LỄ TƯỞNG NIỆM VÀ VINH DANH GIÁO SƯ TRẦN ĐỨC THANH PHONG (1927-8/2024)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Giáo sư TRẦN ĐỨC THANH PHONG, pháp danh PHỔ HIỀN, sinh năm 1927 tại Luang Prabang, Laos. Đã mãn phần lúc 1:30 phút trưa ngày 2 tháng 8 năm 2024 tại Garden Grove, California. Hưởng thượng thọ 97 tuổi.

Linh cửu quàn tại Peek Family Funeral Home, phòng số # 1, 7801 Ave. Bolsa, Westminster, Nam California

. Lễ tụng kinh, nhập quan, phát tang vào lúc 9:00 sáng ngày 31 tháng 8 năm 2024.

LỄ TƯỞNG NIỆM được cử hành lúc 10:00 sáng ngày 1 tháng 9 năm 2024.

Lễ Cầu siêu, Di quan, Hỏa táng lúc 11:00 sáng ngày 1 tháng 9 năm 2024

***************************** 

   “Ông Trần Đức Thanh Phong, bố của chúng tôi, sinh năm 1927 tại Lào giữa công cuộc cách mạng chống lại thực dân Pháp. Ông nội của ông là một người theo phong trào Cần Vương sống lưu vong tại Lào và Thái Lan do sự truy sát của thực dân Pháp. Cha của ông cũng là một người kháng chiến chống Pháp.

Trong 16 năm đầu đời của mình, Bố của chúng tôi đã sống và học tập khi thì ở Việt Nam khi thì ở Lào.

Vào năm 1943, ông Nội chúng tôi đã gởi Bố chúng tôi sang Nhật để ông có cơ hội rèn luyện và học hỏi một nền văn hóa mới và mạnh mẽ theo tinh thần phong trào Đông Du. Tại xứ sở phù tang ông có dịp gặp mặt và bồi dưỡng thêm tinh thần yêu nước từ Ngoại Hầu Cường Để.

Bị đẩy vào những biến cố của chiến tranh thế giới thứ hai ở Nhật, Bố của chúng tôi đã học những cách khác nhau để sinh tồn, ông đã được rèn luyện chủ yếu theo kỉ luật của quân đội Nhật Bản.

Sau chiến tranh, Bố của chúng tôi làm việc với quân đội Mỹ trong dự án tái kiến thiết Nhật Bản. Song song với công việc, ông tiếp tục con đường học vấn và tốt nghiệp trường đại học Jochi Daigaku (Sophia University of Tokyo). Với sự giúp đỡ của cấp trên và các bậc tiền bối, Bố chúng tôi đã trở thành cố vấn cho Fuji TV, một trong những kênh truyền hình lớn của Nhật.

Năm 1955, ông trở về Việt Nam với mục tiêu xây dựng đất nước của mình phồn thịnh giống như Nhật Bản và làm việc cho cơ quan viện trợ Hoa Kỳ.

Với sự viện trợ của Hoa Kỳ từ năm 1955 đến 1968, ông là người có công trong việc thành lập và xây dựng hơn 100 nhà máy lớn nhỏ, trong đó có những nhà máy có hơn 2000 công nhân.

Năm 1968, một thời gian ngắn sau Tết Mậu Thân, ông quyết định đưa gia đình qua Nhật để có cuộc sống an toàn và để ông có thể an tâm tiếp tục sứ mệnh kiến thiết đất nước mình.

Năm 1975, trước khi Sài Gòn sụp đổ, ông đã thực hiện một số nổ lực cứu đất nước mình bao gồm cả cuộc họp với Liên Xô để thuyết phục họ rằng Miền Nam Việt Nam đáng được cứu.

Sau tháng tư năm 1975, vì không còn tư cách công dân Việt Nam trong khi Hoa Kỳ đang tiếp nhận những người từ Miền Nam Việt Nam tị nạn chủ nghĩa cộng sản, ông đã đưa gia đình từ Nhật sang Mỹ định cư và bắt đầu một chương mới của cuộc đời.

Tại Hoa Kỳ kể từ đó, Bố chúng tôi tiếp tục hoạt động cùng với nhiều người cùng chung chí hướng với mục tiêu thiết lập một cộng đồng hải ngoại vững mạnh cho người dân Việt Nam như các sắc tộc khác trên đất Mỹ.

Nỗ lực của ông với tư cách ủy viên trong “Ủy ban thành lập Little Saigon” và “Ủy ban phát triển Little Saigon” cùng các bậc trượng thượng trong cùng ủy ban đã đem lại sự hình thành của khu Little Saigon và cộng đồng VN đã không ngừng phát triển ngày càng mạnh mẽ. 

Bố chúng tôi đã hoạt động với cộng đồng Việt Nam 49 năm qua và không ngừng nghỉ cho tới khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 2 tháng 8 năm 2024.

Bố của chúng tôi là như vậy đó. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và vì nước, Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước Việt Nam và cũng là người hết mực yêu thương và sống có trách nhiệm với gia đình của mình. 

Ông đã ra đi nhưng ông để lại cho các con các cháu của mình những giá trị rất quí giá đó là lòng thương yêu, sự tử tế, khiêm cung mà ông đã dạy không phải chỉ qua lời nói và bằng những việc làm của mình. Chúng tôi sẽ trân trọng giữ những tấm thiệp mà ông tự thiết kế cho mỗi đứa cháu vào dịp sinh nhật, hay những tấm thiệp vào dịp lễ cuối năm ông tặng cho các con, cho dâu cho rể, và đặc biệt là những nét chữ run run mà ông ráng viết khi tay đã suy yếu. Sẽ nhớ Bố rất nhiều Bố ơi.”

(Trên đây là bài phát biểu của con gái Giáo sư TRẦN ĐỨC THANH PHONG trong Lễ tường niệm & vinh danh ngày 1 tháng 9 năm 2024.)