BIỂN HOÀNG HÔN (Đỗ Trường)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

hoang hon tren bien

Không có sự chia ly nào mà không có mất mát. Nhưng có lẽ cuộc chia tay lần này là sự mất mát lớn nhất. Hai mươi năm là cả một thế hệ sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Người thiếu phụ ấy mới có hai mươi tuổi, đã chấp nhận một cuộc chia ly đầy nghiệt ngã.
Một chiều hoàng hôn trên biển thật đẹp, họ lưu luyến tiễn đưa nhau. Người vợ trẻ vò võ, cô đơn đợi chồng. Hai mươi năm là bấy nhiêu mùa chôm chôm nở. Tà áo xưa, nàng mặc tiễn chồng ra đi, hẹn ngày về, nàng sẽ mặc lại. Song có lẽ, nàng không còn được mặc nữa. Khăn choàng đen của nàng đã bạc phếch trước gió biển. Tóc nàng đã điểm bạc trong gió, phong ba và bão táp. Chỉ có hai bàn chân trần của nàng, ngày ngày đứng trước biển hoàng hôn, to bè ra. Hai mắt nàng quầng khô, bàn tay gầy guộc run rẩy, vịn chặt vào từng mỏm đá vấu víu.
Người ta cũng không thể đoán được nàng bao nhiêu tuổi, và nước mắt còn hay đã cạn. Chiều nay thật buồn. Biển vẫn gào, thét. Bầu trời đen, như thấp hơn so với mặt biển. Xa xa, những cánh buồm kéo gập xuống như đang trốn chạy. Từng đàn nhạn con nhớn nhác đi tìm nơi trú ẩn. Biển như hung thần đang giận dữ. Trên mỏm đá, nơi nàng hay vịn tay, một con quạ đen đang rúc mỏ và cất lên những tiếng kêu man rợ.
Tôi lững thững đi qua bãi biển, giật mình không thấy nàng đâu. Tôi vội xuống chỗ nàng thường đứng. Nhưng chỉ thấy những vết chân nàng in trên cát, và đi ra hướng biển. Dưới những vết chân nàng, tôi nhận thấy, những giọt nước mắt còn đọng lại, nước biển phũ phàng chưa kịp xóa đi. Nước biển hôm nay, tôi cảm thấy dường như mặn hơn. Nhìn kỹ, tôi thấy có từng giọt, từng giọt, nước đỏ quyện vào cát trắng, vào những cây rong biển nhỏ li ti. Tôi không rõ, đây là máu, hay là những giọt nước mắt cuối cùng của nàng. Đằng kia chiếc khăn đen của nàng ướt sũng, quấn chặt vào bờ, mặc dù sóng rất lớn và mạnh. Tôi cứ bồi hồi nhớ lại câu chuyện truyền thuyết về Đá Vọng Phu ở phương Bắc.
Chuyện rằng: Đã lâu lắm rồi có một thiếu phụ địu con, tiễn chồng ra trận. Họ hẹn ngày đoàn tụ. Nàng ở lại vò võ nuôi con, chờ chồng. Giặc đã tan mà chẳng thấy chàng trở lại. Chiều, lại chiều, nàng địu con đứng đợi. Nàng đã khóc và khóc thật nhiều, nước mắt đã cạn dần theo năm tháng.
Tấm lòng sắt son, thủy chung đó đã tạc nàng vào trong đá, trong gió, trong mưa. Câu chuyện đó đã lưu truyền cho đến nay, và ăn sâu vào tâm khảm mỗi chúng ta.
Còn nàng? Nàng đã côi cút một mình, vò võ hai mươi năm chờ chồng. Một điều hiển nhiên, nàng biết rất rõ, người mà nàng yêu thương gửi gấm, vẫn còn sống bên kia bờ đại dương.Hai mươi năm, thân hình nàng đã được tạc vào đá, vào biển cả, vào cả những chiều hoàng hôn đẹp nhất……Và có lẽ nào hôm nay hình ảnh của nàng sẽ, và.. đang vùi sâu vào lòng biển cả chăng?

Ai cũng bảo chiều hoàng hôn đẹp lắm
Mầu tím buồn đang rụng xuống biển xanh
Con sóng nhỏ trườn mình, như vỗ cánh
Đưa cánh buồm xa, lặng lẽ cập bờ.
Cũng chiều hoàng hôn, ngày này, năm ấy
Nàng âm thầm đưa tiễn cánh buồm đi.
Hai mươi năm cánh buồm chưa trở lại
Biển vẫn gầm, bão tố ở quanh em .
Ai cũng bảo, chiều hoàng hôn đẹp lắm
Lòng người thiếu phụ, đơn côi đợi chồng
Chiều tím xưa đã khuyết đi một nửa
Như chiếc cầu vồng đã gẫy làm đôi.
Em ở lại bên này bờ cát trắng
Chiều, lại chiều, đếm cánh buồm trôi.
Con sóng nhỏ, vẫn âm thầm đưa cát
Lở bên em, hay bồi đắp bên anh?
Ai cũng bảo, chiều hoàng hôn đẹp lắm
Cơn gió gằn áo rách toạc bờ vai
Đôi chân trần hằn sâu trong lòng cát
Mắt em khô, héo hắt bởi thời gian.
Mái tóc em đã pha mầu sương gió
Sóng bạc đầu mang cả mầu tóc em.
Đôi nhạn con đang liệng mình tìm tổ
Em đi tìm ký ức của xa xăm…..

Leipzig tháng 4- 1995
Đỗ Trường