VUI VỚI UNG THƯ 2014

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tác giả LÊ THỊ NHỊ

Sau lần giải phẫu năm 1986, bệnh ung thư đã cho tôi sống bình yên hạnh phúc trong hai mươi tám năm!
Những sinh hoạt của Hội Văn Hóa Vùng Hoa Thịnh Đốn với trại hè Về Nguồn, những buổi đi cắm trại ở bãi biển, những lớp dạy Tiếng Việt , những buổi văn nghệ…từ năm 1990 cho đến năm 2000 đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui bên các con và những người bạn trẻ.
Trại hè Về Nguồn cũng đã cho Bích Thu, con gái tôi, kén được một người chồng Việt Nam thật giỏi giang và hiền hậu!
Tôi là người ham vui, cho nên năm 2000, khi mọi sinh hoạt của Hội Văn Hóa có vẻ chậm lại vì các em trong hội đã trưởng thành và có đời sống riêng, tôi lại tham gia Câu Lạc Bộ Văn Học Vùng Hoa Thịnh Đốn để cùng sinh hoạt với các nhà văn, nhà thơ.Nguyệt san Kỷ Nguyên Mới do các văn thi hữu trong hội chủ trương đã cho tôi việc làm thường xuyên (không lương!) và cơ hội để đọc, để viết, để trau giồi tiếng Việt.

Trong bốn năm trở lại đây, Sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Văn Học Và Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn có vẻ khởi sắc và đa dạng hơn, nhờ sự tham gia của các em trẻ.
Hội không chỉ thu hẹp trong những buổi thơ nhạc và giới thiệu sách mà còn có nhiều sinh hoạt khác nữa. Từ đó, tên chính của hội trên giấy tờ là Câu Lạc Bộ Văn Học Và Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn nhưng còn có thêm một cái tên thân mật là Nhà Việt Nam.
Nhà Việt Nam với những sinh hoạt, tủ sách Tiếng Quê Hương, in ấn và phát hành sách và nguyệt san Kỷ Nguyên Mới đều là ba bộ phận của Câu Lạc Bộ Văn Học Và Nghệ Thuật Vùng Hoa Thịnh Đốn. Những buổi tiệc gây quỹ, giới thiệu sách, nhạc thính phòng, văn nghệ Tinh Hoa Nước Việt, Hội Tết, Phát giải thưởng cuộc thi Em Viết Tiếng Việt, đi phát cơm trưa cho những người vô gia cư…đã được rất nhiều thân hữu và các bạn trẻ tham gia.Trong mọi sinh hoạt của hội, lúc nào tôi cũng có mặt.
Tuy làm việc chẳng được bao nhiêu vì khả năng hạn hẹp, nhưng khi tham gia các sinh hoạt, tôi thấy tôi vui hơn là nằm nhà xem phim bộ hoặc lang thang đi phố mua sắm áo quần!
Thời gian dài hai mươi tám năm, sau cuộc giải phẫu năm 1986, những tưởng tôi đã có thể hát bài “Ung thư ơi! Chào mi!” rồi chứ!
Nhưng không phải thế! Một ngày trong tháng 9 năm 2013, tôi đến bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, chỉ với mục đích xin cái toa mua thuốc rỗng xương, vì tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng bác sĩ Hà lại nói: Cô xuống cân nhiều quá! Vậy thì bộ đồ lòng của cô, con phải rà lại hết mới được! Bác sĩ Hà đưa cho tôi mấy cái toa để đi chụp quang tuyến. Ngày hôm sau, vừa ở phòng chụp quang tuyến ra, độ 5 phút, tôi còn đang lái xe trên đường về nhà, văn phòng bác sĩ Hà đã gọi điện thoại:- Ngày mai, xin cô lại văn phòng gặp bác sĩ Hà gấp, bác sĩ cần nói chuyện với cô về kết quả chụp quang tuyến ngày hôm nay! Tôi biết là sức khỏe của mình lại trục trặc chi đây!
Hôm sau, vừa gặp tôi, bác sĩ Hà đã phán:- Cô bị ung thư ruột rồi cô ơi! Cô sẽ phải mổ. Con sẽ gửi cô đến Fairfax Oncology để họ lo cho cô nhé. Mấy ông bác sĩ ở đây giỏi lắm! Bác sĩ Hà giảng giải cho tôi nghe những điều tôi cần biết.Trước khi tôi ra về, bác sĩ Hà đưa cho tôi tấm check và dặn dò:- Con ủng hộ chương trình Tinh Hoa Nước Việt. Nhưng cô lo chữa bệnh đi nghe cô! Cô đừng lo Tinh Hoa Nước Việt nữa nhé!
Tôi cười, đáp:- Chữa bệnh là chữa bệnh! Tinh Hoa Nước Việt là Tinh Hoa Nước Việt!

Tinh Hoa Nước Việt là một chương trình văn nghệ do Nhà Việt Nam tổ chức từ ba năm nay với sự tham gia của các sinh viên, học sinh trong vùng. Năm nay, các em đang tập dợt và chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày trình diễn. Tôi biết tôi ham vui như Lão Ngoan Đồng, trong truyện Chưởng của nhà văn Kim Dung, nên khó mà nghe lời bác sĩ Hà lắm! Thế là tôi vừa lo chữa bệnh, vừa đến xem các em tập dợt vào mỗi ngày Chủ Nhật tại Cafeteria trường Nova hoặc Nhà Việt Nam. Ngày các em trình diễn, mới sáng sớm, Bích Thu, con gái tôi đã ra lệnh:- Mẹ cần mang sách Tiếng Quê Hương, hoặc những thứ để triển lãm thì để con mang ra trước. Các anh các chị ở ngoài đó sẽ sắp xếp. Gần giờ khai mạc, mẹ mới được đi! Tất nhiên là tôi phải tuân lệnh con gái tôi rồi! Khoảng một giờ trưa, khi tôi ra đến trường Nova thì mọi việc đã sắp xếp xong xuôi đâu vào đấy dưới sự chỉ huy của các anh chị: Nguyễn Tấn Phước, Hoàng Đức Long, Hoàng Vi Kha, Công Xuân Tùng, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thu Thủy, Bùi Thị Đoan Trang…Tôi hài lòng khi nhìn khu triển lãm sách Tiếng Quê Hương, tranh ảnh của nhóm Việt Toon và những bàn giới thiệu các cơ sở thương mại bảo trợ cho chương trình Tinh Hoa Nước Việt… được sắp xếp thứ tự và rất đông người qua lại, hỏi han. Tôi thật sung sướng khi thấy trong Hội Trường từ dưới nhà cho đến trên lầu, các hàng ghế đều không còn chỗ trống!
Vào phía trong hậu trường sân khấu, tôi thấy các anh chị lớn đang chạy tới, chạy lui, mướt mải “điều binh khiển tướng”. Các tài tử trình diễn, xúng xính trong những bộ y phục lộng lẫy, oai vệ, của các Vua, Quan, Công chúa, Binh lính thời xưa hoặc thướt tha, dịu dàng trong những tà áo dài, áo tứ thân, chiếc áo bà ba…
Suốt ba tiếng đồng hồ của chương trình văn nghệ, gần một trăm em sinh viên học sinh và các bạn trẻ, đã mang đến cho khán giả những nụ cười và nước mắt!!

Những màn hoạt cảnh Vạn Thắng Đại Vương, Trường sử ca Đại Việt với Hội Nghị Bình Than, Hội Nghị Diên Hồng, Công Chúa An Tư, Bên bến Đò Rừng, Vạn Kiếp, Tiếng Sóng Vân Cừ… đã đưa khán giả về với những trang sử oai hùng nhưng đầy gian nan của dận tộc! Những bài hát, câu hò, những màn múa, đầy tình tự dân tộc, được các em người Mỹ gốc Việt trình bày, khiến cho khán giả tưởng như mình đang sống trên quê hương Viêt Nam yêu dấu!!
Màn hoạt cảnh “Mưa Hôm Qua, Cho Nắng Hôm Nay”, nói về thế hệ những người di tản thứ nhất, khi ra nước ngoài đã phải làm việc cực khổ để nuôi dưỡng các con. Để ngày nay, các con của họ trở thành những người hữu dụng trong xã hội với đủ mọi ngành nghề. Và với truyền thống văn hóa Việt Nam
“Ăn Quả, Nhớ Kẻ Trồng Cây”, các em đã cùng nhau đứng trên sân khấu, mỗi em ôm trước ngực một chữ để xếp thành tiếng: Cám Ơn Cha Mẹ, Cám Ơn Nước Mỹ. Tôi đã thực sự xúc động với tiết mục Mưa Hôm Qua, Cho Nắng Hôm Nay!
Tất cả những hình ảnh trên sân khấu, sao mà gần gũi với tôi quá! Tôi khóc, vì thương những phụ huynh đã sớm lìa đời, không thấy được sự thành công của con mình, hoặc những người còn sống, nhưng các con của họ đã không hề biết đến sự hy sinh cao cả của mẹ cha!
Tôi khóc, vì tôi đã may mắn thoát được căn bệnh ung thư trong ba mươi sáu năm qua để được nhìn thấy các con khôn lớn, thành người!
Buổi văn nghệ chấm dứt trong tiếng vỗ tay vang rền và những lời khen ngợi của khán giả.Tôi vào sau hậu trường sân khấu, ngỏ lời cám ơn các em. Anh Nguyễn Tấn Phước, người anh cả của các em, choàng tay, ôm lấy vai tôi nói:- Con làm quà cho cô Tinh Hoa Nước Việt đó!

Tháng mười một, tôi bận rộn với hóa trị, xạ trị để chờ ngày 23 tháng giêng thì lên bàn mổ! Hồng Thủy, bạn tôi, sợ tôi bị rụng tóc, mang ngay đến ba bộ tóc giả, cho tôi chọn và đội thử để Thủy còn sửa sang lại cho đẹp!
Tuần lễ đầu làm hóa trị và xạ trị, tôi mệt lả! Đi bệnh viện về là nằm suốt ngày!
Tôi không được lái xe! Đi đâu, chị và con gái tôi phải đưa đón! Điều này khiến tôi cảm thấy thật khổ sở, vì thường ngày, tôi lái xe khá nhiều! Nhiều đến nỗi các văn thi hữu trong Câu Lạc Bộ gọi tên tôi là Nữ Hoàng Xa Lộ!
Tuần thứ hai, tôi bắt đầu uống bột nấm Linh Chi và lá đu đủ!
Tôi thấy tôi khỏe hẳn ra. Tôi bắt đầu làm những công việc nhẹ nhàng trong nhà.
Tóc tôi không rụng và bộ tóc giả Hồng Thủy cho, tôi vẫn chưa dùng đến!
Tôi cũng thử lái xe đưa các cháu đi học.Rồi tôi lái xe xa hơn một chút!Mừng quá! Tôi đã lái xe được để đi chợ, đi bệnh viện, không cần phải chị tôi và con gái đưa đón nữa!
Bột nấm Linh chi và lá đu đủ đã giúp tôi chăng?
Thời gian này, cũng là thời gan Thu Thủy, cô thư ký của Nhà Việt Nam, bàn với tôi về việc tổ chức Hội Tết Giáp Ngọ vào ngày 18 tháng 1 năm 2014.
Một hôm, Thu Thủy gọi điện thoại hỏi tôi lần chót:-
Cô quyết định năm nay có làm Hội Tết không để con còn đặt tiền mướn Nova.
Nếu để trễ quá, không có ngày giờ mình muốn đâu!
Câu hỏi này, Thu Thủy đã hỏi tôi nhiều lần nhưng tôi cũng chưa biết phải trả lời làm sao. Thoáng nghĩ đến Hội Tết, năm nay là năm thứ tư, mọi chuyện đã vào nề nếp, bây giờ mà bỏ đi thì cũng tiếc lắm!
Ngần ngừ một lúc, tôi nói:- Sức khỏe của cô không khá! Chỉ sợ bày ra rồi một mình Thủy phải lo nên cô không dám quyết định! Tùy Thủy đấy!-
Cô không nói, nhưng con biết cô bệnh mà! Nhưng cô có muốn Hội Tết không? Cô muốn thì con làm. Con làm được! Những người giúp mình bây giờ nhiều lắm mà cô! Anh Phước làm quà cho cô chương trình Tinh Hoa Nước Việt, con làm quà cho cô Hội Tết.
Sau khi Thu Thủy đặt tiền mướn trường Nova để tổ chức Hội tết vào ngày 23 tháng 1 năm 2014, ngày nào tôi và Thu Thủy cũng nói chuyện với nhau vài ba lần, bàn định chuyện này, chuyện nọ sau khi đã hội ý với một vài người thân trong nhóm.
Việc chuẩn bị Hội Tết còn đang tiến hành và bữa tiệc Mừng Lễ Tạ Ơn do Nhà Việt Nam tổ chức vào ngày 24 tháng 11 cũng gần kề thì trong một buổi gặp nhau ở Nhà Việt Nam, anh Võ Thành Nhân, Hoàng Đức Long, Thu Thủy và tôi lại quyết định tổ chức bữa cơm và bán thức ăn gây quỹ giúp nạn nhân bão ở Phi Luật Tân ngay tại Nhà Việt Nam.Hai ngày sau, tờ quảng cáo được gửi điện thư đi khắp nơi, đăng trên các báo, loan báo trên đài phát thanh, truyền hình với nội dung mời bà con đến ăn trưa, ăn tối, mua thức ăn mang về, ủng hộ thức ăn và tiền cho quỹ cứu trợ nạn nhân bão Phi Luật Tân vào ba ngày, Thứ Sáu, Thứ Bảy và trưa Chủ Nhật, 22, 23 và 24 tháng 11.
Sáng ngày thứ Sáu, tôi đi hóa trị và xạ trị!
Ở bệnh viện ra lúc 11 giờ, tôi ghé chợ Đại Hàn, mua vật liệu để nấu một nồi bò kho cho khoảng một trăm người ăn, với ý định sẽ bán vào tối thứ Sáu và trưa thứ Bảy.
Sau khi đặt nồi bò kho vĩ đại lên bếp, tôi thấy còn dư thời giờ, nên lại “chơi” thêm một chõ xôi vò!
Đúng năm giờ chiều, tôi đã có mặt tại Nhà Việt Nam cùng với Thu Thủy và nhiều thân hữu khác để sắp xếp mọi việc! Nhìn hai nồi bò kho và một khay lớn xôi vò tôi mang đến, một thân hữu lắc đầu:- Trời đất! Cô bệnh mà cô làm dữ vậy nè:Tôi cười hì hì:- Con gái tôi bảo tôi khùng! Người bình thường cũng chẳng làm như thế này nữa là mẹ đang bệnh!Mà có lẽ tôi khùng thật! Một người bệnh như tôi, thay vì phải nghỉ ngơi thì lại làm việc còn hơn những lúc bình thường nữa!Có lẽ, vì tôi sợ cái ngày mà tôi không thể làm được việc gì nữa sẽ đến rất gần!
Những đêm, thấy tôi ngủ trễ vì ham đọc sách hoặc viết lách vớ vẩn, con tôi bắt tôi đi ngủ. Tôi nghe lời con, nhưng lại thầm nghĩ:
“Rồi một ngày, mình sẽ ngủ luôn, không bao giờ dậy nữa! Bây giờ mà ngủ nhiều, uổng phí thời gian quá!”
Tối thứ Sáu, trời trở lạnh! Chúng tôi cứ tưởng thực khách sẽ chỉ là những thân hữu được mời, được năn nỉ mới đến, nhưng không ngờ, bà con vùng Thủ đô hưởng ứng lời kêu gọi của ban tổ chức nồng nhiệt quá sức tưởng tượng!
Ngoài những món ăn chính mà ban tổ chức chuẩn bị, nhiều khay thức ăn, bánh trái được bà con mang đến tặng, bày la liệt trên mấy cái bàn dài.Chị Kim Oanh, Thu Thủy, Hoàng Đức Long và mười em trong hội Kết Đoàn cùng những thân hữu đến giúp, loay hoay trong bếp hoặc chạy tới chạy lui, mỗi người mỗi việc, trên môi luôn nở những nụ cười vì quá vui! Một phần ăn đơn sơ, không phải ở một khách sạn, một nhà hàng Tàu sang trọng, Cũng không có ca sĩ nổi tiếng và ban nhạc… Nhưng các thực khách đã vui vẻ ký check, bỏ tiền mặt như bươm bướm vào cái hộp “Ủng Hộ” để trên cái bàn nhỏ, nơi cửa ra vào. Bên ngoài, trời tối đen và thật lạnh! Nhưng trong căn phòng nhỏ, trụ sở quá khiêm nhường của Nhà Việt Nam, nổng ấm tình người, chan hòa niềm vui.Cảnh tượng ấy được tiếp tục vào suốt ngày thứ Bảy và buổi trưa Chủ Nhật.
Chỉ trong ba ngày thôi mà chúng tôi đã được gặp hầu hết những khuôn mặt thân quen và rất nhiều khuôn mặt mới của đồng hương sinh sống trong vùng. Có những khuôn mặt mới, chỉ sau một lúc chuyện trò với những người trong ban tổ chức, đã vui vẻ cho số điện thoại với lời nhăn nhủ: Chừng nào cần gì, cứ gọi nhé! Mấy ngày hôm sau, thủ quỹ Hoàng Đức Long và Thu Thủy đã đại diện Nhà Viêt Nam, trao cho ông đại sứ Phi Luật Tân tại Mỹ một tấm check trên 12 ngàn Mỹ kim, một đóng góp nhỏ nhoi, nhưng chan chứa tình người!

Sau buổi dạ tiệc Mừng Lễ Tạ Ơn, tổ chức tại nhà hàng Harvest Moon ngày 24 tháng 11, tôi ngưng hẳn mọi sinh hoạt bên ngoài. Ngoài những lúc phải đi bác sĩ hoặc làm những cuộc thử nghiệm, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, thu xếp những việc lặt vặt.
Coi vậy mà cũng khá nhiều việc! Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu? Việc gì phải làm trước, việc gì phải làm sau?
Tôi gom góp những tấm ảnh cũ của tôi cùng với gia đình, bạn bè để Bích Vân, cô cháu gái của tôi, làm cho một cuốn DVD. Vân đã lấy tựa đề cho cuốn DVD là Dòng Thời Gian và nhạc nền cho cuốn DVD, Vân chọn toàn những bản nhạc Việt Nam và Ngoại quốc mà tôi thường ưa thích! Vân còn làm thêm cho một cuốn DVD ba năm sinh hoạt của Nhà Việt Nam. Tôi ngao ngán nhìn cái nhà xe và cái basement mà tôi đã chiếm trọn của các con, các cháu! Gia tài của tôi là những sách báo, những cuốn album, những thùng băng nhạc, phim, quần áo, biểu ngữ, phông cảnh dùng trong các chương trình văn nghệ của Nhà Việt Na, những đồ đạc linh tinh… từ thuở xa xưa nào đó mà tôi chẳng bao giờ dám vứt bỏ. Bây giờ, tôi phải tính làm sao đây?
Sau nhiều ngày dọn tới, dọn lui, đành đoạn mà cho vào thùng rác mà “gia tài” của tôi cũng chẳng suy chuyển được bao nhiêu!
Dọn mệt và mất nhiều thời giờ quá mà nhà xe và cái basement vẫn… mất trật tự như tôi chưa từng dọn!Chán quá! Tôi bỏ cuộc và yên tâm khi nghĩ “ Mai mốt, khi mình đi rồi, các con mình chỉ việc quăng vào thùng rác thôi mà! Dễ òm!”
Thời gian qua thật nhanh! Ngày 18 tháng 1 năm 2014 tôi được tham dự Hội Tết, thật vui! Đoàn Lân khai mạc Hội Tết được bà con hưởng ứng nồng nhiệt! Các em nhỏ chạy theo, reo hò và thưởng Lân những bao lì xì màu vàng với hình trống đồng do Viện Việt Học ở California phát hành. Ban tổ chức không muốn dùng bao lì xì màu đỏ với những chữ và hình ảnh rất Tàu nên đã lo mua rất nhiều bao lì xỉ của Viện Việt Học và bày bán ở ngay gian hàng sách Tiếng Quê Hương, nơi cửa ra vào.
Những gian hàng bán thức ăn, bánh trái, những trò chơi ngày Tết dành cho trẻ em, khu triển lãm tranh ảnh, sách báo, những bàn tròn thực khách vừa ngồi ăn vừa xem văn nghệ trước cái sân khấu ở trên lầu…Lúc nào cũng đông nghẹt!
Trong Hội trường chính, gần 600 khán giả ngồi say mê thưởng thức chương trình văn nghệ do các sinh viên, học sinh và các ca sĩ trong vùng trình diễn.Những bản nhạc Xuân vui tươi, những điệu múa lả lướt, những bộ áo dài tha thướt trong màn trình diễn thời trang, những màn hoạt cảnh, vở kịch táo quân… Tiết mục nào bà con cũng hoan nghênh với những tràng pháo tay vang vang!
Để chấm dứt chương trình văn nghệ, tất các tài tử, những người phụ giúp trong hậu trường và ban tổ chức, đều ra sân khấu, hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang.Thu Thủy cũng mời tôi ra để tặng một bó hoa hồng đỏ thắm.
Tôi đứng trên sân khấu, lòng tràn ngập niềm vui! Cùng với các em, tôi cất cao tiếng hát: “Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tànĐường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang…”Những ngày cuối cùng, trước khi vào bệnh viện, gia đình tôi ngày nào cũng xum họp, tiệc tùng, ăn uống, rất là vui vẻ. Tôi nói đùa với các con:
– Ngày thường, mấy đứa cứ mải lo làm ăn và săn sóc con cái, quên để ý đến mẹ, nên mẹ “dọa” mấy đứa đó mà! Mẹ không chết đâu, đừng có lo!
Những lúc mệt hoặc rảnh rang, tôi lại nằm xem hai cái DVD Dòng Thời Gian và Ba Năm Sinh Hoạt Nhà Việt Nam mà cháu Vân đã làm để tặng cho tôi với lời kể:
“Cháu làm mất nhiều thời gian lắm vì cứ vừa làm vừa khóc!”
Xem DVD, tôi không khóc! Tôi thấy thật vui vì những tấm ảnh của tôi với gia đình và bạn hữu, đã cho tôi sống lại một thời êm đềm, hoa mộng xa xưa…
Những bản nhạc nền mà cháu Vân lồng vào cuốn DVD Dòng Thời Gian cũng đưa tôi về với khung trời kỷ niệm của những mối tình nhẹ nhàng như cánh bướm non, lãng đãng như mây lang thang trên bầu trời xanh thẳm!
Buổi sáng ngày 23, vào lúc 9 giờ, tôi rời căn nhà thân yêu, cùng các con, ông anh rể Bích Hoài từ Texas và bà Bác sĩ Chung từ CharlotVille lên, để đến bệnh viện Inova Fairfax. Đến phòng đợi, tôi đã thấy các chị và các cháu tôi ngồi chờ sẵn ở đó. Chúng tôi chỉ còn đủ thời giờ chụp năm ba tấm ảnh và quay một đoạn phim ngắn để làm kỷ niệm.
Có điều lạ là tất cả mọi người, kể cả tôi, ai nấy luôn luôn nói cười vui vẻ, cứ như là mọi đang tiễn tôi đi du lịch chứ không phải tiễn tôi lên bàn mổ với căn bệnh hiểm nghèo!Rồi tôi ôm mọi người từ giã, khi có nhân viên của bệnh viện ra đón, đưa tôi và các con tôi vào một căn phòng nhỏ, sát ngay phòng mổ.
Ở đây, năm, sáu Bác sĩ sẽ có mặt trong phòng mổ, đã ghé thăm tôi trước khi tôi được chụp thuốc mê.Hình ảnh cuối cùng trong tôi là khuôn mặt lo âu của các con khi nắm tay tôi lần cuối và nét mặt hiền hậu, dáng vẻ “Lương y như từ mẫu” của Bác sĩ Otchy, vị Bác sĩ chính cho cuộc giải phẫu đầy khó khăn của tôi.|
Tất nhiên, tôi không thể biết được diễn tiến của cuộc giải phẫu, nhưng với thời gian từ 12 giờ trưa cho tới 7 giờ chiều và sự có mặt của năm, sáu vị Bác sĩ đã cho tôi biết rằng đây không phải là một cuộc giải phẫu dễ dàng!
Khi tỉnh lại, tôi thấy tôi được nằm trong căn phòng số 7, tầng 11. Căn phòng thật đẹp với một giường cho người bệnh và một ghế Sofa lớn dành cho thân nhân ở lại.
Tôi có cảm tưởng đây không phải là bệnh viện, mà là một khách sạn năm sao!Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy trời xanh, mây trắng. Tôi thấy bệnh viện Inova Fairfax rộng mênh mông. Xa xa là một khoảng không gian quen thuộc với những ngôi nhà, những khu thương mại trên đường Gallows mà tôi thường qua lại, lui tới.
Những ngày đầu sau cuộc giải phẫu, tôi được chăm sóc rất chu đáo! Cứ chợp mắt được một chút là đã lại thấy Y tá vào đo nhiệt độ, áp huyết, tim mạch và cho nhiều thứ thuốc để uống.
Tất cả các Y tá, nhân viên của bệnh viện, dù họ đến từ những Quốc gia khác biệt, ai nấy đều dịu dàng, ân cần và tươi cười với bệnh nhân trong mọi tình huống.
Tôi thắc mắc, không hiểu bệnh viện Inova Fairfax đã huấn luyện được những nhân viên tuyệt vời như thế hay là những người này đã như thế khi họ chọn cái nghề xoa dịu những nỗi khổ đau của bệnh nhân?
Một máy Computer ở góc phòng để Bác sĩ, Y tá ghi giời giấc, các thứ thuốc men và diễn tiến của bệnh nhân để những người sau và Bác sĩ có thể theo dõi. Hai cái túi đựng rác thật lớn, thoáng một cái là đã đầy ắp, bởi vì trước khi vào phòng tôi, ai cũng phải mặc chiếc áo choàng bằng giấy, khi ra khỏi phòng lại cởi ra, cho vào túi rác.Những hộp bao tay màu xanh được mọi người dùng tối đa.Những chiếc khăn mềm mại, nóng ấm được các nhân viên bệnh viện lau mặt, lau người cho tôi mỗi ngày. Khăn trải giường chưa nhàu đã được thay khăn mới.Những phương tiện y khoa tối tân nhất được mang vào phòng tôi ngay lập tức mỗi khi cần thiết. Chụp hình phổi, đo tim, nhân viên bệnh viện cũng mang máy móc vào tận nơi.Truyền nước biển, truyền máu, truyền thuốc trụ sinh, truyền thức ăn, truyền những thứ thuốc…luôn luôn được nối vào những cái ống nho nhỏ gắn sẵn vào mạch máu nơi cánh tay gầy guộc của tôi.
Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, thường có Bác sĩ vào thăm. Hai cô con gái của tôi, một cô ban ngày, một cô ban đêm, ở hẳn trong bệnh viện để săn sóc mẹ. Ngày xuất viện, tôi được bệnh viện cho mang về nhà rất nhiều thuốc và những vật dụng linh tinh, cần thiết cho một người bệnh. Một cô bé người Việt Nam tên là Nina, làm việc thiện nguyện, đẩy chiếc xe lăn tôi ngồi. len lỏi qua các lối hành lang dài của bệnh viện để ra cửa chính, nơi có sẵn xe của con gái tôi đang chờ đón mẹ.
Tôi thầm cảm ơn Trời, Phật đã lại một lần nữa, cho tôi vượt qua được cuộc giải phẫu khó khăn, để lát nữa đây, tôi còn thấy được trời xanh, mây trắng, những giọt nắng vàng lung linh trên cành cây, ngọn cỏ, những ụ tuyết còn đọng ở ven đường và những người thân yêu đang chờ đợi tôi trở về từ cõi chết!Sự tận tình chăm sóc và chữa trị của các Bác sĩ, Y tá và nhân viên bệnh viện Inova Fairfax cũng như những phương tiện Y khoa tối tân mà tôi được hưởng trong những ngày qua, đã cho tôi một ý nghĩ: Bệnh viện Inova Fairfax là Thiên Đường Của Những Người Bệnh!
Lời cuối: Những tháng năm dài, một mình nuôi các con nhỏ với căn bệnh ung thư và những cuộc giải phẫu, hóa trị, xạ trị, không phải là một sự dễ dàng đối với tôi trong cuộc sống nơi xứ lạ!
Nhưng tôi đã vượt qua được tất cả để sống vui trong sự vất vả và bệnh tật!
Làm việc, yêu đời, yêu mình, yêu người.
Đó là cách sống đã làm cho tôi cảm thấy mình là một người hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh!
Tôi xin chia sẻ tâm tình và kinh nghiệm bản thân của tôi với những người đang mang chứng bệnh ung thư và tất cả những người đã tình cờ đọc được bài viết
“Vui Với Ung Thư”, một tựa đề không bình thường,
do một người không bình thường viết.
Ước mong rằng quý vị sẽ quẳng gánh lo đi, sống thật vui, kẻo uống phí thời gian còn lại trên cõi đời này!
Lê Thị Nhị