XUÂN DU CA HỘI NGỘ VỚI “NHẠC QUÊ HƯƠNG & TÌNH CA BAN MÊ” (Trịnh Thanh Thủy)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
blank

Pic 1: Đoàn Du Ca Nam Cali

Mùa xuân vừa bước chân vào thềm năm mới, đoàn Du Ca Nam Cali đã rộn ràng hát mừng xuân Kỷ Hợi bằng những bài du ca tình tự quê hương trong đó có cả những tình khúc Ban Mê. Đất Ban Mê còn được gọi là Ban Mê Thuộc hay Buôn Mê Thuộc là một vùng đất Tây Nguyên Đại Ngàn với một vẻ đẹp hùng vĩ của núi, đồi, rừng, thác. Đó là nơi khách du dễ bị lạc lối giữa những cánh đồng cà phê bạt ngàn trổ hoa trắng muốt thơm lừng. Chính nơi này cũng đã từng vang lên tiếng hát du ca của ba nhạc sĩ từng sinh hoạt trong phong trào Du Ca Lòng Mẹ trước 1975 là Nguyễn Quyết Thắng, Phan Ni Tấn và Nguyễn Đình Hiếu.

blank

Pic 2: NS Phan Ni Tấn

blank

Pic 3: NS Nguyễn Quyết Thắng

blank

Pic 4: NS Nguyễn Đình Hiếu

Tết năm nay, có thể gọi là “Tết Du Ca Hội Ngộ” vì các đứa con du ca lưu lạc trên xứ người tìm về miền Cali nắng ấm để cùng hát với nhau những ca khúc của họ đã sáng tác trong nhiều năm qua. Ngoài đoàn Du Ca Nam Cali, Hướng Đạo Sinh Liên Đoàn Hướng Việt, và nhạc sĩ Nguyễn Đình Hiếu hiện ở Nam Cali, có những ca, nhạc sĩ đến từ các nơi khác như: Nguyễn Quyết Thắng và Minh Chiến (Hoà Lan)- Phan Ni Tấn (Canada) – Đồng Thảo (SanJose) – Doãn Hương, Thu Phong, Huy Đốc (Nebraska), Kim Oanh & Hoàng Minh Châu – (Seattle) – MC Vũ Bình (Canada), cùng góp mặt.  

Tại hội trường Người Việt, một ngày thứ Bảy tháng 2, đoàn Du Ca Nam Cali đã khai mạc chiều Du ca bằng bài hát đoàn hiệu “Đoàn ta ra đi” của mình như mọi lần. Kế đến 3 tác phẩm của 3 nhạc sĩ Ban Mê được lần lượt giới thiệu, “Trường ca quê hương và tình người- Phan Ni Tấn”, Tiếng hát vang lên trong đêm tối- Nguyễn Quyết Thắng” và “Bài ca cá chết -Nguyễn Đình Hiếu”. Gần 60 du ca viên dưới sự điều hợp của nhạc trưởng Bùi Quỳnh Giao đã lột tả được hết tinh thần các nhạc phẩm nói trên một cách trọn vẹn.

Lần nào Du Ca tổ chức cũng vậy, khách xem đến chật phòng hội không còn chỗ ngồi mà khách vẫn ở lại đứng đến phút cuối. Có người đến trước giờ khai mạc 2,3 tiếng đồng hồ để có chỗ ngồi.

blank

Pic 6: Ca sĩ Kim Oanh

Mỗi dịp xuân về, lòng nhớ quê hương của người Việt tha hương thường day dứt hơn bất cứ lúc nào hết. Niềm thương người thân, gia đình, quyện vào nỗi yêu quê cha, đất mẹ cùng dấy lên thật rạt rào, da diết. Còn gì đẹp hơn, đậm đà hơn những lời hát trong bài “Trường ca quê hương và tình người”.   “Ngọn tình ca hân hoan như múa. Tiếng em hát trong veo giọt mưa. Câu ca rót xuống đôi môi ngọt lời thưa. Lời mẹ ru đưa quai nôi thắm …”? Quê hương, hạt lúa, cây tre, mái rạ, con đò …tiếng quê nhà …đã xa tít mù trong ký ức NS Phan Ni Tấn, giờ trỗi dậy qua nhạc phẩm của ông. Giờ chỉ còn nỗi uất ức nghẹn ngào, các bất công ngập ngụa khi đất nước bị nhuộm đỏ trong đêm đen.

Để rồi “Trong đêm tối tiếng ca đã dậy lên…Dậy đi anh, tôi chờ, dậy đi em tôi chờ ….Bừng lên, bừng lên, cao tiếng hát. Vùng lên, vùng lên như bão táp, như gió lớn phất tung ngọn cờ …”. NS Nguyễn Quyết Thắng đã là người du ca cố gắng đem tiếng hát góp lửa vào ngọn cờ đấu tranh đang sôi sục trong lòng người VN trong nước với bài ca “Tiếng hát vang lên trong đêm tối của ông”.

Ở nơi đó, tiếng khóc người dân vẫn âm ỉ những lời than câm, “Cá sống vì nước, mà nước nhiễm độc rồi, cá đành chết trôi…..Ai giết cá tôi, ai đầu độc biển của tôi… Dân tôi cần trả lời, dù dân tôi biết hết rồi..” NS Nguyễn Đình Hiếu đã thắp ngọn nến “Bài ca cá chết”, dâng lời ca của mình đến đồng bào trong nước nhớ về biến cố cá chết vụ Vũng Áng năm nào. Bây giờ dân đen không còn khóc thành lời mà chỉ còn trào dâng nước mắt lúc nhìn thấy một người cha đi gom các món đồ chơi của đứa con gái bé bỏng sau khi nhà cửa vườn rau Lộc Hưng bị san bằng tan hoang. Xuân này các gia đình của vườn rau, các em bé biết về đâu?.  Dân tôi hết lầm than với các vụ cá chết giờ lại không nhà với các vụ cưỡng chế đất đai.

blank

Pic 8: Trưởng Đoàn Du Ca Nam Cali, Thiên Hương

Huế, Sài Gòn, Hà Nội ôm nhau nức nở “. Ba thành phố lớn của đất nước quê nhà cùng ôm nhau khóc khi miền Bắc chìm vào làn sóng đỏ CS lúc đất nước bị ngăn đôi bởi vĩ tuyến 17 năm 1954. Có người cầm súng bắn vào đầu, người ngực thủng lỗ đạn tròn, người bị lưỡi lê đâm thấu phổi. Thế mà tim vẫn nhảy đập nhịp ba. Tự do, tình yêu mãi mãi. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền đã viết bài thơ “Nhịp Ba” đề tặng nhà văn Doãn Quốc Sĩ 63 năm xưa. Ông cũng tặng cho hơn 1 triệu người Bắc di cư chọn “chạy nhịp hai qua cách trở”, qua vĩ tuyến thứ 17 để vào miền Nam, nơi có tự do. NS Nguyễn Đình Hiếu là con rể của cụ Doãn đã phổ nhạc bài thơ này từ ngày còn ở VN, lần này được Mê Linh trình bày. Đây là một nhạc phẩm rất khó hát, đòi hỏi kỹ thuật cao, vì âm vực rộng với những nốt rất cao. Mê Linh là con gái của Thiên Hương, trưởng đoàn Du Ca Nam Cali. Em sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ và được bố mẹ rèn luyện theo tinh thần hướng đạo và du ca từ nhỏ nên vẫn hiểu được ý nghĩa của lời ca mà diễn đạt được một cách thành công.

blank

Pic 5: Ca sĩ Mê Linh

Hôm nay cụ Doãn cũng có mặt, say mê lẩm nhẩm hát theo dù đã 96 tuổi.

…………………………

Đất nước ào ào vỗ nhịp                                                         
Triều biển chập chùng
Hà Nội Huế Sài Gòn
Ôm nhau nức nở
Có người cầm súng bắn vào đầu
Đạn nổ nhịp ba
Không chết
Anh ngồi nhỏm dậy
khỏe mạnh lạ thường

Nhịp ba-Thanh Tâm Tuyền

blank

Pic 7: Cụ Doãn Quốc Sĩ

Chương trình dài hơn 3 tiếng đồng hồ với nhiều giọng hát, vừa hợp ca vừa đơn ca trong các nhạc nhẩm của 3 nhạc sĩ được sắp xếp xen kẽ nhau. Những bản tình ca Ban Mê như “Nói với người Du Ca Ban Mê, Ban Mê và ta, Ngày đầu về Ban Mê, Ban Mê về nhớ, Trên đỉnh Zermatt” được Nguyễn Quyết Thắng, Thu Hằng, Nguyễn Đình Hiếu và Bùi Quỳnh Giao, Đồng Thảo, Nga Mi lần lượt trình bày. Bao nhiêu kỷ niệm, bấy nhiêu nhớ thương nhè nhẹ tìm về lúc mát tựa gió ngàn, khi ào ào như thác Dray Nur đổ, đôi lúc óng ả mượt mà trôi như dòng sông Serepôk quanh năm nước chảy hiền hoà. Những giọng hát cất lên sao buồn da diết, nhắc nhở đâu đó tiếng khèn vang vọng trong không gian hoà nhịp chân thình thịch buổi trưa hè của một chú voi già.

Du Ca hải ngoại ngày nay đã có thế hệ tiếp nối là các em sinh ra ở hải ngoại, học và hát những bài ca dành cho thiếu nhi như “Vần U, Biết ơn mẹ cha, Cỏ…” do các Thanh Nữ Hướng Việt và Sói Con Hướng Việt trình bày. Thế hệ mầm non này đã làm sáng tươi và rộn lên bầu không khí mới cho sinh hoạt Du Ca vì đó là những tương lai đầy hứa hẹn.

blank

Pic 9: Sói Con Hướng Việt trong bài Vần U

blank

Pic 10: Thanh nữ Hướng Việt

Tiếng quê nhà, Bài ca học trò, , Lặng Im, Vắt tay lên trán, Thược Dược, Ở nơi nào cũng có mưa, Phượng xưa, Mồng Tơi, Đêm mưa buồn nhớ tiếng mẹ ru, Điệp Ngữ tôi..v..v.. Qua các giọng ca của Đoàn Du Ca Nam Cali, 3 tác giả và các ca sĩ như: Thiên Hương, Nguyễn Bá Thành, Kim Oanh, Hoàng Minh Châu, Hoàng Hà, Phương Hà, Doãn Hưng, Doãn Hương, Thu Phong, Huy Đốc, Phạm Ngọc Thảo v..v… đã góp tiếng làm  dồi dào cho một chương trình đầy xúc tích.

Điểm đặc biệt của phong trào Du Ca là Du Ca có nhiều nhạc sĩ vừa sáng tác, vừa đàn, vừa hát. Ngoài sự hiện diện của 3 nhạc sĩ Ban Mê còn có những tay Guitar, Mandolin góp tiếng đàn của mình để những tiếng hát của đoàn viên được bay bổng như các anh Doãn Hưng, Khánh, Trí và  Hoàng Hà.

Để kết thúc chương trình bao giờ Du Ca cũng hợp ca bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ của Trưởng Nguyễn Đức Quang”. Và bao lần như một khán giả cùng hát theo vì khán giả đến với Du Ca đều được mời hát chung không phải một bài mà nhiều bài hát.

Tiểu sử 3 tác giả :

Phan Ni Tấn sinh tại Cần Giuộc, lớn lên ở Ban Mê Thuột. Học Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ. Tham gia Phong trào Du Ca Lòng Mẹ năm 1972. Định cư tại Canada. Sinh hoạt trong phong trào Hưng Ca Việt Nam tại hải ngoại, giữ vai Phó Chủ tịch Nội vụ. Định cư tại Canada. Cộng tác với nhiều báo chí tại hải ngoại như: Văn, Văn Học, Nhân Văn, Làng Văn, Phố Văn, Hợp Lưu..v.. Nhạc phẩm nổi tiếng như, Bài ca học trò, Phải lòng con gái Bến Tre …

Nguyễn Quyết Thắng sinh tại Hà Nội. Sống ở Quảng Trị, Tuy Hòa, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Thủ Đức, Sài Gòn. Bắt đầu đi vào âm nhạc năm 1963. Thành lập “Du Ca Lòng Mẹ” ở Ban Mê Thuộc, đoàn Ấu Thiếu Nhi VN hướng dẫn các em sinh hoạt du ca theo phương pháp của Hướng Đạo. Định cư tại Hoà Lan. Các nhạc phẩm như:Lá Xanh Ɖời  – tình ca quê hương (1966), Banmê và Cung Mi – tình ca (1972)…

Nguyễn Đình Hiếu sinh tại Huế, nhưng cha mẹ là người Bắc di cư. Theo gia đình đi nhiều nơi ở miền Nam: Sàigòn, Bảo Lộc, Kon Tum. Học Trung Học Ban Mê Thuộc và gia nhập Đoàn Du Ca Lòng Mẹ Ban mê thuột vào năm 1971. Sau biến cố 30/4/1975, rời Banmêthuột, tiếp tục học và tốt nghiệp Đại học Kiến trúc tại Sài gòn, hành nghề kiến trúc sư và dậy học cho đến năm 2013 trước khi qua Mỹ đoàn tụ gia đình. Hiện cư ngụ tại thành phố Garden Grove, Nam California; dạy hát tiếng Việt cho Trường Việt Ngữ Viện Việt Học. Sáng tác cho quê hương, tình ca và thiếu nhi như: Bài Ca cá chết, Nhịp Ba, phổ nhạc thơ Thanh Tâm Tuyền. Vần U, Biết Ơn Mẹ Cha …

Trịnh Thanh Thủy thực hiện

Orange County, CA