Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu, sinh ngày 13 tháng 2 năm 1935 tại Sài Gòn, cựu học sinh Trường Trung Học Petrus Ký. Xuất thân Khóa 5 Trường Bộ Binh Thủ Đức và phục vụ ở binh chủng Thủy Quân Lục Chiến.
Trận đánh tại Hoàng Sa giữa QLVNCH và Trung Cộng vào tháng 1/1959, Trung Úy Cổ Tấn Tinh Châu là Đại Đội Trưởng ĐĐ3/TĐ2TQLC chỉ huy trực tiếp, bắt sống quân Trung Cộng (gồm 60 thanh niên tại đảo Ducan và theo lời ông: “đây không phải là thường dân Trung Cộng mà là dân quân, chắc chắn chúng phải có vũ khí, nhưng chúng đã chôn dấu kỹ để khỏi lộ diện là mang quân đi xâm lăng nước láng giềng mà chỉ là giả dạng thường dân đi tha phương “cẩu sực” mà thôi, ngoài ra còn có mục đích để dò phản ứng của VNCH và Hoa Kỳ nữa…”. Thời gian đó TQLC dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Hải Quân và Thiếu Tá Lê Như Hùng CHT/TQLC. Năm 1963, Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2TQLC. Năm 1964 thăng cấp Thiếu Tá.
– Trung Tá Tham Mưu Trưởng Biệt Khu Thủ Đô
– Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Đặc Khu Rừng Sát
Đã vãng sanh lúc 9 giờ tối ngày 11 tháng 7 năm 2023 tại Orange Coast Medical Center, TP Fountain Valley, Nam California.
Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của MX Cổ Tấn Tinh Châu
(Bài viết nầy đã đăng trên nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa, số 166 tháng 6/2023 nhân Ngày Quân Lực).
Bài viết Đặc Khu Rừng Sát Những Ngày Tháng Cuối Cùng của MX Cổ Tấn Tinh Châu ghi rất đầy đủ về địa danh và các đơn vị Hải Quân, các đơn vị chiến đấu VNCH.
Khu vực Rừng Sát có hai con sông chính: Sông Lòng Tảo và sông Soài Rạp.. Hai nhánh sông này tách nhau tại Nhà Bè. Năm 1959 Chính phủ VNCH tách Quận Cần Giờ để lập Quận Quảng Xuyên thuộc Tỉnh Phước Tuy. Năm 1965 hai Quận này chuyển sang thuộc Tỉnh Biên Hòa. Năm 1970 Cần Giờ và Quảng Xuyên trở lại thuộc Tỉnh Gia định. Đây là vị trí chiến lược quan trọng vì bảo vệ khu vực ở phía Nam thủ đô Sài Gòn.
Trích:
“Biệt Khu Rừng Sát được thành lập từ những năm đầu của thập niên 60. Đến năm 1963, Biệt Khu Rừng Sát được đổi thành Đặc Khu Rừng Sát, chịu trách nhiệm hai quận Quảng Xuyên và Cần Giờ, thuộc tỉnh Gia Định trên phương diện hành chánh nhưng trực thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân trên phương diện an ninh, hành quân.
Đặc Khu Rừng Sát có BCH gồm CHT cấp Đại Tá với hai phụ tá: phụ tá sông cấp Trung Tá Hải Quân và phụ tá bộ cấp Trung Tá Bộ Binh cùng một sĩ quan liên lạc Không Quân cấp Thiếu Tá.
Lực lượng bộ gồm hai tiểu đoàn và bốn đại đội ĐPQ biệt lập được phân phối trấn giữ các địa danh tiêu biểu như Thiềng Liềng, Ngả Ba Dàng Xây, Tắc Ông Nghĩa, Đập Đá Hàn, Ngã Ba Đồng Tranh… với nhiệm vụ chánh là bảo vệ sông Lòng Tàu. Lực lương thuỷ gồm: Hai giang đoàn xung phong, liên đoàn tuần thám và giang đoàn trục lôi.
Trên sông, các giang đoàn của Hải Quân cùng với các toán Người Nhái tuần thám ngày đêm để bảo vệ an ninh thuỷ lộ. Đặc biệt Người Nhái VN thường xuyên phối hợp với Người Nhái Mỹ trong các công tác phục kích, đã làm Người Nhái Mỹ cảm phục vì khả năng, kinh nghiệm và can trường nên đạt được nhiều thành quả tốt… Huy hiệu của ĐKRS là con cá sấu ngoi trên mặt sông, miệng hả to và ngọn hải đăng chiếu sáng…
… Nhắc đến ĐKRS không thể quên được những CHT đặc khu trong thời kỳ đầu như Phó Đề Đốc Diệp Quang Thuỷ, Hải Quân Đại Tá Nguyễn Quốc Thanh… (và CHT cuối cùng là Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu)…
ĐKRS và căn cứ Hải Quân nguyên trước đây là căn cứ yểm trợ tiếp vận của Hải Quân Mỹ. Đây là một căn cứ lớn nhứt trong vùng Sài Gòn được bàn giao lại cho QLVNCH vào tháng 4/1972…
Năm 1966, Bộ Tư Lệnh Miền của CS cho thành lập ĐKRS với nguỵ danh là T10, về sau đổi lại là Đoàn 10 để khỏi trùng tên với một tổ chức mới của Trung Ương Cục Miền Nam…
Từ năm 1967 đến 1970 lực lương Mỹ ở ĐKRS gồm một tiểu đoàn TQLC (1st Battalion, 5th Marines ), hai toán USN SEAL và Hải Quân thường hành quân cùng với QLVNCH trong lãnh thổ ĐKRS… TQLC Mỹ thường xuyên hành quân và yểm trợ các đơn vị VN trong ĐKRS…
… Sáng 29 tháng 4/1975, CHT/ĐKRS trình diện Tư Lệnh Hải Quân, nhận lệnh chuẩn bị di chuyển về Quân Khu 4 khi cần. Trong đêm 29/4/75 Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân, chỉ thị CHT ĐKRS di chuyển theo hạm đội và là đơn vị đi sau cùng, khi tàu dầu của hải quân đi ngang qua đặc khu…
Chiều 29/4/1975, đồng bào các nơi tựu về ĐKRS rất đông, vì ở sông Sài Gòn hạm đội Hải Quân VNCH đã đi hết rồi… Chúng tôi di chuyển theo sông Lòng Tàu ra biển bằng tàu PGM và Hải Thuyền, vì hầu hết tàu bè di tản từ miền Trung về đều được đưa xuống ĐKRS…
Ngày 02/5/1975 hạm đội Hải Quân Việt Nam khởi hành cùng hạm đội Mỹ đi Phi Luật Tân. Khi Hạm Đội VNCH vào hải phận Phi Luật Tân, Chánh Phủ Phi không cho vào, vì đoàn tàu còn treo cờ Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó HQVNCH và Mỹ hội ý nhau và có quyết định chung là: bỏ tất cả đạn pháo xuống biển, làm lễ hạ quốc kỳ VNCH rất long trọng và cảm động, kéo quốc kỳ Mỹ lên, hầu hết người trên tàu đều khóc, rớm nước mắt. Thế là đoàn tàu vào Subic, căn cứ của Mỹ.
(Cổ Tấn Tinh Châu)
Người lính Cổ Tấn Tinh Châu còn là nghệ sĩ. Nhạc sĩ Ngọc Chánh lúc nhỏ đã học ghi ta với anh bạn Cổ Tấn Tịnh Châu, anh này có ngón đàn Flamenco tài giỏi (về sau mất năm 1967). Cổ Tấn Tịnh Châu là em ruột của Cổ Tấn Tinh Châu nên hai anh em chơi đàn rất hay.
Khi định cư tại San Diego, ông thích hội họa và đã vẽ nhiều bức tranh về binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Ngoài ra, ông đã viết nhiều bài với tấm lòng người lính với Quân Đội, nặng tình với quê hương.
Trong bài Tuổi Trẻ Việt Nam, ông viết:
“… Chúng ta không nên coi thường thế hệ tương lai, đừng coi họ như con nít, ý kiến của họ phải được tôn trọng, cần hướng dẫn, truyền thụ kinh nghiệm của mình cho thế hệ tiếp nối. Trau dồi cho tuổi trẻ có một tinh thần yêu nước, biết đâu là nguồn gốc dân tộc, đâu là lịch sử oai hùng, đâu là di sản của tổ tiên…
Giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn, trân trọng đối với sự hy sinh của các anh hùng tử sĩ, thương phế binh, người có công với Tổ Quốc. Với tinh thần bất khuất, kiêu hùng, quả cảm chịu đựng hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ, mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cần khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của các em và các cháu. Để cho ngọn lửa đấu tranh của tuổi trẻ bừng sáng lên và tiến tới để viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam”.
Trong bài Ước Mơ khi đã 80 tuổi, ông viết:
“… Tôi đã từng ước mơ được khoác lên mình chiếc áo nhà binh VNCH, không phải chỉ như vậy, mà phải là những chiến sĩ dũng cảm, tung hoành trận mạc, chia sẻ nguy hiểm với đồng đội, và bạn bè để đóng góp vào cuộc chiến chống xâm lăng và bảo vệ miền Nam Việt Nam.
… Sau khi trở thành một chiến sĩ, tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và trách nhiệm của tôi để đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc.
… Tôi đã đi một cách hào hứng và khi bị ngã, ước mơ đã kéo tôi đứng lên đi tiếp. Con người không ngừng ước mơ, người ta chỉ thôi ước mơ khi con tim ngừng đập…
Sau cùng, cũng đừng quên rằng: Khi muốn ước mơ thì phải dũng cảm tiến tới và không bỏ cuộc để đạt cho được ước mơ của mình. Nếu ước mơ mà thiếu hành động thì ước mơ đó sẽ mải mải chỉ là một giấc mơ”.
Tỉnh thoảng, ông cùng hiền thê (Dạ Lý) ra quán cà phê Gypsy trong khu Catinat ổ Little Saigon để gặp gỡ anh em. Tính tình hiền hòa, điềm đạm… chưa thấy ông đả kích ai ở cùng chiến tuyến. Ông rất lịch sự khi trò chuyện với anh em, và thường gọi ông với hai chữ “niên trưởng” để tỏ tình thân mật.
Nay ông đã ra người thiên cổ về cõi thiên thu, bỏ lại người thân, anh em, đồng đội… dang dở với Ước Mơ, với tôi, bài học quý báu của bậc đàn anh.
Tang lễ Đại Tá MX Cổ Tấn Tinh Châu vào Thứ Hai, ngày 24/7/2023 tại Peek Funeral Home, TP Westminster
Little Saigon, July 14, 2023
Vương Trùng Dương