Nguyễn Chí Thiện Tuổi 20- Đỗ Mạnh Tri

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trừ một số rất ít người, những người cùng cảnh tù đày với anh, trước khi kiến diện  Nguyễn Chí Thiện, chúng ta đều đã gặp anh qua tiếng kêu từ đáy vực của anh; tiếng kêu chuyển tải những bông hoa trổ lên từ đáy ngục tù cộng sản như một thách thức. Hoa Địa Ngục chính là địa ngục chẳng những bị lật tẩy mà còn bị lộn ngược bởi ý chí của con người quyết liệt bảo vệ lương tri, ngọn đèn leo lét nhưng dai dẳng, làm nên nhân phẩm của con người, ngọn đèn không một quyền lực nào có thể dập tắt. Ngọn đèn ấy đã giúp anh sống xứng đáng với tên anh: Thiện. Phải chăng vì nhận ra ngọn đèn đó chính là dấu ấn của Thiên Chúa ghi tạc nơi lòng người mà về cuối đời anh xin lãnh phép rửa để trở thành người công giáo? Tên thánh anh chọn lạ hoắc đối với người công giáo Việt Nam, Thomas More, càng khiến ta suy nghĩ. Thomas More (1478-1535), một tên tuổi lỗi lạc thời Phục Hưng, nổi tiếng khắp Âu Châu, từng làm tể tướng cho nhà vua Anh quốc, Henri VIII và cũng bị chính Henri VIII chặt đầu vì ông  cương quyết chống lại lối hành sử bất công của nhà vua.

Nay Nguyễn Chí Thiện đã vĩnh viễn ra đi, nhưng tiếng gọi của anh vẫn còn đó. Tiếng gọi của lương tri. Con đường anh đi, vẫn là con đường của mỗi chúng ta, của tất cả chúng ta. Con đường đòi chúng ta kiên trì chống lại bạo tàn và dối trá để tiến tới tự do, công lý, sự thật, hòa bình. Tắt một lời: con đường vươn lên Chí Thiện.

Sự ra đi của anh gây thương tiếc muôn vàn, và những lời ca ngợi thắm thiết như chúng ta đọc được, nghe được nhiều trên mạng. Viết những dòng này, cá nhân tôi xin được trân trọng một Nguyễn Chí Thiện tôi đã gặp trong…sách.

*

Năm 1993, Soljénitsyne sang Pháp 2 tuần. Ông được phỏng vấn trên đài truyền hình. Mấy nhà báo Pháp nghi ngờ về sự hiểu biết của ông đối với thế giới bên ngoài, hỏi ông về vấn đề Việt Nam. Một nhà báo cho rằng tại Việt Nam cũng đảng cộng sản cai trị, nhưng khác với bên Liên xô, những người cộng sản Việt Nam đấu tranh trước hết cho độc lập tự do. Ông tỏ vẻ bỡ ngỡ trước sự ngây thơ của nhà báo và nói đại khái: đã là cộng sản thì đâu đâu cũng thế và ông khẳng định: rồi đây tại Việt Nam cũng sẽ có những Soljénitsyne.

Tác giả của Quần đảo Goulag nói đúng một nửa: cộng sản đâu đâu cũng thế, nhưng ông không biết rằng, trước khi ông được chính quyền Nga Xô (Kroutchev), năm 1962, cho phép Tờ Nova Mir in Một ngày của Ivan Denissovitcht, một tập sách mô tả hệ thống ngục tù trại cải tạo, thì năm 1961, tại Việt Nam, một chàng thanh niên trẻ tuổi đã bị tống ngục vì những vần thơ người ta gán cho anh và được lan đi từ Hải Phòng tới Hà Nội, từ địa phương đến trung ương.

Sau đây là chân dung chàng thanh niên đó trong một tập tiểu thuyết mang tính tự truyện, cuốn Con Chiên Lạc Bầy của Chúa.[1] Giá trị văn chương của tập tiểu thuyết trung bình thôi, nhưng giá trị lịch sử đáng quý, và về Nguyễn Chí Thiện, khá quan trọng.

  1. Người kể chuyện. Ông Nhượng, một ông già bệnh tật, nghèo nàn nói về thời niên thiếu của mình vào những năm 60 thế kỷ trước. Thuộc loại thanh niên ưu tú, Nhượng thi đậu thủ khoa vào trường Sân Khấu và Điện ảnh tại Hà Nội. Nhưng sau mấy tháng học, bị đuồi khỏi trường vì trong lý lịch có dính líu tới Công giáo. (Nhượng không công giáo. Nhưng bố Nhượng là con nuôi một gia đình công giáo. Ông của Nhượng là dân nghèo xơ xác sống bằng nghề chài lưới, lúc vợ chết phải bó chiếu chôn ở bờ đê, rồi bỏ nghề và trao con cho một dân chài người công giáo nuôi giùm. Sau này đứa bé khôn lớn, thành công, giàu có và cống hiến nhiều cho Cách Mạng). Sau khi bị đuổi, Nhượng trở về tiếp tục làm việc ở nhà máy cơ khí. Đây là một nhà máy lớn, có tới bảy ngàn công nhân, trực thuộc Bộ Công nghiệp và “luôn được các cơ quan tuyên truyền của Đảng đề cao” nhằm biến nó thành “trung tâm những vấn đề của giai cấp công nhân Việt Nam”. Công đoàn nhà máy chọn những người giỏi về văn học, nghệ thuật thành lập tổ chức “Sáng tác về đề tài công nhân”. Nhượng, vì biết viết lách và đã có bài được đăng báo, nên cũng được kết nạp vào tổ chức. Tuy nhiên, vì có “vấn đề”, anh không được làm văn phòng cho hợp với công tác sáng tác, mà vừa phải làm nghề, vừa sáng tác.
  2. Gặp Nguyễn Chí Thiện. Nhờ Nhượng, “tổ sáng tác gần như có thêm hai người, tuy họ không làm ở nhà máy, nhưng tư tưởng cũng muốn hướng về giai cấp công nhân, nên thường xuyên có quan hệ”. Đó là Hoàng Việt Ly và Nguyễn Chí Thiện. Ly là bạn thân từ thuở học vỡ lòng, rất tài năng, nhậy cảm, luôn luôn có những ý tưởng mới và đầy bất ngờ. Một trong những bất ngờ đó là chơi thân với Nguyễn Chí Thiện:

“Do Ly tôi quen Thiện, vừa quen đã thân nhau liền. Thiện hơn tôi vài ba tuổi, nhưng trông già dặn, tóc đã có mấy sợi bạc, vóc dáng cao lớn, nhưng chậm chạp lừ khừ như ông già; mắt cận lồi nhưng không chịu đeo kính, nên chúng tôi thường gọi là Thiện-trố. Anh đã đỗ tú tài phần một, nguyên học sinh trường Alber Sarô. Tuổi 20, nhưng Thiện ít nói, thâm trầm và rất quyết liệt. Khi tôi còn đang học đứt lưỡi chia động từ tiếng Pháp, thì Thiện đã dịch và nói tiếng Pháp như máy”. (tr. 159-60)

Cũng qua Nhượng, chúng ta có thêm chi tiết về cuộc tù đày của anh Thiện. Số là trong đám bạn bè trẻ của Nhượng, nhiều anh em hăng say sáng tác thơ, văn, nhạc, kịch “phục vụ xã hội chủ nghĩa”. “Hễ nhà máy, hoặc ngoài xã hội có sự việc gì “tiên tiến”, mấy thằng tôi lại hò nhau đi tìm hiểu vấn đề để viết, vẽ, dựng kịch – tuyên truyền rùm beng trên các đài, báo trung ương và địa phương – làm ngày làm đêm – mệt đứt hơi, nhưng rất vui, chúng tôi đối xử với nhau thân thương, thật thà, trong sáng. Lúc nào cũng thích gặp nhau, mê nhau như tình nhân ấy. Trong túi có đồng tiền nào, lại nghĩ ngay tới nhau. Nhưng than ôi, chính sự hồn nhiên này đã thành tai họa”.(tr. 160)

Do lý lịch có vấn đề, tôi không được làm văn phòng cho phù hợp với công việc sáng tác. Tôi ở xưởng cơ khí, suốt ngày quay búa, rất vất vả, và có rất ít thời giờ gần gũi bạn bè. Nhưng hễ được chút rênh rang, tôi lại theo anh em ra mấy quán nước ở ngoài nhà máy ngồi như các ông cụ non bàn chuyện sáng tác hoặc tán gẫu. Thói đời, hết chuyện nghiêm chỉnh, chúng tôi lại bông đùa đủ thứ – trong đó có cái trò phong cấp hàm cho nhau bằng tiếng Pháp, dựa theo số con. Anh nhạc sĩ LT, có bốn con, được phong commandant (Thiếu tá), anh họa sĩ có ba con được phong hàm capitaine (Đại úy); chàng nhà văn trẻ vừa đi dự đại hội nhà văn trẻ trở về, có người yêu, được phong hàm sous lieutenant (Thiếu úy). Tôi chưa vợ là lính trơn (tr.158). Những khi đi uống với nhau như thế, họ gọi là đi ‘vi vút’.

Họ không ngờ cái trò đùa ấy đã bị phòng bảo vệ nhà máy và công an theo dõi, rồi quy cho tội “có ý đồ lợi dụng hoạt động văn nghệ để thành lập tổ chức chính trị phản động”. “Công an ghi lại từng giờ chúng tôi bỏ nhà máy đi uống trà, ở đâu, nói những chuyện gì – thậm chí cả cái ám hiệu mục đích để che giấu lãnh đạo mỗi khi rủ nhau đi “vi vút” cũng đã thành sự nghiêm trọng. Nó trở thành tên chung “Nhóm Vi Vút”. Vụ Nhân Văn Giai Phẩm nhẹ hơn nhiều vì chỉ bị quy tội xét lại. Trong khi ‘Nhóm Vi Vút’ bi coi như một tổ chức chính trị.

Một lũ bị bắt giam, đưa ra tòa với bản án có sẵn. Người 6 năm tù, người 2 năm, một năm hoặc bị cảnh cáo.

Nhượng không bị ra tòa vì thường khi các bạn anh đi uống thì anh còn đang phải làm ca chiều. Nhưng cũng bị hỏi cung khá kỹ. Trích:

“Người công an hỏi: “Anh có biết bài thơ này của ai không?”, vừa hỏi người đó vừa giở sổ tay đọc cho tôi nghe một bài thơ (Bây giờ tôi chỉ còn nhớ lõm bõm được một đoạn; đại để:

Chủ nghĩa xã hội là xếp hàng cả ngày

Là áo quần đồng màu phân phối

Gạo, thịt, rau, dưa cũng đều phân phối

Là đường đi một lối

Vâng lời

Không được ngó trước nhìn sau

Là yêu em

Anh không được đắm say

Tôi sửng sốt, không thể ngờ trong chúng tôi lại có người làm bài thơ đó. Mặc dù nghe khẩu khí, và thơ leo thang kiểu Trần Dần ấy, tôi ngờ của Thiện. Tôi trả lời: “Không biết”.

(…)

Họ lại hỏi tiếp một câu nữa:

Hoa miền Bắc đều là hoa dại

Chẳng hoa nào dâng nổi em yêu…

Tôi càng sửng sốt (…) trả lời: “Không biết”. Thế là tôi bị hai người công an thay nhau tra hỏi suốt buổi chiều.

  1. Ngồi tù. Ly và Thiện, vì không phải cán bộ, công nhân nhà máy nên cũng không bị đưa ra tòa.

Nhưng hai hôm sau, không tòa, không án, cả hai bị bắt. Sau khi ra tù, Ly tuyệt vọng và tự tử. “Cái chết của Ly sau ba năm tù oan khiên đã khiến Thiện quẫn trí chán chường, bỏ nhà đi lang thang. Từ ấy tôi không gặp lại Thiện nữa. Nghe nói sau đó anh lại đi tù vì tội nói năng bất mãn. Giải phóng miền Nam, anh được thả, rồi lại tù, vì tội vượt biên di tản. Lại được thả. Rồi lại đi tù vì tội văn thơ như thế nào đó” (tr.164). 

Trong câu chuyện của Nhượng, có những điều anh trực tiếp chứng kiến và những điều anh chỉ nghe nói. Về chi tiết, như tuổi tác, ngày tháng của người và việc, trí nhớ trung thành tới đâu, có thể đặt dấu hỏi. Nhưng đại thể, gần sự thật.

Về những gì anh chỉ được nghe nói, chẳng hạn Nguyễn Chí Thiện “đi tù vì tội bất mãn”, thì, lời giới thiệu trong bản dịch Pháp văn Hoa Địa Ngục (Fleurs du Mal) dưới sự kiểm chứng của chính tác giả, có viết: “Năm 1961 (lúc đó Thiện mới 22 tuổi), dạy sử[2] cho một lớp cán bộ, anh giảng:“Quân Nhật đã đầu hàng không phải vì quân Nga thắng mà vì Mỹ đã thả hai trái bom nguyên tử”. Đọc lịch sử như thế là phản tuyên truyền. Anh bị tố cáo và bị phạt hai năm tù, nhưng rồi phải ngồi tù ba năm rưỡi”. Hay “lại tù, vì tội vượt biên di tản’, thì đọc trên mạng, tôi thấy trong một trang tiểu sử về Nguyễn Chí Thiện có viết: “Cuối năm 1954, (lúc đó còn ở Hà Nội) anh đi Hải Phòng để đưa một người bạn thiếu thời đi Nam: Nguyễn Ngọc Bội (Giáo sư văn hóa Võ Bị Đà Lạt trước 1975); hiện ngụ tại Westminster, CA.” Anh có dẫn bạn đi tản cư thật, nhưng sự kiện này không dính dáng gì với việc anh đi tù lần thứ hai. Theo lời giới thiệu nêu trên, năm 1966 anh đi tù vì những bài thơ phê phán chế độ được dân chúng truyền miệng nhanh chóng. Công an nghi anh là tác giả và bỏ tù anh mười một năm rưỡi. Năm 1977, sau khi miền Nam bị thôn tính, anh được thả cùng với mấy bạn tù khác. Viên công an còn mắng họ: “Tao chỉ thả những cái xác chết còn biết đi / Je ne relâche que les cadavres ambulants”. Sau khi vào được Tòa Đại sứ Anh trao 400 bài thơ, anh đi ra để vào tù, lần này “mười hai năm, ba tháng và mười ba ngày” như anh nói giằn từng tiếng.

Điều quan trọng hơn cả là qua lời kể của Nhượng, chúng ta có chân dung của một Nguyễn Chí Thiện ở tuổi 20, vào cái thời mà Hải Phòng và toàn miền Bắc sống trong đói nghèo dưới chế độ công an toàn trị… còn đang kéo dài cho đến tận hôm nay. Đồng thời chúng ta cũng thấy Nguyễn Chí Thiện đứng tuổi đã lộ nguyên hình ở tuổi 20, và những vần thơ phản kháng của anh đã được lan rộng, đến nỗi Nhượng nghe một bài “khẩu khí và thơ leo thang kiểu Trần Dần” nhưng cũng ngờ là của Nguyễn Chí Thiện.

*

Thay lời kết.

Chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Chí Thiện rất nhiều lần bên Pháp và bên Hoa kỳ. Nhưng lần gặp chúng tôi ghi nhớ mãi mãi là khi được tiếp anh tại nhà ngày mồng 5 tháng 6 năm 2001. Chính anh đã ghi ngày này cho chúng tôi khi đề tặng bản dịch Pháp văn Hoa Đia Ngục/Fleurs De l’Enfer vừa mới in. Loan cũng như tôi, hết sức bỡ ngỡ thấy anh thư giãn và nhất là tươi cười. Chưa lần nào thấy anh như vậy. Đây là vào mấy năm anh được Nghị hội Quốc tế các Nhà Văn (Parlement international des Ecrivains) tặng giải thưởng mấy năm ăn ở với điều kiện duy nhất, muốn viết gì thì viết. Trong một thời gian ngắn, anh đã viết Hỏa Lò và cùng dịch một số thơ chọn lọc của anh ra Pháp văn. Chứng tỏ những năm tù đày càng làm anh suy thoái về thể xác, càng khiến tâm hồn anh kiên vững. Và khi gặp môi trường thích hợp với anh, anh còn dư sức sáng tác.

Hôm đó anh cũng kể cho chúng tôi nghe chuyện anh chuyển thơ ra ngoài. Đầu tiên anh nhờ một linh mục cùng đi tù với anh về, dò xem có thể nhờ Hồng y Tổng giám mục Hà Nội  cầm tập thơ của anh ra ngoại quốc không, vì các chức sắc công giáo hay được đi ra nước ngoài và có lẽ không sợ bị khám. Nhưng Hồng y không dám. (Thật sự các giám mục Việt Nam đã từng bị khám). Anh cũng viết thật nhỏ thơ anh, nhét vào một đôi giầy cao gót của phụ nữ, rồi tặng một người quen sắp đi ngoại quốc. Người này cũng sợ, không dám nhận. Anh lại còn một bản được chôn dưới nền xi măng của một bậc cửa.

Thấy không còn cách nào khác nên anh phải liều mình ném tập thơ vào tòa  đại sứ Anh quốc hòng bên ngoài nghe được tiếng nói của anh. Vì đó là tiếng nói của hàng triệu nạn nhân vô tội đã gục xuống hay còn đang sống dưới gông cùm của một chế độ phi nhân. Tiếng nói mà anh gọi là

Tiếng Vọng Từ Đáy Vực:

Trong muôn ngàn tiếng muốn tìm ra

Tiếng nào thiết tha

Tiếng nào trung thực

Hãy lắng nghe tiếng kêu từ đáy vực.

Tiếng kêu thống thiết, bi đát nhưng không bi quan. Vì

Trong bóng đêm đè nghẹt

Phục sẵn một mặt trời 

Đỗ Mạnh Tri. Paris. 10.10.2012.

 

[1] Tác giả: Trần Tự. nxb Thanh Niên. Hà Nội. 1992.. Khổ 13/19.. 296 trang.

[2] Anh chỉ dạy thế một buổi cho một người bạn bị đau.