TIẾNG HỜN CHÂN MÂY / Kỳ Cuối (Trần Thy Vân)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 9 people, people standing and outdoors

XUÔI NAM
Tình hình huyện Đức Trọng bỗng trở nên căng thẳng, đặc biệt khu vực từ Tùng Nghĩa vô Đại Ninh. Sau khi Sư đoàn 304 rời khỏi, nói là về Bắc, lại chuyển qua lấn chiếm Cam Bốt, một trung đoàn của Công Trường 10 Cộng Sản đến thay thế, rải quân khắp các thôn xã, và thêm một đơn vị công an biên phòng đồn trú tại hai buôn Thượng Jirong Tambor và R’chai.
Ban đêm bắt đầu 9 giờ tối, lệnh cấm rất ngặt, nội bất xuất ngoại bất nhập, khiến mọi sinh hoạt của người Thượng phải thu hẹp, đời sống khó khăn. Đã vậy, hai nhà thờ Tin Lành và Thiên Chúa đều bị đóng cửa, không một ai được lui tới hành lễ hay cầu nguyện, để cơ quan hợp tác xã Phú Hội dùng làm kho chứa ngũ cốc, hình thức cấm đạo.
Dĩ nhiên cư dân chống đối, lối chống ngấm ngầm, khi thì ù lì bất hợp tác, lúc công khai nhưng không xuống đường biểu tình như các giáo dân bên Đơn Dương. Thượng R’chai chẳng hề sợ cắt hộ khẩu hay thu hồi sổ mua thực phẩm hằng tháng, nên bọn cầm quyền địa phương càng áp bức họ không nương tay. Cô thôn này quyết tự chủ, trước mọi đe dọa, chấp nhận một trận chiến giữa xà gạc cán tre với súng đạn AK…
Rồi việc gì đến đã đến. Một sáng sớm, đột nhiên tôi nghe mấy phát súng nổ ở R’chai, kế đó, tiếng mõ, thùng thiết lẫn tiếng người kêu la inh ỏi. Tôi nhìn lên thấy một đám Thượng cầm xà gạc tràn xuống quốc lộ, rượt theo một người mặc đồ bộ đội về hướng trụ sở xã. Thì ra, người co giò chạy trối chết là Nguyễn Lệ, Trưởng Công An Phú Hội. Khi tới góc sân Lệ nhảy phóc qua hàng rào lủi vào nhà tôi. Hắn thở hổn hển như muốn đứt hơi, để khẩu K-54 trên bàn, rồi cột chặt lại sợi dây giày đã bung. Thấy miệng Lệ há hốc, tôi chưa tiện hỏi, hắn đã ngước cái mặt tái mét lên lắp bắp:
– Cho tôi miếng nước lạnh và anh dòm coi bọn Thượng có thằng nào tới không?
Tôi bảo đứa con pha cho Lệ một ly, còn tôi ra ngoài nghe ngóng động tĩnh. R’chai đã yên lặng. Tôi quay vô hỏi:
– Anh mới bắn ai, phải không?
Lệ đáp gọn lỏn:
– Thằng Thượng!
– Bị thương hay chết?
– Chắc chết.
– Sao bắn dân?
Tên công an giương đôi mắt đỏ ngầu:
– Tôi đang công tác kiểm tra nhân khẩu, thình lình nó bóp họng tôi. Coi nè, tôi không bắn sao được?
Lệ ưỡn cổ trước mặt tôi vi bằng. Tôi vừa lắc đầu vừa nghĩ thầm tự tay hắn cào thôi, không phải dấu bóp. Lệ nhát, luôn bị ám ảnh, nhìn ai ở R’chai hay Jirong Tambor, Gia Bá cũng tưởng là Fulro, hoặc tàn quân, nên khi thấy cử chỉ nạn nhân có vẻ khác thường là rút súng bắn ngay, bắn vô tội vạ.
– Vậy anh có bị phạt không?
– Bất quá mấy ổng đổi tôi về Quảng Ngãi. Tôi đi nghe!
Nguyễn Lệ đứng dậy, bước nhanh ra cửa, mắt láo liêng, chốc chốc ngó lui như sợ ai túm cổ. Một lát sau các cán bộ xã huyện, du kích hộ tống, rần rần kéo lên R’chai, và chẳng bao lâu họ quay về. Tôi vẫy tay gọi thằng nhóc Tú du kích, con bà Sáu nhà đầu xóm, đi lẽo đẽo sau cùng, lại hỏi cớ sự.
Tú cho hay:
– Anh Lệ bắn người Thượng khùng toét óc luôn. Dân chửi quá trời! Họ định làm to chuyện, huyện phải năn nỉ, hứa cho tiền chôn cất.
– Vậy sao? À, tôi nhớ rồi, cái thằng tàng tàng đó! Lý do gì ổng bắn nó, biết không?
– Anh Trưởng ban khai là nó bóp cổ ảnh. Hồi sáng nó tải bắp mướn. Khi mang một gùi nặng cả trăm ký, luôn luôn họ cầm cây gậy để khi đứng nghỉ, chống dưới đáy gùi cho nhẹ. Thằng Thượng đang trong tư thế đó thì tình cờ anh Nguyễn Lệ đi ngang trước mặt, đúng lúc nó nhớm người lên lấy cây gậy phía sau để di chuyển. Anh Lệ hoảng hốt, tưởng đâu nó vung xà gạc chém, liền rút súng bắn nguyên một băng K-54 nó nhào trái.
Đó là lời tường thuật của ông Ha Dú, chứng kiến sự cố từ đầu, công an huyện Đức Trọng lập biên bản. Cháu thấy xác nằm úp, chúi xuống vũng máu chết, bắp văng tung tóe, cái gùi thì đè trên lưng, không có dấu hiệu chứng tỏ nó bóp họng anh Lệ. Tội thiệt!
Tôi lấc đầu:
– Ông Trưởng Ban Công An Xã thế nào cũng tù.
Tú nhún vai:
– Mấy ông giải phóng trong rừng ra, tù gì? Bị kiểm điểm thôi. Năm ngoái, anh Cường xã đồn trưởng du kích, phơ một người nơm cá dưới thác Gu-ga rồi cũng huề. Dân R’chai giờ thù người kinh lắm! Chú chớ lên mua lúa mua gạo nữa.
Tôi cười và vỗ vai tên du kích dễ thương:
– Kinh là gọi chung người miền xuôi chúng ta, Thượng chỉ thù “cách mạng” thôi. Dân R’chai, như vợ chồng Ha Dú hay làm mướn cho tôi. À này Tú, mấy lúc tại sao du kích rình rập nhà tôi hoài vậy?
– Không nhớ rõ ai, bảo tụi cháu cứ vài đêm lên đây theo dõi coi, “ông cụt chân có hoạt động chống phá cách mạng không”. Rình mãi, thấy bình thường, nghe chú dạy mấy đứa nhỏ làm toán. Có hôm tự nhiên chú quát to: “Bị cướp hết rồi, tao còn con ‘kẹt’ gì nữa mà rình”. Tụi cháu lật đật xách súng chạy xuống cầu ôm bụng cười. Về cơ quan kể, các ông cũng cười lăn luôn.
Chú gan thiệt. Đợt chiến dịch hớt tóc tháng trước. Anh Bí thư bảo toán du kích đứng canh ngoài đường, gặp thanh niên nào tóc dài quá cỡ thì xỡn cụt. Chú từ Tùng Nghĩa về bị chặn vì tóc phủ xuống cổ áo, nhớ không? Đội trưởng Tiêm có giải thích việc phải thi hành, chú lại sừng sộ: “Nè, cắt cái đầu tao rồi tụi mày hớt”. Cự xong chú tống ga chạy tỉnh bơ. Sau, mỗi lần gặp chuyện cần, anh Lệ sai đi mời chú là Tiêm hay Thái đều lắc đầu Người ta đồn chú có gốc lớn, nhà bác Ba, mẹ chú, lúc nào cũng có cán bộ tỉnh chạy xe con xuống thăm…
Nghe Tú du kích xổ ra tôi khoái chí. Tôi làm bộ vênh cái mặt và nói úp úp mở mở, gián tiếp hù nó chơi:
– Ứ, gốc tôi lớn lắm, đằng sau trối gì! Nhưng mà phép vua thua lệ làng, Tú à!
– Giỡn chú, khi mưa lúc nắng có dù che, đỡ khổ chứ?
Tôi vừa cười vừa nói như thật:
– Tôi không cần ai che hết, chấp nhận khổ để tự lập.
– Thôi, trưa rồi, cháu xin phép về.
Dứt lời, thằng nhóc Tú vác khẩu AK47 muốn xệ một bên vai, đi thẳng xuống cây cầu đúc, nơi năm ngoái nó cùng đám du kích xã Phú Hội đứng ôm bụng cười khi nghe tôi văng tục, trỏ “kẹt” chúng nó.
Tú vừa đi, thì HT con ông bà Đắc, đột ngột đến. Không rõ đến với tin lành hay dữ, mà mặt chú em, người cùng HL từng mở các trận chiến bằng “đạn lòng” tấn công tôi tới tấp lúc ở chung, ra vẻ nghiêm nghị. HT bước vào, để cái xách tay dày cộm hồ sơ trên đầu phản, rồi nói:
– Em đi công tác Tùng Nghĩa về thẳng đây thăm anh.
– Công tác gì?
– Lập danh sách các tư nhân có xe bốn bánh, máy cày để nhà nước thu mua quản lý…
Gặp cơ hội tôi giũa ngay:
– Quản lý tức hình thức tịch thu, chuyển tên nhà nước làm chủ, có trả tiền đâu mà gọi là mua với bán? Kìa, ủy ban nhân dân xã lấy của người ta hàng trăm chiếc máy cày về bỏ phế ngoài trời cho mưa nắng. Đất đai, nhà to cửa rộng sung công chưa đủ, sắp tới các đại gia súc trâu bò cũng sẽ dắt nết…
Chợt nhớ hôm đầu năm tôi vẫn khẳng định vấn đề đó, và bọn cầm quyền có chủ trương bần cùng hóa nhân dân, thì HT vặn vẹo rằng tôi nói vô bằng cớ, nay gặp dịp tôi nhắc:
– Chú lập danh sách bao nhiêu nhà rồi?
– Phần em xưa rày trên vài chục. Chờ kiểm kê xong mới định ngày gom góp các thứ.
– Cách đây không lâu tôi nói chính sách của chủ nghĩa xã hội này dần dần sẽ tịch thu hết các tài sản lớn của nhân dân, chú phản đối, bảo tôi chứng minh điều đó là sự thật, thì bây giờ đã rõ, chú vừa xác nhận bằng giấy trắng mực đen nơi cái cặp hồ sơ của chú đây…
Tôi lấy điếu thuốc đốt hút rồi lên lớp hắn tiếp:
– Chú đâu biết, theo Cộng Sản mà không hiểu Cộng Sản là một cái tội đối với chúng! Stalin đã bắn vỡ sọ một tùy viên của hắn chỉ vì nạn nhân chưa quán triệt, kinh qua chủ trương, đường lối Marxist. Đó là lý thuyết, tư tưởng xa vời, thực tế thì, tội nghiệp chú, vì hư danh, tư lợi nhất thời khiến chú mù quáng tiếp tay cho một lũ hèn từ phương Bắc xâm lăng miền Nam với mục đích duy nhất là cướp tài sản của dân mà thôi?
Cậu Tú, đậu tú tài phổ thông IBM (A, B, C khoanh) niên học 1973-1974, mặt xanh dờn, đâm ra ấm ớ:
– Em không thể làm khác khi muôn người như một.
– Tôi không bảo chú làm khác chủ trương của Đảng, chú phải thi hành, nhưng có cái vô nhân đạo không nên đồng lõa. Tôi muốn nói đến tình gia đình. Ví dụ năm ngoái, lúc tôi còn ở chung nhà, ba chú vừa đuổi ruồi vừa quát: “Đuổi, đuổi cho bọn Biệt Động Quân rớt phăng xuống biển”. Nghe vậy, chú cũng khoái chí cười ha hả trên sự đau khổ người khác. Xách mé quá hạ cấp. Chi vậy? Nhiều lắm tôi không nhớ hết.
Chú đừng nghĩ tôi phản động, chống đối tư tưởng chú, tôi chỉ nhắc đạo làm người, ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây, đừng phản tặc. Còn chú nói muôn người như một? Nhìn chung thì tất cả đồng dạng, cùng màu da giống máu, nhưng chưa chắc đồng tâm đâu. Xin lỗi, tôi không bao giờ nằm trong số muôn người theo lối chú nói. Dứt khoát, không những tôi dị mộng, mà còn chẳng đồng sàng với ai trong cõi ta bà này…
Đang lúc hai anh em hục hặc nhau thì Út R’chai bước vô. Thấy HT mang khẩu K54 bên hông, bản mặt chăm vằm, ngồi một đống nơi giường, Út không dè dặt, nhếch miệng cười nói tỉnh bơ:
– Vân lên coi kìa !
– Coi gì?
– Cô chủ quán ở Định An, gần R’chai, vừa bị bộ đội Sư 10 hiếp xong giết luôn.
Tôi trố mắt:
– Hồi nào?
– Đêm qua. Sáng nay mới phát giác.
– Sao biết thủ phạm là bộ đội Sư 10 Cộng Sản Bắc Việt? “Cách mạng” mà cũng dữ vậy à !
Út đưa tay chỉ về hướng nam:
– Đây vô Đại Ninh, qua khỏi R’chai, cái quán nằm trong dãy nhà bên trái đường, cô vừa bán hàng vừa may vá. Chỉ có bộ đội thường xuyên tới rồi xảy ra chuyện “bề hội đồng”. Ác độc nhất, tập thể hãm xong, chúng lấy cây nọc dí vào âm hộ nạn nhân cho chết. Sáng nay một số đã bị bắt. Đồng bào làm reo, đòi trừng phạt ngay tại chỗ, nhưng các sĩ quan họ nói bộ đội phạm pháp phải đem về Bắc xử. Chắc để tránh tiếng…
– Chứ. gì nữa, chuyện xấu của những bộ mặt giả nhân giả nghĩa chẳng lẽ phô ra tại vùng đất mà họ vào để giải phóng hay “phỗng gái” mọi áp bức, nô lệ, phải không HT? Đi, mình đi coi, Út!
HT đứng dậy :
– Coi gì ba chuyện bậy bạ. Thôi, em về.
Tôi cười:
– Chuyện “nhất trí, muôn người như một” sao bậy?
HT vội xách cặp vừa bước ra khỏi cửa vừa lằm bằm trong miệng: “Nói móc hoài”.
Út nhìn tôi:
– Bộ muốn đi xem thiệt hả?
– Tôi nói vậy để đuổi khéo cái thằng cách mạng 30, chứ xem gì. Hồi nãy Út chưa đến, tôi đã dạy nó một bài học.
– Kỳ trước anh kể bốn cha con chú này luôn luôn sinh sự với anh chứ gì?
– Ừ! Trở lại vấn đề. Thường thì quán đó bán tới mười giờ tối cô ta đóng cửa vô nhà cha mẹ phía sau ngủ mà?
– Đêm đại nạn, ông bà già đâu biết, tưởng cô ta bận may đồ gấp nên thức khuya. Sáng ra mới hay sự thể. Sư đoàn 10 tới thay Sư 304 tháng trước, chưa gì đã lòi đuôi chồn. Còn vụ công an Lệ bắn chết thằng em Ha Dú R’chai nữa.
– Còn bắn dài dài. Như Út biết, nghĩa địa sau lưng nhà tôi đây chúng lôi người vào bắn khá bộn rồi…
Bỗng Út làm mặt nghiêm:
– Hôm qua Trung úy Cẩn công an ghé tôi chơi có đề cập đến Vân. Hơi bất ổn.
Nghe Út nói, tôi hiểu ngay một phần những điều tôi nghĩ từ lâu Tuy nhiên, để rõ thêm tôi hỏi Út:
– Bất ổn chuyện gì mà ông Cẩn lại nói với Út?
– Nghe sao tôi nói vậy, đừng buồn. Trong lúc ăn trưa Cẩn có nhậu vài ly rượu chanh. Anh ta nói Vân có lắm vấn đề, cơ quan Cẩn đang theo dõi. Ví dụ, anh cho hai đứa con, Phương và Trang, thôi học, vì ngại tụi nhỏ sẽ ảnh hưởng văn hóa mị dân, đầu độc trẻ thơ. Anh công khai nêu dẫn điều đó với ông Hiệu trường trường Tiểu Học Phú Hội. Lần khác, anh đang ngồi trên chiếc Honda ba bánh của anh đậu trước trụ sở xã, có một nhóm thanh niên đi làm thủy lợi đứng nhìn. Thấy anh tàn phế họ tỏ ý thương, anh lại nói to: “Đời lính tôi đã giết cả ngàn kẻ thù, nay cụt hai chân tôi vẫn còn lời chán”. Ông Cẩn còn kể, mới đây anh dám kêu đích danh Trưởng công an xã Lê Thanh Tùng, vừa lên thay Nguyễn Lệ, ra chửi thậm tệ trước mặt mọi người tại cửa hàng hợp tác xã mua bán…
– Rồi ông Cẩn kết luận sao?
Út tỏ vẻ lo lắng cho tôi:
– Qua cách nói, tôi biết ông Cẩn cảm tình anh, nhưng về quan điểm chính trị anh có thể bị ghép tội. Nặng nhất là anh sỉ vả tên cán bộ người Bắc Hiệu trưởng trường Tiểu Học Phú Hội..
– Tôi nhớ mọi chuyện. Tôi phản đối lối giáo dục, bắt học trò lao động, một tuần lễ hết ba ngày dầm mưa dãi nắng để cuốc đất trồng khoai, tỉa bắp; vô lớp thì cứ hát ca ngợi các ông lớn nhiều hơn học, những bài tập đọc thì chửi lại cha mẹ anh em. Ngày dắt hai con về, tôi nói thẳng với cô giáo đặc trách lớp và ông Hiệu trường: “Tôi không muốn con tôi ảnh hưởng một nền giáo dục u ám, như đám mây đen, che khuất những hình ảnh tươi đẹp của quê hương”. Nghe nói thẳng mặt vậy, dĩ nhiên chúng không hài lòng. Không sao. Cám ơn chú báo tôi biết tin tức đó. Tôi sẽ bán nhà dọn đi nơi khác, tôi chẳng muốn ở đây thêm chút nào nữa.
Trước khi ra về, người bạn lâu năm nắm tay tôi, nói bằng một giọng buồn buồn:
– Với chế độ này anh là cựu sĩ quan VNCH khó yên thân.
o O o
Vừa ra khỏi Bảo Lộc, con phố buồn quen thuộc, nơi ngày xưa tôi đã đôi lần dừng chân sau các trận đánh cao nguyên, khi còn phục vụ ở Tiểu đoàn 11 Biệt Động, tôi vặn thêm tay ga cho xe chạy nhanh hơn. Chung quanh, núi đồi trùng điệp, vắng lạnh. Bức tượng trắng Mẹ Maria trên vách đá, dấu đạn của kẻ vô thần bắn lỗ chỗ hai bên gò má, nhưng khuôn mặt Mẹ vẫn còn rõ nét hiền từ, nhìn thế gian đầy hiểm ác. Dù tôi ngoại đạo cũng cầu xin Đức Mẹ cho tôi qua khỏi chốn này bình an.
Đang chạy, rờ-mọt đằng sau bỗng chao đảo, khiến chiếc Honda ba bánh bị tròng trành lắc mạnh rồi nằm nghiêng vẹo, như được ai ghìm giữ ở vị thế chênh vênh sát miệng hố thẳm rất lâu. Tôi nghĩ chắc thần linh cứu độ. Khi hoàn hồn tôi mới nhớ đây là đèo “Ba Cô”, con dốc chúi nhủi giữa tuyến đường QL20, nơi ba cô gái bị xe trút chết bất đắc kỳ tử, linh thiêng.

Nhìn xuống chân đèo sâu hút mây phủ ngập, với hai chiếc xe chở nặng người và đồ đạc, thắng lại không ăn, tôi thấy rõ nguy cơ trước mắt. Nhưng trên bước đường cùng xuôi nam tôi phải lao đi, rồi bốn cha con ghì chặt nhau thả dốc mà như bay bổng, tưởng chừng không bao giờ hạ cánh.

TRẦN THY VÂN