Hôm nay là ngày mồng 5 tết là ngày kỷ niệm
232 năm vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi Đống Đa vào năm 1789 . Hình chụp tôi và vợ tôi Lê Thu Ba bên bờ sông Côn thuộc Phú Phong Bình Khê, Bình Định vào mồng 5 tết 1975 . Trong hình có thể thấy phia sau lưng hai vợ chồng là dân chúng đang vô tư đi chơi lễ hội . Nhìn kỷ thêm một chút sẽ thấy chiếc cầu bắc qua con sông tên là sông Côn . Đây là nơi vua Quang Trung khởi nghiệp dấy binh khởi nghĩa. Tính tới ngày hôm nay thì tấm hình vừa tròn đúng 46 năm . Đó là câi tết cuối cùng trên người tôi còn mặc bộ quân phục của VNCH .
Năm 1973 khi đơn vị tôi trú đóng ở đây vẫn còn di tích của những bãi luyện quân của anh em nhà Nguyễn Huệ . Tôi đã từng đứng trên những bãi gò đó nay thuộc ấp Phú Lạc cã Bình Thành Bình khê Bình Định . Khi chụp hình này hai vợ chồng cũng như tất cả mọi người dân có mặt không ai nghĩ ba tháng sau đó thì bị nước mất nhà tan và cuộc đời thay đổi .
* Khởi đầu là 20/03/75 là ngày sinh nhật của vợ tôi tròn 20 tuổi. Trước tình hình chiến sự khốc liệt từng ngày, những chiếc xe đò chở chật cứng người từ Huế Đà Nẳng chạy vào nam ngang qua thị trấn Bình Định là nơi tôi phụ trách . Những tin tức nghe được qua báo chí có thể Tổng Thống Thiệu sẽ bỏ từ đèo cả Tuy Hoà trở ra . Buộc lòng tôi phải đưa vợ tôi lên một chiếc xe theo đoàn người chạy loạn để về Ninh Hoà là nơi ba má của tôi để tôi được an tâm ở lại với đơn vị . Hai vợ chồng vừa cưới nhau ba tháng không có tuần trăng mật vì tình hình chiến sự
* 25/03 tập họp nhân viên dưới quyền và cho phép họ tự chọn ra đi hoặc ở lại. Riêng tôi thì phải ở lại vì không có lệnh di tản. Tôi không thể bỏ đi vì bỏ đi có nghĩa là đào binh trong thời chiến. Một số nhân viên dưới quyền của tôi vì gia đình con cái nheo nhóc nên xin phép được chọn ra đi. Bùi ngùi nhìn nhau có thể là lần cuối
* 30/03 10 giờ đêm cùng số nhân viên ở lại nằm thủ trên một cao ốc tại thị trấn An Nhơn Bình Định. Nghe qua đài BBC nói Đà Nẳng vừa mất 29/03 và Qui Nhơn đang mất 30/03 (trong khi tôi đang còn đây). Đài BBC loan tin từng tỉnh thành miền trung rơi vào tay cộng sản trước khi chiến sự nổ ra khiến cho tinh thần những người còn ở lại suy sụp . Cuộc chiến tranh thực sự có đạn nổ bom rơi không đáng sợ bằng chiến tranh cân não đánh giặc bằng mồm
* 31/03 lúc 10 giờ sáng Thị trấn Bình Định vắng teo. Người dân còn ở lại đang thấp thỏm hoang mang
* 31/03 lúc 12 giờ trưa tôi cùng 7 nhân viên với súng ống ngồi trên chiếc xe Jeep chạy vào thành phố Qui Nhơn. Thành phố không thấy bóng người, nhà cửa đều đóng kín mít. Tôi kéo vào Trưòng Trung Học Tăng Bạt Hổ tạm trú để theo dỏi tình hình. Địa thế Qui Nhơn giống như một cái túi treo lủng lẳng mà sợi dây thắt miệng túi đó là quốc lộ số 1 kéo dài từ Bắc vô Nam. Con đường duy nhất vô Nam bị cột chặt ở chân đèo Cù Mông. Xem như tụi tôi lọt vô miệng túi không có lối thoát ra
* 31/03 Lúc 4 giờ chiều cả bọn kéo xuống bờ biển gặp một chiếc ghe của người dân. Tiến thoái lưỡng nan tôi đành ra biển. Qui Nhơn đang hấp hối. Tôi và 7 nhân viên đi cùng quay nhìn Qui Nhơn lần cuối. Qui Nhơn chìm trong sương lặng xa dần
* 01/04 lúc 10 giờ sáng chiếc ghe tấp vào Nha Trang. Tôi và các nhân viên dưới quyền chia tay nhau hồn ai nấy giữ . Chúng tôi cùng lặng lẽ bùi ngùi chúc may mắn cho nhau. Tôi quyết định quay ngược lại Ninh Hòa tìm vợ của mình mà 10 ngày trước tôi đưa lên xe đò chạy loạn từ Bình Định
* 01/04 gặp được Thu Ba và anh Dương Miên là ông anh cả của tôi cũng là đại uý pháo đội trưởng pháo đội phòng không trú đóng tại chân đèo Cù Mông Tuy Phước đang dẫn pháo đội di tản từ đèo cả Tuy Hòa vào. Mấy anh em cùng ngồi trên chiếc xe jeep di tản theo quốc lộ 1 vào Nam
* 01/04 lúc 6 giờ chiều gặp Sáng cô hàng xóm ở cạnh nhà với bụng mang dạ chửa đang hốt hoảng chạy loạn mà không biết chạy đi đâu. Thấy tội quá nên tôi xuống xe nhường chổ còn tôi thì leo lên chiếc GMC chung với đoàn quân.
* 01/04 lúc 10 giờ đêm đến Cam Ranh thì chiếc GMC có tôi ngồi và chiếc xe jeep chở Thu Ba mất liên lạc . Thế là tôi thất lạc vợ tôi trong dòng người di tản
* 02/04 lúc 10 giờ sáng tôi quyết định nhảy xuống xe chạy bộ tìm vợ . Khi đến bến cảng ở cây số 10 Cam Ranh thì tôi bất chợt thấy một chiếc tàu buôn của Mỹ đang tấp vào đó chở chật cứng dân chúng từ miền Trung vào. Tôi nhìn thành tàu thấy ghi tên là Miller . Tôi leo lên. Thủy thủ đoàn yêu cầu tôi vứt khẩu M16 tôi đang mang theo xuống biển. Trong người tôi vẫn còn nhét khẩu ru lô ngắn nòng để phòng thân
* 02/04 lúc 6 giờ chiếc tàu hướng ra khơi . Đứng trên boong nhìn xuống phía dười thấy những đám lục bình trên mặt nước đang trôi giạt theo khi tàu ra cửa biển cảm giác của tôi buồn vô tận . Không biết giờ này vợ tôi đang ở đâu với chiếc bụng bầu . Những mảnh lục bình bị bỏ lại phía sau . Tôi nhủ trong lòng nếu còn sống gặp lại, tôi sẽ nói với vợ tôi đặt tên cho con là Lục Bình để nhớ mãi thời khắc này
* 04/04 lúc 9 giờ sáng tàu tấp vào đảo Phú Quốc. Những chiếc xà lan nhỏ đưa tôi vào bờ . Quân cảnh trên đảo xin giữ lại khẩu súng ngắn tôi mang theo trước khi lên bờ .
* 15/04 gặp lại trung tá chỉ huy trưởng của tôi cũng đang ở trên đảo cùng một số sĩ quan cùng đơn vị . Trung tá họp tất cả lại bàn tính kéo hết qua Thái Lan để chờ đợi tình hình . Đã hơn nửa tháng rồi kể từ ngày lên đảo thông qua Hội Hồng Thập Tự , tôi nhắn tin tìm vợ trên tất cả phương tiện truyền thông lúc bấy giờ nhưng vẫn không thấy hồi đáp . Vì chưa biết vợ tôi sống chết ra sao nên tôi không đi cùng họ qua Thái Lan . Mãi 20 năm sau tôi được biết trung tá cùng toàn bộ sĩ quan lúc đó đều đến Mỹ ngay trong năm . Nếu tôi đi cùng toán này , không ở lại thì đã không phải vào tù cộng sản sáu năm trời . Nhưng tôi chưa bao giờ hối tiêc vì quyết định này . Tôi không thể chạy thoát một mình . Tôi còn vợ tôi và đứa con năm tháng nằm trong bụng không biết đang trôi giạt về đâu
* 21/04 buổi tối nghe qua radio Tổng Thống Thiệu đang đọc diễn văn từ chức. Vợ tôi vẫn biệt vô âm tín. Tôi quyết định sáng hôm sau rời đảo đón xe về Sài Gòn vì ở lại không phải là phương cách
* 22/04 ra chợ Dương Đông trên đảo bán sợi dây chuyền hai chỉ vàng đang đeo trên cổ để rời đảo . Trên mặt sợi dây chuyền hình ông Phật mà má tôi thỉnh từ chùa để phù hộ tôi luôn được tai qua nạn khỏi . Đó là tài sản duy nhất tôi còn vì hai tháng rồi tôi không có lương . Tôi rời đảo Phú Quốc bằng ghe qua Rạch Giá . Ngồi trên xe đò từ Rạch Giá về Sài Gòn đi ngang những thị xã miền tây thấy im ắng lạ thường không thấp thỏm như tình hình miền trung .
* 23/04 gặp lại vợ tôi tại nhà một người em ở Khánh Hội . Vợ tôi cũng đã trải qua một chặn đường hơn nửa tháng trời trên bộ giữa sống và chết từ Phan Rang mới đến được Sài Gòn . Vợ tôi tìm đến đây vì biết nếu tôi thoát được thì thế nào cũng tìm đến nhà này . Tình hình đất nước đang vô cùng bi quan . Gặp lại được vợ tôi mừng quá mặc kệ tình hình
* 30/04 Qua radio ông Dương Văn Minh lấy tư cách là Tổng Thống tuyên bố đầu hàng vô điều kiện với địch quân . Kể từ giờ phút này lịch sử sẽ ghi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phía bắc đã thôn tính thành công nước Việt Nam Cộng Hòa phía nam
* 01/05 quyết định đón xe từ Sài Gòn về lại Ninh Hoà. Mặc kệ số mạng . Xem như thí mạng cùi . Sống chết sướng khổ gì thì giờ phút này không còn ý nghĩa nữa miễn hai vợ chồng còn bên nhau
* 03/05 tôi ra trình diện bên thắng trận tại Ninh Hoà
* 07/05 những chiếc xe đò được bên thắng trận trưng dụng chở đám sĩ quan thua trận từ Ninh Hoà tống vào trại Lam Sơn Dục Mỹ và tôi cũng bắt đầu đoạn đường 6 năm khổ sai từ Lam Sơn Dục Mỹ => Chợ Đầm Nha Trang => Ty công an Phú Khánh =>Đồng Găng => Trại A30 và cuối cùng là nước Mỹ. Năm đó tôi 25 tuổi. Vợ tôi 20 mang thai Lục Bình sang tháng thứ năm.
NGÀY NÀY THÁNG NÀY
Ngày này tháng này năm này
Cái đầu bị trói hai tay bị cùm
Mũi súng kê cuống họng câm
Trợn con mắt ngó non sông đổi dời
Có gan đứng dậy làm người
Không gan đành tự khen tôi dám hèn
Nhốt cho ớn óc đã thèm
Cho tơi tớt tấm thân tàn này đây
Thả về chiếc áo rách vai
Gió lạnh bên ngoài luồn ngược vô trong
Nghe giọt nước mắt nẫy mầm
Mọc trên da nhánh xương bầm
Thiên thu
Mồmg 5 tết Tân Sửu 2021
Quan Dương