bị con người ghét bỏ, tận diệt!
Khu chung cư căn phòng ẩm chật
Gã đàn ông đến từ Việt Nam
Có con gián là dân bản gốc
Có ban ngày và có ban đêm
Cũng cần nói thêm, quê hương tạm dung hẳn không thiếu thực phẩm mỹ vị cao lương, nhưng hình như người khách trọ chẳng mấy tha thiết với cuộc sống đua đòi, nhà cao cửa rộng, xe cộ bóng loáng, quán hàng nhộn nhịp, món ăn ngon miệng, mà chỉ thu mình vào căn phòng ẩm chật, làm bạn với con gián, với tô mì gói, để một mình gặm nhấm nỗi đau xa nhà, sống với ký ức buồn thảm và ngọn lửa đốt cháy quê hương:
Hắn mỗi sáng nấu tô mì gói
Ðun cà phê trên ngọn lửa buồn
Múc muỗng đường pha bằng ký ức
Quậy tháng ngày tiếng muỗng loong coong
Tất cả giờ đây trở thành cay đắng. Ngọn lửa bốc lên từng phiến buồn. Một hớp cà phê là một hớp cô đơn. Một cọng mì gói là một sợi sầu đất nước bỏ lại, nhai sao cho nhuyễn, nuốt sao cho trôi?
Nâng tách hớp cô đơn từng ngụm
Uống nỗi nhà tăm cá bóng chim
Ðôi đủa gắp cọng mì đất nước
Nhai điểm tâm trợn trạo nỗi buồn
Một mình đối diện với nổi cô đơn, không có đồng đội, đồng hương hay đồng loại để chia sẻ, nhưng vẫn có một an ủi nhỏ là sự đồng cảm của con gián trong nỗi mất mát toàn diện. Trong cô đơn, tác giả đã khám phá ra một chân lý về tình đời. Không phải chỉ có tình người giữa nguời với nguời, gọi là tình đồng loại. Tình đời còn trải rộng ra tận muôn loài vạn vật. Người ta đã nói nhiều về những con chó nằm chết trên mộ chủ, những con ngựa mang xác chủ về giao cho người thân. Ở đây, Quan Dương đã đọc thấy tình nghĩa của con gián dành cho người khách trọ như một vỗ về nỗi đau mất nước của người tị nạn Việt Nam:
Con gián chia cọng mì rơi vải
Như một phần thân thể Việt Nam
Hai cọng râu nhíu mày chụm lại
Cuộc sinh tồn như một phản năng
Qúa đau xót trước hiện thực đau buồn, nên khi đêm về, người khách trọ đã phải tìm cách chạy trốn thực tại, trùm kín chăn để nuốt lệ, hy vọng vơi bớt nỗi đau dân tộc. Nhưng bi đát thay, càng cố nuốt lệ thì nước mắt càng tuôn chảy. Giòng thương nhớ không thể cạn vơi và từng cơn đau quặn lên thành tiếng nấc như thể tiếng quốc kêu trong đêm vắng:
Hắn mỗi tối trùm chăn kín mít
Chiếc nệm giường cọt kẹt kêu đau
Uống không cạn, uống hoài nước mắt
Tháng ngày qua lặng lẽ bạc đầu
Đâu có ai cùng uống với ta giòng lệ sầu mất nước. Bao người quanh ta đang đang đuổi theo cuộc sống phồn vinh hạnh phúc! Bao người khác lại mất gốc, xa cội quên nguồn, không muốn bận tâm về qúa khứ đau buồn! Thậm chí còn còn có người trở về bên kia khoe khoang hưởng thụ trên nuớc mắt đồng bào hay còn hợp tác với chế độ đày đọa dân tộc! Mỉa mai thay! Chỉ có c0n gián thắm đượm tình người, cùng thổn thức nhỏ lệ với ly khách:
Con gián đứng nhìn từ kẹt cửa
Lắng im chia những tiếng thở dài
Phòng ẩm chật ngăn hai thế giới
Thế giới này nào của riêng ai
Những tiếng thở dài não nuột chỉ khẽ thốt ra theo từng hơi thở và chỉ có con gián lắng im đứng nghe. Đó là tiếng con tim thổn thức nhớ về quê hương đang thoi thóp trong vũng lầy tăm tối, phía sau những phồn vinh giả tạo với biệt phủ, cao ốc, xe cộ bóng loáng, ghế bành dát vàng…
Quê nhà tôi bên kia đại dương
Cách bên này một bờ biển động
Vành biển máu một thời tang trắng
Phủ lãng quên trên những oan hồn
Nỗi nhớ và niềm đau trài dài theo năm tháng. Nhưng mỗi độ xuân về, niềm xót xa đó lại quặn lên thành những cơn đau làm dân Việt choáng váng, tưởng như chực té ngã trên mảnh đất chọn làm quê hương tạm dung:
Ðêm xuân này đứng ở khoảng không
Không gia cư cũng không tổ quốc
Ðứng tứ trụ hai chân bám chặt
Ðội trên đầu nửa mãng trời xa
Chân đứng không vững. Đầu choáng váng vì nỗi đau đè nặng. Người khách trọ cảm thấy như cận kề tử thần, bỗng gào lên tiếng thét như tiếng hú của thây ma, kết tinh khổ đau kiếp người dội vào thăm thẳm:
Ðêm dật dờ như một thây ma
Hả họng hú tiếng gào thăm thẳm
vào vũ trụ. Vọng lời im lặng
Có còn ai nghe một lời gào
Thầm hỏi có ai nghe tiếng gào thảm thiết như tiếng chim quốc não nề này không? Chẳng có ai là con người, là đồng hương đồng loại, mà chỉ có vạn vật tâm giao, con gián lắng nghe và cảm thương cho phận người lưu vong:
Còn. Còn đây con gián lêu bêu
Trố ngạc nhiên vào lời hắn hét
Ôi! Chữ nghĩa hiển nhiên hắn thật
Nhưng được gì . Hỡi những bài thơ
Thế là chỉ còn lại con gián và chữ nghĩa, và những vần thơ! Nhưng nhà thơ vẫn phải tự hỏi thơ sẽ làm được gì cho quê hương tan nát? Thơ có khâu vá được vết thương dân tộc còn nhỏ máu? Vẫn biết rằng “Thời gian đi trở lại bao giờ? Thời gian không trở lại bao giờ”, nhưng thơ vẫn phải nhả đạn, bởi lẽ như lời Nguyễn Chí Thiện đã xác quyết “Tất cả suy tàn, sức thơ vô hạn. Thắng không gian và thắng cả thời gian”. Hơn nữa, có thể nói thơ là định mệnh, hay hơn nữa là sứ mệnh, như Holderlin đã xác quyết “Đã hẳn đời chất đấy sự nghiệp. Nhưng người ở đời là một thi sĩ…”. Mừng thay có những hồn thơ! Đẹp thay có những vần thơ!
Ngô Quốc Sĩ