Đã lâu lắm rồi, tôi mới được đọc một bài thơ hay đến như vậy. Báo Viên Giác (Đức Quốc) tháng 4 có bài: Hãy Ngủ Yên Đà Nẵng Của Tôi Ơi của Trần Trung Đạo. Tác giả có trích dẫn một bài thơ của mình (Trần trung Đạo- nhưng không ghi tựa tên bài thơ ). Tôi bị cuốn hút ngay từ khổ thơ đầu. Và tôi đọc nghiến ngấu hết bài, rồi đọc đi đọc lại. Chợt thấy mình, dường như đã lâu lắm rồi, không được thưởng thức một món ăn ngon, hợp khẩu vị đến như vậy. Có lẽ, anh đã giải tỏa không riêng những gì trong tôi, mà còn cho tất cả người Việt xa quê.
Mọi người chúng ta, ai mà chẳng có tuổi thơ, Trần Trung Đạo cũng vậy. Tuổi thơ của anh gắn với những dòng sông, bãi biển êm đềm. Dòng sông ấy đã tưới mát hồn thơ của anh. Tiếng chuông chùa xa, gốc đa già nghiêng nghiêng mái đổ là nguồn thực phẩm vô tận nuôi dưỡng tâm hồn anh. Để hôm nay, qua bao ngày dồn nén, một phút xuất thần nào đó, cảm hứng cho anh viết một bài thơ hay như vậy.
Thật vậy! Bao quát cả bài thơ là giấc mơ, một giấc mơ buồn và thường trực trong anh. Trong cái chập chờn ấy, anh đã thoảng thốt gọi Đà Nẵng quê anh. Lời thơ nghẹn ngào, dằn vặt. Chúng ta bắt gặp một loạt câu hỏi tu từ: Có còn nhận ra tôi không? Có còn nhận ra tôi không?..Nó như mũi khoan xoáy vào lòng người đọc. Đối tượng hỏi của anh là ai? Hay anh hỏi chính lòng mình:
“ Còn nhận ra tôi không?
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi đến một phần đời“
Anh lớn lên trong chiến tranh, thành phố quê anh cũng quặn mình trong bom đạn. Tuổi thơ của anh gắn liền với từng viên gạch đổ, những bức tường vôi loang lổ. Thành phố đã đi qua tuổi thơ vất vưởng của anh. Và đã bao năm xa quê, nhưng thời gian, không gian cũng không thể bào mòn nỗi nhớ, tình yêu ấy. Trong giấc mơ chập chờn, anh đã trở về thành phố. Anh hỏi thành phố còn nhớ anh không? Anh hỏi, mà như không hỏi, thật sự anh đi tìm tuổi thơ, tìm lại dĩ vãng :
“ Có nhận ra tôi không?
Hỡi ước mơ tuổi hai mươi
Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá
Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên“
Anh đã khóc, anh khóc cho thân phận, hay anh khóc cho quê hương anh. Tất cả đã đổi thay xa lạ. Giấc mơ tuổi thơ và ngày đầu hò hẹn đã mất từ ngày anh ra đi. Để rồi hôm nay, anh trở về, bến cũ còn đây, con đò đã sang ngang. Dòng sông xưa đã đổi dòng nước lạ. Thời thế, cảnh vật, con người đều xa lạ, lạnh lùng đến se sắt….
Anh đã trở về ngôi chùa cũ, nơi đã nuôi dưỡng, che chở tuổi thơ cho anh. Và dường như tôi cũng được cùng anh, nghe đâu đây tiếng vọng về của chuông chùa thuở ấy:
“Có nhận ra tôi không?
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi! bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhứt nhối trong đêm”
Anh đứng lại nơi anh thường đứng, nơi có những chiều lá đổ. Anh vẫn nghe thấy tiếng kêu xé lòng của cây đa già thuở ấy. Anh bảo đa đừng hát nữa, buồn lắm, nhưng trong lòng anh hát mãi không thôi. Trong đêm tối ấy, anh đã nhìn thấy tấm thân gầy của quê hương đang oằn mình dưới phong ba, bão tố. Đường phố đã ngỡ ngàng thay tên, nơi đây một thời anh đã cùng bạn bè nhấp từng giọt cafe đen, từng ly rượu đắng. Anh đã về, nhưng thấy xung quanh đều trống vắng, tất cả bay mất như khói thuốc vô hình. Có hẹn ngày về đâu mà anh mong gặp:
“Có nhận ra tôi không
Hỡi bạn bè anh em
Ai còn sống và ai đã chết?
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn ngày về “
Cả khổ thơ là khung cảnh mù mịt của sự chia ly. Ai còn, ai mất? Người ở lại sống trong lầm than tủi nhục. Người ra đi mang trong lòng niềm nhớ thương và cả một trời kỷ niệm, quặn quại xót xa, ngày về còn xa lắm:
“ Có nhận ra tôi không?
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi, thời mưa nắng
Từ nơi đó trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình”
Anh muốn vùng dậy, để quét đi những đêm tối bão bùng trên quê anh, nhưng dường như anh bất lực?
Ngồi nghe văng vẳng tiếng gọi của núi sông, nơi đã chở che cho anh những ngày dài mưa nắng, gập ghềnh của tuổi thơ.
“ Có còn nhận ra tôi không
Hay tại chính tôi quên? “
Hai câu cuối chính là câu kết của toàn bài. Tôi và những sự vật, con người xung quanh, tôi và hay chính tôi. Nó là những sợi dây vô hình quán xuyến ràng buộc toàn bài lại, làm cho bài thơ có bố cục chặt chẽ hơn. Anh tự trách, tự dằn vặt mình. Anh bất lực chăng? Không! Cái khắc khoải, cái dằn vặt đó, chính là lúc anh dồn nén nỗi đau, nỗi nhớ nhất trong tâm khảm mình.
Lúc anh quên, chính là lúc anh nhớ nhất, có phải thế không anh Trần trung Đạo?
Leipzig tháng 4-2008
Đỗ Trường
P/s:(Tháng 4, chợt nhớ đến một bài thơ của Trần Trung Đạo– Mấy hình cũ của Đà Nẵng mượn trên mạng).(Đỗ Trường)
*********************************************
NẾU MAI MỐT TÔI VỀ
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi thành phố cũ
Những mái ngói xanh rêu
Bức tường vôi loang lổ
Bài thơ xưa ghi dấu một phần đời.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi mơ ước tuổi hai mươi
Bờ bến cũ, ngậm ngùi thân sỏi đá
Tôi về đây, sông xưa, dòng nước lạ
Ngó mây trời mà khóc tuổi hoa niên.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi cây đa cũ trong sân
Nơi tôi đứng những chiều thu lá đổ
Đừng hát nữa đa ơi, bài ca buồn vạn cổ
Tấm thân gầy đau nhức nhối trong đêm.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi những giọt cà-phê đen
Ly rượu đắng cho môi đời bớt nhạt
Khói thuốc bay như mây trời phiêu bạt
Trên con đường nay đã đổi thay tên.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi bè bạn anh em
Ai còn sống và ai đã chết
Ai ở lại lao đao, ai phương trời biền biệt
Giờ chia tay sao chẳng hẹn quay về.
Có còn nhận ra tôi không
Hỡi ghế đá công viên
Những mái lá che tôi thời mưa nắng
Từ nơi đó trong đêm dài yên lặng
Tôi ngồi nghe sông núi gọi tên mình.
Có còn nhận ra tôi không
Hay tại chính tôi quên.
Trần Trung Đạo (2000)