Sáu nhấn mạnh chân lên bàn đạp của chiếc xe đạp cũ của mình để bám sát chiếc ô tô buýt đang chạy trước mặt cách chừng chục thước. Tay mặt ghì chặt cái ghi đông để giữ thăng bằng, còn tay kia nó giơ lên vẫy vẫy. Trong khung cửa kính nhỏ cũng có bàn tay vẫy vẫy của Kiệm, thằng bạn học cùng lớp ngồi trước nó một bàn. Hôm nay là ngày cuối cùng của năm đệ lục. Phải ba tháng nữa nó mới gặp lại bạn bè ở lớp đệ ngũ. Lật bật mà nó đã ở Sài Gòn hai năm rồi. Thời gian không lâu lắm song cũng đủ cho nó làm quen với đời sống mới ở thị thành. Càng có nhiều bạn mới thì nó lại càng nhớ những đứa bạn cũ như thằng Duy và con Hưởng. Dù ở thị thành song nó vẫn chưa gột rửa được hết cái chất phèn ở trong người của mình. Mỗi ngày sau khi đi học về và làm bài vở xong là a lê hấp nó vọt ra ngoài miếng đất rộng trước nhà. Có bạn thì bày trò chơi như đánh đáo, bắn đạn, thả diều. Không bạn thì xách cần câu đi câu cá bóng xệ, bóng dừa, bóng các hay lẻn vào ruộng ” ông hà tiện ” câu cá lóc đem dìa cho má nấu canh chua. Khi nào chán câu thì nằm dài trên cỏ nhìn mây trời lang thang để mơ để mộng, dù biết mơ mộng của mình chẳng bao giờ xảy ra. Muốn cho mộng thành sự thực thì nó phải có tiền. Mà nó, nhà nghèo, có ăn có mặc là may rồi lại thêm được tới trường thì còn may mắn hơn những đứa trẻ khác.
Vừa đạp xe vừa suy nghĩ miên man tới ngay Ngã Ba Hàng Xanh nó hơi lơi chân chút xíu để quẹo cua vào con đường đất đỏ bề ngang ba chục thước sau này thành xa lộ Biên Hoà. Con đường đất thẳng băng và mịn màng làm cho nó muốn thử buông hai tay không cần cầm nữa mà chiếc xe đạp vẫn chạy ngon ơ.
– Mình làm gì cho hết ba tháng hè…
Sáu tự hỏi và nó dường như đã biết câu trả lời. Chẳng có gì mới mẻ để làm hết trừ đi ngủ trễ và thức dậy trễ. Nó có thể nằm im trong bóng tối mở ra dô nghe nhạc hoặc đợi nghe mục Trước Đèn Đọc Sách. Nếu không thì chong đèn đọc truyện, tiểu thuyết cho tới khi buồn ngủ híp hai con mắt mới chịu thổi đèn đi ngủ để sáng hôm sau trưa trờ trưa trật mới chịu thức dậy. Người khác ăn cơm trưa thì nó ăn sáng với gói xôi đậu phọng hay sang hơn chút là gói xôi mở hành tôm khô cuốn trong cái bánh phồng nếp ngon hết biết của chị Sáu nhà ở dưới đầu cầu. Từ hồi nhà dọn lên Sài Gòn tới bây giờ đã gấn ba năm mà nó chưa được về thăm ngoại vì má nó hổng có tiền cho nó đi xe đò về Châu Bình. Nó nhớ bà ngoại, thương bà ngoại già mà phải sống côi cút vì con cháu hổng có ai ở gần. Ngoài ra nó cũng muốn về Châu Bình ở cho hết ba tháng hè. Càng sống lâu ở thành phố nó càng nhớ quê và muốn trở về thăm viếng. Nghĩ tới lúc trời trưa khát nước mà được uống nước dừa xiêm mới hái từ trên cây xuống nó chép miệng. Nghĩ tới lúc ngồi tòn ten trên cây ổi, cắn trái ổi dòn rụm, chua chua ngọt ngọt nó cảm thấy nước miếng ứa ra trong miệng của mình. Làm sao có tiền về Châu Bình? Câu hỏi đó cứ lởn vởn trong trí của Sáu cho tới khi chiếc xe đạp cũ của nó ngừng trước cửa ngôi nhà sàn. Dựng xe đạp nơi hàng ba nó nghe trong nhà có tiếng người nói lao xao. Tiếng người nói chợt ngưng khi nó bước vào cửa. Sáu thấy nhiều ánh mắt đang nhìn mình và mỗi ánh mắt nói lên điều gì đó. Ánh mắt hiền từ của má, nghiêm nghị của chị hai, thản nhiên của chị năm và cười cợt của thằng Sơn. Phớt tỉnh như người lạ, Sáu lặng lẽ ôm chồng sách vở tới góc nhà sàn nằm bên tay trái. Đó là giang sơn riêng của nó. Trong cái góc sáng mờ mờ đó chất đủ mọi thứ như sách vở, đồ chơi, mùng, mền, gối và chiếc chiếu. Gia cảnh nghèo đông anh em mà nhà thì lại nhà sàn, không có giường nên tối tối mọi người trong nhà đều phải trải chiếu ngủ trên sàn gỗ. Má và mấy chị gái thường hay kêu ca và phàn nàn vì ngủ hổng có giường. Riêng Sáu lại khoái. Mùa hè nóng nực ngủ dưới sàn mát hơn vì nước sông dâng cao làm mát rượi cái lưng. Với lại hổng có giường lại phẻ hơn vì sáng ngủ thức dậy chỉ cần cuốn chiếu lại là xong. Bên trong có dơ sạch, bề bộn, nhăn nheo cũng hổng có ai thấy đâu. Lâu lâu má nó mở ra bịt mũi vì cái mùi ẩm mốc bắt nó phải đi giặt bằng cách ôm nguyên cái mền nhảy xuống nước lội vòng vòng rồi đem lên bờ phơi cho khô. Dù hổng ưa cái cách giặt mền có một không hai của đứa con trai cưng má nó cũng làm lơ vì đỡ tốn xà phòng.
– Sáu…
– Dạ…
Sáu dạ tiếng nhỏ khi nghe má của nó gọi.
– Con muốn về ngoại không?
Sáu cúi đầu thật sâu làm như đang chăm chú xếp lại đống sách vở bề bộn để giấu nụ cười. Sướng mê tơi trong lòng song nó lại cố làm ra vẻ thản nhiên. Phải như vậy mới được vì nếu để lộ ra mình khoái về ngoại là hổng có yên với thằng Sơn. Biết nó khoái về ngoại là thằng em của nó, mặc dù hổng có muốn song sẽ làm eo làm sách mếu máo đòi má cho nó đi theo. Rốt cuộc rồi muốn đi về ngoại một mình Sáu phải đút lót cho nó cái gì mới yên thân.
– Chừng nào đi hả má?
Sáu hỏi nhỏ.
– Thứ hai tuần tới… Má phải đi mua trà để con đem về cho Ngoại…
– Con về rồi chừng nào con lên hả má?
– Chừng nào cũng được… Con lên trước khi tựu trường để đi học… Con chịu đi hông?
Sáu mỉm cười khi nghe câu hỏi kỳ cục của má. Nếu hổng có mặt các anh chị và thằng Sơn chắc là nó chạy lại để ôm hôn bà như bày tỏ lòng biết ơn.
– Dạ chịu…
Nói xong Sáu làm thinh vì bận nghĩ tới hai tiếng ” về ngoại ”. Hai năm rồi nó chưa được uống nước dừa xiêm vì cái thứ quỉ này ở Sài Gòn lại mắc như vàng. Với lại nó cũng biết nước dừa xiêm ở Sài Gòn làm sao bằng nước dừa xiêm của ngoại mới hái từ trên cây xuống vừa thơm, vừa mát, vừa ngọt lịm. Nuốt tới đâu đã tới đó. Sáu cảm thấy nước miếng ứa ra có vị ngòn ngọt như ruột trái ổi chín cây sau vườn nhà ngoại. Dù là thứ ổi chim ỉa, ổi của ngoại vẫn ngon hơn loại ổi xá lị bán ở chợ Thị Nghè mềm èo và lạt nhách vì người ta để lâu rồi. Vừa nuốt nước miếng nó vừa liên tưởng tới trái mãng cầu xiêm chín cây mà mấy con chim trao trảo đã ăn trước một góc nhỏ. Da màu xanh hơi bóng một chút thì ăn mới ngon vì múi mãng cầu còn cứng mà có vị chua chua ngọt ngọt nhai mới đã. Nuốt nước miếng ứa ra đầy trong miệng, nó cố gắng đừng nghĩ tới những thứ ăn ngon ở nhà ngoại mà đầu óc lại hiện ra hình ảnh trái sa cô chê ngọt lịm thơm cái mùi mà cho tới bây giờ nó vẫn thèm được ngửi.
Đang ngồi nghĩ ngợi vu vơ, Sáu nghe bước chân nhẹ tới gần chỗ nó ngồi. Đi nhẹ nhàng không làm rung chuyển sàn nhà thì nó biết chỉ có một người là bà mẹ kính yêu của nó. Ở đâu cũng vậy lúc nào bà cũng di chuyển nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ và cử chỉ dịu dàng và âu yếm.
– Mẹ cho con tiền mua vé xe nè con…
Kèm theo giọng nói ôn nhu là bàn tay mềm mại và ấm áp díu vào tay nó ba tờ giấy.
– Còn dư mẹ cho con ăn bánh…
Sáu nhìn thấy trong lòng bàn tay của mình có ba tờ giấy mười đồng. Nó biết vé xe đò từ Sài Gòn về Bến Tre chỉ có 15 đồng, từ Bến Tre về Lương Quới mất 2 đồng xong từ Lương Quới về Châu Bình lại thêm hai đồng nữa; như vậy nó còn lại 11 đồng để ăn tiêu dọc đường. Nó định xin thêm nhưng biết má nó không có nhiều nên đành phải im luôn.
Mới 6 giờ sáng mà Sáu đã thức dậy rồi dù đêm hôm qua nó trằn trọc vì nôn nóng đợi sáng để đi về ngoại. Sau khi ăn tô cơm nguội với nước cá kho dằn bụng, máng cái túi vải trong đó chứa hai bộ quần áo và mấy hộp trà của ngoại lên vai nó dắt xe đạp ra đường. Vừa đạp vừa ngoái đầu lại nó thấy bóng mẹ nó đứng nơi hàng ba nhìn theo. Ra tới đường Hùng Vương nó cắm đầu đạp một hơi qua cầu Thị Nghè. Còn sáng sớm lại nhằm ngày thứ bảy nên đường vắng. Chiếc xe xích lô máy vượt qua mặt phun khói đen mịt mù làm cho nó nóng mặt nhấn mạnh chân xuống bàn đạp cố bám theo chiếc xích lô máy. Từng chạy xe đạp quanh Sài Gòn nên nó biết mấy ông tài xế xích lô máy chạy bạt mạng nhất so với xe tắc xi hay xích lô đạp. Nửa giờ sau nó quẹo xe vào bến xe đò lục tỉnh. Nhắm mắt nó cũng biết hiệu xe đò Á Đông chuyên chạy đường Sài Gòn-Mỹ Tho-Bến Tre nằm ở đâu. Sau một hồi năn nỉ và kì kèo nó phải đưa cho anh lơ xe thêm một đồng vì có chở theo chiếc xe đạp. Leo lên xe nó ngó quanh quất tìm chỗ ngồi. Có kinh nghiệm đi xe đò nên nó kỵ ngồi gần mấy bà già ăn trầu hoặc mấy chị bạn hàng. Liếc thấy một băng còn trống hai ghế chưa có ai ngồi, nó mừng húm lẹ lẹ tới ngồi sát vào trong. Đặt cái túi vải vào trong lòng nó lôi ra quyển Ai Hát Giữa Rừng Khuya rồi cắm cúi đọc vì biết còn lâu xe mới chạy và càng lâu hơn nữa xe mới tới bắc Rạch Miễu. Hàng ghế động đậy vì có người khách ngồi xuống bên cạnh làm cho Sáu ngưng đọc. Hơi quay đầu nó liếc nhanh một cái. Chút màu trắng của áo. Chút màu đen của tóc. Chút màu trắng của da mặt cho nó đoán người ngồi xuống bên cạnh là phụ nữ mà còn trẻ chứ hổng phải mấy bà già miệng nhóp nhép nhai trầu và xỉa thuốc. Nó kị mấy thứ đó. Cúi đầu xuống sàn, nó lén nhìn bàn chân của người ngồi bên cạnh. Bàn chân nhỏ nhắn và thon gọn. Làm bộ gấp cuốn truyện lại nó quay qua nhìn. Té ra người láng giềng trên xe của nó là đứa con gái mà nó đoán chỉ cỡ tuổi của mình. Con nhỏ có mái tóc đen dài chấm vai, khuôn mặt trái soan thanh tú và tỏ ra chút thông minh nhờ vào đôi mắt sáng long lanh
đang mỉm cười tinh nghịch. Chắc nó biết đang bị con trai nhìn lén.
– Em tên gì?
Sáu hỏi gọn
– Dạ tên Bạch…
– Bạch? Bạch gì? Cái gì Bạch?
Sáu vặn mà giọng của nó có chút gì đùa cợt.
– Dạ Bạch… Bạch là Thanh Bạch đó anh. Ba của em dạy như dậy… Anh biết câu ” da trắng vỗ bì bạch…” không anh?
Sáu trợn mắt nhìn trân trân con nhỏ tên Bạch. Dù chỉ biết lơ mơ giai thoại của câu ” da trắng vỗ bì bạch ” song nó không thể nào thú nhận là mình hổng có biết. Đâu có được. Dù gì nó cũng học xong đệ lục mà hổng lẽ văn chương lại kém cỏi hơn con nhỏ mặt búng ra sữa tươi mới gặp mặt lần đầu này.
– Biết…
Sáu trả lời gọn một tiếng. Nó cầu mong cho con nhỏ đừng có hỏi gì thêm. May quá con nhỏ tên Bạch lại cười.
– Anh bao nhiêu tuổi?
Sáu hơi lúng túng khi bị con nhỏ điều tra lý lịch của mình.
– 14…
Sáu nâng tuổi của nó lên thêm một năm để cố tình làm cho mình lớn hơn.
– Anh có đi học hông?
– Có…
– Lớp mấy?
– Đệ ngũ…
Sáu lại nâng lớp của mình cao hơn một bậc. Nó nghĩ nếu con nhỏ có vặn hỏi thì nó sẽ bào chữa là hè này sẽ học đệ ngũ. Con Bạch cười gật đầu nói.
– Anh lớn hơn em một tuổi và học trên em một lớp…
Sáu cười tươi. Nó cảm thấy có chút hả hê vì lớn hơn và học cao hơn con nhỏ. Rồi tự nhiên nó cảm thấy khoái con nhỏ ăn nói nhún nhường, nhỏ nhẹ và lễ phép.
– Nhà Bạch ở đâu?
– Dạ nhà em Bến Tre. Anh tên gì dậy anh?
– Anh tên Sáu…
Sáu trả lời với giọng thân thiện. Nhìn con Bạch lần nữa nó nói thêm.
– Anh cũng về Bến Tre…
– Vậy là nhà anh cũng ở Bến Tre như em…
Sáu cười cười.
– Hông nhà anh ở Sài Gòn. Anh về thăm ngoại anh ở Bến Tre… Ủa mà em đi đâu ở Sài Gòn dậy?
– Dạ em đi thăm ông bà nội. Nhà nội ở Sài Gòn…
Bạch nhỏ nhẹ giải thích thêm. Cái giọng của con nhỏ nghe thật dịu êm vì mang âm hưởng nhà quê, đó là thứ mà nó nhớ nhung nhất trong những cái nhớ nhung khi phải rời bỏ làng quê lên ở trên thành thị.
– Anh biết hông… Nội em già không đi đâu được nên mỗi năm má em sai em lên thăm nội một lần. Năm rồi em ở nhà nội gần hết ba tháng hè tới gần tựu trường mới về Bến Tre để đi học. Em thương nội em lắm…
Sáu gật đầu rồi làm thinh như suy nghĩ chuyện gì. Bên tai mặt của nó vang vang giọng nói nhẹ êm như tiếng thì thào của lá dừa bị gió thổi trong buổi trưa hè nóng bức.
– Anh nói anh về thăm ngoại mà nhà ngoại anh ở đâu hả anh Sáu?
Có nhiều người gọi tên của Sáu như mẹ, chị hai, chị năm, anh tư và thằng Sơn. Nhưng chỉ có hai người gọi tên Sáu bằng cái giọng ngọt nhất. Người thứ nhất dĩ nhiên là mẹ của nó và người thứ hai là con nhỏ tên Bạch đang ngồi kế bên.
– Ngoại anh ở Châu Bình? Em biết Châu Bình ở đâu hông?
Nhờ quay đầu qua nhìn trong lúc hỏi nên Sáu thấy con nhỏ Bạch bĩu cái môi ra rồi cười trả lời.
– Xời ơi… Anh làm như em quê lắm. Châu Bình ở trong quận Giồng Trôm mà…
Sáu bật cười hắc hắc.
– Giỏi quá… Anh tưởng em là dân Bến Tre mà hổng biết Châu Bình thì quê một cục…
Con nhỏ Bạch ré lên cười. Sáu nghe giọng cười của con nhỏ thật vui vẻ, hồn nhiên.
– Quê một cục là quê làm sao?
– Ai biết… Anh chỉ nghe mấy thằng bạn học nói rồi bắt chước… Anh nghĩ quê một cục chắc hổng có quê nhiều lắm vì cục thì nhỏ cỡ này thôi…
Sáu đưa ngón tay cái của mình lên. Con Bạch lại bật lên cười. Sáu nghĩ tiếng cười của con nhỏ còn giòn hơn trái ổi trên cây nữa.
– Em thích anh anh Sáu… Anh nói chuyện mắc cười quá…
Nhỏ Bạch cười nói một cách tự nhiên. Sáu khoái chí cười hắc hắc.
– Anh cũng vậy… Mình làm bạn với nhau nghen…
Nhỏ Bạch gật đầu lia lịa. Rồi hổng biết nghĩ sao nó lại nói mà giọng lại buồn buồn.
– Mà mình ở xa nhau quá sao làm bạn được…
– Thì mình viết thư cho nhau. Ba tháng hè em lên Sài Gòn ở nhà nội thì mình gặp nhau. Anh dẫn em đi sở thú chơi… đi xem chớp bóng… đi ăn kem sầu riêng, ăn khô bò và uống nước mía nữa… ngon lắm…
Sáu chép miệng vì thèm. Thật ra thì những thứ đó, có thứ nó chưa hề được ăn như khô bò hoặc kem sầu riêng mà chỉ nghe mấy đứa bạn con nhà giàu kể thôi. Còn đi sở thú hay chớp bóng thì nó cũng chưa đi lần nào vì hổng có tiền…
– Em chưa đi sở thú ở Sài Gòn lần nào. Sở thú chắc lớn lắm hả anh?
– Lớn lắm… có đủ thứ hết… cọp, beo, voi… gì cũng có…
Suốt trên đoạn đường dài hai đứa con nít gặp nhau trên chuyến xe đò Á Đông nói chuyện huyên thiên cho tới khi xe dừng lại ở bến bắc Rạch Miễu và cuối cùng dừng lại nơi Ngã Ba Tháp. Trong lúc đứng chờ lấy xe đạp Sáu nói với Bạch.
– Chờ anh lấy xe đạp rồi anh chở em về nhà nghen…
– Nhà em xa lắm…
– Ở đâu mà xa lắm…
– Dạ ở dưới Giồng Trôm lận…
Sáu trợn mắt nhìn con Bạch. Chắc cử chỉ của nó làm cho con nhỏ không dằn được nên phải bật lên cười hắc hắc.
– Em nói nhà em ở Bến Tre chứ đâu có ở Giồng Trôm…
– Thì ở Bến Tre chứ sao. Giồng Trôm cũng thuộc Bến Tre mà anh Sáu…
Sáu cười như mếu không cãi nữa vì biết mình thua trí con nhỏ nhà quê mà cũng biết lươn lẹo. Chắc cũng biết Sáu mắc mưu của mình nên Bạch lấy làm khoái chí cười hoài.
– Bến xe đi Giồng Trôm-Ba Tri ở bên đó…
Con Bạch đưa tay chỉ chiếc xe đò đang nổ máy chờ khách. Hai đứa băng qua đường. Đợi cho anh lơ xe cột chiếc xe đạp của mình trên mui xong Sáu mới chịu leo lên ngồi kế con nhỏ bạn.
– Em ở tại chợ Giồng Trôm hả?
– Dạ… Mai mốt anh tới nhà em chơi nghen…
Con Bạch nói nhỏ. Giọng của nói gần như năn nỉ.
– Em thích anh… Anh ở Châu Bình đâu có xa Giồng Trôm… Anh tới nhà em chơi rồi em lấy mũ trôm cho anh ăn…
Sáu cười. Gì chứ mũ trôm thì nó cũng đã ăn vài lần. Nó cũng muốn có con Bạch bên cạnh chơi đùa vì ba tháng hè ở Châu Bình dài lắm.
– Nghen… Anh đạp xe ra nhà em chơi nghen…
Con Bạch nắm lấy tay Sáu dặc dặc. Sáu gật đầu cười.
– Ừ… Mà anh đâu có biết nhà em…
Bạch nhìn Sáu cười. Nó thấy trong đôi mắt đen óng ánh sáng lên sự vui mừng.
– Ba má em có tiệm may tại chợ… Anh tới chợ Giồng Trôm là thấy liền…
Xe dừng lại tại chợ Lương Quới. Sáu xuống xe. Đứng cạnh chiếc xe đạp nó nhìn theo chiếc xe đò chạy đi trong đó có đôi mắt trong veo của con Bạch.
Buông cuốn Nửa Chừng Xuân xuống bộ ván gõ mun đen thui Sáu nhìn ra khoảng sân rộng chói chang ánh nắng. Không gian đìu hiu và vắng lặng. Tự dưng nó thấy buồn và nhớ Sài Gòn. Bây giờ nó mới biết sự khác biệt giữa vùng quê và thành thị. Một đằng thì lúc nào cũng ồn ào, xô bồ, vội vả và náo nhiệt; còn một đằng thì im vắng và đìu hiu. Chỉ cần về Châu Bình chưa tới mươi ngày nó đã bắt đầu thấy chán. Nước dừa xiêm uống hoài cũng đâm ra nhạt nhẽo. Ăn ổi, sa cô chê, mãng cầu xiêm riết rồi cũng ớn. Ở Sài Gòn nó nhớ tiếng chim trảo trẹt hay chim dòng dọc kêu. Bây giờ tiếng con chim dòng dọc réo suốt ngày làm cho nó nhức đầu. Tủ sách của bà ngoại không còn hấp dẫn nhiều vì đa số nó đã đọc rồi. Nhìn đăm đăm ra con lộ đất từ nhà ngoại ra con lộ lớn hơn chạy dọc theo rạch đầy nước chảy ra chợ Châu Bình, tự dưng nó nhớ tới con Bạch. Tiếng cười hăng hắc hồn nhiên của đứa con gái gặp nhau trên chuyến xe đò Á Đông vang vang trong đầu nó. Ánh mắt nhìn trong veo của con nhỏ ở Giồng Trôm hiển hiện ra lung linh trong bóng nắng của buổi xế chiều làm cho nó thở dài.
– Hay là mình đạp xe ra chợ Giồng Trôm chơi…
Sáu lẩm bẩm trong lúc đưa cuốn tiểu thuyết lên rồi không biết nghĩ sao nó lại buông xuống. Ngồi bật dậy nó bương bả đi ra ngoài vườn dừa kiếm bà ngoại để xin phép. Ra gần tới nơi nó thấy ngoại đang lui cui làm cỏ. Nhìn ngoại gầy còm, tóc bạc trắng và ăn mặc lam lũ nó thấy thương bà vô cùng. Cả đời bà dường như không sống cho mình mà sống vì con và cho con cháu. Bà làm lụng cực khổ, cắc ca cắc củm từng xu để cho con cho cháu ở Sài Gòn. Bà không ăn mặc sang trọng dù có thừa tiền bạc. Bà chịu khó nuôi gà vịt, trồng cây trái để hể có dịp đi là cộ lên hết cho xấp nhỏ vì biết những trái sa cô chê, mãng cầu xiêm, mắm còng, mắm tép, tôm khô, me dốt, dừa xiêm tuy ở Sài Gòn cũng có song lại hổng ngon bằng của ngoại vì nó chứa đựng tình thương của ngoại, thứ tình thương không thể mua bằng tiền và đánh đổi bằng tất cả những thứ gì trên thế gian này.
– Ngoại…
Sáu gọi nhỏ. Ngoại ngưng tay quay lại nhìn.
– Chiều rồi ngoại… Ngoại nghỉ đi ngoại…
Đưa khăn lên lau mồ hôi trên mặt, ngước thấy trời đã xế chiều, ngoại cười gật đầu.
– Ừa… Con đói bụng hả?
– Dạ hông… Con ra kêu ngoại vì sợ ngoại quên… Với lại con nhớ ngoại…
Ngoại cười vui đưa tay xoa đầu đứa cháu ngoại kề cận bà nhiều nhất khi còn nhỏ.
– Con nhớ ngoại hay nhớ má?
– Dạ nhớ ngoại cũng có mà nhớ má cũng có… nhớ cả hai…
Sáu cười hắc hắc sau câu nói. Ngoại cũng bật lên tiếng cười vui khi nghe câu trả lời của cháu. Đi sau lưng ngoại, Sáu từ từ kể lại chuyện gặp con Bạch trên chuyến xe đò Á Đông rồi mới xin phép ngoại sáng mai đi ra Giồng Trôm gặp con Bạch. Ngoại ừ liền vì biết cái làng quê nhỏ bé không thể giữ chân một đứa con nít đã sống nơi thành thị. Ở đây nó không có bạn cùng trang lứa, vả lại nếu cùng tuổi thì cũng không đồng sở thích và cũng hổng có học hành như nó để trò chuyện.
– Con đi chừng nào dìa?
– Dạ con hổng biết… chắc một hai ngày…
Sáu ngập ngừng không nói tiếp vì không biết được cái gì xảy ra sau khi gặp con Bạch. Ngoại im lặng không hỏi nữa mà nó cũng lặng thinh đi trên con đường mòn cỏ tranh vừa mới bị ngoại đốn dồn thành đống cao nghệu. Lâu ngày cỏ sẽ mục thành phân để ngoại đem ủ vào các gốc cây ăn trái quanh nhà.
Sáu, tay dắt xe đạp, mắt nhìn quanh quất tìm nhà. Nó nhớ mài mại con Bạch nói ba má có tiệm may. Đang đi, thấy tự nhiên chiếc xe đạp bị ghì lại Sáu quay nhìn thấy con Bạch đang nhìn mình cười.
– Em ở đâu ra dậy?
– Em đang chơi với mấy con bạn, thấy anh em chạy lại…
Đưa tay áo lau mồ hôi, Sáu cười.
– Nhà em đâu?
Con Bạch đưa tay chỉ về phía dãy nhà ngói.
– Đằng kia. Mình dìa nhà em đi rồi em làm cho anh ly nước mũ trôm anh ăn dô là hết khát nước liền hà…
Con Bạch vừa nói vừa cười. Sáu gật đầu dắt xe đạp đi song song với Bạch.
– Anh ra nhà em chơi mà chừng nào anh dìa?
Thấy Sáu có hơi do dự khi nghe câu hỏi của mình, con Bạch hiểu ý. Dù mới có mười hai tuổi nhưng là con gái nên nó tinh ý và có vẻ hiểu đời sớm hơn Sáu.
– Anh đừng sợ… Ba má em dễ lắm… Chắc ba má em hổng có rầy mình đâu…
Sáu gật đầu cười. Đi một đổi hổng xa, con Bạch đưa tay chỉ.
– Nhà em đó…
Sáu thấy một căn nhà ngói nằm ngoài cùng. Vừa bước vào cửa con Bạch kêu má om xòm. Đúng như lời con nhỏ nói, ba má nó rất hiền lành và vui vẻ. Nghe nói Sáu ở Châu Bình, má con Bạch mới hỏi tên bà ngoại của Sáu thì té ra họ cũng biết nhiều về lai lịch của đứa con trai bạn với con gái của mình. Buổi chiều sau khi ăn cơm xong hai đứa ra ngồi trên khúc cây nhìn con rạch Giồng Trôm chảy ngang qua nhà.
– Anh thích ở đây hông?
Con Bạch hỏi nhỏ. Dụ dự giây lát Sáu mới cười trả lời.
– Cũng thích… mà ở quê buồn quá…
Quay đầu qua Sáu thấy Bạch đang nhìn mình. Trong ánh nắng của buổi chiều đồng quê êm ả nó thấy cặp mắt đen láy, hàng lông mi cong cong và cái miệng mím lại như cố giữ không cười.
– Có em chơi với anh thì đỡ buồn hơn…
– Chừng nào anh dìa Châu Bình?
– Chắc ngày mốt…
– Em theo anh dìa nhà ngoại anh chơi anh chịu hông?
Đưa tay ra nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của con Bạch bóp nhè nhẹ Sáu cười bằng mắt.
– Chịu liền… chừng nào đi?
– Chừng nào anh dìa thì em ôm quần áo đi theo anh…
Nói xong hổng biết nghĩ cái gì mà con Bạch bật cười hăng hắc. Mặt của nó hồng lên khiến cho Sáu nhìn trân trân.
– Tối rồi anh… mình dô nhà đi anh Sáu…
Giọng con Bạch nhỏ nhẹ như tiếng thì thầm. Sáu gật đầu. Hai đứa nắm tay nhau đi song song tới gần nhà mới buông tay ra.
*****
Chiếc xe đạp từ từ lăn bánh trên con đường đất đỏ rộng thênh thang mà thưa xe cộ chạy vì Sáu dường như lười biếng chỉ muốn đạp vừa đủ thôi. Tâm trí của nó nghĩ đâu đâu. Trong bóng nắng lung linh của buổi trưa thành thị nó chợt thấy hiện lên hình ảnh của con Bạch đang nắm tay nó đi trên con đường mòn của vườn dừa nhà ngoại. Nó như ngửi được mùi hoa mù u trên tóc của nhỏ bạn khi hai đứa ngồi chung cái võng căng giữa khu rừng mù u, ăn ổi và mãng cầu no nê rồi con Bạch đọc Bên Vĩa Hè trong bán nguyệt san Tuổi Hoa cho Sáu nghe. Giọng con nhỏ bùi đã lỗ tai luôn. Sáu như còn nguyên cảm giác lạ lùng khi trên đường từ Châu Bình trở ra Giồng Trôm, con Bạch thân mật và hồn nhiên vòng hai cánh tay mềm ấm ôm lấy eo ếch cũng như ngã đầu vào vai nó. Tiếng cười hăng hắc của con nhỏ vang vang trong cơn gió đồng nội. Nó ước gì mình được về Châu Bình để gặp lại con Bạch trong dịp tết này. Tuy nhiên nó biết ước ao của nó không thành. Còn lâu lắm nó mới gặp lại con Bạch vì má nó không có tiền cho nó về ngoại mỗi năm.
Về tới nhà Sáu chỉ hơi mỉm cười khi thấy một phong thư đặt nơi góc chỗ ngủ của mình. Ráng làm bộ như không có gì quan trọng nó nhét phong thư của con Bạch vào đống mùng mền để đợi tới tối mới mở ra đọc.
– Anh Sáu thương mến của em
Từ khi anh dìa Sè Gòn thì em buồn lắm vì sau đó hổng có chơi với ai hết trơn hết trọi. Mấy đứa con nít ở đây nhà quê thấy mồ…
Sáu bật cười khi con Bạch chê mấy đứa bạn trai gái của nó ở Giồng Trôm nhà quê.
– … Tụi nó hổng có biết nói chuyện như anh mà tụi nó cũng hổng thích đọc sách như tụi mình. Em bây giờ lớn rồi, má em nói như thế, nên hổng thích chơi đánh đũa, nhảy cò cò nữa mà em thích nằm đọc lại mấy tờ báo Tuổi Hoa mà anh đã cho em. Anh Sáu ơi em thích lắm nên thuộc lòng luôn. Cái truyện ở trong cuốn Tuổi Hoa làm em nhớ anh Sáu nhiều… Thằng nhỏ trong truyện nó cũng hổng có ba như anh Sáu đó…
Sáu cảm thấy nước mắt của mình từ từ ứa ra. Trong lúc vui miệng nó đã kể cho con Bạch nghe là ba của nó bỏ đi xa. Lâu lắm rồi nó hổng có thấy mặt ba. Mấy tháng nay nó nhịn ăn sáng lúc đi học lấy tiền mua báo Tuổi Hoa đọc xong rồi xếp vào góc nhà cẩn thận để dành cho con Bạch. Nó định bụng hể khi nào gặp con Bạch là nó sẽ tặng hết bộ sưu tập Tuổi Hoa cho con nhỏ vì biết con nhỏ thích với lại nó lớn rồi nên hổng còn thích đọc Tuổi Hoa nữa.
– Anh Sáu… Má em có hứa là hè năm nay sẽ cho em lên nhà nội ở Sè Gòn chơi ba tháng hè. Như vậy là mình sẽ gặp nhau. Anh phải dẫn em đi ra chợ Sè Gòn ăn khô bò uống nước mía và đi coi chớp bóng nghen. Anh quên là em giận nghỉ chơi anh luôn. Thôi em buồn ngủ rồi… em dừng ở đây…
Gấp lá thư của con Bạch lại, Sáu mường tượng ra đôi mắt trong đen của con nhỏ ở Giồng Trôm và tự hỏi giờ này con nhỏ đang làm gì. Ở nhà quê chắc nó đã ngủ khò rồi.
Đang nằm đọc truyện, nghe tiếng cười nói lao xao Sáu ngồi dậy ngó ra đường rồi mừng rỡ la lớn.
– Bạch… Con Bạch…
Mặc áo dài trắng, quần đen, chân mang guốc, dáng dấp ngượng nghịu và luống cuống vì bị mấy con mắt của các anh chị của Sáu soi mói, con nhỏ đứng khép nép bên cạnh một thanh niên còn trẻ. Trông thấy Sáu, con Bạch sáng mắt mừng rỡ kêu lên.
– Anh Sáu…
Sáu cười chào hỏi mà nó đoán chừng là anh bà con của Bạch. Anh ấy xưng tên Bình, nhà ở bên Tân Định, là anh bà con chú bác với Bạch.
– Anh giao con Bạch cho em coi chừng nghen. Chiều em chở nó về nhà anh…
Bình chỉ đường cho Sáu rồi leo lên xe đi. Có lẽ sợ nên Bạch nắm tay Sáu chặt cứng trong lúc lí nhí trả lời câu hỏi của má Sáu. Nó thiếu điều nhảy dựng lên khi thấy chồng báo Tuổi Hoa rồi cám ơn rối rít khi Sáu nói cho nó mang về Giồng Trôm.
– Em thương anh, anh Sáu…
Câu nói giản dị bày tỏ sự cám ơn của con nhỏ làm cho Sáu cười hắc hắc. Kể từ hôm đó cho tới khi về lại Giồng Trôm, hai đứa con nít không rời nhau. Với chiếc xe đạp cũ, Sáu chở con Bạch lang thang khắp nơi trong thành phố. Không có nhiều tiền nên hai đứa thường thường chia nhau ly nước mía có vắt nước quít thơm và ngọt lừng. Con Bạch ăn kem sầu riêng thiếu điều liếm dĩa mà vẫn còn thèm. Lần đầu tiên coi chớp bóng, nó ôm chặt Sáu sợ bị xe đụng vì lúc đó trên màn ảnh có chiếc xe hơi đang đà lao tới. Nó nhảy tưng tưng khi thấy núi Châu Thới. Lúc hổng có tiền hai đứa nằm nhà đọc báo. Rồi ngày vui qua thật mau. Hôm chia tay con Bạch không khóc song đôi mắt thật buồn. Từ đó hai đứa không bao giờ gặp lại…
*****
6 năm sau… Đang lui cui dò tên mình coi có may mắn được nằm trong tờ danh sách của các thí sinh trúng tuyển vào trường sư phạm cộng đồng Long An không, Sáu chợt nghe tiếng người gọi nhỏ sau lưng mình.
– Anh Sáu…
Tiếng người nghe thật lạ với lại đang bận dò tìm tên của mình nên Sáu hổng thèm trả lời.
– Anh Sáu… Anh Sáu… Anh quên em rồi hả?
Sáu quay lại. Ngẩn ngơ nhìn người con gái đang đứng trước mặt mình anh lắp bắp lên tiếng.
– Bạch hả… Em là Bạch hả?
Cô gái mặc áo dài trắng bật lên tiếng cười. Chỉ cần nghe tiếng cười đó Sáu biết chắc chắn cô gái đang đứng trước mặt mình là Bạch, con nhỏ Giồng Trôm của anh.
– Em lớn quá anh nhìn hổng ra em… mà em đi đâu dậy?
– Dạ đi coi kết quả… Còn anh đi đâu?
– Anh cũng đi coi kết quả… Em đậu hay rớt?
– Dạ đậu… Còn anh?
Sáu cười nói với giọng cà rỡn mà Bạch nghe giọng cười như có pha nước mắt.
– Anh hổng đậu hổng rớt mà có điều anh hông thấy tên anh trên bảng danh sách của thí sinh trúng tuyển…
Sau khi nghe câu nói đó, không biết nghĩ gì mà con Bạch lại đưa tay ra nắm lấy tay Sáu dặc dặc mấy cái như chia buồn hay an ủi. Lát sau như mắc cỡ về cử chỉ của mình, Bạch liếc nhanh mấy thí sinh đang có mặt rồi cười lỏn lẻn nói.
– Rồi anh làm gì?
Sáu cười lên tiếng.
– Mình ra đằng kia đứng nói chuyện. Lâu quá mình hổng có gặp mặt mà cũng hông có thư từ với nhau. Anh sẽ kể cho em nghe…
– Dạ… Em cũng muốn kể cho anh nghe hết dìa em…
Hai đứa kéo nhau ra ngoài sân trường dưới gốc cây me đứng nói chuyện.
– Anh nói gì nói đại đi…
Bạch mỉm cười lên tiếng khi thấy Sáu im lặng như mãi suy nghĩ chuyện đâu đâu.
– Em nói đi… Anh nhường cho em nói trước đó…
Bạch gật đầu cười nhìn Sáu với vẻ biết ơn. Mấy năm không gặp nhau mà Sáu vẫn giữ nguyên cái tính nhường nhịn và chiều chuộng cô như ngày xưa. Không còn là cậu con nít lì lợm hay chọc phá mà Sáu đã trở thành cậu thanh niên chững chạc, trầm lặng và có cái gì xa vắng hơn.
– Em khác xưa nhiều…
Sáu chậm chạp lên tiếng. Bạch cười tươi tắn.
– Anh cũng vậy…
– Em không còn là con nhỏ nhút nhát và hay mắc cỡ nữa. Bây giờ em là một thiếu nữ trẻ đẹp và có chút tự tín hơn…
Bạch cười như cám ơn về lời nhận xét của người bạn ngày xưa rồi vắn tắt kể lại chuyện gì xảy ra trong khoảng thời gian sáu năm hai đứa xa nhau. Học xong tiểu học ở Giồng Trôm, Bạch được ba má gởi lên nhà bà con ở Bến Tre tiếp tục học. Sau khi thi đậu tú tài thì cô về lại Giồng Trôm xin vào dạy học ở trường tiểu học tại quận. Biết ba má có ý bắt mình phải lấy chồng, cô bèn tìm cách tránh né bằng việc thi vào trường sư phạm Long An. Cô hi vọng sau khi tốt nghiệp sẽ được làm cô giáo ở trường trung học đệ nhất cấp. Đợi cho Bạch kể xong, Sáu cười nói giỡn.
– Anh mừng cho em đã trở thành cô tú kép rồi mai mốt thành cô giáo…
Hai đứa thong thả đi ra lộ lớn để đón xe. Vừa đi Sáu vừa nói cho Bạch biết anh đang học đại học văn khoa song má nghèo quá mà các anh chị lớn thì ai cũng có gia đình nên anh không đủ tiền để theo đuổi việc học. Do đó anh tính đi lính.
– Mà anh đi lính gì?
Hỏi xong Bạch nhẹ nắm lấy bàn tay của người bạn ngày xưa. Sáu để yên cho Bạch nắm tay mình. Lát sau anh mới quay qua nhìn Bạch cười nói.
– Lính gì cũng được… Anh chỉ cần có chỗ để an thân…
Đứng bên cạnh nhau trên quốc lộ 4, Bạch hỏi nhỏ.
– Mình còn gặp nhau hông anh?
Ngần ngừ giây lát Sáu mới lên tiếng.
– Anh không biết… Dù không gặp mặt nhau anh cũng nhớ Bạch hoài…
Ngừng lại giây lát Sáu mới nói tiếp.
– Anh vẫn nhớ em hoài… Em là người bạn anh không bao giờ quên…
Bạch mỉm cười. Cô đủ lớn để biết cái tình cảm mà Sáu gói trong câu nói giản đơn đó.
– Em cũng vậy… Em thương anh… Dù mình không gặp nhau nữa em vẫn nhớ anh, thương anh như lúc mình mới quen nhau…
Không nói lời từ giã, Sáu bước qua bên kia đường khi thấy chiếc xe đò từ dưới miệt Mỹ Tho chạy lên. Bạch đứng im nhìn theo. Cô biết nước mắt của mình ứa ra vì hình ảnh của người bạn xưa lung linh chập chờn trong ánh mặt trời mùa hè gay gắt. Đó là lần gặp nhau cuối cùng của hai đứa. Dù xa nhau Sáu vẫn ấp ủ hình bóng của người bạn xưa. Dường như trong ký ức vọng hoài tiếng cười của người con gái chắc vẫn còn ở trên quê hương hầu như xa lắm rồi ./.
Chu Sa Lan