VĂN HÓA VIỆT KHÁC VĂN HÓA TÀU (Gs Lưu Trung Khảo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bài nói chuyện của Giáo sư Lưu Trung Khảo trên hệ thống diễn đàn điện tử Paltalk
(Chủ nhật ngày 27.9.2009)

Gs Lưu Trung Khảo

Trong các yếu tố để dân tộc ta tồn tại được, để dân tộc ta được độc lập, để dân tộc ta thoát khỏi cái gọng kềm, cái móng vuốt của Bắc phương, thì cái yếu tố rất quan trọng là yếu tố Văn Hóa. Chính là nhờ yếu tố Văn Hóa này, mà chúng ta mới giữ được sự độc lập về tư tưởng cũng như văn chương ngôn ngữ và các phương diện khác.

– Quan niệm về vương quyền và tổ chức đất nước của ta khác người Trung Hoa. Họ quan niệm rằng vua là thiên tử, là con Trời, được Trời sai xuống để cai trị muôn dân. Và vì thế cho nên họ có quyền sinh quyền sát (giết) và quyền tổ chức hoàn toàn theo ý muốn của đấng thiên tử tức là con Trời.

– Quan niệm tuyệt đối trung thành với ông vua là quan niệm phổ cập trong xã hội phong kiến Trung Hoa. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu, vua sai bảo bầy tôi chết thì bầy tôi phải chết, nếu không chết là bất trung. Cha bảo con chết, con không chết là con bất hiếu. Chính quyền đó được “tập trung” và người ta có quan niệm “trung quân là ái quốc”. Nhưng người Việt Nam chúng ta không quan niệm như vậy.

– Theo quan niệm của người Việt Nam chúng ta, Quốc tổ như đằng lạc, đất nước giống như dây mây quấn vào với nhau chặc chẽ, không phân biệt vua tôi hay thứ dân gì hết. Tất cả đều là một mối để tạo thành đất nước. Vua Trần Nhân Tông đã họp các bô lão lại tại Hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến toàn dân là nên hòa hay nên chiến. Tất cả các bô lão đều thưa: Quyết Chiến! Đấy là một thứ quốc hội sơ khai của Đất Nước chúng ta.

– Nhìn vào cách tổ chức làng xã ở Việt Nam, thì chúng ta thấy rằng chế độ làng xã đó là những nước cộng hòa nhỏ bé, họ có thể đặt ra những luật lệ cho riêng trong làng, với các bản hương ước ở trong làng. Cho nên trong thành ngữ Việt Nam mới có câu “phép vua thua lệ làng”. Phép tắc của vua nhu khi đến các lũy tre phải dừng lại, nếu trái với với những luật lệ ở trong làng.

– Một nhà nghiên cứu người Pháp đã nói rằng đồng bằng sông Hồng Hà được kết hợp bởi 800 tiểu quốc cộng hòa. Bởi vì trong những tiểu quốc đó, sau những lũy tre xanh đó người ta có những luật lệ, và những luật lệ đó nhiều khi trái với những luật lệ của triều đình.

   – Chính vì thế mới có một bài vè, vào thời Vua Minh Mạng, nhà vua muốn thống nhất y phục, cho nên đã ra lệnh cho phụ nữ phải mặc quần. Mà phụ nữ ở miền bắc thì thường mặc váy. Thế cho nên trong ca dao mới có một bài diễu cái chỉ dụ của nhà vua:

Chiếu vua mồng sáu tháng ba
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì lột lấy quần chồng sao đang?
Có quần, ngồi quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng xem quan

Thành ra cái chỉ dụ đó, tuy ra, mà không có hiệu lực. Cho đến thời chúng tôi còn ở lại miền Bắc thì chúng tôi vẫn còn thấy phụ nữ miền Bắc mặc váy, thay vì mặc quần.

   – Người Trung Hoa có quan niệm về nam nữ và đời sống gia đình cũng khác biệt. Tại Trung Quốc, thì người ta tôn trọng nam quyền. Người ta gọi là “nam tôn nữ ti”, tức là người nam thì được tôn trọng, còn người phụ nữ ở địa vị thấp hèn. Sinh được người con trai để nối dõi tông đường là quý. Có một người con trai cũng kêu là có, sinh 10 người con gái cũng coi như không. Bởi con gái là con người ta, con trai mới nối dõi tông đường, phụng thờ Tổ Tiên, thì mới coi là có con.

– Chuyện nam nữ Trung Hoa cũng cách biệt nhau ngay trong gia đình. Con gái Trung Hoa tới tuổi cập kê là phải ở riêng. Ở Việt Nam, nam nữ tuy không được bình quyền 100% như thời đại bây giờ, nhưng nữ quyền đã được tôn trọng. Bộ Luật Hồng Đức có quy định những điều bắt người đàn ông không có quyền ly dị vợ. Có 7 điều không cho phép người đàn ông lydị vợ, khi người vợ đã chịu tang bố mẹ chồng 3 năm, khi người vợ giúp cho ghé đến nhà chồng từ lúc nghèo đến lúc giàu sang phú quý..

– Những chi tiết như vậy chứng tỏ rằng Việt Nam rất trọng nữ quyền, như pháp luật đời Hồng Đức. Người chồng cũng không được phép lydị vợ nếu người vợ không có chỗ nào nương tựa. Theo luật, chúng ta thấy người Việt Nam tôn trọng nữ quyền, coi nữ quyền không thua gì nam quyền cả.

– Chúng ta thấy mối liên hệ nam nữ của người Việt Nam được giữ trong vòng lễ giáo, không có sỗ sàng, rất là lãng mạng, rất là tế nhị, và  ở trong vòng đạo lý. Nếp sống luân lý của người Việt Nam có tính cách nhân bản hơn, không bị gò bó một cách quá cứng rắn chặc chẽ không tuân thủ được như là ở bên Trung Hoa.

– Về ngôn ngữ văn tự của ta cũng khác với người Trung Hoa. Người Việt Nam đã dùng chữ Nôm từ thế kỷ thứ 11, 12. Do nhu cầu. Không phải người Việt Nam ai cũng tên là Bạch Ngọc, Cẩm Hường, Hùng Dũng, Anh Hào vân vân. Còn những tên như là Thị Mít, Thị Xoài, Thị Nở, Tám Kèo, Tư Cột…chẳng hạn. Những cái tên đó, chữ Hán không có để viết. Những cái tên như thôn Miễu thôn Mường của người Việt Nam thì không có chữ để viết. Do đó người ta phải tạo ra một số chữ để ghi âm các chữ Việt Nam đó.

– Về thực tế, cần phải có một thứ chữ để ghi âm tiếng Việt. Chữ Hán không có đủ để ghi các âm đó, cho nên Tổ Tiên ta đã phát minh ra một thứ chữ mới. Thứ chữ mới này một phần mượn chữ Hán, một phần khác do các cụ sáng tạo ra, chế ra, gọi là chữ Nôm. Chữ Nôm đó sau này được các cụ dùng để sáng tạo thi văn.

– Những từ ngữ mà chúng ta đang nói như là “chính trị khoa học triết học kỹ thuật” là những từ ngữ chúng ta mượn của người Trung Hoa và chúng ta phiên âm theo Tiếng Việt. Những từ ngữ này, sau này, đến thời Việt Cộng thì họ đã lạm dụng một cách quá đáng.

– Mặc dù rằng nhà cầm quyền hô hào là phải làm cho Tiếng Việt trong sáng, nhưng trái lại, nếu chúng ta có dịp đọc những báo cáo chính trị của bộ chính trị trong những kỳ đại hội, thì chúng ta thấy hầu như là họ viết những bài diễn từ đó từ đầu đến cuối toàn là những từ ngữ  Hán Việt ! Có nhiều từ ngữ rất là xa lạ với người Việt Nam, mà người Việt miền nam chúng ta không quen dùng!

– Chẳng hạn như chữ “sự cố kỹ thuật”. Sự cố là gì ? Là việc. Vì “lý do kỹ thuật” là được rồi, họ bày đặt bắt chước Tàu mà dùng chữ “sự cố kỹ thuật”! Hay là “khẩn trương lên”. Khẩn trương lên là “nhanh lên”, có gì đâu,  dùng tiếng Việt cũng được, nhưng mà họ (Việt Cộng) lại cắt cớ bày ra là “khẩn trương”! Rồi ghi danh học thì gọi là “đăng ký”, rồi khai triển trong quy mô lớn, thì họ gọi là “triển khai đại trà” ... Tất cả những lề lối dùng chữ bắt chước Tàu một cách vô lối như vậy đã làm cho Tiếng Việt nhiều khi trở nên khó hiểu và ngớ ngẩn.

– Chúng ta đã có những kho từ ngữ rất là phong phú. Có đủ từ ngữ để diễn tả, và có những từ ngữ văn hoa, xác đáng, chính xác, để mà diễn tả mọi sự, mọi tình huống. Nhưng mà họ (Việt cộng) lại làm ra vẻ khác đời khác người. Thí dụ từ trước chúng ta vẫn dùng “thuỷ quân lục chiến“, họ dùng “lính thủy đánh bộ”, máy bay trực thăng thì “máy bay lên thẳng”,hoả tiễn thì là “tên lửa” , hàng không mẫu hạm thì là “tàu sân bay”. Tất cả những điều nô lệ Tàu, hoặc cải cách một cách vô lối như vậy, đã làm cho Tiếng Việt trở thành ra ngô nghê và nhiều khi nặng mùi Trung Quốc!

– Phép đặt câu trong Tiếng Việt cũng thật là đặc biệt. Chúng ta có lối phát âm cũng như lối đặt câu có thể thích hợp với ngôn ngữ quốc tế. Người Trung Hoa cũng có cố xem, để bắt chước, để mà sửa đổi chữ viết, nhưng mà cũng không sửa đổi được. Tôi nhớ là năm 1958 khi Mao Trạch Đông cầm quyền được 9 năm thì có lập một ủy ban nghiên cứu, La Mã hóa chữ Trung Hoa, và họ đã nghiên cứu Tiếng Việt và đặc biệt là các dấu giọng của Tiếng Việt để áp dụng vào việc La Mã hóa chữ Trung Hoa. Nhưng mà không nổi, bởi vì chữ Trung Hoa có rất nhiều chữ đồng âm, và chương trình đó bị thất bại.

– Chúng ta nhìn nhận rằng trước khi chúng ta có chữ Nôm, chữ Nôm khó, bởi vì phải thông chữ Hán thì mới biết chữ Nôm. Rồi chúng ta có được món quà, có được một thứ “quốc bảo” do các giáo sĩ Tây Phương mang lại: đó là chữ Quốc Ngữ mà bây giờ chúng ta đang dùng. Dễ học, dễ nhớ và dễ phổ biến.

-Thế nhưng mà sau này thì người ta lại cố tình làm cho Tiếng Việt thêm khó khăn, bày đặt ra, tạo ra những từ ngữ chẳng có nghĩa lý gì cả! Thành ra chúng ta thấy Tiếng Việt bây giờ ở trong nước Việt Nam, nhất là đọc các báo điện tử, chúng tôi thấy có nhiều bài viết có những từ ngữ rất khó hiểu!

– Chính người Pháp cũng phải ngạc nhiên rằng một dân tộc đã bị ngoại thuộc Tàu hơn 1000 năm, bị (Tàu) dùng đủ mọi biện pháp để đồng hóa. Minh Thành Tổ đã hạ lệnh cho các quan lại không sang xâm chiến Việt Nam thì phải tìm đủ mọi cách tiêu hủy mọi di sản văn hóa Việt, không được để một mẫu giấy có chữ do người Việt Nam viết. Các bia ở các đình chùa cũng phải (Tàu) đập phá. Các đình chùa miếu mạo cũng phải đập phá cho mà chết. Chỉ có các sách Trung Hoa là còn để lại.

– Cái âm mưu đồng hóa đó, chúng ta thấy từ thời Mã Viện khi họ tịch thu các trống đồng, khi họ bắt người Việt phải tuân theo luật Hán. Rồi lại còn dựng các cột đồng “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt“, để cho người Việt Nam khi mà qua đó thì có người phải bỏ một nắm đất nắm sỏi vào đó, để cho cột đồng khỏi đổ.

– Cái âm mưu đồng hóa đó, sau này chúng ta còn thấy ở Sĩ Nhiếp, Tích Quang, Nhâm Diên. Có những người ca ngợi là những người này chịu ảnh hưởng của người Hán, ca ngợi đó là những văn quan có đức, đã đem văn hóa Trung Hoa mà truyền bá cho Việt Nam, mà không nghĩ rằng đó là những âm mưu ác độc của người Trung Hoa muốn đồng hóa dân ta! Cũng như họ đã đồng hóa biết bao tộc Việt khác ở phía nam sông Dương tử !

– Trong số những dân tộc phía nam sông Dương tử thuộc dòng Việt như Mân Việt, Ưu Việt bị đồng hóa, thì chỉ riêng giống dân Lạc Việt là hậu duệ này là họ không đồng hóa nổi mà thôi! Chúng ta vẫn giữ được ngôn ngữ, chúng ta vẫn giữ được phong tục. Chúng ta vẫn giữ được nếp sống văn hóa. Và nếp sống văn hóa đó sẽ là yếu tố rất là quan trọng để giữ được bản sắc dân tộc.

Vua Quang Trung

– Trong bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi có viết rằng “dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có” (tuy cường nhược thì hữu bất đồng, nhi hào kiệt thế vị thường phạp), chúng ta đối với Tàu có lúc cường lúc nhược, nhưng mà hào kiệt của chúng ta không bao giờ thiếu.

– Mặc dù rằng có những lúc “nhân tài như lá mùa thu” nhưng mà cuối cùng, người Việt chúng ta cũng vượt (việt), vượt khổ, vượt khó, đứng lên! Có lúc vác cần câu mà đánh giặc, nhưng mà lúc nào cũng “gắn bó một lòng phụ tử , rót rượu ngọt để khao quân“.

-Do vậy mà cuối cùng, nền độc lập đã dành lại được. Hiện giờ, chúng ta biết, ở Biển Đông, người Trung Hoa ngang ngược, ngang nhiên chiếm Hoàng Sa năm 1974 và chiếm Trường Sa năm 1984. Và đã sát hại biết bao nhiêu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa cũng như lính của cộng sản Việt Nam! Rồi bây giờ ở ngoài Biển Đông, cái “lưỡi bò”, tức là đường dây ranh giới trên mặt biển mà người Trung Hoa vẽ ra, đã ngăn cản không cho ngư phủ Việt Nam ra đánh cá ở Biển Đông.

– Chúng ta thấy có những tàu Việt Nam đã bị những tàu hải quân Trung Quốc bắt mang về đòi tiền chuộc, không khác gì hành động của bọn hải tặc bắt cướp thuyền để đòi tiền chuộc. Thêm nữa, có những tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị tàu tuần cảnh của hải quan Trung cộng húc chìm. Rồi họ bỏ mặc cho ngư dân Việt Nam ngoi ngóp giữa biển. Nếu không có các tàu khác cứu kịp thì tất cả các ngư dân đó bị làm mồi cho cá biển.

– Việc khai thác mỏ dầu lửa ở Biển Đông cũng bị Trung cộng tìm mọi cách ngăn cản.  Những bãi, những mỏ, như Tư Chính ở Côn Sơn từ trước đến giờ là thuộc chủ quyền Việt Nam, không bao giờ có các vấn đề khó khăn đặt ra, nhưng mà bây giờ khi thăm dò dầu khí ở đó là bị Trung cộng ngăn cản.

– Đất Nước bị áp bức, bị chiếm đoạt ở trên mặt biển, trên các hải đảo, ở đất liền và việc cắm mốc ở biên giới đã mang đến cho Trung cộng rất nhiều lợi lộc. Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, và biết bao nhiêu đất ở Hà Giang, ở Cao Bằng, ở Lạng Sơn, ở Lai Châu… đã bị Trung Quốc chiếm đoạt. Đường biên giới chạy lui về phía Việt Nam, khiến cho bây giờ chúng ta muốn coi ải Nam Quan thì phải xin hộ chiếu sang Trung Quốc thì mới coi được!

– Chúng ta mất rất nhiều đất ở dọc biên giới. Không những thế, sự ngang nhiên láo xược của công nhân Trung Hoa ở ngay trên Đất Nước chúng ta cũng là một vấn đề tủi nhục, mà nhà cầm quyền Việt Nam đã nhắm mắt làm ngơ! Có những làng được dựng lên, của công nhân Trung Quốc sang khai thác ở Việt Nam. Trong các làng đó, các quán văn nghệ, quán nước, hàng ăn, đều dùng chữ Trung Hoa để đề tên các bảng. Bảng tên đường cũng đã dùng chữ Trung Hoa.

– Tôi nhớ năm 1945 khi quân của Tưởng Giới Thạch kéo qua để tước khí giới quân đội Nhật, thì Hà nội cũng đã đề các bảng tên bằng chữ Hoa, nhưng đó là trên những bảng gỗ chiều dài khoảng độ 30 cm, chiều dọc khoảng 10 cm, đóng một cách thô sơ để chỉ cho các quân tàu biết mà khỏi lạc đường. Chứ không có tính cách như là bảng chỉ đường hiện giờ mà chúng ta thấy ở các làng ở tây nguyên (cao nguyên trung phần) mà dân Trung cộng đang trú đóng.

– Ngoài chuyện khai thác bauxite ở tây nguyên ra, theo tiến sĩ Mai Thanh Truyết, thì còn có thể Trung cộng đang khai thác Uranium là một nguyên liệu rất cần thiết để chế tạo nguyên tử, rất cần dùng trong kỹ nghệ mới của thời hiện đại, vừa dùng để làm vũ khí, còn có thể dùng cho điện năng.

– Không những ở tây nguyên, mà còn dọc theo duyên hải trung phần, từ Đà Nẵng tới Hội An, có nhiều làng người Hoa làm chủ và đã thuê công an đứng gát! Chỉ có người Trung Hoa mới được phép vào làng đó, người Việt Nam thì không được phép.

– Thành ra nhà cầm quyền Việt Nam, chúng ta thấy chẳng khác gì cái bọn làm mướn hoặc tay sai của Trung Quốc! Điều đáng lưu ý, là giữa nhà nước này với nhà nước khác thì không bảo được nhau. Nhưng mà với nhà nước cộng sản Trung Hoa mà chỉ thị cho đảng cộng sản Việt Nam thì đảng cộng sản Việt Nam nghe lời tăm tắp!

Gs LƯU TRUNG KHẢO