Hơn 200 nghị sĩ từ 23 nước ra tuyên bố chung lên án Trung Cộng đề xuất dự luật an ninh Hong Kong.
Trong tuyên bố chung được công bố hôm nay, các nghị sĩ bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Bắc Kinh “đơn phương đề xuất luật an ninh” ở Hong Kong. “Đây là đòn tấn công toàn diện vào quyền tự trị, pháp trị và tự do cơ bản của thành phố. Tính toàn vẹn của ‘một quốc gia, hai chế độ’ đang bị đe dọa”.
Những người tham gia ký tên trong tuyên bố chung gồm Chris Patten, thống đốc người Anh cuối cùng của Hong Kong, cựu ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind, các thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz, Josh Hawley, Marco Rubio, 12 nghị sĩ Mỹ, hàng chục nghị sĩ Anh cũng như các nghị sĩ đến từ châu Âu, New Zealand, Canada, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia.
“Những điều luật hà khắc sẽ chỉ khiến tình hình thêm leo thang, gây khó khăn cho tương lai của Hong Kong với tư cách một thành phố quốc tế của Trung Cộng”, tuyên bố chung có đoạn. Các nghị sĩ cũng kêu gọi chính phủ các nước cùng lên tiếng phản đối “sự vi phạm tuyên bố chung Trung – Anh” này.
Người biểu tình chống dự luật an ninh tuần hành trên một đường phố ở Hong Kong ngày 24/5. Ảnh: AFP.
Nói chuyện trên một chương trình phát thanh sáng 24/5, Elsie Leung Oi-sie, phó chủ tịch Ủy ban Luật Cơ bản của Hong Kong, đã bác bỏ những ý kiến chỉ trích. Theo bà, quyền tự trị của đặc khu Hong Kong vẫn sẽ không thay đổi và được bảo vệ bởi Luật Cơ bản.
“Nếu luật an ninh giúp cải thiện hệ thống pháp luật thì tại sao nó lại làm suy yếu pháp quyền”, bà đặt câu hỏi, tái khẳng định quyền tự do của người dân sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật mới chỉ nhắm tới một nhóm người rất nhỏ.
Phó thủ tướng Trung Cộng Hàn Chính ngày 24/5 cũng nhấn mạnh luật an ninh mới chỉ nhắm đến “một nhóm người nhỏ bé” nhằm bịt kín một lỗ hổng pháp lý được phơi bày sau các cuộc biểu tình nổ ra ở Hong Kong hồi năm ngoái.
Dự luật an ninh Hong Kong được đệ trình lên quốc hội Trung Cộng hôm 22/5, trong đó cấm các hoạt động ly khai và lật đổ, cũng như sự can thiệp của nước ngoài và khủng bố trong thành phố. Theo thỏa thuận Anh trao trả Hong Kong cho Trung Cộng năm 1997, Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và tình trạng thương mại riêng.
Một số nghị sĩ Hong Kong chỉ trích dự luật trên, nói rằng nó đi ngược lại mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, theo đó Bắc Kinh cam kết duy trì các quyền tự do cho thành phố. Các nhà ngoại giao nước ngoài lo ngại dự luật có thể mở rộng sự hiện diện của các cơ quan tình báo và an ninh của đại lục tại Hong Kong, “gây nguy hiểm cho quyền và tự do” tại đây.
Bắc Kinh khẳng định dự luật này thực tế củng cố nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ “hợp tác hoàn toàn” với quốc hội Trung Cộng để hoàn thành dự luật. Carrie Lam nói dự luật an ninh sẽ không ảnh hưởng đến quyền, tự do và tính độc lập về tư pháp của đặc khu.
Hàng nghìn người Hong Kong hôm nay biểu tình để phản đối dự luật an ninh tại các quận Causeway Bay và Wan Chai sầm uất, hô khẩu hiệu phản đối chính quyền. Cảnh sát chống bạo động đã phải phun hơi cay và vòi rồng vào người biểu tình, buộc họ giải tán.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)