CHÀO MỪNG TỔNG KHỞI NGHĨA VNQDĐ THỨ 90: VỤ ÁN YÊN BÁI KHÔNG THÀNH CÔNG THÌ CŨNG THÀNH NHÂN (Trần Gia Phụng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nguyễn Thái Học

I. Hoàn Cảnh Chính Trị Vào đầu Thế Kỷ 20

Từ khi Pháp đặt nền đô hộ năm 1884 tại nước ta, dân chúng Việt Nam liên tiếp nổi lên tranh đấu chống Pháp giành độc lập. Lúc đầu, những cuộc khởi nghĩa bạo động nổ ra dữ dội khắp nơi trong nước, nhưng lực lượng quân sự Pháp được trang bị tối tân hơn, đã đàn áp mạnh mẽ và dẹp yên dần dần các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần vương và Văn thân. Không thể chiến đấu bằng quân sự, các sĩ phu vào đầu thế kỷ 20 kiếm cách tranh đấu khác, chuyển qua vận động duy tân để canh tân đất nước, và từ đó tiến lên đòi hỏi độc lập.
Cuộc vận động duy tân chia làm hai hướng: Phan Bội Châu chủ trương đưa sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản du học để đào tạo cán bộ, đồng thời cầu viện Nhật Bản trở về phục quốc, và Phan Chu Trinh chủ trương phát động phong trào tân văn hóa trong nước, nâng cao dân trí, đề cao dân quyền, khuyến khích mở trường dạy chữ Quốc ngữ, phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, và thương nghiệp. Những hoạt động mạnh nhất theo đường hướng của Phan Chu Trinh là những tổ chức ở Quảng Nam, trường Dục Thanh cùng công ty Liên Thành ở Phan Thiết, và Ðông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. Cả hai cuộc vận động Ðông du và Duy tân đều bị người Pháp tìm đủ mọi lý do để đàn áp, và cuối cùng bị tan rã năm 1908.
Việt Nam đang sống yên lành trong truyền thống và trong khu vực của mình, nhưng từ giữa thế kỷ 19, Việt Nam ở thế chẳng đặng đừng càng ngày càng tham gia vào đời sống chính trị thế giới. Nguyên do là tại Âu Châu, vào thế kỷ 18, cuộc cách mạng kỹ nghệ đã làm cho các nước Âu Châu phát triển giao thương, bành trướng thế lực khắp thế giới vào đầu thế kỷ 19, và không nước nào còn có thể bế quan tỏa cảng. Các nước Âu Châu thi nhau đánh chiếm thuộc địa, thi hành chủ nghĩa thực dân đế quốc. Sang thế kỷ 20, nhu cầu giải phóng dân tộc làm nảy sinh trào lưu hình thành các đảng phái chính trị hoặc các liên minh quốc tế để mưu cầu việc giải phóng dân tộc, như đảng Cộng Sản ở Âu châu, đảng Quốc Ðại (Congress party) ở Ấn Ðộ, Quốc Dân Ðảng (Kuo min tang) ở Trung Hoa… Những nhà yêu nước Việt Nam liền đi theo hướng đó, thành lập những đảng phái tổ chức theo lối phương tây, tranh đấu vừa bằng đường ngôn luận, nghị trường công khai, và vừa bằng phương thức bạo lực cách mạng bí mật.

Ở ngoài nước, tại Trung Hoa, Tôn Văn(1) và Quốc Dân Ðảng đã thành công trong cuộc cách mạng Tân Hợi (1911), lật đổ nhà Mãn Thanh. Lúc đầu, cuộc cách mạng còn gặp nhiều trở ngại, nhưng đến năm 1927, thống chế Tưởng Giới Thạch đem quân bắc phạt, thống nhất Trung Hoa dưới chế độ dân chủ. Ðiều này càng làm nức lòng những phong trào hoạt động cách mạng Việt Nam.

Trong khi đó, lãnh tụ Quốc Dân Ðảng Trung Hoa ở miền nam là Hồ Hán Dân đã giúp Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể cùng Phan Bội Châu tập họp các thành phần hoạt động cách mạng Việt Nam đang sống ở Trung Hoa, thành lập Việt Nam Quang Phục Hội tại Sa Hà (Quảng Châu, Trung Hoa) vào đầu năm 1912 (nhâm tý), do Cường Ðể làm hội trưởng và Phan Bội Châu làm tổng lý.(2) Quang Phục Hội đã hoạt động tích cực ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, nhưng đều bị thất bại.

Năm 1924, cũng tại Quảng Châu, những hội viên cấp tiến của Quang Phục Hội đứng ra thành lập Tâm Tâm Xã. Xã có nghĩa là tổ chức, “tâm tâm” là ý hợp tâm đầu, đồng tâm nhất trí. Tâm Tâm Xã đã giao trọng trách ám sát toàn quyền Martial Merlin (cầm quyền từ 10-8-1923 đến 27-7-1925) cho Phạm Hồng Thái khi Merlin ghé Quảng Châu ngày 18-6-1924 trên đường từ Nhật Bản về Việt Nam. Tối hôm đó, Merlin dự tiệc tại khách sạn Victoria, ở Sa Diện, tô giới ngoại quốc ở Quảng Châu. Phạm Hồng Thái giả làm phóng viên, ném vào chỗ ngồi của Merlin một quả bom, làm năm người tử thương, nhưng Merlin thoát hiểm. Phạm Hồng Thái bỏ chạy và nhảy xuống dòng Châu Giang tự tử. Vụ ám sát nầy gây một tiếng vang rất lớn trên chính trường quốc tế.

Vào đầu năm 1925, do nhu cầu của tình hình, nhất là muốn nhờ sự giúp đỡ của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng, Phan Bội Châu dự định cải đổi Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Ông chưa kịp hoàn tất đảng cương thì bị người Pháp bắt ngày 1-7-1925, đưa về Hà Nội.(3) Người bán tin cho Pháp bắt ông là Lý Thụy tức Hồ Chí Minh, nhắm gạt bỏ ông ra khỏi chính trường, và giành lấy việc lãnh đạo những tổ chức chống Pháp ở Trung Hoa.

Ở trong nước, sau sự thất bại của phong trào Duy tân và Ðông du, người Việt Nam quay qua bạo động chống Pháp trở lại, mà nổi bật nhất là cuộc nổi dậy của Phan Xích Long ở Sài Gòn năm 1913, cuộc khởi nghĩa tại Huế của Việt Nam Quang Phục Hội Trung Kỳ năm 1916 do vua Duy Tân (trị vì 1907-1916) đứng đầu, và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến chủ xướng.(4)

Tiếp đó, các đảng phái chính trị bắt đầu được hình thành. Lúc đầu, các đảng chính trị khá ôn hòa như đảng Lập Hiến (Parti Constitutionaliste) do các ông Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Trương Văn Bền, Phan Văn Trường lập năm 1923 ở Sài Gòn; đảng Thanh Niên do một số giáo sư, ký giả thành lập năm 1926 cũng ở Sài Gòn, xuất bản tờ Jeune Annam (Tân An Nam), nhưng bị đóng cửa ngay; đảng Phục Việt do các ông vừa tân học như Nguyễn Văn Phùng, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Xuân Chữ và vừa cựu học như Ngô Ðức Kế, Lê Văn Huân… thành lập năm 1925 tại Bắc Kỳ (đảng nầy sau đổi tên thành Tân Việt Cách Mạng Ðảng năm 1927). Lúc này dư luận Việt Nam sôi nổi vì hai sự kiện quan trọng:

Thứ nhất, sau khi bị bắt tại Trung Hoa vào tháng 7-1925, Phan Bội Châu bị Pháp đem về giam ở ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội, bị đưa ra xét xử trước hội đồng đề hình và bị kêu án khổ sai chung thân. Phong trào dân chúng phản đối lan rộng khắp nước. Toàn quyền Alexandre Varenne (cầm quyền 18-11-1925 đến 22-8-1928) phải ân xá Phan Bội Châu và đưa ông vào Huế an trí tháng 12-1925.

Thứ nhì, Phan Chu Trinh về nước năm 1925, sống và diễn thuyết ở Sài Gòn, rồi qua đời ngày 24-3-1926. Dân chúng trên toàn quốc làm lễ tang và truy điệu ông một cách rầm rộ. Chính trong hoàn cảnh sôi động nầy, Việt Nam Quốc Dân Ðảng được thành lập.

II. Việt Nam Quốc Dân Ðảng

Tại Hà Nội, năm 1926 Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên) và Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống) cùng nhau thành lập Nam Ðồng Thư Xã.(5) Năm sau có thêm Nguyễn Thái Học và Hồ Văn Mịch gia nhập vào thư xã nầy. Nam Ðồng thư xã chuyên xuất bản các loại sách chính trị phổ thông giúp dân chúng làm quen với tư tưởng cách mạng. Những sách đầu tiên thường do Phạm Tuấn Tài soạn, viết về các nhà cách mạng Trung Hoa như Tôn Dật Tiên, và Ấn Ðộ như Gandhi, về cách mạng thế giới, chủ nghĩa quốc gia…Về sau, sách do thư xã nầy in ra đều bị cấm và bị tịch thu, nhưng các nhân vật trong Nam Ðồng Thư Xã vẫn tiếp tục hoạt động và vận động cùng nhau thành lập một đảng cách mạng. Cuối tháng 10-1927, chi bộ đầu tiên được thành lập do Nguyễn Thái Học làm chi bộ trưởng, gọi là chi bộ Nam Ðồng Thư Xã, làm cốt lõi để đi vận động khắp nơi. Trong vòng một tháng, tổ chức nầy phát triển thêm được 18 chi bộ ở rải rác 14 tỉnh Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ. Cuối cùng, lợi dụng dịp lễ Thiên Chúa Giáng Sinh, dân chúng đi lại sinh hoạt động đúc náo nhiệt, việc kiểm soát an ninh của Pháp không thể chu đáo, một đại hội được triệu tập vào lúc 8 giờ tối ngày 25-12-1927, tại nhà ông Lê Thành Vị, làng Thể Giao, thành phố Hà Nội. Lúc đầu hội nghị tiến hành theo đúng chương trình dự định, nhưng vào giữa cuộc họp, có tin báo động cuộc họp đã bị mật thám Pháp theo dõi, đại hội phải tạm thời giải tán; các thành viên bí mật di chuyển đi chỗ khác, và tái họp vào lúc 2g30 sáng 26-12 ngay tại trụ sở Nam Ðồng Thư Xã. Kết quả đại hội đưa đến quyết định thành lập một đảng phái cách mạng lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Ðảng (VNQDĐ) và bầu ra ban lãnh đạo tổng bộ lâm thời như sau:

Chủ tịch: Nguyễn Thái Học
Phó chủ tịch: Nguyễn Thế Nghiệp
Uỷ ban tổ chức: Phó Ðức Chính (Trưởng ban), Lê Văn Phúc (Phó trưởng ban)
Uỷ ban tuyên truyền: Nhượng Tống (Trưởng ban)
Uỷ ban ngoại giao: Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch
Uỷ ban tài chánh: Ðặng Ðình Ðiển, Ðoàn Mạnh Chế
Uỷ ban giám sát: Nguyễn Hữu Ðạt, Hoàng Trác
Uỷ ban trinh sát: Trương Ðình Báo, Phạm Tiềm
Uỷ ban ám sát: Hoàng Văn Tùng
Uỷ ban binh vụ: (còn trống) (6)

Nguyễn Thái Học sinh năm quý mão (1902) tại làng Thổ Tang, tổng Lương Ðiền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên,(7) con ông Nguyễn Văn Hách và bà Nguyễn Thị Quỳnh. Nguyễn Thái Học còn có một em gái là Nguyễn Thị Hiền, và ba em trai là Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Văn Lâm, và Nguyễn Văn Nỉ. Lúc nhỏ, Nguyễn Thái Học học chữ Nho. Năm 1913, ông theo học tại trường Pháp Việt phủ Vĩnh Tường, rồi trường Pháp Việt thị trấn Việt Trì. Năm 1921, Nguyễn Thái Học trúng tuyển vào trường Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội, nhưng học đến năm thứ ba thì Nguyễn Thái Học bỏ trường Sư Phạm, qua học trường Cao Ðẳng Thương Mại Hà Nội. Năm 1925, Nguyễn Thái Học gửi cho toàn quyền Alexandre Varenne một lá thư đề nghị cải cách công thương nghiệp Việt Nam, thiết lập một trường Cao Ðẳng Công Nghệ tại Hà Nội, và cho người Việt được mở trường học. Năm sau, ông viết một thư khác yêu cầu nhà cầm quyền Pháp cải tổ hành chính, tạo điều kiện cho dân nghèo sống cuộc đời dễ chịu hơn, ban hành quyền tự do ngôn luận… Cả hai lá thư đều không được trả lời.(8)

Ðang theo học trường Thương Mại, Nguyễn Thái Học gia nhập Nam Ðồng Thư Xã và dấn thân hoạt động cách mạng. Về đời tư, Nguyễn Thái Học có một người vợ tên là Nguyễn Thị Cửu do cha mẹ hỏi cưới theo tập tục xưa, nhưng hai người không hề sống chung. Khi bắt đầu hoạt động chính trị, Nguyễn Thái Học gửi thư xin lỗi cha mẹ về việc này và xin để cho bà Cửu đi lấy chồng khác.

Mục đích và tổ chức của Việt Nam Quốc Dân Ðảng được nêu rõ trong điều lệ đảng. “Mục đích và tôn chỉ của Ðảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Ðộc lập Cộng hòa. Ðồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của họ đặc biệt là các lân quốc: Ai Lao, Cao Miên.”(9)

Về tổ chức, Việt Nam Quốc Dân Ðảng theo cách thức của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng. Mỗi chi bộ gồm 19 người; đại biểu chi bộ họp thành tỉnh bộ; đại biểu tỉnh bộ họp thành kỳ bộ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, và Nam Kỳ).(10) Từ chi bộ tới kỳ bộ, mỗi cấp bốn ban: tài chánh, tuyên truyền, trinh thám, và tổ chức. Kỳ bộ cử 6 đại biểu vào tổng bộ. Tổng bộ là cơ quan lãnh đạo tối cao của đảng, đứng đầu là chủ tịch và phó chủ tịch đảng. Ngoài bốn ban trên, tổng bộ còn có thêm bốn ban: giám sát (tư pháp), binh vụ (quân sự), ngoại giao, và ám sát.

Chương trình hành động của VNQDĐ được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn “phá hoại”, và giai đoạn “kiến thiết”.

1. Giai đoạn phá hoại gồm ba thời kỳ:
(1a) thời kỳ phôi thai: hoạt động bí mật, xây dựng đảng, kết nạp đảng viên;
(1b) thời kỳ dự bị (sửa soạn): hoạt động nửa bí mật nửa công khai, phát triển tuyên truyền, tổ chức đảng; lập các đoàn: nông, công, binh, học sinh, sinh viên, thanh niên;
(1c) thời kỳ hành động: dùng võ lực đánh đổ bộ máy thống trị thực dân phong kiến, lập nên chế độ Cộng Hòa Dân Chủ, mang độc lập tự do cho tổ quốc, hạnh phúc cho toàn dân.

2. Giai đoạn kiến thiết cũng chia làm ba thời kỳ:
(2a) thời kỳ quân chính: quân cách mạng chiếm đến đâu là thành lập ngay chính quyền cách mạng quân sự đến đó;
(2b) thời kỳ huấn chính: tổ chức các cơ cấu dân chủ, hướng dẫn dân chúng quen với nếp sống dân chủ về các thể chế mới… Trong hai thời kỳ đầu nầy, áp dụng nguyên tắc “dĩ đảng trị quốc”;
(2c) thời kỳ hiến chính: tổ chức phổ thông đầu phiếu, bầu cử Quốc dân đại hội, xây dựng hiến pháp và trao trả chính quyền lại cho toàn dân.(11)

Thể thức kết nạp đảng viên quy định như sau: một người muốn vào đảng, phải có hai đảng viên cũ giới thiệu và bảo lãnh, phải qua sự điều tra trước của uỷ ban trinh thám ít nhất là nửa tháng, phải được toàn thể ban chấp hành chi bộ đồng ý, và sau cùng phải làm lễ tuyên thệ dưới sự chứng kiến của nhân viên tỉnh bộ.

Tuy điều kiện kết nạp khá chặt chẽ, nhưng để phát triển đảng nhanh chóng, việc kết nạp đảng viên lúc đầu có phần dễ dãi, bị nhiều thành phần phức tạp trà trộn và từ đó nhiều bí mật đảng bị tiết lộ. Ðiều nầy làm hại đảng rất nhiều nên sau vụ ám sát René Bazin năm 1929, VNQDĐ phải cải tổ.

III. Hoạt Ðộng Của Việt Nam Quốc Dân Ðảng

1. Kiếm cách hợp nhất các đảng phái: Cơ quan tuyên truyền của đảng là báo Hồn Cách Mạng, in thạch bản, phát hành hạn chế và bí mật vì phải giữ an toàn cho đảng, nên chỉ ra được vài số rồi ngưng vào đầu năm 1929.(12) Một trong những việc làm đầu tiên của tổng bộ lâm thời là kiếm cách liên kết thống nhất với các đảng phái khác để xây dựng một đảng mới vững mạnh khả dĩ đương đầu với chính quyền Pháp. Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp thường lệ của ban chấp hành lâm thời tổng bộ vào ngày 7-4-1928. Tổng bộ VNQDĐ đã cử Hoàng Văn Tùng liên lạc với Tân Việt Cách Mạng Ðảng, hậu thân của đảng Phục Việt, và cử Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Văn Phúc giao thiệp với Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội. Ðại biểu các đảng họp với nhau nhiều lần nhưng không đạt được kết quả nào, nghĩa là không đi đến sự thống nhất được. Ðối với Tân Việt Cách Mạng Ðảng, đảng của Nguyễn Thái Học đòi thống nhất dưới tên VNQÐD;(13) còn Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội đòi đặt tổng bộ lãnh đạo ở nước ngoài để khỏi bị Pháp lùng bắt, trong khi VNQÐD chủ trương phải để tổng bộ ở trong nước để nắm vững tình hình hoạt động, gần gũi và chia xẻ bổn phận và trách nhiệm với đảng viên và quần chúng.(14) Cuối cùng không bên nào chịu nhường bên nào, nên các đảng tiếp tục hoạt động riêng lẻ.

VNQDĐ tổ chức đại hội bầu ban chấp hành tổng bộ nhiệm kỳ 2 vào ngày 1-7-1928, tại nhà Nguyễn Ngọc Sơn ở Gia Lâm, Hà Nội vì theo điều lệ, cứ mỗi sáu tháng bầu lại ban chấp hành một lần. Nguyễn Thái Học tái đắc cử chức chủ tịch. Nguyễn Thế Nghiệp và Ðặng Ðình Ðiển rút lui khỏi ban chấp hành để lo nhiệm vụ khác.(15) Lần này có trung sĩ không quân Trần Văn Môn được cử làm trưởng ban binh vụ còn bỏ trống từ nhiệm kỳ lâm thời.

2. Thành lập khách sạn Việt Nam: Trong phiên họp thường lệ ngày 7-8-1928, ban chấp hành tổng bộ nhiệm kỳ 2 quyết định thành lập tại Hà Nội một khách sạn lấy tên là “Khách sạn Việt Nam” để kinh tài và làm nơi liên lạc cho đảng. Vì ngân quỹ eo hẹp, VNQDĐ phải vay thêm tiền của ông Mai Du Lân, chủ nhiệm Thực Nghiệp Dân Báo, và của một người bà con ông Lê Thành Vị, mới đủ tiền thuê nhà của Thuận Thành Ký, số 38 phố Hàng Bông Ðệm làm trụ sở.

Khách sạn Việt Nam chính thức khai trương ngày 30-9-1928. Ban đầu, khách sạn khá đông khách vì giá ở đây rẻ, thức ăn ngon, tiếp đãi ân cần. Rất tiếc khi khách sạn mở ra, nhà cầm quyền Pháp biết ngay mục đích của cơ sở này, nên cho người bí mật theo dõi. VNQDĐ cũng biết điều này nên chỉ dùng cơ sở này làm kinh tài và liên lạc chứ hoàn toàn không tổ chức hội họp ở đây hoặc để lại bút tích giấy tờ. Không bắt được chứng cớ gì, sở mật thám Pháp liền phao tin rằng khách sạn Việt Nam là nơi kinh tài cho hội kín, làm cho nhiều người sợ liên lụy, ít dám lui tới đó nữa.

3. Liên lạc với Phan Bội Châu: Vào tháng 10-1928, Ðặng Ðình Ðiển được tổng bộ cử vào Huế vấn an Phan Bội Châu đang bị Pháp an trí tại đây, mời ông Phan giữ chức “Chủ tịch Danh dự Việt Nam Quốc Dân Ðảng”, và nhờ ông Phan giúp hai việc: 1) Yêu cầu ông Phan dùng uy tín và đạo đức cá nhân thuyết phục để thống nhất các đảng phái. 2) Yêu cầu ông Phan giúp đỡ về ngoại giao vì ông Phan quen biết nhiều với các chính khách ngoại quốc.

Phan Bội Châu vui vẻ nhận lời. Trước khi chia tay, Phan Bội Châu giao cho Ðặng Ðình Ðiển một tấm danh thiếp phía sau đề bốn chữ “Khả dĩ đoạn kim ” (nghĩa là: có thể cắt vàng), để khi tổng bộ VNQDĐ cử người liên lạc, thì cầm tấm danh thiếp làm tin.(16) Phan Bội Châu lúc đó là một nhà chính trị uy danh cả trong lẫn ngoài nước. Sự hỗ trợ tinh thần của ông chứng tỏ ông đồng ý với đường lối của VNQDĐ, và hơn thế nữa, sự hỗ trợ này có thể hiểu là Phan Bội Châu thừa nhận Nguyễn Thái Học và những đồng chí của ông là những người kế thừa sự nghiệp giải phóng dân tộc của ông Phan. Nhờ thế, chỉ trong vòng vài năm, VNQDĐ đã phát triển mạnh mẽ rộng khắp mọi miền đất nước.(17)

4. Phát triển đảng: Trong đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba ngày 9-12-1928, Nguyễn Thái Học xin từ chức chủ tịch đảng. Theo đúng điều lệ, đại hội lần này bầu ba cơ quan độc lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nguyễn Khắc Nhu và Nguyễn Thái Học đắc cử chức chủ tịch và phó chủ tịch lập pháp; Nguyễn Thế Nghiệp và Lê Xuân Hy đắc cử chủ tịch và phó chủ tịch hành pháp. Ban tư pháp chưa cần thiết nên chưa được bầu. Tổng bộ mới quyết định mở rộng quan hệ ngoại giao, cử người vào Huế nhờ Phan Bội Châu viết thư giới thiệu để các phái bộ sang Trung Hoa, Nhật Bản tìm cách liên lạc với các đảng cách mạng bạn.

Trong phiên họp này, Nguyễn Ngọc Sơn báo cáo cho biết đã liên lạc với nhóm Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn nhưng thất bại.(18) Ngược lại, một chi bộ đặc biệt đã được thành lập tại Sài Gòn, và sáu chi bộ tại miền Ðông và miền Tây Nam Kỳ, trong đó có nhiều người được võ trang.

Chi bộ đặc biệt tại Sài Gòn gồm có Trần Huy Liệu, chi bộ trưởng,(19) Ðỗ Xuân Viên, Nguyễn Hòa Hiệp, Nguyễn Phương Thảo, Võ Công Tồn tức Hội đồng Tồn, Nguyễn Hiền Lương, Cao Hữu Tạo, Phạm Hoài Xuân, và Hà Thuận Hồng.

Theo tài liệu của sở Mật thám Ðông Dương, vào cuối năm 1928, trên toàn quốc VNQDĐ đã thành lập được 120 chi bộ, kết nạp được khoảng 1.500 đảng viên, trong số đó có 120 người thuộc giới quân sự.(20)

5. Vụ ám sát René Bazin: Vào đầu thế kỷ 20, tại Bắc Kỳ, Pháp cho tổ chức mộ phu để cung ứng cho các đồn điền ở nam Ðông Dương cũng như cao nguyên nam Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cambodge (Cambodia), và các đồn điền ở Nouvelle Calédonie (Tân Thế Giới), một thuộc địa Pháp ở tây nam Thái Bình Dương. Tay trùm mộ phu người Pháp nổi tiếng độc ác nhất lúc bấy giờ là René Bazin. Một khi đã được mộ, những người phu này bị xem như là nô lệ, bị bóc lột và hành hạ tàn nhẫn. Ngoài những mánh khóe tuyên truyền, lừa bịp, dụ dỗ, phỉnh gạt để một người, Bazin còn cho thủ hạ tìm cách bắt cóc thêm nhiều thanh thiếu niên đem xuống Hải Phòng, bỏ lên tàu gửi đi các nơi.

Trước tình cảnh này, đảng viên VNQDĐ trong các xí nghiệp Hà Nội cử Nguyễn Văn Viên, uỷ viên Thành bộ Hà Nội, đến gặp các nhà lãnh đạo Tổng bộ, yêu cầu ra lệnh xử tử tên Bazin. Nguyễn Thái Học không đồng ý. Ông cho rằng nếu vội vã giết Bazin, nhà cầm quyền Pháp sẽ lập tức trả thù, khủng bố dữ dội, và kiếm cách bắt hết các đảng viên thì đảng sẽ tan rã. Ông yêu cầu các đảng viên phải bình tĩnh chờ đợi thời cơ thuận tiện lật đổ người Pháp thì vụ Bazin tự nhiên giải quyết. Khi Nguyễn Văn Viên trình bày lại ý kiến này với các chi đoàn, thì họ vẫn yêu cầu cấp trên cứu xét lại.

Trong khi đó, Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Ðồng Chí Hội rải truyền đơn chống việc buôn bán nô lệ của Bazin. Ðể cạnh tranh với Ðồng Chí Hội và gây niềm tin trong giới công nhân nhằm phát triển đảng, tuy không được sự chấp thuận của tổng bộ, Nguyễn Văn Viên tự động theo dõi René Bazin. Nhân dịp Tết cổ truyền năm kỷ tỵ (1929), dân chúng đi lại mua bán đông đúc và đốt pháo ồn ào, Nguyễn Văn Viên cùng với hai đồng chí là Nguyễn Văn Lân và Nguyễn Ðức Lung (tức Ký Cao) quyết định thực hiện cuộc ám sát Bazin.

Vào tối cuối năm mậu thìn (30 Tết), tức 9-2-1929, lúc 8 giờ tối, René Bazin vừa ra khỏi nhà tình nhân là Germaine Carcelle, ở số 110 phố Huế, chợ Hôm, Hà Nội, Nguyễn Văn Viên ra lệnh Nguyễn Ðức Lung đến trao cho Bazin một phong thư, trong đựng bản án tử hình, ngoài bì đề tên Hãng tàu thủy Bạch Thái Bưởi, và Nguyễn Văn Lân tiến đến, bắn hai phát súng kết liễu cuộc đời của tên chúa trùm buôn bán phu thợ.(21)

IV. Pháp Khủng Bố

Sau vụ ám sát này, Pháp bắt được một học sinh trường Albert Sarraut tên là Léon Sanh ở số 25 phố Hàng Ðào ngày mồng 4 Tết năm kỷ tỵ (13-2-1929). Trước đó Léon Sanh bị mật thám Pháp bắt quả tang đang rải truyền đơn tố cáo việc mộ phu của Bazin, và bị tòa Tiểu hình Hà Nội kết án sáu tháng tù treo. Do tiền án này, khi Bazin bị ám sát, mật thám liền khám xét nhà Léon Sanh. Mật thám tìm được một mẩu giấy nhỏ có ghi số 110, và một lá thư ông viết gửi vào Sài Gòn chưa gửi bưu điện, mà mật thám cho rằng chữ viết giống như tự dạng bản án tử hình Bazin. Bị tra khảo nặng nề, Léon Sanh nhận mình là thủ phạm giết Bazin, và khai một đồng phạm tên Trần Bình Nam, nhưng cảnh sát không tìm ra ai có tên này.

Ra trước tòa, theo lời khuyên của luật sư, Léon Sanh cải cung. Cuộc giảo nghiệm của chuyên viên tòa án cho thấy tự dạng lá thư ông viết và chữ viết bản án tử hình Bazin khác nhau. Không có cơ sở để kết tội, Pháp vẫn tuyên bố đã bắt được thủ phạm vụ ám sát Bazin và tống giam Léon Sanh vào ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội.(22)

Do đã được chỉ điểm, ngày 17-2-1929, sở mật thám Pháp bắt một số khá nhiều đảng viên VNQDĐ. Khi những người nầy bị đưa qua tòa án, biện lý cuộc nhận thấy vấn đề trầm trọng hơn bình thường, nên đã báo cáo thẳng lên phủ toàn quyền. Toàn quyền Pierre Pasquier (23) liền ký nghị định thành lập hội đồng đề hình gồm có:

Chánh hội đồng: Jules Brides, thanh tra hành chính, chính trị Bắc Kỳ (24)
Uỷ viên: Nicolas, biện lý, Delsalle, đốc lý Hà Nội, Guet, đại uý
Lục sự: Arnoux Patrich
Thông ngôn: Hoàng Hữu Phương

Số đảng viên VNQDĐ bị bắt giam lên tới 227 người,(25) nhưng trước khi hội đồng đề hình quyết định xét xử công khai ngày 2-7-1929, 149 người được thả, chỉ còn 78 người phải ra tòa.

Xét xử 78 người mà phiên tòa chỉ kéo dài từ 8 giờ sáng ngày 2-7 và kết thúc lúc 8 giờ tối 3-7, nghĩa là chỉ trong vòng hai ngày làm việc. Trong bản cáo trạng, có đoạn viết: ” …Các giáo viên, công chức, các binh sĩ là những cây cột chống đỡ mái nhà Ðông Dương. Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã làm lay chuyển ba cây cột ấy. Nguy hiểm hơn nữa là những kẻ được họ rủ rê, vào thì vào, không vào cũng không một ai tố cáo với các nhà đương cuộc. Sự im lặng đó khác nào đồng lõa…”(26)

Sau khi nghe các bị can khai báo và luật sư biện hộ, hội đồng đề hình tuyên án như sau:
– 2 người trắng án (26a)
– 3 người bị kết án vắng mặt (26b)
– 26 người án tù treo từ 2 đến 5 năm (26c)
– 47 người án tù cấm cố từ 2 đến 15 năm (26d)

Ngoài án tù, mỗi người phải chịu thêm 5 năm biệt xứ. Những người bị kết án bị đưa đi phát vãng kể từ 24-8-1929 tại các ngục thất ở mạn thượng du Bắc Kỳ, và 23 người bị đày ra đảo Côn Lôn.(27)

Về phần VNQDĐ, Nguyễn Thái Học và tổng bộ cho thanh trừng những kẻ phản đảng làm chỉ điểm cho Pháp, như Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Thành Dương (tức Ðội Dương). Ðồng thời, Nguyễn Thái Học và tổng bộ cải tổ đảng, tu chính điều lệ trong đại hội đại biểu toàn quốc vào giữa tháng 5-1929 tại làng Ðức Hiệp, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Theo điều lệ mới, mục đích của VNQDĐ không thay đổi, nhưng tổ chức và chương trình hành động được sửa đổi cho hợp với hoàn cảnh mới. Từ nay, về tổ chức, cơ quan lãnh đạo tối cao của đảng là Tổng bộ Chiến tranh, mỗi chi bộ không quá mười người, mà phải là những người hăng say tư tưởng cách mạng, khi thuận tiện, các chi bộ biến thành “Nhóm chiến đấu”. Chương trình hành động trở nên gấp rút nên đại hội quyết định tổng khởi nghĩa trong thời gian ngắn sắp đến.

Ðể chuẩn bị công cuộc khởi nghĩa, ngoài việc phát triển thêm những chi bộ chiến đấu, VNQDĐ còn ra lệnh tổ chức sản xuất vũ khí để trang bị nghĩa quân. Chẳng may, một số đảng viên không giỏi kỹ thuật sản xuất đã làm cho nhiều trái bom phát nổ, khiến mật thám Pháp đến bắt, đồng thời một số người phản bội chỉ điểm cho Pháp chỗ chôn giấu vũ khí. Số thiệt hại này lên khá cao. Theo thống kê của Pháp, từ cuối tháng 10 năm 1929 đến tháng 1-1930, mật thám Pháp đã khám phá được trước sau là 70 địa điểm chôn giấu vũ khí, truyền đơn, cờ xí, quân phục của VNQDĐ trên các tỉnh ở Bắc Kỳ.

V. Cuộc Tổng Khởi Nghĩa Thất Bại

Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, và Phó Ðức Chính bị mật thám vây bắt hụt tại làng Võng La, tổng Hạ Bì, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) ngày 8-12-1929. Tuy nhiên, để qua mặt Pháp, các ông lại triệu tập đại hội ngay tại Võng La ngày 26-1-1930, gồm khoảng 20 đại biểu các tỉnh miền Trung du Bắc Kỳ. Sau khi kiểm điểm tình hình, Nguyễn Thái Học tuyên bố:

“… Người ta bảo: cần phải đứng trước ở chỗ không thua! Nhưng chúng ta thì đứng trước ở chỗ thua mất rồi! Thế nhưng liệu chúng ta hãy hoãn để tổ chức lại rồi mới đánh có được không? Tôi tin rằng không thể được! Cuộc đời là cả một canh bạc, gặp canh bạc đen, người ta có thể thua sạch hết cả vốn. Gặp thời thế không chiều mình, đảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng, khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các phòng ngục trại giam, âu là chết đi để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta “không thành công thì thành nhân”, có gì mà ngần ngại. ” (28)

Nguyễn Thái Học trình bày xong, một đảng viên tên là Trần Hải tiếp lời:

“Chúng ta có cả ngàn chi bộ dân sự, 4, 5 trăm chi bộ nhà binh, cùng sự ủng hộ của đồng bào, lực lượng chúng ta không đến nỗi yếu kém! Chúng ta đã đứng vào cái thế cưỡi cọp, không thể lùi bước được nữa! Tôi đề nghị đảng ta ra lệnh tổng khởi nghĩa.(29)

Khi hỏi ý kiến để lấy quyết định chung, toàn thể những người có mặt trong hội nghị Võng La đều biểu quyết đồng tâm tổng khởi nghĩa, nhưng hội nghị này chỉ bàn thảo kế hoạch thực hiện ở Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ và Yên Bái. Những tỉnh trung du nầy đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Khắc Nhu.

Sau đó một hội nghị khẩn cấp khác được Nguyễn Thái Học triệu tập tại làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, mới phân công kế hoạch khởi nghĩa ở Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Ðáp Cầu, Phả Lại. Các tỉnh miền đồng bằng do Nguyễn Thái Học điều động. Riêng tỉnh Sơn Tây do Phó Ðức Chính phụ trách. Tại Hà Nội, VNQDĐ xét thấy chưa đủ thực lực để khởi nghĩa, nên chỉ giao cho Ðặng Trần Nghiệp tức Ký Con (30) chỉ huy đoàn quân cảm tử làm nghi binh để cầm chân quân Pháp.

Ngày trọng đại được chọn là tối mồng 9 rạng mồng 10-2-1930. Các nhà lãnh đạo chọn ngày nầy để khởi nghĩa vì mồng 10-2 dương lịch là mồng 1 Tết âm lịch năm canh ngọ. Nhân dịp Tết cổ truyền, dân chúng thường đi lại mua bán tấp nập, người Việt Nam lại có tập tục đốt pháo để mừng xuân, là cơ hội thuận tiện cho việc chuyển quân và vũ khí được dễ dàng. Tuy nhiên, vào phút chót, vì sự liên lạc khó khăn, việc tập họp đảng viên gặp trở ngại nên các tỉnh miền đồng bằng như Hải Dương, Hài Phòng, Kiến An cử người tìm gặp Nguyễn Thái Học, xin hoãn cuộc tổng khởi nghĩa đến ngày 15-2-1930. Nguyễn Thái Học liền phái người báo cho Nguyễn Khắc Nhu, nhưng đã quá trễ nên nhiều nơi vẫn nổi lên tối mồng 9-2. Một điều cần ghi nhận cuối cùng là trước ngày khởi nghĩa, đảng Cộng Sản Ðông Dương rải truyền đơn tố cáo Việt Nam Quốc Dân Ðảng sắp tấn công Bắc Kỳ; cô Giang đưa cho Nguyễn Thái Học xem truyền đơn này, nhưng Nguyễn Thái Học “lấy lòng quân tử đo bụng tiểu nhân”, không tin là những người cộng sản lại có thể làm như vậy được.(31)

1. Tấn công Yên Bái

Cuộc tấn công Yên Bái do Nguyễn Văn Khôi (Thanh Giang), Nguyễn Nhật Thân cùng cai khố đỏ Ngô Hải Hoằng (Cai Hoằng) chỉ huy. Nguyễn Thị Bắc và Nguyễn Thị Giang lo chuyển vận vũ khí và tiếp tế đạn dược. Số đảng viên huy động từ các vùng lân cận về Yên Bái lên đến khoảng 300 người. Cơ sở quân sự của Pháp tại Yên Bái gồm hai trại: trại dưới nằm ở ngọn đồi trong thành phố do đại uý Jourdain chỉ huy, trại trên tọa lạc trên ngọn đồi xa thành phố, gọi là đồn cao, do thiếu tá Le Tacon chỉ huy.

Lúc 1 giờ sáng 11-2, Ngô Hải Hoằng ra lệnh tấn công trại dưới, giết đại uý Jourdain, trung uý Robert, bốn trung sĩ Pháp, và hoàn toàn làm chủ tình thế lúc 4 giờ sáng. Nghĩa quân chuẩn bị tấn công đồn cao thì máy bay Pháp từ Hà Nội lên phản công. Nghĩa quân phải rút lui vào rừng. Chiều 11-2, Pháp xử tử tại chỗ hai cấp chỉ huy nghĩa quân bị Pháp bắt là Cai Nguyên, và Cai Tính.

2. Tấn công Hưng Hóa, Lâm Thao

Cuộc tấn công này do Nguyễn Khắc Nhu (1883-1930) chỉ huy. Nguyễn Khắc Nhu, còn gọi là Xứ Nhu vì trong một kỳ thi, ông đậu đầu xứ tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, sinh quán của ông. Lúc 1 giờ sáng 11-2, Nguyễn Khắc Nhu ra lệnh tấn công và xung phong vào đồn Hưng Hóa, nhưng bên trong phòng thủ chặt chẽ nên không chiếm được. Ðến 3 giờ sáng, Nguyễn Khắc Nhu đổi hướng tấn công, đánh chiếm phủ Lâm Thao. Tri phủ Ðỗ Kim Ngọc bỏ trốn. Quân Pháp từ Phú Thọ tiến qua đánh trả. Nguyễn Khắc Nhu bị trọng thương, dùng lựu đạn tự sát nhưng không chết. Ông bị Pháp bắt, bèn tự tử ngay liền trong nhà giam Hưng Hóa.

3. Chuẩn bị đánh Sơn Tây

Sau khi thất bại ở yên bái, Phó Ðức Chính (1897-1930) trốn thoát về Sơn Tây. Ngày 13-2, Phó Ðức Chính cùng Cai Tân, Nguyễn Văn Khôi (Thanh Giang) họp tại nhà Quản Trạng, xã Nam Man, tổng Cẩm Hương, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây, để chuẩn bị lực lượng tấn công tỉnh này, thì bị quân Pháp đến bắt tất cả giải về Hà Nội, vì có kẻ chỉ điểm.

4. Quấy rối Hà Nội

VNQDĐ tự xét thực lực ở Hà Nội không đủ sức nổi dậy nên chỉ quấy rối đe dọa nhà cầm quyền Pháp mà thôi. Ðược tin Yên Bái khởi nghĩa, Lương Ngọc Tốn trong ban ám sát của VNQDĐ, tấn công viên đội cảnh sát gác cầu Long Biên. Ðặng Trần Nghiệp (Ký Con) và một số đảng viên chia nhau đi cắt đường dây điện thoại, ném bom vào một số cơ sở như ngục thất Hỏa Lò, trụ sở cảnh sát…

Những hoạt động này không mấy hiệu quả và cũng ít gây tiếng vang. Ngược lại, nhà cầm quyền Pháp báo động khắp nơi, việc phòng thủ càng thêm chặt chẽ làm cho cuộc nổi dậy trở nên khó khăn hơn. VNQDĐ chuẩn bị tấn công Ðáp Cầu, Phả Lại, Kiến An, nhưng cuối cùng phải thoái lui vì lực lượng tập họp không đầy đủ đúng hạn, và cũng vì quân Pháp biết trước, canh phòng cẩn mật, phá vỡ những chỗ chôn cất vũ khí, và chận bắt các đảng viên.

5. Tấn công Phụ Dực, Vĩnh Bảo

Lúc 8 giờ tối, Hòa Quang Huy, Ðào Văn Thê (Giáo Thê) cùng Nguyễn Văn Hộ chỉ huy 40 đảng viên võ trang đánh úp huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình. Viên tri huyện trốn thoát. Nghĩa quân tịch thu được một số khí giới, tập họp dân chúng để tuyên truyền. Sáng hôm sau, nghĩa quân dự trù kéo qua đánh Ninh Giang (Hải Dương), nhưng đợi mãi không thấy các cánh quân khác, nên cuối cùng tự giải tán.

Tại Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương, ngày 15-2, nghĩa quân cử Trần Quang Diệu giả đến mật báo cho tri huyện Hoàng Gia Mô (cháu nội Hoàng Cao Khải) có một số quân cách mạng hội họp ở làng Cổ Am. Hoàng Gia Mô lo sợ liền đi báo đồn Pháp ở Ninh Giang (tỉnh Hải Dương). Họ Hoàng đi khỏi, nghĩa quân liền vào chiếm huyện lỵ Vĩnh Bảo mà không gặp sức kháng cự nào. Trong khi đó, trưởng đồn Ninh Giang cấp cho Hoàng Gia Mô sáu lính khố xanh, sáu súng trường và một số đạn. Họ Hoàng khôn ngoan cho xe chở lính về trước để thăm dò còn tự mình đi xe kéo tay theo sau. Xe chở lính bị tấn công, họ Hoàng biết được liền lẩn trốn, nhưng rồi cũng bị bắt, và bị nghĩa quân kết án tử vì tội tham ác. Thi hành xong bản án trên, nghĩa quân rút lui êm thấm.

VI. Phản Ứng Của Pháp

Nhà cầm quyền Pháp tại Bắc kỳ phản ứng giận dữ trước các cuộc tấn công của VNQDĐ. Tại Hà Nội, Pháp đóng cửa các công sở ngày 11-2, cho quân đội vũ trang đứng gác khắp các ngả đường, khám xét người qua lại. Pháp tăng phái quân đội đi cứu viện những tỉnh bị tấn công, gửi máy bay lên Yên Bái đẩy lui nghĩa quân ngày 11-2. Ngày 12-2, toàn quyền Pierre Pasquier dùng xe lửa lên Yên Bái dự tang lễ các sĩ quan Pháp bị giết trong cuộc khởi nghĩa của VNQDĐ. Trước khi xe lửa chở y đến Yên Bái khoảng 20 phút, hai trái bom được liệng vào phá sập một phần nhà ga.

Ngày 16-2 Pháp cho năm phóng pháo cơ đến ném 57 quả bom loại 10 ký xuống khắp làng Cổ Am, đốt cháy rụi làng nầy, làm cho 21 thường dân thiệt mạng. Vào lúc bấy giờ, vũ khí chưa tân tiến như ngày nay, việc máy bay ném bom đốt làng là một cuộc tấn công vô cùng ghê gớm chưa từng thấy ở Việt Nam, làm cho mọi người khiếp đảm.

Thống sứ Bắc Kỳ René Robin (32) gửi điện tín cho công sứ Pháp ở các tỉnh, trong đó có đoạn: “…Village Coam, province de Haiduong, où s’ était réfugiée bande rebelles ayant mis à mort sous préfêt de Vinhbao, a été bombardé hier par escadrille Hanoi. Vous prie donner large publicité et ajoute que tout village qui se mettra dans situation analogue subira impitoyablement le même sort.” (33) (tạm dịch:”….Làng Cổ Am, tỉnh Hải Dương, nơi bọn cướp ẩn trốn sau khi giết viên tri huyện Vĩnh Bảo, ngày hôm qua đã bị một tiểu phi đội Hà Nội đến dội bom. Yêu cầu các ông thông báo rộng rãi, và thêm rằng bất cứ làng nào làm như thế, đều sẽ chịu chung số phận không thương xót.”)

Ngoài Cổ Am, Pháp còn cho quân đến đốt phá các làng mà Pháp nghi ngờ có sự hiện diện của VNQDĐ. Pháp cho người lùng bắt gắt gao đảng viên VNQDĐ cũng như tất cả những ai liên hệ đến VNQDĐ.

Một điều bất lợi cho VNQDĐ là các lãnh tụ đảng dần dần bị bắt. Những nhà hoạt động cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa cử Ðoàn Kiểm Ðiểm về nước quan sát tình hình, và mời Nguyễn Thái Học sang Trung Hoa lánh nạn một thời gian. Những đồng chí của Nguyễn Thái Học cũng khuyên ông nên ra nước ngoài, nhưng ông Nguyễn cương quyết từ chối đề nghị nầy, vì ông cho rằng ông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những biến động vừa qua, nên ông quyết ở lại trong nước lo cải tổ và xây dựng lại đảng, để làm tròn sứ mạng phục quốc.

Sau cuộc họp tại làng Trụ Thôn, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Thái Học tiếp tục lên đường đi công tác, cùng một số đồng chí ngang qua đồn điền người Pháp tên Clébert ở làng Cổ Vịt huyện Ðông Triều tỉnh Hải Dương, thì bị các tuần phu bắt sáng ngày 20-2-1930. Nguyễn Thái Học bị đưa đến tòa sứ Hải Dương, rồi về Hà Nội. Trần Quang Diệu bị bắt vào tháng 5-1930 tại Thái Nguyên.

Về phần Ký Con Ðặng Trần Nghiệp, ông bị người Pháp lùng bắt gắt gao ở Hà Nội, phải xuống Hải Phòng trốn tránh. Tại đây cũng không được yên, Ký Con đến Nam Ðịnh, và bị mật thám Pháp bắt vào giữa tháng 6-1930. Về sau, theo nguồn tin của một nhân viên sở mật thám Nam Ðịnh, ông Phán Tảo, thì chính một đảng viên Ðông Dương Cộng Sản Ðảng đã chỉ điểm cho viên giám đốc nha Liêm Phóng Ðông Dương là Louis Marty; Marty liền ra lệnh cho mật thám Hà Nội xuống Nam Ðịnh bắt Ký Con, mà sở mật thám Nam Ðịnh không hay biết.(34)

Sau khi Ký Con bị vào tù, những đảng viên còn lại đã họp nhiều lần để cải tổ đảng, nhưng rồi những nhà lãnh đạo cũng lần lượt bị người Pháp bắt như Lê Hữu Cảnh (tạm quyền lãnh đạo đảng), Lê Thị Thành, Nguyễn Xuân Huân (tháng 7-1930 tại Hải Phòng), Lê Tiến Sự, Nguyễn Ðôn Lâm, Phạm Văn Hể, Nghiêm Toản,(35) (tháng 8-1930), Hoàng Ðình Gị, Hoàng Ðình Vỹ, Ðỗ Thị Tâm, Nguyễn Thị Vân, Trần Xuân Ðộ (tháng 9-1930)…

VII. Những Bản Án Của Hội Ðồng Ðề Hình

Ngày 14-2-1930, nghĩa là 4 ngày sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, toàn quyền Pierre Pasquier ký nghị định thành lập hội đồng đề hình do Poulet Osier, thanh tra chính trị hành chánh Bắc Kỳ, làm chánh án.

1. Ngày 27-2-1930 tại Yên Bái: Hội đồng làm việc gấp rút, và họp phiên tòa đầu tiên vào ngày 27-2-1930 tại Yên Bái, đưa ra xét xử 15 bị cáo. Kết quả, hội đồng này đã tuyên án: một người 20 năm khổ sai, một người chung thân khổ sai, và 13 người bị tử hình. Ðệ trình bản án về Paris, trong số 13 án tử hình, tổng thống Pháp Gaston Doumergue (nhiệm kỳ 1924-1931) giảm chín án xuống chung thân khổ sai, còn bốn người y án tử hình, và bị lên máy chém tại Yên Bái sáng sớm ngày 8-3-1930 (tức mồng 9-2 canh ngọ). Bốn anh hùng đó gồm hai nông dân, quán làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao tỉnh Phú Thọ là Ðặng Văn Lương và Ðặng Văn Tiệp, và hai hạ sĩ quan thuộc binh đoàn Yên Bái là Nguyễn Thanh Thuyết và Ngô Hải Hoằng.

2. Ngày 23-3-1930 tại Yên Bái: Hội đồng đề hình họp phiên khác cũng tại Yên Bái và cũng do Poulet Osier ngồi ghế chánh án xử 83 bị cáo gồm 1 phụ nữ, 37 thường dân và 45 binh sĩ. Người bị gọi ra thẩm vấn đầu tiên là Nguyễn Thái Học. Nguyễn Thái Học nhận hết trách nhiệm các cuộc khởi nghĩa là do ông lãnh đạo và xin xử tử một mình ông, những người khác chỉ thừa hành mệnh lệnh của ông. Nguyễn Thái Học định nói nhiều nữa về lý do chính trị cuộc khởi nghĩa, nhưng bị cắt ngang. Phó Ðức Chính tự nhận mình là uỷ viên tuyên truyền của VNQDĐ, tự tay thảo truyền đơn kêu gọi binh sĩ làm cách mạng, đưa ra kế hoạch tấn công, còn những người khác chỉ nghe theo lời ông mà thôi. Nguyễn Thị Bắc phản đối phiên tòa kịch liệt và nói rằng nếu người Pháp xét xử cô thì hãy về Pháp kéo đổ tượng Jeanne d’ Arc (36) xuống. Các chiến sĩ ra trước tòa đều can đảm xác nhận gia nhập VNQDĐ để đánh đuổi người Pháp, giành độc lập cho xứ sở.

Bốn luật sư biện hộ Mandrette, Bona (người đã từng biện hộ cho Phan Bội Châu), Mayet, và Demistre yêu cầu tòa chỉ buộc tội những người chủ mưu, và khoan thứ cho những người tòng phạm. Hôm sau 24-3-1930, lúc 10 giờ, hội đồng đề hình tuyên án 39 tử hình, 33 khổ sai chung thân, 9 khổ sai 20 năm, 5 người bị đi đày trong đó Nguyễn Thị Bắc bị 5 năm. Nguyễn Thái Học đã chống án lên Hội đồng bảo hộ để các đồng chí của ông làm theo, nhắm làm nhẹ bớt án cho những người này. Riêng Phó Ðức Chính cương quyết không ký tên chống án, nói thẳng với viên chánh án:”Ðại sự đã không thành, chết là vinh, còn chống án làm gì vô ích! “(37)

Trong nhà tù, Nguyễn Thái Học viết thư bằng chữ Pháp gửi cho quốc hội Pháp, và cho viên toàn quyền Ðông Dương. Lá thư gởi quốc hội Paris bị chặn lại. Ký giả Louis Roubaud đã tóm lược lá thư này, sau đây là bản dịch:

“Quý vị nghị sĩ,
Theo lẽ công bằng: mọi công dân đều có quyền muốn đất nước mình được tự do. Theo tinh thần nhân bản: mọi cá nhân đều phải có bổn phận cứu giúp đồng bào cực khổ.
Tôi thấy gì? Từ hơn sáu mươi năm nay, tổ quốc tôi bị lệ thuộc người Pháp. Ðồng bào tôi quằn quại dưới sự cai trị của các ông, dòng giống chúng tôi bị đe dọa tiêu diệt. Vậy tôi có quyền và có bổn phận bảo vệ quê hương tôi và đồng bào tôi.
Ðể đạt đến mục đích này, tôi đã từng nghĩ cách hợp tác với các ông. Những thất bại liên tục đã cho tôi thấy rằng người Pháp không thực tâm muốn hợp tác, và tôi không bao giờ có thể phục vụ đồng bào tôi chừng nào các ông còn làm chủ quê hương tôi.
Do đó, vào năm 1927, tôi đã đứng ra tổ chức một đảng quốc gia Việt Nam với mục đích: 1) đánh đuổi người Pháp ra khỏi lãnh thổ; 2) thành lập một chính quyền cộng hòa thật sự dân chủ.
Cá nhân tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những biến cố chính trị do tôi tổ chức diễn ra trên quê hương tôi kể từ thời điểm đó. Chỉ cá nhân tôi thực sự là thủ phạm, tử hình tôi là đủ rồi. Tôi xin hãy ân giảm cho những người khác.
Nói như vậy, tôi báo cho các ông biết rằng nếu người Pháp muốn chiếm đóng Ðông Dương một cách yên ổn, không bị bất cứ một phong trào cách mạng nào quấy rối, thì người Pháp phải: 1) Từ bỏ những phương pháp bạo lực vô nhân đạo; 2) Cư xử một cách thân hữu với người Nam; 3) Cố gắng giảm thiểu những khổ nạn tinh thần và vật chất bằng cách khôi phục lại cho người Nam những quyền cá nhân phổ thông: tự do đi lại, tự do học hành, tự do hội họp, tự do báo chí; 4) Ðừng dung dưỡng những công chức ăn hối lộ cũng như những tật xấu của họ; 5) Giáo hóa dân, phát triển thương mại và kỹ nghệ bản xứ.
Xin quý vị nghị sĩ nhận nơi đây sự kính trọng của tôi.
Kẻ thù của các ông,
Nhà cách mạng Thái Học”(38)

Bản án của hội đồng đề hình ngày 24-3-1930 được đệ trình về Paris. Tổng thống Gaston Doumergue giảm 26 án tử hình ra khổ sai chung thân, còn giữ lại 13 án tử hình. Chiều ngày 16-6-1930, mười ba tử tù được chuyển trại, chuẩn bị lên đường thọ hình. Trước khi rời Hỏa Lò, Nguyễn Thái Học vừa đi vừa hô to: “Chúng tôi đi trả nợ nước đây. Các anh em còn sống cứ công nào việc ấy nhé! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa, nhiều nữa! Rồi thế nào cách mạng cũng thành công! Thôi kính chào các anh em ở lại…”(39)

Ðoàn tử tù được chở lên Yên Bái vào tối 16-6. Trên đường đi, Phó Ðức Chính nói đùa với anh em: “Chúng ta đến ga Yên Bái, chắc chắn sẽ được các đồng chí Lương, Tiệp, Thuyết, Hoằng, ra đón rước nồng hậu.”[Bốn người này đã bị xử tử ngày 8-3-1930 tại Yên Bái.] Còn Nguyễn Thái Học thì tranh luận với linh mục Dronet, được Pháp gởi theo để làm lễ cho những người sắp bị giết. Ông nói: “Chúng tôi có phạm gì đâu mà phải ăn năn thú tội.” Nguyễn Thái Học khẳng khái ngâm mấy câu thơ Pháp: “Mourir pour sa patrie/ C’ est le sort le plus beau/ Le plus digne d’ envie…” (Chết cho Tổ quốc/ Ðó là số phận đẹp đẽ nhất/ Cũng là số phận cao cả ước ao nhất…)(40)

Sau đây là thứ tự mười ba liệt sĩ VNQDĐ đã lên máy chém tại Yên Bái từ 5 giờ sáng 17-6-1930:
– Bùi Tử Toàn, 37 tuổi, nông dân, sinh quán làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ
– Bùi Văn Chuẩn, 35 tuổi, thuộc binh đoàn Yên Bái (của Pháp)
– Nguyễn An, 31 tuổi, thuộc binh đoàn Yên Bái
– Hà Văn Lạo, 25 tuổi, thợ hồ
– Ðào Văn Nhít, binh đoàn Yên Bái
– Ngô Văn Du, binh đoàn Yên Bái
– Nguyễn Ðức Thịnh, binh đoàn Yên Bái
– Nguyễn Văn Tiềm, binh đoàn Yên Bái
– Ðỗ Văn Sứ, binh đoàn Yên Bái
– Bùi Văn Cửu, binh đoàn Yên Bái
– Nguyễn Như Liên, tức Ngọc Tĩnh, 20 tuổi, học sinh, quán làng Cao Mại, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ
– Phó Ðức Chính
– Nguyễn Thái Học

Trước khi chết, tất cả đều chỉ mới hô được hai tiếng “Việt Nam” thì bị đao phủ thủ giật máy chém hạ xuống chém rơi đầu. Riêng Phó Ðức Chính thì yêu cầu được nằm ngửa để xem lưỡi dao rớt xuống như thế nào.(41)

3. Ngày 26-5-1930 tại Phú Thọ: Poulet Osier chủ trì hội đồng đề hình xét xử 85 bị cáo, trong đó có một phụ nữ là Nguyễn Thị Lùn, người làng Chu Hóa, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Sau ba phiên xử ngắn ngủi, hội đồng đề hình đã tuyên án 85 bị cáo trên đây như sau: 10 tử hình, 27 khổ sai chung thân, 37 cấm cố chung thân, 4 người 20 năm khổ sai, 3 người 20 năm cấm cố (trong đó có Nguyễn Thị Lùn), 1 người 5 năm khổ sai, 2 người bị phạt giam trong nhà trừng giới, 1 người được tha bổng.

Bản án được gởi qua Paris, tổng thống Gaston Doumergue đã giảm năm án tử hình xuống khổ sai chung thân là các ông Bùi Văn Bồi, Nguyễn Ðắc Bằng, Nguyễn Văn Quế, Lê Ðình Cư, Vũ Văn Mô. Năm vị anh hùng lên án tử hình ngày 22-11-1930 tại Phú Thọ:

– Nguyễn Văn Toại tức Ðồ Thúy, 33 tuổi, nguyên quán Lâm Thao, Phú Thọ
– Trần Văn Hợp, nguyên quán Thanh Ba, Phú Thọ
– Phạm Nhận tức Ðồ Ðiếc
– Lê Xuân Huy, 31 tuổi, nông dân, nguyên quán Cổ Pháp, Bất Bạt, Sơn Tây
– Bùi Xuân Mai, nông dân, nguyên quán Cổ Pháp, Bất Bạt, Sơn Tây.

4. Ngày 5-8-1930 tại Hà Nội: Hội đồng đề hình họp tại pháp đình Hà Nội cũng do Poulet Osier ngồi ghế chánh án, xét xử 148 bị cáo. Sau hai ngày làm việc, hội đồng đã tuyên án ngày 9-8 như sau: 10 tử hình, 11 khổ sai chung thân, 4 khổ sai 10 năm, 2 cấm cố 10 năm, 3 người 5 năm tù ở, 116 bị phạt lưu chung thân, 2 phạt lưu 5 năm.

Gửi qua Paris, tổng thống Pháp Gaston Doumergue đã giảm ba án tử hình xuống còn khổ sai chung thân là các ông Nguyễn Bá Tâm, Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xứng. Bảy tử tù còn lại lên máy chém đặt trước cổng ngục thất Hỏa Lò vào cuối năm 1930. Ðó là các liệt sĩ:

– Ðặng Trần Nghiệp tức Ký Con,
– Lương Ngọc Tốn tức Chánh Tốn,
– Nguyễn Văn Nho (em ruột Nguyễn Thái Học),
– Nguyễn Quang Triều,
– Nguyễn Minh Luân,
– Nguyễn Trọng Bằng,
– Phạm Văn Khuê tức Cai Khuê.

5. Ngày 7-11-1930 tại Hải Dương: Với chánh án Poulet Osier, hội đồng đề hình bắt đầu xử tại Hải Dương 193 bị cáo liên hệ đến cuộc nổi dậy ở Phụ Dực và Vĩnh Bảo. Sau bảy ngày, hội đồng đã tuyên án: 8 tử hình, 28 khổ sai chung thân, 1 cấm cố chung thân, 87 người lưu đày không kỳ hạn (trong đó có Lê Thị Thành), 20 khổ sai 20 năm, 7 khổ sai 15 năm, 1 tù treo 5 năm, 30 phát vãng 20 năm, 3 phát vãng 15 năm, 8 tha bổng. Tổng thống Pháp Gaston Doumergue giảm hai án tử hình qua khổ sai chung thân.

Sáu án tử hình còn lại được thi hành cùng ngày 23-6-1931:

– Trần Quang Diệu,
– Vũ Văn Giáo tức Lý Giáo,
– Trần Nhật Ðồng tức Cai Ðồng,
– Nguyễn Văn Phúc (cựu binh) bị hành hình tại Hải Dương;
– Lê Hữu Cảnh,
– Nguyễn Xuân Huân
(Lê Hữu Cảnh và Nguyễn Xuân Huân  vì là người Hà Nội nên bị đem về giết ở trước cổng ngục thất Hỏa Lò)

6. Ngày 30-1-1931 tại Kiến An: Hội đồng đề hình xuống Kiến An họp trong hai ngày 30 và 31-1-1931, xử 190 bị cáo trong đó có 75 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng, số còn lại thuộc Ðông Dương Cộng Sản Ðảng và một số tổ chức khác. Hội đồng đã tuyên bố trắng án 5 người, trong đó có Nguyễn Văn Lực, và 185 người bị kết án khổ sai có thời hạn, trong đó Vũ Văn Giản (sau là Vũ Hồng Khanh) bị kết án vắng mặt 20 năm khổ sai.

Trong khi chờ đợi đưa đi Côn Ðảo, 9 tù nhân tổ chức vượt ngục, nhưng chỉ một mình Nguyễn Thế Long (đảng viên VNQDĐ, 20 năm khổ sai) trốn thoát. Ðốc lý Hải Phòng liền ra lệnh cùm tất cả các tù nhân còn lại. Ðảng viên VNQDĐ cùng nhau phản kháng kịch liệt, bị Pháp đàn áp đẵm máu, khiến 4 người chết và 8 người bị thương.

7. Ngày 15-7-1930 tại Sài Gòn: Do những hoạt động rầm rộ của VNQDĐ ở Bắc Kỳ, nhà cầm quyền Pháp ở Sài Gòn theo dõi và bắt hết các uỷ viên trong ban chấp hành chi bộ đặc biệt VNQDĐ Sài Gòn, và đưa ra xét xử trước tòa đại hình Sài Gòn ngày 15-7-1930. Hôm sau, tòa tuyên án: 3 người bị 5 năm cấm cố lưu đày ra Côn Ðảo là Trần Huy Liệu, Cao Hữu Tạo và Nguyễn Phương Thảo,(42) 6 người từ 2 đến 4 năm tù giam tại Hà Tiên là Nguyễn Hòa Hiệp, Nguyễn Hiền Lương, Phạm Hoài Xuân, Hà Thuận Hồng, Võ Công Tồn tức Hội đồng Tồn, Phạm Xuân Viên.

Vụ án Yên Bái năm 1930 tạm kết thúc ở đây. Trước hết, vụ án này làm nổi bật vai trò một công cụ pháp lý mới của Pháp là hội đồng đề hình (la commission criminelle). Theo thông cáo của nhà cầm quyền Pháp đăng trên báo Avenir du Tonkin [Tương lai Bắc Kỳ] ngày 2-7-1929 thì: “Hội đồng đề hình được thiết lập do sắc lệnh của tổng thống Pháp ký ngày 26-11-1896, là một tòa án đặc biệt thiết lập thay thế cho tòa án thường để xử những dân bản xứ hay đồng hóa, phạm những khinh hoặc trọng tội, liên quan tới nền an ninh của nền bảo hộ hoặc tới sự mở mang của nền thuộc địa.”(43)

Như vậy hội đồng đề hình chỉ được thành lập ở các nước thuộc địa Pháp, là một tòa án chính trị không nằm trong hệ thống tư pháp dân chủ thông thường theo thể chế phân quyền, mà chỉ là một công cụ xét xử theo quyết định của nhà cầm quyền Pháp ở các thuộc địa. Nói cách khác, chỉ tại nước Pháp mới có pháp lý dân chủ, còn tại các nước thuộc địa là nền pháp lý thực dân. Nhà cầm quyền Pháp bày ra hội đồng đề hình tại các nước thuộc địa nhằm hợp thức hóa các bản án do nhà cầm quyền tự quyết định trước, mục đích tiêu diệt sức đề kháng của người bản xứ. Ðây là mặt trái của lý tưởng “Tự do, công bình, bác ái ” của cách mạng Pháp năm 1789. Khi chiếm các thuộc địa Bắc Phi (Algéria năm 1830, Morocco năm 1850, Tunisie năm 1881) và các thuộc địa Ðông Dương từ năm 1864, chính quyền Pháp thường hô hào khai hóa mở mang, nhưng thật sự chỉ để khai thác thuộc địa, và nhập cảng vào các nước thuộc địa hội đồng đề hình. Ði theo hội đồng nầy là chiếc máy chém tân kỳ do một người Pháp sáng chế (guillotine).(44)

Những thành viên trong hội đồng đề hình do viên toàn quyền Pháp tại Ðông Dương bổ nhiệm. Những thành viên nầy không nhất thiết là người của cơ quan tư pháp, mà do viên toàn quyền tự lựa chọn. Chủ tọa hội đồng đề hình là một viên quan cai trị hạng nhất người Pháp; các hội viên gồm có công sứ địa phương nơi xảy ra vụ việc, viên biện lý có thẩm quyền tại nơi nầy, và một viên sĩ quan cấp bậc đại uý trở lên do viên tướng tư lệnh quân đội Ðông Dương chỉ định. Lục sự hội đồng nầy được chọn lựa trong số các tham tá lục sự tòa thượng thẩm.

Hội đồng đề hình đã được thiết lập để xét xử vụ án Phan Bội Châu năm 1925, nay nhân vụ án Bazin năm 1929, nhà cầm quyền Pháp mới ra thông cáo giải thích lý do sự ra đời của hội đồng này, đủ chứng tỏ tình hình chính trị lúc đó trở nên nghiêm trọng.

Sau một năm làm việc, các phiên tòa của hội đồng đề hình đã xét xử khoảng gần 1.000 đảng viên VNQDĐ, đưa đến 35 án tử hình, 145 khổ sai chung thân, đó là chưa kể những anh hùng đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, đã tự sát hay bị tra tấn đến chết, không thể thống kê hết được, và cũng chưa kể những bản án 20 năm trở xuống, cùng với những bản án lưu đày đến các miền rừng thiêng nước độc hay ra hải đảo.

Những bản án của hội đồng đề hình năm 1930 đã đưa thế hệ đầu tiên của VNQDĐ lên máy chém hoặc khổ sai biệt xứ, nhưng ngược lại làm sáng ngời gương hy sinh cao cả của Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông trong VNQDĐ.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng lúc đó, về mặt tổ chức nói chung, VNQDĐ chưa hoàn bị để thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa năm 1930, nhưng do hoàn cảnh phải gấp rút hành động, những nhà lãnh đạo VNQDĐ quyết định khởi nghĩa. Nguyễn Thái Học tiên đoán có thể thất bại, nhưng ông vẫn chọn con đường khởi nghĩa công khai chứ không trốn tránh để chờ đợi cơ hội nổi dậy. Ông là một người tân học, nhưng ông còn chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống Nho gia. Ông nghĩ rằng KHÔNG THàNH CÔNG THÌ THàNH NHÂN. Khi quyết định SÁT THÂN THàNH NHÂN (chịu chết để hoàn thành đạo làm người), Nguyễn Thái Học không hy sinh sai đường lạc lối như những người cộng sản đả đã viết. Có lẽ nên thêm ở đây thái độ của đảng Cộng Sản đối với sự hy sinh của những anh hùng Quốc Dân Ðảng. Ngày 17-6-1930, Nguyễn Thái Học hy sinh. Hôm sau, người yêu của ông là Nguyễn Thị Giang về làng Thổ Tang (Vĩnh Yên) báo tin cho gia đình Nguyễn Thái Học biết, rồi đến xóm Mới, xã Ðông Vệ, phủ Vĩnh Tường (cùng phủ với Thổ Tang) tỉnh Vĩnh Yên, đứng dưới cây bồ đề, dùng súng lục tự sát, chết theo người yêu. Ai cũng thương tiếc cô Giang và ngưỡng mộ cái chết hào hùng của cô gái Phủ Lạng Thương (Bắc Giang). Ðể dập tắt hào quang nầy, người cộng sản đã viết bài điếu cô Giang trong đó có những câu mỉa mai: “…Chết như chị đáng trách đáng cười, đường sinh tử còn chưa nhận rõ… Tình mà chi, tiết nghĩa mà chi, nỡ đeo đuổi sai đường chính lộ…”(45)

Ai “đáng trách đáng cười”, ai “sai đường chính lộ”, điều đó lịch sử và quốc dân Việt Nam đã phán xét. Riêng Nguyễn Thái Học, dầu không thành công, sự hy sinh của ông và các đồng chí trong VNQDĐ đã làm tròn đạo làm người đối với tổ quốc đang bị bảo hộ. Sự hy sinh của các anh hùng VNQDĐ là những viên gạch lót đường tích cực đóng góp vào việc thúc đẩy lịch sử cách mạng Việt Nam tiến dần đến cùng đích giải phóng dân tộc.

Những cuộc khởi nghĩa chống Pháp từ khởi thủy cho đến cuộc nổi dậy Thái Nguyên năm 1917 ở Bắc Kỳ, bao gồm những người thuộc lớp cựu học lớn tuổi. Cuộc khởi nghĩa của VNQDĐ năm 1930 là cuộc khởi nghĩa đầu tiên được lãnh đạo bởi lớp thanh niên tân học trẻ tuổi, khoảng chừng 18 đến 30. Ðiều này chứng tỏ sự thất bại của người Pháp đã bỏ công tổ chức giáo dục, tưởng rằng có thể hướng dẫn thanh niên đi theo con đường của họ, không ngờ những người thuộc thế hệ mới, xuất thân từ các trường cao đẳng Pháp, vẫn nối gót cha ông, quyết chí chống Pháp giành độc lập.

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã gây một tiếng vang rất lớn trên chính trường Pháp cũng như ở Việt Nam. Tại Pháp, sinh viên và thợ thuyền tổ chức biểu tình chống đàn áp và tàn sát (massacre) tại Ðông Dương, nổi bật nhất là cuộc mít tin trước điện Elysée (văn phòng tổng thống Pháp) của hơn 100 Việt kiều đưa đến việc Pháp trục xuất 19 du học sinh về nước trong đó có Tạ Thu Thâu (1905-1945), sau này là lãnh tụ nhóm La Lutte (Chiến đấu), Trần Văn Thạch (1903-1945), Nguyễn Văn Tạo (1908-1970), Trần Văn Giàu. Nhiều ký giả và nhà văn Pháp đã lên tiếng chỉ trích chính sách tàn bạo của toàn quyền Pierre Pasquier.(46) – trong nước, tại Hà Nội, sinh viên bí mật lạc quyên giúp đỡ gia đình những người bị kết án.. Một số tờ báo ở Nam Kỳ công khai ca ngợi sự can đảm của những nhà cách mạng như tờ Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn. Nguyễn Thái Học bị Pháp bắt ngày 20-2-1930 và đang khi Pháp sửa soạn đưa ông ra trước hội đồng đề hình thì ngày 6-3-1930, Phụ Nữ Tân Văn đăng một bài giới thiệu sự nghiệp của Nguyễn Thái Học.(47)

Trong sách Con rồng Việt Nam, cựu hoàng Bảo Ðại viết: “Phạm Quỳnh được biết đến sau vụ Yên Bái năm 1930 nhờ bốn bài xã luận đăng trên báo France Indochine ở Hà Nội mà bài đầu tiên nhan đề: “Tiến tới một Hiến pháp”. Ông ta chỉ muốn trở lại cơ cấu tốt đẹp cũ. Nằm trong tinh thần hiệp ước bảo hộ, là nên trả lại cho hoàng gia sự cai trị nội bộ với một Hội đồng dân biểu. Tuy nhiên các thượng thư chỉ chịu trách nhiệm trước Ðức Vua mà thôi. Muốn thực hiện cải cách ấy, cần phải có sự tham gia của phái trẻ và tân học.”(48) Phạm Quỳnh, nguyên quán tỉnh Hải Dương, là tỉnh đã diễn ra những cuộc tấn công của VNQDĐ ở huyện Vĩnh Bảo, và là nơi có làng Cổ Am bị Pháp dùng máy bay bắn phá đốt hết cả làng. Các bài xã luận của Phạm Quỳnh mà cựu hoàng Bảo Ðại đề cập trên đây, lúc đầu đăng ở báo Pháp, sau đăng trên Nam Phong số 151, tháng 6-1930. Hòa ước ngày 6-6-1884 đặt Việt Nam dưới sự bảo hộ của Pháp, nhưng triều đình Việt Nam vẫn còn một số quyền nội trị. Những quyền này bị người Pháp tước bỏ dần dần, cho đến năm 1925 thì không còn gì cả. Phạm Quỳnh, một nhà hoạt động chính trị ôn hòa, đã yêu cầu người Pháp trở lại hòa ước 1884, trả lại một số quyền nội trị lại cho vua Việt Nam đã bị người Pháp tước bỏ, đồng thời xây dựng cho Việt Nam một hiến pháp làm nền tảng cho công cuộc cai trị quốc gia. Những yêu cầu này sau vụ Yên Bái là bước đầu ôn hòa nhất để làm căn bản tranh thủ độc lập dân tộc.(49)

Một điểm nữa cần ghi nhận là khi mới thành lập, tổ chức VNQDĐ còn nhiều sơ hở nên thất bại. Những bản án khắc nghiệt của thực dân Pháp và những sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí đã tạo nên truyền thống anh dũng hy sinh tranh đấu vì dân vì nước của VNQDĐ, và là niềm tự hào của hằng hằng lớp lớp đảng viên VNQDĐ. Từ đó, VNQDĐ trở thành một sức mạnh chính trị đáng kể tiếp bước con đường tranh đấu cho lý tưởng tam dân chủ nghĩa (dân tộc, dân quyền và dân sinh), và đóng góp tích cực trong cuộc vận động vì độc lập tự do cho dân tộc.

Quan trọng hơn cả là tác động của vụ án Yên Bái trong dòng vận động của lịch sử tranh đấu cận đại Việt Nam. Vào đầu thế kỷ 20, phong trào vận động sôi nổi từ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu cho đến cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917. Sau đó, nghĩa là từ khi thế chiến thứ nhất chấm dứt năm 1918 ở Âu Châu, Pháp rảnh tay tại chính quốc và siết chặt sự cai trị ở các thuộc địa, các phong trào chống Pháp ở Việt Nam chìm xuống trở lại, chỉ có một biến cố quan trọng đáng kể ở ngoài nước là cuộc ném bom giết hụt viên toàn quyền Merlin của Phạm Hồng Thái tại Quảng Châu (Trung Hoa) năm 1924.

Chính trong không khí âm ỷ bình lặng đó, tiếng sấm động của cuộc khởi nghĩa của VNQDĐ và vụ án Yên Bái khốc liệt đã làm sôi động hẳn lên trang sử tranh đấu quyết liệt của người Việt Nam, hâm nóng lại bầu nhiệt huyết của người Việt, nhất là giới thanh niên, gieo rắc mầm giống cách mạng trên toàn quốc, và làm bùng lên ngọn lửa yêu nước và đấu tranh khắp nơi.

Từ hào khí cuộc khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930, đảng Cộng Sản Ðông Dương mới vận động được dân chúng biểu tình tại Vinh, Bến Thủy (Nghệ An) ngày 1-5-1930 mà cộng sản thường gọi là biến cố Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong cuộc biểu tình này, số nạn nhân bị Pháp bắn chết là 6 người. Theo tài liệu của cộng sản, sau đó Pháp thả bom giết 217 nông dân tại Hưng Nguyên ngày 12-9-1930, và đàn áp sát hại 8 nông dân ở Tiền Hải (Thái Bình) ngày 14-10-1930.(50) Số thống kê trên đây trong sách Lịch sử Việt Nam tập 2 của nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội không viện dẫn chứng cớ rõ ràng. Tài liệu và sách giáo khoa chính thức của cộng sản Hà Nội cũng không nêu được con số đảng viên cộng sản bị hy sinh trong biến cố này, và có thể nói đảng Cộng Sản chỉ núp trong bóng tối, đẩy dân ra làm bia đỡ đạn, chứ đảng Cộng Sản hoàn toàn không thiệt hại gì, trong khi đó Quốc Dân Ðảng đã hy sinh thật lớn lao. Số thống kê về thiệt hại của Quốc Dân Ðảng rất cụ thể vì dựa trên biên bản các hội đồng đề hình Pháp, mà hồ sơ còn lưu trữ, chứ không phải tự viết lấy như đảng Cộng Sản đã làm.

Cũng chính do ảnh hưởng của VNQDĐ và sự hy sinh của những thanh niên anh hùng trong vụ án Yên Bái, phong trào thanh niên cứu tế nạn đói Ất Dậu (1945) dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim mới dễ dàng phát triển lớn mạnh.

Cao trào yêu nước bùng lên do cuộc khởi nghĩa Yên Bái là động lực thúc đẩy công cuộc giải phóng đất nước khỏi tay thực dân Pháp. Năm 1945, tình hình chính trị Việt Nam sau thế chiến thứ nhì (1939-1945) là cơ hội thuận lợi để giành lấy độc lập tự do, nhưng Hồ Chí Minh đã phục vụ cho quyền lợi của quốc tế cộng sản, đưa dân tộc vào quỹ đạo Liên Xô và cuộc tranh chấp cộng sản tư bản, dẫn đến 30 năm chiến tranh trên đất nước thân yêu với những hậu quả khốc hại kéo dài mãi cho đến ngày hôm nay.

Trần Gia Phụng


Ghi chú:

  1. Tôn Văn (1866-1925) hay Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen), người Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Hoa, tốt nghiệp bác sĩ tại Hương Cảng năm 1892, lãnh đạo Trung Hoa Quốc Dân Ðảng. Tôn Văn được cử làm Tổng lý chính phủ sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, nhưng ông nhường chức Ðại tổng thống Trung Hoa cho Viên Thế Khải để Khải lật đổ nhà Mãn Thanh. Năm 1916, Viên Thế Khải mất, các đảng phái tranh giành quyền hành, Tôn Văn về Nam Kinh lãnh đạo chính phủ miền Nam cho đến khi ông từ trần.
  1. David Joel Steinberg chủ biên, In Search of Southeast Asia, A Modern History, Praeger Publishers, New York, 1971, tr. 305.
  1. Phan Bội Châu, Niên biểu, đăng trong Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Chương Thâu sưu tầm và biên soạn, Nxb.ThuậnHóa, Huế, 1990, tr. 290. Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, q. 7, Sài Gòn 1972, tr. 79.
  1. Phan Xích Long rao truyền rằng mình có chân mệnh thiên tử, pháp thuật thần thông, lôi cuốn được dân chúng nổi dậy. Vào tháng 3-1913, nhiều truyền đơn hô hào chống Pháp được rải trên đường phố Sài Gòn và 8 trái bom được tìm thấy bên cạnh các dinh thự lớn như dinh thống đốc, tòa án. Ngày 28-3, cuộc biểu tình diễn ra ở Chợ Lớn, bị Pháp giải tán ngay. Phan Xích Long bị Pháp bắt và kết án khổ sai chung thân, đày đi Guyane thuộc Pháp ở Nam Mỹ. Do thế chiến thứ nhất bùng nổ (1914-1918) nên không có tàu đưa đi, Phan Xích Long bị giam ở Sài Gòn. Năm 1916, khoảng 300 người võ trang định đánh “Khám lớn” Sài Gòn để giải vây cho ông nhưng bị giải tán ngay. Tháng 9-1915, Việt Nam Quang Phục Hội Trung Kỳ họp lần thứ nhất tại Huế quyết định khởi nghĩa, và cử Thái Phiên cùng Trần Cao Vân đại diện tổ chức mời vua Duy Tân tham dự. Tháng 2-1916 Quang Phục Hội Trung Kỳ họp lần thứ nhì cũng tại Huế thông qua kế hoạch khởi nghĩa và chương trình hành động. Cuộc khởi nghĩa dự trù diễn ra trên toàn Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên tức Quảng Ðức cũ, Quảng Nam, Quảng Ngãi) vào giờ tý ngày 2-4 năm bính thìn (12 giờ khuya qua 1 giờ sáng 3-5-1916), nhưng trước đó kế hoạch bị bại lộ ở Quảng Ngãi do án sát Phạm Liệu khám phá và tố giác với tuần vũ Trần Tiễn Hối và công sứ De Tastes. De Tastes điện về Huế và các tỉnh Trung Kỳ để đề phòng. Cuộc khởi nghĩa vừa khởi sự ở Huế, liền bị phát giác. Vua Duy Tân và các lãnh tụ Quang Phục Hội đều bị bắt. Vua Duy Tân bị Pháp đày đi đảo Réunion (đông nam Phi Châu, trong Ấn Ðộ Dương) vào tháng 11-1916, cùng một lần với vua cha là Thành Thái. Thái Phiên và Trần Cao Vân cùng hai đồng sự bị lên án tử hình và bị chém tại pháp trường An Hòa, Huế, ngày 17-5-1916. Tại Quảng Nam, Phan Thành Tài bị tử hình tại Vĩnh Ðiện ngày 9-6-1916; y sĩ Lê Ðình Dương, tùng sự tại bệnh viện Hội An bị đày lên vùng nước độc Ban Mê Thuột. Tại đây, Lê Ðình Dương uống xi-a-nua thủy ngân (cyanure de mercure) để tự sát ngày 13-6-1919. Lương Ngọc Quyến, còn có tên là Lương Lập Nham, con của Lương Văn Can (hiệu trưởng Ðông Kinh Nghĩa Thục). Ông Quyến theo phong trào Ðông du của Phan Bội Châu, tốt nghiệp trường Chấn Vũ ở Nhật Bản, sau ông gia nhập quân đội Trung Hoa, bị người Anh bắt năm 1915, giao lại cho người Pháp. Ông bị khổ sai chung thân và bị giam ở nhà lao Thái Nguyên. Tại đây, ông liên lạc với Trịnh Văn Cấn, đội lính Khố xanh. Hai ông tin rằng nếu họ nổi lên đánh Thái Nguyên thì những nhà cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa sẽ đưa quân về giúp. Hai ông cùng một số tù nhân, cai đội và lính Khố xanh quyết định khởi nghĩa ngày 30-8-1917. Sau 6 ngày làm chủ Thái Nguyên, nghĩa quân phải rút lui ngày 5-9 vì bị viện binh của Pháp ở Hà Nội lên phản công. Lúc bấy giờ Lương Ngọc Quyến bị bán thân bất toại vì bị ngồi trong ngục quá lâu, đã cắn lưỡi tự tử để khỏi cản trở đồng đội. Trịnh Văn Cấn bị Pháp tìm bắt ráo riết, đã dùng súng lục (súng ngắn 6 viên đạn) tự sát vào giữa tháng 1-1918.
  1. Phạm Tuấn Tài là giáo viên trường kiểu mẩu Yên Thành, Hà Nội. Phạm Tuấn Lâm (anh của Tài) và Hoàng Phạm Trân là hai bỉnh bút của Thực Nghiệp Dân Báo do Mai Du Lân làm chủ nhiệm, Mai Ðăng Ðệ làm chủ bút. Trụ sở Nam Ðồng Thư Xã đặt tại số 6 đường 96 khu Nam Ðồng, trước bờ hồ Trúc Bạch, Hà Nội. (Hoàng Văn Ðào, Việt Nam Quốc Dân Ðảng, tái bản kỳ 2, Sài Gòn, 1970, tr. 25) [in lần đầu, Sài Gòn 1962]
  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tt. 37-38. Uỷ ban binh vụ lúc đó chưa có người đảm nhận, đến cuộc họp bầu tổng bộ lần thứ nhì ngày 1-7-1928 mới do Trần Văn Môn phụ trách.
  1. Theo học bạ nhà trường thì Nguyễn Thái Học sinh ngày 1-12-1904 do việc khai trụt tuổi để được đi học.
  1. Lữ Giang, Những bí ẩn đằng sau cuộc chiến Việt Nam, quyển 1, tái bản lần thứ nhất (có hiệu đính và bổ túc), California, 1999, tr. 123
  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tr. 33. 
  2. Từ 1927 đến 1930, chưa thành hình tổ chức kỳ bộ.
  3. Hoàng Văn Ðào, sđd. tt. 38-39.
  4. Phạm Văn Sơn, sđd. tr. 149.
  5. Hoàng Văn Ðào, sđd. tr. 47.
  6. Hoàng Văn Ðào, sđd. tr. 42.
  7. Nguyễn Thế Nghiệp vào Sài Gòn xuất bản tạp chí Pháp ngữ Revue Economique [Tạp chí kinh tế], và kiếm cách liên lạc với những nhân sĩ khác để phát triển VNQDĐ. Ðặng Ðình Ðiển được cử vào Huế để liên lạc với Phan Bội Châu. 
  8. Hoàng Văn Ðào, sđd. tt. 47-48. “Khả dĩ đoạn kim” nghĩa là “có thể cắt vàng”. Vàng là một kim loại quý hiếm, dân chúng dùng làm của để dành phòng thân. Khi thật thân thiết quý trọng nhau, người ta có thể cắt vàng chia cho nhau không tiếc gì, để cùng lo chung một việc. Cũng có tích nói rằng trước khi chia tay, người ta thường bẻ khúc vàng làm hai, khi gặp nhau ráp hai miếng đúng khớp để làm tin.
  1. Các tác giả cộng sản như Trần Huy Liệu, Chương Thâu cho rằng lúc Phan Bội Châu về Huế, rất niềm nỡ với những nhân vật cộng sản đến thăm ông. (Chính Ðạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại, tập 2: 1925-1945, Nxb. Văn Hóa, Houston, 1993, tr. 32) Các tác giả cộng sản không hề trưng ra được một bằng chứng cụ thể là Phan Bội Châu đã ủng hộ họ. Trong khi đó, ngoài tấm danh thiếp “Khả dĩ đoạn kim”, Phan Bội Châu còn làm hai bài văn tế các liệt sĩ VNQDĐ và văn tế đồng bào làng Cổ Am, làng Xuân Lũng bị Pháp khủng bố tàn sát trong một buổi lễ truy điệu do học sinh Huế tổ chức.
  1. Nguyễn An Ninh (1900-1943): người Chợ Lớn, Gia Ðịnh, con của Nguyễn An Khương (thầy thuốc, quê Hóc Môn, Bà Ðiểm), tốt nghiệp cử nhân luật ở Paris năm 1921, về nước năm 1923, xuất bản báo La Cloche Félée (Tiếng chuông rè). Ông qua Paris vào tháng 1-1925, đi diễn thuyết rồi trở về Việt Nam tháng 5-Năm 1926, ông tổ chức Thanh Niên Cao Vọng Ðảng. Nguyễn An Ninh theo khuynh hướng Ðệ tứ Cộng sản Quốc tế (Troskyist), nên không hợp nhất với Quốc Dân Ðảng. Nguyễn An Ninh bị Pháp bắt đày ra Côn Ðảo năm 1940, và từ trần ngoài đó năm 1943.
  1. Trần Huy Liệu (1901-1969): người Nam Ðịnh, vào Sài Gòn năm 1923. Với bút hiệu Nam Kiều, ông làm chủ bút Ðông Pháp Thời Báo từ 1925 đến 1927. Tháng 6-1927, ông bị bắt giam sáu tháng vì làm lễ truy điệu Lương Văn Can (1839-1927), nguyên hiệu trưởng Ðông Kinh Nghĩa Thục, mới từ trần ở Hà Nội. Ông làm chi bộ trưởng VNQDĐ ở Sài Gòn trong hai năm (1928-1929), bị đày ra Côn Ðảo năm năm. Mãn hạn tù, ông ra Bắc năm 1935, vào đảng Cộng Sản năm Năm 1939 bị bắt đày đi Sơn La. Năm 1942, ông bị an trí ở Thái Nguyên, rồi Yên Bái. Năm 1945, ông trốn về Hà Nội làm báo Cứu Quốc trong vòng bí mật. Khi Việt Minh cướp chính quyền vào năm 1945, ông được Hồ Chí Minh cử làm bộ trưởng bộ tuyên truyền trong chính phủ Việt Minh đầu tiên. Ông cùng Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế chứng kiến lễ thoái vị của vua Bảo Ðại ngày 30-8-1945. Sau giai đoạn lợi dụng uy tín ông đề tuyên truyền cướp chính quyền, ông không được đảng Cộng Sản tin dùng vì ông là người gốc Quốc Dân Ðảng. Năm 1946 Việt Minh cử ông làm Uỷ viên thường trực Quốc Hội. Năm 1953, ông trở thành Trưởng ban Nghiên cứu Sử Ðịa của cộng sản, và mất tại Hà Nội.
  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tr. 50, phần chú thích.
  2. Hoàng Văn Ðào, sđd. tt. 55-56. Hoàng Văn Ðào có mặt lúc Nguyễn Thái Học từ chối đề nghị của Nguyễn Văn Viên, và ông Hoàng cho rằng cuộc ám sát này hoàn toàn do Nguyễn Văn Viên tự ý làm lấy, chứ không có ý kiến của tổng bộ. Bạch Thái Bưởi (1874-1932), người Hà Ðông, nguyên họ Ðỗ, cha mất sớm, nhà nghèo, làm con nuôi của một người nhà giàu họ Bạch, nên đổi qua họ Bạch. Năm 21 tuổi, ông đi làm thư ký cho hãng buôn người Pháp, sau tự đứng ra kinh doanh, mở “Ðông Kinh ấn quán” tại Hà Nội, rồi bước qua lãnh vực hàng hải thương thuyền năm 1909. Trong vòng 10 năm, công ty của ông có trên 30 chiếc tàu lớn nhỏ, cạnh tranh mạnh mẽ với thương thuyền Pháp. Ông mất năm nhâm thân (1932), và được Ngô Tất Tố viết báo gọi ông là “bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”
  1. Thật ra, người học sinh này tên là Hoàng Văn Tiếp. Tiếp dùng giấy tờ của một thanh niên Việt có tên Pháp là Léon Sanh. Léon Sanh đã từ trần, nhưng không khai tử. Do đó, sử sách quen gọi Tiếp là Léon Sanh. Về sau nầy, khi Nguyễn Văn Viên bị bắt ngày 27-8-1929, ông tự nhận đã giết Bazin, rồi treo cổ tự tử trong tù, Léon Sanh mới bị đưa ra tòa vào cuối tháng 8 và được tha bổng.
  1. Pierre Pasquier, nguyên khâm sứ Pháp tại Trung Kỳ, làm quyền toàn quyền từ 4-10-1926 đến 16-5-1927, và chính thức toàn quyền từ 26-12-1928 đến khi bị tử nạn máy bay ngày 15-1-1934.
  1. Jules Brides là thanh tra hành chính, chính trị Bắc Kỳ, là một trong “tứ hung” Bắc Kỳ (bốn viên quan cai trị hung ác nhất ở Bắc Kỳ: nhất Ðạt (Darles), nhì Ke (Eckert), tam Ma (Delamare), tứ Bích (Brides).
  1. Theo phân tích của sở mật thám Hà Nội, 227 người trên được phân loại như sau: (Hoàng Văn Ðào, sđd. tr. 61)

– Thư ký chính phủ: 36 người 
– Nhân viên chính quyền Pháp: 13
– Giáo sư Hán văn: 2
– Sinh viên: 6
– Quảng cáo viên: 4 
– Thương mại và kỹ nghệ: 10
– Buôn bán và tiểu thủ công nghệ: 39 
– Ðiền chủ, nông dân và y sĩ: 37
– Quân nhân: 40

  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tt. 69-70.
    (26a): Ðinh Huân Trung, Trần Văn Sinh; 
    (26b) Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Văn Viễn;
    (26c) Chu Dưỡng Bình, Phạm Hữu Chinh, Ðặng Ðình Ðiển, Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Hữu Ðạt,Hà Ðức Vương, Nguyễn Văn Loan, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Kim Ngữ, Vũ Ðức Hiền, Trần Xuân Ngưỡng, Trần Văn Chinh, Ngô Thúc Ðịch, Lê Văn Quyền, Ðặng Minh Phụng, Lê Ðức Phong, Liễu Bá Dung, Phạm Hữu Nữu, Nguyễn Văn Triệu, Trịnh Thế Hưng, Lê Văn Thọ, Nguyễn Thư Hoàng, Nguyễn Văn Tâm, Phó Ðức Chính, Nguyễn Ðức Phương, Nguyễn Huy Viên; (26d) Phạm Tuấn Tài, Hoàng Thúc Dzị, Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Văn Phúc, Trương Dân Bảo, Nguyễn Thế Nghiệp, Hoàng Trác, Nguyễn Thái Trác, Hồ Văn Mịch, Hoàng Phạm Trân, Lê Xuân Hy, Trần Văn Môn, Ðặng Xuân Tiếp, Phạm Hữu Phùng, Hoàng Hồ, Lê Văn Thu, Trần Bích, Phạm Huy Kiểu, Ðoàn Mạnh Chế, Ðoàn Bá Xích, Ðào Danh Hội, Ðào Viết Chuyên, Ðoàn Mạnh Tiếp, Trần Hưng Long, Ðặng Ngọc Nhữ, Nguyễn Văn Ðàm, Nguyễn Văn Kệch, Nguyễn Văn Khắc, Nguyễn Cảnh Hoàn, Nguyễn Trung Phú, Trịnh Ðình Kim, Nguyễn Ðăng Ðóa, Phùng Văn Ðệ, Lê Thành Vị, Hoàng Văn Ðào, Chu Văn Phát, Vũ Tá Chử, Nguyễn Văn Vỹ, Nguyễn Duy Cương, Phạm Liên Hoa, Lê Trung Ðăng, Nguyễn Văn Tốn, Ðào Khắc Hưng, Phạm Minh Ðức, Phạm Văn Trứ, Ðội Bật …
  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tt. 68-71.
  2. Câu này bắt nguồn từ ý nghĩa của thành ngữ chữ Nho: “sát thân thành nhân” nghĩa là chịu chết (tự giết mình) để hoàn thành đạo nhân tức đạo làm người, xem đạo làm người lớn hơn thân mình, chứ không phải chết để thành danh.
  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tt. 103-104.
  2. Ðặng Trần Nghiệp: Theo hồ sơ mật thám Pháp, Ký Con tên là Ðoàn Trần Nghiệp. Các sách trước đây đều viết là họ Ðoàn. Năm 1967, khi tác giả Hoàng Văn Ðào tặng giáo sư Nguyễn Văn Mùi sách Lịch sử Việt Nam Quốc Dân Ðảng, giáo sư Mùi cho biết năm 1949, ông là hội viên Hội đồng thành phố Hà Nội, phụ thân của Ký Con đã đến gặp giáo sư Mùi hai lần nhờ giáo sư đề nghị với Hội đồng thành phố đổi lại bảng tên phố Ðoàn Trần Nghiệp thành Ðặng Trần Nghiệp cho đúng với sự thật, vì Ký Con họ Ðặng nhưng khi bị Pháp bắt, ông đã khai họ Ðoàn để đánh lạc hướng người Pháp. Ðặng Trần Nghiệp nhỏ người, làm thư ký phụ trách thủ kho trong khách sạn Việt Nam ở Hà Nội của VNQDĐ nên được anh em gọi là Ký Con. (Hoàng Văn Ðào, sđd. tt 146-147, phần chú thích.)
  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tr. 108. Phạm Văn Sơn, sdđ. tr. 168, phần chú.
  2. Thống sứ René Robin, hai lần làm quyền toàn quyền Ðông Dương; lần đầu từ 7-8-1928 đến 26-12-1928; lần thứ nhì từ 1-12-1930 đến 30-6-1931. Ông chính thức làm toàn quyền từ 23-7-1934 đến 9-9-1936.
  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tr. 135. Chú ý: vì đây là một điện tín, nên hành văn không nhất thiết theo văn phạm thông thường.
  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tr. 147.
  2. Nghiêm Toản (1907-1979), hiệu là Hạo Nhiên, sinh ngày 5-3-1907 tại Nam Ðịnh, tốt nghiệp Ecole Supérieure de Pédagogie (Trường Cao Ðẳng Sư Phạm Hà Nội) năm 1928. Tham gia VNQDĐ, bị 6 năm tù đày Côn Lôn từ 1930 đến Từ 1936 đến 1954, dạy học ở Hà Nội. Từ 1954 đến 1975, giáo sư Ðại học Văn khoa và Ðại học Sư phạm Sài Gòn, kiêm nhiệm chức vụ trưởng ban Hán văn Ðại học Văn khoa, đồng thời là Uỷ viên Ðiển chế Văn tự. Tác phẩm của ông gồm có:

– Việt Nam văn học sử yếu, 2 tập, Nxb. Vĩnh Bảo, Hà Nội, 1949
– Luận văn thị phạm (Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 1950 )
– Thi văn Việt Nam, soạn chung với Hoàng Xuân Hãn, Nxb. Sông Nhị, Hà Nội, 1951.
– Lão Tử Ðạo Ðức Kinh, quốc văn giải thích, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, 1959.
– Việt luận (không rõ năm và nơi xuất bản)
– Dịch qua Pháp văn bộ Tam quốc chí diễn nghĩa, do UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc) bảo trợ, và BEFEO (Bulletin de l’Ecole Fran(aise d’ Extrême-Orient tức Tập san Trường Viễn Ðông Bác Cổ) xuất bản.
– Lão Tử Ðạo Ðức Kinh (Khai Trí, Sài Gòn, 1970). (Theo tài liệu của Thanh Tùng Lê Tùng Thanh, Văn học tự điển tập 1, Khai Trí, Sài Gòn 1974; Trịnh Văn Thảo, Vietnam du Confucianisme au Communisme, Edition L’ Harmattan, Paris, 1990, 54; Tập san Hương Văn, California, số 5, Xuân Kỷ Mão, 1999, tt. 5-6; và một số báo chí.) 

    36. Jeanne d’ Arc (Joan of Arc) (1412? – 1431): nữ anh hùng và nữ thánh người Pháp, nổi tiếng vì đã giải phóng thành Orléans do quân Anh bao vây. Sau bị bắt và bị người Anh đưa lên giàn hỏa thiêu tại Rouen.

    37. Hoàng Văn Ðào, sđd. tr. 158.

  1. Người viết dịch theo nguyên bản Pháp văn trong Hoàng Văn Ðào, sđd. tt. 141-142: “Messieurs les députés, “En équité: le droit de tout citoyen est de vouloir sa patrie libre. En humanité: le devoir de tout individu est de secourir son frère malheureux. “Que vois je? Depuis plus de soixante ans ma patrie est asservie par vous, Francais. Mes frères ouffrent sous votre domination, ma race est menacée dans son existence. J’ ai donc le droit et le devoir de défendre mon pays et mes frères. “J’ avais d’ abord pensé atteindre ce but en collaborant avec vous. Mes échecs répétés m’ ont conduit à comprendre que les Francais ne désiraient pas sincèrement cette collaboration et qú il me serait impossible de servir mes compatriotes aussi longtemps que vous serez les maitres de mon pays. “J’ ai alors, en 1927, organisé le parti nationaliste Annamite dont l’ action devait tendre: 1) – à chasser les Francais du territoire; 2) – à former un gouvernement républicain Annamite sincèrement démocrate. “Je me rends personnellement responsable de tous les évènements politiques survenus dans mon pays depuis cette date et organisés par moi. Je suis le seul et vrai coupable, ma mort donc suffit. Je demande grâce pour tous les autres. “Ceci dit, je tiens à vous déclarer que si les Francais veulent désormais occuper l’ Indochine en toute tranquilité, sans être gênés par aucun mouvement révolutionnaire, ils doivent: 1) – Abandonner toute méthode brutale inhumaine; 2) – Se comporter en amis des Annamites; non plus en maitres cruels; 3) -S’efforcer d’ atténuer les misères morales et matérielles en restituant aux Annamites les droits élémentaires de l’ individu: liberté de voyage, liberté d’instruction, liberté d’ association, liberté de la presse; 4 – Ne plus favoriser laconcussion des fonctionnaires ni leurs mauvais moeurs; 5) – Donner l’ instruction au peuple, développer le commerce et l’ industrie indigènes. “Veuillez agréer, Messieurs les députés, l’ expression de mes sentiments de respect. “Votre ennemi, “Le révolutionnaire Nguyễn Thái Học”
  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tt.159-160. Hai mươi sáu án tử hình giảm xuống khổ sai chung thân là: Bùi Văn Dụ, Bùi Văn Tuyết, Cao Văn Chinh, Hà Cập, Hoàng Công Tiễn, Hoàng Văn Vọng, Lê Văn Tư, Mai Duy Xứng, Mai Viết Chinh, Nguyễn Ðắc Bằng, Nguyễn Ðình Hiên, Nguyễn Ðức Liên, Nguyễn Như Thông, Nguyễn Văn Chu, Nguyễn Văn Chinh, Nguyễn Văn Khôi (Thanh Giang), Nguyễn Văn Kiệm, Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Văn Ông, Nguyễn Văn Thân (Ký Thân), Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Ty, Trần Ðức Tài, Vũ Tích, Vũ Xuân Kiểm.
  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tr. 161. Phó Ðức Chính (1897-1930), người Bắc Ninh, tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Công Chánh, được bổ làm cán sự công chánh tại Savannakhet (Ai Lao). Ông là một sáng lập viên VNQDĐ, giữ chức trưởng ban tổ chức. Sau vụ ám sát Bazin (1929), Phó Ðức Chính bị bắt ở Ai Lao, đưa về Hà Nội, bị kết án 2 năm tù treo,và bãi chức. Phó Ðức Chính bị bắt ở Sơn Tây ngày 13-2.
  1. Trong Vang bóng một thời (Hà Nội, 1940) của Nguyễn Tuân, có bài “Chém treo ngành”. Bài nầy khi đăng báo năm 1938 mang tựa đề là “Bữa tiệc máu”. Trong bài nầy, Nguyễn Tuân kể lại câu chuyện tử hình 13 liệt sĩ Yên Bái với nhiều tình tiết hư cấu thêm. Trong câu chuyện do Nguyễn Tuân kể, sau khi thọ hình, uất khí của những liệt sĩ đã tạo nên cơn lốc mạnh mẽ thổi bay mũ viên công sứ Pháp.
  1. Nguyễn Phương Thảo, người làng Bần, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, sinh năm 1910. Sau khi mãn hạn tù, Thảo ra Bắc hoạt động, đổi tên là Nguyễn Bình và có lẽ gia nhập đảng Cộng Sản năm 1940. Khi quân Trung Hoa vào Việt Nam theo tối hậu thư Potsdam, Nguyễn Bình đánh nhau với quân Trung Hoa ở vùng Hải Phòng, Quảng Yên. Do Lư Hán yêu cầu, Hồ Chí Minh bắt giam Bình, rồi đưa vào Nam thế Trần Văn Giàu chỉ huy quân sự. Uy danh của Nguyễn Bình càng ngày càng lớn. Việt Minh liền cho gọi ông ra Bắc lãnh công tác khác. Trên đường đi, Nguyễn Bình bị toán tuần tiễu người Miên bắn chết ngày 29-9-1951 trên phần đất Cao Miên (Cambodia). Theo một chuyên viên mật thám Pháp, Nguyễn Bình thực tế bị Tổng bộ Việt Minh lên án tử hình. (Chính Ðạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Văn Hóa, Houston, 1987, tt. 364-365)
  1. Hoàng Văn Ðào, sđd. tr. 71. “… dân bản xứ hay đồng hóa…”. người Việt hay người Việt quốc tịch Pháp.
  1. Máy chém: do bác sĩ Pháp Joseph-Ignace Guillotin (1738-1814) sáng chế để sử dụng trong những vụ hành quyết dưới thời cách mạng Pháp 1789. Theo bác sĩ Guillotin, cách chém nầy nhân đạo hơn những phương pháp khác vì làm cho nạn nhân chết ngay liền khi bị chém. Máy này gồm một lưỡi dao chém nặng, đặt trong một cái khung gỗ, kéo lên cao; tử tội nằm phía dưới; khi được lệnh, đao phủ thủ sẽ cho thả dao xuống, cắt đứt lìa cổ nạn nhân tức thì. Lúc đầu máy chém được người Pháp gọi ” la louisette” hay ” le louison”, sau người Pháp mới đổi là “la guillotine” (từ tên bác sĩ Guillotin). Giới “xã hội đen” Pháp gọi tiếng lóng là “la veuve” (góa phụ). Tại Pháp, máy chém này được dùng lần cuối vào năm 1977, và bị bỏ hẳn từ tháng 9-1981 khi Pháp bãi bỏ án tử hình.
  1. Hoàng Thị Ðậu sưu tầm và chú thích, Thơ ca cách mạng Việt Nam 1925-1945, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1973, tr. 25.
  1. Chính Ðạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại, tập 2: 1925-1945, Nxb.Văn Hóa, Houston, 1993, tr. 109.
  1. Chính Ðạo, sđd. tr. 108.
  2. Bảo Ðại, Con rồng Việt Nam, Xuân Thu, California, 1990, tr. 90.
  3. Phần lớn bài xã luận này được đăng lại trong Phạm Thị Ngoạn, Tìm hiểu Tạp chí Nam Phong, 1917-1934, Ý Việt, Paris, 1993, tt. 385-392.
  1. Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Lịch sử Việt Nam tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tt. 258-261.

Nghe thêm Audio: Sách Nguyễn Thái Học – Nhượng Tống