TIẾNG VIỆT THỜI NAY (Nguyễn Tuấn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

image.png

Hôm nay, tôi nhận được một email của một người Sài Gòn mở đầu bằng chữ “Kính gởi …” (thay vì ‘kính gửi’). Mát dạ ghê nơi! Và, làm tôi có cảm hứng thổ lộ vài tâm tình về tiếng Việt ngày nay.
Tôi là người lớn lên với Tiếng Việt thời trước 1975, tức là Tiếng Việt trong Tự Lực Văn Đoàn của những Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, v.v. Đó cũng là tiếng Việt của các tiền bối như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Quỳnh, và sau này là Mai Thảo và nhóm tạp chí Bách Khoa lừng danh một thời. Đó cũng chính là Tiếng Việt thời 1945 và sau này được gìn giữ ở trong Nam.
Thời đó, chúng tôi nói và viết Tiếng Việt theo thứ tự tự nhiên. Chẳng hạn như chúng tôi được dạy là ‘hôi thúi’ (hay ‘hôi thối’) vì một vật thể khi bị chết đi, nó đi từ ‘hôi’ mới đến ‘thúi.’ Chúng tôi nói ‘khai triển’ (khai trương rồi mới phát triển). Các thầy dạy cho biết đó là cách nói của người Việt được coi là thuận với thiên nhiên.
Do đó, ngày xưa, Tiếng Việt chúng ta được cấu trúc theo công thức tự nhiên đó. Có thể tìm thấy những chữ thường ngày như: bảo đảm, đơn giản, thành hình, khai triển, ít nhiều, v.v.
Thế nhưng sau 1975, những chữ đó đột nhiên bị đảo lộn thành: đảm bảo, giản đơn, hình thành, triển khai, nhiều ít, v.v. Những chữ này có cùng nghĩa như những chữ trên, nhưng nó chỉ đảo ngược cách nói/viết.
Tại sao có sự đảo ngược này?
Câu trả lời đơn giản là do Tàu hóa. Thật vậy, rất nhiều chữ sau này được dùng theo cách dùng của người Tàu. Chẳng hạn như người Tàu hay nói ngược với chúng ta. Thay vì nói ‘bảo đảm’, họ nói ‘đảm bảo’. Chúng ta nói ‘khai triển’, họ thì ‘triển khai’. Vân vân.
Thật ra, những chữ như ‘bảo đảm’, ‘khai triển’, ‘đơn giản’, v.v. đều xuất phát từ chữ Hán. Nhưng các vị tiền bối chúng ta nói ngược với họ, có lẽ một phần là theo lẽ tự nhiên, và quan trọng hơn là không bị Tàu hóa.
Tiếng Việt ngày nay rất ư là hỗn tạp và phức tạp. Hỗn tạp là thứ lai căng (như ‘tuổi teen’), và phức tạp là làm cho tối nghĩa (ví dụ như ‘một cá thể trâu’). Mới đây còn có ‘topping’ nữa chứ! Loại tiếng Việt này làm đau đầu những người thuộc thế hệ tôi, và làm nhói tim những ai còn quan tâm đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Hôm qua, cô tiếp viên sau khi tính toán tiền ăn xong rồi nói:
“Dạ, phần của mình là 56 ngàn ạ”
Tôi muốn ghẹo cô ấy, nên giả bộ hỏi “‘mình’ là ai vậy con?” Cô ta bẽn lẽn nói “Dạ, con quen miệng ạ”. Tôi lại chọc: người miền Nam không nói “ạ”.
Rồi còn những cách dùng sai nghĩa nữa, mà tiêu biểu là ‘liên hệ’ và ‘liên lạc’. Chẳng hiểu từ đâu mà ngày nay ở trong nước ai cũng dùng chữ ‘liên hệ’ theo ý nghĩa contact của tiếng Anh. “Anh cần thêm bất cứ điều gì, cứ liên hệ qua số điện thoại …”. Đáng lí ra phải là ‘liên lạc’.
‘Liên hệ’ theo tôi hiểu là quan hệ huyết thống, máu mủ ruột thịt trong gia đình, tiếng Anh là ‘relate’. Còn ‘Liên lạc’ có nghĩa là tiếp xúc giữa các cá nhân, tiếng Anh là ‘contact’. Rõ ràng như vậy, mà chẳng hiểu sao đi đâu cũng thấy ‘liên hệ’. Tôi nghi là cũng do Tàu hóa mà ra.
Lại nói đến chữ ‘khả năng’ cũng bị đổi nghĩa. ‘Khả năng’ có nghĩa là năng lực để làm một việc gì (tiếng anh là capacity). Vậy mà ngày nay người ta dùng chữ ‘khả năng’ theo cái nghĩa ‘có thể’ (probable): ‘Chiều nay trời có khả năng mưa’. Trời ơi! Sao không nói “Chiều nay trời có thể mưa”? Lại một cách Tàu hoá?
Khó ưa nhứt là chữ ‘Việt Kiều’. Tôi nghĩ giới báo chí không chịu tìm hiểu nghĩa nên dùng chữ không đúng. ‘Kiều’ có nghĩa là người ngoài đến sanh sống nơi mình cư trú. Do đó, chúng ta mới có Hoa Kiều, Pháp Kiều. Tôi là người Việt về thăm quê thì mắc mớ gì mà gọi tôi là ‘Việt Kiều’?! Đáng lí ra nên gọi là ‘Kiều Bào’.
Chói tai nhứt là nghe cách đánh vần ngày nay. Lúc nào cũng Bờ Cờ Sờ … nghe thiệt khó vô. Đó là cách phát âm đánh vần thời Bình dân Học vụ (thời 1930-1940) để giúp cho người mù chữ làm quen với chữ cái trong tiếng Việt, chớ đâu phải cách đánh vần chánh thức. Đâu có ai dùng nó để chỉ A Bê Xê (ABC) đâu. Các nhà ngôn ngữ học cũng đã nói cách đánh vần Bờ Cờ Sờ là sai. Vậy mà ngày nay trên đài truyền hình, đài phát thanh oang oang Bờ Cờ Sờ!
Có lần tôi thấy sốc khi nghe một đồng nghiệp Pháp nói với tôi rằng tiếng Pháp ở Paris ngày nay là loại hỗn tạp, còn tiếng Pháp ở Quebec (Canada) mới là ‘chuẩn’. Chẳng biết nhận xét đó đúng hay sai, nhưng tôi có cảm giác nó nó hợp với tiếng Việt ngày nay: tiếng Việt ở hải ngoại mới chuẩn hơn tiếng Việt ở trong nước.