Họ từng gọi tòa tháp cao 300 m được đề xuất xây dựng ở trung tâm của Paris là một thứ “chướng mắt”; và ngày nay nó trở thành một biểu tượng.
Đề án xây dựng một biểu tượng vĩ đại ở trung tâm thủ đô nước Pháp của Gustave Eiffel từng là căn nguyên của những tranh cãi lớn trong nhiều năm. Nhưng lòng khoan dung của vị kỹ sư doanh nhân trước những người chỉ trích ông, lòng dũng cảm của ông khi đối diện với những quan điểm bất đồng và đức tính kiên trì cuối cùng đã giúp công trình thiết kế của ông giữ vị trí hàng đầu trong những thành tựu kiến trúc vĩ đại nhất thời hiện đại.
Tại cuộc triển lãm Exposition Universelle năm 1889, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp, Tạp chí Officiel đã giới thiệu một cuộc thi lớn, yêu cầu thiết kế một địa danh mới ở Paris.
Trong số 107 bản đề án gửi đi, thiết kế của Gustave Eiffel, Maurice Koechlin, Emile Nouguier và Stephen Sauvestre cuối cùng đã được chọn.
Đề án của nhóm kỹ sư cần mẫn này là “nghiên cứu khả năng xây dựng một tòa tháp kim loại trên khu vườn Champ-de-Mars với đế hình vuông, rộng 125m và cao 300m.”
Việc xây dựng công trình này ban đầu vấp phải sự phản đối lớn của công chúng. Họ cho rằng nó không cần thiết và trông thật chướng mắt, nó là một tượng đài xấu xí sẽ làm giảm vẻ đẹp của thành phố Paris.
Một bản kiến nghị có tiêu đề “Những nghệ sĩ phản đối Tháp Eiffel” thậm chí đã được gửi tới Bộ trưởng Bộ Công trình và Uỷ viên phụ trách Triển lãm Charles Alphand và được xuất bản trên tờ Le Temps vào ngày Lễ Tình Nhân năm 1887.
“Chúng tôi, những nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư và những người đam mê vẻ đẹp nguyên sơ của Paris từ xưa tới nay, bằng tất cả sức lực, với tất cả sự phẫn nộ nhân danh vẻ đẹp nhẹ nhàng đặc trưng của nước Pháp, phản đối việc xây dựng tòa Tháp Eiffel vô dụng và quái dị này.” Bức thư tiếp tục:
“Để cuộc tranh luận của chúng ta ngã ngũ, hãy tưởng tượng một chút khi một cái tháp ngớ ngẩn, lố bịch đứng sừng sững giữa Paris như một ống khói đen khổng lồ, và khối lượng man rợ của nó đè bẹp Nhà thờ Đức Bà, tháp Tour Saint-Jacques, Bảo tàng Louvre, Mái vòm của Les Invalides, và Khải Hoàn Môn… Tất cả các tượng đài đó của chúng ta sẽ bị sỉ nhục và biến mất trong cơn ác mộng này.”
Nhưng ông Eiffel vẫn kiên trì với đề án của mình. Công trình được bắt đầu xây dựng vào ngày 28/01/1887 và hoàn thành vào ngày 31/03/1889. Ngay lập tức, nó được hàng triệu người coi là một kỳ tích đặc biệt của ngành kỹ thuật cơ khí.
Khúc ca khải hoàn của Tháp EiffelKỹ sư người Pháp Alexandre Gustave Eiffel (1832–1923) bên cạnh bức minh họa công trình nổi tiếng nhất của ông, Tháp Eiffel
Tháp Eiffel được xây dựng trong 2 năm, 2 tháng và 5 ngày. Ngày nay, tòa tháp có độ cao 1,063 feet (khoảng 324 m) và nặng tới 10,100 tấn. Nó bắt đầu mở cửa cho công chúng vào năm 1889 và được đặt theo tên của Gustave Eiffel.
Chỉ trong năm khánh thành, Tháp Eiffel đã đón gần 2 triệu lượt khách.
Theo trang web chính thức, Tháp Eiffel dự định chỉ tồn tại trong vòng 20 năm nhưng nó tiếp tục được sử dụng nhờ sự ủng hộ đáng kinh ngạc của ngành viễn thông. Tòa tháp mang tính biểu tượng đóng vai trò là một trạm phát thanh quân sự vào năm 1903 và truyền tải chương trình phát thanh công cộng đầu tiên vào năm 1925.
Tháp Eiffel từ đó trở thành minh chứng cho tài năng khéo léo của người Pháp. Ai cũng có thể nhận ra tòa tháp ngay lập tức và nó trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, văn học và điện ảnh.
Khi nhà phát minh người Hoa Kỳ Thomas Edison đến thăm Tháp Eiffel trong Hội chợ Thế giới năm 1889, ông thậm chí còn ký vào cuốn sổ lưu bút với lời nhắn sau:
“Gửi đến Ngài kỹ sư Eiffel, người đã dũng cảm xây dựng nên một mẫu vật nguyên bản và khổng lồ trong ngành Kỹ thuật hiện đại, từ một người có sự tôn trọng và ngưỡng mộ lớn nhất đối với tất cả các Kỹ sư, bao gồm cả vị Kỹ sư vĩ đại, Đức Chúa của chúng ta.”
Nếu ông Eiffel cho phép những lời chỉ trích đánh bại mình, thì Paris sẽ không bao giờ có được một địa danh mang tính biểu tượng như vậy. Sự khoan dung của ông Eiffel với những người chỉ trích, cùng lòng can đảm và đức tính kiên trì của Eiffel đã góp phần vào thành công cuối cùng của ông.
Khách du lịch xếp hàng bên ngoài tháp Eiffel vào năm 2011; Biểu tượng toàn cầu của nước Pháp này là một trong những địa điểm du lịch được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới
Ba đức tính dưới đây có thể giúp bất kỳ ai có mục tiêu đầy tham vọng đạt được ước mơ.
Lòng khoan dung“Trách nhiệm của lòng khoan dung thuộc về những người có tầm nhìn rộng lớn hơn.” – George Eliot
Đương nhiên, khát vọng lớn lao luôn đi kèm với những khó khăn to lớn, tuy vậy sự khoan dung là phẩm chất giúp người có nhiều khát vọng trụ vững trước những làn sóng dữ chỉ chực chờ nuốt chửng những ý tưởng lớn. Như tiểu thuyết gia người Anh Mary Ann Evans với bút danh “George Eliot” đã từng nói: đối với bất kỳ ai có ước mơ lớn, việc tu dưỡng lòng khoan dung với người khác và với ước mơ của chính mình là một trách nhiệm cần có.
Lòng dũng cảm
“Thời gian của bạn là có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của người khác. Đừng bị mắc kẹt bởi những thứ giáo điều, vốn tồn tại dựa trên kết quả từ những suy nghĩ của người khác. Đừng để âm thanh ồn ào từ những ý kiến của người khác át đi tiếng nói bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy có can đảm để làm điều trái tim và trực giác mách bảo.” – Steve Jobs
Điều quan trọng là không nên chạy trốn khi đối mặt với những lời chỉ trích. Chỉ những người chịu đựng được những lời chỉ trích khắc nghiệt nhất mới có thể chạm đến đỉnh cao của sự vĩ đại. Ngài Eiffel đã phải chịu đựng rất nhiều lời chê bai, giống như ông trùm kinh doanh Steve Jobs. Tuy nhiên, cả hai người đều có được sự tôn trọng và ngợi ca trên toàn thế giới bằng cách trung thành với các nguyên tắc sống và dự án của mình.
Kiên trì
“Cuộc sống không hề dễ dàng đối với bất kỳ ai. Nhưng đó có ý nghĩa gì? Nghĩa là chúng ta phải kiên trì và hơn hết là tự tin vào bản thân mình. Chúng ta phải tin rằng chúng ta được ban tặng một tài năng thiên bẩm vì một mục đích nào đó và rằng chúng ta phải đạt được điều ấy.” – Marie Curie
Tham vọng càng lớn thì sự phản đối càng lớn. Nhưng cuộc sống rất công bằng, ngọn núi càng cao, quang cảnh từ đỉnh núi càng ngoạn mục. Như nhà vật lý đoạt giải Nobel Marie Curie từng nghiệm ra: sự kiên trì sẽ được đền đáp; niềm tin vào đích đến sẽ khởi động cuộc hành trình bất kể nó kéo dài bao lâu hay gian khổ thế nào.
Tháp Eiffel đã đứng sừng sững một cách kiêu hãnh hơn 110 năm so với thời gian dự kiến ban đầu. Lòng khoan dung, sự dũng cảm và kiên trì của ngài Eiffel đã đặt nền móng vững chắc và nền tảng đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Louise Bevan _ Thuần Thanh