TƯỞNG NIỆM CỐ TT NGÔ ĐÌNH DIỆM, NHÂN NGÀY TUẪN QUỐC CỦA NGÀI- NGUYỄN ĐỨC CUNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

TT Ngô Đình Diệm

26 October 1955 – 2 November 1963

 

TƯỞNG NIỆM MỘT CÁI CHẾT

Bài viết của Linh Mục Sử gia NGUYỄN PHƯƠNG 

    (1921-1993) 

Nói đến việc tưởng niệm một cái chết vào mùa này, đối với những người Việt

tỵ nạn vì bị mất miền Nam Việt Nam vào tay Cộng sản, thiết nghĩ không mấy ai phải

đặt câu hỏi rằng cái chết đây là cái chết của ai. Họ càng không hoài nghi nữa sau khi

xuất hiện tập sách bất hạnh của Đỗ Mậu, nhất là sau những bài phê bình chang chang

như búa bổ của ông Đinh Từ Thức trong báo Văn Nghệ Tiền Phong suốt mấy tháng

vừa qua. Chính dư luận sôi nổi về tập Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi đã thúc

dục bần bút nhìn kỹ hơn vào cái chết thê thảm, nhưng chứa đầy ý nghĩa của cựu

Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

  Đại uý Đỗ Thọ, khi ghi lại những gì xảy ra liên quan đến cái chết rất đáng ghi

nhớ này, đã đoán rằng “định mệnh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm có lẽ đã bắt đầu

từ 4 giờ chiều, khi Đại sứ Hoa Kỳ Henri Cabot Lodge yêu cầu Tổng Thống Diệm

đầu hàng và hứa bảo toàn tính mạng, đồng thời đã sẵn máy bay cho Tổng Thống và

ông Ngô Đình Nhu ra ngoại quốc” (trang 186). Đại uý đoán đúng, vì Đại uý chỉ nhìn

vào giai đoạn trực tiếp đem đến cái chết của vị nguyên thủ của Cộng Hoà Việt Nam,

nhưng đúng hơn có lẽ phải nói rằng định mệnh của Cụ Diệm đã bắt đầu từ ngày 26.6.

1954 khi cựu Hoàng Bảo Đại, Quốc Trưởng Việt Nam lúc đó, từ Pháp, ký vào sắc

lệnh đặt nhà chí sĩ họ Ngô làm Thủ Tướng Việt Nam. Đó mới thực sự là khúc quanh

của cuộc đời Cụ, nó dẫn thẳng đến cái chết của sáng mồng 2.11.1963.

  Thật vậy, kể từ ngày đó, số phận của Cụ và vận mệnh của Quốc gia Việt Nam 

đã được Cụ thắt chặt vào nhau một cách vĩnh viễn. Cụ sẽ làm tất cả vì đất nước, bất

cứ gì, và bất chấp hậu quả ra sao. Vì đất nước, Cụ chống Pháp. Vì đất nước, Cụ cự

tuyệt với Cộng sản. Vì đất nước, Cụ tuyên bố không thi hành Hiệp Định Giơ-neo.

Vì đất nước, Cụ đè bẹp các lực lượng tạo loạn theo lệnh của Pháp và cựu Hoàng. Vì

đất nước, Cụ truất phế chính cựu Hoàng Bảo Đại. Và cũng vì đất nước, Cụ hiên

ngang đi ngược lại với ý định của Hoa Kỳ để bị giết trong chiếc M113 của viện trợ

Mỹ.

  Về việc Cụ truất phế cựu Hoàng Bảo Đại vào tháng 10.1955, một số người đã

viện dẫn Nho giáo để trách Cụ. Trong lúc đó, một số người khác cho rằng trách Cụ

như thế là không đúng và muốn tránh cho Cụ trách nhiệm vi phạm chữ Trung, lại

trình bày giai đoạn lịch sử trọng đại này bằng cách làm nổi mạnh lên các chi tiết phụ

thuộc như sáng kiến truất phế của Hội Đồng Cách Mạng Quốc Gia, hay nhân dân đã

hồn nhiên đứng lên chống lại một vị Quốc Trưởng vô trách nhiệm. Nếu cứ nhìn bề

ngoài thì vốn có thật việc Hội Đồng Cách Mạng trình bày ý kiến và lên tiếng ồ ạt ở

Toà Đô Sảnh, và vốn có thật việc trưng cầu dân ý mà kết quả là hạ bệ cựu Hoàng.

Nhưng thực tình mà nói, và lịch sử làm chứng chỗ thực tình này, là việc truất phế đã

bắt nguồn từ một nguồn cao hơn, từ chính Cụ Diệm. Cái vấn đề là tìm hiểu tại sao

Cụ phải hành động như thế.

  Động cơ thúc đẩy Cụ phải ra tay mạnh mẽ, một đàng là vì tình trạng cấp bách

của đất nước đòi buộc. Chắc nhiều người còn nhớ các hoạt động tạo loạn của các

giáo phái, còn nhớ các mưu mô phá hoại ngạo nghễ và thâm độc của thực dân Pháp,

và nhất là còn nhớ chính cựu Hoàng, đang làm tay sai cho Pháp vì cái túi tiền rỗng

tuếch của mình trước sự đòi hỏi của xa hoa, lúc đó đã hai lần ra lệnh đòi Cụ Diệm

sang Pháp và đã liệu để Tướng Nguyễn Văn Vỹ lên thay. Cùng một lúc, Cộng sản

miền Bắc cũng vận động đủ cách để thi hành Hiệp Định Giơ-neo, nghĩa là để thôn

tính nốt phần đất tự do còn lại. Hiệp Định chia đôi Việt Nam, chỉ là chính sách giai

đoạn: không nuốt được cả nước một lúc thì chia đôi để nuốt dần. Và lần nuốt thứ hai

đã được ấn định vào hè 1956 dưới hình thức rất dễ nghe và rất dân chủ là mở tổng

tuyển cử để tái thống nhất đất nước. Biết rằng miền Nam không chuẩn bị kịp vì tình

trạng nội bộ như vừa nói, và rằng Cộng sản sẽ lũng đoạn cuộc bầu cử tự do cả ở Bắc

lẫn ở Nam, nên kể từ đầu 1955, Cụ Diệm đã khẳng khái chống lại Hiệp Định, lấy lẽ

rằng chính phủ Cụ không ký vào. Có giữ vững được lập trường này, miền Nam Việt

Nam mới còn, lung lay trong lập trường này, là miền Nam mất. Nhưng có điều này

then chốt là chính phủ Cụ Diệm không ký vào Hiệp Định, nhưng chính phủ Pháp đã

ký. Mà Bảo Đại là tay sai của Pháp, cũng như Bảy Viễn, cũng như Tướng Nguyễn

Văn Hinh, cũng như các giáo phái, và nhất là cũng như Tướng Vỹ, kẻ đang được

cựu Hoàng đặt lên thay thế Cụ. Nói rằng Thủ Tướng phải theo lệnh Quốc Trưởng

thì rất dễ nghe, nhưng nói một nhà ái quốc chân chính phải phản bội Quốc gia, thì

không sao Cụ Diệm nghe được. Mà lúc đó, vâng lệnh cựu Hoàng Bảo Đại chính là

phản bội Quốc gia.

  Đàng khác, nếu Cụ Diệm đã học được chữ Trung đối với ông vua trong nước,

Cụ cũng đã học được hai chữ bổn phận đối với Thượng Đế trong đạo lý Nhân Vị của

Cụ. Trong phạm vi trị dân của Nho giáo, Trung Quân có thể là chỗ tối cao, nhưng

đạo lý Nhân Vị, một đạo lý đặt Thượng Đế ở địa vị tối thượng, đối với tất cả mọi

việc, kể cả việc trị dân. Những kẻ có bổn phận phải phục vụ đất nước, phải phục vụ

theo ý của Thượng Đế, chứ không phải theo ý riêng. Bất cứ ai phản bội dân đều là

kẻ đắc tội, mà đối với Cụ Diệm, cựu Hoàng Bảo Đại, vào năm 1955, đã nằm vào

trong hạng Trụ-Kiệt, khi vị cựu Hoàng dùng quyền bính Quốc Trưởng bán chức tước

để lấy tiền ăn chơi ở Pháp mà không màng gì đến  số phận của dân. Không phải chỉ

ở Pháp, mà vị cựu Hoàng lại còn theo Pháp để gây hỗn độn tại miền Nam tự do,

khiến miền Nam trở thành miếng mồi ngon cho Cộng sản. Ngần ấy sự việc tạo cho

Cụ Diệm đầy đủ lý do để chấm dứt quyền hành của vị cựu Hoàng.

  Đối với Cụ, bổn phận làm tôi đất nước không phải chỉ là loại trừ hỗn độn, mà

cốt là làm sao cho quốc gia trở nên vững mạnh. Cho nên, vì đất nước,Cụ sẽ sống và

sẽ chết. Vì đất nước này, Cụ đã tỏ ra không thể bị ai mua chuộc. Cụ đã khôn ngoan

và bình thản trong những giờ khủng hoảng. Cụ đã cương quyết giữ chặt nguyên tắc

của đạo lý Nhân Vị. Cụ có thể không phải là một người mười phân vẹn mười, nhưng

Cụ quyết hết mình phục vụ quốc gia, vì quốc gia đã trở thành như người bạn trăm

năm của Cụ. Trong việc làm tôi đất nước, vì thế, chẳng những Cụ dùng hết tài của

Cụ, hết trí của Cụ, mà Cụ còn dùng đức, nhất là đức, vì đức là phần “thung dung tựu

nghĩa” dưới sự chứng giám của Thượng Đế.

  Vào hè 1954, quốc gia được giao lại cho Cụ không phải với hình dung một cô

gái mỹ miều, mang đầy phục sức. Bấy giờ Việt Nam đang như một phụ nữ lâm cảnh

cơ bần, bệnh hoạn. Các chính khách xôi thịt ai cũng chê. Chính vì bị thiên hạ chê mà

Việt Nam đã gặp Cụ và Cụ đã đón lấy với hai tay rộng mở. Sự quyết tâm này đã kéo

về phía Cụ bàn tay nâng đỡ của Hoa Kỳ, một cường quốc đang đứng đầu thế giới về

mọi mặt. Và Cụ đã thành công một cách rất lớn nhờ viện trợ Mỹ. Nhờ viện trợ Mỹ,

Cụ đã định cư ổn thoả được gần một triệu dân từ Bắc di cư vào. Nhờ viện trợ Mỹ,

Cụ đã thực hiện được một cách tốt đẹp chính sách dinh điền, làm cho cao nguyên trở

thành vùng đất trù phú. Cũng nhờ viện trợ Mỹ, đất sình lầy Cái Sắn đã thành vựa lúa

lớn, chẳng những sản xuất đủ lúa gạo cho người trong nước ăn, mà còn có thừa để

bán ra ngoại quốc.

  Vào năm 1960, miền Nam đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ túng thiếu, loạn hàng

thất thu, quốc gia này đã trở nên một nước tự túc về mặt thực phẩm và ngăn nắp bề

thế về mặt chính trị Dân Chủ. Nhưng, đang khi Cộng Hoà Việt Nam thay đổi theo

chiều tiến, thì Mỹ cũng thay đổi, nhưng lại theo chiều lẩn quẩn, trở tráo. Trên bàn

tay nâng đỡ bỗng nổi lên những đường gân đe doạ. Mối bang giao đang nồng nhiệt  

bỗng hoá ra lạnh lùng và con đường đi lại xuất hiện nhiều chướng ngại vật. Nhiều

va chạm xảy ra giữa khách, tức là bàn tay nâng đỡ bấy lâu nay, và chủ, tức là Cụ

Diệm, con người vô cùng hãnh diện với giang sơn của cha ông để lại. Và, đến một

lúc, tiếng va chạm kết tinh thành những lời đối thoại chan chát. 

  Chiều đó, cái buổi chiều mà Đại uý Thọ nói là giờ định mệnh của Cụ bắt đầu

đó, trong cuộc đối thoại, khách đã dường như đường đột bảo chủ: Ta cần quốc gia

này vì mục đích riêng của Ta, nếu ngươi muốn sống, Ta cho sống, nhưng hãy giao

phó giang sơn cho Ta, rồi Ta cho phương tiện mà tẩu thoát. Nghe vậy, Cụ Diệm thấy

bàn tay nâng đỡ đã trắng trợn trở thành bàn tay thoán đoạt. Khi tiếng súng của Hội

Đồng Tướng Lãnh nổ, đến ba lần Cụ Diệm hỏi Đại Sứ Lodge về ý định của Hoa

Thịnh Đốn đối với cuộc đảo chính đang khai diễn. Vị Đại Sứ trả lời loanh quanh.

Đến lần thứ ba, khi đã chặn được các lực lượng trung thành với Cụ Diệm khỏi kéo

vào Sài Gòn, vị Đại Sứ mới không còn dấu diếm, đòi Cụ phải đầu hàng và chuẩn bị

tàu bay cho Cụ ra đi. Với giọng đầy nghĩa nộ, Cụ đáp không cần Mỹ giúp đỡ và thốt

nhiên nói ra lời định mệnh: “Tôi sẽ làm như Bổn Phận bảo tôi”.

  Đến 5 giờ chiều ngày 1.11.63, sự việc đã rành rành đâu ra đấy. Vì bổn phận,

nước nghèo ư? Cụ đã làm cho sung túc; nước yếu ư? Cụ đã làm cho mạnh; nước bị

đe doạ ư? Cụ đã liệu thế đề phòng. Nhưng nay, nước bị phản bội bởi chính bàn tay

nâng đỡ, hỏi bổn phận của Cụ là gì đây? Cụ không thể dùng tài hay dùng trí, vì tài

và trí đều vô hiệu trước sức mạnh bạo tàn. Cụ cũng không thể dùng mưu, vì đối với

một cường quốc như Mỹ, Cộng Hoà Việt Nam chỉ là như trứng chọi với đá. Dầu

vậy, Cụ Diệm đã không bị bí chút nào, vì Cụ có một nguồn nghị lực nói được là vô

biên: Cụ sẽ dùng Đức. Bạo lực, cho dầu hung tàn và gian ngược đến đâu, cũng không

sao khuất phục được Đức. Đức là gì đối với Cụ lúc bấy giờ? Là làm theo bổn phận

của một Tổng Thống. Và trong trường hợp đặc biệt của Cụ lúc đó, là chết vì nước.

Với cái nhìn quang minh chính đại này, Cụ giữ được bình tĩnh, sáng suốt, gác ra

ngoài ích lợi cá nhân và hoàn toàn nghĩ về công ích.

  Cũng lối 5 giờ chiều đó, đi từ Dinh ra xe để đến nhà Mã Tuyên, cùng với Cụ

đi trước, có Cố Vấn Nhu và ông Cao Xuân Vỹ. Theo ông Vỹ, Cụ vẫn không tỏ dấu

lo lắng gì. Dọc hành lang, Cụ bỗng xé bầu im lặng, tự nhiên thốt ra: “Phận tui sao

cũng được, nhưng đất nước sẽ ra thế nào đây?” Nói thì nói thế, nhưng dường như

Cụ đã có một chương trình sẵn cho chính mình và cho đất nước. Chương trình đó là

làm theo ý Thượng Đế như đạo lý Nhân Vị dạy.

  Cho phận riêng ư? Khi bỏ Dinh ra đi, Cụ đã giao một chiếc cặp da cho tuỳ

viên. Cái cặp này lúc đó thấy dày cộm, và ai có cơ hội nhìn vào cũng tưởng là đang

đựng đủ thứ quý vật và vàng bạc. Cái chứa của nó, thiên hạ không biết, nhưng đến

thì giờ, Đại uý Thọ sẽ biết. Nó đựng một bộ quần áo, có lẽ là bộ y phục đàng hoàng

nhất của Cụ. Để dùng làm gì mà quan trọng đến thế? Để dùng vào cái nghi lễ trọng

vọng nhất đối với Cụ: để ngày mai dự Lễ và Chịu Lễ ở nhà thờ Cha Tam. Theo Đại

uý Thọ, ở nhà Mã Tuyên, tâm hồn Cụ dường như tất cả để vào cuộc Lễ đó. Phần

riêng là phần Cụ tự mình làm lấy được nên không có gì băn khoăn. Cũng ở nhà Mã

Tuyên, nhìn Cụ uống trà, Đại uý Thọ ghi nhận: “Dáng điệu bệ vệ thường nhật, không

thay đổi tí nào” (trang 206). 

  Nhưng cho đất nước, Cụ chỉ làm được điều Cụ có thể làm. Và đây là một chi

tiết nhỏ. Đỗ Thọ viết về đêm lưu vong, khi trời đã đi về sáng: “Tổng Thống quay lại

hỏi ông Ngô Đình Nhu đi qua đi lại ở cuối phòng: “Chú đã bảo Thiếu tá Lạc một

mất một còn phải bảo vệ không?” Ông Nhu không đáp lại vì ông đang suy nghĩ việc

gì đó. Tổng Thống Diệm nhắc lại thêm một lần thứ hai với giọng nói lớn hơn. Ông

Nhu mới trả lời: “Rồi, nhưng không thấm vào đâu, mình yếu, họ mạnh.”” Thấy Cụ

Diệm hỏi đi rồi hỏi lại, người đọc, trong đó có cả bần bút này, tưởng Cụ rất lấy làm

bằng lòng khi nghe rằng ông Nhu đã dặn dò kỹ lưỡng. Ai lại không thích nghe kẻ

khác đang tận tâm vì mình, hy sinh cho mình. Không ngờ, phản ứng của Cụ không

phải là đắc chí, mà là ưu tư. Cụ đỡ lời ông Nhu: “Vậy, đổ nát, chết chóc, không lợi

chi cả” (trang 207-8).

  Bấy giờ vẫn còn liên lạc bằng vô tuyến giữa nơi Tổng Thống tạm nghỉ và

Dinh. Và thế là, ngay sau câu chuyện, lực lượng Phòng Vệ Dinh đầu hàng.

  Sáng ngày 2, khi Lễ xong, Cụ Diệm cám ơn Linh Mục quản nhiệm nhà thờ

Cha Tam. Linh Mục ngỏ ý mời Cụ ở lại. Cụ nói sẽ đi nữa. Lúc đó, Cố Vấn Nhu thốt

ra một lời tiên tri. Ông nói: “Thưa Cha, Tổng Thống nói vậy, nhưng chúng con không

đi đâu nữa. Dầu sao cũng liên lạc với các tướng lãnh để bàn việc ra đi của Tổng

Thống cho đúng lễ nghi quốc gia” (trang 212). Liền đó, Cụ bảo Đại uý Thọ báo cho

Tổng Tham Mưu biết nơi Cụ đang ở.

  Lời tiên tri của ông Như đã ứng nghiệm. Việc xảy ra không phải như ông Cố

Vấn hiểu, nhưng không sai lời ông nói. Ông Nhu là một chính khách thông thường.

Phản ứng của ông trước các việc xảy ra, là phản ứng của một kẻ làm chính trị theo

lối thường tình. Ông băn khoăn. Ông lo nghĩ. Ông lập mưu kế. Ông vui khi thắng,

buồn khi bại. Luôn luôn ông muốn giữ thể diện cho Tổng Thống. Nhưng Cụ Diệm

thì khác. Cụ là chính khách của đạo lý Nhân Vị, nó đòi kẻ trị dân phải bắt đầu từ

việc mình trị lấy mình, mình làm chủ mình. Có thể thống hay không, là tại công tác

căn bản đó. Một khi Cụ đã thành công trong công tác đó, hỏi cần gì phải ai giữ thể

diện cho Cụ. Cụ nói Cụ sẽ ra đi, nhưng không phải là đi ra khỏi nước. Muốn ra ngoại

quốc ư? Cụ đã có máy bay Mỹ chực sẵn, và còn có Cabot Lodge tiễn chân. Nhưng

nếu làm như thế, Cụ nào có khác gì Nguyễn Văn Thiệu mười hai năm về sau. Cụ ra

đi thật, nhưng không phải đi quanh đi quẩn, hết nước này đến nước kia, vì ra đi như

thế sẽ phải rời khỏi nước. Cụ ra đi thật, nhưng Cụ đi lên, để từ trên đó, mãi mãi Cụ

vẫn còn ở với đất nước Cụ.

  Và Cụ đã ra đi đúng nghi lễ, loại nghi lễ thích hợp với hoàn cảnh riêng của

Cụ. Nghi lễ này, dĩ nhiên, không giống nghi lễ Tế Nam giao. Tế Nam giao là Tế Trời

Đất, và vị nguyên thủ quốc gia đứng ra hành lễ. Hoàn cảnh của Cụ khác hẳn: chủ tế

cũng khác, mà của lễ cũng khác. Chủ tế đây là khách ở mãi phương xa, là ngoại

bang, đang uỷ quyền cho Chủ Tịch Hội Đồng Tướng Lãnh tuỳ nghi định đoạt. Còn

của lễ là chính Quốc gia Việt Nam, mà Cụ Diệm sẽ là đại diện, đứng ra làm vật tế

sinh. Hoàn cảnh như vậy, nghi lễ sẽ phần lớn nằm trong thâm cung của chiếc thiết

giáp viện trợ Mỹ M113. Dầu sao, nay bí mật đã bị tiết lộ: người đứng ra nhận lệnh

ngoại bang là Tướng Dương Văn Minh, người thi hành chỉ thị của Tướng Minh là

Tướng Mai Hữu Xuân, và tên đao phủ là Thiếu tá Nhung. Phần thấy được của nghi

lễ đã được Đại uý Thọ mô tả, đại khái như sau: Hội Đồng Tướng Lãnh cho chiếc

M113 đến nhà thờ Cha Tam áp giải Cụ Diệm về Bộ Tổng Tham Mưu với mật lệnh

giết Cụ dọc đường. Đối với họ, “Giờ này không còn ai là Tổng Thống nữa”. Thế rồi,

lối 8:15, thiên hạ sẽ thấy nằm ở kỳ đài Tổng Tham Mưu hai xác chết bị dao đâm,

súng bắn: xác của Cụ Diệm và của Cố Vấn Nhu. Lễ nghi tuẫn quốc của Tổng Thống

Ngô Đình Diệm đã hoàn tất.

  Sự thường, ác giả, ác báo. Tội ác của những kẻ manh tâm giết Cụ Diệm hòng

cướp đoạt giang sơn Việt Nam thật là tày trời. Nhưng, như Đại uý Thọ đã ghi nhận,

suốt thời gian từ khi lìa Dinh và ở nhà Mã Tuyên, Cụ Diệm không tỏ dấu gì là giận

hờn, thù oán. Báo oán chăng là việc của Trời. Và thực sự, những viên đạn ngang

trời, không lâu sau, đã bắt người khách chủ mưu phải đền tội. Có lẽ đó cũng là ý

nghĩa của Tướng Thomas A. Lane ngầm chỉ khi ông nói: “Cái chết của Cụ đã được

trả thù bằng định luật khắt khe của Tạo hoá”. Phần Cụ Diệm, sống đã không oán

thù, thì chết cũng không. Nhưng, một người như Cụ, sống thì khôn, chết thì thiêng.

Đã sống vì nước, chết rồi Cụ cũng vẫn vì nước bằng cách dạy cho những kẻ bị ngoại

bang mua chuộc mà giết hại Cụ rằng phản bội Cụ chính là phản bội Tổ quốc Việt

Nam. Đã nói, Tướng Dương Văn Minh ra lệnh giết Cụ, thì cũng Tướng đó, mười hai

năm sau, với tư cách Tổng Thống Cộng Hoà Việt Nam, đã tự tay giao nước này cho

Cộng sản. Đó không phải là một suy luận, hay một ước đoán. Đó là một sự kiện xảy

ra trước toàn dân Việt Nam và thế giới, một sự kiện lịch sử.

  Nhưng hỏi sức mạnh của đạo lý Nhân Vị là sức mạnh gì mà có thể đem Cụ

đến chỗ tự ý dâng mình làm vật hy sinh cho đất nước? Bần bút là một người học sử.

Nhìn vào cuộc đời Cụ với cặp mắt soi bói của sử gia, càng nhìn kỹ, bần bút càng

khám phá ra những nét thần kỳ, và cao cả. Dầu vậy, phải đợi đến mùa thu 1981, mới

gặp được một giải đáp thoả đáng cho thắc mắc vừa nêu lên. Về trước, chỉ thấy được

đạo lý Nhân Vị là một công trình tư tưởng vĩ đại, chỉ biết được rằng nó có một căn

bản thần học vững vàng, và tin chắc rằng Cụ Diệm đã sống đúng đắn theo đạo lý đó,

cho đến chết, mặc dầu phải chết. Năm 1981, bỗng nhiên Đức Gioan Phaolo II công

bố Thông điệp Laborem Exercens, nói về Đạo Chúa áp dụng cho cuộc sống lăn lộn

ở đời. Một Giáo hoàng chính thức thi hành phận sự giảng dạy, hỏi người giảng dạy

gì nếu không phải là Đạo Chúa? Ấy thế mà căn bản đạo lý của Thông điệp lại là đạo

lý Nhân Vị, đạo lý đã đem Cụ Diệm đến chỗ tuẫn quốc. Thì ra việc tận tâm vì nước

của Cụ đã xuất phát từ một đạo tâm chí thành, chí tín. Và một ý kiến loé ra trong đầu

óc. Chiếc M113 trong đó Tướng Minh giết Cụ không phải chỉ là bàn thờ tuẫn quốc

mà thôi, mà nó còn đóng vai Núi Sọ, nó còn là chỗ một đạo đồ theo chân Chúa đã

thi hành nhiệm vụ đến độ anh hùng tột đỉnh. Và Cụ Diệm không phải chỉ là một vị

anh hùng ái quốc, Cụ còn là một Vị Thánh.

  Cho nên, cái chết của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm mãi mãi sẽ là một

nguồn ánh sáng chiếu soi cho người đời. Cho tất cả những kẻ phải lăn lộn với cuộc

sống ở đời, gương Cụ sẽ là tận tâm làm bổn phận như đạo lý Nhân Vị dạy. Cho

những người Việt Nam yêu nước, mưu đồ phục quốc, Cụ sẽ cho thấy rằng nếu phản

Cụ cũng là phản quốc, thì chỉ có thể phục quốc với Tinh Thần Tuẫn Quốc và Tử Đạo

của Cụ.

                  NGUYỄN PHƯƠNG

Bài viết này là của Linh mục Sử gia Nguyễn Phương (1921-1993), Giáo sư Sử Học tại Viện

Đại Học Huế (1957-1975), tác giả một số công trình nghiên cứu sử học như sau: Liên lạc giữa

Mỹ và Việt Nam (1957), Sự quan trọng của Đông Dương trước mặt quốc tế (1957), Ánh sáng Dân Chủ (1957), Phương Pháp Sử Học (1964), Việt Nam Thời Khai Sinh (1965), 82 Năm Việt Sử (1965, 125 Năm Thế Giới Sử (1965),Việt Nam Thời Bành Trướng: Tây Sơn (1967), The Ancient History of Vietnam (1976, di cảo chưa in), A parade of American Puppets (a story of South Vietnam from 1954 to 1975), 1978, di cảo chưa in, Cổ Sử Việt Nam trong Ngoại kỷ Toàn Thư, 1973, di cảo chưa in, Việt Nam Thời Bành Trướng: Trịnh Nguyễn, 1973, di cảo chưa in); Ngài cũng là dịch giả cuốn  Nhật ký Chúa Giê-Su (Avec Jésus, au jour le jour, bản thảo chuyển ngữ tác phẩm của Linh mục Aulagnier), Đức Trinh Nữ Maria trong Di bút của Chị Maria Valtorta (La Vierge Marie dans l’oeuvre de Maria Valtorta của Linh Mục Gabriel M. Roschini, O.S.M) và tác phẩm chuyển ngữ trên 5,000 trang (chưa in) về một danh tác thuộc phạm vi Mạc Khải Tư (Révélation Privée) của Chị Maria Valtorta có tên “Người Thần Chuyện Thánh” (dựa trên bản tiếng Anh có tên The Poem of the Man-God, năm tập; bản tiếng Pháp có tên L’ÉVANGILE tel qu’il m’a été révélé, mười tập;

bản tiếng Ý có tên IL POEMA DELL’UOMO-DIO, mười tập.) Linh mục sử gia Nguyễn Phương (bút hiệu Trúc Long) đã từng cộng tác với một số báo chí trong nước trước năm 1975 như Tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn), Tạp chí Đại Học (Huế), Tạp san Sử Địa của nhóm sinh viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Ở hải ngoại Linh mục Nguyễn Phương cộng tác với Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, VA với khoảng 150 bài viết, một số bài cho tạp chí Đất Mẹ của ông Nguyễn Phi Thọ ở Houston. Tháng 10-1963, Linh mục Nguyễn Phương đã có cuộc tranh luận (bút chiến) với Văn Tân, thành viên Viện Sử Học Hà Hội về chủ đề “Ai đã thống nhất Việt Nam? Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh, trả lời ông Văn Tân Hà Nội”, bài viết trước xuất hiện trên Tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn và các bài kế trên Tạp chí Đại Học. Văn Tân cho rằng cuộc cách mạng Tây Sơn là cuộc cách mạng nông dân và giành cuộc thống nhất đất nước cho Nguyễn Huệ, trong khi Linh mục Sử gia Nguyễn Phương chủ trương công thống nhất đất nước vào đầu thế kỷ 19 là của Gia Long Nguyễn Ánh. Sử gia Hoa Kỳ Alexander B. Woodside đã viết về sử gia Nguyễn Phương và nhắc đến cuộc bút chiến hi hữu này trong cuốn Vietnam and the Chinese model (1988) của ông. Tiến Sĩ Liam Kelly, Giáo sư Sử học của Trường Đại Học Hawai’i ở Manoa cũng đã tham khảo các công trình nghiên cứu sử học của Linh mục Nguyễn Phương trong vấn đề Cổ sử Việt Nam, các chuyện liên quan   đến Hai Bà Trưng, Triệu Quang phục v.v… và là người đã từng đưa cuốn “Việt Nam Thời Khai Sinh” của Linh mục Nguyễn Phương lên mạng lưới điện tử. Năm 2011, Sử gia Wynn Wilcox, Giáo sư Trường Đại Học Connecticut State,  trong tác phẩm Allegories of the Vietnamese Past (do Trường Đại Học Yale phát hành) đã phân tích về cuộc bút chiến nói trên khá kỹ càng, và mới đây ngày 11 tháng 4-2015, sử gia Wynn Wilcox đã có trình bày một bài tham luận dài có tên “Vietnamese-American Historians in the United States, 1954-present”  trong một cuộc hội thảo sử học gồm các giáo sư đại học Hoa Kỳ, nói về các công trình biên khảo sử học của Linh mục  Sử gia Nguyễn Phương, dựa trên các tư liệu lịch sử của tôi đã phổ biến trước đây. Bài viết của GS Wilcox sẽ được Giáo sư Lê Đình Cai chuyển ngữ và sẽ in trên Tập Kỷ Yếu Viện Đại Học Huế sẽ được phát hành vào tháng  12-2015.

Một số sử gia gạo cội của Hà Nội sau này như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng đã công

tâm hơn khi cho rằng Nguyễn Huệ chưa bao giờ thống nhất được đất nước và họ đã ngả về luận

thuyết của Linh mục sử gia Nguyễn Phương, và cho rằng đó là công trình của Gia Long Nguyễn

Ánh.

Bài viết về Cố TT. Ngô Đình Diệm sau đây của Trúc Long Nguyễn Phương được đăng tải

trên Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong (số 119) của Chủ Nhiệm Nguyễn Thanh Hoàng ở Virginia

khoảng ba thập niên trước đây. Bản tôi có trong tay là thuộc về một tập photocopy do Linh mục

Nguyễn Phương để lại cho tôi sau khi mất (1993). Là môn sinh của Linh mục Nguyễn Phương, tôi có bổn phận bảo lưu các tài liệu sử học quý báu của Ngài và thấy có bổn phận phải công bố những tư liệu đó khi cần thiết để giúp cho giới nghiên cứu sử học có tư liệu lịch sử trung thực trong tay và độc giả có dịp thưởng lãm.

            Nguyễn Đức Cung 

            Philadelphia, ngày 26 tháng 10-2023.