Lời Phi lộ: Lẽ ra, tôi không ngồi đánh những dòng chữ này, cho đến khi tôi thấy những cảnh bạo lực xảy ra giữa cảnh sát Hồng Kông và người biểu tình gần đây. Có những hình ảnh biểu tình trên những khu phố mà tôi từng đi qua. Hai chữ Hong Kong lẩn quẩn trong đầu. Tôi quyết phải chia sẻ những ký ức về vùng đất mang tên Hương Cảng (Hồng Kông) này…
Nhân viên văn phòng xuống đường hôm 11/15.(Hình từ Isaac Lawrence / AFP / Getty)
Hơn 10 năm trước, vì công việc của hãng, tôi thường xuyên bay từ Cali đi Đài Bắc, Hương Cảng và Thẩm Quyến. Trong ba nơi, Hương Cảng là nơi tôi ở ít nhất nhưng lại có nhiều điều để nhớ về nó nhất. Kể bạn vài chuyện nghe chơi.
Trong chuyến bay đầu tiến đến HK từ Đài Bắc, chuyến bay buổi sáng không còn một ghế trống, từ hạng thương gia cho tới hàng chót. Tôi thích ngồi gần lối đi nên luôn đặt ghế này, cho dù đi hãng bay nào và đi nơi đâu.
Khi lên máy bay, tôi thấy 2 ghế bên trong là một cặp vợ chồng trẻ. Tôi ngồi xuống, anh chồng đang ngồi giữa, qua sang nói với tôi.
– Thưa ngài, ngài có thể đổi chỗ cho vợ tôi ngồi bên ngoài lối đi được không?
Tôi có hơi bực mình, nhưng anh ta nói tiếp.
– Chúng tôi mua vé trễ không kiếm được chỗ ngồi cạnh lối đi. Ông để lại ghế này, tôi bù lại tiền cho ông. Vợ tôi đang mang thai, dễ bị ói và phải đi tiểu thường xuyên.
Nghe thế, tôi vui vẻ nhường ngay.
Xuống máy bay, hai vợ chồng nói cám ơn và đưa tôi một tấm danh thiếp. Chị vợ nói: hai vợ chồng tôi muốn mời ông một bữa tối tại địa điểm này, trong thời gian ông lưu lại Hương Cảng. Đây là nhà hàng của hai vợ chồng tôi.
Dĩ nhiên, tôi không có thời giờ ghé quán ăn của họ.
Một cuối tuần ở HK, tôi không có 1 chương trình gì cả. Sáng thức dậy sớm, ăn sáng trong khách sạn, tôi đi bộ. Quẹo chỗ này, chỗ kia không định hướng. Tòa nhà chọc trời này tới tòa nhà kia. Bỗng nhiên, tôi lạc vào một khu mà hai bên đường là những hàng cây lớn, đầy bóng mát. Đi một đoạn, tôi tiến về công viên quốc gia của HK. Vào đây, tôi thấy từng khu, rất nhiều người đang tập dưỡng sinh. Tôi đi loanh quanh, tôi mê ngay. Tôi thấy rất nhiều những cây cổ thụ. Mỗi cây có đánh dấu một số, niên đại của cây ấy. Có cây năm bảy trăm tuổi, có cây hơn nghìn tuổi.
Là một thằng bé nhà quê ngày xưa, tôi yêu thiên nhiên. Công viên quốc gia này được bảo tồn thật tuyệt.
Tối đó, tôi bắt taxi đi chợ đêm. Tình cờ, taxi ngừng chờ đèn đỏ, tôi nhìn đường đối diện. Không tin vào mắt mình, tôi phát hiện ra con đường trước mặt mang tên Sai Gon. Tôi nói với anh Taxi, đổi lộ trình, quẹo phải, đổ tôi xuống ngay con đường trước mặt. Tôi trả anh đủ tiền cho quãng đường còn lại. Tôi bước đi trên phố Sài Gòn tại Hông Kong. Lòng tôi phơi phới không thể tả.
Tôi như một người đi xa về lại quê hương, dù quê hương tôi tuốt bên kia biển lớn. Lòng tôi như một kẻ vừa gặp lại người tình sau thời gian dài xa cách. Lòng tôi cũng như một người đi xa, gặp lại cố hương. Ôi, tha hương ngộ cố tri. Tôi đi dọc con đường Sài Gòn mà lòng rộn rã. Phố đêm, đèn đủ màu sắc, người đi bộ như nêm. Tôi quên bẵng hết mọi thứ trong đời. Tôi ôm cây cột mang tên đường, lòng nghe rộn rã. Có người đi qua, quay đầu nhìn lại, nghĩ chắc thằng điên.
Sáng mai, tôi lấy 1 tour từ khách sạn đi một vòng HK. Trong tour ấy, có một đoạn làm tôi nhớ đời. Đó là họ đưa chúng tôi đến một chân núi. Từ chân núi, đi tàu điện lên đỉnh (tàu này chỉ dành cho khách du lịch theo tour này). Tàu chỉ có mấy toa thôi. Đường lên núi, khúc đầu hơi lài lài, khúc giữa đi lên dốc, cứ lên cao, lên cao. Đến hai phần ba núi, dốc đứng thấy sợ. Tim tôi đập thình thịch. Vậy mà, cha mẹ ơi, tàu ngừng chạy, chết máy, đứng yên một chỗ. Cả tàu nhốn nháo. Nhưng không, tàu không chết máy. Tàu ngừng lại cho mọi người đứng tim chơi. Người hướng dẫn bảo: Đây là chỗ phải ngừng, để hành khách nhìn xuống vực thẳm. Vâng, Hồng Kông đang ở đưới vực thẳm ấy. Đẹp tuyệt vời.
Trên đường về, xe buýt chạy ngang qua một con đường, mà tôi lại thấy mang tên Việt Nam. Trời, Đường “Hai Phong”, vâng đúng là Hải Phòng. Tim tôi đập loạn xạ.
Về tới khách sạn tôi hỏi ngay người quản lý. Bà ta nói ở đây còn có 1 con đường khác mang tên Việt Nam, đó là: “Ha Noi road” ở khu Tsim Sha Tsui. Tôi nghe như tim mình đang vỡ, trong cái hạnh phúc của một kẻ tha hương..
Sáng sớm hôm sau, trước khi bắt tàu vào Thẩm Quyến, Trung Quốc, để đi làm, tôi gọi Taxi chở tôi ra con đường mang tên Ha Noi. Tôi đi dọc theo đường, khoảng vài trăm mét, rồi trở về. Bao nhiêu câu hỏi trong đầu tôi. Tại sao, tại sao và tại sao?
Và bạn có biết tại sao HK lại có ba con đường: Hai Phong, Ha Noi và Sai Gon?
Lê Tạo
11/2019
Hình của Getty Images vào 11/17/2019.
Một buổi trưa cuối tuần, tôi lang thang trên các đại lộ ở HK. Nếu bạn từng đến HK, bạn sẽ thấy đại lộ chật người ở buổi sáng, chiều và tối. Không chỉ trên các đại lộ, mà còn chật kín người ở những ga tàu điện dưới lòng đất. Buổi trưa ít hơn. Phần lớn các nhân viên văn phòng đi ăn vội vàng. Từ các đại lộ lớn, tôi lang thang vào các hẻm nhỏ. Nếu đại lộ lớn là khuôn mặt thì các hẻm nhỏ mới chính là máu thịt của HK. Muôn cảnh, muôn vẻ, trong đó có những quán ăn thơm phức, giữa những tiếng ồn ào, náo nhiệt.
Tôi đi ngang qua một tiệm bán cơm, mì với thịt BBQ. Những con vịt quay vàng, đẹp mắt treo trong 1 tủ kiếng lờ mờ. Bên dưới, tầm nửa con heo quay được chặt thành tùng khúc. Bụng tôi cồn cào. Mùi thịt BBQ làm tôi chảy nước dãi. Nhìn vào quán: đông nghẹt. Nhưng bên trong quán, rất ít tiếng ồn. Ai nấy như cố ăn cho nhanh, rồi rời quán. Tôi đứng chờ trước cửa với khoảng bốn năm người khác. Mỗi người khi thấy bàn nào có chỗ trống là họ vào. Bàn 2 người, mà nếu chỉ 1 người đang ăn, họ vào ngồi phía bên kia, gọi món và im lặng ăn. Thoạt đầu tôi hơi ngạc nhiên, nhưng sau nghĩ lại cũng đúng. Vì dân văn phòng, chắc họ không có nhiều thời gian ăn trưa. Vả lại, không có tiệm nào trong các hẻm mà có chỗ rộng rãi. Nếu đi theo nhóm đông, cũng phải xé nhóm ra mà ngồi ở các bàn khác nhau cho lẹ. Tôi cũng như họ, đi vào, ngồi xuống, lấy thực đơn, chỉ cái hình tô mì với vịt quay. Trời đất ơi, nó ngon không thể tả. Nó ngon ngang hàng với tô mì chỉ có 2 lát thịt mỏng và nhỏ như lá chanh, mà tôi từng được hưởng ở trại tị nạn. Nó ngon đến nỗi, trưa hôm sau, tôi kiếm đường tới nữa. Nhưng không thể nhớ, vì HK đường xá như 1 cái bàn cờ.
Trong một lần đi tour. Không biết thật hay đùa, mà cô hướng dẫn viên bảo: Cái gì trên thế giới có, HK có. Và cô dặn thêm: cẩn thận khi mua hàng. Mua xong, đừng đưa người bán gói hàng giùm cho bạn. Bạn có biết tại sao không?
Một lần đi chợ đêm, thấy có mấy anh ngồi bên 1 góc quầy hàng, hỏi người đi tham quan: các anh muốn mua đồng hồ không? Đủ loại. Chỉ cần 1 cái gật đầu của bạn, họ sẽ đưa bạn ra sau quầy hàng, cho xem catalogue. Chỉ cần bạn chỉ hiệu nào, mẫu mã trên hình mà bạn thích. Xong, họ bốc điện thoại gọi và bảo bạn chờ. Hai phút sau, họ bảo bạn đi theo họ, luồn lách qua các sạp, vào một con ngõ hẻm, đi lên một cầu thang. Bạn cảm thấy lạnh lạnh xương sống. Nhưng thật ra, an toàn. Vào bên trong, họ cho xem mẫu mã, đủ kiểu. Xong, hỏi bạn ưng ý không, rồi họ cho biết giá tiền. Rồi là cuộc ngã giá giữa đôi bên bắt đầu.
Nếu là khách nữ, thích các loại giỏ xách, bất kỳ hiệu gì, các cô HK cũng sẽ đưa các bạn xem thử như thế. Nên nhớ là: trả giá và trả giá. Bạn không hài lòng với mẫu mã hay giá cả? không sao. Vui vẻ cháo nhau, và đi. Không níu kéo.
Nhưng nói đến HK, cần phải nói thêm về người bạn của tôi. Một hạt hụi giữa đỉnh trời.
***
Tôi có người bạn. Anh có 1 ước mơ thật tầm thường, theo lời anh. Lúc ấy là khoảng cuối 1980’s. Ra trường, đi làm 1 năm, gom tiền trả nợ tiền học. Một buổi sáng vào đưa thư từ chức. Người quản lý há hốc: mày điên à, tương lai của mày ở công ty này. Anh bạn tôi trình bày lý do: tôi muốn về bên trại cấm giúp đở đồng bào, đây là ước mơ đã ấp ủ từ lâu. Người quản lý chợt hiểu, bởi anh cũng là 1 di dân.
Một gã trai mà cả nhà hy vọng hắn làm ông này ông kia, quyết định bỏ ngang mọi thứ, đi thực hiện giấc mộng con của mình, mà hắn cho là rất tầm thường: ra đi từ trại tị nạn, phải về lại giúp người tị nạn.
Thưa Ba Má, con đi. Chẳng có một Ba Má nào chặng được trái tim thật lớn của đứa con trai mình, quyết sống một thời gian vì tha nhân. Anh đã làm được, thực hiện được giấc mộng con của mình. Một trăm thằng con trai khác như tui, như bạn anh, chẳng thằng nào làm được. Một năm phục vụ trong trại cấm bằng cả chục năm làm việc thiện giữa đời thường như hôm nay.
Giấc mộng con của anh là một đỉnh trời của bọn tui. Tôi không thần tượng những tên tuổi lớn. Tôi không tôn thờ những tỷ phú của đương thời. Hình ảnh của bạn tôi là một đỉnh trời cao ngất của riêng tôi.
Nhiều năm sau, tôi viết 1 bài thơ, có chứa 1 chút hình ảnh đó:
Chiều nay gió đến
Đẩy đời chao nghiêng
Trong lòng hạt bụi
Có đỉnh trời riêng
Chúng tôi là hạt bụi. Những người như anh là một đỉnh trời. Trên con đường rong ruổi của một thằng con trai, từ thời mới lớn, tôi đã gặp, đã quen những hạt-bụi-đỉnh-trời như thế. Đó là một may mắn lớn trong đời. Đó cũng là một ký ức thật đẹp với Hồng Kông.
Sáng nay, nghe tin HK. Lòng tôi quặn thắt.
Lê Tạo
11/17/2019
Hôm nay tôi nói chuyện với anh bạn gốc HK, du học ở Mỹ, rồi ở lại đây đã hơn 15 năm. Ngồi ăn trưa, anh nói …
… Tôi có hai đứa cháu, một trai, một gái, đang học đại học, và tham gia vào biểu tình. Mấy ngày qua, gia đình không liên lạc được, không biết bây giờ chúng nó thế nào. Nhưng dầu gì, tụi nó đã “chơi” một trận hào hùng như tuổi trẻ của nó. Tụi nó hơn tôi nhiều lắm….
Anh nói trong giọng nghẹn ngào.
Mẹ của chúng ngăn cản từ những ngày đầu tụi nó xuống đường vì sợ hiểm nguy, nhưng Bố tụi nó nói là tụi con phải sống cái tuổi trẻ của chính tụi con. Bố và bạn bè sẽ đứng sau lưng tụi con. Mấy ngày nay, Mẹ chúng như chết đứng. Lúc bình tĩnh thì dằn vặt Bố của chúng. Không phải chỉ 1 gia đình thế đâu. Nhiều lắm. Có bà mẹ nào muốn con mình nguy hiểm.
– Giả sử như anh còn ở HK và cũng có 1 hoặc 2 đứa con xuống đường. Anh nghĩ sao.
Anh từ tốn: làm cha mẹ thì mình ích kỷ không muốn con mình đối diện hiểm nguy. Nhưng ai cũng như vậy thì HK sẽ biến mất trong chục năm tới. Nếu là tôi, tôi sẽ cho tụi nhỏ tự quyết định. Đất HK là của nó. Tuổi trẻ là của nó. Nó sống đời của nó. Mình tôn trọng thôi.
***
Mười mấy năm trước, lang bạt ở HK, tôi bước những bước chân trên đoạn đường in hình các tài tử nổi tiếng một thời của họ. Gió biển phơi phới trong một chiều mùa hè. Tuyệt. Tôi bước chậm, và nhận ra một số, trong đó có Châu Nhuận Phát, Thành Long. Cả Phát và Long là hai tên tuổi lớn của điện ảnh.
Gần đây, tôi thấy nhiều status trên fb nói về lòng hào hiệp của Phát. Tôi thấy cái chống đối của nhiều người đối với Long. Cả hai đều có lượng khán giả của mình rất lớn. Họ biết họ làm cái gì trong cuộc đời. Tôi tôn trọng họ. Tôi thích cả 2 trên màn ảnh. Nhưng trong đời, tôi luôn ngã mũ trước người đứng về phía yếu.
Cũng mười mấy năm trước, một buổi tối ở khu Cửu Long, anh bạn HK, đối tác của hãng tôi, cùng ngồi ăn tối, đã nói …. Anh có biết ở HK có muôn vàn hộp đêm không? Có nhiều hộp đêm, mà các cô gái ở đó, không phải là người HK. Họ đến từ khắp nơi: Thái Lan, Phi, Việt Nam, và đặc biệt rất nhiều các cô từ đại lục.
– Các cô từ đại lục, làm sao đến được HK?
– Sau khi HK thuộc về TQ, có những đường dây chính thức đưa họ qua đây làm việc. Họ luân chuyển qua những hộp đêm khác nhau. Sau một thời gian, họ về lại đại lục … Có một số cô trốn ở lại. Nhưng khi bị lộ, các cô phải chịu những hình phạt nặng nề trong những đường dây đó.
***
Mấy hôm nay, hình ảnh máu me của của tuổi trẻ HK bị đàn áp làm nhiều người giận dữ. Có những hình ảnh mà tôi và ngay cả người bạn đồng nghiệp HK cùng lứa, đã phải cúi đầu ngưỡng mộ. Đó là hình ảnh kiên cường của các cô gái trẻ đối diện với dùi cui, súng ống. Có cô đã hiên ngang bước, ngẩng cao đầu, với đôi tay bị còng. Họ không cần trang điểm, mà lại đẹp, đẹp hơn rất nhiều những cô gái cùng tuổi, với phấn son lòe loẹt ở những vũ trường lóe chớp ánh đèn màu.
Lịch sử không có trang nào dành cho những cô gái ở vũ trường.
Lịch sử sẽ dành những chương thật dài cho những người dấn thân vì quê hương thân yêu của họ.
Lê Tạo (11/20/2019)