VÁN BÀI TRUNG CỘNG Ở BIỂN ĐÔNG (Trọng Nghĩa RFI)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ảnh chụp Đá Xu Bi (Trường Sa), nơi Trung Quốc đã xây dựng 1 phi đạo cùng nhiều cơ sở dùng vào mục tiêu quân sự (Ảnh Reuters/Erik de Castro) 

Tuần báo Anh The Economist số ghi ngày 12/05/2018 là tờ tuần báo hiếm hoi quan tâm đến Biển Đông với một bài phân tích của phóng viên tại Washington mang tựa đề khá châm biếm: “Quậy phá: Trung Cộng đã bố trí hỏa tiễn trên các đảo ở Biển Đông”. Điểm đáng chú ý là tác giả bài báo đã có một cái nhìn khác với xu hướng hiện nay, theo đó Mỹ đã để mất Biển Đông vào tay Trung Cộng. Đối với The Economist, mọi sự chưa hẳn đã được an bài.

Bài báo mở đầu bằng lời báo động vào tháng Tư (2018) vừa qua của đô đốc Philip Davidson, người được tổng thống Donald Trump đề cử lãnh đạo lực lượng vũ trang Mỹ ở Thái Bình Dương.

Theo viên tướng này, sau gần 5 năm nạo vét và bồi đắp các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với Philippines, Malaysia và Việt Nam, “Trung Cộng hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống ngoại trừ một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ“.

Đô đốc Davidson đã nêu bật việc Trung Cộng đã đưa lên các thực thể đủ loại thiết bị quân sự, điều duy nhất chưa thấy là “lực lượng đồn trú“. Theo viên tướng Mỹ, một khi lực lượng này được khai triển, các tiền đồn của Trung Cộng sẽ có thể thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và “áp đảo dễ dàng” các đối thủ châu Á đòi chủ quyền trên các vùng biển đó.

Vào đầu tháng Năm, toàn cảnh mà đô đốc Davidson vẽ ra đã được tình báo Mỹ chi tiết hóa bằng thông tin, theo đó Bắc Kinh dường như đã khai triển hỏa tiễn trên ba thực thể – Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef) – từ các loại hỏa tiễn hành trình diệt chiến hạm YJ-12B với tầm bắn 295 hải lý (545km), đến hỏa tiễn địa đối không HQ-9B có thể tiêu diệt phi cơ có và không người lái trong phạm vi 160 hải lý.

Khi được hỏi về điều này, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders khẳng định rằng chính quyền Trump “biết rất rõ về hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Cộng” và đe dọa Bắc Kinh về “những hậu quả” phải gánh chịu.

Đối với The Economist, cho đến những năm cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, nhiều sĩ quan quân đội và quan chức Tòa Bạch Ốc đã xem nhẹ việc Trung Cộng cải tạo các rạn san hô đang tranh chấp. Theo họ, các căn cứ mà Bắc Kinh bồi đắp không có gì đáng ngại, và có thể bị tiêu diệt nhanh chóng trong một cuộc xung đột thực sự.

Theo chuyên gia Andrew Erickson thuộc trường Hải Chiến Mỹ, ngay cả vào lúc này, các cơ sở đó cũng không đáng sợ hơn bao nhiêu, thế nhưng mục tiêu của Trung Cộng không phải là khởi động một cuộc chiến tranh với Mỹ, mà là giữ thế thượng phong trong thời bình, hoặc trong các cuộc khủng hoảng ở trong “vùng xám”, giữa hòa bình và chiến tranh. Trung Cộng muốn nói rõ với những láng giềng nhỏ và yếu hơn rằng họ sẽ phải “trả giá khủng khiếp nếu cố chống lại Trung Cộng ở Biển Đông”…

Tuy vậy, đối với chuyên gia Erickson, Biển Đông chưa bị mất. cho đến nay Mỹ đã ngăn cản được, không cho Trung Cộng phát triển khu vực bãi Scarborough, một rạn san hô ngoài khơi Philippines, đang bị Bắc Kinh kiểm soát. Nếu biến được nơi này thành tiền đồn, Trung Cộng sẽ hoàn thành được mục tiêu khống chế hoàn toàn Biển Đông.

Một dấu hiệu khác: Từ lúc ông Trump lên làm tổng thống, chưa thấy Trung Cộng có hành động khiêu khích trắng trợn nào nhắm vào tàu Mỹ hoạt động hợp pháp trong vùng.

Đồng thuận chống Trung Cộng ngày càng tăng tại Mỹ

Khi nói về các hậu quả mà Trung Cộng sẽ phải gánh chịu, chính quyền Trump có vẻ rất mơ hồ. Nhưng điều đó phù hợp với đồng thuận ngày càng tăng giữa các tướng lĩnh Mỹ, đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ trong Quốc Hội, và ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.

Hầu như tuần nào cũng có, hoặc là điều trần tại Quốc Hội, hoặc là những hội thảo của các trung tâm tham vấn, để tranh luận về cách thức – chứ không còn là nên hay không nên – đẩy lùi Trung Cộng. Chủ đề có lúc là sức mạnh quân sự đang phát triển nhanh chóng của Bắc Kinh, có lúc khác lại là những hành vi thù địch ngấm ngầm của Trung Cộng, chẳng hạn như hành vi trộm cắp hoặc buộc các doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao kỹ thuật công nghệ…

Quy mô ngày càng lớn của các mối lo ngại của Mỹ về Trung Cộng giúp giải thích sự thiếu tiến bộ khi một phái đoàn chính phủ do bộ trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin dẫn đầu, đến thăm Bắc Kinh vào ngày 3-4/05. Yêu cầu của Mỹ đi từ việc đòi Trung Cộng giảm thâm hụt thương mại song phương xuống 200 tỷ đô la một năm vào năm 2020, đến việc muốn Bắc Kinh giảm bớt việc ép buộc chuyển giao công nghệ, và ngừng trợ cấp cho các doanh nghiệp công nghệ cao mà Bắc Kinh muốn ủng hộ trong kế hoạch công nghiệp “Made in China 2025” của họ.

Ở Trung Cộng, chính quyền Trump bị buộc tội là thiếu nhất quán và không biết mình muốn gì. Nhưng nhìn từ Washington, Trung Cộng đang tấn công hay thách thức trên nhiều mặt trận, khiến cho Mỹ phải nghĩ đến việc “đẩy lùi toàn diện”. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ không cần đến một đô đốc để nói với họ rằng bão tố đang chờ ở phía trước.

Trọng nghĩa (RFI)