BẦU CỬ ĐÀI LOAN: THẤT BẠI THẤY TRƯỚC CỦA QUYỀN LỰC MỀM TRUNG CỘNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nữ Tổng Thống Đài Loan: Thái Anh Văn

“Nữ TT Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), sinh ngày 31/08/1956 ở huyện Bình Đông, Đài Loan. Năm 1978 bà tốt nghiệp Đại học Luật Khoa tại Đài Loan, năm 1980 bà tốt nghiệp Master tại Đại học Cornell, Hoa Kỳ và năm 1984 tốt nghiệp Tiến Sĩ Kinh Tế ở Đại Học London, Anh Quốc. Sau khi trở về Đài Loan, bà đã giữ nhiều chức vụ chuyên môn ở nhiều trường đại học cho đến năm 1993, trước khi được bổ nhiệm vào các cơ quan chính quyền.
Năm 2016, bà đại diện Đảng Dân Tiến (DPP) ra tranh cử Tổng Thống Đài Loan và bà đã thắng vẻ vang với chỉ số 56.1% so với ứng cử viên Trung Hoa Quốc Dân Đảng Chu Lập Luân. Bà Thái trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Đài Loan.
Bà hiện là Chủ tịch của Đảng Dân Tiến (DPP). Bà Thái Anh Văn đã là một trong những người soạn thảo Đặc Thù Lưỡng Quốc Luận của tổng thống Lý Đăng Huy. Bà được mô tả là người không có sức lôi cuốn hay tài ăn nói trước quần chúng, nhưng thuyết phục mọi người bằng sự chân thành, trí thông minh và lòng kiên trì của bà.
Năm 2020, một lẫn nữa bà tái ứng cử chức Tổng Thống Đài Loan mà ngày 11/01/2020 tới đây người dân sẽ đi bầu sẽ quyết định lá phiếu. Theo dư luận bà sẽ tái ứng cử vì lập trường bảo vệ tự do dân chủ cho Đài Loan và chống độc tài Cộng sản của bà.
Lập trường của bà Thái Anh Văn về Biển Đông: Trong bài phát biểu sau chiến thắng của cuộc tổng tuyển cử 2016, bà Thái Anh Văn cảnh báo Bắc Kinh: “Hệ thống dân chủ, bản sắc dân tộc và không gian quốc tế của chúng tôi phải được tôn trọng, bất kỳ hình thức đàn áp nào cũng sẽ gây tổn hại mối quan hệ giữa hai bờ eo biển”. Ngoài ra, Thái cũng kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông và cùng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).” (VQ1) 

Dưới đây là những bình luận về sự việc trên qua ngòi bút của Pierre Haski trên tờ L’Obs

                                     ******************

Trong bài “Đài Loan bỏ phiếu chống lại Tập Cận Bình”, tác giả Pierre Haski trên L’Obs nhận xét, lần thứ hai chỉ trong vài tuần lễ, đảng Cộng Sản Tàu sẽ bị thua trong cuộc bầu cử dân chủ. Tất nhiên là không phải tại Hoa lục, nơi không thể có bầu cử một cách dân chủ.  Nơi đó là Hồng Kông và Đài Loan.

Nền dân chủ Đài Loan không hề muốn tự sát với “nhất quốc, lưỡng chế”

Tháng trước, những người trẻ đấu tranh cho dân chủ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương ở Hồng Kông, giáng một đòn nặng nề cho các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn ngỡ rằng “đa số thầm lặng” sẽ xuất hiện sau sáu tháng xung đột ngày càng bạo lực. Ngày 11/01/2020, chính tại Đài Loan mà Bắc Kinh một lần nữa có thể sẽ gánh thêm một thất bại mới.

Đài Loan, hòn đảo chỉ có 23 triệu dân đối đầu với người khổng lồ 1400 triệu dân có nền kinh tế thứ nhì thế giới. Vào thời chiến tranh lạnh, Đài Loan dưới chế độ độ độc tà (dictatorship) còn Trung Cộng  dưới chế độc độc tài toàn trị Cộng Sản (totalitarianism), một bên là Cộng sản, một bên thân Mỹ. Nhưng từ thập niên 90, Đài Loan đã thành công đáng nể trong việc chuyển đổi thành chế độ dân chủ, và nay trở thành một trong những xã hội tự do nhất châu Á.

Đài Loan, đứng nhất hay nhì châu lục, tùy theo năm, trong bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng Viên Không Biên Giới (RSF); nước châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, nhiều xu hướng dân chủ… Trong khi đó, Trung Cộng đi con đường ngược lại, với chế độ độc tài đảng trị khắc nghiệt.

Nếu hồi năm 1949, Đài Bắc muốn “tái chinh phục” lục địa đã rơi vào tay quân Cộng sản, thì ngày nay Bắc Kinh muốn thu hồi Đài Loan. Cuộc bầu cử tổng thống ngày 11/01 tới sẽ là một thử nghiệm về tình cảm người dân đối với Trung Cộng, và mọi thứ đều do Tập Cận Bình mà ra.

Năm 2018, đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đã thất bại trong cuộc bầu cử địa phương, khiến cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trở nên mong manh. Nhưng đến tháng Giêng 2019, Tập Cận Bình có bài phát biểu đầy hung hăng, chỉ cho người dân Đài Loan chọn một trong hai con đường. Hoặc thống nhất hòa bình theo quy chế “Một đất nước, hai chế độ” theo kiểu Hồng Kông, hoặc bằng vũ lực! Sau bài diễn văn này, tỉ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn tăng trở lại.

Nhưng chính từ khi khởi đầu phong trào phản kháng ở Hồng Kông tháng 06/2019 mà nữ tổng thống mãn nhiệm trở thành khó thể đánh bại, trước đối thủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh. Tại Đài Bắc, tất cả những người mà tác giả bài viết gặp gỡ đều cho biết đã quyết định bầu cho bà Thái Anh Văn khi liên tưởng đến Hồng Kông, cho dù họ có bất đồng về những chủ đề khác hay về kết quả nhiệm kỳ đầu.

Nền dân chủ Đài Loan vẫn sống động và không hề có ý định tự sát, cũng như thử nghiệm một quy chế mà người Hồng Kông đã tố cáo sự phá sản. Ông Tập Cận Bình với sự không khoan nhượng của mình rốt cuộc có thể giúp kẻ thù tái đắc cử, cho dù ông vẫn có đủ phương tiện để gây áp lực lên đảo quốc.

Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sẽ củng cố thêm sự gắn bó của người dân với nền dân chủ của mình, và các cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 10% dân Đài Loan muốn thống nhất với “mẫu quốc”. Đó là dấu hiệu thất bại của quyền lực mềm Trung Cộng, và là thông điệp của những lá phiếu ngày 11/1 tới tại Đài Loan.

“Nhờ” Trung Cộng hung hăng, bà Thái Anh Văn có thể tái đắc cử

The Economist có cùng nhận định “Tổng thống vốn nghi ngại Trung Cộng, bà Thái Anh Văn có thể thắng cử lần nữa”.

Tờ báo điểm lại: từ năm 2000 đến nay, đảng Dân Tiến đã thắng ba lần trong cuộc bầu cử tổng thống, Trung Hoa Quốc Dân Đảng hai lần. Còn Quốc Hội thường do các phe thân Trung Cộng kiểm soát, cho đến năm 2016, lần đầu tiên Dân Tiến giành được cả ngôi vị tổng thống lẫn phe đa số trong Quốc Hội Đài Loan.

Việc bà Thái ủng hộ người biểu tình Hồng Kông có thể làm tăng cơ may thắng cử, bên cạnh đó sự kiện Mỹ nói không với công nghệ Trung Cộng cũng mang lại thế mạnh cho bà. Các tập đoàn công nghệ Đài Loan không muốn gánh lấy rủi ro bị mất thị trường phương Tây nếu đứng về phía Bắc Kinh. Một số còn dịch chuyển sản xuất từ Hoa lục sang các nước Đông Nam Á hoặc về Đài Loan. Ít gắn bó với Trung Cộng, họ sẽ quan tâm đến Dân Tiến hơn.

Đối thủ chính của bà Thái Anh Văn là Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu), thị trưởng Cao Hùng; nhưng cơ hội của ông này bị giảm sút từ tháng 11/2019 khi một chính khách thân Trung Cộng khác là Tống Sở Du (James Soong), chủ tịch đảng Thân Dân ra tranh cử, có thể chia bớt phiếu của ông.

Tổng thống Thái Anh Văn thường đả kích Trung Cộng. Trong một cuộc tranh luận truyền hình, bà đọc lá thư của một thanh niên Hồng Kông: “Tôi mong người Đài Loan đừng tin Trung Cộng Cộng sản, đừng rơi vào bẫy tiền của họ”. Bà cũng tự hào kinh tế Đài Loan dưới thời đảng Dân Tiến đã tăng trưởng, sau khi bị suy thoái lúc Trung Hoa Quốc Dân Đảng cầm quyền trước đó.

Một số cử tri có thể không cảm thấy thuyết phục, vì tiền lương vẫn đứng nguyên một chỗ từ hai thập niên qua. Những người nghèo, người già có xu hướng ủng hộ ông Hàn Quốc Du. Ông này nhắc lại thời kỳ kinh tế bùng nổ những năm 70 và 80 với chính quyền Quốc Dân đảng, nhưng tránh nói thời đó Đài Loan dưới chế độ độc tài, độc đảng.

The Economist cảnh báo về bầu cử Quốc Hội: nếu đảng Dân Tiến mất quyền kiểm soát (hiện nay đảng này chiếm 68/113 ghế), Trung Hoa Quốc Dân Đảng có thể chận các dự luật mà Bắc Kinh không ưa, như luật hôm 31/12 chống sự can thiệp của Trung Cộng. Bắc Kinh cũng tố cáo luật này nhưng cố kềm chế để tránh làm lợi cho bà Thái.

Sau khi Thái Anh Văn đắc cử năm 2016, Trung Cộng thường xuyên diễu võ dương oai, chẳng hạn cho oanh tạc cơ bay vòng quanh hòn đảo, dụ dỗ bảy đồng minh của Đài Bắc cắt đứt quan hệ. Nhưng từ giữa năm 2019 không thấy chiến đấu cơ bay sang nữa. Là người thực dụng, nếu tái đắc cử, bà Thái vẫn cố tránh xung đột quân sự. Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục củng cố mối quan hệ không chính thức với Đài Bắc, như vụ bán 66 phi cơ F-16 mới đây, tuần báo Anh cho rằng một ngày nào đó Bắc Kinh sẽ mất kiên nhẫn.