HẬU QUẢ CỦA TUYÊN TRUYỀN CS
Không phải đợi đến khi nhà thơ Nguyễn Duy kể mà từ nhiều năm trước ở vùng Bà Rịa, người dân địa phương đã truyền miệng nhau câu chuyện thật về bà Võ Thị Sáu bị bịnh khùng. Không ai ngụy tạo sự kiện này mà ngay trong phim ảnh do đảng thực hiện cũng mô tả một Võ Thị Sáu bất bình thường.
Nhưng tại sao rất nhiều người tin?
Bởi vì, hiệu quả của tuyên truyền không chỉ tùy thuộc đơn thuần vào kỹ thuật dàn dựng tinh vi nhưng quan trọng là đáp ứng đúng mức độ dân trí trong một thời điểm nào đó. Đối với những người Việt Nam ngày nay có nhận thức chính trị trưởng thành, những mẫu chuyện Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu rất là hài nhưng trong điều kiện dân trí miền Bắc ngày đó họ là những anh hùng rất thật.
Giống như Pavlik Morozov của Liên Xô, Lôi Phong của Trung Quốc, nhân vật Võ Thị Sáu là một người thật. Đảng Cộng Sản lợi dụng bà trong tuổi vị thành niên và bịnh tật đáng thương để khích động, xúi giục làm một kẻ sát nhân, khủng bố khi chỉ mới 14 tuổi đầu và không chỉ một lần mà nhiều lần.
Ngọn đèn văn minh mỗi ngày thêm sáng. Một ngày không xa những Tôn Đức Thắng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu v.v… cũng giống như Alexey Stakhanov, Pavlik Morozov của Nga sẽ trở thành chuyện cười dân gian hay rơi vào quên lãng.
Vâng, nhưng bên trong những chuyện cười và bóng tối lãng quên đó là dấu tích của một thời tàn phá bất nhân và thâm độc nhất trong lịch sử Việt Nam và sẽ tác hại sâu xa trong văn hóa nhiều đời sau.
PAVLIK MOROZOV, LÔI PHONG, VÕ THỊ SÁU: NHỮNG NẠN NHÂN CỦA “CHỦ NGHĨA ANH HÙNG”
Nikolai Bukharin, lý thuyết gia Cộng Sản, chủ nhiệm báo Sự Thật, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CS Liên Xô và người bị Stalin thanh trừng năm 1938, viết trong tác phẩm ABC về Chủ nghĩa Cộng Sản: “Tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, về lâu dài trở thành một phương tiện để xóa bỏ mọi tàn tích cuối cùng của tuyên truyền tư sản bắt nguồn từ chế độ cũ, và là phương tiện mạnh mẽ để tạo ra một hệ lý luận mới, một cách suy nghĩ mới, một tầm nhìn về thế giới mới.”
Nikolai Bukharin thừa nhận và khẳng định mục đích của tuyên truyền là “xóa bỏ mọi tàn tích” của chế độ cũ và xây dựng một con người mới, con người xã hội chủ nghĩa.
Năm phương pháp căn bản để “xóa bỏ”
John A. Saliba trong Perspectives on New Religious Movements sau khi so sánh phương cách tuyển dụng tín đồ của các tà đạo và tẩy não kiểu Cộng Sản, đã tổng kết năm kỹ thuật căn bản được áp dụng theo thứ tự gồm:
1. Kiểm soát toàn bộ và cô lập đối tượng.
2. Làm suy nhược thân thể đối tượng.
3. Gây rối loạn tinh thần và tạo bất an cho đối tượng.
4. Làm đối tượng cảm thấy tội lỗi và nhục nhã.
5. Làm cho đối tượng cảm thấy thư thái như được cứu rỗi và hồi sinh.
Nhà tâm lý học Robert Jay Lifton nghiên cứu chính sách tẩy não Trung Cộng đã áp dụng với tù binh Mỹ và rút ra mười kết luận, về căn bản không khác nhiều so với năm điểm John A. Saliba tổng kết.
Các nhà nghiên cứu về chủ nghĩa CS trước đây thường nghĩ ý thức hệ CS Trung Quốc được du nhập từ Liên Xô nên các phương pháp tuyên truyền cũng là sản phẩm của Liên Xô. Nhưng sau đó, khi nghiên cứu thêm, phần lớn thừa nhận là không đúng. Tuyên truyền tại Trung Cộng tinh vi và thâm độc hơn CS châu Âu nhiều.
Nhận thức của con người không ở trong trạng thái tĩnh nhưng luôn luôn biến động, thay đổi và đón nhận các nguồn thông tin từ bên ngoài bao gồm xã hội, giáo dục, môi trường thiên nhiên và cả cơ thể của chính con người. Chủ động kiểm soát được nguồn thông tin đi vào ý thức con người là kiểm soát được con người.
Trong chế độ CS, năm phương pháp tẩy não trên đây được thực hiện liên tục, phối hợp chặt chẽ và tác dụng hỗ tương vào nhận thức con người cho đến khi đối tượng hoàn toàn bị đặt trong vòng kiểm soát.
Tuyên truyền CS tập trung vào giới trẻ
Các nguồn thông tin do chế độ CS cung cấp có tính hệ thống, theo từng tuổi, từng giai đoạn trưởng thành thâm nhập, củng cố và đóng đinh trong ý thức. Đối tượng được đảng nhắm đến trước là thế hệ trẻ vì tuổi trẻ ngoài năng lực còn là tuổi của khát vọng xanh tươi, nhiệt tình nồng cháy, chưa có những tham vọng cá nhân.
Để khai thác, bộ máy tuyên truyền của đảng sản xuất các “anh hùng” mang tinh thần dâng hiến, hy sinh và vô vụ lợi. Trung Cộng có Lôi Phong, Liên Xô có Alexey Stakhanov, CSVN có Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu v.v…
Sau khi phong trào CS Châu Âu sụp đổ để lộ nguyên hình những Pavlik Morozov, Alexey Stakhanov chỉ là những câu chuyện ngụy tạo chung quanh con người thật với mục đích đánh lừa nhận thức người dân.
Hiện nay, các “anh hùng” này trở thành chuyện cười dân gian như tại Nga, một số khác đi vào các viện bảo tàng tội ác CS như tại Hungary.
Nhưng tại Trung Cộng và Việt Nam, không ít “anh hùng” vẫn còn được tôn thờ và còn tiếp tục gây tác hại.
Liên Xô với Pavlik Morozov
Câu chuyện chủ nghĩa anh hùng của Pavlik Morozov có lẽ là chuyện phổ biến nhất tại Liên Xô. Cậu bé Pavlik Morozov, theo tài liệu tuyên truyền, năm 1932 khi cậu lên 13 tuổi, đã tố cáo cha mình cho chính quyền CS địa phương về tội làm giấy thông hành giả để bán cho các thành phần chống phá chế độ. Cha cậu, Trofim Morozov, bị bắt, bị xử án mười năm lao động khổ sai và sau đó bị xử bắn.
Sau khi tố cáo, Pavlik Morozov bị giết vì một lý do nào đó. Một số lời tố cáo không bằng chứng cho rằng Pavlik Morozov bị bà con giết để trả thù cho Trofim Morozov.
Bộ máy tuyên truyền Liên Xô nhân câu chuyện đó đã biến Pavlik Morozov thành anh hùng, người dù tuổi còn nhỏ đã biết đặt quyền lợi của Xô Viết lên trên tình nghĩa cha con. Những người can vào tội giết Pavlik Morozov đều bị bắt và xử bắn. Pavlik Morozov được vinh danh như là “Thiếu niên Tiền Phong số 1” và ngày cậu bị giết, 3 tháng Chín, 1932 là một ngày lễ mà nhiều triệu thiếu niên Liên Xô phải ghi khắc. Pavlik Morozov được ca ngợi như một học sinh giỏi, yêu nước và kính trọng thầy cô.
Tuy nhiên một thời gian ngắn trước và sau khi Liên Xô sụp đổ nhiều tác giả đã đến tận nơi phỏng vấn những nhân chứng còn sống sót và xem xét tại chỗ nơi cậu đã sinh ra, đi học và bị giết. Các tác giả đồng ý, các chi tiết chung quanh cách chết của Pavlik Morozov chỉ là tưởng tượng nhằm mục đích tuyên truyền.
Tấm hình duy nhất của Pavlik Morozov còn để lại là một cậu bé thiếu dinh dưỡng, ốm o, gầy gò không giống tấm hình giả của một Pavlik Morozov phương phi được in trong hàng triệu bích chương, biểu ngữ, sách vở.
Cậu không phải là một học sinh giỏi, chuyên cần nhưng gần như không biết đọc, ngỗ nghịch trong lớp học. Cậu cũng không tố cha để bảo vệ chế độ Xô Viết nhưng do mẹ xúi vì giận cha cậu bỏ rơi bà. Không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy ông và chú của Pavlik Morozov đã giết cậu. Cái chết của Pavlik Morozov có thể xảy ra sau khi gây gổ với nhóm trẻ khác về một khẩu súng.
Tatyana Kuznetsova, giám đốc “Viện Bảo Tàng Pavlik Morozov” thời Liên Xô nhìn lại và thừa nhận “Pavlik Morozov có thể không phải là anh hùng mà chỉ là một cậu bé, nhưng thời gian đó chúng tôi cần những anh hùng.”
Trung Cộng với Lôi Phong
Chuyện “anh hùng lao động” Lôi Phong một năm sau khi bị trụ đèn đè chết trở thành anh hùng cũng là một ví dụ rất hài nhưng nhiều triệu người tin.
Lôi Phong có thể là tên của một người có thật. Nhưng sau khi chết vì tai nạn, anh được bộ máy tuyên truyền CSTQ biến thành thần thánh. Một phong trào “noi gương đồng chí Lôi Phong” được Mao phát động trong phạm vi cả nước.
Ngoài việc phát hành nhật ký Lôi Phong đầy những lời ca tụng Mao, bộ máy tuyên truyền Trung Cộng còn trưng bày nhiều hình ảnh của Lôi Phong đang “lao động quên mình” khi còn sống.
Susan Sontag, một nhà sản xuất phim ảnh sau khi xem xét bộ ảnh 12 tấm của Lôi Phong đã nhận xét những bức ảnh đó được chụp bằng một điều kiện kỹ thuật tuyệt hảo đến mức khó có một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nào có thể có mặt bên cạnh Lôi Phong để chụp mà không phải chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và ánh sáng một cách kỹ càng.
Ngoại trừ các bậc tiên tri, không ai có thể biết trước một anh chàng binh nhì Lôi Phong khi anh ta gần như vô danh tiểu tốt, để đi theo và ghi lại “cuộc đời anh hùng”, “một người vì mọi người” của anh ta qua một bộ ảnh chuyên nghiệp.
Các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp quốc tế đồng ý bộ ảnh chỉ là một sản phẩm tuyên truyền được tạo dựng sau khi Lôi Phong chết. Bây giờ, với một số người Trung Quốc có học, chuyện Lôi Phong là một chuyện cười nhưng đã có một thời người tuyệt đại đa số dân Trung Quốc tin một cách chân thành.
Ran Yunfei, một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc, cho The New York Review of Books, biết về Lôi Phong “Tất cả những gì đảng CS dạy bạn để kính phục đều là những chuyện giả dối. Hiện nay họ lại thúc đẩy học tập Lôi Phong lần nữa nhưng ai cũng biết Lôi Phong là nhân vật giả tưởng do đảng CS nặn ra. Tất cả ‘anh hùng’ đều là giả tạo.”
Việt Nam với Võ Thị Sáu
Trường hợp của Pavlik Morozov, Lôi Phong và Võ Thị Sáu giống nhau vì đều chỉ trở thành “anh hùng” sau khi chết.
Theo sách vở và phim ảnh của đảng, ngày bị xử bắn, bà Võ Thị Sáu còn rảnh rỗi để đi dạo và hái hoa cài lên tóc của mình. Câu chuyện mô tả suy nghĩ của bà Võ Thị Sáu lúc đó giống như một công chúa cao sang đài các chứ không phải tâm trạng một tử tù sắp chết.
Một người tỉnh táo, có nhận thức trưởng thành không ai đi “tắm nắng” trong giờ vĩnh biệt cuộc đời. Bao nhiêu việc phải làm đối với đất nước, đồng bào, bạn tù và gia đình còn ở lại.
Nhưng tại sao đã có hàng triệu người tin vào chuyện Lôi Phong hay Võ Thị Sáu?
Phải chăng, bộ máy tuyên truyền gồm những người ngu đến mức bịa những chuyện quá xa với thực tế?
Không phải. Bởi vì, hiệu quả của tuyên truyền không chỉ tùy thuộc đơn thuần vào kỹ thuật dàn dựng tinh vi nhưng quan trọng là đáp ứng đúng mức độ dân trí trong thời điểm đó.
Ngày nay, một người có chút học thức và có khả năng căn bản để đánh giá một sự kiện, đều biết chuyện Võ Thị Sáu là chuyện bịa nhưng trong thập niên 1950 đã có vô số người tin. Bao nhiêu thanh niên miền Bắc đã từng sôi sục máu căm thù khi nghe giọng Bích Liên cất lên thê thiết “Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội …”
Không phải đợi đến khi nhà thơ Nguyễn Duy kể mà từ nhiều năm trước ở vùng Bà Rịa, người dân địa phương đã truyền miệng nhau câu chuyện thật về bà Võ Thị Sáu bị bệnh khùng.
Không ai ngụy tạo sự kiện này mà ngay trong phim ảnh do đảng thực hiện cũng mô tả một Võ Thị Sáu bất bình thường.
Giống như Pavlik Morozov của Liên Xô, Lôi Phong của Trung Quốc, nhân vật Võ Thị Sáu là một người thật. Đảng Cộng Sản lợi dụng bà trong tuổi vị thành niên và bệnh tật đáng thương để khích động, xúi giục làm một kẻ sát nhân, khủng bố khi chỉ mới 14 tuổi đầu và không chỉ một lần mà nhiều lần.
Một ngày không xa những Tôn Đức Thắng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu v.v… cũng giống như Alexey Stakhanov, Pavlik Morozov của Nga sẽ trở thành chuyện cười dân gian hay rơi vào quên lãng.
Vâng, nhưng bên trong những chuyện cười và bóng tối lãng quên đó là dấu tích của một thời tàn phá bất nhân và thâm độc nhất trong lịch sử Việt Nam và sẽ tác hại sâu xa trong văn hóa nhiều đời sau.
Trần Trung Đạo