VIỆT NAM KHÔNG PHẢI LÀ MIẾN ĐIỆN (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Mỗi khi có một cuộc cách mạng dân chủ hay thắng lợi của phong trào dân chủ tại một nước độc tài nào đó, những người Việt quan tâm đến tương lai đất nước thường ngậm ngùi tự hỏi tại sao không phải là Việt Nam.

Sáng nay thức dậy đọc tin chiến thắng của Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (National League for Democracy, NLD) dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi và nền dân chủ tại Miến Điện đang được phục hồi lần đầu sau 25 năm dưới chế độ quân phiệt, những người Việt quan tâm đó chắc lại một lần nữa thở than tại sao sau bao nhiêu năm Việt Nam vẫn chưa có một Aung San Suu Kyi, chưa tạo được một phong trào đối kháng có khả năng lật đổ chế độ CSVN.

Thật sự, điều kiện chính trị của Miến Điện khác nhiều so với Việt Nam.

1. Cơ sở hạ tầng của NLD hoạt động chặt chẽ, phong trào dân chủ Việt Nam chỉ mới hình thành. Đảng đối lập NLD có cơ sở hạ tầng vững chắc và đã thắng 396 trong tổng số 485 ghế Quốc hội trong cuộc bầu cử dân chủ công khai được quốc tế công nhận năm 1990, trước khi bị đám quân phiệt đàn áp. Cơ sở hạ tầng đó không bị tiêu diệt hay chết dần theo thời gian mà đã tiếp tục lớn lên. Ngay cả các đại diện ngoại giao và quốc tế của NLD vẫn tiếp tục hoạt động ngoài Miến Điện sau khi bà Aung San Suu Kyi bị tù. Phong trào dân chủ Việt Nam chưa bao giờ có được cơ hội hoạt động công khai hay bán công khai. Các phong trào xã hội tại Việt Nam còn rất non trẻ và các lãnh đạo của phong trào lần lượt bị tù đày.

2. Quân phiệt Miến độc tài, CSVN toàn trị. Tập đoàn lãnh đạo Miến Điện dù sao cũng chỉ là một tập đoàn quân phiệt tay ngang, võ biền chứ không phải là một chế độ độc tài toàn trị được tổ chức tinh vi, nắm trong tay không những quân đội, công an, nhà tù, sân bắn mà còn có khả năng kiểm soát từng ngôi chùa, nhà thờ, thánh thất, từng hộ khẩu, từng cân đường, cân gạo của mỗi người dân như đảng Cộng sản Việt Nam. Giới lãnh đạo Việt Nam đối với Trung Quốc thì rụt rè, khép nép nhưng trấn áp dân mình thì rất giỏi.

3. Quân phiệt Miến xa rời lịch sử, CSVN sống bám vào lịch sử. Tập đoàn quân phiệt Miến không có chỗ dựa lịch sử. Lịch sử đứng về phía bà Aung San Suu Kyi và nhân dân Miến. Đảng Cộng sản Việt Nam thì khác, họ bám sâu vào cây đại thụ dân tộc Việt Nam, sinh sôi nẩy nở bằng nhựa nguyên và nhựa luyện Việt Nam. Đảng CS đồng hóa đảng và dân tộc, lịch sử đảng và lịch sử dân tộc. Bộ máy tuyên truyền của đảng giải thích lịch sử theo quan điểm của đảng. Quá trình hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam là một quá trình đầy ngộ nhận lịch sử và họ tồn tại đến ngày nay, một phần cũng nhờ vào những ngộ nhận đó.

4. Quân phiệt Miến kiểm soát bậc đại học, CSVN đầu độc tuổi trẻ từ khi biết nói. Quân phiệt Miến độc tài nhưng không theo đuổi chính sách tẩy não tận cùng như CSVN đã và đang làm với các thế hệ Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam lớn lên trong nền giáo dục một chiều và phản khoa học. Họ được dạy sự có mặt của Đảng Cộng sản trong đời sống chính trị và sinh hoạt xã hội Việt Nam tự nhiên chẳng khác gì bốn mùa xuân hạ thu đông. Nói như Mác, tự do là sự thừa nhận các quy luật tất yếu, và sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được giải thích như là tất yếu. Nền giáo dục vẹt tồn tại trong xã hội Việt Nam từ bao nhiêu năm qua đã giết chết mọi mầm mống sáng tạo tự nhiên trong con người. Sự nô lệ trí thức như là một loại vi trùng sinh sôi và lan rộng trong từng con người, qua nhiều thế hệ, xói mòn và tàn phá tính khai phóng, làm thui chột tính sáng tạo trong con người. Suy nghĩ lạc hậu đó được tiêm vào nhận thức tuổi thơ từ khi các em mới tập nói và cũng tồn tại trong một số không ít những người được gọi là trí thức. Muốn tháo gỡ ra, muốn tách hệ ý thức lạc hậu đó ra, mà không phải làm ung thối đi nguồn nhựa sống hay làm ngã cây cổ thụ dân tộc, không phải là một chuyện dễ dàng.

5. Quân phiệt Miến bị thế giới cô lập, CSVN được Tàu nuôi dưỡng. Không giống tập đoàn quân phiến Miến cô đơn trong lòng dân tộc và bị cô lập về mặt quốc tế, CSVN đang được Tàu nuôi dưỡng. Như đã phân tích trước đây trong bài Trung Cộng không đáng sợ, mặc dù không công khai tuyên bố, giới lãnh đạo CSTQ cũng biết hiện nay chỉ còn năm quốc gia theo một loại chủ nghĩa mà giáo sư sử học Roderick Macfarquhar, thuộc đại học Harvard, gọi là chủ nghĩa Lê Nin không có Mác, tức một nhà nước chuyên chính sắc máu nhưng không còn dựa trên nền tảng triết lý duy vật. Hai cơ chế chính trị CSTQ và CSVN có một mối quan hệ hữu cơ mật thiết với các yếu tố tương quan và phụ thuộc vào nhau. Sự lệ thuộc về chính trị của Việt Nam vào Trung Cộng không chỉ giúp để giữ an toàn phòng tuyến phía nam mà còn tránh sự sụp đổ dây chuyền trong trường hợp cách mạng dân chủ tại Việt Nam diễn ra trước. Không có bình sữa của Tàu, CSVN chết khô, chết héo từ lâu rồi.

Bài học Miến Điện cho phong trào dân chủ Việt Nam

1. Chọn lựa đúng thời điểm đấu tranh trực diện. Trong vài ngày qua, báo chí và dư luận ca ngợi bà Aung San Suu Kyi như một lãnh tụ tài ba và can đảm, và không ít người cũng ca ngợi Thein Sein như một lãnh đạo thức thời đã mở ra cánh cửa mới cho xứ sở ông ta. Vâng. Bà Aung San Suu Kyi là một lãnh tụ tài ba, can đảm và có tầm nhìn xa vào tương lai Miến Điện. Việc bà chấp nhận được trả tự do trong lúc hàng trăm bạn chiến đấu của bà vẫn còn đang bị tù và chỉ sáu ngày sau cuộc bầu cử trong đó cánh quân phiệt chiếm đại đa số trong quốc hội là một chọn lựa hết sức can đảm. Hai mươi năm trước đó, chiều ngày 11 tháng Giêng năm 1990, Nelson Mandela cũng chọn lựa để bước ra khỏi cổng nhà tù Victor Verster trong lúc các bạn chiến đấu của ông vẫn còn bị tù. Với bà Aung San Suu Kyi và Nelson Madela, tự do không phải là tự do cho riêng họ mà chỉ là bước đầu trong hành trình đầy gian nan phục hưng đất nước. Họ can đảm không phải vì chịu tù đày mà chọn lựa khi cần phải chọn lựa. Cả hai đã chọn đúng thời điểm để đấu tranh trực diện.

2. Sức mạnh nhân dân là nền tảng. Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo về mặt tinh thần và tổ chức của bà Aung San Suu Kyi, tuy nhiên những người quyết định vận mạng Miến Điện không phải là Aung San Suu Kyi hay Thein Sein mà chính là nhân dân Miến suốt 53 năm dài vẫn kiên trì tranh đấu cho tự do dân chủ. Cuộc đấu tranh đó bắt đầu từ 1962, 26 năm trước biến cố đẫm máu 8888 (8/8/1988) mà bà Aung San Suu Kyi tham gia. Nhắc lại, cuộc nổi dậy 8888 bắt đầu vào tuần lễ đầu tháng 7, 1988 của nhiều trăm ngàn dân Miến đòi dân chủ và đã bị tập đoàn quân phiệt đàn áp một cách tàn nhẫn. Cảnh sát và quân đội được lịnh bắn thẳng vào đoàn biểu tình. Bà Aung San Suu Kyi tham gia vào cuộc nổi dậy ngày 28 tháng 8 với diễn văn tại chùa Shwedagon và NLD được thành lập một tháng sau đó. Từ đó bà lãnh đạo cuộc đấu tranh dân chủ bằng phương pháp bất bạo động cho đến hôm nay. Trong suốt 53 năm, hay 25 năm nếu tính từ lần bầu cử tự do 1990, nhiều ngàn người dân Miến bị giết chết cùng nhiều ngàn người khác bị tù. Máu của họ không đổ xuống trong oan uổng mà đã tô thắm con đường dân chủ của Miến Điện hôm nay. Những người dân bình thường, không tên tuổi đó mới thật sự là những anh hùng dân chủ của dân tộc Miến.

3. Chiến lược tranh cử thông minh. Cuộc bầu cử tại Miến không phải chỉ có hai đảng USDP (Union Solidarity and Development Party) và NLD (National League for Democracy) mà đã có tới 90 đảng lớn nhỏ tranh nhau vào quốc hội. Tuy nhiên, với mục đích loại đảng USDP do quân đội ủng hộ, cánh dân chủ đưa ra khẩu hiệu là chọn một trong hai, Chọn Quân Đội (Military Selection) hay bầu Bầu Cử Dân Chủ (Real Election). Hẳn nhiên không phải người dân nào cũng ủng hộ cánh dân chủ, và ngay cả không phải ai cũng ủng hộ bà Aung San Suu Kyi, nhưng đều ý thức đó là chuyện về sau, trước mắt phải tập trung dứt điểm độc tài quân phiệt bằng cách không bầu cho USDP. Cuộc đấu tranh giành độc lập tại các quốc gia vùng Baltic trong những năm đầu 1990 cũng vậy. Các lãnh tụ phong trào dân chủ ý thức rằng chỉ tập trung được sức mạnh toàn dân mới thắng được CS. Trong cuộc bầu cử quốc hội Latvia tháng 6, 1993 có tới 23 đảng ghi danh ứng cử nhưng khi đối đầu với Liên Xô hai năm trước họ chỉ đứng dưới hàng ngũ của Mặt Trận Dân Tộc (Popular Front).

Thành công của phong trào dân chủ tại Miến Điện hy vọng sẽ là bài học cho những ai quan tâm đến tương lai Việt Nam. Điều kiện văn hóa lịch sử, kinh tế chính trị của mỗi quốc gia mỗi khác nhưng học hỏi kinh nghiệm vận động dân chủ tại các nước độc tài trên thế giới bao giờ cũng cần thiết.

Dân tộc Miến may mắn có một Aung San Suu Kyi tài ba, đảm lược và xứng đáng với tất cả lời ca ngợi thế giới dành cho bà.

Việt Nam không có Aung San Suu Kyi, nhưng không phải vì thế mà cuộc vận động dân chủ phải dừng lại và các phong trào dân chủ phải đốt đuốc đi tìm cho ra được một minh quân để dẫn lối soi đường trước khi tiếp tục. Đừng quên, hàng trăm quốc gia đã chiến đấu đầy hy sinh gian khổ để giành được độc lập từ chủ nghĩa thực dân suốt thế kỷ 19 và thế kỷ 20 nhưng không phải quốc gia nào cũng có một Mahatma Gandhi. Thay vì chờ đợi một nhân tài cứu nước hay đi vay mượn chiếc búa ngoại bang để về đập đổ bức tường chuyên chính, hãy bắt đầu từ những bàn tay Việt Nam nhỏ nhoi và kiên nhẫn để xoi mòn cơ chế độc tài đảng trị. Con đường có thể dài nhưng đích thực đó là con đường tự chủ.

Trần Trung Đạo