THƯƠNG NHỚ NGUYỄN VIẾT DƯƠNG, PĐ 225 – ÁC ĐIỂU (Nguyên Quân PĐ 225 Ác Điểu)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of aircraft

Dương gia nhập Không Quân khóa 65G vào cuối năm 1965 và ra trường vào đầu năm 1969. Đơn vị đầu tiên anh phục vụ là phi đoàn 215 Thần Tượng (Nha Trang) rồi vào tháng 10 năm 1970 anh được thuyên chuyển về phi đoàn 225 tân lập tại Sóc Trăng. Với thâm niên khoảng 18 tháng mang cấp bậc Th/u và số giờ bay trên 1500 giờ, anh được bộ chỉ huy 225 chọn giữ chức vụ Phi đội trưởng /P.đội 4 và còn được huấn luyện để bay C&C (Control & communication) cho phi đội nầy. Hai năm sau, phi đoàn 225 di chuyển về Cần Thơ, vị Th/tá phi đoàn phó rời phi đoàn để nhận chức vụ lớn hơn (Trưởng phòng huấn luyện của KĐ) vì vậy các sĩ quan tham mưu có dịp đôn lên một bậc như sau : Sĩ quan hành quân đôn lên giữ chức vụ phi đoàn phó, sĩ quan huấn luyện chuyển qua làm sĩ quan hành quân và anh Dương được cử làm sĩ quan huấn luyện của phi đoàn.
Ai cũng nghĩ chức vụ nầy là thích hợp với anh hơn hết bởi bản tánh hiền lành siêng năng cần mẫn, luôn chu toàn công việc được giao phó, khác hẵn mấy ông bạn trẻ khác, nhất mấy ông bay võ trang (Gunship) trong đó có ‘tại hạ’ thường hay nhậu nhẹt, binh xập xám, xoa mạc chược, chơi domino, gái gú phá phách … cứ kháo nhau là : có biết chết lúc nào, hơi đâu phải sống cho có kỷ cương, thôi thì cứ buông lỏng đi cho sướng : “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu. Cỗ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” mà lỵ. Nói về chuyên môn trong thâm tâm tôi rất nể phục anh Dương vì anh rất chịu học hỏi cũng như luôn trao dồi nghề nghiệp trong vai trò Sĩ quan huấn luyện của mình.
Tôi nhớ cái ‘Maneuver’ anh Dương làm nhuần nhuyễn nhất mà ai cũng phải khen, đó là “Fixed pedals : Left or right” còn gọi là ‘Antitorque failured’ nghĩa là chong chóng đuôi vẫn còn quay tốt, nhưng có trục trặc nào đó như : đứt ‘cables’ hoặc cứng ‘pedals’ không thể điều khiển được cái ‘angle attack’(Độ sải?) của nó. Gặp trường hợp đó, người hoa tiêu chỉ còn cách là đáp chạy trên mặt phi đạo thôi (running landing) nhưng tay trái còn phải điều khiển ‘vòng tours’ : hoặc giảm, hoặc tăng trong khoảng ‘200 engine rpm’ để thay cho pedals điều khiển con tàu chạy thẳng. Nhìn anh Dương biểu diễn động tác nầy, tôi thấy phát mê chính vì vậy mà mỗi khi có dịp bay chung với anh, tôi không ngại học hỏi thêm ở anh. Còn một chuyện khó quên nữa là có một ngày nọ, một anh ở phi đội 2, anh đã có 3 ngàn giờ bay rồi đấy, được chọn học khóa Trưởng phi cơ, anh ấy hỏi tôi và cũng có vẻ phàn nàn cái ông Tr/u Dương :
— Sếp Dương bắt phải trả lời 20 câu hỏi kiểu a, b, c khoanh. Thôi thì cũng ok đi, nhưng trong đó có một câu hỏi: ‘Phương pháp chiếu Mercator?’ : a…., b…., c…., tôi ‘điếu’ biết cái câu nào đúng để khoanh. Theo anh thì câu nào đúng?
— Tôi biết chết liền.
Đó là câu trả lời ngắn gọn của tôi, của con người đặc sệt dân miền tây : Rất thật thà, biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, chớ không có vụ ấm ớ hội tề. Tôi hứa với anh ấy là tôi sẽ hỏi lại anh Dương. Vậy khi gặp ảnh là tôi nhập đề ngay:
— Ông Dương ơi, ông khó quá nhé…Trong phần khảo sát về ground shool (địa huấn), sao ông không hỏi họ cách xử trí khi gặp ‘emergencies’: thí dụ đang bay, bỗng thấy đèn ‘chip detector’ cháy, trên ‘panel’ báo là cái bơm xăng bên phải hoặc bơm xăng bên trái bị hỏng, hỏi họ phải giải quyết thế nào? Hoặc khi đèn ‘hydraulic’ báo động thì họ phải làm sao? Hay trên cao độ mà tàu bị triệt nâng (setting power), họ phải gỡ bằng cách nào? v.v…và v.v…Chớ ông hỏi về cách vẽ bản đồ theo Mercator thì bố ai mà biết được ?
Anh Dương chắc cũng cay tôi lắm về cái tội dốt mà bày đặt làm thầy đời, anh trả lời :
— Chắc tao phải gọi mầy là tài xế lái trực thăng thì đúng hơn, chứ không phải phi công gì cả vì kiến thức mầy quá hạn hẹp. Vểnh tai lên, nghe tao giảng nè….
Còn một chuyện nữa không kể, không được là vào đầu năm 1972 có một tai nạn phi cơ thảm khốc ở cuối phi đạo 210 phi trường Sóc Trăng, bởi do một chiếc vận tải cơ C 130 của Mỹ vừa cất cánh xong, quẹo gắt vô ‘Crossed wind’ thì cắm đầu xuống đất nổ tung và phát hỏa. Lúc đó Dương đang bay huấn luyện cho đàn em, anh liền đáp xuống và đem tàu vô đậu gần đài Kiểm soát Không lưu, anh vận động các bạn làm việc dưới đất như phi đạo, kiểm kỳ, phòng thủ v.v…
Ai tình nguyện đi cứu giúp tàu bị nạn thì hãy leo lên tàu anh. Anh chở chừng 3 chuyến mỗi chuyến khoảng 10 người. Những nạn nhân được anh em KQ moi ra được, họ khiên thẳng đến tàu anh rồi anh chở những nạn nhân nầy đến Quân Y viện Trương Bá Hân ở đầu phi đạo 030. Mãi hơn một giờ sau trực thăng Mỹ mới đến tiếp nhận nhiệm vụ nầy…Rồi vài tháng sau anh được nhận huy chương Nhân Dũng Bội Tinh từ phía Hoa Kỳ trao tặng…Người hùng Nguyễn Viết Dương là như thế đó…
Dương anh dũng hy sinh vào ngày 17 tháng Giêng năm 1975 thì phải? Lúc đó tôi đang học khóa 3 ‘Thoát hiểm, mưu sinh’, tôi học sau Dương một khóa nghĩa là : anh trên đường về lại Phi đoàn thì tôi trên đường đi ra Nha Trang. Bởi vậy tôi không gặp Dương khoảng 2,3 tuần, tôi được tin anh mất lúc đang ở đây do một người bạn ở Phi đoàn 215 báo lại. Tôi rất đau buồn, tự nhiên lúc đó trong đầu óc nhớ lại thật nhiều những kỷ niệm bay bổng với anh. Học xong khóa, tôi trở về Phi đoàn, người đầu tiên tôi muốn gặp là anh Đắc.T, anh nầy cùng bay với anh Dương trong phi vụ đó. Tr/u Đắc.T còn là Sĩ quan An phi của Phi đoàn, có chỉ số IP : H.1015B (Huấn luyện viên) như Tr/ u Dương.
Chuyện đã qua hơn mười ngày, thế mà Đắc vẫn còn buồn lắm. Nếu gặp người khác thì chưa chắc Đắc chịu hé môi, ngặc vì tôi là bạn thân lại là cùng khóa với hắn nên hắn mới tâm sự: Vào ngày trên, Dương và Đắc trực bay phi vụ trực ‘Rescue’, thì khoảng 9, 10 giờ sáng bên phòng Hành quân Chiến Cuộc gọi qua, giục chiếc trực Rescue cất cánh tới tọa độ…cứu một phi công A37 bị bắn rơi tại đó. Đắc check trên bản đồ thì biết nó nằm khoảng 10 miles (dậm) phía đông xã Ấp Bắc và chừng lối 5 dậm phía nam quận Tuyên Nhơn của tỉnh Mộc Hóa.
Vậy thì đầu tiên là Đắc, Dương bay tới Ấp Bắc xong quẹo phải bay về hướng đông. Vùng nầy là vùng đồng hoang, không nhà cửa, ít có loại cây cao mà chỉ có cỏ tranh, cỏ lát mọc đầy đồng nên cũng dễ cho việc quan sát, Đắc bay vô chừng 7 dậm thì 4 người trên tàu đã phát hiện ra chiếc dù lưng ở nơi xa xa…Đắc và Dương quyết định táo bạo, xuống thắp bay ‘low level’ sát mặt ruộng tiến đến chiếc dù kia, rồi khi chỉ còn cách chiếc dù chừng 100m thì một loạt đạn của vc bắn lên từ phía trước, Đắc quẹo trái gắt hai lần để đi ra, khi đó hai xạ thủ đại liên M60 lập tức bắn trả mãnh liệt để giúp con tàu được an toàn trên đường bay ra.
Bây giờ coi như an toàn, Đắc nhìn qua phải thì thấy Dương ngoẹo đầu xuống và mặt đầy máu, Đắc bảo hai anh xạ thủ xem xét anh Dương ra sao? Và coi tay chân Dương có vướng lên controls không? (bộ phận điểu khiển phi cơ) Đắc bắt đầu cho tàu lấy lại cao độ, bây giờ phía dưới bụng là xã Ấp Bắc, Đắc gọi liên lạc với toán Không Trợ tại Tiểu khu Mộc Hóa : “Xin gắp một chiếc Ambulance ra phi trường để đón ông trưởng phi cơ của tôi bị thương rất nặng, 7 phút nữa tôi sẽ đáp. Over”. Thật sự thì anh Dương đã ra đi trước đó 5,3 phút từ khi bị trúng đạn vào giữa mặt, xuyên qua đầu, trổ ra phía sau.
Trong tang lễ anh có Ch/tướng Tư lệnh SĐ4/KQ đến gắn cấp bậc mới cho anh. Trớ trêu thay sau đó mới biết anh Dương đã được lên Đại úy thực thụ trước đó rồi : là vào ngày 01 tháng 01 năm 1975 nhưng nghị định nầy được Đ/Tướng Tổng tham mưu trưởng đặt bút k‎ý‎ ngày 25 tháng 01, và khi nghị định về tới PĐ gần như là giữa tháng 02. Ban văn thư của PĐ có làm đơn khiếu nại, xin hồi tố cấp bậc Th/tá cho anh nhưng tình hình đất nước lúc nầy đã rối ren lắm rồi. PĐ lại nhận lệnh tăng phái đến vùng cao nguyên cùng với các phi đoàn bạn tham gia một cuộc đổ quân vĩ đại tái chiếm Ban Mê Thuột. Vì thế mà cái lon Th/tá của anh chưa ra ngô, ra khoai gì cả, thì đã … đứt phim rồi.
Nghe Đắc kể sao giống y như phi vụ rescue của tôi vào giữa năm 1973. Ngày đó vào khoảng 10:00 sáng, điện thoại phòng hành quân 225 reo vang, sĩ quan trực bốc lên, bên kia là phòng Hành quân Chiến Cuộc ra lệnh cho chiếc trực ‘rescue’ cất cánh, họ cho luôn danh hiệu là : “Hồng Mã… số phi vụ là…” bay đến toa độ …để cấp cứu một viên phi công ở Biên Hòa rơi tại đó.
Tôi và anh hoa tiêu phó check ngay trên bản đồ hành quân của phi đoàn treo trên tường : Thì ra là ở phía nam kinh Bà Bèo. Tọa độ nầy cách quốc lộ 4 chừng 3 cây số và nếu nối nó đến xã Long Định và quận Cai Lậy sẽ là hình tam giác cân, cũng dễ thôi . “Hot..hot” nhé, tôi nói với ba vị bay chung và trình bày cái ‘plan’ của tôi cho họ biết : Trước hết mình bay tới Long Định, rồi từ Long Định mình rẽ trái bay xuống Cai Lậy, mình sẽ bay bờ bắc quốc lộ, cách quốc lộ chừng một cây số rưỡi cứ giữ song song, cao độ chừng 1500 bộ.
Lúc nầy phải nhờ thêm anh xạ thủ ngồi phía sau, bên trái di chuyển qua bên phải để cùng tôi và anh cơ phi, tất cả 6 con mắt cố tìm cho ra chiếc dù lưng của viên phi công đó. Tại sao tôi không tính luôn cặp mắt của anh hoa tiêu phó? Vì anh nầy ngồi ghế trái, tầm nhìn của anh bị án bởi ghế phải của tôi. Tại sao không bay thẳng đến tọa độ đó cho dễ ? Có dễ thật đó, nhưng bạn chỉ cần đảo một vòng thôi thì hỏa tiễn SA7 bay lên rồi, tôi nghĩ anh phi công khu trục Biên Hòa chắc cũng bị SA7 của vùng nầy. Rồi chúng tôi ra tàu, cứ thế mà làm. Hiện tại chúng tôi ở giữa khoảng đường từ Long Định xuống Cai Lậy.
Thời gian nầy ruộng đồng đã xong mùa gặt hái nên tầm nhìn xa của chúng tôi không bị cản trở gì cả. Ô kìa đây rồi, chúng tôi đã nhìn thấy chiếc dù lưng cùng màu cam chiếc áo bay của viên phi công khu trục (*). Tôi bảo anh xạ thủ hãy trở lại ngồi vào vị trí cũ đi. Tôi liền đảo một vòng tròn trái để đi vô. Giữ đúng ‘Heading’ đó, tôi cúp ga để xuống cho nhanh, xong rồi tăng ‘tour’ trở lại, bay sát mặt ruộng, tốc độ chừng 110 đến 115 knots, khi còn cách thi thể anh phi công chừng 70m thì tàu bị một tràng AK từ bên phải bắn qua, chúng tôi nghe có tiếng lụp bụp trên tàu như vậy tàu trúng đạn rồi, tôi quẹo trái gắt hai lần để đi ra, hai anh xạ thủ xiết hết cò nhả đạn tối đa quyết bảo vệ con tàu.
Ra được một cây số là thấy an toàn rồi, chúng tôi ngửi thấy mùi xăng JP4 nồng nặc, tôi nhìn vào ‘Instruments panel’ thì không có đèn nào báo hiệu cả, thế cũng an tâm, tiếp tục bay hai cây số nữa là tới quốc lộ 4, tôi rẽ trái và bắt đầu lấy cao độ, tôi bay chậm lại chừng 60, 65 knots rồi bảo hai anh xạ thủ thử chồm người ra ngoài, xem xăng có bị chảy ra nhiều không. Hai anh đó báo cáo là có nhưng không nhiều, tôi nhường tàu cho anh hoa tiêu phó lái, bảo anh bay về đáp ở phi trường Đồng Tâm. Còn tôi thì dùng chân trái đè nhẹ lên ‘micro Switch’ dưới sàn ‘cockpit’ để gọi ‘Paddy’ (đài kiểm báo của SD4/KQ) : “Nhờ Paddy báo lại phòng Hành quân Chiến Cuộc là Hồng Mã…phi vụ số…khi vào vùng thì tàu bị bắn dữ dội và bị thủng bình xăng, chúng tôi cần toán chuyên viên, kỹ thuật lên đây kiểm soát và thẩm định. Chúng tôi sắp đáp tại phi trường Đồng Tâm. Over”.
Chiều hôm đó, tôi đem cái vụ nầy mà mách lại với cấp trên. Tôi khẳng định đây là một phi vụ bất khả thi, một phi vụ đi lấy xác chiến hữu chớ không phải đi cấp cứu (rescue) cái con m..gì. Qu‎ý‎ vị làm ơn suy xét : một phi hành đoàn 4 người làm sao mà xuống lấy được cái xác chết đã 3,4 ngày, thi thể bị phân hủy rồi, đang nằm một cái nơi mà địch chờ sẵn, nhứ chúng ta vào, đợi con tàu nào dám đáp xuống là chúng nhả đạn ngay, có thể là Ak, có thể là Ckc hoặc B40 vì là một tổ phục kích của bọn chúng . Đó là chưa kể những gì mà người bạn bộ binh nói cho chúng tôi biết : “Gần như 80, 90 phần trăm những xác như vậy đều bị tụi nó (vc) gài lựu đạn ở dưới lưng”.
Nếu chúng ta sớn sác không quan sát kỹ lưỡng, cứ thế mà nhấc cái xác lên, thì tiêu tán đường thêm vài ông nữa. Tôi không biết cái vụ báo cáo của tôi có “linh” không, nhưng mà từ đó và nguyên năm cái năm 1974 không có phi vụ nào giống như vậy cả, mãi cho đến đầu năm 1975 là phi vụ của hai bạn Dương, Đắc…Cũng xin nói thêm ở đây, chúng tôi theo dõi và được biết cả hai xác viên phi công hy sinh ở nam kinh Bà Bèo giữa năm 1973 và nam chi khu Tuyên Nhơn đầu năm 1975 đã được bộ binh hành quân vào lấy ra được ở ngày hôm sau. Chớ còn mấy phi vụ rescue kiểu ‘Kinh Kha sang Tần’ là hoàn toàn vô khả thi, thất bại 100%….
Chúng tôi nhớ lại trên trang nhà Cánh Thép trong đợt đầu (vì Cánh Thép hoạt động một thời gian, rồi đóng cửa nghỉ cũng khá lâu, sau đó hoạt động trở lại) có đăng một bài viết của vị nào đó dường như ở cùng PĐ với phi công đã anh dũng hy sinh ở phía đông Ấp Bắc, mạt sát trách cứ chúng tôi nào là nhát gan, thiếu thiện chí v.v.. trong việc cấp cứu viên phi công rớt vào đầu năm 1975, như vậy ông ấy muốn nói tới phi vụ của 2 anh Dương và Đắc.
Thôi thì tôi hy vọng vị đó đọc được bài viết nầy, sau đó tự động giải oan cho chúng tôi. Sao bài viết vinh danh anh Dương lại có thêm cái phi vụ đi lấy xác của tôi nữa, để chi ? Là vì chúng tôi muốn chứng minh thêm cho qu‎ý‎ vị thấy anh em bên ngành Trực thăng sống rất có tình, có nghĩa với chiến hữu bất cứ quân, binh chủng nào, luôn luôn tâm niệm “Vì bạn, quên mình”, “Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè”.
Chính cái tâm niệm “oái oăm” đó đã xui phi hành đoàn của tôi và của hai bạn Dương, Đắc bay vào cái bẫy giăng của địch để rồi bị bắn te tua và thiệt hại nhân mạng. Cũng tâm niệm nầy đưa tổng số anh em tử vong bên ngành Trực thăng lên cao nhất, nếu đem so với các ngành khác trong KQ.
Kính thăm chị Dương và các cháu,
Nếu đọc được bài viết nầy thì xin chị cùng hai cháu nhận nơi đây những lời cảm thông chân tình cũng như lòng qu‎ý‎ mến vô biên của anh em Ác Điểu đối với chị và hai cháu. Chúng tôi thân chúc chị được dồi dào sức khỏe, hai cháu luôn gặp điều may mắn và thuận lợi trong cuộc sống.
Anh Dương ơi, chúng tôi chắc chắn một điều là anh đang an hưởng trên cõi Thiên đàng bởi vì tất cả các tôn giáo đều rao giảng và khẳng định giống như nhau là : những người chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận, họ luôn được rước về Thiên đàng hoặc Tây phương cực lạc một cách sớm nhất bởi các anh là người ân của Tổ Quốc, của Dân Tộc. Dù biết vậy nhưng chúng tôi vẫn thương tiếc anh. Trong những lần họp mặt anh em, chúng tôi luôn có một phút mặc niệm để tưởng niệm đến anh cũng như những anh đã ra đi quá sớm.
Bây giờ các anh ở trên cao, các anh được nhìn xa hơn và thấy rộng hơn mọi người, xin các anh dẫn dắt cách nào cho dân tộc Việt sớm trừ khử được bọn cộng sản tham ô, bạo tàn hầu kiến tạo một nước Việt Nam tự do, bình đẳng, phú cường, không lệ thuộc ngoại bang và có như vậy chúng ta mới mong đòi lại được một phần lãnh thổ biên cương cũng như lãnh hải biển đảo đã mất về tay giặc tàu. Đây chẳng phải là hoài bảo, là ước nguyện của các anh và của chúng ta hay sao ?
NGUYÊN QUÂN, PĐ225 – ÁC ĐIỂU
_______________________
(*) Nguyên Quân tôi tình cờ đọc bài viết ” Tưởng nhớ cố Tr/tá Nguyễn v. Ninh (Ninh De Gaulle) ” của KQ Nguyễn v. Chuyên trên HQPD nên mới biết N/T Ninh là người nằm ở lại phía nam kinh Bà Bèo mà tôi đã cố gắng đem thi thể ông về nhưng lực bất tòng tâm như đã tường trình. Ngày hôm sau cũng chính tôi bay Gunship 1 bảo vệ Hồng Điểu vào mang xác ông ấy ra.
Phải nói là rất biết ơn đơn vị Bộ binh, dường như 1 đại đội ĐPQ được yểm trợ bởi 1 chi đội Thiết kỵ M113 đã hành quân vào trong đó. Thêm chuyện lạ nữa là cả 2 vị anh hùng KQ nầy đều đã được lên lon nhưng vì nghị định chưa về kịp, cho nên khi họ mất mỗi người được lên tới hai cấp bậc.