Xã hội gì!…Nhặt được vàng bị mất việc, ai dám làm người tốt?

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

nhat duoc vang, bi mat viec, long tot
Chị công nhân Lê Tuyết Mai và những lá đơn trình báo về việc nhặt được vàng. Ảnh: Báo Thanh niên

Một nữ công nhân nhặt được vàng trong bãi rác, đem trình báo công an thì bị nhà máy xử lý rác Cà Mau sa thải.

Câu chuyện của chị công nhân Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, tạm trú khóm 3, P.Tân Xuyên, TP.Cà Mau) vì nhặt được 5 lượng vàng trong khi đang phân loại rác tại Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau mà bị mất việc đang khiến mạng xã hội xôn xao.
Cách đây 1 năm, chị Mai nhặt được 1 chiếc ví chứa đầy nhẫn, vòng với tổng cộng 5 lượng vàng khi đang phân loại rác. Chị đã thông báo cho mọi người biết về chiếc ví này, lãnh đạo nhà máy đến lập biên bản để giữ lại vàng.
Chị Mai không đồng tình với cách xử lý này và đi trình báo công an để trả lại cho người bị mất. Sau 1 năm thông báo, công an Cà Mau không tìm được chủ nhân số vàng, và cuối cùng, Nhà máy xử lý rác thải quyết định xung số vàng vào công quỹ.
Trong suốt 1 năm qua, chị Mai bị nhà máy cho nghỉ việc, chồng thì bệnh nặng, gia cảnh rất khó khăn. Giờ thì chị Mai làm đơn đi đòi lại số vàng và cho rằng nó thuộc về sở hữu của mình- là người nhặt được.
Ông Nguyễn Tiến Tân – Giám đốc điều hành Nhà máy rác thải Cà Mau tuyên bố với báo chí: “Tài sản trong khuôn viên nhà máy là của nhà máy. Chúng tôi quy định rõ điều này trong nội quy công ty và cả trong hợp đồng với người lao động. Do đó chúng tôi không chấp nhận yêu cầu được nhận số vàng này của chị Phạm Tuyết Mai, người trực tiếp nhặt số vàng”.
Câu chuyện đang khiến dư luận tranh cãi rất nhiều. Người thì bảo nhà máy nên trả số vàng cho chị Mai vì chị là người nhặt được. Người thì bảo số vàng thuộc về nhà máy là đúng, vì theo lời ông giám đốc, tài sản trong khuôn viên nhà máy là của nhà máy.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia luật, trong trường hợp này nên áp dụng khoản 2, điều 239 Bộ Luật Dân sự, nếu không xác định được ai là chủ sở hữu thì số vàng đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật.
Rõ ràng nếu đặt 2 cách ứng xử của chị Mai và lãnh đạo nhà máy xử lý rác thải Cà Mau cạnh nhau, thì lẽ phải thuộc về phía chị công nhân. Khi nhà máy yêu cầu phải giao nộp số vàng nhặt được, chị không đồng tình và quyết định phải báo công an để trả lại cho người mất.
Đó là một quyết định rất đúng đắn với lương tâm và đạo đức. Tuy nhiên không hiểu vì sao, thay vì khen thưởng chị Mai vì quyết định này, thì chị lại nhận được quyết định cho thôi việc?
Đó có phải là “phần thưởng” cho nữ công nhân có việc làm tốt của nhà máy nơi chị Mai công tác? Đây là một “quả đắng” không ai ngờ tới.
Có người đã bình luận, làm người tốt thời nay là khó nhất. Từ vụ chị ve chai Ánh Hồng tới chị công nhân Tuyết Mai, có thể thấy ngày càng nhiều ví dụ làm nản lòng những ai muốn làm điều tốt.
Bằng sự cứng nhắc trong việc áp dụng điều khoản luật pháp, thay vì áp dụng những điều khoản “có lý có tình” cho người nhặt được tài sản (mà tài sản ấy không có người đứng ra nhận là chủ sở hữu), cơ quan công quyền lại máy móc áp dụng một điều luật khác, khiến cho dư luận bất bình.
Hãy cổ vũ cho những người muốn làm điều tốt. Xã hội phải khuyến khích những người làm điều tốt, điều đó mới thực sự có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, khi ngày càng có nhiều người đang “ngại” làm người tốt.
Hãy cho lòng tốt một cơ hội, như gieo một hạt mầm tốt cho tương lai.
Mi An/Đất Việt