VỤ ÁN PHỐ ÔN NHƯ HẦU (1946) VÀ ĐỒNG TÂM (2020): TRẤN ÁP CỦA CÔNG AN NGÀY ẤY VÀ BÂY GIỜ (Gellert Nguyễn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Phố Ôn như Hầu (1946) và cổng làng Đồng tâm (2019)

Thành tích của công an Việt Nam trong việc sử dụng bạo lực và dối trá luôn được ca ngợi là giỏi nhất thế giới mà việc ngang nhiên bắt Trịnh Xuân Thanh ở Đức và Trương Duy Nhất ở Thái khi bất chấp hậu quả luật quốc tế và bang giao song phương là thí dụ.

Tại quốc nội, vụ Đồng Tâm vi phạm luật đất đai là thành tích mới nhất. Thật ra, trong lịch sử đàn áp đẫm máu dân lành mà công an luôn tự hào còn có vô số các thảm kịch khác. Phải chăng công an luôn lặp lại các biện pháp tương tự?

Không hẳn như vậy. Các sử gia cho là lịch sử không lặp lại trong toàn diện, mà chỉ trong chừng mực tương đối, vì bối cảnh, không gian và thời gian có thể làm thay đổi diễn tiến ít nhiều, mà ứng xử của công an trong vụ án phố Ôn Như Hầu năm 1946 nhằm trấn áp các đảng chính trị quốc gia, đã chứng minh là hoàn toàn dị biệt.

Nhưng khi nhìn lại hai biến động lịch sử xưa và nay này cũng là dịp để cho những ai còn đủ lương tâm và lý trí hết lòng ca ngợi công an trong vai trò bảo vệ Đảng, nhà cầm quyền và nhân dân, đối chiếu thành tích ngày ấy và bây giờ.

1) Vụ án phố Ôn Như Hầu

Vào lúc 7 giờ sáng ngày 12 tháng 7 năm 1946, công an khám xét nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, nay là số 7 phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, nơi đặt trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ hay còn gọi là Việt Quốc), bắt hơn 100 Đảng viên. Phan Kích Nam, đại biểu Quốc hội khóa I cũng là Đảng viên VNQDĐ, bị bắt trong số này, nhưng có một số kịp trốn thoát. Chỉ đạo chung là Lê Giản, Nguyễn Tuấn Thức và Nguyễn Tạo.

Trong cùng ngày, công an khám xét trụ sở khác của Việt  Nam Quốc Dân Đảng ở nhà số 132 phố Duvigneau, nay là phố Bùi Thị Xuân. Dù chưa có lệnh bắt, nhưng do bất ngờ đột kích vào lúc sáng sớm, nên các đảng viên không có thời gian tẩu thoát.

Việc khám xét của công an tại nhà số 80 phố Quán Thánh cũng diễn ra tương tự. Điểm đặc biệt là quân Pháp điều xe tăng đến can thiệp, nhưng cuối cùng, sau khi được công an giải thích, xe tăng Pháp rút lui vào buổi trưa.

Sau Hà Nội, công an khám xét các cơ sở khác của Việt Quốc và Việt Cách ở Hải Phòng và một số tỉnh khác.

Khi tổng kết thành quả chiến dịch, nhà cầm quyền có tổ chức họp báo cho biết là đã phá tan âm mưu chống chính phủ. Tuy nhiên, để giữ thanh thế chung cho Mặt trận Thống nhất, nhà cầm quyền tỏ ra dè dặt trong việc lên án hai đảng đang còn là thành viên. Đặc điểm nổi bật trong cuộc họp báo này là đã tường thuật với nhiều chi tiết. Báo giới gọi chung việc khám xét là vụ phố Ôn Như Hầu.

Phía công an [cộng sản] cho biết, nhân ngày Quốc Khánh Pháp, Đại Việt và Việt Nam Quốc dân Đảng chuẩn bị kế hoạch bắn súng và ném lựu đạn khi quân Pháp diễn hành quanh hồ Hoàn Kiếm, gây tác hại cho bang giao Pháp-Việt. Hậu quả là Pháp sẽ quy trách cho nhà cầm quyền việc tấn công quân Pháp, tạo cớ cho Pháp lật đổ. Nhân dịp này, hai đảng [Đại Việt và VNQDĐ] hô hào hợp tác với Pháp. Kết quả chiến dịch là công an thu được nhiều vũ khí, truyền đơn, tài liệu, giấy bạc giả và dụng cụ tra tấn.

Theo kế hoạch tại trụ sở số 7 phố Ôn Như Hầu, Trần Tấn Nghĩa [CSVN], chỉ huy công an, mang theo lệnh bắt và khám xét những người có mặt. Khi đến nơi, việc đầu tiên là công an cắt dây điện thoại và gọi người bên trong ra đón tiếp.

Sau khi biết được nguyên nhân khám xét, Phan Kích Nam biện minh là Đại Biểu Quốc hội nên có đặc quyền bất khả xâm phạm và công an không thể tùy tiện khám xét trụ sở đảng. Trước phản ứng hợp pháp, Trần Tấn Nghĩa rút lui.

Lần thứ hai, kế hoạch thay đổi, Trần Tấn Nghĩa đến địa điểm, dự kiến trước là mời Phan Kích Nam về trụ sở công an, rồi sau đó mới khám xét và bắt các đảng viên VNQDĐ. Phan Kích Nam khuyên công an báo cáo với cấp trên là “nếu manh động sẽ ăn đạn và sẽ lĩnh trách nhiệm với Quốc hội”. Một lần nữa, Trần Tấn Nghĩa ra về.

Lần thứ ba, khoảng 10h30 trong cùng ngày, Trần Tấn Nghĩa quay lại và chủ động tháo thắt lưng đeo súng đặt trên bàn. Thi hành lệnh bắt không kết quả, Trần Tấn Nghĩa cáo biệt và vờ quên súng ở bàn. Phan Kích Nam vội vàng cầm súng và xung đột xảy ra. Trong cảnh tượng Phan Kích Nam lảo đảo, Trần Tấn Nghĩa bẻ quặt tay Phan Kích Nam và ra lệnh tất cả không được chống cự. Phan Kích Nam phải làm theo lệnh. Theo đúng kế hoạch, công an bắt tất cả người của VNQDĐ.

Cuối cùng, công an kết luận là đã phá tan âm mưu chống chính phủ, những vụ bắt cóc tống tiền, ám sát, tịch thu nhiều truyền đơn và bạc giả. Đây là thắng lợi lớn trong việc bảo vệ đảng [cộng sản], nhà cầm quyền và nhân dân.

Theo các sử gia, vụ án chưa bao giờ được nghiên cứu nghiêm chỉnh. Chính giới cho rằng mục đích là Việt Minh lợi dụng trả thù vì không có đủ chứng cớ buộc tội Việt Nam Quốc Dân Đảng. Khi sử dụng bằng chứng âm mưu đảo chính làm lý do để tìm cách triệt hạ các đảng khác, công an làm có đúng không, vấn đề không tòa án nào có thể kiểm chứng.

Thực tế cho thấy, nếu Pháp muốn đảo chính thì họ không cần dựa vào bằng chứng của Việt Minh, cơ hội cho Pháp đã có từ lâu và trì hoãn vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi các Đảng chính trị khác cho biết, bằng chứng là ngụy tạo mang đến hiện trường và lời cáo buộc không thuyết phục. Tất cả mọi khuất tất của lịch sử lắng chìm qua thời gian.

2) Vụ Đồng Tâm

Nội dung tranh chấp là dân Đồng Tâm phản đối nhà cầm quyền chiếm đất nông nghiệp gồm 59 ha tại Đồng Sênh, nghĩa là thuộc về dân sự mà mọi phe liên quan phải tuân thủ quyết định của tòa án.

Trong đêm 8 rạng ngày 9 tháng 1 năm 2020, nhà cầm quyền Hà Nội huy động 3,000 cảnh sát cơ động đến bao vây làng Đồng Tâm, bắn chết ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, tại nhà riêng và bắt đi 27 người dân Đồng Tâm. Sau đó, nhà cầm quyền truy tặng Huân chương Chiến công Hạng nhất cho ba cảnh sát bị thiệt mạng.

Trước phút lâm chung, ông Kình không bị truy tố về tội hình sự hay khai trừ Đảng, ông chưa nhận phán quyết của tòa án hay lệnh cưỡng chế đất đai. Là một lão thành cách mạng [đảng CSVN], ông Kình có 58 năm tuổi đảng và từng là bí thư đảng ủy. Có chứng từ pháp lý, dĩ nhiên, ông Kình có quyền lưu giữ và trình bày trước tòa án và công luận, một quyền không thể tranh cãi.

Không có lệnh bắt hay biện pháp nào, nhà cầm quyền đơn phương dùng bạo lực vào lúc 4 giờ sáng, tịch thu hết chứng cứ mà ông Kình đang cất giữ, bắt hết nhóm Đồng thuận Đồng Tâm và tiêu diệt ông Kình.

Công an có tổ chức họp báo trình bày nguyên nhân tử vong của ông Kình và ba cảnh sát với các chi tiết mâu thuẫn nhau. Đầu tiên, công an cho biết là vì bị dân ném lựu đạn, đâm bằng dao phóng và rơi xuống hầm chông nên ba cảnh sát bị thiêu chết ở Đồng Sênh, cách thôn Hoành, xã Đồng Tâm khoảng ba cây số.

Sau đó, công an lại cho rằng, cảnh sát chết khi truy đuổi dân và bị rơi xuống giếng trời tại nhà ông Kình ở thôn Hoành, rồi bị dân đổ xăng thiêu chết. Còn ông Kình chết là vì có hành vi khủng bố, chống người thi hành công vụ, khi chết, trên tay còn cầm lựu đạn. Sau cùng, tướng Lương Tam Quang xác nhận, ông Kình chết tại nhà.

Sự thật khác hẳn. Hình ảnh về sau cho thấy, công an đột kích vào tận nhà bắn vỡ tim, nát óc ông Kình ngay trên giường ngủ rồi mang xác đi, tự tiện mổ bụng không theo thủ tục pháp y. Khi gọi vợ con ông nhận xác, còn bắt ký giấy xác nhận ông chết ở đồng Sênh, cách nơi ông bị giết chết ba cây số.

Bằng chứng cuối cùng thuyết phục nhất là việc bà Kình tìm ra dưới gầm giường một bao tải quần áo đầy máu của ông Kình, nhà cửa bị lục tung và bản đồ đất dán trên tường bị xé bỏ. Công an mang bản đồ, hồ sơ giấy tờ đất đai đi mất, dân Đồng Tâm không còn một bằng chứng nào có thể trình bày trước tòa án và công luận.

Tóm lại, đây là một cuộc đột kích và thảm sát tại chỗ để cướp chứng cứ, giết người diệt khẩu, không dựa trên cơ sở luật pháp nào.

Công an của Hồ và Trọng, ai hơn ai?

Năm 1946, tình hình đất nước vô cùng hỗn loạn, cho dù Quốc hội được thành hình. Ngày 2 tháng 3 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp ra đời trong khi một số thành viên trong Việt Quốc và Việt Cách phản đối và công luận cho rằng Việt Minh thân Pháp. Thuận lợi cho Việt Minh là tranh thủ được thời gian hòa hoãn để củng cố quyền lực nội chính. Để đạt mục tiêu, ông Hồ dùng các biện pháp trấn áp các phong trào quốc gia và Võ Nguyên Giáp chỉ huy lực lượng công an và quân đội khám xét và bắt giữ các thành phần chống đối có thể đe dọa đến chính phủ.

Bối cảnh chung của biến động tại Đồng Tâm khác hẳn. Việt Nam trong năm 2020 là một đất nước đang “tỏa sáng trong cảnh quan u tối của thế giới”. Khung cảnh thanh bình thể hiện rõ nơi Đồng Tâm, một ngôi làng nhỏ với 8000 người dân, sống hiền hoà bên những mảnh ruộng thân yêu, luôn một lòng tin tưởng vào chính sách Đảng và nhà nước, qua giải pháp đối thoại ôn hoà trong tinh thần trọng pháp, cho dù có tranh chấp quyền lợi.

Việc khám xét tại phố Ôn Như Hầu cho thấy, công an ngày xưa tôn trọng luật pháp hơn ngày nay. Dù có lệnh khám xét và bắt giữ nghi can, nhưng do phản ứng quyết liệt, công an phải trì hoãn đến lần thứ ba mới thực hiện trấn áp. Khi có Pháp can thiệp, công an đã ôn hòa trình bày căn bản pháp lý theo nội dung của Tạm ước Pháp-Việt để yêu cầu Pháp không can thiệp. Trong khi tất cả các biện pháp ngày xưa đều thực hiện vào sáng sớm, vụ Đồng Tâm khác hơn, không có lệnh bắt và bắt đầu từ lúc 3 giờ, khi trời chưa sáng.

Mục tiêu của cả hai cũng khác nhau. Ngày xưa, công an trấn áp các đảng chính trị đối lập, thuần túy là về đấu tranh chính trị, chỉ bắt người và tịch thu tang chứng, không giết người tại chỗ; ngày nay, công an công khai chống nhân dân, giết đảng viên [lão thành CSVN], bắt người dân và thủ tiêu tang chứng cho một vụ tranh tụng dân sự. Một lực lượng tinh nhuệ gồm 3000 cảnh sát cơ động với các dụng cụ hiện đại để chống 8000 người dân là phương tiện mà ngày xưa không có được.

Kết quả trong vụ án phố Ôn Như Hầu là không có ai chết, nhiều đảng viên [VNQDĐ] bị bắt và dân chúng không liên can. Ngược lại, tại Đồng Tâm, có 4 người chết và 26 người dân bị bắt, mọi chứng từ pháp lý bị thủ tiêu và hiện trường được xây dựng lại.

Ngày xưa, nói chung, báo chí của Việt Minh và không phải của Việt Minh, dù nghi ngờ thiện chí của nhau, nhưng về nghiệp vụ lại hợp tác trong thân thiện. Công an trình bày cho báo giới biết chi tiết các diễn biến. Ngày nay, nhà cầm quyền xem các phương tiện truyền thông xã hội là “thế lực thù địch”. Tin tức do các báo chí chính thống tung ra sai lạc, ém nhẹm và mâu thuẫn, nên không ai tin tưởng, kể cả những người luôn trung thành với Đảng và nhà nước.

Ảnh hưởng nghiêm trọng của vụ án phố Ôn Như Hầu là sau đó các Ủy ban Hành chính địa phương toàn quyền bắt giữ các đảng viên Việt Quốc đã bị phát hiện hay còn tình nghi. Hàng ngàn người bị bắt, thẩm vấn, có nhiều người bị cách chức, tống giam và đi cải tạo.

Nhưng ảnh hưởng lâu dài là giúp cho Hồ làm tan rã hệ thống tổ chức của các đảng chính trị quốc gia, phá vỡ liên minh cách mạng trong mục tiêu chung là chống Pháp và giành độc lập dân tộc. Qua thời gian, các lãnh tụ như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh nhận định là không thể hợp tác với Việt Minh, nên lưu vong sang Tàu. Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, biểu tượng hợp tác của tất cả các đảng chính trị, đã chấm dứt.

Ảnh hưởng của vụ Đồng Tâm? Còn quá sớm để nhận ra các ảnh hưởng chung cho tương lai của đất nước.

Từ lâu, đa số người dân chấp nhận phong cách lãnh đạo của đảng CSVN, lập luận là vì Việt Nam cần một chính phủ tập quyền, mạnh mẽ để chống tham nhũng và đưa đất nước đi lên. Sau cái chết thương tâm của ông Kình và giam giữ 27 người vô cớ, phản ứng đầu tiên công khai trong cả nước là phẫn nộ và đau buồn. Các phương tiện truyền thông xã hội đã cáo buộc công an đưa ra những tin tức và bình luận sai lệch và kêu gào vì sao không có quyền được biết rõ vì sao ông Kình chết.

Các câu hỏi tại sao lại giết đảng viên và bắt người dân không có lệnh vào lúc đêm khuya, truy tặng huy chương chiến công cho cảnh sát theo thủ tục khẩn cấp, phong tỏa tiền phúng điếu của người quyên góp là các nguyện vọng chính đáng của người dân. Gần như có một sự đoàn kết hiếm thấy trong mọi thành phần xã hội, vốn dĩ là vô cảm trước các bất công. Đến nay, vấn đề chưa được đảng CSVN làm sáng tỏ và thuyết phục.

Đối với người dân Đồng Tâm, không phải chỉ có đau buồn mà mất niềm tin vào đảng và nhà nước là quan trọng nhất. Một lập luận đơn giản nhưng trở nên thuyết phục hơn bao giờ hết cho mọi người là: Tất cả chúng ta sẽ như ông Kình trong thời kỳ mới. Đảng viên trung kiên mà đảng còn đối xử như vậy, thì người dân oan ở các nơi khác hãy học tập kinh nghiệm Đồng Tâm để chuẩn bị tinh thần.

Nhà cầm quyền đã quá vụng về và tàn ác khi xử lý một vụ tranh chấp dân sự. Bất chấp hậu quả tạo thêm nghiêm trọng cho tình hình chung trong khi nhà cầm quyền còn phải tập trung sức để lo đối phó với thách thức khác, thí dụ như cuộc khủng hoảng nội bộ Đại hội Đảng trong năm 2021, hiểm hoạ diệt vong, các “thế lực thù địch” và gần nhất là dịch virus Corona.

Sau “thành tích Phan Thiết và Đồng Tâm”, công luận cho rằng, nhà nước đang tiếp tục sẵn sàng chiến đấu chống lại dân, nhất là chống lại những ý kiến phản đối. Cái chết thương tâm của cụ Kình còn phản ánh một lối suy nghĩ khác: Lòng trung thành với đảng cần xét lại. Khi đảng không làm sáng tỏ vụ Đồng Tâm, thì hậu quả trước mắt là công chúng không còn ủng hộ đảng nữa, điều đó có nghĩa là tình hình chung rất nghiêm trọng.

Lịch sử Việt Nam là một đất nước đầy đau khổ và chết chóc do bạo lực và dối trá của đảng CSVN gây ra mà công an là phương tiện. Ngày nay, Đảng không còn đấu tranh giai cấp mà chỉ lo bảo vệ quyền lợi phe nhóm. Dùng công an với các phương tiện kỹ thuật hiện đại và bưng bít thông tin, đảng đe dọa những người nói lên sự thật. Vụ Đồng Tâm cho thấy điều đó. Việc tranh tụng dân sự là do tòa án giải quyết trong ôn hoà, đảng tránh được hậu quả như hiện nay đảng đang gánh. Lọt ra ngoài tầm kiểm soát của đảng, làm cho tình hình diễn biến khó lường và trầm trọng thêm.

Tóm lại, Hồ và Trọng giống nhau khi dùng bạo lực và dối trá để bảo vệ chế độ độc tài. Điểm khác nhau là ông Hồ lo đàn áp các đảng chính trị quốc gia để tập trung quyền toàn trị, còn ông Trọng trực tiếp chiến đấu chống dân chúng, kể cả giết “đồng chí” để bảo vệ quyền lợi phe nhóm.

Đất nước không “tỏa sáng” như ông Trọng ca ngợi, điển hình là hình ảnh quê hương thanh bình của Đồng Tâm thân yêu chỉ còn trong mộng tưởng, không còn “khói lam chiều vương tỏa bên luỹ tre làng”, không còn “người nông dân hiền hoà bên giàn mướp lá lên xanh”. Những ai còn đủ lương tâm và lý trí phải nhận ra Đồng Tâm hôm nay khác hẳn, không phải chỉ có ông Kình chịu cái chết đau đớn, đầy oan ức, mà toàn dân đang sống trong bạo lực và dối trá của đảng.

Ngày xưa, các đảng chính trị quốc gia bị tận diệt và tháo chạy, còn ngày nay, dân chúng rồi sẽ ra sao? Vụ Đồng Tâm có phải là giọt nước làm tràn ly Việt Nam chưa, vấn đề còn thời gian để trả lời. Tương lai của đất nước trong năm 2020 vẫn còn mờ mịt như năm 1946. Sự thật về bản chất của đảng và công an đã phơi bày. Đó là một tin vui chung cho toàn dân trong khi chờ đợi chuyện hậu sự cho đảng. Tất nhiên, chúng ta còn phải chờ, nhưng chuyện phải đến sẽ đến.

Gellert Nguyễn

13/02/2020