Sáng ngày Thứ Sáu mùng 9 Tháng 10 Năm 2020, tôi đến căn phòng số 1 thuộc Peek Family Funeral, thành phố Westminster, nam California, rất sớm để viếng anh Huỳnh Văn Kiên lần cuối. Tuần trước, bất ngờ nhận được email của cô con gái anh, cô Jasmine báo tin anh mất ngày 22 Tháng 9, mà tôi không hề hay biết. Trong khi chờ đợi nghi lễ tụng niệm Phật Giáo ở phòng bên trong, tôi ngồi đợi ở phòng ngoài mà tâm tưởng nhớ đến anh trong bốn năm cuối cùng đồng cam cộng khổ với nhau trong trại giam Hàm Tân Z-30D của cộng sản từ năm 1988 đến 1992, cùng trong một đội lao động mang số 20. Lúc đó toàn thể những tù nhân chính trị còn bị giam giữ chỉ vỏn vẹn khoảng 150 người, anh đang ở trại Hàm Tân, còn tôi trong số 90 người tù cuối cùng vừa chuyển trại từ Ba Sao Nam Hà ngoài Bắc vào Nam và gặp anh. Tôi và anh cùng chung số phận bị giam cho đến cuối cùng, mang trên vai 17 năm tù tội và lưu đầy. Ngày 29-4-1992, tôi ra khỏi trại giam và không có dịp gặp lại anh nữa cho mãi đến khi qua Mỹ định cư cùng ở Nam California thì tôi gặp anh một lần duy nhất cách đây trên 10 năm trước khu chợ Bolsa, Westminster, nam Cali. Tôi mừng quá hỏi thăm anh thì anh chỉ nhìn ra xa rồi nói: “Anh buồn quá Đại ơi! Không thiết gì nữa, không muốn gặp ai nữa.”Và từ đó biệt tăm. Tôi hiểu tâm trạng của nhiều người ra khỏi trại giam cộng sản thì muốn rút vào bên trong như chui vào cái kén để quên đi bao năm tháng đau thương cay đắng uất nghẹn. Tôi cũng đã hiểu vì sao các tù binh, các phi công Mỹ bị giam giữ tại Hỏa Lò khi trở về nước, đã mang những hội chứng của thời hậu chiến.
(Ảnh của Tác Giả)
Sau khi nghi thức tụng niệm xong, tôi vào phòng bên trong để chia buồn cùng chị và các cháu. Các cháu cho biết anh trở về với gia đình như cái bóng và không hề bao giờ nhắc đến những năm tháng tù đầy. Tôi đã chia sẻ những kỷ niệm buồn vui với anh trong tù với các cháu và ký tặng các cháu cuốn hồi ký “Những Người Tù Cuối Cùng” và bản Anh Ngữ “The Last Prisoners”. Nhìn các cháu con của anh mắt ngấn lệ hay thâm quầng vì cái tang quá lớn trong đời, tôi không cầm được xúc động vì những người tù cuối cùng cứ lần lữa ra đi. Anh Kiên cũng nằm trong số 20 người tù cuối cùng trong đó có bốn tướng bây giờ đều đã về trời: Tướng Lê Văn Thân, Đỗ Kế Giai, Trần Bá Di, và Lê Minh Đảo.
Tôi cũng gặp lại một số bạn cựu tù nhân trước cùng ngành An Ninh Quân Đội (ANQĐ) với anh Kiên, và các anh cùng Khóa 5 Vì Dân, Trường Võ Bị Thủ Đức, cũng đến chào anh Huỳnh Văn Kiên lần cuối – người sĩ quan cao cấp của ngành ANQĐ, một sĩ quan ưu tú của QLVNCH đã được tưởng thưởng Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng. Cũng vì thành tích đó mà anh bị cộng sản trả thù một cách thấp hèn qua giam giữ anh 17 năm, nhất định không thả. Cũng để tưởng nhớ đến người sĩ quan ưu tú này của QLVNCH mà các bạn anh Khóa Vì Dân Thủ Đức cùng thân nhân đã điều hành nghi lễ phủ cờ trên quan tài anh.
Nếu không có chính phủ Hoa Kỳ, không có TT Ronald Reagan và hàng trăm tổ chức cá nhân tranh đấu và thương thuyết như Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị của bà Khúc Minh Thơ, thì anh cũng như tôi đã nằm xuống trong trại giam rồi – không có ngày ra.
Sau khi chụp vài tấm hình kỷ niệm với các con cháu của anh, tôi từ giã chị các cháu ra về mà lòng nặng trĩu. Vẫn biết con người có sanh thì có tử, nhưng mỗi lần nghe tin một bạn tù nằm xuống, nhất là trong số những người tù cuối cùng 17 năm đã bị hành xác trong trại giam cộng sản, tôi thấy như mình mất mát một cái gì quý hiếm. Cầu nguyện cho anh Huỳnh Văn Kiên và quý anh đã quá vãng sớm được lên Miền Vĩnh Hằng
PHẠM GIA ĐẠI