NGỌC LAN, 15 NĂM TIẾNG HÁT VỀ TRỜI (Cát Linh/RFA)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ngày này, 15 năm trước (06/03/2001), làng âm nhạc Việt Nam chia tay một người con gái với tiếng hát được biết đến như một hiện tượng của văn nghệ Việt Nam đầu thập niên 90. Cô ra đi để lại nhiều giai thoại về những ngày cuối đời của mình.
Đó là Ngọc Lan, người ca sĩ với gương mặt khả ái và tiếng hát nhẹ như sương.
Cát Linh mời quí vị quay về những ca khúc đã mang cô đến với khán giả Việt Nam, nghe lại chính những lời tâm sự của cô trong những ngày chưa rời xa thế giới này, cùng những kỷ niệm trong thời gian làm việc với cô do ông Trần Thăng, giám đốc trung tâm ca nhạc Mây Production kể lại.
“Mưa buồn mãi rơi trên biển xưa âm thầm
Ôi biển vắng đêm nao tình trao êm đềm
Cơn sóng nào khơi lên nỗi đau trong em bao nhiêu chiều
Lang thang một mình…” (Mưa trên biển vắng)
“Ngọc Lan rất muốn có cơ hội để phát triển khả năng của mình trên mọi lĩnh vực. Thứ nhất là để thoả mãn đam mê nghệ thuật của chính mình. Thứ hai là Ngọc Lan hy vọng sẽ đóng góp một phần nhỏ của mình vào lãnh vực thứ bảy của Việt Nam…” 

 

Chắc có lẽ chúng ta, những ai đã từng có một thời nồng nàn với Mưa trên biển vắng, với Hai mươi năm tình cũ, với Mùa đông sắp đến trong thành phố, hay những ca khúc Pháp lời Việt như Joe Le Taxi, Mal De Toi, La Plus Belle Pour Aller Danser (Em đẹp nhất đêm nay)… thì sẽ không thể nào quên tiếng nói trong vắt, nhẹ như sương ấy, tiếng hát Ngọc Lan, người ca sĩ sở hữu gương mặt hiền như thánh nữ.
Cô chia sẻ giấc mơ nghệ thuật đó với khán giả và MC Nam Lộc cách đây 24 năm, trong đêm nhạc đầu tiên của Mây Production Hollywood Night 1. Đêm ấy cũng là lần đầu tiên cô trình bày Mưa trên biển vắng, một ca khúc lời Việt của cố nhạc sĩ Nhật Ngân.
15 năm sau, mơ ước ấy đã bay về trời cao, mang theo người ca sĩ tài hoa đoản mệnh.
“Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Gót chân đôi khi đã mềm gọi buồn cho mình nhớ tên…” (Chiều một mình qua phố)
Những thuở ban đầu
Không khó để tìm thấy những bài viết về cô, người nữ ca sĩ tài sắc vẹn toàn nhưng vắn số. Thế nhưng, rất hiếm, nếu không muốn nói là không có, những bài phỏng vấn về cô. Tất cả những gì chúng ta có thể tìm được là những tình cảm chưa bao giờ dứt của người ở lại dành cho nữ ca sĩ tài hoa bạc mệnh này.
 

971614_657038417645763_117931472_n.jpg 

“Ngọc Lan là một người gần như là không có những sự bon chen về thương mại. Ngọc Lan rất ngại khi được người ta nói về mình, viết về mình. Gần như là Ngọc Lan trốn tránh hết những cái đó. Chính vì những cái đó tạo ra cho mọi người thấy rằng Ngọc Lan là một người mà người ta lúc nào cũng muốn tìm hiểu thêm, biết thêm.”
Người rất gần gũi trong suốt sự nghiệp của cô, ông Trần Thăng, giám đốc của Mây Production, khi nhớ về cô, ông luôn nói rằng “chúng tôi làm chương trình với Ngọc Lan, chứ không làm cho Ngọc Lan.”
Ông nhấn mạnh, đó là tính cách của cô. Ngọc Lan hoàn toàn không tạo ra điều đó. Sự bình dị ấy tự nhiên như tiếng hát của cô, không cầu kỳ, không phô trương kỹ thuật.
“Trong đôi mắt anh em là tất cả
Là nguồn vui, là hạnh phúc em dấu yêu
Nhưng anh ước gì
Mình gặp nhau lúc em chưa ràng buộc
Và anh chưa thuộc về ai…” (Như đã dấu yêu)
Tiếng hát nồng nàn, cao vút và nhẹ như sương khói ấy đi vào lòng người ngay từ những ngày đầu tiên trong nghiệp hát. Cô chinh phục khán giả không chỉ bằng chất giọng êm đềm, phong cách dịu dàng mà còn với cả sự chân tình trong lời nói.
“Lan nghĩ mọi người có một nghiệp dĩ. Và nghiệp dĩ của Lan đã gắn liền với cuộc sống ca hát. Cho nên từ sự tình cờ này nối tiếp sự tình cờ khác mà ngày hôm nay Lan trở thành một ca sĩ mang tên Ngọc Lan và được trình diễn trên đây cho tất cả quý vị.”
Đối với người con gái này, hình như tất cả đều là định mệnh. Cô nhìn cuộc đời và sự nghiệp của mình nhẹ như sương như khói. Cô càng nâng niu trân trọng khán giả bao nhiêu thì cô càng khắt khe với chính mình bấy nhiêu.
“Trong suốt thời gian sinh hoạt văn nghệ, tôi chỉ thấy ca sĩ Ngọc Lan là một người có tinh thần làm việc có thể nói rằng không ai sánh bằng. Tất cả những thành quả mà Ngọc Lan có được phần lớn là do Ngọc Lan chứ không phải do trung tâm hay do ai mà có thể làm ra như vậy được. Ngọc Lan là một người ca sĩ rất hiếm quý của nền âm nhạc Việt Nam.”
Hình như khi nghe cô hát, nhìn cô trình diễn trên sân khấu người ta cảm thấy mọi sự hận thù không có chỗ đứng trong thế giới này. Cho dù, nhìn cô hát, chúng ta cứ ngỡ như đang chiêm ngưỡng một bức tranh hoạ người thiếu phụ buồn, buồn từ đôi mắt đến dáng người, và giọng hát.
“Chuyện tình mười mấy năm qua nay bỗng xót xa những khi sầu dâng.
Còn đâu ngày quen biết nhau đã yêu em rồi, yêu cả cuộc đời…” (Tình phụ)
Ngọc Lan đa tài. Đúng thế. Có nghe cô nồng nàn với những ca khúc Pháp trữ tình lời Việt mới thấy được vì sao Ngọc Lan là một hiện tượng của thập niên 90.
“Ngày đó cứ ngỡ với nhau ta muôn đời chung bước về / Tình mới đó quá đắm say thoáng đã nghe những ê chề / Người hỡi có nhớ tới em những đêm xưa ta say ân tình…” (Comme Toi – Người yêu dấu ơi)
Bao nhiêu là thế hệ thanh niên trưởng thành ở thập niên 90 thời đó từ phía bên kia bờ đại dương đã say mê bầu trời trong vắt với vô vàn vì sao, đắm mình nghe tiếng sóng biển giữa bãi khuya, chỉ qua tiếng hát ngọt ngào của cô
“Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ,
Tôi đi tìm cơn gió
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau…” (Nha Trang ngày về)
Nhà văn Đỗ Vẫn Trọn, trong bài viết “Ngọc Lan một vầng trăng” có nói rằng: “Ngọc Lan chưa phải là một nhan sắc rực rỡ đứng ở tiền trường. Ngọc Lan – chưa phải là một giọng ca dội cuốn năm châu – nhưng Ngọc Lan, từ nhan sắc đến giọng ca của nàng đã thực sự trở thành giấc mơ thầm kín, trở thành ao ước ngọt ngào, kín lặng của những tâm hồn trai mới lớn, của những gương thanh niên vào đời, hăm hở chân đi.”
Những ngày cuối…
Không dễ dàng chút nào khi nói về một huyền thoại.
Ngọc Lan là một huyền thoại. Một huyền thoại trong vắt mà người đời chỉ có thể tìm thấy những tì vết cho chính người đời thêu dệt.

375006_658695080813430_1682130757_n.jpg

Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, cô phát hiện mình có bệnh, căn bệnh đa thần kinh hoá sợi tác động vào trung khu thị lực của cô. Nhưng không như những lời đồn đoán bên ngoài rằng người ca sĩ khả ái này đã bị mù, ông Trần Thăng cho biết những ngày sau đó, cô vẫn ngồi làm việc cùng ông trên những tác phẩm do Mây Production và Ngọc Lan cùng thực hiện.
“Ngọc Lan vẫn ngồi editing với tôi, vẫn xem được video. Nhưng Ngọc Lan nói rằng Lan chỉ nhìn thẳng được thôi, cũng như Lan nhìn vào cái ống nhòm. Lan không thấy được những gì xung quanh. Lan chỉ thấy phía trước thôi. Không phải là Ngọc Lan không nhìn thấy.
Ở ngoài thì người ta bắt đầu nói Ngọc Lan bị tiểu đường hay bị gì đó, hoàn toàn không có. Thậm chí có người gọi cho tôi nói là hôm nay tôi mới đi lễ cầu nguyện cho linh hồn cô ấy, người ta nói cô ấy mất rồi. Tôi không nói những điều đó với Ngọc Lan. Nhưng rồi cô ấy cũng biết. Và cô ấy chỉ nói rằng anh Thăng ơi, khi nào Lan không còn hát được nữa thì cho Lan biết để Lan ngưng, chứ Lan không muốn kéo dài mãi.”
Loài hoa bất tử
Ngọc Lan là một hiện tượng mà cho đến hơn mười lăm năm sau, kể từ ngày cô tạm biệt thế giới này, người ta vẫn còn nhắc, nói, nhớ về cô với vẹn nguyên hình ảnh một gương mặt đẹp khả ái, hiền hoà luôn phảng phất một nỗi buồn. Cái buồn làm cho người đối diện cảm thấy như cô có thể vỡ tan bất cứ lúc nào.
“Thực sự vì mình đang nói chuyện qua điện thoại, nếu mà bây giờ đang là video thì sẽ thấy mắt tôi đang ứa lệ. Vì mỗi lần nhắc đến Ngọc Lan thì nhắc lại cho tôi nhiều kỷ niệm.”
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng.
Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.
Ngọc Lan, người con gái mong manh với tiếng hát nhẹ như sương đã đến một nơi rất xa. Nơi đó tuy không có bờ cát trắng, không có những tiếng vỗ tay đón chờ cô cất tiếng hát, nhưng chắc chắn, cô sẽ nghe được lời gọi của những người ở lại, luôn gọi tên cô với tình yêu chưa bao giờ dứt.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/ngoc-lan-15yrs-a-time-has-gone-03062016075045.html