Dẫn Nhập: Sau 30 tháng 4, 1975 trong lớp học chính trị tổ chức tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc đường Nguyễn Du, đám cán bộ đến từ Hà Nội phụ trách công tác gọi là giáo dục văn hóa-chính trị đồng loạt tuôn tràn ngôn ngữ thù hận, xỏ xiên, đểu giả lên thành phần văn nghệ sĩ, trí thức, học giới miền Nam. Trong khổ nạn chung của toàn xã hội, giới nghệ sĩ sáng tác, trình diễn âm nhạc, sân khấu là đối tượng hàng đầu bị miệt thị, truy bức (tinh thần lẫn vật chất) nặng nề, cụ thể nhất. Điều nầy rất dễ dàng giải thích. Bởi sau mấy mươi năm đưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, sinh hoạt nghệ thuật nói chung, ca nhạc sân khấu nói riêng dẫu được cả một bộ máy nhà nước tập trung xây dựng, chỉ đạo và điều hành rốt cuộc chỉ sản xuất ra được một loại hoa giả đơn điệu, nghèo nàn, nhạt nhẽo, không sinh khí.. Điều nầy càng rõ nét hơn khi đối diện với thế giới sống động, đa dạng, phong phú mang tính nghệ thuật, tính quần chúng hơn hẳn của sân khấu cải lương, điện ảnh, ca nhạc miền Nam. Sự giả trá của văn hóa văn nghệ Miền Bắc, nơi Hà Nội sau 1954 đã được/bị Nhà Văn Phan Khôi thủ lĩnh nhóm Nhân Văn Giai Phẩm nêu lời đánh giá phê phán chính xác: Chỉ là một loại “bông vạn thọ” thô tục tầm thường! Sơn Nam sau 1975 thì nói cách đơn giản nhưng không kém sắc bén: Văn học nghệ thuật ngoài Bắc như lấy rỗ múc nước! Chúng tôi Người Lính Miền Nam không thể nói đúng và hay hơn.
Từ thực tế vừa kể ra trên, khối đông quần chúng bao gồm cán bộ cộng sản, bộ đội miền Bắc đồng choáng ngợp trước nét sắc phong phú quyến rũ của các ngành nghệ thuật ca nhạc, sân khấu miền Nam. Đấy là chưa kể đến sức mạnh kinh tế-xã hội dù bị biếm nhẻ là “phồn vinh giả tạo”, chịu đòn thù “xã hội chủ nghĩa” ngay sau ngày 30 tháng 4, 1975, nhưng vẫn còn nền tảng, nội lực của một vùng đất đã qua hơn trăm năm phát triển, 21 năm dưới chế độ tự do dân chủ cho dẫu đã phải gánh nặng chiến tranh khởi đi từ miền Bắc. Miền Nam, Sàigòn vẫn là nơi chốn toàn Miền Bắc (Toàn thể Miền Bắc chứ không riêng một cá nhân, nhóm cá nhân nào) đều mong muốn muốn trở thành “Người Sàigòn” càng sớm càng tốt. Càng nhanh càng tốt, Hãy chỉ cho thấy một người Miền Nam đưa gia đình ra Hà Nội, thủ đô của “tin yêu và hy vọng”? Một người thôi cũng đủ! Chuyện ngày xưa, 1975 hay bây giờ 45 năm sau cũng vậy. Kiểu như “Đánh cho Mỹ cút. Đánh cho Ngụy nhào” để hôm nay cả nước xếp hàng xin visa qua Mỹ!
Trở lại quá trình đề kháng, phục dậy của miền Nam, “Nhạc Vàng” tuy bị đánh giá như một hình thái đồi trụy của “bọn Ngụy” nhưng đã hồi sinh mau chóng và mạnh mẽ trước nhất. Bởi một điều giản dị nhưng vô cùng cảm khích, vì đấy là Thanh Âm, Lời Hát khởi động từ trái tim Người – Thanh Âm, Tiếng Hát chân thật, trung hậu, vui hòa của Người Miền Nam – Đặc thù riêng biệt của Miền Nam với âm điệu thanh thoát, quyến rũ; lời ca sống động, thắm thiết vang dậy khắp nơi từ Lam Phương, Lê Minh Bằng, Trầm Tử Thiêng, Nhật Ngân, Duy Khánh, Nhật Trường, Hoàng Oanh, Phương Dung, Thanh Thúy… Điển hình cụ thể với Trúc Phương..
Một. Thanh âm tiếng nhạc từ sông nước, đất, trời quê hương Miền Nam.
Người thanh niên Nguyễn Thiên Lộc sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, viết nhạc từ thập niên 1950 sau khi thụ nhận lớp nhạc lý của nhạc sĩ Trịnh Hưng tại Sàigòn cùng lần với Đỗ Lễ, Thanh Thúy… Trúc Phương viết nên ca khúc đầu tay về quê hương do thúc dục tự nhiên cần thiết bày tỏ lên lời thương yêu nồng nàn, cảm xúc trong sáng, tình cảm lứa đôi chân thật dậy lên từ cuộc sống trên sông nước, dưới mái lá, trong vườn trúc xanh, trên cánh đồng thơm nức hương lúa của miền châu thổ Sông Cửu Long. Vùng đất nước bao la phì nhiêu mà nhà văn hóa lớn, Linh Mục Thanh Lãng trong cơn xúc động đã không ngăn được cảm khích nên đã một lần qùy xuống hôn lên mặt đất ấm đọng phù sa.
Quê hương Miền Nam được Trúc Phương mô tả qua những đường nét tuy đơn sơ, bình dị nhưng linh động quyến rũ như làn tóc nức mùi hương đồng nội bay xỏa giữa tiếng hò của đêm giã gạo dưới màu trăng, trên sóng nước… Cảnh tượng đã được Lam Phương hiện thực bất diệt qua Gạo Trắng Trăng Thanh và Trúc Phương viết nên lời thắm thiết…Tình nồng thắm xuyên qua bao mái tranh. Ngọt ngào hương thơm mái tóc xanh. Những tình mặm mà là những tình đơn sơ. Quê tôi vẫn đẹp đẹp mấy tình ngây thơ…
Bài hát đã được một số lượng ca sĩ đông đảo thuộc nhiều thế hệ trình diễn suốt nửa thế kỷ qua cho dẫu đã một lần bị áp lực nặng nề thô bạo của tập đoàn chỉ đạo văn công miền Bắc sau 1975.
Thấm đẫm chan hòa mặt đất mênh mông trãi dài biền biệt đến chân trời là những con sông đầm đìa nguồn nước bất tận, sông Tiền, sông Hậu, sông Cái Lớn, sông Cái Bé ngờm ngợp tiếp nước để nuôi đất và nuôi người. Và người miền Nam đã xây dựng nên một đời sống an bình rộn rã tiếng cười, giọng hát, câu hò dưới tàng dừa xanh trên sóng nước thiêm thiếp xua dề lục bình ra biển lớn. Sống trên đất bát ngát, theo giòng sông lung linh mờ khói sóng, thắm đẫm câu hò trữ tình thuần hậu, qua chuyến đó ngang ăm ắp đầy ân nghĩa xóm làng, Trúc Phương viết giòng nhạc đầu đời về quê hương như một lần đã sống. Một lần thật sống chan hòa với quê hương thắm thiết
Hai – Lần chạm tới Mối Đau
Nhưng giai điệu vui tươi của Chiều Làng Em và Tình Thắm Duyên Quê không kéo dài được lâu, người nghệ sĩ dần trưởng thành và nhận lãnh ngay mối đau thương mà ông đã linh cảm từ tâm chất tinh tế của người nghệ sĩ dẫu đang độ thanh xuân khởi sắc, tài danh phát triển – Mối Đau khi Tình Yêu tan vỡ – Nỗi đau nhân sinh hầu như gắn chặt với định mệnh của mỗi con người. Điều nầy lại càng hiện thực đối với giới nghệ sĩ để có thể nói rằng không ai không phải trải qua một lần kinh nghiệm khi nhận ra “đường vào tình yêu với trăm lần vui có vạn lần buồn…” Đây không phải bi kịch tự tạo để làm dáng trong văn chương, thi ca, âm nhạc nhưng hầu như là một yếu tính của sáng tác, của sáng tạo, của nghiệp dĩ tài tử, đời nghệ sĩ. Không đau không phải nói nên lời. Ai cho tôi tình yêu? Câu hỏi đơn giản nhưng đầy kịch tính nầy đã vượt khỏi những ước lệ bình thường để trở thành mối băn khoăn chung, để những người tình trước đây hay mai sau thế nào cũng một lần tự đặt với chính mình. Nghệ sĩ vốn mang sẵn nòi đa tình, đa cảm, do vậy mà thành đa sầu! Hầu hết bi kịch của Trúc Phương có lẽ đều bắt nguồn từ Chữ Tình. Tình vận vào đời ông – Ông yêu bao nhiêu thì lại càng rơi vào nỗi khổ đau bấy nhiêu, cho rất nhiều nhưng nhận lại chẳng bao nhiêu. Những ca khúc về tình yêu của Trúc Phương luôn diễn tả về tình thế người tình lạnh lùng dứt áo ra đi khiến đường tình trở thành Hai Lối Mộng với thực tế phũ phàng “Giờ hai lối mộng hai hướng đi… Gợi thương tiếc nhiều đau bấy nhiêu… Giấc ngủ nào quên, Giấc ngủ nào gọi tên…” Người yêu nay biến thành xa lạ! Chia tay không hẹn lần trở lại. Chia tay không hy vọng tái hợp, hàn gắn đổ vỡ..
Tất cả đã là vô ích. Nhắc nhở để mà chi? Quay về xưa làm gì? Trúc Phương không viết những lời khắc khoải nầy cho riêng ông. Nhạc sĩ đã viết cho tất cả những người yêu khi không còn nhìn chung một hướng. Khi hai người đã cùng đành buông xuôi, phó mặc… Từ đó đôi mình buông xuôi tất cả như hai kẻ lạ… Người yêu đã thành Kẻ Lạ. Đã là Người Dưng… Bi kịch im lặng mà nhà văn Mai Thảo đã một lần chứng nghiệm: Em đi vừa khuất trên đầu phố. Anh đuổi theo sau bóng đã nhòa. Đứng sững. Mới hay lìa cách đã… Sơn cùng thủy tận giữa đôi ta!
Ba- Buổi Chiều/Bóng Đêm/Nỗi Đau –Tất cả là Một
Cuộc chia tay giữa hai kẻ tình nhân không đơn giản chỉ là sự cách biệt về khoảng cách, vắng mặt qua thời gian, nhưng tạo nên những hệ lụy buồn thảm mà chỉ những người đã từng một lần “thật-yêu-người” mới cảm nhận nên. Đấy là lần Trúc Phương rơi vào tình cảnh đáng sợ… Soi bóng người bằng gương đổ nát. Nghe xót xa ngời lên tròng mắt… Để từ đây viết nên một điều chân lý bằng thanh âm, lời ca tha thiết… Đường thương đau đày ải nhân gian. Ai chưa qua chưa phải là người. Từ chứng nghiệm khắc nghiệt nầy, nhạc sĩ nhớ lại ngày xưa. Một ngày tưởng chừng như rất xa… Ngày vào đời nhau lúc môi còn non, tuổi mộng vừa tròn. Ngày tóc còn xanh và nước mắt chưa lần nhỏ xuống… Đời sống gọi là ngày xưa ấy có thể chỉ là ngày hôm qua, kể từ giờ phút đáng sợ (khi người thương yêu bỏ đi) hoàn toàn mất dạng, đứt lìa tại hôm nay. Từ kinh nghiệm đắng cay nầy phải chăng người nhạc sĩ đã nhận ra mối chia ly, buổi đổ vỡ lớn của toàn dân tộc, cả miền Nam sau nầy tại thời điểm của Ngày 30 Tháng 4, 1975. Chúng ta có thể tìm thấy điều tiên tri cảm nhận nầy với thực tế của chính bản thân Trúc Phương sẽ phải gánh chịu qua tầng tầng bóng đêm đọa đày, nơi bến xe ngủ đỗ giữa đám người tan tác sau năm tháng mất miền Nam.
Chúng ta không bởi tưởng tượng để vẽ nên vóc dáng Trúc Phương với những tính chất, nét sắc quá độ bi lụy, buồn thảm. Nhưng quả thật, người nhạc sĩ đã dựng nên toàn thể tác phẩm của mình trong cảnh trí, môi trường ảm đạm, tàn tạ của buổi chiều tàn, và lạnh lẽo, đơn độc của bóng đêm. Nhận xét nầy có thể dẫn chứng qua hơn 60 ca khúc thì chỉ thấy được MỘT hình ảnh những buổi chiều tươi sáng với tiếng hát, câu hò Chiều làng quê say sưa trong tiếng ca…, Chiều tàn rơi trên đê nghe tiếng ai.,. Trong Tình Thắm Duyên Quê. Và những buổi chiều thanh bình thuần nhã nầy đã hoàn toàn mất bóng để chỉ còn lại những chiều thê lương ảm đạm, những chiều nắng tắt, những chiều cô liêu.
Từ đấy chúng ta có thể giải thích, phải chăng người nghệ sĩ đã nắm bắt được yếu tính sâu xa của lần đỗ vỡ, của tình cảnh chia lìa, tính không thật của cuộc sống tại những giờ khắc mông lung, mờ nhạt khi chiều xuống, ngày tàn. Buổi chiều bắt đầu từ bao giờ, kết thúc tại thời điểm nào, không ai có thể xác định.. Mà chỉ được thấy ra cảm nhận bởi tâm chất riêng của Người Nghệ Sĩ – Là kẻ sống giữa thực tế trần gian nhưng đồng thời hiện diện thường trực nơi cảnh giới sáng tác – Trong hoàn cảnh đặc trưng riêng biệt nầy, Người Nghệ Sĩ nhìn ra vệt nắng nhạt dần của buổi chiều đang tắt; bắt gặp được màu nắng nhạt nhòa khi chiều nghiêng nghiêng đổ Kẻ nghệ sĩ cùng rung động theo điểm chuyển dịch mơ hồ nhưng rất thật từ khắc giây ngày dần qua đêm. Phải, chỉ riêng những người có khả năng rung động theo cùng biền biệt thời gian mới hiểu được sự lỡ làng, đang tàn phai, đang tan biến như buổi hò hẹn vào một chiều nhạt nằng cuối tuần. Thời lượng mong manh sắp sửa hết, sẽ mau chóng kết thúc với bóng đêm.
Buổi chiều mau chóng chấm dứt để Trúc Phương dẫn đắt chúng ta vào cảnh đơn độc trong bóng đêm. Đêm có hình khối cụ thể, đêm tầng tầng lạnh giá, đêm thiêm thiếp im lặng để nghe rõ bước chân đi dọc khu phố vắng vẻ, ngọn đèn đường lay động xô ngã bóng người xuống lề đường chập chờn như lưỡi lửa màu đen. Người đi trong bóng tối với nỗi buốt giá lúc nửa đêm, nhưng cùng lúc hiện hữu trong cảnh giới lửa ngun ngút cào xé trong lòng. Bởi người đang đi lại trên quãng đường đã một lần đặt tên người yêu dấu. Cảnh Tượng Thực Tại/Cảnh Tượng Quá Khứ tất cả hòa nên thành MỘT qua Tâm Cảnh của Nghệ Sĩ tạo nên ngọn lửa thương đau bừng bừng xuyên suốt qua tim. Không đau không thể viết lên nên lời nhạc đơn giản nhưng chứa đủ hết lượng xa xót bi thiết… Buồn vào hồn không tên… Nửa đêm lạnh qua tim… Không đau không thể nghe đủ từng giọt mưa rơi xuống trong đêm khuya với tình cảnh Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi… Gác nhỏ đèn le lói bóng dáng in trên tường loang…
Đêm chia ly ấy có thật đã khiến người nhạc sĩ phải tưởng nhớ lại để tạo dựng qua Tàu Đêm Năm Cũ, với hình ảnh một cuộc chia tay trong thời chiến, nhắc nhở những bổn phận, tâm tình của người lính.. Nhưng nếu tinh ý, chúng ta sẽ thấy ra đấy chỉ là những cố gắng tạo sự cân bằng trong tâm hồn giữa một cuộc sống quá đỗi truân chuyên. Cũng bởi thời đoạn ấy, miền Nam đang trong chiến tranh với những Người Lính – Những người đang đi giữa chiến tranh. Đang gánh nặng chiến tranh.
Bốn, Chiến Tranh/Người Lính/Phận Người/Vận Nước
Chiến tranh trong thập niên 60, 70 của Thế Kỷ 20 không là một giai đoạn đặc trưng của tình thế Việt Nam, nhưng là cảnh tượng sống/chết thường hằng, thường trực khắp mọi nơi đối với tất cả mọi người, của tất cả các tầng lớp người của xã hội miền Nam. Tình thế nguy nan nầy hủy hoại một cách tàn nhẫn cảnh tượng thanh bình của làng quê, thay vào đó dậy mờ thôn xóm, cánh đồng, giòng sông bởi lửa đạn hung tàn, hơi bom, khói súng. Con người làm sao để tồn tại trong đời sống khắc nghiệt nầy? Trúc Phương thay mặt người sắp vào lính, đang là người lính tìm kiếm nên nguồn vui nhỏ bé, đơn giản qua những giờ khắc ngắn ngủi mong manh…
Những ngày chưa nhập ngũ, anh hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may. Ở đây êm vắng thưa người, còn ta với trời, thời gian vào đêm, rừng sao là nến, khói sương giăng lối cỏ quen. Tóc mây thơm mùi cỏ, đưa anh thoát xa vùng trần gian..
Những phút giây hạnh phúc với tóc mây thơm mùi cỏ nồng nàn kia không giữ được lâu dài. Người thanh niên/người tình/người lính va mặt ngay với một thực tại tàn bạo.
Đường hành quân nắng cháy da người.. Bùn đen in dấu giày, lửa thù no đôi mắt, chân nghe lạ từng khu chiến thuật… Nghìn đêm vắng nhà. Mây mù che núi cao, rừng sương che lối vào. Đồng ruộng mênh mông nước…
Và cảm động biết bao, vạn, triệu con người hiến thân kia nơi miền Nam, ngã gục trong chiến tranh, chịu đựng những đọa đày tàn khốc sau 1975 được Trúc Phương thay mặt nói lên điều khắc kỷ cao thượng, lý do của cuộc chiến đấu… Vì đời mà đi. Lời nhạc ngắn gủi đơn giản nầy đã đúc kết toàn thể hy sinh lặng lẽ của người lính Miền Nam – Chiến đấu vì Đời. Ngã xuống cho Người. Mấy mươi năm chiến tranh Việt Nam được gánh chịu bởi những người lính lặng lẽ nầy chúng ta hôm nay nhắc lại như một lời tạ ơn. Tạ ơn Người Lính Cộng Hòa. Tạ ơn Người Nhạc Sĩ Trúc Phương. Lính cộng sản chiến đấu vì chủ nghĩa, vì lãnh tụ, cho đảng lại là một chuyện khác. Rất khác với chúng ta. Không có trong âm nhạc của miền Nam. Càng không hề có trong âm nhạc Trúc Phương.
Chữ nghĩa, văn tự, lời ca, nốt nhạc… Tất cả chỉ là những ký hiệu. Chúng chỉ được tồn tại, chấp nhận, và hiện hữu lâu dài bởi đám đông và cuộc sống khi chúng mang căn tính của Sự Thật. Không thật không thể nào tồn tại nơi trái tim, trong trí nhớ của con người, ký ức xã hội, xuyên suốt lịch sử. Điều nầy hiện thực trong phần mở đầu mà chúng ta đã trình bày. Hệ thống văn công cộng sản dù được tổ chức, tài trợ, điều hành, chỉ đạo bởi một hệ thống chính trị của đảng và nhà nước trong hơn nửa thế kỷ kể từ 1945, 1954, cụ thể từ sau 1975. Nhưng hôm nay, tất cả hình ảnh được hệ thống hóa, chính trị hóa của những “anh bộ đội, anh lính giải phóng, cây chông, hầm hào, dàn pháo, tên lửa, đánh Pháp, chống Mỹ, diệt Ngụy…” tất cả đã bị vất bỏ cùng lần với những phế phẩm thông tin, tuyên truyền mà thực chất không gì hơn là những dối trá, lừa gạt, không thật.
Trở lại với Trúc Phương, ông luôn chân thật với người và cuộc sống. Cho dẫu người bỏ đi, lạnh nhạt. Cho dẫu cuộc sống nghiệt ngã với thói đời đổi thay. Ông vẫn nói lên điều chân thật… Tôi ở miền xa, trời quen đất lạ. Nhiều đông lắm hạ, nối tiếp đi qua. Thiếu bóng đàn bà. Đời không dám tới. Đành viết cho tôi, nhạc tình sao lắm lời… Hãy đến với tôi.. Hãy đến với tôi. Đừng yêu lính bằng lời…
Trúc Phương nói hộ cho Người Lính nhưng cũng để cho chính ông.
Sau năm 1975, sự nghiệp âm nhạc của Trúc Phương đồng lần bị hũy hoại. Tất cả ca khúc mang tên ông đều bị chế độ mới cấm phổ biến và trình diễn. Chung lần với khối văn hóa phẩm của miền Nam, nhạc Trúc Phương bị đảng và nhà nước cộng sản xếp hạng là tàn tích độc hại của Mỹ-Ngụy. Không có nghề nghiệp, không tài sản, ông làm đủ mọi việc nặng nhọc để sinh sống. Có người hỏi sao ông không về quê ở với thân nhân, Trúc Phương đã chua xót trả lời: “Má ông già yếu, nhà quá nghèo, lại phải nuôi đám cháu nheo nhóc không đủ ăn. Nên tôi không thể về đó để làm khổ cho bà thêm nữa.” Sau lần vượt biên không thành năm 1976, căn nhà đường Tô Hiến Thành bị tịch thu, vợ con tan tác. Ban ngày ông lê la khắp Sài gòn, đêm ra xa cảng thuê một chiếc chiếu để ngủ. Ông kết luận về tình cảnh bị thảm của mình với lời nghẹn ngào xót xa: “Sau biến cố năm 1975, ông sống kiểu ‘bèo dạt hoa trôi’; nếu nói đói thì cũng không đến nỗi đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no.”
Một năm ông ngủ ở bến xe hết chín tháng. Nếu hôm nào ra trễ thì những chỗ tương đối sạch đã có người chiếm hết, ông phải trải chiếu gần chỗ tiểu tiện! Nhưng kỳ lạ và can đảm thay, ông không bao giờ buồn, do được thúc dục sẽ có một ngày viết nhạc trở lại với khổ đau kia làm chất liệu. Ông không nói điều ngoa ngôn. Ông nói thật với Bản Cám Ơn Đời xác chứng nguồn hy vọng không suy tàn của Người Nghệ Sĩ – Nhạc Sĩ Trúc Phương.
Năm – Kết Từ
Tôi không phải là người của giới sâu khấu, nên bài viết về nhân sự nghệ sĩ trình diễn, sáng tác không có nhiều trong hơn năm mươi cầm bút. Thế nê, đây là bài thứ ba, cũng có thể là bài cuối cùng sau những nội dung viết về Nguyễn Đình Nghĩa và Trần Thiện Thanh – Cũng bởi hai người nầy là bạn thân, bạn lính. Nhưng hôm nay phải viết về Trúc Phương – Viết về một Mối Đau. Viết về Mối Đau khi Người Nghệ Sĩ bị lăng nhục, bách hại cùng lần với Miền Nam sau 30 Tháng 4, 1975. Lần đoạt thắng cưỡng chiếm của lực lượng cộng sản mà nay 45 năm sau đã bày ra trước lịch sử và quốc dân là một tai họa vô lường đối với toàn thể Người Việt. Người Việt chung cả Bắc lẫn Nam, người Cộng Hòa cũng như người Cộng Sản nếu còn lương tri và lương năng – Người cộng sản còn Tính Người.
Bài viết cũng là lời chia xẻ chân thật gởi tới những Bằng Hữu Miền Nam, trong quân đội hay ngoài dân sự, người đã đứng trên sân khấu ca nhạc, trên bục giảng trường học, hay mang ba-lô đội nón sắt đi hết Bốn Vùng chiến thuật trước 1975 hay người chạy xe ôm, bán vé số, bán hương đèn sau “giải phóng”, đi tù nơi Lam Sơn, Thanh Cẩm, Hà Nam Ninh sống sót trở vể .. Cũng gởi tới tất cả Người Việt đang ở trong nước hay bất kỳ nôi đâu trên thế giới – Nghĩa là những thế hệ Người Việt sinh trong những thập niên 1930, 40, 50, 60…. Từ lão nhân đã có mặt trong Ngày 2 Tháng 9, 1945 ở Ba Đình Hà Nội; người xuống tàu há mồm đi từ Hải Phòng lên Đà Nẵng Mủa Đông 1954; người xuống đường ở Sàigòn năm 1963, chạy loạn cộng sản ở Gia Hội Huế trong Mậu Thân 1968; người chịu pháo kích ở Quảng Trị, An Lộc năm 1972… Và bao nhiêu người sống sót, mấy kẻ chết theo suốt ngàn dặm biên trong những năm 1970, 1980. Vẫn chưa thể hết mà phải kể đến 39 người trẻ tuổi chết ngạt trong thùng xe đông lạnh nhập cư trái phép tại Essex, Anh Quốc năm 2019; Và người bị phá nhà, cướp của nơi Lộc Hưng, Sài Gòn dịp giáp tết năm 2019-2020.. Bao nhiêu ngày là bấy nhiêu Khổ Đau. Bao nhiêu người là bấy nhiêu Bi Kịch, tầng tầng, ngun ngút, chập chùng, vô thủy vô chung..
Ôi Trúc Phương! Anh là Nhạc Sĩ Của Khổ Nạn Miền Nam! Có rất nhiều Văn Nghệ Sĩ chịu Khổ Nạn Việt Nam. Kể không hết. Không thể kể hết.
Nhân ngày ra đi của Lam Phương,
Viết lại Trúc Phương
Phan Nhật Nam
Cuối năm 2020.